- Đạo Phật
thường được gọi là “viên ngọc như ý” vì nó đáp ứng cho mọi nhu cầu, mọi
đòi hỏi, mọi ước muốn của con người, dù thấp hay cao. Đáp ứng điều gì? Đáp
ứng cho con người tự do, bình an và hạnh phúc, tùy theo mức độ đầu tư và
khai thác kho tàng bên trong của mỗi con người.
Tự do, bình an và hạnh phúc là quyền của mỗi người, do chính con
người định đoạt.
Con người không phải xin xỏ tự do, bình an và hạnh phúc ở ai cả,
dù đó là một vị thần tối cao, một Thượng đế. Chúng là kết quả do chính con
người làm ra. Tự do, bình an, hạnh phúc là kết quả của những hành động của nó.
Những hành động là Karma, được dịch là nghiệp. Nếu những hành động của nó là
nhân của tự do và hạnh phúc, thì quả của những hành động đó phải là tự do và
hạnh phúc.
Tiến trình nhân quả này được gọi là nghiệp báo (quả chín từ những
nhân là những hành động đã tạo) và tiến trình này xảy ra không chỉ một kiếp
sống. Người xưa nói “Người quân tử chẳng oán Trời, chẳng trách người”, không đổ
thừa sự bất hạnh của mình cho ông Trời, cho người khác, hay cho hoàn cảnh. Đây
là thái độ can đảm, thực tế, dựa trên sự công bằng của định luật nhân quả. Cái
gì tôi đã phóng ra, cái ấy phải trở lại với tôi. Nếu muốn sửa đổi, cải tạo cuộc
đời mình thì phải sửa đổi cải tạo cái nhân đang có trong lúc này, không buồn
chán vì cái quả phải chịu lúc này.
Tin và biết hành động theo nhân quả, người ta “sửa đổi” số mệnh
của mình. Người ta có tự do: tự do làm điều tốt để có được điều tốt, tự do tránh
điều xấu để không phải gặp điều xấu. Con người là chủ nhân của cuộc đời mình,
nắm giữ tài sản của mình là những gì mình đã làm trong quá khứ, và là chủ nhân
của cuộc đời mình ngay trong hiện tại và tương lai, tùy theo mình muốn trờ
thành thế nào.
Nhân quả cũng như những bậc thang, tùy ý chúng ta muốn đi lên hay
đi xuống, đi nhanh hay đi chậm. Tạo ra những nhân tốt, cao đẹp, ít nợ nần ai
chúng ta sẽ nhẹ nhàng tiến lên. Tạo ra những nhân xấu, thấp kém thân tâm chúng
ta sẽ nặng nề, đi xuống. Nếu chúng ta làm được nhiều điều tốt cho người khác
thì gánh cuộc đời chúng ta sẽ nhẹ nhàng, gặp nhiều điều tốt đẹp. Nếu chúng ta
làm nhiều điều xấu cho người khác, nợ nần với cuộc đời này nhiều, gánh cuộc đời
sẽ nặng nề, chứa những điều tiêu cực, những món nợ nần và cuộc đời chúng ta lẩn
quẩn trong vòng vay trả.
Nhân quả không phải là định luật phá hoại tự do của chúng ta. Trái
lại, nó là điều kiện tất yếu để chúng ta có tự do và hạnh phúc. Như trong định
luật vật lý, một máy bay muốn bay lên phải dựa vào trọng lực, sức cản của không
khí, tốc độ chạy lấy đà…
Cũng nhờ quan sát những dấu hiệu của nhân quả biểu hiện trong cuộc
đời mình mà chúng ta biết học hỏi để sửa đổi, hoàn thiện con người mình càng
ngày càng đúng hơn, tốt hơn, đẹp hơn.
Tự do và hạnh phúc thứ nhất là tự do chọn lựa, xây dựng đời mình
theo hướng đúng hơn, tốt hơn, đẹp hơn và do đó, hạnh phúc hơn. Bình an là khi
mình đã thực sự chịu trách nhiệm đối với cuộc đời mình.
- Cả ba
nền văn hóa văn minh làm nền tảng cho thế giới hiện đại là Tây phương , Hy
Lạp, Ấn Độ, và Trung Hoa đều nhìn nhận rằng chính những đức tính của con
người tạo ra hạnh phúc cho nó. Con người có nhiều đức tính là con người có
nhiều tự do, bình an và hạnh phúc. Hiện nay, những sách “học làm người”
của Âu Mỹ để dạy cho thanh thiếu niên về những đức tính của con người thì
rất nhiều và được dịch ở Việt Nam cũng rất nhiều.
Nước Nhật vừa vượt qua được thảm họa động đất, sóng thần và tai
nạn nguyên tử bằng một tâm thái khiến các cường quốc hàng đầu của Âu Mỹ phải
thán phục, vì h một cách can đảm, tự chế, trật tự không hỗn loạn, hy sinh,
không tham tiền của lương thực một cách không hợp pháp, lạc quan không bi lụy,
trách nhiệm, tự trọng…cho đến cả những em bé. Những đức tính đó là những đức
tính Phật giáo đã đi vào thâm tâm của người Nhật từ thời Thánh Đức thái tử cách
đây 15 thế kỷ.
Chúng ta cũng cần nhớ lại, năm 2006, cựu Thủ tướng Nhật Fukuda đã
nói: “Nhật Bản và Việt Nam có cùng chung Phật giáo Đại thừa, cùng ăn cơm bằng
đũa”.
Với hơn 2500 năm có mặt của mình đồng hành cùng nhân loại, hầu như
không có đức tính nào cần thiết cho con người mà đạo Phật không nêu ra. Hơn thế
nữa, đạo Phật không phải chỉ là một hệ thống triết học, mà còn là một hệ thống
thực hành gắn liền với cuộc sống con người để hiện thực hóa những đức tính ấy
trong thân tâm con người và xã hội.
Những đức tính tạo nên nhân cách một con người. Những đức tính tạo
nên nhân cách,bản sắc của một dân tộc. Và cũng những đức tính tạo nên hạnh phúc
cho dân tộc đó.
Tự do và hạnh phúc thứ hai là trau dồi nuôi dưỡng cho mình những
đức tính. Những đức tính đó chính là tự do, bình an và hạnh phúc. Trong khi xây
dựng những đức tính, con người tìm thấy ý nghĩa của đời mình. Trong khi xây
dựng những đức tính đó con người đã hưởng được tự do và hạnh phúc.
- Nhưng
con người còn mong muốn nhiều tự do, bình an và hạnh phúc hơn nữa. Con
người sở dĩ tiến bộ vì sự bất mãn của nó, vì sự bất toại nguyện của nó.
Đến một lúc nào, con người nhận ra rằng mình vẫn bị hạn chế trói
buộc, bị cầm tù giam nhốt trong một cuộc đời, một thân tâm chật hẹp. Cuộc đời
chúng ta vẫn hạn hẹp, quanh quẩn, lặp đi lặp lại cũ mòn trong một giới hạn khó
thấy nào đó. Thân chúng ta không tự do vì nó nằm trong quy luật sanh, già,
bệnh, chết. Tâm của chúng ta không tự do, vì những ý nghĩ vẫn làm chủ chúng ta,
đẩy đưa chúng ta không yên nghỉ được. Tâm của
chúng ta không tự do, vì nó chứa chấp nuôi dưỡng những ám ảnh,
những lo sợ, những ghét giận, những ghen tỵ…Không thể kể hết những khổ đau này.
Ngày nào nhân loại còn văn chương, còn nghệ thuật thì văn chương và nghệ thuật
vẫn còn làm chứng cho sự khổ đau của con người.
Sự khổ đau không có bình an, tự do và hạnh phúc bởi vì suốt ngày
và suốt đời của chúng ta bị giam nhốt, chỉ sinh hoạt giữa hai bức tường “tôi và
cái của tôi”. Chúng ta có làm gì, có thêm được những cái gì, thì cũng chỉ làm
cho hai bức tường ấy dày thêm, kiên cố thêm mà thôi. Hai bức tường suốt đời
giam nhốt chúng ta đó, là “tôi và cái của tôi”. Nói theo thuật ngữ Phật giáo,
hai bức tường đó là “ngã và pháp”, còn nói theo hiện đại là “chủ thể và đối
tượng”.
Để thoát khỏi hai bức tường khiến ta mất tự do, bình an và hạnh
phúc này, đạo Phật có rất nhiều phương pháp cũng như rất nhiều vị thầy hướng
dẫn. Nhưng chúng ta không nói điều đó ở đây. Chỉ biết rằng thoát khỏi sự chuyên
chế của ngã và pháp là chủ đề chính của đạo Phật. Và trong suốt lịch sử đạo
Phật Việt Nam, đã có không ít người giải thoát ra khỏi thân phận tù đày trong
ngã và pháp. Nếu không có những người đó, thì làm sao đạo Phật còn sống đến
ngày nay?
Thoát khỏi ràng buộc của sự phân chia và cách biệt của chủ thể –
đối tượng, sự ràng buộc tạo nên thân phận con người, đó là tự do giải thoát.
Thoát khỏi sự xung đột thường trực cho đến suốt đời giữa chủ thể
và khách thể, sự xung đột là tính chất của thân phận làm người, đó là bình an.
Xóa bỏ được ranh giới mãi mãi phân lìa chủ thể và khách thể, sự xung đột là
tính chất của thân phận làm người, đó là bình an.
Xoá bỏ được ranh giới mãi mãi phân lìa chủ thể và khách thể, ranh
giới tạo thành sự cô đơn đặc trưng của con người, đó là hạnh phúc.
Tự do, bình an và hạnh phúc thứ ba là thoát khỏi ngục tù của “cái
tôi và cái của tôi”, của “chấp ngã và chấp pháp”.
- Nhưng có
người còn đòi hỏi hơn nữa. Có thể nào trong khi làm việc để thoát khỏi cái
tôi và cái của tôi, tôi vẫn sống trong xã hội, vẫn giúp đỡ được người khác
thoát ra khỏi ngục tù của chính họ? có thể nào sự giải thoát của tôi vẫn
đồng hành với sự giải thoát của người khác? Có thể nào tự do, bình an và
hạnh phúc của tôi vẫn không tách lìa với công cuộc tìm kiếm tự do, bình an
và hạnh phúc của người khác? Hơn nữa chính sự giải thoát của người khác
làm cho tôi thêm giải thoát, tham dự một cách căn bản vào sự giải thoát
của riêng tôi?
Đây là chủ đề của Đại thừa? Việc thực hành vượt thoát khỏi ngã và
pháp của tôi không ra ngoài đời sống thường nhật, không ra ngoài xã hội. Trái
lại, nhờ đời sống xã hội, nhờ người khác mà sự giải thoát của tôi càng thêm sâu
rộng; tự do, bình an và hạnh phúc của tôi càng thêm đơm hoa kết trái.
Nhu cầu cao hơn nữa của tôi là vừa giải thoát cho mình đồng thời
lo giải quyết cho người khác. Nói theo thuật ngữ, đây là sự kết hợp của tánh
Không và từ bi.
Tự do, bình an và hạnh phúc thứ tư là mình và người không phân
biệt trong tiến trình giải thoát, phương tiện và cứu cánh không lìa nhau trong
tiến trình giải thoát. Đây là sự tự do, bình an và hạnh phúc lớn nhất vì nó
không còn bị lệ thuộc vào một cái gì nữa cả, cái thấp nhất cũng như cái cao
nhất.
Discussion about this post