TẬP 2.
CÁCH LY: CƠ HỘI TU TẬP
ĐỂ PHÁT TRIỂN TINH THẦN VỮNG MẠNH VÀ LÒNG BÌNH AN
Chương 1. Chuyển sự lo lắng, sợ hãi và khổ đau thành cơ hội phát triển hạnh phúc kỳ diệu
Do dịch bệnh Covid-19 lây lan nhanh chóng ở khắp nơi trên thế giới nên hiện nay nên có rất nhiều nơi đã ban hành lệnh cách ly cho cả nước hay cho từng khu vực lớn hoặc nhỏ. Một cách tổng quát, cách ly là ai ở đâu thì ở yên đó, không ra đường nếu không có chuyện cần thiết phải làm như đi chợ, mua thuốc, khám bệnh hay đi làm việc và mọi người tránh gần nhau trong phạm vi 2 thước và phải đeo khẩu trang. Trong trường hợp dịch bệnh tăng quá nhiều trong một địa phương thì các cơ quan chức năng áp dụng lệnh phong tỏa khu vực. Dân chúng hoàn toàn ở trong nhà 100%, cấm triệt đễ không ai được ra khỏi nhà, người nào ra đường sẽ bị phạt, thực phẩm được mang đến phát cho từng gia đình. Các biện pháp này được thực thi ở nhiều nước và được đánh giá là có kết quả nhanh chóng và hữu hiệu để ngăn chặn dịch bệnh.
Trong thời gian bị cách ly hay bị phong tỏa nhiều người thấy khổ. Đó là khổ thọ, cảm giác làm cho mình khó chịu, bức rức, bực bội, không ưa thích làm phát sinh ý muốn làm cái gì đó cho hết khổ. Có người tổ chức lại đời sống, làm công việc sở tại nhà hay làm thêm các công việc nhà nhưng cũng có người kiếm cách đi ra ngoài, tụ họp với nhau để ăn uống, cờ bạc hay tham dự các cuộc giải trí dù các hành vi ấy có thể làm nguy hại bản thân, gia đình hay cộng đồng và nhất là phạm pháp.
Thực hành sống hạnh phúc trong thời gian cách ly xã hội
Chúng ta ai cũng muốn có niềm vui, là cảm giác sung sướng, làm mình ưa thích và bằng lòng. Thông thường, để có được niềm vui ưa thích một cách nhanh chóng, có người thường chọn những cách dễ dàng như ăn vặt, mở hộp thư trên màn hình, xem tin tức, bấm điện thoại nói chuyện, hút thuốc lá hay uống rượu. Tuy nhiên, những niềm vui này thường hết nhanh chóng và có thứ còn để lại nhiều hậu quả không tốt như lên cân hay bệnh tật. Thay vì làm các việc ấy, chúng ta có thể soạn một chương trình tự huấn luyện để sống hạnh phúc mà trong đạo Phật gọi là tu tập.
Lúc đặt ra một mục đích để thực hành và mục đích ấy có ý nghĩa thì chúng ta cảm nhận có một năng lựợng trong người dâng lên và thúc đẩy mình tiến tới. Trong chương trình tu tập phát triển hạnh phúc, chúng ta chọn một mục tiêu xa làm phát sinh niềm an vui bền vững và mỗi ngày thực hiện một cách thích thú các bước nhỏ kế tiếp tiến đến mục tiêu dài hạn. Như thế, hạnh phúc là một mục tiêu dài hạn và hạnh phúc cũng là những mục tiêu ngắn hạn chúng ta đạt được qua sự thực hành từng bước một. Như trong trường hợp chúng ta muốn đạt mục tiêu dài hạn trên con đường tu tập, là đạt được sự tự tại, là tâm bình an trong các hoàn cảnh thuận nghịch khác nhau, đó cũng được gọi là tâm giải thoát, thì chúng ta chia chương trình thực hành thành các bước nhỏ dễ làm mỗi ngày.
Điều quan trọng là không phải chờ đến lúc đạt được mục tiêu dài hạn, là tâm giải thoát, thì chúng ta mới cảm nhận niềm vui. Chính niềm vui có được trong mỗi bước nhỏ trên con đường tu tập mới thật sự quan trọng vì chúng giúp cho chúng ta có được nhiều năng lượng làm phát sinh sức mạnh để tiến lên từng bước vững chãi cho đến lúc thành công. Các lời dạy của đức Phật về thực hành tu tập trong nhiều bài kinh, ví dụ như Kinh Quán Niệm Hơi Thở hay Kinh Thân Hành Niệm, nhấn mạnh đến sự thực hành vững chãi từng bước kế tiếp rất rõ ràng. Trên thực tế, chúng ta cần phải để ra một thởi gian dài khi thực hành toàn bộ lời dạy của đức Phật trong mỗi bài kinh này.
Lúc đã có mục tiêu dài hạn, trên nền tảng của Kinh Quán Niệm Hơi Thở và Kinh Thân Hành Niệm, thì chúng ta soạn ra những mục tiêu ngắn hạn cụ thể và dễ làm cho từng bước một trong chương tình tu tập như:
- Tập thở đan điền, là thở bụng, để thân tâm thư giãn.
- Phát triển cảm nhận cảm giác bình an và niềm vui ưa thích nơi vùng ấn đường và vùng não trước trán.
- Phát triển khả năng cảm nhận niềm an lạc trong tâm và trong não lúc tu tập hay trong các sinh hoạt bình thường.
- Phát triển tâm định tỉnh.
Tuần tự thực hành các bước trên trong thời gian cách ly xã hội từ 15 ngày đến một tháng hay dài hơn thì chúng ta dễ dàng thành công cùng tiến bước vững chắc từng bước một và niềm hạnh phúc sẽ gia tăng, cảm giác an vui phát triển lúc chúng ta tu tập mỗi bước.
Như thế, bí quyết của sự thành công là chúng ta nhận được phần thưởng liên tục, là niềm vui ưa thích (lạc thọ) lúc thực hành các bước nối tiếp. Đó là niềm hạnh phúc kỳ diệu và cũng là nguồn năng lượng mạnh mẽ đưa chúng ta tiến bước mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút và mỗi giây. Nếu không cảm nhận được niềm an vui thì sự thực hành tu tập của chúng ta, và nói rộng hơn là cả đời sống chúng ta, thiếu vắng ý nghĩa. Qua sự trải nghiệm cụ thể lạc thọ trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta trực nghiệm rõ ràng hiện hữu – sự có mặt của mình trên cuộc đời này – là hạnh phúc. Điều này cũng được chính đức Phật thực hành trong chương trình tu tập hàng ngày của Ngài:
“Lại nữa, Tỳ kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ kheo có hỷ lạc do định sanh nhuần thấm thân, phổ biến sung mãn. Khắp trong thân thể, hỷ lạc do định sanh không đâu không có. Cũng như suối trên núi trong sạch không nhơ, nước từ bốn phương chảy đến, đổ vào một cách tự nhiên, tức thì đáy suối nước tự phun lên, chảy tràn ra ngoài, thấm ướt cả núi, phổ biến sung mãn, không đâu không có. Cũng vậy, Tỳ kheo có hỷ lạc do định sanh nhuần thấm thân, phổ biến sung mãn. Khắp trong thân thể, hỷ lạc do định sanh không đâu không có…” (1)
Nhận biết bốn sự thật nền tảng
Ngoài phần thực hành từng bước cụ thể, chúng ta cũng cần tìm hiểu về những lời dạy căn bản và giản dị của đức Phật làm kim chỉ nam định hướng cho những mục tiêu thực hành ngắn hạn và dài hạn trên con đường tu tập. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta hướng đến niềm vui và tránh bị khổ. Cảm nhận cảm giác khổ, hay khổ thọ, là điều chúng ta ít ai nghĩ đến trong sinh hoạt bình thường thì trong hoàn cảnh cách ly xã hội hiện nay, khổ thọ – do lo lắng, sợ hãi, buồn rầu hay bất an do sự đe dọa của bệnh dịch cùng sự xáo trộn sinh hoạt trong đời sống làm phát sinh – xuất hiện và kéo dài qua nhiều ngày. Lúc đức Phật đạt được niềm an vui kỳ diệu của giác ngộ, Ngài thấy rõ mọi người đều có thể đạt được niềm hạnh phúc bao la này qua sự thấu hiểu tiến trình bốn sự thật nền tảng của đời sống con người. Thay vì lẫn trốn sự thật, con người trải qua tiến trình này với bước đầu là nhận biết khổ đau có mặt, tiếp đến là biết rõ nguyên nhân làm cho khổ xuất hiện và sau đó là thực hành phương pháp làm cho nguyên nhân của khổ hết đi và sống đời hạnh phúc. Đó là lời dạy về Tứ Diệu Đế hay Tứ Thánh Đế là Bốn Sự Thật Cao Quý:
1. Khổ: Khổ đau có mặt trong đời sống, đó là những nỗi khổ thể chất, như sanh, già bệnh, chết, hay tinh thần như muốn thứ gì mà không có được, ghét thứ gì mà nó lại xảy ra cho mình.
2. Khổ tập: Khổ có nguyên nhân làm cho nó phát sinh.
3. Khổ tập diệt: Thực hành cách làm cho nguyên nhân của khổ hết đi, làm cho gốc rễ của khổ không còn qua sự thực hành tu tập đạo Phật.
4. Khổ tập diệt đạo: Là sống cuộc đời hạnh phúc chân thật qua sự thực hành làm cho gốc rễ của khổ hết đi qua sự thực hành theo lời hướng dẫn của đức Phật.
Chúng ta thấy rất rõ lời dạy của đức Phật trong Tứ Diệu Đế có mục tiêu dài hạn là đạt được sự giải thoát để có được niềm an vui kỳ diệu, là sống Đạo, cùng lúc thực hành từng bước tu tập để có được những niềm vui nối tiếp lúc tu tập, là tự huấn luyện, làm cho các gốc rễ của khổ tiêu dần.
Như thế, người nam hay nữ Phật tử tu tập từng bước trong chương trình tu tập dài hạn là thực hành lời đức Phật dạy:
“An vui chưa sinh, người ấy có thể khiến cho chóng sinh, an vui đã sinh, người ấy có thể khiến cho không mất. Đó gọi là thiện nam tử đầy đủ Thiện Tri Thức.” (2)
Tu tập là cảm nhận hạnh phúc rất cụ thể
Trên thực tế, hơn 2. 500 năm qua, các đệ tử của đức Phật đã tu tập và cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao. Bất cứ người nào cũng có thể làm cho niềm hạnh phúc này xuất hiện trong thân và tâm rất cụ thể qua sự thực hành phương pháp Ngài đã dạy quý thầy tại đô thị Sàvatthi, kinh đô nước Kosala:
“Này các Tỳ kheo, quán niệm hơi thở vào, hơi thở ra được tu tập, được làm cho sung mãn là tịch tịnh, thù diệu, thuần nhất, lạc trú, làm cho các ác, bất thiện pháp đã sanh biến mất, tịnh chỉ lập tức.
Ví như trong cuối mùa mưa, bụi nhớp bay lên và một đám mưa lớn trái mùa lập tức làm chúng biến mất, tịnh chỉ. Cũng vậy, quý thầy, quán niệm hơi thở vào, hơi thở ra được tu tập, làm cho sung mãn là tịch tịnh, thù diệu, thuần nhất, lạc trú, làm cho các ác, bất thiện pháp đã sanh biến mất, tịnh chỉ lập tức.” (3)
Các ác pháp hay bất thiện pháp là những cảm xúc tiêu cực như ham muốn, giận dữ, sợ hãi, lo lắng hay phiền não nói chung làm cho khổ. Chỉ cần thực hành chú ý vào hơi thở, nhận biết hơi thở vào và hơi thở ra mà không bị các ý tưởng ưa ghét lôi kéo hay trói buộc thì tâm được bình an và niềm hạnh phúc từ từ xuất hiện. Niềm hạnh phúc đó bao gồm cả tâm và thân hay hỷ và lạc.
Cách thực hành quán niệm hơi thở, với bước đầu là chú ý và nhận biết rõ ràng hơi thở vào và hơi thở ra: “Thở vào, biết mình đang thở vào; thở ra, biết mình thở ra”, được đức Phật hướng dẫn rất cụ thể và rõ ràng trong Kinh Quán Niệm Hơi Thở, xin được tóm lượt phần đầu bản kinh nói về sự thực hành từng bước một kế tiếp như sau:
- Lúc thở vào một hơi dài thì biết mình đang thở vào một hơi dài. Thở ra cũng vậy.
Lúc thở vào một hơi ngắn thì biết mình đang thở vào một hơi ngắn. Thở ra cũng như vậy.
- Lúc thở vào cảm nhận về toàn thân. Lúc thở ra cũng vậy.
Lúc thở vào làm cho toàn thân an tịnh. Lúc thở ra cũng vậy.
3. Lúc thở vào cảm thấy niềm vui. Lúc thở ra cũng vậy.
Lúc thở vào và cảm thấy an lạc. Lúc thở ra cũng vậy.
Bí quyết thực hành để có hiệu quả vững chắc là kỹ thuật thở đan điền. Các thiền viện Phật giáo Nguyên Thủy hay Đại Thừa thường hướng dẫn cách thở đan điền – thở vào bụng phồng, thở ra bụng xẹp – để thực hành cụ thể 3 điều nói trên trong kinh Quán Niệm Hơi Thở. Chúng ta sẽ thực hành thở đan điền ở phần cuối chương 1. Đây là phần thực hành cụ thể bước một.
Nhà ngoại giao kiêm tâm lý học Karlfried Dürckheim người Đức, cũng là một người học rồi dạy thiền, nói rõ vùng đan điền nơi bụng được xem là trung tâm phối hợp sức mạnh tinh thần và thể chất của con người. Chúng ta được sinh ra với đan điền. Lúc còn là em bé, chúng ta biết cách tạo sự quân bình thân và tâm qua thở bụng hay thở đan điền một cách tự nhiên. Tuy nhiên, khi lớn lên chúng ta quên đi sự thực hành điều tốt đẹp này. Theo ông, lập đi lập lại cách thở đan điền là nhằm lập lại sự quân bình thân tâm để làm chủ bản thân vốn thật cần thiết:
“Bất cứ hành động nào được lập đi lập lại đều hàm chứa khả năng làm cho hoàn thiện bên trong và người thực hành điều ấy đạt được khả năng làm chủ hành động của mình.
Trong ý nghĩa đó, ‘làm chủ mình’ khi đi, chạy, nói năng, viết lách cùng nhiều thứ khác là điều có thể thực hiện được.” (4)
Điều này thường được nhiều vị thiền sư dạy cho các môn sinh trong khi họ tu tập ở các thiền viện là thực hành thở đan điện trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nữa mà nhà tâm lý học Dürckheim muốn nói đến là thở đan điền đặc biệt ứng dụng vào trong các sinh hoạt nghệ thuật:
“Bất cứ ngành nghệ thuật nào, bất cứ kỹ năng nào cũng là một cơ hội để chúng ta phát triển con đường tâm linh của mình, như theo cách nói của người Nhật. Thuật bắn cung và nhảy múa, chưng hoa và ca hát, uống trà và đô vật đều giống nhau cả.” (5)
Giống nhau cả là vì những người thuộc các bộ môn nghệ thuật khác nhau đều thực hành thuần thục cách thở đan điền. Thở đan điền cũng là phương pháp rất hữu hiệu để chúng ta thực hành chú tâm vào bốn lãnh vực nơi thân và tâm mình như lời đức Phật dạy về thiền Tứ Niệm Xứ. Đó là chú tâm và thấy biết rõ ràng bốn lãnh vực là thân thể, cảm giác, tâm tư và pháp là các thứ (đối tượng) mình thấy, nghe, biết một cách trực tiếp. Cái thấy biết rõ ràng trực tiếp trong trạng thái tâm rỗng lặng trong sáng không có chủ thể thấy biết và đối tượng bị thấy biết đó chính là Tâm chân thật hay Chân Tâm, cũng còn được gọi là Tánh Giác hay tự tánh Di Đà.
Phần thực hành. Bước 1. Thở đan điền
Muốn thở đan điền hay thở cơ hoành cho đúng, để đem lại nhiều ích lợi như các cuộc nghiên cứu khoa học đã cho biết, chúng ta cần tập thực hành các bước cụ thể như sau:
Bước 1. Tập nằm thở đan điền:
- Nằm thẳng người thoải mái trên sàn nhà hay trên tấm phảng cứng. Có thể dùng gối kê đầu hay dưới hai chân. Để một bàn tay trên ngực. Bàn tay kia để trên bụng, với ngón út nằm ngang trên rốn, ngón tay cái tự nhiên nằm ở trên cơ hoành. Như thế, nguyên bàn tay úp trên vùng bao tử.
- Sau đó, thở vào hay hít vào bằng mũi:
Hình thở đan điền đúng khi hít vào. Hình thở cơ hoành từ internet, xin cám ơn các tác giả.
– Lúc hít vào bằng mũi: Đếm thong thả 1, 2, 3 hay 4 cho đến khi cảm thấy bụng vừa đầy hơi (chứ không phải đến căn bụng). Bụng từ từ phình lên như trái banh phồng lên làm bàn tay để trên bụng đưa lên. Bàn tay để trên ngực nằm yên.
– Thở ra bằng mũi: Đếm thong thả 1, 2, 3, 4, 5 cho đến lúc hết hơi trong phổi. Hơi thở ra dài hơn hơi thở vào.
– Xin nhớ đừng nín thở sau khi thở vào hay thở ra. Làm như thế sẽ chóng bị mệt. Xin để hơi thở vào và hơi thở ra tiếp nối tự nhiên như cánh cửa hai chiều mở ra ngoài rồi lại mở vào trong một cách tự nhiên.
– Xin đừng cố gắng đưa hơi thở vào ra nơi vùng huyệt khí hải và các huyệt khác ở phía bụng dưới, là vùng dưới bụng cách rốn từ hai đến ba đốt ngón tay trỏ. Cách thực hành này làm cho việc thở đan điền trở thành phức tạp và khó khăn không cần thiết và nhất là kích thích vùng làm tăng ham muốn tính dục không tốt cho sự tu tập nên cần phải tránh tối đa.
Bước 2. Ngồi thở đan điền.
Ngoài cách nằm thở đan điền, chúng ta có thể ngồi trên ghế, trên gối ngồi thiền (bồ đoàn) khi tập thở đan điền như sau:
- Ngồi thoải mái,
- Hai vai thư giãn (hạ xuống một cách tự nhiên),
- Bụng thư giãn, và
- Để vào nơi vùng bụng (vùng cơ hoành) một sức mạnh nhẹ nhàng để giúp bắp thịt vùng bụng co vào nhẹ nhàng khi thở ra và phồng ra lúc thở vào.
` Thở ra bụng xẹp xuống tự nhiên.
Các cuộc nghiên cứu khoa học cho thấy khi thở đều, tự nhiên theo mỗi người và thư giãn thì giúp cơ thể gia tăng sức khỏe và giảm các bệnh tật. (6) Điều quan trọng cần nhớ là khi thở đan điền xin đừng nín thở hay đưa hơi từ phổi xuống bụng dưới nhất là đẩy mạnh hơi từ phổi xuống bụng dưới (điều này không tốt vì có thể đưa đến bệnh trĩ).
Chúng ta ngồi trên gối thiền hay trên ghế và bắt đầu thực hành Bước 1: Thở đan điền. Khi thở đan điền quen dần thì thì bụng tự động phồng lên lúc hít vào và xẹp xuống lúc thở ra không chút cố gắng (nhẹ nhàng và tự nhiên) cùng cảm nhận trạng thái êm dịu toàn thân.
Tài liệu tham khảo
- Kinh Trung A Hàm, Phẩm Trường Thọ Vương, Kinh Niệm Thân, T.K. Thích Tuệ Sỹ dịch.
- Kinh Tạp A Hàm, Uất Xà Ca, Kinh 91, TK. Thích Đức Thắng dịch.
- Kinh Tương Ưng Bộ, Tương Ưng Hơi Thở Vô, Hơi Thở Ra, Phẩm Một Pháp, Kinh Vesàli. H.T. Thich Minh Châu dịch.
- Dürckheim Karlfried Graf, Hara: The Vital Center Of Man, first edition (1962). Như trên, tr. 24.
- Như trên, tr. 25.
- Xin xem chi tiết trong Thiền Trị Bệnh và Sức Khỏe. Thích Phụng Sơn (2012). Nhà Sách Đạo Phật Ngày Nay.
Chương 2. Tu Tập Để Trải Nghiệm Niềm Vui Mỗi Ngày
Xem bai truoc:
Người Phật tử tích cực chung sức vào việc ngăn ngừa dịch bệnh (Tập 1) (Thích Phụng Sơn)
Discussion about this post