Cái chuyện ăn là cái vấn đề muôn thuở, ở đâu cũng có những quy tắc và nghĩ lễ riêng. Mỗi nước mỗi khác, mỗi dân tộc mỗi khác, mỗi nhà mỗi khác. Cách ăn của Việt Nam nó khác với cách ăn của Nhựt Bổn, cách ăn của người Kinh khác với người đồng bào, cách ăn của dân quê khác với cách ăn của thành thị, cách ăn ngoài xã hội khác với cách ăn trong chùa. Nên khi đi chùa mình để ý một chút hay cố gắng chậm lại một nhịp để thấy người ta làm rồi bắt chước đặng nhìn vô nó thấy đẹp, người ta kêu Phật tử chùa này dễ thương. Bởi mấy này chỉ có trong Luật xuất gia mới ghi, Phật tử không được tìm hiểu nhiều nên nhiều khi góp ý cũng ngại, mà không góp ý thì ngó hổng ưng cái bụng.
Khi tới giờ cơm, mấy chùa thường đánh bảng hay kiểng, miễn là cái gì kêu thành tiếng để người ta biết tới giờ cơm mà tới. Nên khi tới chùa làm công quả, nghe tiếng gõ thì tới ngay nhà ăn giùm, đừng giả lơ như nai vàng ngơ ngác, cho mình đẹp mà bị điếc rồi đợi người ta lên mời, phiền người ta, tội lắm. Có mấy bạn cũng dễ thương, cứ nghĩ chuông bảng kêu là tới giờ ăn, mà khổ nỗi, một ngày chuông bảng chùa kêu cả chục lần tùy vào giờ giấc và công việc, vậy mà cứ nghe tiếng kêu là chạy xuống bếp, xuống rồi không thấy đồ ăn, rồi hờn, thấy cuộc đời lừa nhau quá, tới chùa cũng không tha.
Vô bàn cơm rồi, thường thì mấy chùa người xuất gia theo thứ tự ngồi từ trên xuống, lần lượt mới tới Phật tử ngồi sau cùng, hay có không gian hơn thì tăng tục có bàn ăn riêng. Vậy nên khi vô ngồi, làm ơn để ý thấy các vị xuất gia ngồi trên rồi thì nhẹ nhàng khiêm tốn ngồi dưới, chớ đừng có ỷ mình quen với thầy này cô này nên ngồi chen ngay giữa, kỳ lắm. Có mấy vị làm chức này chức kia, giám đốc hay gì, vô cứ muốn ngồi trên chỗ trụ trì. Tùy vào mỗi vị trụ trì có cho phép hay không thôi, chứ lớn ở đâu thì vô chùa cũng là người đến học đạo hết, nên cố gắng hạ mình xuống chút. Xác định chỗ ngồi xong thì xá thầy trụ trì, mặc dù không biết ai trụ trì thì cứ nhìn vô cái ghế cao nhất mà xá, không có thầy ngồi cũng xá, đó là cái lễ, mình vô nhà người ta mà không chào thử, coi được không.
Ở nhà mà có ham ăn hố uống thì vô chùa cố bớt bớt lại, ngồi xuống rồi, xoa xoa cái tay chép chép cái miệng, cầm đũa gắp tới tấp không để ý xung quanh là chúng sinh họ dập. Ngước nhẹ lên trên thấy các vị xuất gia ăn rồi mình mới được ăn. Trước khi ăn nhớ chắp tay lại, nhìn chén cơm cúi nhẹ cái đầu xuống, hổng biết niệm cái gì thì nhìn cơm cười cũng được. Thật đấy. Không ai chửi mình khùng đâu. Xá chén cơm có 3 ý nghĩa lận, thứ nhất là tạ ơn Đức Phật, nhờ có ân đức của Phật mình mới có chén cơm này, mới có người tới cúng gạo cho mình ăn, chớ mình phước đức đâu mà họ cúng. Thứ hai, là cảm niệm công lao của người nông phu cất công gieo trồng, cày cấy ngoài ruộng để có ra đây cho mình hạt gạo, nhớ luôn tới con trâu hay cái máy cày, có nó mới có gạo cho mình ăn. Thứ ba là cảm ơn công sức người đã nấu cho mình bữa cơm này, có thể hy sinh một ngày tu tập, một ngày buôn bán để vô chùa nấu cho mình ăn, nên phải trân trọng. Xá trước khi ăn cơm là ý nghĩa vậy, còn nhiều ý nghĩa nữa lắm, đại khái là vậy. Đừng nghĩ chùa làm mấy việc ruồi bu, chén cơm mà cũng xá, coi chừng 0 điểm về chỗ.
Thường thì người ta hay dọn một đôi đũa với một cái muỗng, đũa thì gắp miếng đậu hủ bỏ vô chén, muỗng thì xắn miếng đậu ra làm đôi kèm thêm ít cơm bỏ vô miệng. Chứ đừng quen tay theo kiểu cơm gia đình, lấy đũa gắp rồi thò vô miệng, mút cái chụt rồi thò ra gắp tiếp. Mấy người xung quanh họ xỉu hết, ăn ở sạch sẽ còn đỡ, lỡ mình hôi miệng hay bị bệnh gì dễ lây người ta ngại, ăn không được, họ đói mình mang tội. Thử tưởng tượng mình là người ăn sau, bưng đồ ăn thừa xuống, trong đó có mấy hột cơm còn sót lại, dám ăn không
Khi ăn thì giữ chánh niệm, nôm na là tập trung chuyên môn, đừng nói chuyện. Lỡ cười, sặc, ngồi ăn với thầy mà không ho được thì khó chịu lắm. Ví dụ trong chén lỡ có thấy cọng tóc dài thì cũng im lặng kéo ra rồi ăn tiếp, đừng có dơ lên hỏi tóc này của thầy hay Phật tử thì xong, coi chừng lần sau không được ăn cơm chùa nữa. Hỏi nhiều không chết, hỏi ngu mới chết.
Trong bàn ăn thấy Thầy hay vị lớn nhất mà không nói chuyện thì cũng đừng nói, chứ ở trên ai cũng im ru, mình là nhỏ mà nói chỏng lên hay một mình mình nói thì không được, đó gọi là vô lễ. Có mấy chùa, ngồi ăn với Sư phụ mà mấy chú xuất gia cứ nói thao thao, không thèm để ý sư phụ có nói hay không, nói to nữa chứ, không ai nói mình cũng nói, mấy chú thì đùa giỡn, đó gọi là hỗn, ngồi trên mà không nghiêm thì sao nói Phật tử.
Còn nữa, khi ăn mà người ta bưng thức ăn lên chưa kịp thì cũng hoan hỷ, chứ có mấy vị, thấy người ta vừa bưng đồ ăn tới là nhảy lên, bàn này, bàn này, để bàn này nè em, là chết. Cho dù có thèm món đó tới mức nào cũng phải giả bộ ta đây không thèm, có thì ăn, không thì thôi, quan trọng là thần thái, chứ thái độ mà chợ quá thì không được.
Còn một chuyện nữa hầu như là ai cũng mắc phải. Đó là văn hóa gắp đồ ăn, có thân thiết tới mức độ nào cũng không được gắp đồ ăn cho người khác. Bởi mình có biết người ta thích ăn cái gì đâu mà gắp. Lỡ như họ đang trong chế độ kiêng cữ món đó hay kiêng kỵ thì mình thành người vô duyên, hổng lẽ họ gắp ra, nên phải ăn, mai mốt họ để ý mình ăn cái gì không được, họ gắp, đừng có thù. Trừ khi trường hợp có mấy món ở xa họ gắp không tới thì mới gắp giùm, mà cũng gắp ít ít, đừng bày đặt gắp nhiều tỏ vẻ thành ý, họ ăn không hết, cũng thù.
Vá cơm hay vá canh múc xong rồi, lật út cái mặt nó xuống, nhìn thẩm mỹ biết bao nhiêu. Chứ múc xong thả trôi lềnh bềnh trên mặt nhìn chợ gì đâu, người ta quánh giá bổn thân mình. À quên, đang ăn thì đừng có gãi đầu hay vuốt tóc, sạch sẽ không sao, xui xui ở dơ không gội đầu hay có chí, gãi đầu một cái gàu rơi như sương mù Đà Lạt, nhìn cũng đẹp mà dơ. Hay lỡ có gió gàu bay qua chén người khác kèm thêm con chí, người ta không biết ăn vô, thấy mặn, kêu cơm chùa nấu lạ, cơm mà bỏ muối.
Ăn xong thì xếp đôi đũa lại cho bằng nhau, đặt lên miệng chén hay xuống bàn tùy nơi, gác cái muống nhẹ nhẹ kế bên ra dấu là ăn xong rồi. Nếu có giấy lau miệng, lau nhẹ chấm chấm thôi, đừng dằn vặt bờ môi mình, lau xong xếp lại như cũ, vuông vức, ta kêu mình có văn hóa. Nhất là cái tăm, xỉa răng thì lấy tay che miệng lại, chứ vừa cười vừa xỉa răng, móc ra thấy cọng rau, kê lên hửi rồi bỏ vô miệng nhai tiếp, thấy ghê. Xỉa xong thì bẻ cây tăm làm đôi, chớ xỉa xong để nguyên, người ta tưởng chưa, xài lại, mốt ung thư răng cả chùa.
Còn chi tiết nhỏ nữa là ăn xong lỡ chân đứng dậy rồi thì đi luôn, đừng đứng lên rồi, chặp sau thấy có món mới bưng lên, ngồi xuống ăn tiếp, người ta biểu mình phàm ăn. Tốt nhất là ăn một lần thôi, ai mời nữa giả bộ kêu no, vậy cho sang, chứ đừng ai rủ cũng ăn, đó gọi là mâm nào cũng có, mất hình tượng. Ăn xong trước khi đứng dậy nhớ chắp tay lại xá, xá thầy trụ trì rồi mới đi, có đầu có đuôi, vậy mới đẹp. Ngồi ăn chung một bàn lỡ mâm mình không có món kia thì cũng thôi, đừng có với qua mâm người khác. Gặp mấy người khó khó, đặc biệt là miền Trung người ta kêu ăn lắm mâm thì lắm lời, chưa kể với tay đứng dậy gắp, bị viêm cánh coi như xong. Tội người ta, đi chùa bị ung thư mũi.
Còn nữa, ai mà có quan niệm ăn cơm chùa bị mắc nợ là bỏ liền, ngay và lập tức. Không biết từ đâu mà có cái tư tưởng kỳ quá. Nói vậy thôi chứ mấy người tu nợ trả chừng nào cho hết, người ta cũng hết dám vô chùa ăn cơm. Đúng ra mà nói, hạt gạo là do người dân khắp nơi đến cúng, nói cho hay là bá tánh thập phương cúng dường, nên mình ăn hạt gạo này là kết duyên lành với họ trong ngôi nhà Phật pháp, để sau này có duyên gặp nhau mà tu hành, người cúng gạo cũng đừng mang tâm chỉ cúng cho mấy vị xuất gia ăn, mà phải nghĩ đây là cơ hội gieo nhân duyên gặp gỡ nhiều người trong tương lai, cùng nhau mà tu tập, phước vậy mới có.
Còn rất rất nhiều điều muốn nói nữa mà sợ viết dài rồi người đọc cũng thấy sân si, kêu viết bài góp ý mà dài như quỷ. Thôi thì mình là Phật tử đến chùa, cái gì chưa biết thì học từ từ, cũng không ai trách đâu. Việc ăn uống là thể hiện văn hóa và tư cách của mỗi con người nên cũng dè chừng mà kiểm điểm, để lại hình tượng tốt trong lòng người khác thì mình cũng dễ sống, để đi đâu cũng mang tiếng ham ăn hố uống, thần thái không sang thì coi như xong. Bài sau kiếm chủ đề khác để viết, chứ góp ý hoài người ta cũng sợ, riết rồi không ai dám đọc bài mình, mình cũng đã tốt hơn ai đâu, chẳng qua kiếm chuyện viết cho Phật tử đi chùa càng ngày càng đẹp hơn, oai nghi đẹp, hành xử đẹp, và quan trọng… là thần thái.
Discussion about this post