A. DẪN NHẬP
Trong công trình nghiên cứu về “Quan niệm cơ bản về Phật giáo” – giáo sư V.Bhattacharya ông từng nói: “Sự tồn tại của một tự ngã thường hằng, dù được trình bày theo nhiều phương thức, như được chấp nhận trong những hệ thống triết học khác, đã bị đức Phật phủ nhận hoàn toàn, do đó đã làm sụp đổ toàn bộ nền nền tảng của tham dục”[1]. Sở dĩ con người bị chìm đắm trong đau khổ là do tham ái và chấp thủ, chấp ngã, chấp pháp. Chúng ta thường cho rằng vạn vật là có thật, là vĩnh hằng. Cũng có người lại chấp vào vạn pháp là không thật, không nhân quả, không tội phúc… Đức Phật xuất hiện ra đời như ánh bình minh đẩy lùi bóng tối và ảo ảnh. Giáo lý về Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã… là then chốt thay đổi mọi tư tưởng trường phái đương thời lúc bấy giờ.
Ở Ấn Độ, giáo lý Không của Bát Nhã đã được đức Phật dạy tại vườn Nai cho năm anh em ông Kiều Trần Như, nghĩa là sau khi ngài chuyển vận xong Tứ thánh đế, thì Ngài liền dạy cho năm vị này quán chiếu về ngũ uẩn liên hệ đến vô thường, khổ, không và vô ngã [2]. Giáo lý nói về Không của Bát Nhã có mặt ngay từ đó. Vô thường là do mọi sự hiện hữu trong sự hiện hữu tương quan duyên khởi. Bản chất mọi sự hiện hữu tương quan duyên khởi là rỗng không, nên không có ngã thể thật hữu, không có ngã thể tồn tại độc lập.
Sau khi đức Phật nhập niết bàn khoảng hai trăm năm, Phật giáo phân hóa và phát triển thành hơn 20 bộ phái có nhiều điểm chủ trương đồng và dị khác nhau. Để thống nhất các bộ phái, các nhà Phật giáo Đại thừa đã triển khai triệt để giáo lý về Không, để dẫn đến sự chấm dứt phân tranh, chia rẽ ấy. Và giáo lý này đã làm nền tảng cho sự phát triển của Phật giáo Đại thừa đến chỗ cực thịnh vào thời Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân.
Không, vô ngã hiện hữu ngay nơi thân ta và quanh ta. Vô minh không thấy rõ mọi sự hiện hữu là tương quan duyên khởi, vô thường, vô tự tính. Cho nên, tà kiến, tà tư duy sinh khởi là chấp ngã chấp phi ngã, là chấp pháp chấp phi pháp, nên đây là gốc rễ của khổ. Muốn chấm dứt khổ đau, thì phải quán chiếu Duyên khởi, để thành tựu không trí. Không trí là trí tuệ của Kim Cương Bát nhã là do quán chiếu không lý của mọi sự hiện hữu mà thành tựu. Tuệ giác Kim Cương có năng lực chặt đứt mọi quan hệ nhận thức đối đãi của nhị nguyên ấy.
B. NỘI DUNG
CHƯƠNG 1. GIỚI THIỆU VỀ TƯ TƯỞNG TÍNH KHÔNG
1. Tư tưởng Không trong Phật giáo Nguyên Thủy
Thông thường khi đề cập đến khái niệm “không” là chúng ta nghĩ đến hệ thống triết học “không” (Sunyata) của Long Thọ (Nagarjuna), là hệ tư tưởng Bát nhã (Pra- jnnaparamita) của Phật giáo đại thừa. Nếu đứng từ góc độ lịch sử Phật giáo mà nhìn, khái niệm “không” này không phải là khái niệm riêng của Phật giáo Đại thừa, nó còn là khái niệm đã được đức Phật đề cập khá sớm trong các Kinh tạng Nikaya hay A Hàm (Agama) của thời kỳ Phật giáo nguyên thủy, không những chỉ có thế mà ngay cả thời kỳ Bộ phái cũng đề cập[3].
Theo Phật giáo nguyên thủy, mục đích của việc xuất gia học đạo là từ bỏ cuộc sống gia đình, để tìm cầu giác ngộ giải thoát. Cho nên, giáo lý căn bản là lấy 37 phẩm trợ đạo làm pháp môn tu tập. ngược lại Phật giáo Đại thừa lại đề cao tinh thần thực hành Bồ tát đạo, cho nên lấy Tứ nhiếp pháp, Lục độ, Tứ vô lượng tâm sáu ba la mật để làm phương tiện tu tập. Điều này có thể thấy trong kinh Trung Bộ tập 3, Kinh Tiểu Không (Cuflasunnata sutta), được mô tả như sau:
“Thật vậy, này Ananda, điều ông đã nghe là đúng, ghi nhớ đúng, thọ trì đúng. Thủa xưa và nay, này Ananda, Ta nhờ an trú không, nên nay an trú rất nhiều.
Ví như lâu đài Lộc Mẫu này không có voi, bò, ngựa, ngựa cái, không có vàng bạc, không có đàn bà, đàn ông tụ hội, và chỉ có một cái không phải không, tức là sự nhất trí (ekattam) do duyên chúng Tỳ kheo; cũng vậy, này Ananda, Tỷ- kheo không tác ý thôn tưởng, không tác ý nhơn tưởng, chỉ tác ý sự nhất trí, do duyên lâm tưởng. Tâm của vị ấy được thích thú hân hoan, an trú, hướng đến lâm tưởng…”[4]
Tương tự kinh Tiều Không trong Trung Bộ Kinh, vấn đề này cũng được mô tả trong kinh Tiểu Không của Trung A Hàm Kinh như sau:
“Này A Nan, như giảng đường Lộc tử mẫu này trống không, không có voi, ngựa, bò, dê, tài vật, lúa thóc, nô tỳ; nhưng có cái không trống không. Đó là chỉ cho chúng Tỳ kheo. Cho nên, này A Nan, nếu trong đó không có gì cả thì chính do đó mà Ta cho thấy là trống không. Nếu trong này còn có cái khác thì Ta thấy là chân thật có. Này A Nan, đó là hành trong sự chân thật, không tính, sự không điên đảo.
Này A Nan, Tỳ kheo nào muốn hành nhiều trong không tính, Tỳ kheo ấy đừng tác đến ý tưởng về xóm làng, đừng tác đến ý tưởng về người, mà hằng tác ý đến ý tưởng về duy nhất tính là ý tưởng về khu rừng…”
Qua đoạn kinh văn trên có thể thấy rằng, quan điểm “Không” của Phật giáo nguyên thủy được hiểu một cách đơn giản; bước đầu giải thoát của người học Phật là giải thoát về những ràng buộc không có về; nhà cửa, ruộng vườn, bò, trâu, dê, không có vàng bạc, không có đàn bà, đàn đông hội tụ… tức là một cuộc sống viễn ly, là những người từ bỏ cuộc sống gia đình thế tục, chuyên tâm tu học tìm cầu giải thoát, sống an trú nơi vắng lặng nên không có những thứ này. Bời vì, những vật dụng thiết yếu như; y phục, ngọa cụ, ẩm thực, thuốc men của các Tỳ kheo đã được cư sĩ hộ trì cúng dàng.
Khái niệm “Không” còn được đề cập tới với ý nghĩa chỉ cho các pháp là vô thường là sự giả hợp. Điều này được thấy trong Kinh Tương Ưng (Samyuttanikaya) đức Phật dạy các Tỳ kheo như sau:
“Ví như, này các Tỳ kheo, sông Hằng này chảy mang theo bọt nước lớn. Người có mắt nhìn đống bọt nước ấy, chuyên chú, như lý quán sát. Do nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, đống bọt nước ấy hiện rõ ra trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỳ kheo, lại có lõi cứng trong đống bọt nước được? Cũng vậy, này các Tỳ kheo, phàm có sắc gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; vị Tỳ kheo thấy sắc, chuyên chú, như lý quán sát sắc. Do vị Tỳ kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát sắc, sắc ấy hiện rõ là trống không, hiện rõ là rỗng không, hiện rõ là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỳ kheo, lại có lõi cứng trong sắc được? …”[5].
Nội dung đoạn kinh trên, đức Phật đã mượn hình ành bọt nước trôi trên sông để thể hiện cho sự tồn tại của các pháp ở thế gian thật mong manh và ngắn ngủi. những bọt nước sinh rồi diệt, diệt lại sinh trong thời gian nhỏ bé ấy, cũng như con người và vạn pháp đều ngắn ngủi mong manh trong thời gian vô cùng vô tận của vũ trụ này. Đó là hiện tượng của Vô thường biến đổi, của bọt nước, nói rộng ra thì vạn pháp hay con người cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Do con người cố chấp về sinh ra bệnh chết, sinh trụ dị diệt, cho nên mới sinh ra khổ đau phiền não khi vô thường tới.
Trong kinh Kim Cương cũng lấy hình ảnh bọt nước, như hạt sương, để biểu thị sự vô thường, mong manh của vạn vật vạn hữu.
一切有為法
如夢幻泡影
如露亦如電
應作如是觀
“Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán”
Qua đây có thể thấy rằng tư tưởng Phật giáo Đại thừa là sự kế thừa phát triển, có nguồn gốc từ các kinh điển A hàm và Nikaya. Điều này hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của Phật giáo nhập thế, khiến cho tư tưởng giáo lý của đạo Phật được rộng mở phát triển rực rỡ bởi các nhà Đại thừa như: Long Thọ, Mã Minh …
2. Tư tưởng tính Không của Phật giáo Đại Thừa
Sau khi đức Phật nhập niết bàn khoảng hơn 100 năm trong tăng đoàn Phật giáo có sự khác nhau về cách lý giải, giáo nghĩa, giáo lý, và giáo Luật. Đây cũng là nguyên nhân gây nên sự hình thành Phật giáo bộ phái, ban đầu phân chia làm Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ, rồi từ hai bộ này phân chia thành 18, 20 bộ hoặc 24 bộ phái. Có bộ phái thì bảo thủ, có bộ phái thì tiến bộ. Các bộ phái đưa ra lập trường quan điểm triết học giáo lý khác nhau, có thời kỳ nên đến kịch liệt, có phái chấp “hữu”, có phái kẹt vào “vô”; Như là Độc Tử Bộ quan điểm tư tưởng cho rằng “Ngã pháp hằng hữu” (我法恆有), hay chủ trương “Quá khứ vị lai vô, hiện tại vô vi hữu” (過去來未無,現在無為有) của Hóa Địa Bộ, hoặc chủ trương “Ngã vô pháp hữu” (我無法有) của Nhất Thiết Hữu Bộ… Từ đây tư tưởng Bát nhã của Đại thừa ra đời để giải quyết líu kéo lại những tư tưởng thái độ cực đoan này.
Sự hình thành tư tưởng Bát nhã Phật giáo đại thừa, bao gồm quan điểm tư tưởng “Nhất thiết pháp giai không” hay tư tưởng “Duyên khởi tính không” của Bồ tát Long Thọ. Bát Nhã xiển dương tư tưởng “tính không”, nhưng trong “tính không” có cả 2 phương diện “chân không” và “diệu hữu”, nên “sắc chẳng khác không” mà “không chẳng khác sắc”. Để cho chúng ta thấy được thật tính của các pháp vốn là “không”, trong Kinh Bát Nhã đã trả lời rằng: “Quán tự tại Bồ tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách” (Bồ tát Quán Tự Tại khi thực hành Bát nhã Ba la mật đa; thấy được bản chất của 5 uẩn vốn là Không). Như vậy, khái niệm “không” được mô tả trong Kinh Bát Nhã chính là bản chất của các pháp vốn là sự tập hợp của các pháp, có nghĩa là các pháp không có tướng cố định, do vậy không nên dùng một pháp cố định nào để mô tả các pháp như thế này như thế kia[6].
Nếu như ở tư tưởng của Đại thừa Bát nhã, người muốn thấy được “tất cả các pháp là không” phải là người có địa vị Bồ Tát dùng trí tuệ Bát nhã mà quán chiếu mới thấy được bản chất các pháp là không, thì Bồ tát Long thọ lại giải thích “Không” chỉ cần đứng ở góc độ Duyên khởi cũng có thể thấy bản chất các pháp là “không”, do vậy, triết học của Bồ tát Long Thọ được gọi là “Duyên khởi tính không”. Duyên khởi có nghĩa là sự sinh khởi của vạn pháp có điều kiện, mọi sự hiện hữu không thể tồn tại độc lập mà phải có nhân duyên mới thành tựu. Nguyên lý tương quan này được đức Phật định nghĩa như sau: “Do vô minh có hành sinh, do hành sinh có thức sinh, do thức sinh có danh sắc sinh, do danh sắc có lục nhập sinh, do lục nhập có xúc sinh, do xúc sinh có thọ sinh, do thọ sinh có ái sinh, do ái có thủ sinh, do thủ có hữu sinh, do hữu sinh có sinh sinh, do sinh có lão tử, sầu bi, khổ, ưu, não sinh, hay toàn bộ khổ uẩn sinh. Đây gọi là Duyên khởi” Hay “do đoạn diệt tham ái vô minh một cách hoàn toàn, hành diệt, do hành diệt nên thức diệt…lão tử, sầu bi, khổ ưu não diệt. Như vậy toàn bộ khổ uẩn đoạn diệt”[7]. vì vậy khi mười hai nhân duyên khởi thì toàn bộ khổ uẩn khởi, khi mười hai nhân duyên diệt thì toàn bộ khổ uẩn diệt. Các pháp vốn do duyên sinh nên vô ngã. Cho nên tất các các pháp sinh diệt, hữu vô là không có tự thể, tức chẳng phải tự nó. Vì thê nói “Duyên khởi giống như có mà rốt ráo không, rốt ráo không mà như có”.
Vạn vật do duyên sinh nên không có tự tính, không có quyết định tính, vị vậy nói sự vật là “không”. Như trong Trung Luận ngài Long Thọ đã đề cập “Pháp do duyên sinh, ta nói tức là không, cũng là giả danh, và cũng là nghĩa trung đạo” và “chưa từng có một pháp nào mà không từ nhân duyên sinh. Thế nên hết thảy pháp, không pháp nào mà chẳng là không”[8]. Các pháp vốn không có tính cố định cho nên Long Thọ gọi là “không”. Nhưng khái niệm “không” này không phải là hư vô, mà mang ý nghĩa không có tướng cố định.
Trước tình hình Phật giáo Nam – Bắc hai cực đối nghịch, Nam chấp không, Bắc chấp hữu. Do đó Ngài Long Thọ đã đưa ra tư tưởng dung hòa Trung đạo là tôn chỉ cho đạo Phật nhưng lấy Đại thừa tính không làm căn bản. Do đó Ngài chủ đưa ra chủ tương Bát bất, đó là tám loại không: Bất sinh, bất diệt, bất đoạn, bất thường, bất nhất, bất dị và bất khứ bất lai. Tư tưởng này được đề cập ngay ở bài tụng đầu của Trung Quán Luận:
“Chẳng sinh cũng chẳng diệt
Chẳng thường cũng chẳng đoạn
Chẳng một cũng chẳng khác
Chẳng đến cũng chẳng đi”[9]
Từ tư tưởng này để mọi vọng tưởng hý luận, mê lầm tà kiến được phá bỏ, hướng tới nhận thức giáo lý Tính không đó cũng là chìa khóa, là mục đích giáo hóa chỉ đường để tu tập thực chứng Trí Bát nhã. Trí tuệ ba la mật, ba la mật cuối cùng trong lục độ ba la mật, bao hàm tuệ giác chứng ngộ tính không.
CHƯƠNG 2: TƯ TƯỞNG TÍNH KHÔNG TRONG KINH KIM CƯƠNG
1. Giới thiệu khái quát về Kinh Kim Cương
Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa là bộ kinh có tinh thần phá chấp rất cao, rất mạnh. Là một bộ kinh quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Kinh Này tiêu biểu toàn bộ đại tạng Bát nhã. Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật là bản kinh thứ 9 của hội thứ 16 trong 9 bộ Đại Bát Nhã. Thời gian xuất hiện Kinh này có rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng phần đa cho rằng nó xuất hiện khoảng trước hoặc sau 100 năm công nguyên, nhưng đều xuất phát từ bộ Đại Bát Nhã.
Kinh này được rất nhiều các cao Tăng phiên dịch sang hán ngữ và chú sớ như: 1, ngài Cưu Ma La Thập đời Tần dịch là “Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Kinh”. 2, Ngài Bồ Đề Lưu Chi đời Ngụy dịch tên “Kim Kang Bát Nhã Ba La Mật”. 3, ngài Ba- La- Mật Đà dịch tên là “Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật”. Đại diện cho tân dịch có ngài Huyền Trang đời Đường dịch là “Đệ Cửu Hội Năng Đoạn Kim Cương Phẫn”. ngoài ra còn có các bản dịch của các ngài như Bồ Đề Lưu Chi, Chân Đế, Nghĩa Tịnh, Đạt Ma Cấp Đa…, ở Việt Nam hiện nay cũng có nhiều bản dịch như của HT.Thanh Từ – Kim Cương Giảng Giải; HT.Trí Quang – Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật; HT.Nhất Hạnh – Kinh Kim Cương Gươm Báu Cắt Đứt Phiền Não, Đoàn Trung Còn …
Kinh Kim Cương hay gọi đủ là Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh, đây là bản kinh quan trọng và có ảnh hưởng lớn của Phật giáo Đại thừa, như các trường phái: Trung Quán Luận, Duy Thức, Tam Luận tông… Và đặc biệt là Thiền tông. Khi Phật giáo được truyền vào Đông độ thì bản kinh Kim Cương này cũng được lấy đó làm tâm ấn truyền tông của Thiền tông Trung Hoa. Câu truyện Ngũ tổ Hoằng Nhẫn đã lấy y che cửa, giảng truyền tâm yếu của Kim Cương Kinh và truyền y bát cho Lục tổ Huệ Năng là minh chứng rất rõ ràng về tầm quan trọng của nó. Thiền tông tuy nói rằng “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật” nhưng vẫn lấy bản kinh này làm phương thức truyền tâm ấn, có lẽ bởi yếu chỉ của kinh là tính không, là thực tướng để đi đến Phật quả, thực tướng Niết bàn. ở việt Nam Phật Hoàng Trần Nhân Tông vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cũng đã từng nghe “ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm” mà đạt ngộ nên trong cuối bài Cư Trần Lạc Đạo Phú Ngài nói; “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”, và bài kệ thị tịch trước khi nhập diệt là:
“Tất cả pháp không sinh
Tất cả pháp không diệt
Nếu hiểu được như vậy
Chư Phật thường hiện tiền”[10]
Vậy Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật là gì? theo phạn ngữ là Vajra chedikā Prajñā pāramitā
Vajra là Kim cương 金刚: nghĩa đen là một loại khoáng chất, có tính cứng rắn và sắc bén. Còn có nghĩa là sấm sét, phá hủy. Chedika là cắt đứt đoạn diệt. Prajna là Bát Nhã 般若: là Trí Tuệ. Paramita dịch là Ba La Mật 波羅密 nghĩa là đáo bỉ ngạn. Như vậy Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật có nghĩa là một thứ trí tuệ đáo bỉ ngạn được ví như kim cương sắc bén, có thể đoạn trừ (cắt bỏ) được hết thảy phiền não, khổ đau để đạt tới an vui giải thoát. Do vậy tên của Kinh được dùng Kim Cương là dụ, Bát Nhã Ba La Mật là Pháp, dùng dụ và Pháp để lập đề kinh.
Nguyên thủy của Kinh này vốn không phân chia làm chương phần, nhưng nay lại thấy có 32 phần nguyên do là bởi thái tử Chiêu Minh con của vua Lương Vũ Đế phân ra vậy, đương cơ của Kinh này là ngài Tu Bồ Đề người trực tiếp thưa hỏi đức Phật. Ngài Tu Bồ Đề trung hoa còn dịch là Thiện Hiện, là một trong thập đại đệ tử của Phật, được tôn xưng là Giải Không Đệ nhất. như thế thông qua đương cơ của Kinh có thể ít nhiều thấy rằng nội dung xuyên suốt của kinh xẽ được đức Phật giảng dạy về Tính Không.
Theo Đại Cương Kinh Kim Cương Bát Nhã của HT.Thích Thiện Siêu trong tuyển tập “Vô Ngã Là Niết Bàn” ấn bản năm 2000 nói trong 32 phần, nhưng tóm tắt lại có ba phần như sau:
Phần thực tướng bát nhã từ câu: “như vậy tôi nghe….” Đến câu “trải tòa mà ngồi” là phần thể hiện “thực tướng Bát nhã vô ngôn thuyết” ngay nơi các uy nghi hàng ngày của Ngài.
Phần quán chiếu Bát nhã từ câu: “Tu Bồ Đề tán thán Phật…” cho đến câu “Bồ tát nên an trú như ta dạy”. Đây là đoạn kinh, dựa vào văn tự ngôn ngữ, Phật dạy về công dụng quán chiếu của Bát Nhã. Trong phần này Tu Bồ Đề nêu hai câu hỏi là, làm thế nào một vị Bồ tát khi phát tâm Bồ đề có thể an trụ trong tâm đó và làm thế nào hàng phục vọng tâm, và Phật trả lời hai câu hỏi đó.
Phần đoạn nghi: Trừ hai phần trên, tất cả đoạn kinh văn còn lại thuộc vào phần này. Trong phần này Phật cũng dùng ngữ ngôn văn tự để dạy công dụng của quán chiếu Bát Nhã mà đoạn trừ các nghi hoặc. Song những mối nghi ở phần này, không phải do Tuệ mạng Tu Bồ Đề nêu lên, mà chính do Phật đón biết trước các mối nghi hoặc sẽ ngấm ngầm khởi lên trong tâm Tôn giả, nên Phật tự lần lượt nêu lên hỏi Tu Bồ Đề, rồi Phật tự lần lượt giải đáp hầu làm cho Tu Bồ Đề và kể cả hội chúng không còn chút nghi hoặc đối với lý Bát-nhã chân không. Vì vậy ở phần kinh văn này ta thường thấy lặp đi lặp lại nhiều lần câu: “Tu Bồ Đề ư ý vân hà?” – Tu Bồ Đề ý ông nghĩ thế nào?”. “Ư ý vân hà?” cũng còn có ý nghĩa là Phật dạy luôn luôn phải hồi quang phản chiếu.
2. Tư tưởng phá chấp phá ngã
Nói đến kinh Kim Cương Bát Nhã nội dung xuyên xuốt của kinh là sự phá tan, triệt để những chấp trước tướng và chấp trước pháp, chấp có chấp không, để rồi từ đó có cái nhìn thấu đáo bản chất thật của các pháp. Kinh này, nội dung tôn yếu toàn chỉ bày thật tướng các pháp. người hiểu rõ kinh này, cũng tức là hiểu rõ thật tướng bát nhã[11], Để phân biệt tục đế và chân đế mới có thể đạt được Đệ nhất nghĩa đế. Đệ nhất nghĩa đế, phải xuất phát từ thế tục đế. nếu ko hiểu được thế gian này, thì ko thể hiểu được Đệ nhất nghĩa đế. Vì Đệ nhất nghĩa đế luôn đồng hành với thế tục đế. Do vậy chỉ cần hiểu rõ thế tục đế thì ngay đó cũng là Niết bàn rồi.
Tục đế là hữu vi, là tương đối, là u minh bất tịnh, là đỗi đãi, là có không, sinh diệt, là chấp pháp, chấp chúng sinh… bản chất của nó là giả tướng, do nhân duyên hòa hợp, đã là nhân duyên hòa hợp thì khi duyên đủ nó hội tụ, duyên thiếu nó mất đi. Có hợp thì ắt có tan không cố định là hư giả. Những gì do nhân duyên hòa hợp thì tự bản tính nó không có thật. Do đó có tướng đều là hư vọng không thật. Thế nên, những gì có tướng đều là vô thường, tan diệt. Do duyên hợp thì không có tự thể, không có tự thể thì không có ngã.
Chân đế là chân lý tuyệt đối, là đệ nhất nghĩa, là chân như, là giác, là không đối đãi, là bất sinh diệt, là Vô thượng Chính Đẳng Chính giác, là Phật, là trung đạo thật tướng. Thật tướng tức phi tướng, nó không nằm trong tướng có tướng không, không nằm trong sự đối đãi, thế nên nói thật tướng không phải tướng. không dính, không mắc, không chấp do đó lìa được tất cả tướng, theo con đường trung đạo đó là Phật. Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác cho đến không một pháp nào không thể được, gọi là Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác. Như vậy, Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác là chỗ giác ngộ cứu kính, không còn thấy một chút ngã, một chút pháp. Do không còn thấy một chút ngã, một chút pháp nào cho nên chứng được Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.
Từ quan điểm này cho thấy đức Phật đã chỉ rõ, bản chất của các tướng, nói chung là bốn tướng (ngã – nhân- chúng sinh- thọ giả) là không thật, nhưng do chúng sinh sai lầm nhận đó là thật, cho nên vọng tưởng từ đây có khổ đau, phiền não.
Đức Phật chỉ cho Bồ Tát thấy tất cả các sự vật hiện tượng trên đời đều là hư vọng, giả tạm không có thật. trong phần thứ 5 kinh văn nói: “Ông Tu Bồ Đề, ý ông như thế nào, có thể thấy Như Lai ở nơi thân tướng chăng ? không thể, thưa Thế Tôn không thể dùng thân tướng để thấy được Như Lai. Bởi vì Như Lai từng dạy thân tướng tức chẳng phải thân tướng. Đức Phật bảo ông Tu Bồ Đề; tất cả những gì có tướng đều là hư vọng, nếu thấy các tướng chẳng phải là tướng, tức thấy Như Lai”.
Có thể nói đây là cốt nõi của tư tưởng kinh Kim Cương: 凡所有相皆是虛妄, 若見諸相非相, 卽見如來-(Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như lai). Đức Phật có tam thân, đức Phật Thích ca thị hiện ở sa bà này, nơi thành Ca Tỳ La Vệ là Thái tử Tất Đạt Đa, con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da… với 8 tướng thành đạo, đầy đủ 32 tướng tốt, 19 tuổi xuất gia tầm đạo, 30 tuổi thành đạo, 49 (45) thuyết pháp độ sinh. Đây là Báo thân Phật mà thôi, đã có tướng tức là phải có sinh lão bệnh tử, và 80 tuổi ngài thị hiện nhập Niết bàn. Như vậy nếu chấp tướng thì đâu còn thấy đức Như Lai nữa. nhưng Như Lai là:從無所來, 亦無所去是名如來- (Tòng vô sở lai, diệc vô sở khứ thị danh Như Lai) nghĩa là Như Lai; không từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu, đây là chỉ cho Pháp thân Phật vậy. Bằng con mắt Phàm thì thấy đức Phật đã nhập diệt, đó là cái nhìn về sắc thân. Nhưng Pháp Thân thì lại thường trụ bất diệt luôn luôn hiện hữu đầy ở khắp tam thiên đại thiên thế giới đó là cái Phật tâm, chân tâm vậy.
Trong Trung Quán Luận nói:
“Chư Pháp thực tướng giả
Tâm hành ngôn ngữ đoạn
Vô sinh diệc vô diệt
Tịch diệt như Niết bàn”
Đã là hữu tướng thì là có đối đãi như dài ngắn, có không, đẹp xấu, có đỗi đãi là còn có danh giới và sinh diệt biến dị, cho nên tất cả những gì có tướng đều là hư vọng. bởi vì các pháp đều do duyên sinh giả hợp mà thành, như cái xe gọi là xe bởi vì “cưỡng lập danh” mà thôi, tự thể chẳng cái gì được gọi là xe cả, bánh, trục, bàn đạp,… cái gì được gọi là xe?. Thực không cái gì cả mà tổng hợp những chi tiết ấy lại và quy ước với nhau gọi là xe mà thôi. Cho nên nó hư vọng không thực hữu và mãi mãi, cái bàn ta ngồi cũng vậy nó được tổ hợp bởi gỗ, đinh, ốc vít … nhưng sau này nó hỏng đi người ta đem vào bếp đun thành tro, tro ấy có được gọi là cái bàn nữa không. Con người chúng ta cũng như vậy, nên trong kinh Tám Điều dạy:
“Đất nước gió nửa hợp thì lại tan
Luống những chịu muôn ngàn đau khổ
Ngũ ấm này còn có mình sao
Khác nào như cảnh chiêm bao
Biến thiên sinh diệt ai nào chủ trương”
Vì thế phải nhìn nhận các pháp bằng trí tuệ Bát nhã để thấy thực tướng của các pháp, mà muốn thấy được thực tướng của các pháp thì phải bỏ ngôn ngữ, lìa khái niệm cả tâm hành để dùng trí tuệ quán chiếu. Bản chất của các pháp là tịch diệt, niết bàn là như thị; như thị tính- như thị tướng- như thị thể…
Ví dụ như một cây lan trong rừng, người ta đi rừng gặp thấy đem về, nhìn cánh hoa đẹp như cánh con bướm liền đặt cho nó cái tên là Lan Hồ điệp, lan tai châu… bản chất của nó đâu có tên như vậy, mà do sự phân biệt của con người mà thôi. Cho nên trong kinh Đại Bát Niết Bàn nói:
“Tri kiến lập tri
Tức vô minh bản
Tri kiến vô kiến
Tư tức niết bàn”
Tri kiến lập tri là cái nhìn của phàm phu, luôn luôn chấp vào cái biết của mình, cho đó là chân lý là số một. cách nhìn này theo quan điểm của Phật giáo là cách nhìn sở tri trướng, Vô minh, mà vô minh là gốc của Phiền não khổ đau, sinh tử, luân hồi. Tri kiến vô kiến là cách nhìn thấy biết như thực của người học Phật, tức không chấp và không vướng bận vào cái mình biết đó là Niết bàn.
Bởi vì vậy nếu lương vào sắc tướng để thấy Như Lai thì không thể thấy được, mà phải ở nơi trí tuệ siêu việt, hay nói khác là thấy tướng trong phi tướng, thấy tướng vô tướng mới thấy pháp thân Như Lai. Bởi vì đức Phật cũng đã dạy: “Nếu ai bằng vào sắc tướng mà thấy ta, bằng vào âm thanh mà cầu ta, người đó đang đi trên tà đạo, không thể thấy ta”.
Đức Phật nhấn mạnh những lời dạy, những giáo pháp của Ngài chỉ là phương tiện như chiếc bè đưa người qua sông, không phải là cứu kính. Mẫu câu bao hàm tất cả các câu trong kinh Kim Cương là “……giả, tức phi….thị danh….”. …. giả?: vì chúng sinh ko biết chấp vạn pháp là thực hữu, vì chấp nên chẳng phải thực, vì Phật pháp ấy cũng vô tự tính. hiểu được như thế mới là Phật pháp. Nhưng nếu nói chẳng phải Phật pháp sợ chúng sinh sẽ đi đến cực đoan nên mới lại nói Thị danh đó là kéo chúng sinh quay trở về.
Khi tâm còn chấp thì dù chấp Pháp mà mình đang tu tập, hay phi pháp cũng là chấp, vẫn chưa thoát ra khỏi được, chính vì vậy trong Kinh văn đức Phật dạy: “không nên chấp pháp, không nên chấp phi pháp, vì Như Lai thường dạy. Tỷ Khiêu các ông nên biết, Như Lai thuyết Pháp, ví như chiếc bè. Chính pháp còn xả huống là phi pháp”.
Chính vì “Vô Trụ” là tính không, cho nên đối với giáo Pháp của Phật cũng phải xem như thuyền đưa người qua sông, nó chỉ là phương tiện đến bờ, khi tới bờ thì phải bỏ lại, không ai lại vác theo thuyền khi đã đến bờ, như thế thì chưa đạt đến viên mãn rốt ráo của giải thoát Niết bàn. Cũng như vậy trong kinh Viên Giác dạy: “Nhất thiết Tu Đa La, như tiêu chỉ nguyệt” nghĩa cũng tương tự như đây, Tu Đa La là kinh (Pháp) được ví dụ như ngón tay chỉ mặt trăng (chân lý), chân lý không ở chỗ ngón tay, ở chỗ ngôn ngữ văn tự, kinh điển là dùng ngôn ngữ là để chuyền tải chân lý, nhưng chân lý thực không phải ở chỗ ngôn ngữ ấy vậy. Đức Phật nói bốn vạn tám nghìn pháp môn thực là vì đối trị với tâm, với căn cơ của chúng sinh mà thôi. Bởi vậy nói “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, ly Kinh nhất tự tức đồng ma thuyết”, vì còn mê nên phải lương văn tự để tìm chân lý, nhưng vốn chân lý chẳng ở văn tự nên nói y theo chữ nghĩa mà giải thì oan cho ba đời chữ Phật, cũng như vậy khi đạt được Niết bàn thì không còn chấp Pháp hay cả phi Pháp, cũng như khi đói mong cầu được ăn no, khi no rồi thì đâu còn cái tâm khao khát ham muốn kia nữa. cho nên trong Huyền Giác Chứng Đạo Ca nói:
“Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân
Bất trừ vọng tưởng bất cầu chân
Vô minh thực tính tức Phật tính
Huyễn hóa không thân tức pháp thân…”
Đức Phật dạy “Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sinh Kỳ Tâm” 應無所住而生其心. Kinh văn nói: “Thế nên Tu Bồ Đề, các Bồ Tát lớn nên như thế mà sinh tâm thanh tịnh, không nên trụ nơi sắc sinh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sinh tâm, nên không có chỗ trụ mà sinh tâm kia”.
Đây có thể nói là câu cốt lõi tông chỉ của Kinh Kim Cương. Ngày xưa lục tổ Huệ Năng khi còn là anh tiều phu đốn củi, nhờ nge câu kệ ngày mà “tức tâm khai ngộ” và đến khi được Ngũ Tổ giảng truyền tâm ấn, truyền y bát nghe lại câu này mà “Ngôn hạ đại ngộ” trở thành tổ thứ 6 của thiền tông Trung Hoa. Hết thảy xuyên xuốt của Kinh có thể nói ở hai từ “Vô Trụ” tức là Vô sở trụ, sẽ “sinh tâm”. Như vậy không “trụ” thì xẽ sinh “sinh”, không trụ gì và sinh tâm gì?
Ưng vô sở trụ: là nên không trụ ở chỗ nào. Vì sao vậy? đối với Nhân – Ngã- Chúng Sinh – Thọ giả đều là do nhân duyên mà giả hợp thành hình tướng, thành các pháp nó giả có, tạm bợ. đối với lục trần Sắc – Thanh – Hương – Vị – Xúc – Pháp cũng không thể trụ nơi ấy. do giả hợp mà thành nên Phật dạy
“Do cái này sinh
Nên cái kia sinh
Do cái này diệt
Nên cái kia diệt”
Pháp ngã đều không, thì lấy chỗ nào để cho tâm này bám víu. Lục trần như sắc kia của bông hoa nhìn bằng con mắt nhục nhãn thấy tuy đẹp, nhưng thực kỳ nó đang biến hoại và héo úa từng dây phút mà ta không hay. Thanh,hương, xúc pháp cũng vậy. hơn nữa trong phần 18 của Kinh Kim Cang đức Phật nói: “Tu Bồ Đề, Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai cũng không thể được” thì lấy tâm nào để mà trụ. Biết là các Pháp đều là giả hợp mà có, nhưng không có nghĩa là trong cuộc sống ta không nhìn, không nghe, không ăn, không nói, không mặc … như thế thì là cái nhìn chết cứng bi quan iếm thế, nhất thiết chẳng phải ý chỉ của Phật. chúng ta nhìn cảnh mà chấp thì trôi lăn trong vọng tưởng phiền não, đó là cái nhìn của Phàm phu. Vậy phải nhìn (đối cảnh) như thế nào? phải nhìn bằng con mắt Pháp nhãn trí tuệ để nhận chân ra thực tướng của các pháp, khi đó thì xẽ “sinh kỳ tâm”, nghĩa là khi đã không bị sáu trần hay các pháp lôi kéo thì hành giả sẽ có được cái tâm tự tại, vô quản ngại. Như vậy tức là sinh được cái tâm chân như, Phật tính, hằng thường sáng tỏ.
Có thể nói tư tưởng Vô trụ không chỉ xuyên suốt trong kinh Kim Cương mà còn cả trong tư tưởng hệ Đại Thừa Phật giáo. Kế thừa tư tưởng này một cách rốt ráo nên các tổ sư Việt Nam cũng đã từng thể hiện nó trong các kệ, thơ thiền như: tinh thần vô Phố úy của thiền sư Vạn Hạnh, ngài nói trong bài Thị Đệ Tử như sau
“Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối xuân tươi thu lão lùng
Mặc cuộc thịnh xuy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông”
Hoặc như tinh thần tự tại của Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với vạn duyên, sắc cảnh không bị vướng mắc, trong Cư Trần Lạc Đạo Phú ngài nói:
“Trong Nhà có Báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”
“Ưng Vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” không chỉ là tông chỉ tu hành, mà đây còn có thể là chìa khóa để mở cửa cho những tâm hồn bi ai, đau khổ, chấp trước. có thể coi như ngọn đèn sáng cho kẻ đang tối tăm, được bừng sáng, có cái nhìn lạc quan hơn vào cuộc sống. để phụng sự để hành Bồ đề tâm. Như vậy không chấp mắc, bám víu vào các pháp, thì xẽ hiển bày chân tâm Phật tính.
Cho nên trong bài kệ cuối của kinh đức Phật dạy:
一切有為法
如夢幻泡影
如露亦如電
應作如是觀
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán
C. KẾT LUẬN
Nhận thức được tính không của vạn pháp là thực tại duyên khởi. Thực chứng được trí tuệ Bát nhã xẽ không còn những vọng tưởng hý luận và mê lầm tà kiến, có được cái nhìn đúng như thật về các pháp. Trong quá Trình tu tập nếu không thấu suốt được chân lý “Vạn pháp giai không” thì chẳng khác gì ôm cây đợi thỏ, hay tìm trăng đáy nước, vì các pháp không thật có, do nhân duyên sinh, nên nói là “không”. Không cũng chỉ là tướng giả lập, tạm dùng ngôn ngữ để diễn bày. Khi hiểu được như vậy, ta an trú vào “tính không”, trẳng có gì để vướng mắc hay đoạn trừ cho nên:
“Phiền não tức bồ đề
Sinh tử tức Niết bàn”
Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Kinh, là một bản kinh trọng yếu của Phật giáo Đại thừa. Trong bản kinh này, Đức Phật tuy đề cập đến nhiều điều rộng lớn khác, nhưng hầu như toàn bộ kinh chỉ để nói lên những yếu lĩnh cần có để an trụ chân tâm, hàng phục vọng tâm và chỉ bày thực tướng của các pháp. Muốn thế hành giả không nên trụ chấp vào bất kỳ đối tượng nào dù đó là Phật, là Pháp hay quả vị Vô thượng Chính đẳng giác. Muốn thế hành giả phải thấy mọi sự vật và hiện tượng là hư ảo, là huyễn, là vô thường, vô ngã, không bị lạc vào đường chấp ngã mà phải nỗ lực thực hành sao cho chân tâm vô trụ, an nhiên tự tại. rồi quảng kết thiện duyên, lưu bá giảng giải khiến Phật pháp tịnh hóa nhân gian nói chung đi theo con đường tỉnh giác, mà còn giúp cho các phật tử nói riêng có công năng chuyển hóa cái tâm, an trụ chân tâm để bước tiếp trên con đường giác ngộ giải thoát,để không bi quan trong cuộc sống, tự tin vượt mọi khó khăn trong mọi hoàn cảnh.
Do vậy, chân lý tính không của Phật giáo không phải là một triết lý suông nằm ngoài xã hội, vượt ngoài khả năng hiểu biết cuả con người, cách xa cuộc đời, mà nó rất gần gũi đối với vấn đề đạo đức, nhân sinh trong xã hội. qua triết lý ấy đã mở nối cho con người nhân cách sống, tu tập hóa giải phiền não tham ái, đạt đến cuộc sống an lạc hạnh phúc ngay trong hiện tại.
Tác giả: Thích Đạo Tâm
Học viên cao học khóa II tại HVPGVN tại Hà Nội
————————-
CHÚ THÍCH:
[1] T.R.V.MURTI, Huỳnh Ngọc Chiến dịch, Tánh Không Cốt Tủy Của Triết Học Phật Giáo Nghiên Cứu Về Trung Quán Tông, Nxb Hồng Đức 2019, tr42.
[2] Thích Thái Hòa, Kim Cang Bát Nhã Trong Dòng Lịch Sử, Nxb Hồng Đức 2016, tr 34
[3] Thích Hạnh Bình, Triết Học Có Và Không Của Phật Giáo Ấn Độ, Nxb Phương Đông 2008, tr 85.
[4] Dịch giả HT Thích Minh Châu, Trung Bộ Kinh, Đại Tạng Kinh Việt Nam.
[5] HT Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng, tập 3, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành 1993, tr 252-253.
[6] Thích Hạnh Bình, Triết Học Có Và Không Của Phật Giáo Ấn Độ, Nxb Phương Đông 2008, tr 158
[7] Thích Chơn Thiện, Phật Học Khái Luận, Tp Hồ Chí Minh, 1999, tr 166
[8] Thích Thiện Siêu dịch, Trung Luận, Nxb Tp Hồ Chí Minh 2001, tr 274-275
[9] Ibid, tr 9.
[10] Thích Phước Sơn dịch và chú, Tam Tổ Thực Lục, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành 1995, tr33
[11] . Thái Hư đại sư giảng, Thích Huệ Hưng dịch. Kinh Kim Cang Giảng Lục, Nxb Hồng Đức 2020, tr 7.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thích Hạnh Bình, TRIẾT HỌC CÓ VA KHÔNG, Nxb Phương Đông, 2008.
2. Pháp Sư Ấn Thuận giảng- Tỳ Kheo Tâm Trí dịch, LUẬN TRUNG QUÁN, Nxb Hồng Đức, 2016.
3. Thái Hư đại sư giảng, Thích Huệ Hưng dịch, KINH KIM CANG GIẢNG LỤC, Nxb Hồng Đức 2020.
4. Thích Thiện Siêu dịch, TRUNG LUẬN, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh 2001.
5. Thích Chơn Thiện, PHẬT HỌC KHÁI LUẬN, Tp Hồ Chí Minh, 1999.
6. Đoàn Trung Còn soạn dịch và ghi chú, KINH KIM CANG BÁT NHÃ BA LA MẬT, Nxb Tôn Giáo 2006.
7. Thích Đạo Tâm, Những Vấn Đề Tinh Yếu Của Kinh Kim Cương. https://phatgiao.org.vn/nhung-van-de-tinh-yeu-cua-kinh-kim-cuong-d36766.html
Bài đọc thêm:
Kinh Kim Cương Lược Giải
Discussion about this post