CHUYỂN MÀ BẤT CHUYỂN
Chân Hiền Tâm
Thời tiết xoay vần xuân lại thu
Xăm xăm tuổi trẻ đã bạc đầu
Giàu sang nhìn lại một trường mộng
Năm tháng ôm suông một hộc sầu
Xuân, hạ, thu, đông rồi xuân, hạ, thu, đông. Bốn mùa thay đổi. Xuân đến là xuân sinh. Xuân đi là xuân diệt. Đông đến là đông sinh. Đông đi là đông diệt. Sinh sinh diệt diệt xoay vần. Con người sinh ra rồi chết. Khoảng giữa ấy là bệnh và lão. Cũng có những khoảng lão bệnh không hiện hành, chỉ thấy sống và chết vội vả.
Chết thật nhiều mà sinh cũng không ít. Cứ theo nghiệp lực mà đi, từ dạng này sang dạng khác, từ con người sang súc sinh, lên thiên đường rồi xuống địa ngục. Cảnh giới theo đó mà thay đổi. Thiên đường dù đủ bốn mùa, hạ cũng mát mẻ, đông chẳng cô hàn. Địa ngục dù đủ bốn mùa, cũng loang quanh với hàn lạnh và nóng bức. Chỉ cõi người là pha trộn mọi thứ. Một chút thiên đường. Đủ để lôi người đời tham sống sợ chết. Một chút địa ngục. Đủ để người đời dừng lại và quay đầu. Rất nhiều thứ đang rục rịch để biết sự sống đang hiện diện. Sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, như bồn mùa xuân, hạ, thu, đông, mưa rồi nắng.
Sinh và diệt, sống và chết là hai trạng thái bắt đầu và chấm dứt của một hiện tượng hay một sinh vật. Khoảng giữa ấy là trụ và dị. Sinh ra và tồn tại đó, là trụ. Một sự tồn tại luôn biến dịch, không trạng thái nào giống trạng thái nào, là dị. Người đời chỉ thấy sinh, trụ rồi diệt. Ít ai nhận được mặt biến dịch liên tục này trong đời sống con người. Song đời người là thế. Các sinh vật khác cũng như thế. Biến dịch thay đổi lên tục. Chết, nhưng không phải ngay lúc chết ấy mới chết, mà đang chết từng giờ, từng phút, từng giây, trên từng sát na. Chính cái chết trong từng sát na đó mà con người trưởng thành, lớn lên, già và … chết.
Trong hội Lăng Nghiêm, khi được hỏi về thân thịt của mình là kim cang hay hoại diệt, vua Ba-tư-nặc trả lời: “Bạch Thế Tôn! Thân con hiện nay rồi cũng hoại diệt”. Phật hỏi: “Ông chưa từng diệt, sao biết sẽ diệt?”. Ông không trả lời nhìn thiên hạ thì biết. Có ai sinh ra mà không chết? Sống thọ như Bành Tổ rồi cũng chết. Đạo lực như Phật rồi cũng chết. Dù tôi đòi cùng kiếp hay tôn quý tột bực, có sinh là có diệt, chỉ là sớm hay muộn, trẻ hay già. Chết thì thân hoại mạng chung… Ông trả lời, thân vô thường biến hoại của con đây, tuy chưa từng diệt, nhưng con thấy hiện tiền mỗi niệm dời đổi mãi không dừng, như lửa thành tro dần dần tiêu mất. Vì dứt mãi không dừng, nên con biết thân này nhất định phải theo đó mà hoại diệt. Một cái thấy không như người đời. Biết thân này sẽ diệt vì hiện tại thân này đang dời đổi. Như lửa nương củi mà cháy. Củi thành tro, lửa cũng dừng. Nếu thân này không có sự biến dịch, ắt con nít không thành người lớn, người lớn không thể già đi, và người già cũng không thể chết. Song con người sinh ra, lớn lên, già và chết. Mọi thứ thay đổi không dừng. Phật nói: “Niệm trước diệt làm duyên cho niệm sau sinh”[1]. Cái trước phải diệt, cái sau mới sinh. Niệm trước không diệt, không đủ duyên để niệm sau sinh. Qui luật phủ định của phủ định mà các nhà Duy vật biện chứng đã nói cũng có cái nhìn tương tự. “Một sự phủ định làm tiền đề tạo điều kiện cho sự phát triển, cho cái mới ra đời thay thế cái cũ. Đó là sự phủ định biện chứng”[2].
Thân tâm mình không phải là một khối bất di bất dịch. Nó là một dòng chuyển biến liên tục, nhưng mình không thấy được điều đó. Mình không thể thấy thân mình trước hai giây và sau hai giây không còn như nhau. Mình không có thời gian để chiêm nghiệm như vua Ba-tư-nặc từng chiêm nghiệm. “Tuy thấy cái già thay đổi giới hạn trong mười năm, nhưng xét kỹ con thấy không những nó thay đổi trong mười năm hay hai mươi năm mà thực nó thay đổi từng năm. Chẳng những nó thay đổi từng năm mà thay đổi từng tháng. Chẳng những nó thay đổi từng tháng mà thay đổi từng ngày. Chẳng những nó thay đổi từng ngày mà xét kỹ là thay đổi từng sát-na. Trong khoảng một niệm không dừng…”[3]. Trẻ con, trưởng thành và già nua, tướng chúng không như nhau. Không phải chỉ ba tướng đó mà tất cả tướng ở thế gian đều đang biến đổi trên từng sát-na. Tướng của sát-na trước không phải là tướng của sát-na sau, chúng khác nhau. Đã có một sự chuyển dịch, âm thầm, vượt ngoài cái thấy thường tình của người đời.
Tuy vậy, Trung luận nói:
Không sinh cũng không diệt
Không thường cũng không đoạn
Không một cũng không khác
Không đến cũng không đi
Đọc thì ai cũng đọc được, nhưng hiểu thì không mấy người hiểu. Hiểu thì có thể hiểu được, nhưng không mấy ai có thể thực nghiệm để họa thành thơ như Trúc Lâm Đại Đầu Đà:
Ngày nay, khám phá mặt Đông hoàng
Thiền bản, bồ đoàn, ngắm hồng rơi
Bộ mặt Đông hoàng, tánh thực của vạn pháp. Tánh đó không sinh cũng không diệt… Xuân, thu thấy có đến đi mà thật là không đến đi, thấy có sinh diệt mà thật không có sinh diệt. Thân này thấy có sống chết mà thật là không sống chết, thấy có chuyển biến mà thật không có chuyển biến. Nói “mà thật…” là muốn nói tướng thấy có đó mà bản chất thì không, như ngủ rồi mộng, mọi thứ thấy diễn biến như thật nhưng chỉ là mộng, ngay trong mộng chúng đã không, không đợi tỉnh mộng mới thành không. Tướng thấy chuyển mà không lìa tánh bất chuyển. Tướng thấy sinh mà không lìa tánh bất sinh. Tướng thấy diệt mà không lìa tánh bất diệt. Nên sinh mà không sinh, diệt mà không diệt, đi mà không đi, đến mà không đến. Tướng thì thấy có mà tánh thì không. Nói không, chẳng phải cái không đối với có mà là cái không vượt ngoài có và không, chỉ tùy duyên hiện có hay không. Tuệ Trung Thượng Sĩ nói kệ:
Đoán rằng không hữu chẳng khác nhau
Sinh tử vốn từ mạch sóng cao
Trăng sáng tối qua, nay trăng sáng
Hoa cười năm mới, năm cũ hoa
Không và có, tướng thấy khác nhau mà tánh thật không khác. Sinh tử hiện tiền do bởi vọng tưởng trào dâng, chẳng có gốc thật. Sóng mòi dù lăn tăn hay ồn náo vẫn không ngoài biển cả mênh mông. Một niệm bất giác tâm động, theo đó lưu chuyển mà có chúng sinh và thế giới. Vọng dừng thì sinh tử dứt. Chẳng theo vọng tưởng thì trăng sáng tự hiện. Qua hay nay, trăng vẫn không khác. Nở hay tàn vẫn chỉ là hoa. Nơi những lưu chuyển không dừng, vẫn hiện diện ở đó một dòng bất chuyển.
Đại sư Hám Sơn, khi còn trẻ, đọc được bài kệ trong Triệu luận, khởi nghi tình đối với nghĩa “bất chuyển” trong nhiều năm. Đến khi khắc lại luận đó, đọc lại bài kệ, hoát nhiên đại ngộ. Đứng lên lễ Phật thì thấy thân mình không có tướng lễ xuống hay đứng lên. Nhìn trời, thấy gió thổi lá rơi mà lá không có tướng nào động. Tiêu tiểu nhưng không thấy nước có tướng lưu chuyển, mới nhủ với mình rằng: “Nếu chỉ dùng cái tri thức đây để hiểu, mà không phải là chân tham ngộ, thì không thể không khỏi nghi”. Đúng là không có sự trải nghiệm thì không thể hiểu những gì xảy ra không theo lối thường tình. Rồi như nhắn nhủ với mọi người: “Động tịnh đến cùng cực không dễ gì nói cho người khác tin. Những lời nói ấy, chỉ cốt người lìa ngôn nhận ý, không chấp theo ngôn từ mà đánh mất ý chỉ”[4]. Những lời nói ấy, chỉ cho bài kệ mà Tăng Triệu nói về nghĩa bất chuyển.
Gió bão bay núi mà thường tịnh
Nước sông đổ gấp mà chẳng trôi
Bụi trần lăng xăng mà chẳng động
Trăng qua bầu trời mà chẳng đi
Mấy ai trong cõi nhân gian thấy được gió bão bụi trần lăng xăng mà không động? Chỉ thấy xuân, hạ, thu, đông rồi xuân, hạ, thu, đông. Xuân đến rộn ràng, bướm lượn chim ca. Đông sang u ám, gió lạnh cô lòng. Tình cảm theo đó như nước thủy triều, lênh lênh láng láng. Bầu rượu túi thơ nương đó ngút ngàn, vui buồn theo cảnh vật đổi dời. Tĩnh lặng bên trong nhường chân cho niệm tưởng lăng xăng. Cảnh động bên ngoài, thêm đầy vơi được mất. Không có chỗ để tĩnh mặc. Không còn chỗ cho tâm yên. Bởi đó, không thể nào nhận được ngay cái động, động mà vẫn tịnh. Trong cái tịnh, tịnh không lìa động. Tịnh động làm duyên cho nhau cùng sinh khởi. Thực nghiệm được mặt duyên khởi này của pháp thì sống được với bộ mặt Đông Hoàng. Tịnh duyên động còn chưa có phần, bộ mặt Đông Hoàng làm sao nhận được?
Nghiệp thức của phàm phu, chỉ thấy được mặt lưu chuyển của vạn pháp. Xuân đến, xuân đi, thu tàn, đông đến. Mọi thứ luôn rộn ràng nhộn nhịp. Thánh Nhị thừa, nhận được mặt không tịch của vạn pháp, an trú trong Niết-bàn tịnh lạc, không còn thấy đổi dời, không còn thấy thu đông, chỉ một trời an lạc bình yên. Phàm phu đuổi theo cái sinh. Nhị thừa trú trong cái diệt. Chỉ bậc “không thánh không phàm” mới nhận được mặt động tịnh không hai, sinh tử tức Niết-bàn, gió bão bay núi mà thường tịnh, trăng qua bầu trời mà chẳng đi. Đi đi đến đến mà chưa từng đi đến. Sinh sinh tử tử mà chưa từng tử sinh. Bởi vậy, vào trong sinh tử mà không nhuốm màu sinh tử, được mất dẫy đầy mà không vướng mắc buồn vui. Chỉ biết nhắn lại với hậu sinh “Giàu sang nhìn lại một trường mộng/ Năm tháng ôm suông một hộc sầu”. Bận tâm chộn rộn cả đời, ra đi cũng hai bàn tay trắng. Lẫn mộng thành thực, đuổi theo hư vọng, vui, buồn, sầu, bi, khổ, não theo đó mà sinh. Sinh rồi huân, tích tụ mà thành chướng. Phàm phu, phiền não sở tri hộc nào cũng đủ. Thánh nhân chưa hết phân biệt, chưa thể thoát hộc sở tri. Sinh tử nương đó mà triền miên. Phàm phu, bị cái khổ của Phần đoạn tử. Thánh nhân, Biến dịch tử chẳng thể không.
Thánh Nhị thừa chứng nghiệm cõi này vô thường tạm bợ. Không đợi thánh Nhị thừa mới chứng nghiệm được điều đó. Những kẻ lang thang phố chợ bây giờ cũng thấu được như ai. Không có gì còn hoài. Không có gì đứng yên. Sinh ra, lớn lên rồi chết. Chỉ là sớm hay muộn, lâu hay mau. Cuộc đời quả vô thường! Ừ, không thường chút nào! Không thường nhưng không đoạn. Chỉ là sự thay hình đổi dạng. Chết, để có một đời sống khác. Bởi vòng nghiệp lực vẫn còn. Thành đừng nghĩ chết là hết mà buông trôi rồi … hối tiếc. Chết, chưa hết. Mọi thứ đang tiếp diễn. Vòng nghiệp lực vẫn đang xoay. Bởi thế, đông dù u ám bao nhiêu cũng đừng chơi dại mà tự tử. Khổ đau một trời không thể thoát. Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, muôn kiếp lầm than. Bởi không thường mà không đoạn. Ngay cái không thường không đoạn ấy, bộ mặt Đông Hoàng vẫn đầy đủ. Sao chẳng lìa đoạn lìa thường mà nhận lấy?
Ba-tư-nặc sau khi giải trình xong thân con không chỉ biến đổi từng năm, từng tháng, từng ngày mà biến đổi trên từng sát-na, liền được hỏi: “Ông thấy sự thay đổi không dừng nên nhận ra sự hoại diệt nơi thân ông. Nhưng ông có biết trong tấm thân hoại diệt ấy, có cái gì không hoại diệt?”. Nhà vua trả lời không biết. Không biết do vô minh, chẳng phải nhờ hết sở tri phân biệt. Phật nói: “Nay tôi chỉ cho ông tánh chẳng sinh chẳng diệt”. Phản phất đâu dó hơi hướm của Trung luận, Bát-nhã, Lăng-già…
– Đại vương! Như ông nói, khi hai mươi tuổi đã già hơn mười tuổi. Đến sáu mươi tuổi, năm tháng ngày giờ niệm niệm đổi dời. Vậy khi ông ba tuổi thấy sông Hằng, so với khi sáu mươi thấy sông Hằng, cái thấy ấy thế nào?
– Bạch Thế Tôn, ba tuổi hay sáu mươi đều không khác.
– Nay ông cảm thương tóc bạc da nhăn, mặt ông nhất định nhăn hơn trước, nhưng cái thấy sông Hằng lúc lên ba và khi sáu mươi, có già có trẻ?
– Bạch Thế Tôn, không vậy.
– Đại vương! Mặt ông tuy nhăn mà tánh thấy chưa từng nhăn (Phật nói tánh thấy, chẳng nói cái thấy). Bị nhăn thì biến đổi mà không bị nhăn thì chẳng biến đổi. Biến đổi thì phải chịu sự hoại diệt. Chẳng biến đổi vốn không sinh diệt. Vì sao trong ấy lại chịu cái sinh tử của ông, mà ông dẫn lời của nhóm Mạt-già-lê bảo rằng thân này sau khi chết hoàn toàn mất hẳn?
Thân này không thường nhưng không đoạn, không có gì mất hẳn. Sinh, diệt, đến, đi, một, khác… đều không lìa bộ mặt Đông hoàng không sinh, không diệt, không đến, không đi, không một, không khác… Nghĩa là, “Trong thân sinh diệt có tánh không sinh diệt. Hiện tiền sinh diệt như kia, chẳng sinh chẳng diệt như đây. Chân tại vọng, thật tại hư, phân biệt tùy duyên, biết bóng ngựa đâu phải vật khác. Vô thượng bí mật chỉ tại trước mắt, do bất giác đổi dời mà trôi nổi trong nhiều kiếp. Xét về con mắt, nhất định có cái thấy, lỗ tai nhất định có cái nghe, một người phản quan, ngàn thánh đồng một con đường, liền đó tự tin thì mười đời chẳng đổi. Đâu cần đợi bỏ thân này sinh đời sau mới biết chẳng sinh chẳng diệt? Một phen nhận nghĩa dời đổi, niệm niệm chẳng dừng, há chẳng phải là tâm sinh diệt? Tâm mê, lầm thân tâm và thế giới thì theo đó nổi trôi chẳng an trụ. Chính khi ấy gặp mặt theo nhau, nếu tự chẳng phải túc trí, chưa dễ gì rõ biết. Nên Thế Tôn vẫn hỏi, ngày nay xem sông Hằng và xưa kia, có già có trẻ? Chân tánh đã bày, chẳng rơi vào suy nghĩ, tùy thấy, tùy biết, xưa nay đâu khác. Là Thế Tôn vì chúng sinh trong mê mà lựa ra cái không mê. Một chỗ tự giác thì toàn thể đều rõ. Cho nên nói, hiện lượng của năm căn, cùng với thức thứ tám đồng công, thường tại trước mắt mà chẳng tự biết, một phen gặp được liễu duyên, liền đồng bổn đắc[5]. Hội chăng?
Ánh thu đen trắng tùy duyên hiện
Sen nở hương nồng chẳng dính nhơ
Khúc nhạc xưa nay nên gẩy hát
Chớ tìm nam bắc với đông tây [6]
Discussion about this post