.
Thầy Haemin Sunim, một gương mặt tu sĩ trẻ Hàn Quốc nổi
tiếng đã gặp sự cố không lường trước mặt trái
của công nghệ thông tin, chủ động sám hối và đóng tất cả
các kênh thông tin mạng xã hội của mình kịp thời
Những năm gần đây, Phật giáo Việt Nam cũng từng bước ứng dụng công nghệ trong tiếp cận Phật tử, người trẻ. Nhiều cơ sở tự viện, cá nhân Tăng Ni, nhờ sử dụng công nghệ, mạng xã hội đã nối dài đạo tràng tu học trên không gian mạng. Tuy nhiên, đây có phải là nguồn tài nguyên cần khai thác triệt để, không có một giới hạn hay định hướng nào?
Từ chuyện thầy Haemin
Nhà sư người Hàn Quốc, sinh năm 1973, có quốc tịch Hoa Kỳ – thầy Haemin Sunim – cuối năm 2020 vừa qua đã gặp một “sự cố truyền thông” liên quan tới sử dụng công nghệ trong chia sẻ Phật pháp.
Theo đó, tối 7-11-2020, chương trình truyền hình thực tế On & Off của tvN (Hàn Quốc) – cho phép khán giả quan sát và nắm bắt được các hoạt động sống thường nhật của những người nổi tiếng tại đất nước Kim chi – mà thầy nhận lời tham gia phát sóng, đã nhận về phản ánh gay gắt của khán giả.
Họ không chấp nhận một số hình ảnh cận cảnh của thầy Haemin Sunim vì “không phù hợp với đời sống thiền gia”.
Sở dĩ khán giả Hàn Quốc phản ứng vì ngoài sinh hoạt tụng kinh, thiền hành, nấu ăn, điều hành công việc…, chương trình trên còn quay cận cảnh môi trường làm việc, đội ngũ truyền thông, lập trình viên cho các ứng dụng công nghệ của thầy…
Trước phản ứng đó, một tuần sau, ngày 15-11-2020, thầy Haemin Sunim đã viết trên Twitter: “Đó là lỗi của tôi khi không hoàn thành đúng vai trò, bổn phận của một vị xuất gia. Kể từ hôm nay tôi sẽ buông bỏ tất cả mọi thứ, quay lại cuộc sống bình thường tại tu viện để học lại những lời Phật dạy và chuyên tâm hành trì, tụng niệm”.
Ngay sau đó, trang web https://www.haeminsunim.com/, tài khoản Twitter, Fanpage, Facebook cá nhân của thầy Haemin đã không còn truy cập được, dù những địa chỉ này là “ngôi pháp đường online” của không chỉ tín đồ Phật tử, bạn trẻ Hàn Quốc mà còn là kênh kết nối của nhiều nơi khác, những người mến mộ thầy. Trong Phật giáo, đó là cách vị tu sĩ “biệt chúng” sám hối, vì đã gây dư luận không hay cho quần chúng, trong đó có Phật tử.
Ứng dụng công nghệ ra sao, ở mức độ nào?
Câu chuyện về thầy Haemin kể trên thực sự là một kinh nghiệm quý báu cho việc tu sĩ tham gia mạng xã hội, hoằng pháp bằng công nghệ, điểm dừng của việc này…
Có người nói, mạng xã hội, công nghệ là con dao, nếu không khéo dùng, ngay cả vào việc tốt vẫn có thể gây đứt tay. Rất nguy hiểm.
Nhiều người kính mến thầy đã bày tỏ: “Cầu mong thầy Haemin sớm vượt qua ‘nạn’ này bằng sự chân thành như thầy đã quyết định – buông bỏ tất cả mọi thứ, quay lại cuộc sống bình thường tại tu viện. Để làm được vậy khi tiếng tăm đã vang lừng khắp nơi, quả thực không dễ. Đây cũng là bài học quý giá thầy trao, một sự thực tập lý thuyết về sự không dính mắc mà thầy đã nói”.
Một số tài khoản mạng xã hội khác thì nhận định: “Câu chuyện của thầy cũng nói lên một điều, bất cứ ai cũng có thể gặp sự cố, người càng giỏi truyền thông thì có khi lại gặp phải sự cố truyền thông nặng nề”.
Trở lại vấn đề Phật giáo và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tất nhiên, Phật giáo trong các sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của mình không thể đứng ngoài cuộc của ứng dụng công nghệ. Vì như thế là tụt hậu và bỏ lỡ cơ hội tiếp cận với những người hiện đại giỏi công nghệ, đang cập nhật thường xuyên. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 toàn cầu – tạo ra những ngăn cách bắt buộc để phòng chống lây lan của virus SARS-nCoV-2, thì sử dụng công nghệ trở thành phương tiện hỗ trợ đắc lực.
Cụ thể, nhiều nơi đã cho ra đời các ứng dụng thực hành chánh niệm và thiền Phật giáo trong đại dịch. Hai trong số các ứng dụng hàng đầu đang được sử dụng hiện nay là CALM và HEADSPACE đã được báo Giác Ngộ đăng tải trên số 1088.
Tại Việt Nam, trong thời gian trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, đội ngũ làm báo Giác Ngộ đã kết hợp với Ban Thông tin-Truyền thông Phật giáo TP.HCM thực hiện trên 10 buổi thuyết giảng online. Những video được phát trực tiếp trên Fanpage của báo, đăng tải trên Giác Ngộ online, kênh Truyền hình trực tuyến (Giác Ngộ TV) của báo đã thu hút được đông đảo người theo dõi. Tất cả bạn đọc, khán giả, Phật tử đều tán thán cách làm này vì đáp ứng được nhu cầu tâm linh, học Phật của họ, không bị gián đoạn trong thời gian giãn cách, chống dịch.
Tuy nhiên, cũng có những Phật tử không đồng thuận với những buổi lễ được phát trực tiếp trên mạng xã hội, hay việc quy y online của một số đạo tràng, tự viện. “Đối với nghi thức quy y, thọ giới, thiện tín nam nữ cần có một buổi lễ trực tiếp sẽ có năng lượng đầy đủ ý nghĩa hơn”, một Phật tử chia sẻ với báo Giác Ngộ.
Thêm nữa, có những nghi lễ mang tính thiêng liêng, tất cả đều cần trang nghiêm trong từng chi tiết nhỏ thì việc phát trực tiếp cũng khá… nguy hiểm. Theo đó, có thể, ống kính máy quay vô tình lia vào những góc mà người tham dự chưa được đồng đều nhau trong những cái lạy hoặc có cử chỉ chưa trang nghiêm. Sự cố này thường thấy khi buổi trực tiếp ấy không có một đạo diễn hình ảnh chuyên nghiệp. Sự lộn xộn của đám đông người dự lễ ngẫu nhiên bên dưới lọt vào khung hình có thể làm giảm sự cảm nhận tích cực của người xem, theo dõi, thậm chí gây khó chịu.
Một điều khác là, khi một vị thầy lúc nào cũng… online, phát ngôn trong mọi tình huống, sự kiện, mọi người cũng sẽ không còn cảm thấy “tính thiêng” còn hiện diện ở vị ấy. Tâm lý phản biện đối với sự xuất hiện đều đặn như một YouTuber, Facebooker của một nhà sư, với công cụ hiện đại, từ website cá nhân qua các kênh báo chí truyền thông, đến một lúc sẽ vấp phải sự phản ứng giống như sự cố của thầy Haemin. Đó là điều đã có tiền lệ, cần thận trọng!
Tới đây, nhiều người sẽ đặt vấn đề: vậy thì ai sẽ phát ngôn cho Phật giáo trong những vụ việc cần lên tiếng phản biện, nói lại cho rõ? Đây là vấn đề thực ra đã được báo Giác Ngộ lên tiếng nhiều năm nay, liên quan cơ chế phát ngôn của Giáo hội, cần bộ phận chuyên trách để tổ chức họp báo, ra thông cáo báo chí khi cần thiết, nhất quán trong những sự vụ thời sự.
Vậy ứng dụng công nghệ trong hoằng pháp: có giới hạn hay không? Tất nhiên là có, vì như đã nói, nếu không khéo sử dụng thì “lợi bất cập hại”, lợi trước mắt mà hại dài lâu, có thể dẫn đến việc tu sĩ chỉ nghĩ đến xây dựng kênh hoằng pháp online, sao cho nổi tiếng, có đông tín đồ mà quên mất cốt lõi của một hành giả là tu tập thiền định.
Discussion about this post