VỀ LÒNG TỰ TRỌNG
Nguyên Cẩn
Các diễn đàn và mạng xã hội tại Việt Nam có lần lan truyền mạnh mẽ câu chuyện đáng suy ngẫm về một bà cụ bán rau khiến không ít bạn đọc phải ngậm ngùi trước kết cục đáng thương về bà lão.
Câu chuyện kể về một chàng thanh niên, vì lòng trắc ẩn đối với một cụ già bán rau muống khi bị một cô gái quát nạt, đã quyết định mua hết số rau nhưng chỉ đưa tiền trước cùng lời nhắn “Bà cho con gửi đến chiều con lấy”.
Nhưng công việc bộn bề đã khiến chàng trai quên luôn sự việc trên và vài tuần sau đó khi trở lại, anh cay đắng biết được thông tin chỉ vì đợi anh trong cơn mưa suốt buổi chiều hôm đó, bà cụ đã bị cảm và vĩnh viễn ra đi…
Có hư cấu hay không, câu chuyện ngắn khoảng 600 chữ với giọng kể đầy ân hận của chính chàng thanh niên kia đã tạo nên những tiếng thở dài đầy suy tư khắc khoải khi hình dung một bà cụ vì lời hứa ngồi chờ trong mưa gió đến nỗi lâm bệnh nặng…
Chúng ta chợt nhớ đến câu chuyện lão Hạc của Nam Cao khi lão ăn bả chó để tự vẫn vì không muốn bán đi mảnh vườn dành cho con trai, và điều đáng quý hơn nữa là lão thu xếp bán con chó để lo hậu sự, không làm phiền người thân hay chòm xóm. Câu chuyện ấy thoạt nghe thì cũng bình thường như khi ta nói về những người Việt sống có trách nhiệm với bản thân và đồng bào đồng loại vì chúng ta vẫn được học rằng hễ làm người thì trách nhiệm và lòng tự trọng là những điều không thể thiếu dù ở địa vị nào trong xã hội.
Lòng tự trọng đang ở đâu hôm nay?
Nhưng thật ra thì những câu chuyện ấy đang dần trở thành chuyện lạ… bốn phương khi chúng ta bắt gặp không ít những nhân vật “thiếu” tự trọng chung quanh mình, từ nhà ra phố đến sở làm…
Thông thường, người thiếu tự trọng thuộc ba loại người sau đây:
1. Kẻ dối trá: Chúng ta có ngạc nhiên không khi có người không tôn trọng chính mình, đơn giản như chỉ hứa và nói mà không làm gì hết, hay nói một đàng làm một nẻo. Họ luôn che giấu ý định thực sự sau những phát biểu đầy chất “khuôn vàng thước ngọc”.
2. Kẻ phá bĩnh hay nổi loạn: Những người này bề ngoài cố gắng chứng minh mình có quan điểm, thiện chí như bao người khác, đặc biệt là những người có vai vế, quyền lực nhưng cuộc sống đầy những bực bội vì cảm giác lúc nào cũng “chưa đủ”. Họ thường xuyên chỉ trích người khác quá đáng, nhân danh mọi thứ quy luật. Khi thất bại, họ chống đối kịch liệt.
3. Kẻ thất bại: Trong tiếng Anh, những kẻ này được gọi là “the losers”. Họ hành động một cách thiếu định hướng, cứ làm “bừa” mọi thứ một cách vô ích rồi chờ người khác đến giúp; có lúc tỏ vẻ đáng thương hại nhưng có lúc lại thờ ơ nhằm trốn tránh trách nhiệm, luôn luôn trông chờ vào sự chỉ bảo của người khác, thiếu quyết đoán, ỷ lại.
Hệ quả của một đất nước hay một xã hội gồm những người như thế sẽ sinh ra nhiều “bệnh thái”. Chúng ta phải kể tới từ những thói quen tệ hại của nền văn hóa “phong bì”, một nền hành chính dịch vụ thay cho phục vụ, đến những kẻ đục khoét xà xẻo tài sản đất nước với đủ thứ mưu ma chước quỷ, bất chấp thủ đoạn. Để rồi người dân khi đến các cơ quan công quyền luôn cảm thấy thiếu tôn trọng vì chính ở đấy có những người “không tự trọng”. Nếu lòng tự trọng còn hiện diện thì chắc không có những chuyện vòi vĩnh, mặc cả, đe dọa, ăn chặn tiền cứu trợ, công quỹ các loại…, không có những kẻ đóng khung mình trên chiếc ghế địa vị dù không có khả năng đảm đương công việc nhưng khi đổ vỡ hay thất bại thì lại cho rằng… “do năng lực còn hạn chế” và cương quyết “không từ chức” vì lý do “tổ chức phân công”. Tệ hơn nữa, họ tạo lập nên những nhóm lợi ích, những kẻ cùng “hội” cùng ê kíp, cánh hẩu với mình nhằm loại bỏ những người khác có tài năng hay trình độ cao hơn. Cuối cùng họ trở thành ra những kẻ sâu mọt trong xã hội… Nếu chỉ đánh giá một con người là có lý tưởng cách mạng vững vàng, ý thức hệ XHCN trong sáng… mà nhân cách trong sinh hoạt đời thường và trong công việc tỏ ra thiếu tự trọng thì rốt cuộc chỉ là đánh giá phiến diện, bề ngoài, mang tính chất vọng ngữ, xảo ngôn và lý tưởng hay thế giới quan, thậm chí chính trị quan của người đó chỉ là một thứ ngụy tín (mauvaise foi) như Albert Camus có lần đề cập trong tác phẩm của mình…
Một người tự trọng sẽ luôn thấy tự tin, hạnh phúc, biết trọng nhân cách của chính mình và tôn trọng người khác. Do đó, họ có động lực mạnh mẽ trong hành động, biết định hướng trong tư duy, và luôn thể hiện tính người trong mọi hành xử. Người biết tôn trọng bản thân không chỉ có khả năng nhận xét, đánh giá mình một cách chính xác trong bất cứ trường hợp nào, biết rõ đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình, đồng thời thừa nhận giá trị bản thân mà không cần đến sự đánh giá tức thời của xã hội vì họ luôn quan tâm đến cộng đồng, đến trách nhiệm không chỉ với hôm nay mà cả với thế hệ mai sau.
Điều gì làm nên sức mạnh dân tộc
Không chỉ vì lòng yêu nước mà còn xuất phát từ sự tự trọng của một dũng tướng mà Trần Hưng Đạo năm xưa đã khẳng khái tuyên bố ‘Nếu bệ hạ muốn hàng giặc thì hãy chém đầu thần trước đã”. Đó là tuyên ngôn của một dân tộc kiêu hùng, một thời đại vẻ vang, làm nên những chiến công lịch sử để bảo vệ Tổ quốc. Người ta gần đây ca ngợi nước Nhật sau thảm họa Fukushima đã đứng dậy từ tang thương và phục hồi kỳ diệu. Chúng ta còn nhớ Hòa thượng Yoshimizu Daichi, 71 tuổi, trụ trì ngôi chùa cổ Nisshin Kustu ở Tokyo, đã trả lời phỏng vấn báo Giác Ngộ rằng: “Đất nước chúng tôi gồm nhiều đảo, nằm trên vành đai núi lửa Thái Bình Dương. Chúng tôi biết số phận của mình là phù du, là mong manh, có thể tan biến bất cứ lúc nào. Cũng giống như hoa anh đào, hoa rất đẹp nhưng lại rất mong manh”. Nhưng thảm họa không đánh gục được nước Nhật “mong manh như hoa anh đào”. Vì sao? Hòa thượng Yoshimizu giải đáp: “Truyền thống Nhật Bản dạy cho chúng tôi ý thức về tổ tiên, luôn biết ơn, lúc nào cũng nhớ về công lao của các bậc tiền nhân, của người khác trong tương quan xã hội mà mình đang sống. Chính vì vậy mà người Nhật luôn có ý thức tôn trọng, nghĩ về lợi ích của người khác trước mình”. Đó chính là ý nghĩa của tinh thần vị tha mà chúng tôi đã từng phân tích, làm nên sự khác biệt giữa Niết-bàn và địa ngục trong tâm hồn mỗi con người và trong cả cuộc đời.
Thiết nghĩ “lợi ích của người khác” mà Hòa thượng Yoshimizu nhắc đến không gì khác hơn là lợi ích của đồng bào, trong đó có cả con cháu mình. Nói cách khác, đó chính là tinh thần trách nhiệm với chính những gì mình làm, không chỉ cho hôm nay mà cho cả mai sau.
Chúng ta cũng biết nhóm Fukushima 50, nhóm những người tình nguyện ở lại Nhà máy Điện nguyên tử Fukushima sau khi động đất và sóng thần nhằm khắc phục phần nào hậu quả, bất chấp phải sống trong môi trường phóng xạ cao vì đối với họ, cao hơn cả cái chết và nỗi sợ hãi là tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng và trách nhiệm đối với các thế hệ đời sau.
Có lẽ vì vậy mà một công nhân của Công ty TEPCO (chủ đầu tư Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima), ông Tatsuya Tamaki, đã nói với Hãng thông tấn Reuters như sau: “Chúng tôi sẽ kết thúc thảm họa trong thế hệ của mình và sẽ không để con cháu phải gánh công việc này”.
Đừng thu phí lòng tự trọng
Từ xưa cha ông chúng ta từng đề cao “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Đói cho sạch, rách cho thơm”… Lòng tự trọng không chỉ cho cuộc sống hôm nay mà còn thể hiện trong lo toan cho thế hệ đời sau. Không kể giàu nghèo, cha mẹ dành cả cuộc đời, cần kiệm chi tiêu, tận tụy hy sinh nuôi con ăn học thành tài và luôn dạy con kiếm tiền trung thực. Hãy nhìn lại nước Nhật. Họ đã dành những gì tốt đẹp nhất cho thế hệ tương lai, vì nói như họ, thế hệ tương lai cũng là con cháu của đồng bào mình. Họ không ném những sai lầm của thế hệ hôm nay hay khó khăn của hiện tại vào tương lai. Chính tinh thần trách nhiệm này của người Nhật, tinh thần cống hiến samurai và lòng tự trọng tuyệt vời – từ những người bình thường nhất trong xã hội đến những quan chức cao cấp nhất trong chính quyền – đã tạo nên cái gọi là “điều thần kỳ” cho nước Nhật. Nhìn lại mình, chúng ta đang làm gì hôm nay cho thế hệ mai sau? Hãy tự hỏi những món nợ công đang trải ra trên những công trình đang dang dở, những con đường xuống cấp rất nhanh, những dự án không quyết toán sòng phẳng được vì những khoản phí ngầm(!). Thử xem lại việc khai thác khoáng sản, chúng ta có băn khoăn gì về tình trạng ô nhiễm, tình trạng cạn kiệt tài nguyên mai sau không? Lấy một ví dụ nhỏ về tình trạng phá rừng làm thủy điện. Chúng ta thử đọc dòng tin sau, “Mà nào phải lâm tặc mới phá rừng! Những cư dân cả đời gắn bó với rừng, xem rừng như nguồn sống của mình, đến một ngày phải nhường chỗ cho các dự án thủy điện, trở nên tay trắng, đành phải “bội bạc” với rừng để sống. 674 hộ dân với 3.500 nhân khẩu ở huyện Bắc Trà My – Quảng Nam, thuộc diện di dời bởi dự án thủy điện Sông Tranh 2 là một ví dụ. Chẳng hiểu vì sao chính quyền địa phương lại đưa họ đến tái định cư giữa vùng rừng phòng hộ đầu nguồn. Ở nơi ấy, trong cảnh đói ăn và thiếu đất sản xuất, không phá rừng thì còn biết làm gì!( Người Lao Động ngày 3 tháng 4, 2012).
Chúng ta phải bằng mọi cách và mọi giá thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn đói nghèo – vô trách nhiệm – tham nhũng – dốt nát – như một thứ định nghiệp dành cho những quốc gia chậm phát triển hay bị tàn phá vì “nội thù” khi mà những quan chức tham nhũng chỉ biết nghĩ đến cá nhân và gia đình mình, bất chấp số phận của đồng bào hiện tại và bất chấp di hại cho đời sau. Thảm họa ấy còn lớn gấp nhiều lần Fukushima, vì sự giàu có của họ chỉ thuộc về thiểu số và không lâu bền, trong khi tổn hại cho đất nước và mai sau thì vô kể và khôn lường.
Chúng ta đang rất cần những người tự trọng, biết sống và đóng góp cho cộng đồng hôm nay và có trách nhiệm với mai sau, thế nên đừng để những người giàu tự trọng phải thiệt thòi, bắt họ phải đóng “phí” cho sự tồn tại phồn vinh của xã hội trong khi những kẻ gian dối lại luồn lách bòn rút cả tương lai đất nước, để lại di sản nặng nề cho con cháu mai sau. Có ai đó từng kêu lên trong một phiên họp Quốc hội rằng: “Làm gì thì làm, đừng bắt con cháu mai sau trả nợ thay mình”. Con cháu cũng sẵn lòng trả nợ nếu cha ông đã vay một cách trong sáng, chan chứa lòng tự trọng và biết nghĩ đến mai sau. Còn không thì…!!
Nguyên Cẩn | Văn Hóa Phật Giáo số 151 15-4-2012
(*) Dưới đây là câu chuyện với bức hình “Bà cụ bán rau muống chết trong một chiều mưa giáo”
Một giọng khàn khàn, run run làm gã giật mình. Trước mắt gã, một bà cụ già yếu, lưng còng cố ngước lên nhìn gã, bên cạnh là mẹt rau chỉ có vài mớ rau muống xấu mà có lẽ có cho cũng không ai thèm lấy.
– Ăn hộ tôi mớ rau…!
Giọng bà cụ vẫn khẩn khoản. Bà cụ nhìn gã ánh mắt gần như van lơn. Gã cụp mắt, rồi liếc xuống nhìn lại bộ đồ công sở đang khoác trên người, vừa mới buổi sáng sớm. Bần thần một lát rồi gã chợt quay đi, đáp nhanh: Dạ cháu không bà ạ! Gã nhấn ga phóng nhanh như kẻ chạy trốn. Gã chợt cảm thấy có lỗi, nhưng rồi cái cảm giác ấy gã quên rất nhanh. “Mình thương người thì ai thương mình” cái suy nghĩ ích kỷ ấy lại nhen lên trong đầu gã.
– Ăn hộ tôi mớ rau cô ơ i! Tiếng bà cụ yếu ớt.
– Rau thế này mà bán cho người ăn à? Bà mang về mà cho lợn!
Tiếng chan chát của một cô gái đáp lại lời bà cụ.
Gã ngoái lại, một cô gái cũng tầm tuổi gã. Cau mày đợi cô gái đi khuất, gã đi đến nói với bà:
– Rau này bà bán bao nhiêu?
– Hai nghìn một mớ. Bà cụ mừng rỡ.
Gã rút tờ mười nghìn đưa cho bà cụ.
– Sao chú mua nhiều thế?
– Con mua cho cả bạn con. Bây giờ con phải đi làm, bà cho con gửi đến chiều con về qua con lấy!
Rồi gã cũng nhấn ga lao vút đi như sợ sệt ai nhìn thấy hành động vừa rồi của gã. Nhưng lần này có khác, gã cảm thấy vui vui.
Chiều hôm ấy mưa to, mưa xối xả. Gã đứng trong phòng làm việc ngắm nhìn những hạt mưa lăn qua ô cửa kính và theo đuổi nhưng suy nghĩ mông lung. Gã thích ngắm mưa, gã thích ngắm những tia chớp xé ngang trời, gã thích thả trí tưởng tượng theo những hình thù kỳ quái ấy. Chợt gã nhìn xuống hàng cây đang oằn mình trong gió, gã nghĩ đến những phận người, gã nghĩ đến bà cụ…
– Nghỉ thế đủ rồi đấy!
Giọng người trưởng phòng làm gián đoạn dòng suy tưởng của gã. Gã ngồi xuống, dán mắt vào màn hình máy tính, gã bắt đầu di chuột và quên hẳn bà cụ. Mấy tuần liền gã không thấy bà cụ, gã cũng không để ý lắm. Gã đang bận với những bản thiết kế chưa hoàn thiện, gã đang cuống cuồng lo công trình của gã chậm tiến độ. Gã quên hẳn bà cụ. Chiều chủ nhật gã xách xe máy chạy loanh quanh, gã vẫn thường làm như vậy và có lẽ gã cũng thích thế. Gã ghé qua quán trà đá ven đường, nơi có mấy bà rỗi việc đang buôn chuyện. Chưa kịp châm điếu thuốc, gã chợt giật mình bởi giọng oang oang của một bà béo:
– Bà bán rau chết rồi.
– Bà cụ hay đi qua đây hả chị? Chị bán nước khẽ hỏi.
– Tội nghiệp bà cụ ! một giọng người đàn bà khác.
– Cách đây mấy tuần bà cụ giở chứng cứ ngồi dưới mưa bên mấy mớ rau. Có người thấy thương hỏi mua giúp nhưng nhất quyết không bán, rồi nghe đâu bà cụ bị cảm lạnh.
Nghe đến đây mắt gã chợt nhòa đi, điếu thuốc chợt rơi khỏi môi. Bên tai gã vẫn ù ù giọng người đàn bà béo kia… Gã không ngờ………!
Câu chuyện trên đây có thể thật, có thể không, nhưng bức ảnh rất thực. Một bức hình không thể nào tạo dựng được. Nhìn vào bức hình chúng ta thấy ngay một bà cụ già lụm khụm, lưng còng, tuổi đã quá lớn, ngồi ủ rủ bên lề đường với vốn liếng buôn bán chỉ là một nhúm rau.
Đọc qua, chúng ta thấy ngay câu chuyện xảy ra ở trong nước, người viết là người trong nước, và hẳn nhiên được phát đi từ trong nước. Câu chuyện này nói lên được điều gì?
Thứ nhất, bức hình nói lên được hiện thực một góc cạnh cuộc sống của xã hội VN ngày nay. Trong một xã hội nhiễu nhương và giàu nghèo quá cách biệt hiện nay, một bà lão tuổi đã quá cao, sức khoẻ không còn, cũng phải bươn chải buôn bán để mưu sinh thay vì được ở nhà hưởng tuổi già vui vầy cùng con cháu. Thứ hai, câu chuyện nêu lên được cái vô tình, đưa ra được căn bệnh “vô cảm” đang hoành hành mãnh liệt trong xã hội VN ngày nay. Thấy một bà cụ tuổi đã quá lớn, đáng là bà ngoại bà nội của mình, còn phải tảo tần mua bán kiếm sống, vậy mà một cô gái qua đường đã không rung động được lòng nhân mà còn ong ỏng mắng “Rau thế này mà bán cho người ăn à? Bà mang về mà cho lợn!”. Thứ ba, bà cụ già tuy rất nghèo về vật chất nhưng giàu về chữ tín, lòng tự trọng, tính nhẫn nại và đức hy sinh. Rau đã bán và người thanh niên hứa cuối ngày sẽ trở lại lấy nên bà cụ già nhất mực ngồi chờ đợi dưới cơn mưa, không bỏ về và ai mua giúp cũng không bán. Có lẽ do vậy mà bà cụ bị cảm lạnh và qua đời.
Trong bốn cái hỷ-nộ-ái-ố của con người, câu chuyện ngắn trên đây có đủ ba yếu tố cuối: nộ, ái và ố. Chử hỷ không tìm thấy được qua câu chuyện. Chữ hỷ ngày nay dường như là một cái gì đó xa vời với đời sống người thường. Nó như một cái gì xa hoa, chỉ được tìm thấy trong thế giới của những kẻ cầm quyền, những kẻ nắm quyền lực trong tay, những kẻ ăn trên ngồi tróc và thừa bạc lắm tiền. Quê hương Việt Nam của tôi ngày nay là thế đó.
(https://sites.google.com/site/motcuochoi/home/ba-cu-ban-rau-muong-dha-chet-trong-mot-chieu-mua-gio)
Discussion about this post