VÀI PHƯƠNG THỨC CHUYỂN HOÁ DỤC VỌNG
Vi Ngữ
Dục vọng là một vấn đề lớn
của nhân loại nói chung và của tôn giáo nói riêng. Nhận thức đúng về dục vọng
và có một thái độ ứng xử phù hợp với điều kiện bản thân, là vấn đề quan yếu.
Trong khuôn khổ của đề tài, dục vọng được hiểu là sự luyến ái nam nữ.
Với Phật giáo,
dục vọng không hẳn là điều quá xấu xa, tội lỗi vì lẽ Đức Phật vẫn cho phép hàng
tại gia sống chung với các dục theo những chuẩn mực nhân bản, nhân văn. Tuy
nhiên, với đời sống xuất gia thì việc từ bỏ dục vọng là tiêu chí cơ bản của phẩm
vị thanh cao, hướng thượng. Dục vọng là tác nhân có liên quan đến sự đọa lạc của
một con người. Hiểu về dục vọng và cách thức chuyển hóa chúng, là điều rất mực
quan trọng trong đời sống thiểu cầu, vô dục của người xuất gia.
Mặc dù những phương thức chuyển hóa dục vọng được đề cập trong kinh phần
lớn liên quan đến người xuất gia; tuy nhiên trong thời đại ngày nay, khi sự xuất
hiện của cái ác ngày càng nhiều và chúng có liên quan ít nhiều đến việc quản lý
năng lượng tính dục, thì phương thức chuyển hóa dục vọng mà Đức Phật đã chỉ dạy,
có ý nghĩa tham khảo đối với bất kỳ ai muốn làm chủ bản thân. Với khảo sát bước
đầu, chúng tôi khái lược những phương thức chuyển hóa dục vọng được Phật dạy
trong kinh tạng Nikaya.
Đừng nhìn
chúng
Đó là câu trả lời của Đức Phật dành cho ngài A Nan trong kinh Đại bát
Niết bàn(1). Đừng nhìn
chúng cũng có nghĩa là né tránh chúng, không nên tiếp cận với chúng. Tuy phương
pháp này mang tính cổ điển, nhưng giá trị vận dụng vẫn vượt tầm ảnh hưởng của lịch
sử, không gian. Vì lẽ, giữa tâm và cảnh có mối liên hệ thắm thiết đến nhau. Tâm
dễ phát khởi tà ý nếu gặp cảnh tương ưng dục vọng. Tuy nhiên, trong thực tế đời
sống, không phải khi nào cũng có thể né tránh những điều kiện nảy sinh dục vọng
mà đôi khi phải chấp nhận đối diện với chúng.
Trong trường hợp này, Phật dạy chớ có nói chuyện với chúng(2). Chớ nói chuyện tức là không giao tiếp với nữ
sắc, không nên tiếp thêm duyên. Củi và lửa xa nhau thì khó có thể cháy vì duyên
chưa đủ. Và nếu như phải giao tiếp, phải nói chuyện, phải thân cận với nữ nhân,
thì không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng(3), không khởi lên phân biệt mắt đen, da trắng, má
hồng… khi đối diện với nữ sắc. Vì một khi khởi tâm so sánh, nghĩ ngợi… thì bước
đầu sẽ tạo ra một sự dính mắc trong tâm. Cái đẹp là một thực tại không
thể chối cãi. Một người bình thường thì có thể nhận ra khi cái đẹp hiện hữu trước
mắt. Tuy nhiên, giữa việc thấy cái đẹp và chấp thủ cái đẹp là hai việc hoàn
toàn khác nhau.
Ở đây, phương pháp đầu tiên mà Đức Phật chỉ dạy là không nên nhìn chúng,
không thân cận, không nói chuyện, không liên lạc, không nắm giữ chúng trong tâm
tưởng… là những biện pháp bổ trợ để dục vọng không sanh khởi. Phương pháp này
được Đức Phật đúc kết trong kinh Tất cả các lậu hoặc(4): các lậu hoặc
phải do tránh né được đoạn trừ. Kinh An trú tầm cũng khẳng định tương tự:
ví như một người có mắt, không muốn thấy các sắc pháp nằm trong tầm mắt của
mình, người ấy nhắm mắt lại hay ngó qua một bên(5). Luận điểm từ
hai bài kinh nêu trên đã đồng xác tín rằng, một trong những cách thức đầu tiên
nhằm ngăn ngừa và chuyển hóa dục vọng chính là đừng nhìn hoặc tránh xa chúng.
Xem như người
thân
Người xuất gia thường tùy duyên giáo hóa, và do vậy việc gặp gỡ nữ nhân
trên đường đi khất thực và đôi khi phải thuyết giảng cho họ là sự kiện thường gặp
trong nhiều kinh, luật. Trường hợp của Tôn giả Pindola Bhāradvāja(6) là một ví dụ điển hình. Theo kinh, Tôn giả Pindola
Bhāradvāja thường phi hành trong không gian và chọn vườn ngự uyển của vua
Udena, nước Kosambi làm nơi thiền định. Cùng thời gian đó, nhà vua cùng đoàn thị
nữ đang ở trong hoa viên. Do vua ngủ say nên các thị nữ trốn đi dạo chơi và gặp
Tôn giả Pindola Bhāradvāja. Tại đây, các nàng thị nữ nghe tôn giả thuyết
giảng nên quên mất phận sự của mình. Thức dậy trong bực bội, vua Udena định sử
dụng hình phạt nghiêm khắc nhất đối với Tôn giả Pindola Bhāradvāja.
Tuy nhiên, khi nghe tôn giả trình bày: Thưa Đại vương, Thế Tôn, bậc
Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác đã nói như sau: “Hãy đến, này
các Tỳ-kheo, đối với những người chỉ là mẹ, hãy an trú tâm người mẹ. Đối với những
người chỉ là chị, hãy an trú tâm người chị. Đối với người chỉ là con gái, hãy
an trú tâm người con gái(7). Đặc biệt, Tôn giả Pindola Bhāradvāja khẳng
định rõ với vua Udena rằng: trong khi tôi vào nội cung, với thân được phòng
hộ, với lời nói được phòng hộ, với tâm được phòng hộ, với niệm được an trú, với
các căn được chế ngự; thời trong khi ấy, tham pháp không chinh phục tôi(8). Sau khi vua Udena hiểu ra, sám hối và xin quy
y làm đệ tử với tôn giả, tôn giả đã thi triển thần thông bay lên hư không trở về
Kỳ Viên tịnh xá.
Trong pháp thức hóa giải dục vọng này, cần có sự bổ trợ của hai đức tính
quan trọng, đó chính là tàm và quý. Tàm là tự thẹn với mình, quý là tự hổ với
người. Đây là hai đức tính cơ bản định hình nên nhân cách, đạo đức của con người.
Bởi lẽ, một khi đã xem người xa lạ như người thân thì phải ứng xử theo chuẩn mực
của người thân. Muốn xử sự cho đúng, cần phải biết hổ thẹn. Theo kinh Tăng
chi, hai đức tính tàm và quý che chở cho thế giới(9). Nhờ hai đức tính này nên mới có thể
chỉ được đây là mẹ hay đây là chị em của mẹ, hay đây là vợ của anh hay em của mẹ,
hay đây là vợ của thầy hay đây là vợ của các vị tôn trưởng(10). Sống làm người
phải biết tàm quý. Nếu sống không biết tàm quý thì đạo đức, trật tự của thế
giới sẽ đi đến hỗn loạn như giữa các loài dê, loài gà vịt, loài heo, loài chó,
loài dã can(11). Nói theo kinh
Giáo giới La Hầu La ở Am Bà La, nếu một người không có tàm quý, thời
Ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm(!2). Ẩn dụ một
thanh niên ưa thích đồ trang sức nhưng bị mang trên cổ một xác chó, một xác rắn,
một xác thú vật, thì người ấy luôn ghê tởm, xấu hổ(13)… là hình ảnh ấn tượng về việc sử dụng năng lượng
tàm quý, nhằm làm thuyên giảm và hóa giải dục vọng.
Quán vô thường
và quán bất tịnh
Suy niệm về sự biến hoại của thân xác là một liệu pháp hiệu quả nhằm chuyển
hóa dục vọng. Theo kinh Đại khổ uẩn(14), Đức Phật dạy
các Tỳ-kheo pháp quán về cuộc đời của một mỹ nữ. Theo Đức Phật, cần phải tập
trung quán sát nàng thiếu nữ đó từ khi còn thanh xuân, tuổi trẻ, đến lúc già yếu,
da nhăn, tay chân tái xám. Sự quán niệm cần phải tập trung vào chuyện khi nàng ấy
bệnh tật, dơ bẩn, nằm lẫn lộn trong chất thải của mình. Đặc biệt, phải quán sâu
vào những biến đổi của thân xác sau khi nàng ấy chết và được quẳng vào rừng tử
thi. Đó là khi các loài sâu bọ, côn trùng rúc rỉa thể xác và đến cuối cùng, chỉ
còn một bộ xương trắng mòn mỏi với thời gian. Theo Tích truyện Pháp cú,
bằng cách chỉ ra thực tại vô thường và bất tịnh mà Đức Phật đã hóa độ nàng tín
nữ Rùpanandā(15). Nhiều vị Tỳ-kheo
ni trong Trưởng lão Ni kệ cũng thành tựu đạo quả nhờ hai pháp quán này(16).
Pháp quán về vô thường có tần suất xuất hiện rất cao và được sử dụng
trong nhiều bối cảnh. Đoạn hội thoại giữa Đức Phật và La Hầu La cũng nằm trong
trường hợp này: Này Rāhula, ông nghĩ thế nào? Mắt là thường hay vô thường?.
– Là vô thường, bạch Thế Tôn. – Cái gì vô thường là khổ hay lạc? – Là khổ, bạch
Thế Tôn. – Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu xem
cái ấy: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này tự ngã của tôi”? – Thưa
không, bạch Thế Tôn(17). Nguyên mẫu hội
thoại này được Đức Phật viện dẫn trong nhiều kinh văn.
Trong kinh Niệm xứ(18), kinh Thân
hành niệm(19), liệu pháp
quán bất tịnh được ghi lại rất mực chi tiết, rõ ràng. Theo Đức Phật, cần phải
quán sát ba mươi hai thể dơ bẩn của thân từ tóc, lông, răng, móng…. cho đến đại
tiện, tiểu tiện. Hành giả quán sát về ba mươi hai thể trược này phải chuyên
chú, thuần thục và nhuần nhuyễn. Mức độ thuần thục của pháp quán phải tương tự
như việc có thể nhận ra một hạt lúa bé tẹo trong một bao hỗn hợp ngũ cốc được đổ
ra sàn nhà(20). Quán và giữ
nhận thức về sự không sạch sẽ của thân người sẽ tạo nên một sự tự chủ vượt trội.
Với một hành giả thuần thục về bất tịnh quán, thì họ không thể tìm ra cái đẹp,
cái hấp dẫn, cái lôi cuốn trong bất cứ một thân phần nào của con người, dù đó
là nữ sắc hoặc ngược lại. Câu chuyện chấn động của Tỳ-kheo ni Subha(21) bị quấy rầy vì đôi mắt đẹp, đã tự tay móc con
mắt của mình ban cho kẻ yêu đơn phương, làm cho kẻ kia kinh hoàng bỏ chạy, đã
cho thấy sự thuần thục về phép quán vô thường và bất tịnh của thân thể. Nhờ thuần
thục về pháp quán này, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ(22).
Suy niệm về bản chất của dục
Quán niệm sâu về bản chất của dục được đề cập trong những ẩn dụ sinh động
từ kinh Potaliya2(23)và kinh Ví
dụ con rắn(24), giúp ngăn ngừa
và chuyển hóa năng lượng tính dục hiệu quả.
Trước hết, dục như khúc xương và con chó đói. Một khúc xương đã lóc hết
thịt, tận lóc và kẻ tìm cầu dục vọng thì giống như con chó đói, cố tìm kiếm
chút gì lót dạ từ khúc xương kia. Dù nỗ lực cách mấy đi chăng nữa con chó vẫn
không thể thỏa mãn cái đói với khúc xương không còn một chút dưỡng chất nào. Một
số luận giải còn mở rộng hình ảnh con chó đói bị chảy máu ở miệng do quá cố gắng
với khúc xương. Nó đã liếm máu từ miệng mình mà lầm tưởng chút béo bổ thu lượm
được từ khúc xương, và tự đưa mình đi đến suy kiệt. Ý nghĩa tương tự cũng được
tìm thấy trong kinh Magandiya(25) với hình ảnh
người cùi hơ vết thương trên lửa nhằm tìm kiếm một chút lạc thọ dễ chịu, nhưng
thực tế càng đau khổ thêm lên.
Thứ hai, dục như miếng thịt trong đám diều hâu. Ngoài nội dung căn bản
như kinh Potaliya, Chuyện tiền thân Đức Phật số 330(26) đã đề cập khá chi tiết về câu chuyện này.
Chuyện kể rằng, có một con diều hâu cắp được miếng thịt bay lên hư không. Những
con diều hâu khác liền vây lấy nó và tấn công bằng mỏ nhọn và vuốt sắc, mãi đến
khi nó nhả miếng thịt ra. Hễ con nào buông bỏ miếng thịt thì được yên thân và
ngược lại. Từ sự kiện đó, tiền thân Đức Phật đã suy niệm: Những tham dục của
chúng ta cũng giống như những miếng thịt. Ai nắm lấy chúng thì bị đau khổ, ai
thả chúng ra thì được an bình(27).
Thứ ba, dục như tù nhân và hố than hừng. Một hố than hừng rừng rực nóng,
có một tù nhân bị hai lực sĩ lôi đến hố than kia. Trước sức nóng của hố than hừng,
người tù kia tất sẽ vặn vẹo, cố thoát khỏi cánh tay của hai người lực sĩ kia.
Câu chuyện tương tự cũng được kể lại trong kinh Tăng chi khi Đức Phật đã
khéo hỏi các thầy Tỳ-kheo rằng: Các thầy nghĩ thế nào, này các Tỳ-kheo, việc
nào là tốt hơn: ôm ấp, ngồi gần hay nằm gần đống lửa lớn đang cháy đỏ, cháy đỏ
rực, cháy lửa ngọn, hay ôm ấp, ngồi gần, nằm gần tay chân mềm mại non trẻ của
người con gái Sát-đế-lỵ, người con gái Bà-la-môn hay người con gái gia chủ?(28) Sau khi nghe câu trả lời, Đức Phật đã xác tín
rằng khi nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất tịnh(29) thì bất hạnh, khổ đau còn hơn bị quăng vào hố
than hừng.
Thứ tư, dục như leo cây hái trái. Có một cây ăn trái tốt tươi được nhiều
người tìm kiếm. Sau hàng loạt nỗ lực tìm cầu, họ đã tìm được cội cây kia. Khi ấy,
kẻ thì leo lên cao hái trái, kẻ thì cố nhặt nhạnh những gì trong tầm tay. Tuy
nhiên, có những kẻ không biết leo cây nhưng vẫn thèm khát quả ngọt, họ bèn đốn
cây để thỏa nguyện của mình và đâu biết rằng, hành động của mình có thể gây
nguy hiểm cho những kẻ kia. Ý nghĩa tương tự cũng được phát hiện trong kinh Phật
tự thuyết. Chuyện kể rằng, có hai nhóm người đắm say một kỹ nữ. Họ đánh
nhau bằng những phương tiện hung dữ nên cả hai nhóm có nhiều kẻ bị thiệt mạng
hoặc đau khổ gần như chết(30). Đại kinh
khổ uẩn(31) cũng đề cập
câu chuyện tương tự. Cần phải thấy, leo cây hái trái sẽ gặp nguy hiểm, cũng như
bọn người vì gái đẹp mà thiệt thân.
Thứ năm, dục như tài sản vay mượn. Người có sở hữu tài sản, dù đó là do
người khác cho mượn, nhưng trong tâm luôn phơi phới hân hoan. Họ đến đâu cũng
được ngợi khen, tôn trọng. Họ sống trong tâm thế lâu ngày như thế nên tưởng chừng
tài vật kia thực sự là của mình. Đến khi đúng kỳ, người chủ đòi lại tất cả và kẻ
kia buồn tủi, khổ đau. Theo kinh Tăng chi, bản chất của tài sản bị đe dọa
bởi nhà vua, trộm cướp, kẻ thừa tự kém cỏi, lửa và nước(32). Ở đây, cái gọi là sắc đẹp, là hạnh phúc… thực
chất chỉ là sự vun vào của nhiếu yếu tố khác. Vì bản chất của đời sống là tổng
hòa những sự nương gá, vay mượn lẫn nhau, nếu chấp chặt vào chúng thì phiền
não, khổ đau là kết quả tất định.
Thứ sáu, dục như cầm đuốc đi ngược gió. Hình ảnh một người cầm bó đuốc
cháy rực đi ngược gió, nếu như kẻ kia không mau chóng vứt bỏ ngọn đuốc ấy đi
thì tất sẽ bị cháy tay, cháy cả thân mình và nguy hiểm đến tính mạng. Ôm ấp dục
vọng trong tâm cũng như người cầm đuốc đi ngược gió, sẽ bị thiêu cháy bất kỳ
lúc nào. Theo Chuyện tiền thân Đức Phật số 491, năng lượng nguy hại của
dục còn được ví như trận cuồng phong hoành hành khắp núi Sineru (Tu di)(33). Người ôm ấp dục vọng trong tâm chỉ như chiếc
lá tả tơi, vô định trước sức mạnh của trận cuồng phong.
Thứ bảy, dục như đầu rắn. Nọc độc của rắn thường nằm ở phần đấu. Một cái
đầu rắn dù đứt rời thân thể nhưng vẫn có thể gây khổ đau cho người. Người trúng
nọc độc rắn nếu nhẹ thì đau khổ, quằn quại, nếu nặng thì có thể nguy hiểm đến
tính mạng. Ít nhất đã có một vị Tỳ-kheo trong thời Phật bị rắn cắn chết được
kinh, luật ghi lại(34). Ở đây, sự
nguy hiểm của dục vọng được ví như nọc độc của rắn. Nó khiến người ta mê mờ, dã
dượi và đau khổ. Liên tiếp các Chuyện tiền thân Đức Phật mang số: 62,
85, 159, 262, 327, 366, 380, 458, 477, 491, 497, 527, 531… đề cập đến những day
dứt, khổ đau của các vị Tỳ-kheo bị dục vọng ám ảnh, có những trường hợp đớn đau
giống như như bị trúng nọc độc của rắn.
Thứ tám, dục như giấc mộng. Như một người chìm sâu trong giấc mộng dài, họ
thấy nhà cửa lâu đài và mọi lạc thú đoanh vây và an vui thụ hưởng tạm thời
trong cảnh ấy. Trong một thoáng đột nhiên tỉnh mộng, thì cảm giác bàng hoàng,
luyến tiếc, khổ đau là cảm giác có thật cho người đó trong hiện thực cuộc đời
này. Cuộc đời như giấc mộng dài và việc nếm trải dục vọng chỉ như là một giấc
mơ con. Quan niệm hạnh phúc như một giấc mơ không chỉ là ngôn ngữ văn chương mà
là thực tế được Đức Phật đã dạy rõ ràng trong kinh điển.
Lời kết
Khi dục vọng lên ngôi thì khổ đau xuất hiện. Tính tương thuộc giữa dục vọng
và khổ đau là một thực tế cay nghiệt được Đức Phật chỉ ra. Với nhân loại, ẩn họa
của nữ sắc là một kinh nghiệm thương đau được điểm xuyết trong nhiều trang
chính sử. Với một người bình thường, phải cần nhiều nỗ lực mới có thể tự chủ
cũng như vượt qua được cửa mỹ nhân(35). Với người xuất
gia, mang tâm nguyện tự độ và hóa tha, thì trong hành trang lý tưởng mang theo
không có dấu vết của dục vọng.
Bản chất dục vọng và cách thức chuyển hóa chúng đã được Đức Phật chỉ bày
khá rõ, vấn đề mức độ chuyển hóa thành công hay không, liên quan đến sự chuyên
tâm, nỗ lực của từng người.
Chú thích
(1) Kinh Trường bộ, tập 1, kinh Đại bát Niết-bàn, số 16, tụng
phẩm V.
(2) Kinh đã dẫn.
(3) Kinh
Trung bộ, tập 3, kinh Sáu thanh tịnh, số 112.
(4) Kinh Trung bộ, tập 1, kinh Tất cả các lậu hoặc, số 2.
(5) Kinh
Trung bộ, tập 1, kinh An trú tầm, số 20.
(6) Kinh Tương ưng, tập 4, thiên Sáu xứ, phần d, phẩm Gia chủ, kinh
Bhāradvāja. Câu chuyện cùng nội dung còn được phát hiện trong bản kinh: Kính
Tiểu bộ, tập 8, chuyện Tiền thân Đức Phật, Chuyện bậc hiền trí Matanga,
số 497.
(7) Kinh Tương ưng, tập 4, thiên Sáu xứ, phần d, phẩm Gia chủ, kinh Bhāradvāja.
(8)Kinh đã dẫn.
(9) Kinh
Tăng chi, chương Hai pháp, Hai loại tội.
(10)Kinh đã dẫn.
(11)Kinh đã dẫn.
(12) Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Giáo giới La hầu La ở Am Bà La, số 61.
(13) Kinh
Trung bộ, tập 1, kinh An trú tầm, số 20
(14) Kinh
Trung bộ, tập 1, Đại kinh khổ uẩn, số 13
(15) Tích truyện Pháp cú, bản dịch của Viên Chiếu, phẩm Già, Chuyện
Ni cô và bóng sắc.
(16) Kinh Tiểu bộ, tập 3, Trường lão Ni kệ, Abhirupa Nanda, Theri
125; Sundari Nada, Theri 132; Khema, Theri 237
(17) Kinh Tương ưng, tập 2, Thiên nhân duyên, Chương bảy, Tương ưng
Rahula, phẩm thứ nhất.
(18) Kinh Trung bộ, tập 1, kinh Niệm xứ, số 10.
(19) Kinh Trung bộ, tập 3, kinh Thân hành niệm, số 119.
(20)Kinh đã dẫn.
(21) Kinh Tiểu bộ, tập 3, Trường lão Ni kệ, phẩm 14, tập 30 kệ, Subha ở rừng
xoài Jivaka, Theri 150.
(22)Kinh đã dẫn.
(23) Kinh Trung bộ, tập 2, kinh
Potaliya, số 54.
(24) Kinh
Trung bộ, tập 1, kinh Ví dụ con rắn, số 22.
(25) Kinh
Trung bộ, tập 2, kinh Magandiya, số 75.
(26) Kinh Tiểu bộ, tập 6, Chuyện tiền thân Đức Phật, Chuyện thử
thách giới đức, số 330.
(27)Kinh đã dẫn.
(28) Kinh Tăng chi, chương bảy pháp, Đại phẩm, kinh Lửa.
(29)Kinh đã dẫn.
(30) Kinh
Tiểu bộ, tập 1, kinh Phật tự thuyết,
U 71.
(31) Kinh
Trung bộ, tập 1, Đại kinh khổ uẩn, số 13.
(32) Kinh tăng chi, chương Năm pháp, phẩm Du hành dài, kinh Tài sản.
(33) Kinh Tiểu bộ, tập 8, Chuyện tiền thân Đức Phật, Chuyện Đại khổng
tước (tiền thân Maha-Mora), số 491.
(34) Cullavagga 2, chương V, Các tiểu sự, Chuyện Tỳ-kheo bị rắn cắn.
Kinh rắn chúa, đoạn 26.
(35) 英 雄 不 過 美 人 關.
Vi Ngữ
(Nguyệt san Giác Ngộ)
Discussion about this post