ĐẤT NƯỚC NHÌN TỪ ĐỈNH CAO YÊN TỬ
Dương Trung Quốc
Hà Nội những ngày cuối năm, nắng đẹp lung linh một màu trầm tích. Đó là dịp kỷ niệm 700 năm ngày vua Trần Nhân Tông nhập diệt. Một dịp để nhìn lại đất nước từ đỉnh cao Yên Tử.
Trần Nhân Tông là vị vua thứ ba của vương triều Trần. Ông lên ngôi lúc mới 20 tuổi (Mậu Dần 1278). Hai mươi năm trưởng thành trong sự giáo dưỡng của vua cha là Trần Thánh Tông, người được lên ngai vàng sau khi vị vua đầu triều cũng là người lãnh đạo cao nhất của cuộc kháng chiến rút lên làm Thái thượng hoàng, đến lượt Trần Thánh Tông theo cách của tiên đế cũng trao ngai vàng cho con mình là Trần Nhân Tông kế vị.
Người trẻ sớm được trao quyền lực nhưng vẫn được người tiền nhiệm trong cương vị thượng hoàng kèm cặp đào luyện. Nó cho thấy cả một tầm nhận thức của triều đại nhà Trần dù đã làm nên chiến công hiển hách đánh bại đạo quân xâm lược hùng mạnh của đế quốc Nguyên – Mông trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất (1228) những vẫn cảnh giác và dự phòng một trận chiến tranh xâm lược thứ hai (1285) và trên thực tế là cả cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ ba (1288).
Chính nhờ vậy, sau khi lên ngôi được ngót thập kỷ, sau bao nhiêu ứng xử khôn ngoan và bền bỉ trên mặt trận ngoại giao, và chuẩn bị thực lực phòng thủ quốc gia mà lịch sử đã ghi nhận các sự kiện như Hội nghị Bình Than bàn kế sách giữ nước, hay tập trận thuỷ ở Đông Bộ Đầu, Trần Nhân Tông và triều đại cùng nhân dân Đại Việt của mình liên tiếp chỉ cách nhau 3 năm đánh thắng 2 cuộc chiến tranh “tổng lực” của Nguyên – Mông lúc này đã thống trị toàn Trung Hoa.
Khi đó vị nguyên thủ quốc gia mới ở độ tuổi 27-30. Cần nhắc thêm khi đánh trận đầu (1258) Trần Quốc Tuấn mới 30 tuổi. (Và đánh thắng trận cuối gắn liền với chiến công Bạch Đằng lừng lẫy người anh hùng được dân phong Thánh vừa tròn tuổi 60).
Một bức tranh tổng thể của ba mươi năm chống giực Nguyên-Mông cũng là 30 năm đầu đời để Trần Nhân Tông bước vào tuổi “tam thập nhi lập” đã đủ lòng tự tin đưa ra một lời tuyên ngôn về thế nước của một thời đại được gọi là “hào khí Đông A”:
“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Xã tắc hai phen phiền ngựa đá/Non sông ngàn thưở vững âu vàng)
Nhưng thực ra nếu chỉ làm con tính cộng lại thì thời gian chiến trận diễn ra trên đất nước 3 lần giặc tràn qua mỗi lần cũng chỉ là vài tháng. Chiến tranh bao giờ cũng chỉ là những khoảnh khắc của lịch sử.
Còn diện mạo lịch sử quan trọng hơn chính là đời sống của một dân tộc tạo nên những giá trị về đạo lý trong đời sống lao động và trong công cuộc trị nước mà kết cục chiến tranh chỉ là tấm gương phản ảnh sức mạnh của dân tộc và thời đại ấy vào những thời điểm khắc nghiệt nhất mà thôi.
Đất nước luôn mang sức sống của tuổi trẻ nhưng lại có kinh nghiệm của những con người đã từng trẻ.
Vai trò của cá nhân hay của một triều đại đối với lịch sử cũng được đời sau soi xét từ đây. Người đọc sử rồi viết sử thời Trần, nhất là vơi hai niên hiệu Thiệu Bảo (1279-1284) và Trùng Hưng (1285-1293) thường nói nhiều đến sự khoan nhường với dân sự khoan hoà đối với cái thiên hạ, sự khoan dung đối với kẻ đối nghịch, sự khoan giản an lạc của xã hội v.v…
Bức tranh ấy hợp với tinh thần từ bi hỉ xả của đạo Phật lúc này cũng như thời Lý vẫn chiếm vị thế thượng tôn và chính Trần Nhân Tông cũng là một vị Phật hoàng hiểu theo cả nghĩa Đời là Vua, và Đạo là người khai sáng một Phật phái Thiền Việt, làm nên một đỉnh cao Yên Tử vòi vọi trong dòng lịch sử Việt.
Sau ngày thắng giặc Nguyên Mông, trước khi rời bỏ ngai vàng rồi toàn tâm cho việc tu hành, với tầm nhìn xa trông rộng, để củng cố cho xã tắc “vững âu vàng”, Trần Nhân Tông còn đưa tầm nhìn khắp để vừa cảnh giác với phương Bắc vừa định vị cho con đường phát triển về phương Nam. Cầm quân đánh dẹp tiêu trừ những nguồn bất ổn hay gả Nàng Huyền Trân cho Vua Chiêm cũng chỉ vì muốn gây nền thịnh trị lâu dài cho Đại Việt…
Ngô Thời Nhậm sau này khi bình về việc Trần Nhân Tông, cũng theo gương các vị vua cha lên núi Yên Tử, đương nhiên Ngài lo việc tu cho Thiền phái Trúc Lâm mà ngài là Đệ nhất tổ nhưng vẫn còn một gánh nặng đời trần canh cánh đó là:
“Ta biết rằng đức Ngài lúc bấy giờ biết xem thiên hạ là công, trong nước vô sự, nhưng ở phía Bắc vẫn có nước láng giềng mạnh mẽ, chưa được an tâm. Cái ý ấy không tiện nói rõ, sợ người ta dao động. Cho nên, nhằm được ngon Yên Tử là núi cao nhất, phía đông nhìn về Yên Quảng, phía Bắc liếc sang tỉnh Lạng, dựng nên ngôi chùa, thời thường dạo chơi , để xem động tĩnh, cốt đề ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm, thật là một vị Vô lượng Lực Đại thế chí Bồ tát”.
Mùa xuân nay nhìn lại mùa xuân xưa, thấy những con người khổng lồ trong lịch sử thường là những con người được đào luyện và làm nên những sự nghiệp lớn khi tuổi còn rất trẻ – như Trần Nhân Tông là một biểu tượng.
Bởi lẽ ai rồi cũng già nhưng biết cách nuôi dưỡng truyền trao như các nhà lãnh đạo thời Trần thì đất nước luôn mang sức sống của tuổi trẻ nhưng lại có kinh nghiệm của những con người đã từng trẻ. Đó chính là sức trẻ trung của một dân tộc ở thời đỉnh cao thịnh trị như như nhà Trần mà muôn đời dân tộc ta mơ ước.
Dương Trung Quốc
(Tiền Phong)
01-26-2008 09:23:13
Discussion about this post