Với số dân hiện nay (2020) là 730.000, người dân Bhutan rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường thiên nhiên và động vật hoang dã. Những chương trình bảo vệ môi trường và thú vật đã được chính phủ quy định, có ghi rõ trong Hiến pháp.
Sự thành công, và qua đó cũng chính là sự thu hút bao nhiêu người trên thế giới đến đất nước này, chính là sự hòa hợp giữa con người và môi trường sống. Tuy Bhutan không có những công trình xếp loại di sản thế giới nhưng lại thu hút nhiều du khách bởi cảnh quan tự nhiên và nếp sống hiền hòa của người dân trong một quốc gia có gần 80% dân số theo Phật giáo. Nhưng thật ra chỉ trong vòng mấy năm gần đây, bắt đầu từ năm 2015, người ta mới thấy chính phủ Bhutan bắt đầu có chính sách mở cửa đón khách du lịch nhiều hơn những năm trước đó.
Tuy vậy, nếu so với số lượng khách du lịch ở những quốc gia khác trên thế giới thì số người nhận visa nhập cảnh để du lịch Bhutan vẫn còn rất hạn chế. Chỉ nhìn vào các con số thống kê khách du lịch ta sẽ thấy ngay điều đó (theo WorldData.info).
Trong năm 1995 chỉ có 4.800 người ngoại quốc đến Bhutan. Và đến năm 2000 là 7.600 người.
Năm 2001: 6.400 người;
Năm 2002: 5.600 người;
Năm 2003: 6.300 người;
Năm 2004: 9.200 người;
Năm 2005: 13.600 người;
Năm 2010: 41.000 người;
Năm 2015: 155.000 người;
Năm 2018: 274.000 người.
Bắt đầu từ năm 2015 mới có con số trên 150.000 khách du lịch; năm 2018 là 274.000 người. Nếu so sánh trong cùng năm 2018, thì ở Hoa Kỳ có 80 triệu khách du khách, Pháp: 90 triệu, Đức: 40 triệu, Thổ Nhỉ Kỳ: 52 triệu v.v…
Nói như thế để chúng ta có thể nhìn thấy một đặc điểm nổi bật của phái đoàn gồm 17 người gốc Việt Nam từ Âu Châu đến thăm Bhutan, và được tác giả là Hòa Thượng Như Điển ghi lại trong sách này.
Đó là một sự kiện đặc biệt trong năm 2001, khi số lượng khách du lịch còn rất hạn chế (6.400 người), thì lần đầu tiên Chính Phủ Hoàng Gia Bhutan đã đích thân bằng công hàm của Bộ Ngoại Giao mời một phái đoàn Phật Giáo Việt Nam ở Âu Châu đến viếng thăm chính thức “Đất nước Rồng Sấm” này. Phái đoàn gồm chư Tăng, chư Ni và Phật tử do Hòa Thượng Thích Như Điển (lúc đó còn là Thượng Tọa) dẫn đầu. Phái đoàn đã được ông Thủ Tướng Chính Phủ, ông Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao, ông Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa đại diện chính quyền; Tôn Đức Tăng Già và Chư Giáo phẩm Cao cấp của Giáo Hội Phật Giáo Bhutan tiếp kiến, chiêu đãi và hướng dẫn thăm viếng nhiều cơ sở văn hóa, tôn giáo, xã hội trong suốt thời gian hơn một tuần lễ. Chính phủ Bhutan đã trang trải tất cả mọi chi phí cho phái đoàn, cung cấp mọi phương tiện di chuyển, ăn ở. Đặc biệt hơn, đích thân Hoàng hậu Ashi Dorji Wangmo Wangchuck của Vương quốc Bhutan, dù rất bận rộn cũng đã dành thời gian tiếp kiến phái đoàn và khoản đãi tại hoàng cung trong suốt hai giờ đồng hồ.
Đó là một sự kiện đặc biệt, có thể xem như có một không hai trong lịch sử quan hệ giữa Bhutan và Việt Nam chúng ta, kể cả về mặt ngoại giao lẫn tôn giáo.
Do đâu có được cơ duyên hy hữu ấy?
Sự kiện đặc biệt này đã được tác giả, cũng chính là trưởng phái đoàn, đích thân ghi lại bằng thể văn ký sự, minh họa bằng nhiều hình ảnh các buổi tiếp xúc dưới hai góc độ đạo và đời, các cuộc viếng thăm và cả những bài phát biểu có tính cách ngoại giao tại Quốc Hội của Bhutan.
Đây là một tác phẩm hay, không chỉ viết về đất nước con người xứ Bhutan mà còn có những nhận xét đặc biệt về vai trò của một Tăng sĩ trước vương quyền và thế quyền.
Xin trân trọng giới thiệu đến mọi độc giả gần xa tác phẩm Bhutan Có Gì Lạ? – Ký sự và hình ảnh về chuyến đi Bhutan của Hòa Thượng Thích Như Điển.
Viên Giác Tùng Thư
Đức quốc, tháng 11 năm 2020
Bhutan có gì lạ -Thích Như Điển
Xem thêm:
Phật Giáo Đóng Góp Cho Sự Phát Triển: Mô Hình Của Vương Quốc Bhutan
Pháp thực hành trong truyền thống Phật giáo Bhutan
Lịch Sử Phát Triển Phật Giáo Bhutan
Chi Tiết Chương Trình Tu Học Tại Các Tự Viện Phật Giáo Vương Quốc Bhutan
Bộ luật Tsa yig Chenmo tại vương quốc Bhutan và triết lý về những phẩm chất của một nhà cầm quyền
Câu Chuyện Về Sự Tái Sinh Ở Vương Quốc Bhutan
Discussion about this post