Dường như trong cuộc sống
hằng ngày không ai là không từng
nằm mộng.
Có thể nói mộng là phản diện của đời thực, bởi vì khi nói đến mộng chúng ta thường nghĩ đến thế giới không thực, thế giới ngược lại với cuộc sống hiện thực. Nhưng trong chừng mức nào đó của lãnh vực tâm thức sâu xa, hay nói như nhà phân tâm học người Áo Sigmund Freud, là lãnh vực vô thức, thì mộng không hẳn là giả mà là những gì được phô lộ của thế giới thầm kín bị ẩn ức trong con người mà thường ngày không thể bộc lộ.
Bởi vậy, thi hào Nguyễn Du trong bài thơ chữ Hán “Ký Mộng” ghi lại việc gặp gỡ trong mộng với người yêu đã mất mà ông không thể nào gặp lại được trong đời thường.
Thệ thủy nhật dạ lưu,
Du tử hành vị quy.
Kinh niên bất tương kiến,
Hà dĩ ủy tương ti [tư].
Mộng trung phân minh kiến,
Tầm ngã giang chi mi.
Nhan sắc thị trù tích,
Y sức đa sâm si.
Ngày đêm nước chảy mãi,
Nàng đi chưa thấy về.
Bao năm không gặp lại,
Lấy gì bớt nhớ mong.
Trong mộng nàng hiện rõ,
Tìm ta ở bến sông.
Nhan sắc vẫn không đổi,
Áo quần hơi lôi thôi.
Theo các nhà tâm lý, đa phần mộng là phản ảnh của cuộc sống thường nhật. Sinh hoạt ban ngày an vui bình lặng thì ban đêm dễ có mộng đẹp nhẹ nhàn. Cuộc sống hàng ngày nhiều bất trắc, khổ đau và phiền muộn thì những giấc mộng ban đêm sẽ là những cơn ác mộng kinh hoàng. Vì thế trong cuộc khủng hoảng vi khuẩn corona hiện nay nhiều người nằm mộng.
Các giai đoạn của giấc mộng
Có phải trong thời đại dịch bạn hay có những giấc mộng bất thường? Không phải chỉ một mình bạn đâu mà nhiều người cũng có những giấc mơ lạ giống như bạn, theo ký giả Gowri S của báo The Hindu cho biết trong bài báo được đăng trên trang mạng của báo này hôm 16 tháng 6 năm 2020.
Trong bài phóng sự, Gowri đã đi tìm hiểu nhiều người và họ đều nói rằng họ thường xuyên nằm chiêm bao kỳ lạ vì đại dịch luôn luôn khống chế cuộc sống của chúng ta. Căng thẳng ban ngày sẽ không tránh khỏi nằm mộng ban đêm trong hình thái những giấc mơ rời rạc và dài hơn bình thường, có lúc thì rõ ràng chi tiết có khi thì mơ hồ. Có người mơ thấy rửa tay bằng xà phòng. Có người mơ thấy bị thú rừng tấn công. Có người thấy gặp người thân đã chết từ lâu.
Trên cơ bản, những giấc mơ có tính riêng tư và tùy thuộc vào những gì con người nhớ. Để hiểu rõ hơn về giấc mơ, chúng ta cần hiều các chu kỳ của giấc ngủ.
“Chúng ta có nhiều giai đoạn khác nhau của giấc ngủ: ngủ mà mắt không chuyển động nhanh (Non-REM) và ngủ mà mắt chuyển động nhanh (REM). Trong giấc ngủ mắt không chuyển động nhanh có các giai đoạn 1, 2 và 3. Không nhất thiết phải theo thứ tự. Trong khoảng mỗi 90 phút tới 120 phút, chúng ta vào giai đoạn ngủ mà mắt chuyển động nhanh,” theo Bác Sĩ N. Ramakrishnan, nhà tư vấn kỳ cựu tại Sleep Medicine và Giám Đốc Viện Khoa Học Về Giấc Ngủ Chennai-based Nithra Institute of Sleep Sciences, cho biết. Nếu người nào đó ngủ trong 6 giờ, thì sẽ có khoảng từ 3 tới 4 giai đoạn mắt chuyển động nhanh.
“Khoảng thời gian ngủ mà mắt chuyển động nhanh sớm nhất có thể kéo dài chỉ 5 phút; những khoảng thời gian ngủ mà mắt chuyển động nhanh sau đó sẽ kéo dài hơn. Những khoảng thời gian ngủ mà mắt chuyển động nhanh vào sáng sớm thì thường là lâu nhất,” theo BS Ramakrishnan. Một người thường được tin là có từ 5 tới 6 giấc mơ trong một đêm, nhưng hầu hết không được nhớ. Bất cứ giấc mơ nào xảy ra trong lúc ngủ mà mắt không chuyển động nhanh, tạo thành 75% của giấc ngủ, thì thường bị quên mất. “Vào buổi sáng, chúng ta ra khỏi giấc ngủ mà mắt chuyển động nhanh. Đó là lý do tại sao chúng ta nhớ các giấc mơ buổi sáng sớm rất rõ,” theo Bác Sĩ Ramakrishnan cho biết tiếp.
Những ác mộng thời đại dịch
Thời đại dịch nhiều người nằm mộng đến độ có người mở luôn trang mạng “I Dream of Covid” để lập danh mục các giấc mơ liên quan đến Covid-19 trên khắp thế giới. Trang web này đã thu thập các giấc mơ từ đầu tháng 3. Ngoài ra trên Twitter và Facebook cũng có nhiều người kể chuyện ác mộng của họ.
Trong khi đối với nhiều người, những giấc mộng này không phải là chỗ mạn đàm giữa những gã đàn ông và bằng hữu, đối với những người khác các hệ quả có thể là nghiêm trọng. Trong một thăm dò diễn ra với công chúng, Bác Sĩ Deirdre Barrett, nhà tâm lý học tại Đại Học Harvard đã và đang thu thập hàng ngàn nghiên cứu về giấc mộng kể từ khi phong tỏa vì đại dịch bắt đầu.
“Tôi đã thu thập nhiều giấc mộng sau biến cố 9/11 và tôi thấy có nhiều kiểu tương tự hiện nay,” theo bà cho biết.
Các bác sĩ, y tá và những nhân viên cấp cứu ở tuyến đầu “thật sự giống một nhóm người đang trong tình trạng chấn thương rất nặng.”
“Giấc mộng thông thường nhất của họ là họ đang cố gắng chăm sóc bệnh nhân. Đó là trách nhiệm cứu mạng của họ. Và họ đang thất bại,” theo Barrett viết.
Các phòng quá tải, thiếu dụng cụ hay dụng cụ không hữu hiệu là những vấn đề thông thường. “Họ đang cố gắng đặt ống vào khí quản của người mà nó bị thắt chặt đến độ họ không thể đưa xuống được. Rồi máy thở ngưng làm việc.”
Barrett phỏng đoán có tới 30% có thể phát triển các triệu chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương, hay PTSD, với những cơn ác mộng, hồi tưởng, lo lắng và khó thở.
Chấn thương tâm lý khi bộc phát dịch bệnh được ghi nhận đầy đủ. Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) nói rằng dịch bệnh Ebola từ năm 2014 đến 2016 tại Tây Phi đã có kết quả trong “các liên can tâm lý xã hội sâu xa ở mức độ cá nhân, cộng đồng và quốc tế.”
Lauren Bateman, nhân viên nhân đạo trong thời dịch bệnh Ebola, đã phát triển triệu chứng PTSD khi bà trở về Hoa Kỳ từ Guinea vào năm 2014. Công tác của bà là nhiệm vụ khó khăn và đen tối, thu thập các dữ liệu của tất cả những vụ chôn cất đã xảy ra khắp nước, những con số mà bà đã không thể ngừng theo dõi ngay cả sau khi bà đã về nhà.
Bà đau khổ vì mất ngủ, các cơn hoảng loạn và ác mộng, từ “những hàng người hỏi tôi tài liệu mà tôi không thể có,” tới “việc phải đeo đồ bảo hộ cá nhân và cảm thấy nóng và ngột ngạt như thế nào,” theo Bateman cho biết.
“Bạn không được phép đụng vào người tại Tây Phi, vì thể qua nhiều tháng khi nhiều người muốn bắt tay, tôi phải bước lùi lại,” theo bà kể.
Cùng lúc, vài người có thể liên quan tới nó. Nhiều người tại Mỹ chưa có kinh nghiệm lo lắng sinh sôi giữa đợt bùng phát nghiêm trọng.
“Tôi có lẽ mang tiếng là một người hơi kỳ quặc,” theo bà cho biết.
Bây giờ, khi đại dịch vi khuẩn corona vẫn tiếp tục, Bateman nói rằng ác mộng của bà đã trở lại. Sự khác biệt hiện nay là, bà có nhiều người hơn để trò chuyện về chúng. Và bà có thể đưa ra lời khuyên.
“Nhiều năm qua, khi tôi bắt đầu làm việc trong bộ phận ứng phó tai họa, tôi đã làm việc cho một chuyên gia sức khỏe tâm thần,” theo bà giải thích. “Ông ấy có một câu nói tuyệt vời mà tôi thường tự nhắc nhở: phần lớn những gì chúng ta đang trải qua là những phản ứng bình thường trước những sự kiện bất thường.”
Nhà hiền triết Trang Tử mơ hồ không rõ mình hóa bướm hay bướm hóa mình trong mộng.(www.pixabay.com)
Giấc mộng nói gì
Giấc mộng có thể được
giải thích như là sự nối tiếp của
cảm giác,
cảm xúc,
ý tưởng, và
hình ảnh diễn ra không
cố tình trong
tâm thức con người trong một số giai đoạn của giấc ngủ, theo bài viết “Dreams: What They Mean & Psychology Behind Them” được đăng trên trang mạng
www.sleepassociation.org cho biết.
Không thực sự hiểu hết được mục đích và nội dung của giấc mộng, nhưng chắc chắn chúng đã là đối tượng của quan tâm thuộc tôn giáo và triết học và là chủ đề của suy đoán khoa học qua lịch sử được ghi nhận. Điều thú vị là nghiên cứu khoa học về giấc mộng được biết như là Oneirology.
Từ 5000 năm trước tại Mesopotamia – Hy Lạp cổ, là khu vực lịch sử của vùng Tây Á nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrates, mà ngày nay là Iraq, Kuwait, miền đông Syria, miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, và các vùng dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria và Iran-Iraq – những giấc mộng được ghi lại rất sớm trên những miếng đất sét. Vào các thời đại La Mã và Hy Lạp, con người tin rằng các giấc mộng là những thông điệp gửi trực tiếp từ một hay nhiều vị thần, từ những người đã khuất, và rằng họ là những nhà tiên tri việc tương lai. Rồi sau đó có nhiều nền văn hóa thực hành việc ấp ủ giấc mộng, mục đích của họ là nuôi dưỡng những giấc mộng của lời tiên tri.
Ngày nay, nhiều người thấy giấc mộng như là sự nối kết với vô thức. Có nhiều bản chất khác nhau của các giấc mộng, như hào hứng, sợ hãi, u sầu, huyền diệu, mạo hiểm, và ngay cả tình dục; và những giấc mộng của chúng ta có vẻ xếp hạng từ thông thường, bình thường đến kỳ lạ và hoàn toàn siêu thực. Ngoại trừ nằm mơ tỉnh táo, các sự kiện xảy ra trong giấc mộng của chúng ta thường ngoài sự kiểm soát của người nằm mộng. Đôi khi những giấc mộng có thể tạo ra ý tưởng sáng tạo, như thế giúp cho người nằm mộng sự cảm hứng.
Qua các nền văn hóa và thời đại, những quan điểm đã thay đổi về ý nghĩa của những giấc mộng. Có vẻ rằng là con người hiện nay thường ủng hộ lý thuyết của nhà tâm phân học Freud về các giấc mộng và đó là những giấc mơ phô lộ ra những cảm xúc và khao khát thầm kín. Các lý thuyết khác nói rằng giấc mộng giúp chúng ta giải quyết vấn đề, trong việc hình thành trí nhớ, hay rằng là chúng xảy ra đơn giản chỉ vì sự hoạt động của não bộ ngẫu nhiên. Một số người có giấc ngủ bất an mà trong đó họ hành động bằng chân tay ngoài giấc mộng trong lúc ngủ được gọi là Rối Loạn Hành Vi REM (RBD). Trong trường hợp này, hành động bên ngoài giấc mộng có thể nguy hiểm cho người đó và người ngủ bên cạnh.
Vào đầu thế kỷ hai mươi, nhà tâm phân học Sigmund Freud đã viết lý thuyết về các giấc mộng và những giải thích của chúng. Freud tin rằng những giấc mộng là biểu hiện của lo lắng và ham muốn sâu thẳm nhất của chúng ta, thường liên quan đến những ám ảnh hay những ký ức thời thơ ấu bị đè nén. Hơn nữa, ông ấy tin rằng hầu hết các chủ đề giấc mông, bất kể nội dung của nó, đều biểu thị cho sự giải tỏa căng thẳng tình dục. Trong tác phẩm “Interpretation of Dreams” xuất bản năm 1899 của Frued, ông đã phát triển kỹ thuật tâm lý mà nhờ đó các giấc mộng có thể được giải thích. Ông cũng đã nghĩ ra nhiều sự hướng dẫn để giúp chúng ta hiểu các động lực và biểu hiệu xuất hiện trong những giấc mộng của chúng ta.
Phật Giáo nói gì về giấc mộng
Có thể nói, mộng là thể tài bàng bạc trong kho tàng Kinh Luật Luận của Phật Giáo Nam và Bắc Truyền.
Kinh Phật kể rằng một đêm nọ Hoàng Hậu Maya nằm mộng thấy một con voi trắng sáu ngà vòi ngậm một đóa bạch liên hoa đi vào hông của bà. Sau đó Hoàng Hậu đã có thai và hạ sinh Thái Tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) mà sau này tu hành thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni Buddha).
Trong Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya) kể rằng đêm trước khi thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề, Đức Phật đã thấy năm giấc mộng kỳ lạ báo trước Ngài sẽ trở thành bậc đạo sư của trời và người.
Trong Kinh A Nan Thất Mộng kể chuyện đệ tử của Đức Phật là Ngài A Nan đã thấy 7 giấc mộng kỳ lạ trước khi Đức Phật nhập niết bàn và đã kể lại để nhờ Đức Phật giải mộng cho. Trong 7 giấc mộng đó là những điềm báo sẽ xảy ra cho Tăng Đoàn và Phật Giáo sau khi Đức Phật nhập diệt.
Trong Mahāsupina Jātaka kể chuyện Vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) của nước Kosala đã thấy 16 cơn ác mộng làm ông sợ hãi và phu nhân của ông là Mallika (Mạc Lợi Phu Nhân) đã khuyên ông nên đến nhờ Đức Phật giải mộng cho.
Nói đến nguyên nhân giấc mộng, trong kinh Milinda Panha, Tỳ Kheo Na Tiên đã giải thích cho Vua Milinda 6 nguyên nhân gây ra giấc mộng. Đó là 3 nguyên nhân thuộc vật lý như đầy bụng, mật, và đờm đãi; ba nguyên nhân còn lại là do sự can thiệp của những thế lực quyền năng siêu nhiên, là nhớ lại chuyện quá khứ và, là điềm báo trong tương lai.
Ngoài ra, Ngài Phật Âm (Buddhaghosa), trong tác phẩm “Chú Giải Luật Thiện Kiến” (Samantapasadika) và “Luận Về Tăng Chi Bộ Kinh” (Manorathapurani), thì cho rằng có 4 nguyên nhân tạo thành giấc mộng, gồm những xáo trộn của cơ thể, những kinh nghiệm quá khứ, những ảnh hưởng của thần thánh chư thiên, và điềm báo trước.
Cuộc đời là đại mộng
Chuyện kể rằng ngày xưa vào thời Chiến Quốc ở Tàu có nhà hiền triết Trang Tử nằm mộng thấy mình hóa bướm. Khi tỉnh ra ông còn không biết chắc là ông hóa bướm hay bướm hóa ông. Đó là câu chuyện nổi tiếng ‘Hồ Điệp Mộng’ nói lên triết lý mộng thực biến hóa huyền hoặc của Trang Chu. Thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều cũng có đề cập đến chuyện hóa bướm này.
Khúc đâu đầm ấm dương hòa
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh
Khúc đâu êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục đế hay mình Đỗ Quyên.
Trang Tử còn mơ hồ giữa mộng và thực. Nhưng trong Kinh Lăng Già (Laṅkāvatāra Sūtra) – bản kinh mà Tổ Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) xem như là tín vật ấn chứng để trao truyền Thiền Tổ Sư Đốn Ngộ tại Trung Hoa bắt đầu từ thế kỷ thứ 5 về sau cho đến Lục Tổ Huệ Năng – thì Đức Phật khẳng định rằng “Thế gian hằng như mộng,” thế gian này cõi mộng. Trong Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật (Vajracchedikā-prajñāpāramitā Sūtra) – bản kinh mà từ đời Lục Tổ Huệ Năng lấy làm cốt lõi của Thiền Tông – thì Đức Phật dạy các đệ tử của Ngài là hãy quán sát tất cả mọi thứ trên thế gian này đều là “mộng,” – Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điễn, ưng tác như thị quán [tất cả các pháp hữu vi, như giấc mộng, như huyễn hóa, như bóng nước, như sương và như điện, nên quán sát như vậy].
Có một nghịch lý mà thực ra là một công án lớn của đời người rằng là nếu cuộc đời là mộng thì tại sao tất cả chúng ta đều thấy nó thực?
Muốn biết thế gian này có phải là mộng hay không thì nên biết con người sống trong đó có thật hay không. Để trả lời câu hỏi này, Kinh Na Tiên Tỳ Kheo (Milindapanhà – Di Lan Đà Vấn Kinh – do Giáo Sư Cao Hữu Đính dịch sang tiếng Việt), có đoạn Tỳ Kheo Na Tiên trả lời Vua Di Lan Đà về con người có thực ngã hay không.
“Trong kinh, Phật có dạy như vầy: “Hiệp các món gọng, thùng, bánh, mui… theo một mẫu mực nào đó thì thành một cái mà người ta tạm gọi là xe. Cũng như thế, hiệp tất cả đầu, mặt, tay, chân, hơi thở, lời nói, sự khổ, sự vui, điều lành, điều dữ… thì cũng thành một đơn vị mà người ta tạm gọi là cái “ta” để tiện bề phân biệt. Chứ thật ra thì không có cái “ta” chơn thật nào cả! Đúng như lời của nữ tôn giả Hoa Si Ra (Vajirã) đã bạch với Đức Thế Tôn khi Ngài còn tại thế: “Danh xưng xe sở dĩ có là do nhiều món đồ hợp lại là vẽ thành. Nhiều món cơ thể vẽ thành một vật mệnh danh là chúng sanh”.
Trong Kinh Suñña Sutta, khi ngài A Nan hỏi Đức Phật rằng ngài nghe nói rằng thế giới này là ‘không’ thì điều đó có đúng không. Đức Phật trả lời rằng – theo bản dịch Anh ngữ của Thanissaro Bhikku – “Trong ý nghĩa rằng không có ngã hay không có bất cứ điều gì thuộc về ngã: Như thế, này Ananda, nói rằng thế giới này là không.”
Dựa vào lời Phật dạy trên, Ngài Long Thọ (Nagarjuna – 150-250 sau Tây Lịch tại Ấn Độ) đã phát triển thành giáo nghĩa Tánh Không (Sunyata) nói rằng tất cả mọi sự vật trên đời đều do duyên mà sinh nên chúng không có tự ngã, những gì chúng ta thấy có chỉ là sự giả hợp của các duyên, hay các điều kiện. Cho nên ngay trong lúc chúng ta thấy có mà thực chất đã là không (sunya), là mộng.
Điều làm cho chúng ta thấy rõ cuộc đời này là mộng chính là trong thời đại dịch hiện nay. Đoàn quân vi khuẩn vô hình vô tướng đã tàn phá thế giới này từ hơn nửa năm qua. Tất cả mọi thứ đều đảo lộn. Tất cả mọi thứ đều thay đổi. Người bệnh khắp nơi. Người chết như rạ. Sợ hãi, khủng hoảng lan tràn. Không có gì an ổn. Không có gì chắc thật. Mọi thứ đều là giả, là không, là mộng.
Khi hiểu được điều đó không những không làm cho chúng ta sợ hãi cuộc đời mà ngược lại làm cho chúng ta hết sợ hãi, vì mình đã nhìn thấy rõ bản chất của nó. Như Tâm Kinh Bát Nhã nói: “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách” [quán chiếu thấy rõ năm uẩn đều không thì vượt qua tất cả mọi khổ đau].
Như người nằm mộng khi tỉnh giấc thì sẽ hết sợ hãi các hiện tượng trong ác mộng.
Discussion about this post