HỎI:
Vừa rồi tôi cùng vợ con đi viếng chùa, lễ Phật. Rất may được vị trụ trì dẫn đi tham quan, đặc biệt là khu nhà Tăng mới xây xong. Vừa đi thầy vừa giới thiệu tổng thể về chùa, nào là gỗ quý, nào là các loại đá quý (ngọc) có tuổi bằng tuổi khủng long, tượng Phật bằng ngọc bích và các loại nội thất quý giá khác.
Trong tôi dâng lên niềm cảm phục đối với thầy trụ trì vì đã hết sức chăm lo việc xây chùa đẹp đẽ. Nhưng tôi cũng băn khoăn vì việc tu hành thời nay khác thời Đức Phật còn tại thế, những người tu hành thời đó chỉ chuyên tâm vào việc tu tập và thuyết giảng Phật pháp mà không màng đến xây dựng chùa chiền, tạo lập cơ sở vật chất to lớn. Còn những vị tu hành thời nay vừa tu vừa phải lo xây chùa khang trang (đôi khi còn cạnh tranh để đạt kỷ lục), liệu như vậy có còn ý nghĩa xuất gia tu hành để giải thoát hay cũng phải lo cơm, áo, gạo, tiền, vật chất như người tại gia?
– Mong quý Thầy giúp tôi (và nhiều người khác) tháo gỡ nỗi băn khoăn này để lòng tin vào đạo giải thoát của Đức Phật ngày càng vững chắc hơn.
(Văn Trí)
ĐÁP:
Đạo hữu VT thân mến!
Đúng như Đạo hữu nói, thời Đức Phật tại thế, người xuất gia “chỉ chuyên tâm vào việc tu tập và thuyết giảng Phật pháp”. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử với nhiều biến động xã hội, hiện người xuất gia không sống du hành, nên tạo lập chùa chiền để thờ Phật, để chư Tăng được ở yên tu học, làm cơ sở hoằng pháp là điều cần thiết.
Hiện nay, việc xây chùa để hoạt động tôn giáo đúng pháp luật là điều bắt buộc. Xây chùa lớn hay nhỏ thì tùy duyên, nói chung chùa chiền càng to lớn, trang nghiêm, hiện đại, đẹp đẽ, tiện nghi… thì càng tốt. Quan trọng là nhận thức và quan niệm của người xây chùa.
Xây chùa, tạo tượng, đúc chuông, kiến lập Tăng phòng (cơ sở vật chất Phật giáo nói chung) dĩ nhiên là được phước. Hàng Phật tử luôn phát tâm kiến tạo và hộ trì Tam bảo để vun bồi phước báo. Phước báo hộ trì Tam bảo rất to lớn và lâu dài nên được mọi người hoan hỷ chung làm.
Người xuất gia cũng vậy, ai phát tâm xây chùa, trùng hưng Tam bảo thì được phước báo vô lượng. Tuy nhiên, trọng trách của người xuất gia chính là tu tập giải thoát, hoằng dương Chánh pháp, hóa độ chúng sinh.
Vì thế, người xuất gia, nhất là vị trụ trì, tùy duyên xây chùa để có nơi tu hành, tiếp Tăng độ chúng, giảng dạy Phật pháp giúp mọi người tu tập hướng thiện mà chỉ xem những việc ấy là phương tiện, thân tâm đều nhẹ nhàng, an vui và tự tại, phước trí đều đủ thì rất tốt.
– Còn nếu người xuất gia chỉ chăm lo xây chùa, tạo phước mà không bồi trí thì chỉ được cái phụ mà bỏ quên cái chính, như người vào rừng đốn gỗ chỉ lấy được vỏ cây mà quên mất lõi cây.
Và nếu như, người xuất gia xây chùa chỉ vì danh tiếng, chạy theo kỷ lục, lao tâm khổ tứ quá nhiều, thậm chí bị nợ nần, rồi chấp thủ kiên cố, bị trói buộc vào những thành quả của mình là NHẦM PHƯƠNG TIỆN VỚI CỨU CÁNH, đối với sự nghiệp giải thoát trở thành lợi bất cập hại.
Bản gốc: Báo Giác Ngộ và Trang tin điện tử Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Tỉnh Long An
https://phatgiaolongan.org/uu-tu-ve-viec-xay-chua-to-lon/
Bài đọc thêm:
Việt Nam: Xây chùa ‘hoành tráng’ là tốt hay xấu? (Ben Ngô | BBC & TT. Thích Nhật Từ)
Ma Trận Dịch Vụ Khi Đến Chùa Bái Đính, Không Có Tiền Đừng Mong Lễ Phật (Vũ Phương)
Đại gia xây chùa, thiên tài kinh doanh siêu lợi nhuận | Trần Phương
Có nên xây chùa đồ sộ? (Đào Văn Bình)
Xây chùa và xây đạo tràng (Nguyên Giác)
Việt Nam: Nhân danh xây Chùa để phá rừng (Trọng Thành)
.
Discussion about this post