AI ĐÃ HIẾN CÚNG
TINH XÁ TRÚC LÂM CHO ĐỨC THẾ TÔN?
Chúc Phú
Hầu hết những tác phẩm nổi danh viết về cuộc đời Đức Phật, từ tác phẩm đầu tiên là Phật sở hành tán (佛所行讚)[1] cho đến những công trình nghiên cứu như History of Indian Buddhism[2] của E. Lamotte; Gotama Buddha: A biography based on the most reliable texts của Hajime Nakamura[3]… đều xác tín rằng, vua Tần-bà-sa-la (Bimbisāra) đã hiến cúng tinh xá Trúc Lâm lên đức Thế Tôn.
Theo Chú giải kinh Phật tự thuyết (Udāna Aṭṭhakatha), tên gọi của tinh xá và lịch sử của khu vườn được ngài Buddhaghosa giải thích như sau:
Veḷuvana, đó là tên gọi của một tinh xá (Vihāra). Trong thực tế, tinh xá cao đến 18 khuỷu tay (Aṭṭhārasahatthubbedhena) với tường rào bao quanh. Nơi đây có Hương thất (Gandhakuṭiyā), là chỗ trú ngụ trang nghiêm của đức Thế Tôn, bậc Giác Ngộ. Ngoài ra còn có giảng đường, am cốc, đường kinh hành an ổn, sạch sẽ cùng với cổng ra vào sáng lạn. Do được tô điểm bên ngoài (Paṭimaṇḍitaṃ bahi) với lũy tre bao bọc xung quanh (Veḷūhi parikkhittaṃ) với màu xanh đẹp đẽ, mát mắt, nên được gọi là tinh xá Trúc Lâm[4].
Tinh xá nằm trong một khu vườn rộng lớn, gọi là Kalandakanivāpa. Địa danh này thường được Hòa thượng Thích Minh Châu và dịch giả Indacanda dịch sang tiếng Việt là: chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Ngài Buddhaghosa giải thích về địa danh ấy như sau:
Tại chỗ này có rất nhiều thức ăn dành cho loài sóc nên được gọi là chỗ nuôi dưỡng các con sóc (Kalandakanivāpa). Nhân trước đây có một vị vua do đam mê du ngoạn nên đã đến nơi này. Vì uống rượu nên vua đã ngã lưng nằm nghĩ rồi chìm vào giấc ngũ say. Những kẻ hầu cận thấy nhà vua ngủ say (Sutto rājā) nên đã bỏ đi do bị lôi cuốn bởi những bông hoa, rừng quả đang nỡ rộ, khoe sắc. Trong lúc ấy, vì mùi rượu quyến rũ nên có một con rắn độc (Kaṇhasappa) đã rời khỏi cái hốc trên thân cây rồi bò đến chỗ vua. Vị thần cây (rukkhadevatā) ở chỗ đó hiểu rằng tính mạng của nhà vua đang lâm nguy (Rañño jīvitaṃ dassāmī), nên đã hóa thành con sóc (Kalandakavesena) rồi đến bên gốc cây chỗ vua nằm và kêu lên inh ỏi. Nhà vua chợt tỉnh giấc nên con rắn độc liền bỏ đi. Để trả ơn loài sóc đã cứu mạng nên nhà vua đã thiết lập nơi đó làm chỗ nuôi dưỡng các con sóc, để chúng được tự do an ổn chạy nhảy, kêu la. Kể từ đó về sau nơi này được gọi là chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Sở dĩ các con sóc ở đây được gọi là Kāḷakā vì đó là tinh xá Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc (Veḷuvana Kalandakanivāpa)[5] (UdA.60).
Như vậy, tinh xá Trúc Lâm nằm trong một khu vườn rộng lớn, gọi là chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Mặc dù được những tác phẩm nghiên cứu về lịch sử nêu trên cùng khẳng định rằng, trú xứ này do nhà vua Tần-bà-sa-la hiến cúng cho Đức Phật; tuy nhiên, theo chúng tôi, với những cứ liệu được phát hiện rải rác từ Hán tạng cho đến Nikāya, cho thấy rằng, đã có ba quan điểm xoay quanh chủ đề này.
Trong khảo luận này, chúng tôi chỉ tập trung vào việc cung cấp tư liệu cũng như khảo sát, nhận định, đối chiếu về các nguồn tư liệu và xem đó là vấn đề chủ yếu.
1. Vua Tần-bà-sa-la hiến cúng Trúc Lâm.
1.1 Luật Tứ phần ghi:
Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Vua Bình-sa nước Ma-kiệt có ý nghĩ: “Nếu đức Thế Tôn đến đây, trước hết vào khu vườn nào, ta sẽ dâng cúng khu vườn ấy để làm tăng-già-lam. Trong thành Vương-xá, Ca-lan-đà Trúc viên này là vườn đứng vào hàng tuyệt hảo.”
Đức Thế Tôn biết tâm niệm nhà vua như vậy nên đến Ca-lan-đà Trúc viên trước tiên. Từ xa vua thấy đức Thế Tôn liền xuống voi, lấy chiếc nệm trên lưng voi xếp làm bốn lớp trải ra và cung kính thỉnh đức Thế Tôn ngồi. Đức Thế Tôn an tọa nơi chỗ ngồi, vua Bình-sa cầm bình nước rửa bằng vàng, dâng nước cho đức Phật và bạch: “Trong thành Vương-xá này, khu Ca-lan-đà trong Trúc viên này là đẹp hơn tất cả. Nay con xin dâng cúng đức Thế Tôn. Xin Thế Tôn từ mẫn nạp thọ.”
Đức Phật bảo vua: “Đại vương nên đem vườn này dâng cúng choPhật và Tăng bốn phương. Tại sao vậy? Nếu tăng-già-lam, vườn hay vật trong vườn, phòng xá hay vật trong phòng xá, y bát, tọa cụ, ống đựng kim, tất cả sở hữu của Phật thì chư Thiên, người đời, ma vương, phạm vương, sa-môn, bà-la-môn, đều không thể dùng được, mà cung kính như bảo tháp.”
Vua liền bạch Phật:
– Bạch Đại đức, con xin dâng cúng Ca-lan-đà Trúc viên này lên đức Phật và Tăng bốn phương. Xin Thế Tôn và bốn phương Tăng dũ lòng thương vì con mà thâu nhận.
Đức Thế Tôn khuyến dụ bằng bài kệ sau đây:
Cúng vườn và cây trái
Cầu đò đưa rước người
Đường dài thí giếng nước
Và phòng nhà để ở
Những người cúng như vậy
Ngày đêm phước càng thêm
Người trì giới vui pháp
Sẽ được sanh đường lành.
Vua Bình-sa đầu mặt kính lễ sát chân đức Phật rồi ngồi lui qua một bên. Đức Thế Tôn vì vua phương tiện nói các pháp khiến vua được hoan hỷ. Vua nghe đức Phật nói pháp được hoan hỷ rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy, kính lễ Phật rồi cáo lui. (HT. Thích Đỗng Minh, dịch)[6].
1.2 Mahā Vagga, chương Trọng yếu, đoạn 63 ghi:
Sau đó, đức Thế Tôn đã đi đến tư dinh của đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn nên ngụ ở nơi nào đây? Đối với ngài, chỗ ấy không nên xa làng mạc lắm, cũng không quá gần, thuận tiện cho việc tới lui, dân chúng có thể đi đến khi nào có ước muốn, ban ngày không đông đảo, ban đêm ít tiếng động, không nhiều gió, tách biệt với dân chúng, thích hợp cho việc thiền tịnh.” Rồi đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã khởi ý điều này: “Khu vườn Veḷuvana (Trúc Lâm) này của chúng ta là không xa làng mạc lắm, cũng không quá gần, thuận tiện cho việc tới lui, dân chúng có thể đi đến khi nào có ước muốn, ban ngày không đông đảo, ban đêm ít tiếng động, không nhiều gió, tách biệt với dân chúng, thích hợp cho việc thiền tịnh, hay là ta nên dâng khu vườn Veḷuvana đến hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu?”
Sau đó, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã cầm lấy bình nước làm bằng vàng rưới nước lên tay đức Thế Tôn (nói rằng):
– Bạch ngài, trẫm dâng khu vườn Veḷuvana này đến hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu. Xin đức Thế Tôn thọ lãnh khu vườn.
Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
– Này các tỳ khưu, ta cho phép khu vườn (ārāma). (Tỳ-kheo Indacanda, dịch).
2. Trưởng giả Ca-lăng (hoặc Ca-lan-đa) hiến cúng Trúc Lâm.
2.1 Kinh Phổ Diệu, quyển thứ tám, ghi:
Bấy giờ trong nước Ma-kiệt có một trưởng giả tên là Ca-lăng, thấy Phật đến nước Ma-kiệt thì trời người đều kính phụng nhưng chưa có tinh xá. Thế nên trưởng giả suy nghĩ: “Ta có vườn trúc rất đẹp, muốn dâng lên Đức Phật”. Ông liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu lạy sát chân rồi thưa Đức Phật rằng:
-Đức Thế Tôn thương xót khắp cả chúng sanh, xem như con đỏ, đã từ bỏ ngôi vị Chuyển luân thánh vương, không ưa thích giàu sang phú quý ở đời mà nay lại không có tinh xá. Con có một vườn trúc, cách thành không xa, nay xin dâng Phật, có thể làm tinh xá.
Đức Phật thọ nhận, chú nguyện rồi cùng Thánh chúng cùng đến khu vườn và an trú tại đó[7], vì thế nên gọi là vườn trúc Ca-lăng[8].
2.2. Kinh Trung Bổn Khởi, quyển Thượng, ghi:
Bấy giờ ở trong toà, có một trưởng giả giàu có tên là Ca Lan Đà, trong tâm suy nghĩ: “Thật đáng tiếc, khu vườn của ta đã thí cho Ni Kiền. Ước gì đức Phật đến trước, ta sẽ cúng cho đức Phật và Tăng. Trưởng giả hối hận vì đã bố thí trước, vĩnh viễn bị bỏ đi. Trưởng giả chí tâm, nằm trên giường mà không yên. Nhờ phước đời trước của trưởng giả theo đuổi, phước đức ứng hiện đầy đủ. Lúc ấy có Đại quỷ tướng quân tên là Bán Sư, vâng theo thần chú của đức Phật, biết tâm niệm của ông ta, liền gọi Duyệt Xoa xua đuổi Ni Kiền: “Lõa mình không biết xấu hổ, không được ở trong vườn.”.
Quỷ Bán Sư vâng lệnh, lấy chày đánh Ni Kiền, lôi kéo đồ vật, Ni Kiền hoảng sợ bỏ chạy nói rằng:
– Người ác nào đây mà ác độc như vậy?
Quỷ Bàn Sức nói:
– Trưởng giả Ca Lan Đà sẽ đem vườn trúc này làm tinh xá cho đức Phật. Ta là Đại quỷ tướng quân Bán Sư, được lệnh đuổi ngươi đi.
Sáng sớm, Ni Kiền đi đến chỗ trưởng giả, rất phiền trách, tại sao vô cớ đổi ý bố thí, khiến cho bọn chúng ta chẳng biết phải ở đâu? Đó là trưởng giả thấy sự khốn đốn của ta như vậy.
Trong tâm của Ca Lan Đà hết sức vui sướng vì nguyện của mình đã thành tựu. Đức Phật che chở cùng khắp, thấy sự chí tâm của ta, liền đáp với Ni Kiền:
– Các quỷ sứ ấy cường bạo, sân hận, e rằng họ sẽ làm hại Ngài, chi bằng Ngài hãy bỏ đi để tìm chỗ an ổn mà ở.
Ni Kiền uất hận, ngay ngày hôm đó tức giận bỏ đi. Trưởng giả vui mừng, liền tạo lập tinh xá, tăng phòng, tọa cụ, thảy đều trang nghiêm đầy đủ, đi đến dưới cây thỉnh Phật và tăng chúng, thọ thí rồi đến đó an trụ, để một thời sư hóa đạo được rộng khắp, không ai mà không được hoan hỷ. (HT. Thích Chánh Lạc, dịch).
2.3. Đại Đường Tây vức ký, quyển thứ chín, ghi:
Thuở ban đầu, trong thành này có vị đại trưởng giả tên là Ca-lan-đà rất giàu có, đã đem vườn trúc rộng lớn bố thí cho chúng ngoại đạo. Đến khi gặp được Như Lai và nhờ nghe pháp, trưởng giả khởi lòng tin trong sạch, nên hối tiếc về chỗ ở của chúng ngoại đạo, là vườn trúc khi xưa, khiến cho bậc thầy của trời người không có nơi an trú. Khi ấy các vị quỷ thần cảm ứng lòng thành muốn đuổi ngoại đạo của trưởng giả, nên đã đến bảo chúng ngoại đạo rằng: “Trưởng giả Ca-lan-đà sẽ lấy vườn trúc để xây tinh xá cúng Phật, các ông mau rời khỏi đây thì sẽ tránh được tai họa nguy khốn”. Ngoại đạo giận giữ cực độ[9] rồi ôm hận ra đi. Từ đây, trưởng giả đã cho xây dựng tinh xá, khi mọi sự hoàn mãn thì trưởng giả tự mình đi thỉnh Phật. Bấy giờ, đức Như Lai liền thọ nhận sự cúng dường này[10].
3. Vua Tần-bà-sa-la cưỡng chiếm khu vườn của trưởng già Ca-lan-đa và sau đó hiến cúng cho Đức Phật.
Quan điểm thứ ba này thuộc Luật tạng của Hữu bộ. Đó là tác phẩm Căn bản thuyết Nhất thiết Hữu bộ Tỳ-nại-da phá tăng sự (根本說一切有部毘奈耶破僧事)[11], luật ghi: T24n1450_p0137b10║ quyển thứ tá::`T24n1450_p0137b11║T24n1450_p0137b12║
Khi vua Tần-tì-sa-la còn là Thái tử, trong thành Vương-xá có một Trưởng-giả, là chủ nhân một khu vườn hoa quả sum suê và rất yêu thích nó. Một hôm, trong khi đi du ngoạn, Thái tử Tần-tì-sa-la trông thấy vườn hoa ấy liền sanh ý tưởng ưa thích. Thái tử bảo Trưởng-giả:
–Khanh hãy cho ta khu vườn hoa nầy.
Trưởng-giả sanh tâm tiếc rẻ nên nhất định không cho. Thái tử xin ba lần như vậy đều không được Trưởng-giả đồng ý. Thái tử lại bảo:
–Ta cho khanh nhiều của cải thì khu vườn có thể thuộc về ta chăng?
Trưởng giả đáp:
–Thà ra khỏi nước chứ nhất định không cho.
Thái tử lại bảo Trưởng-giả:
–Hãy nhớ lời ta, nếu được lên ngôi vua thì ta sẽ lấy khu vườn.
Trưởng-giả đáp:
–Thái tử lên ngôi vua thì tôi sẽ ra khỏi nước.
Thái tử nói:
–Ngươi hãy ghi nhớ. Ta là Thái tử Tần-tì-sa-la.
Nói xong, Thái tử liền quay xe trở về.
Sau đấy, vua Đại Liên Hoa già yếu rồi đột nhiên qua đời, Thái tử liền nối ngôi vua. Lên ngôi xong, nhà vua liền dùng quyền lực chiếm đoạt vườn hoa ấy. Trưởng-giả sanh buồn bực nên mắc bệnh và chết trong oán hận. Sau khi chết, ông ta sanh làm một con rắn độc sống trong khu vườn ấy. Rắn độc thường rình rập nhà vua để tìm cơ hội trả thù.
Vào mùa xuân, vua cùng các cung nhân và thể nữ đến khu vườn hoa kia. Đến nơi, vua bảo các quan đi chỗ khác, còn vua ở lại vui chơi hoan lạc với các cung nữ rồi vì quá mệt, vua liền ngủ thiếp đi. Do ưa thích hoa, các thể nữ đều bỏ vua để đi ngắm hoa, chỉ còn một thể nữ cầm đao hộ vệ vua. Thấy các thể nữ đều đi rải rác, từ trong hang, rắn độc ấy liền bò ra định cắn vua. Nhờ phước đức của vua, bầy chim Yết-lan-đạc-ca vây quanh con rắn ấy và kêu vang lên. Nghe tiếng chim kêu, lại thấy con rắn ấy bò về phía vua, thể nữ cầm đao bèn dùng đao bén chặt đứt thân con rắn độc. Vì sợ hãi, cô ta liền la to khiến vua thức giấc, liền hỏi người nữ:
Có việc gì vậy?
Người nữ thưa:
–Rắn độc muốn đến cắn vua, bầy chim Yết-lan-đạc-ca vây quanh cắn, kêu vang lên và thiếp đã chặt đứt thân rắn độc.
Nghe kể việc nầy, nhà vua liền ra lệnh cho Thái tử và quần thần tập hợp dân chúng ở thành Vương-xá đến khu vườn đó. Mọi người tập trung đến đầy vườn gây nên âm thanh náo loạn. Vị vua ấy rất khéo trị vì đất nước nên khi nghe tin nầy, mọi người đều xót xa rơi lệ.
Vua bảo mọi người:
–Người náo cứu sống vua quán đảnh Sát-đế-lợi thì đáng được báo đáp như thế nào?
Quần thần thưa:
–Đáng được thưởng một nửa nước.
Vua nói:
–Bầy chim Yết-lan-đạc-ca vừa cứu sống ta. Nếu vậy cần phải thưởng cho chúng nửa nước.
Đại thần lại thưa vua:
–Chim Yết-lan-đạc-ca chẳng phải là người. Giả sử được vua ban thưởng như thế thì làm sao chúng dùng được. Chi bằng vua ban cho chúng khu vườn nầy và trọn đời cung cấp đồ ăn uống cho chúng.
Vua nói:
–Ta sẽ làm theo lời khanh nói.
Quần thần cho trồng trúc khắp khu vườn ấy, vì vậy nó có tên là vườn trúc Yết-lan-đạc-ca.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang du hành ở nước Ma-yết-đà và dừng chân cạnh một gốc cây, bên ngoài thành Vương-xá. Nghe tin Phật ngụ cạnh một gốc cây, bên ngoài thành Vương-xá, vua Ảnh Thắng cùng quyến thuộc liền ra khỏi thành Vương-xá, đến chỗ Phật đảnh lễ Ngài, rồi lui lại ngồi qua một bên. Lúc ấy, vì muốn giảng nói pháp diệu chỉ bày sự lợi ích an vui nên Thế Tôn ngồi im lặng. Vua Ảnh Thắng liền trịch áo bày vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay cung kính bạch Phật:
–Cúi xin Thế Tôn và các Bí-sô nhận sự cúng dường của con vào sáng mai.
Đức Thế Tôn im lặng chấp nhận.
Biết Phật đã nhận lời, vua Ảnh Thắng đảnh lễ sát chân Ngài rồi trở về cung, ra lệnh cho các quyến thuộc chuẩn bị nhiều loại đồ ăn uống thơm ngon, sắp đặt giường ghế. Phía trước ghế ngồi, vua cho đặt một bình báu đựng nước. Đã sắp xếp xong, vua liền cho sứ giả đến gặp Thế Tôn và thưa là đã đến giờ.
Bấy giờ, vào sáng sớm, Đức Thế Tôn đắp y mang bát cùng với các Bí-sô đến thành Vương-xá và đi vào cung vua. Sau khi rửa tay chân, Thế Tôn cùng các Bí-sô ngồi xuống ghế. Thấy Phật và các Bí-sô đã ngồi yên lặng, vua Ảnh Thắng tự tay dâng các thức ăn ngon cúng dường liên tục không dứt, khiến tất cả đều no đủ.
Tăng chúng ăn xong, vua đích thân rót nước. Khi Phật và tăng chúng súc miệng rồi, nhà vua lấy bình bằng châu báu rưới nước rửa tay Thế Tôn và thưa:
Con xin dâng cho Thế Tôn khu vườn Tỳ-bà-ca-lan-đà. Xin Thế Tôn hãy thọ nhận.
Thế Tôn liền chú nguyện bằng kệ:
Người nào thường bố thí
Tất được nhiều lợi ích
Vì lợi thích bố thí
Sau sẽ được an lạc.
Nói kệ chú nguyện rồi, Đức Thế Tôn liền cùng với các Bí-sô đến khu vườn Yết-lan-đạc-ca và dừng chân ở đây. Do nhân duyên nầy, tôn giả kiết tập kinh điển có nói: Phật ở tại vườn Yết-lan-đạc-ca, cho đến tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên xuất gia, đắc đạo A-la-hán. (Tỳ-kheo Thích Tâm Hạnh, dịch).
4. Nhận định về các nguồn tư liệu thay lời kết.
Quan điểm thứ nhất, tức là vua Tần-bà-sa-la hiến cúng Trúc Lâm cho Đức Phật. Trong vấn đề này, cả hai nguồn tư liệu chủ yếu là luật Tứ-phần và Mahā Vagga đều khả tín. Tính chân thực và phổ dụng của hai tác phẩm luật tạng này đã được giới nghiên cứu Phật giáo nói chung chứng minh trong nhiều lãnh vực cụ thể. Đặc biệt, ngài Tăng Hựu (僧祐:445-518) đã dẫn lại nguồn luật Tứ phần của bộ phái Đàm-vô-đức khi viết tác phẩm Thích-ca phổ[12].
Quan điểm thứ hai, tức trưởng giả Ca-lăng (hoặc Ca-la-đa) hiến cúng Trúc Lâm cho Đức Phật. Kinh Phổ Diệu (普曜經) là một nguồn thư tịch quan trọng trong lãnh vực nghiên cứu về cuộc đời đức Phật, được ngài Trúc Pháp Hộ (竺法護) dịch ở thời Tây Tấn. Kinh Phổ Diệu, một bản kinh thuộc hệ Bổn duyên và chứa đựng yếu tố thần bí, siêu nhiên, thế nên sự kiện trưởng giả Ca-lăng hiến cúng Trúc Lâm cho Đức Phật chỉ có giá trị tham khảo. Cùng đề cập đến sự kiện này, kinh Trung Bổn khởi (中本起), do Sa-môn Đàm Quả và ngài Khang Mạnh Tường dịch (沙門曇果共康孟詳譯) đã nêu dẫn nhiều sự kiện không hợp lý. Sự kiện đánh đuổi ngoại đạo rời khỏi khu vườn để cúng Trúc Lâm cho Đức Phật là một trong những yếu tố bất hợp lý này. Thực tế, một phần của bản kinh Trung Bổn khởi cũng bị ngài Đạo An phê phán trong lời Tựa kinh Tăng Nhất A-Hàm[13]. Đáng chú ý nhất là công trình ghi chép mang tính khoa học của ngài Huyền Tráng (602-664), là tác phẩm Đại Đường Tây vức ký (大唐西域記) đã sử dụng tư liệu của kinh Trung Bổn Khởi để giải thích về sự ra đời của Trúc Lâm tinh xá. Sự sai lầm không dừng lại ở đó, khi đồng loạt các tác phẩm như Kinh luật dị tướng (經律異相), quyển thứ ba; Phiên dịch danh nghĩa tập (翻譯名義集) quyển thứ bảy; …cùng sử dụng nguồn tư liệu từ kinh Trung Bổn Khởi. Tương tự như kinh Trung Bổn Khởi, bản kinh Phật bổn hạnh tập (佛本行集) do ngài Xà-na-quật-đa (闍那崛多) phiên dịch cũng có nhiều điều bất hợp lý vì tập hợp từ nhiều nguồn, từ lời kể lại của nhiều bậc thầy, đúng như tên gọi của bản kinh. Có thể nói, Phật bổn hạnh tập mặc dù mang tên gọi là một bản kinh gồm 60 quyển, nhưng thực chất là một công trình tập hợp từ nhiều nguồn tư liệu, kể về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca nhưng đã có sự biên tập, thêm bớt nhiều tư liệu không chính xác. Với khảo sát bước đầu đã cho thấy có trên 100 điểm bất hợp lý nếu không nói là sai lầm từ bản kinh Phật bổn hạnh tập gồm 60 quyển, chúng tôi sẽ trình bày vấn đề này trong một chuyên khảo khác.
Quan điểm thứ ba, vua Tần-bà-sa-la cưỡng chiếm khu vườn của trưởng giả Ca-la-đà và sau đó cúng dường Đức Phật. Quan điềm này mang tính dung hợp từ nhiều nguồn tư liệu. Đó là chú giải của ngài Buddhaghosa về nguồn gốc khu vườn Kalandakanivāpa có cùng một nguồn hoặc tương tự như tác phẩm Chú giải kinh Phật tự thuyết (UdA.60) và dự định chiếm lấy khu vườn của vua Tần-bà-sa-la khi còn thái tử, được ghi nhận trong Căn bản thuyết Nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da phá tăng sự. Xét về phương diện thực tế, câu chuyện cưỡng chiếm đất đai của con dân từ các hàng vua chúa cũng là sự kiện thường xảy ra trong lịch sử. Tuy nhiên, khi dẫn dắt các dữ kiện vốn dĩ rời lạc, không liên quan đến nhau để trở thành một câu chuyện có kết cấu chặt chẽ, có quan hệ nhân quả, đã cho thấy có sự can dự nhất định của các nhà biên tập luật tạng Nhất thiết Hữu bộ[14].
Như vậy, từ ba quan điểm đã nêu dẫn trên về nguồn gốc tên gọi tinh xá Trúc Lâm và ai đã hiến cúng tinh xá này cho Đức Phật, đã cho thấy có nhiều chi tiết quảng diễn sinh động của các truyền thống Phật giáo. Sở dĩ các nhà nghiên cứu lịch sử khi lựa chọn quan điểm thứ nhất, vì đã căn cứ vào những cơ sở vững chắc về phương diện văn bản và những bằng chứng xác thực từ phương diện khảo cổ liên quan.
Ở đây, trong vấn đề chuyển dịch cụm từ liên quan đến trú xứ quan trọng của Đức Phật có nguyên tác Pāli: Veḷuvana Kalandakanivāpa, chúng tôi nhận thấy dịch ngữ Tiếng Việt hiện đang được sử dụng trong kinh, luật Nikāya là: Tinh xá Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc là cách dịch gần với từ nguyên và rất sáng nghĩa. Đối với các dịch ngữ tương đương trong kinh, luật Hán tạng nhằm chỉ cho địa danh này như: Trúc Lâm Ca-lan-đà viên (竹林迦蘭陀園), hoặc Ca-lan-đà trúc viên (迦蘭陀竹園), hoặc Ca-lan-đà Trúc Lâm tinh xá (迦蘭陀竹林精舍), hoặc Trúc Lâm Ca-lan-đa viên (竹林迦蘭哆園)… chúng tôi kính đề nghị thống nhất cách dịch là: Tinh xá Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đa.
[1] 大正新脩大藏經第 4 冊 No. 192 佛所行讚
[2] Lamotte, Étienne. History of Indian Buddhism. Paris: Institut Orientaliste Louvain-La-Neuve, 1988 p. 18.
[3] Hajime Nakamura. Gotama Buddha: A biography based on the most reliable texts. Vol 1. Tokyo: Kosei Publishing Co. 2002.p. 314.
[4]Udāna Aṭṭhakatha. Bodhivaggo. 6, Mahākassapasuttavaṇṇanā: Veḷuvananti tassa vihārassa nāmaṃ. Taṃ kira aṭṭhārasahatthubbedhena pākārena parikkhittaṃ buddhassa bhagavato vasanānucchavikāya mahatiyā gandhakuṭiyā aññehi ca pāsādakuṭileṇamaṇḍapacaṅkamadvārakoṭṭhakādīhi paṭimaṇḍitaṃ bahi veḷūhi parikkhittaṃ ahosi nīlobhāsaṃ manoramaṃ, tena ‘‘veḷuvana’’nti vuccati.
[5] Udāna Aṭṭhakatha. Bodhivaggo. 6, Mahākassapasuttavaṇṇanā: Kalandakānañcettha nivāpaṃ adaṃsu, tasmā ‘‘kalandakanivāpo’’ti vuccati. Pubbe kira aññataro rājā taṃ uyyānaṃ kīḷanatthaṃ paviṭṭho surāmadamatto divāseyyaṃ upagato supi, parijanopissa ‘‘sutto rājā’’ti pupphaphalādīhi palobhiyamāno ito cito ca pakkāmi. Atha surāgandhena aññatarasmā rukkhasusirā kaṇhasappo nikkhamitvā rañño abhimukho āgacchati. Taṃ disvā rukkhadevatā ‘‘rañño jīvitaṃ dassāmī’’ti kalandakavesena gantvā kaṇṇamūle saddamakāsi. Rājā paṭibujjhi, kaṇhasappo nivatto. So taṃ disvā ‘‘imāya kāḷakāya mama jīvitaṃ dinna’’nti kāḷakānaṃ nivāpaṃ tattha paṭṭhapesi, abhayaghosañca ghosāpesi. Tasmā tato paṭṭhāya taṃ ‘‘kalandakanivāpa’’nti saṅkhaṃ gataṃ. Kalandakāti hi kāḷakānaṃ nāmaṃ, tasmiṃ veḷuvane kalandakanivāpe.
[6] 四分律卷第五十, 房舍揵度[14]初: 爾T22n1428_p0936c03║時世尊在王舍城,摩[19]竭王瓶沙作如是念:T22n1428_p0936c04║「世尊若初來所入園,便當布施作僧伽藍。」時T22n1428_p0936c05║王舍城有迦蘭陀竹園,最為第一。時世尊T22n1428_p0936c06║知王心念,即往迦蘭陀竹園。王遙見世尊T22n1428_p0936c07║來,即自下象,取象上褥疊為四重敷已,白T22n1428_p0936c08║佛言:「願坐此座。」世尊即就座而坐。時瓶沙T22n1428_p0936c09║王捉金澡瓶授水與佛,白言:「此王舍城迦T22n1428_p0936c10║蘭陀竹園最為第一,今奉施世尊,願慈愍T22n1428_p0936c11║故為[20][20]納受。」佛告王言:「汝今以此園施佛及T22n1428_p0936c12║四方僧。何以故?若是佛所有、[21]若園園物、若T22n1428_p0936c13║房房物、若衣鉢坐具針筒,一切諸天、世人、魔T22n1428_p0936c14║王、梵王、沙門、婆羅門無能用者,應恭敬如T22n1428_p0936c15║塔。」王即白佛言:「大德!以此迦蘭陀竹園布T22n1428_p0936c16║施佛及四方僧,慈愍故,為我納受。」時世尊T22n1428_p0936c17║說此偈而勸喻之: “施園及果樹,橋船以[22]渡人;T22n1428_p0936c19║曠路施泉井,并施房舍者.如是諸人等,晝夜福增益; 持戒樂法者, 此人生善道”. T22n1428_p0936c22║.[0936c22] 時王瓶沙頭面禮佛[23]足却坐一面,世尊為T22n1428_p0936c23║王種種方便說法,令得歡喜。王聞佛說[24]法T22n1428_p0936c24║歡喜,從坐起禮佛而去.
[7] Nguyên tác du xử (遊處). Dùng như chữ du khế (游憩): du ngoạn và nghỉ ngơi.
[8] 時摩竭國有一長者, 名迦陵, T03n0186_p0533b28║見佛入國, 天人所奉而無精舍:‘我有好[22]竹T03n0186_p0533b29║園欲[23]用上佛’往詣佛所稽首足下, 前白T03n0186_p0533c01║佛言: ‘佛愍一切如[24]視愛子,棄轉輪王不T03n0186_p0533c02║慕世榮,今無精舍,有一竹園去城不遠,T03n0186_p0533c03║願以奉佛可作精舍’. 佛受呪願,佛及聖眾T03n0186_p0533c04║遊處其中,是故名曰迦陵竹園
[9] Phẩn khuể (憤恚): dùng như chữ thống hận (痛恨)
[10] 大唐西域記卷第九: 初, 此城中有大長[7]者迦蘭陀, 時稱豪貴, 以T51n2087_p0922a25║大竹園施諸外道. 及見如來, 聞法淨信, 追T51n2087_p0922a26║[8]昔竹園居彼異眾, 今天人師無以館舍. T51n2087_p0922a27║時諸[10]神鬼感其誠心,斥[11]逐外道, 而告之T51n2087_p0922a28║曰: ‘長者迦蘭陀當以竹園起佛精舍, 汝宜T51n2087_p0922a29║速去, 得免危厄’. 外道憤恚, 含怒而去. 長者T51n2087_p0922b01║於此建立精舍, 功成事畢, 躬往請佛, 如來T51n2087_p0922b02║是時遂受其施.
[11] 大正新脩大藏經第 24 冊 No. 1450 根本說一切有部毘奈耶破僧事, 卷第八.
[12] 大正新脩大藏經第 50 冊 No. 2040,釋迦譜, 釋迦竹園精舍緣記第十九(出曇無德律).
[13] Lời phê phán của ngài Đạo An là: Khương Mạnh Tường dịch kinh Trung Bản Khởi, dịch luôn cả phẩm Đại Ái Đạo mà không biết rằng đó là những điều hàng cư sĩ không nên xem. Do vì phẩm kinh đó là giới pháp của Tỳ-kheo-ni, thế nên cần lược bỏ. Đây là sơ xuất rất lớn, thật đáng buồn đau. Nguyên tác: 大正新脩大藏經第 2 冊 No. 125 增壹阿含經, 增壹阿含[2]經序: 中本起康孟祥出,出大愛道品,乃不知是T02n0125_p0549b03║禁經,比丘尼法[7]甚慊切真,割而去之,此乃T02n0125_p0549b04║是大鄙可痛恨者也
[14] Theo, Thiện Kiến luật Tỳ-bà-sa, quyển sáu, Ca-lan-da là tên của một vị trưởng giả (號迦蘭陀長者), cũng là tên của loài chuột núi (山鼠), cũng là tên thôn (迦蘭陀村) và tất cả đều ở thành Tỳ-xá-ly (毘舍離). Luật tạng Pāli (Bhikkhuvibhanga) có đề cập đến thôn này, gọi là Kalandakagāma và chỉ rõ vị trí cũng gần thành Vesāli. Trong khi đó địa danh Ca-lan-đa (迦蘭陀) liên quan đến tinh xá Trúc Lâm vốn thuộc thành Vương Xá, cách Tỳ-xá-ly rất xa.
Discussion about this post