Vấn đề pháp phái truyền thừa
của Hải Lượng thiền sư Ngô Thì Nhậm
Thích Hạnh Tuệ (*)
Chỉ xét riêng về lĩnh vực văn học, ông
đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ với
nhiều thể loại khác nhau. Về thơ, có các tác phẩm như: Bút hải tùng đàm,
Thủy vân nhàn vịnh, Ngọc đường xuân khiếu, Cúc hoa thi trận, Thu cận dương
ngôn, Hoàng hoa đồ phả, Cẩm đường nhàn thoại. Về văn có các tập: Bang
giao hảo thoại, Xuân thu quản kiến, Hào mân ai lục, Hàn các anh hoa, Kim mã
hành dư, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh.
Ngô Thì Nhậm 吳時任 vì kiêng phạm húy
vua Tự Đức Nguyễn Phúc Thì tự Hồng Nhậm nên đổi thành Ngô Thời Nhiệm, tên Phó付, tự Hy Doãn希尹, hiệu Đạt Hiên達軒, sinh ngày 11-9-Bính Dần, tức ngày 25-10-1746, mất
năm 1803, người xã Tả Thanh Oai (làng Tó), huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay
là huyện Thanh Trì, Hà Nội) trong một “thế gia vọng tộc” có truyền thống đạo
đức, khoa bảng. Qua tên, tự, hiệu của ông, ít nhiều hé lộ mong mỏi, hoài bão
của gia đình ông. Chữ “Thì Nhậm” có nghĩa là gánh vác đúng lúc; “Hy Doãn” là
mong ước được như Tể tướng Y Doãn có công an bang tế thế thời nhà Thương ở
Trung Quốc. Vì Ngô Thì Nhậm tu theo Phật, viết sách, dạy thiền nên được các
pháp hữu đệ tử tôn xưng Hải Lượng đại thiền sư 海量大禅師. Sách Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 1, trang 9,
phần chữ Hán chép nhầm là 海亮
Ngô Thì Nhậm có pháp danh là Hải Lượng, vậy ông là đệ tử của thiền sư
nào? Theo truyền thống của nhà Thiền, pháp danh của đệ tử là do sư phụ dựa theo
bài kệ truyền pháp của tổ sư mà đặt cho. Dựa theo chữ “Hải” trong pháp
danh của ông, chúng ta có thể nhận ra ông là đệ tử truyền thừa của một trong ba
dòng kệ sau:
– Một là dòng kệ của Thiền sư Minh Hành Tại Tại (1596 – 1659), đệ tử
Thiền sư Viên Văn Chiết Chiết:
“Minh chân như tính hải/ Kim tường phổ chiếu thông/ Chí đạo thành
chính quả/ Giác ngộ chứng chân không”(1).
– Hai là dòng kệ của Thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán (1667 – 1742):
“Thiệt tế đại đạo/ Tính hải thanh trừng/ Tâm nguyên quảng
nhuận/ Đức bổn từ phong/ Giới định phúc tuệ/ Thể dụng viên thông/ Vĩnh siêu trí
quả/ Một khế thành công/ Truyền trì diệu lý/ Diễn xướng chính tông/ Hành giải
tương ứng/ Đạt ngộ chân không”(2).
– Ba là dòng kệ của Thiền sư Trí Bản Đột Không:
“Trí huệ thanh tịnh/ Đạo đức viên minh/ Chân như tính hải/ Tịch
chiếu phổ thông/ Tâm nguyên quảng nhuận/ Bản giác xương long/ Năng nhân thánh
quả/ Thường diễn khoan hằng/ Tính truyền pháp ấn/ Chứng ngộ hội dung/ Truyền
trì giới định/ Vĩnh kế tổ tông”(3).
Như vậy, chắc chắn là sư phụ của Hải Lượng thiền sư thuộc thế hệ chữ “Tính”.
Hơn nữa, là đệ tử truyền thừa theo dòng kệ của Thiền sư Minh Hành Tại Tại, cùng
môn phái với Thiền sư Chân Nguyên chứ không phải dòng kệ truyền pháp của Thiền
sư Trí Bản Đột Không dòng Lâm Tế như học giả Lê Mạnh Thát khẳng định: “Tính
Quảng có thể là bổn sư trao pháp danh Hải Lượng cho Ngô Thời Nhiệm, nếu ta căn
cứ vào pháp danh của hai người này được đặt theo dòng kệ truyền pháp của phái
Trí Bản Đột Không thuộc dòng Lâm Tế:
Trí tuệ thanh tịnh/ Đạo đức viên minh/ Chân như tính hải/ Tịch chiếu phổ
thông/ Tâm nguyên quảng tục/ Bản giác xương long/ Năng nhân thánh quả/ Thường
diễn khoan hằng/ Duy truyền pháp ấn/ Chứng ngộ hội dung/ Kiên trì giới hạnh/
Vĩnh thiệu tổ tông.
Sau khi trình bày với Tính Quảng, một kế hoạch đã hoàn thành. Đó là lấy
phần tiểu sử của Trần Nhân Tông trong Thánh đăng ngữ lục và bản niên phổ khắc
trên bia đá dựng trước tháp Viên Thông của Pháp Loa tại chùa Thanh Mai cùng với
bản Tổ gia thực lục để tạo nên sách Tam tổ thực lục ta hiện có cùng với mấy
đoạn phiến các tác phẩm của ba vị tổ vừa nêu này đang nằm rơi rớt tại các chùa
biết dưới tên Thiền đạo yếu học”. (Lê Mạnh Thát, 2006, Trần Nhân Tông toàn tập,
trang 296, 297, NXB.Tổng Hợp TPHCM).
Bởi vì, căn cứ vào tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, chương
11, Trác thanh, tăng Hải Hòa Nguyễn Đăng Sở có nhắc đến Thiền sư Viên
Văn Chiết Chiết như sau: “Chiết công (Thiền sư Chiết Chiết) ta đi bộ đến phương
Nam, ở lộ thiên dưới gốc cây ba tháng trời mới đến trụ trì ở chùa Nhạn Tháp ở
Siêu Loại, sau đó phò mã Quốc công phải cờ quạt đến đón rước. Nay ở chùa còn
thờ làm Tổ”(4).
Mặc dù Thiền sư Minh Hành Tại Tại là đệ tử của phái Trí Bản Đột Không,
nhưng ngài đã xuất kệ truyền pháp riêng như trên đã đề cập. Minh Hành và Minh
Lương là hai đệ tử xuất sắc của Thiền sư Chiết Chiết. Minh Hành là người Trung
Hoa, còn Minh Lương là người Đại Việt. Minh Lương là sư phụ của Thiền sư Chân Nguyên. Các vị đệ tử xuất sắc
có công phục hưng thiền phái Trúc Lâm và trùng san những tác phẩm Phật học thời
Lý – Trần của Chân Nguyên gồm có: Như Hiện, Như Trừng, Như Sơn, Như Trí… Năm 1750, khi Tính Lương trùng san Thánh
đăng lục, có nhờ Tính Quảng đề tựa. Có thể Tính Lương và Tính Quảng là sư huynh
đệ cùng thế hệ chữ “Tính” và là thế hệ đệ tử của thế hệ chữ “Như”: Như Hiện,
Như Trừng, Như Sơn, Như Trí…
Theo học giả Lê Mạnh Thát, thì có thể Hải Lượng là đệ tử của Thiền sư
Tính Quảng: “Việc trình bày lịch sử phát triển của thiền phái Trúc Lâm qua ba
vị tổ Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang có thể nói là một sáng tạo đặc biệt
của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVIII, khi Tính Quảng và người học trò của mình
là Hải Lượng Ngô Thời Nhiệm đã sao trích những mảng tư liệu khác nhau, để tập
hợp lại và cho ra đời sách Tam tổ thực lục”(5).
Trong Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang, Thiền sư Tính
Quảng còn được nhắc đến dưới vai trò là người đề tựa sách Thánh đăng lục,
bản trùng san năm 1750 do Tính Lương thực hiện.
Căn cứ trên văn bia Thừa Bình Tháp Ký tại chùa Dâu do Tính Quảng Thích
Điều Điều soạn lập năm Cảnh Hưng thứ 17 (1756), thác bản lưu tại tủ sách Pháp
Đăng, ghi lại hành trạng Thiền sư Hải Mộ, còn gọi là Tính Mộ mà các tư liệu
khác đề cập. Trong văn bia có câu: “Thật Long Đức nguyên niên Nhâm Tý nãi quy
tông thụ giáo bản sư ư Nhạn Tháp Ninh Phúc tự. Bản sư chính Ba Tiêu Thiên Tâm
chi pháp tử, Trúc lâm Long Động chi pháp tôn, hệ Đông Đô thủy tổ chi chính mạch
dã.”
寔龍德元年壬子乃皈宗受教本師於雁塔寧福禪寺本師正芭蕉天心之法子竹林龍洞之法孫系東都始祖之正脈也. (Năm Long Đức thứ nhất, Nhâm Tý 1732, ngài quy tông thụ giáo bản sư ở
chùa Ninh Phúc, Nhạn Tháp. Bản sư chính là pháp tử của chùa Thiên Tâm, Ba Tiêu,
là pháp tôn của Trúc Lâm Long Động thuộc hệ chính mạch Đông đô Thủy tổ). Đông
Đô thủy tổ tức chỉ cho Hòa thượng Chuyết Công Viên Văn do Thánh thiên tử Thần
tông Uyên hoàng đế sắc tứ thụy Năm Phúc Thái Giáp Dần 1674. Thiền sư Tính Quảng
còn soạn văn bia Kết Liên Hoa tuyển Phật đồ tại chùa Bảo Quang ở Bắc Ninh lập
năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763).
Với những tư liệu hiện có như trình bày ở trên, chúng ta có thể thấy được
vị sư phụ truyền pháp danh Hải Lượng cho Binh bộ thượng thư, Thị trung đại học
sĩ, Hy Doãn Công Ngô Thì Nhậm là Thiền sư Tính Quảng Thích Điều Điều (1740 –
1780) thuộc dòng thiền Minh Hành Tại Tại. n
(*) Giảng viên HVPG tại TP.HCM, Hiệu trưởng Trường
Ngoại ngữ Thanh Nhân
(1) Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo
sử luận, NXB. Văn Học. HN, trang 538.
(2) Nguyễn Lang, sđd, trang 603.
(3) Thích Như Tịnh (2009), Lịch Sử truyền thừa
thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB.
Phương Đông, trang 557.
(4) Lâm Giang (chủ biên), (2006), Ngô Thì Nhậm
toàn tập, Tập 5, NXB. Khoa học Xã
hội, trang 263.
(5) Lê Mạnh Thát (2006), Trần Nhân Tông toàn tập, NXB. Tổng Hợp
TP.HCM, trang 291.
Discussion about this post