Trong Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikaya), phẩm nói về Nhất Pháp, Phật có nói một câu : ‘‘Nếu một vị khất sĩ tu Từ Quán, dầu chỉ thực tập trong một chốc lát, thời gian bằng một cái búng tay thôi, thì vị khất sĩ đó đã xứng đáng là một vị khất sĩ rồi.’’ Câu nói đó chứng tỏ rằng Từ Quán rất quan trọng trong đạo Phật. Phật nói tiếp: ‘‘Thầy khất sĩ đó sẽ không thất bại trong thiền định, sẽ làm được theo lời bậc đạo sư chỉ dạy, sẽ đáp ứng được những lời khuyến dụ của các vị đạo sư. Và vị đó ăn cơm tín thí không uổng.’’ Nếu hằng ngày vị khất sĩ hành trì Từ Quán, thì còn công đức gì nhiều hơn, và lớn hơn nữa?
Trong Kinh Như Thị Ngữ (Itivutthaka), Phật cũng nói: Tất cả những công đức mà ta thực hiện ở trên đời góp lại cũng không bằng công đức của sự thực tập Từ Quán. Làm chùa, đúc chuông, hay làm việc xã hội… tất cả những công đức đó chỉ bằng một phần mười sáu của công đức thực tập lòng Từ. Cũng như nhìn lên trời chúng ta thấy trăng và sao, và nếu ánh sáng của tất cả các ngôi sao họp lại không bằng ánh sáng của mặt trăng, thì tất cả các công đức khác góp lại cũng không bằng ánh sáng của Từ Quán.
Sự giải thoát chỉ đạt được trong sự giác ngộ hoàn toàn với lòng từ bi vô lượng. Sự giác ngộ chính là sự phát triển tột đỉnh của trí tuệ, là sự hiểu biết toàn diện. Tâm trí con người bị vô minh phiền não che lấp không nhìn thấy bản tính chân thật của sự vật, sự việc, đã vô minh thì không phân tách được cái nào đúng, cái nào sai, ai nói cũng phải, cái nào cũng hay, không nhạy bén và thích ứng kịp thời được những sự việc khi xảy đến, đó là con người không có trí tuệ. Nếu còn vô minh thì làm sao có trí tuệ. Nhưng nếu chỉ có trí tuệ mà không có Từ Bi thì cũng vô ích con người ấy sẽ đi đến chỗ tự tôn, tự cao, tự đại dễ làm những điều ác. Do đó, từ bi mà không có trí tuệ là từ bi què mà trí tuệ mà không có từ bi là trí tuệ mù.
Tâm trí của con người bị vô minh phiền não che lấp, không nhận chân được thế nào là sự thật thì đó chính là nguyên nhân đưa đến sự đau khổ. Sự khổ đau đó chỉ chấm dứt khi nào tâm con người được trong sáng, không còn ngộ nhận, không còn chấp ngã. Quá trình tu tập để phát triển trí tuệ, làm sáng cái đức sáng, thân với nhân tâm thì đạt được hạnh phúc. Tham vọng ích kỷ được chuyển hoá thành vị tha, hận thù được chuyển hoá thành từ bi, mê muội được chuyển hóa thành trí tuệ. Trong quá trình chuyển hóa đó nội tâm được gạn lọc. Những cặn bã vô minh được tẩy trừ, để tâm trí hoàn toàn trong sáng. Đó chính là cao điểm của trí tuệ và sự giác ngộ vậy.
MỤC LỤC
1. Từ Bi và Trí Tuệ (Thích Thanh Từ)
2. Thế Nào Là Từ Bi Và Trí Tuệ? (Thích Thanh Từ)
3. Đạo Phật Là Đạo Của Từ Bi Và Trí Tuệ (Thích Nữ Nhuận Anh)
4. Hợp Nhất Trí Tuệ Và Từ Bi (Khenpo Tsultrim Lodro)
5. Hãy Nuôi Dưỡng Lòng Từ Bi (Liên Thảo)
6. Thiền Quán Tâm Từ Gieo Chủng Tử Từ Bi (Tỳ khưu Visuddhàcàra)
7. Quán Từ Bi (Ayya Khema)
8. Tâm Từ Trong Đạo Phật (Sayadaw Ashin U Thittila)
9. Trí Tuệ Trong Đạo Phật (Trịnh Nguyên Phước)
(CÒN TIẾP)
Discussion about this post