An cư kiết hạ là một hình thức sinh hoạt đặc thù của chư Tăng. Trong thời gian an cư, đời sống Tăng-già có những Tăng sự mà ngày thường không có như xuất giới, tự tứ… Tất cả những hoạt động Tăng sự như vậy đều được Đức Phật tùy duyên chế định. Việc thực hiện nghiêm túc các pháp ấy, không chỉ là sự phụng hành lời dạy của Ngài “lấy giới luật làm thầy”, mà còn giúp đoàn thể Tăng-già ổn định, trường tồn.
Mỗi năm từ đầu mùa mưa (ở Ấn Độ), theo chế định của Đức Phật, chư Tăng đều phải an cư kiết hạ. Đó là bổn phận và trách nhiệm của một Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni đối với sự tu tập của mình. Bởi đó không chỉ là sự tuân thủ giới luật mà Đức Phật đã đề ra, mà còn là sự “tự nguyện” dành cho mình một khoảng thời gian tu tập, sống chung trong cộng đồng Tăng-già từ các nơi tập trung về. Tất cả đều sống chung trong tinh thần hòa hợp “sáu pháp hòa kính”.
Xuất giới và thọ nhật – được phép ra khỏi nội giới an cư thế nào?
Theo quy định, thời gian an cư 3 tháng tất cả hành giả đều không được ra khỏi cương giới an cư đã quy định, thường là phạm vi đại giới. Trừ trường hợp đi khất thực. Nhưng sau khi xong thì phải trở về ngay lại nội giới. Phạm vi đại giới này tùy theo phạm vi khi kết giới an cư. Đại giới có thể bằng khuôn viên tự viện. Hoặc đại giới có thể kết rộng ra bằng một khu vực nhất định, bằng 10 câu-lô-xá (tương đương 18km hoặc 36km tùy theo cách tính). Khoảng cách này đủ để một người có thể đi về trong ngày.
Tuy nhiên có trường hợp vị xuất giới (tức ra khỏi cương giới quy định) không thể quay về trong ngày, về trước khi ánh sáng mặt trời (minh tướng) xuất hiện. Việc đi qua đêm như vậy phải tác bạch “thọ nhật” như pháp mới được xuất giới. Tất nhiên, việc xuất giới qua đêm như thế phải là những công việc vì Tăng sai, công việc chung của Tăng, việc của cư sĩ, những nhân duyên chính đáng…
Căn nguyên được ghi lại về việc Đức Phật khai cho việc “cấm túc” được ra khỏi nội giới an cư là do có cư sĩ thỉnh mời. Trưởng giả Ưu-đà-diên (Udena) ở Kiều-tát-la (Kosala) thỉnh chư Tăng đến nhà thọ trai và thuyết giảng giáo pháp nhân mùa an cư. Tuy nhiên, do nhà ông ở xa, chư Tăng không thể đi và trở về lại trú xứ an cư trong ngày, nên không thể nhận lời của trưởng giả Ưu-đà-diên. Việc này được thưa thỉnh lên Đức Phật. Ngài đã cho phép chư Tăng được xuất giới trong 7 ngày. Sau đó vì những lý do khác, việc xuất giới được Đức Phật cho phép nới rộng ra 2 tuần, 1 tháng hoặc hơn. Tuy nhiên thời gian không được quá 40 ngày. Trường hợp xuất giới nhiều lần thì tổng số ngày xuất giới cũng không được quá 40 ngày. Nếu vượt số ngày quy định này thì coi như vị đó “phá hạ”.
Nói là 7 ngày hay 40 ngày nhưng thực chất chỉ có 6 ngày hay 39 ngày, vì trong ngày cuối cùng phải về lại nội giới, tức là đêm cuối cùng phải có mặt tại trú xứ an cư. Thời hạn này không thể vượt qua, vì Đức Phật quy định thời gian ở trong nội giới phải nhiều hơn thời gian ở ngoài. Nếu vượt thời hạn này coi như bị phá hạ.
Riêng chư Ni, thời gian quy định có sự khác biệt so với chư Tăng. Theo luật Tứ phần thì chư Ni chỉ được được phép xuất giới trong 7 ngày. Không được vượt quá số ngày này như chư Tăng, tức là tối đa chỉ được 7 ngày trong một lần thọ thất nhật. Ở các bộ luật, chư Ni đều không có pháp yết-ma thọ nhật. Vì chúng ta thọ trì bộ luật Tứ phần nên áp dụng những quy định cho phép chư Ni thọ nhật xuất giới 7 ngày. Và phải trở về nội giới đúng theo quy định, không có trường hợp khai mở.
Tác pháp thọ nhật thế nào mới đúng pháp?
Tùy theo việc thọ nhật xuất giới bao nhiêu ngày mà có thể thức tác pháp. Có hai hình thức xin thọ nhật xuất giới: đối thú thọ nhật và yết-ma thọ nhật (bạch nhị yết-ma).
Theo luật, việc thọ nhật 7 ngày trở lại chỉ cần đối thú trước một Tỳ-kheo, tác pháp xin xuất giới. Trước khi xuất giới, Tỳ-kheo phải tác pháp thọ nhật chứ không thể tự tiện xuất giới đi ra ngoài. Đây là pháp đối thú, không phải bạch Tăng, mà chỉ cần bạch với một vị Tỳ-kheo đang an cư trong cùng một trú xứ là được.
Nếu tại trú xứ không có Tỳ-kheo, cũng có thể nói với Sa-di hoặc cư sĩ việc xuất giới. Trường hợp không có ai thì chỉ “tâm niệm tác pháp”. Tỳ-kheo thọ an cư xuất giới mà không tác pháp thì coi như mất hạ.
Với trường hợp Ni, vì Phật quy định Tỳ-kheo-ni phải ở trong chúng (không được ở một mình ngay cả thường ngày) và nương theo Tăng trong mùa an cư, nên Tỳ-kheo-ni không có pháp nói với Sa-di, cư sĩ và đặc biệt không có “tâm niệm tác pháp” như Tỳ-kheo khi muốn xuất giới 7 ngày.
Theo luật Thập tụng, trường hợp thọ nhật xuất giới 7 ngày nhưng thời hạn hết mà công việc chưa xong, phải trở về lại trú xứ, sau đó tác pháp “Tàn dạ” rồi mới có thể xuất giới trở lại chỗ duyên sự trước đó. Tàn dạ nghĩa là đêm còn dư. Và, cũng tác pháp đối thú như khi xuất giới, nhưng văn tác bạch khác.
Chư Tăng TP.HCM tác pháp an cư tại Việt Nam Quốc Tự – Ảnh: Bảo Toàn
Đối với các trường hợp xuất giới nửa tháng, một tháng hoặc tối đa 40 ngày thì phải bạch Tăng. Sau khi Tăng đã tác pháp yết-ma thọ nhật thì đương sự mới được phép xuất giới. Tỳ-kheo muốn xuất giới thỉnh 4 vị Tỳ-kheo vào giới trường của trú xứ để tác pháp bạch nhị yết-ma. Tỳ-kheo-ni không có pháp này.
Sau khi Tăng đã yết-ma thọ nhật, Tỳ-kheo thọ nhật phải rời khỏi trú xứ trong ngày, không được để cách đêm. Nếu đã bước chân ra khỏi cương giới thì không quay trở lại. Nếu quay trở lại thì phải thỉnh Tăng tác pháp yết-ma thọ nhật lại từ đầu, sau đó mới được xuất giới.
Phá hạ
Phá hạ là hành vi vi phạm các điều quy định trong an cư mà Đức Phật đã chế định. Phá hạ chủ yếu do việc xuất giới – rời khỏi trú xứ an cư. Theo luật, có hai trường hợp phá hạ: phá hạ hợp pháp (không mất hạ) và phá hạ không hợp pháp (mất hạ).
Những Tỳ-kheo tự mình bước ra khỏi cương giới phạm vi trú xứ an cư mà không có duyên sự chính đáng, không tác pháp đúng pháp cho những trường hợp 7 ngày hoặc quá 7 ngày thì phá hạ. Tỳ-kheo-ni cũng vậy, không tác pháp đối thú thọ thất nhật mà đi ra khỏi nội giới thì phá hạ. Hoặc xin thọ nhật 7 ngày nhưng đi vượt quá số ngày đó thì cũng bị phá hạ. Những vị ấy coi như mất hạ của mùa an cư năm đó.
Trường hợp phá hạ hợp pháp là do những tai nạn xảy ra bất ngờ. Hoặc khi thọ nhật xuất giới đã hết hạn mà tai nạn xảy đến với đương sự và không thể trở về lại nội giới an cư đúng thời hạn. Trường hợp tại trú xứ có nạn, phải rời đi đến trú xứ khác tiếp tục an cư thì không coi là phá hạ. Nếu rời đi mà không tiếp tục an cư ở trú xứ khác thì coi như phá hạ.
Theo luật, có 8 trường hợp tai nạn được coi là phá hạ hợp pháp: 1- Nguy hiểm phạm hạnh: tại trú xứ an cư, Tỳ-kheo có thể bị người quyền thế ép buộc phá giới, những người nữ thường đến quyến rũ phá giới, cha mẹ thân quyến thuyết phục phá giới. Để đảm bảo đời sống xuất gia và tịnh hạnh, Tỳ-kheo có thể rời trú xứ. 2- Nguy hiểm vì kho tàng: sau khi an cư, biết tại trú xứ có kho tàng có thể xảy ra nguy hiểm, Tỳ-kheo có thể rời trú xứ. 3- Quỷ phá hoại: tại trú xứ thường bị ma quỷ quấy phá, đe dọa sinh mạng, Tỳ-kheo có thể rời trú xứ. 4- Rắn độc đe dọa sinh mạng. 5- Thú dữ đe dọa sinh mạng. 6- Giặc cướp đe dọa sinh mạng. 7- Thiếu thốn các nhu cầu tối thiểu: ăn uống, thuốc men hoặc không có người giúp đỡ. 8- Phá Tăng: Tăng tại trú xứ an cư không hòa hợp, đang có sự chia rẽ, Tỳ-kheo không muốn bị lôi cuốn vào các phe phái tạo ra tranh chấp, không thể hòa hợp; Tỳ-kheo có thể rời bỏ trú xứ.
Discussion about this post