PHÁP
THUẬT
Tâm
Không
Ngồi
bên cửa sổ trên căn gác thấp lè tè, thằng Hào nhìn bâng
quơ xuống con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo chạy ngang trước nhà,
đôi mắt nó long lanh ngấn lệ. Nó đâu có muốn khóc, vì
nó căm ghét nước mắt lắm. Nó đâu có ưa gì chuyện khóc
lóc, vì nó cho đó là yếu hèn, và khóc lóc kể lể là đặc
tính chỉ nên dành cho phụ nữ. Mình là con trai thì nhất quyết
không được khóc. Mười lăm tuổi rồi, sắp thêm một tuổi
nữa rồi, đâu còn nhí nhóc nữa. Nhưng bây giờ nó không
làm sao cưỡng lại được những giọt nước mắt cứ ứa
ra, cứ chực tuôn chảy thành dòng. Nó kiềm nước mắt lại.
Bỗng cảm thấy cổ họng nghẹn đau như đang bị mắc vướng
một cục đá lạnh có góc cạnh sắc nhọn vậy. Nó nuốt
ực một cái. Nếu là người khác, có lẽ người ta sẽ dùng
bàn tay vuốt một cái thật mạnh từ cổ xuống tới ngực
cho trôi cục nghẹn một cách dễ dàng. Đằng này, thằng Hào
không làm như vậy được, vì nó đã không còn hai cánh tay.
Nó có muốn dùng lý trí để sai khiến đôi tay thực hiện
mệnh lệnh cũng không có tay mà cử động tuân lời. Đành
phải ngồi yên đón nhận cảm giác đau tức chạy lừ đừ
từ cổ xuống tới ức, và nước mắt đã chảy hai hàng…
Thằng
Hào đang buồn lắm, tủi lắm. Năm hết Tết đến mà nhà
nó chẳng có gì lấy làm vui. Ngồi bên song cửa sổ nhìn đời
trôi ngang trước nhà thật sôi động huyên náo, thật vui tươi
hồ hởi, nó không ước ao gì to tát, không mơ mộng gì hão
huyền, chỉ mong sao không khí trong gia đình được thuận hòa
đầm ấm. Mẹ sẽ không giận bố nữa. Bố sẽ không uống
rượu giải sầu nữa. Và nó sẽ không buồn, không khóc nữa.
Một ước ao đơn giản nhỏ bé như vậy thôi, nhưng nó không
thể mãn nguyện được trừ khi có một phép lạ bay ra từ
chiếc đũa thần trên tay bà tiên nhân hậu hiền từ. Tiên
ư? Làm gì còn có thần tiên hay ma quỷ ở ngay thời đại
văn minh tin học này? Có chăng cũng chỉ ở trong phim ảnh,
trong truyện cổ tích, trong trí tưởng tượng của con người.
Con người đã sáng tạo ra những thứ ấy, và cũng xóa diệt
hết những thứ ấy. Còn Phật? Phật thì có đó. Bồ Tát
cũng có đó. Long thần hộ pháp cũng có đó. Nhưng nó chỉ
thấy trong kinh sách, trong tranh ảnh, và nghe được từ những
chiếc đĩa VCD của chư tăng đạo hạnh thuyết pháp. Làm sao để Pháp Phật nhiệm mầu hiển hiện ra cho mình đây?
Nó ước ao có phép thần thông vi diệu của Phật. Nó chỉ
ước vậy thôi, trong lúc rối rắm bế tắt nhất thời này,
còn mơ ước có thành sự thật hay không thì còn tùy ở thời
gian và tâm tính con người, tùy ở bố và mẹ, nó tin là vậy.
Cả nhà nó đã mất hết tinh thần, niềm tin vào cuộc sống
chao nghiêng đung đưa trước thế thái nhân tình, ai nấy đều
không còn giữ được sự bình tĩnh cần thiết.
Chuyện
đã bắt đầu xảy đến từ khi bố thằng Hào mất việc
làm. Một chỗ làm ổn định, lương bổng khấm khá, mà ông
đã theo đuổi từ hơn mười năm qua với biết bao kỷ niệm
gắn bó vui buồn, và hao tốn biết bao công sức lẫn tâm huyết.
Nhưng kể từ khi xí nghiệp của ông chuyển qua liên doanh với
nước ngoài, ông đã tiên đoán được những hậu quả sẽ
xảy ra, và phải từng giờ từng ngày đương đầu với những
thử thách ghê gớm. Cho đến một ngày, lòng kiên nhẫn trong
ông đã không còn nữa, ông đã cạn hết sức chịu đựng,
phải vươn vai ưỡn ngực bước ra đấu tranh, chống đối
lại mệnh lệnh của ông giám đốc người nước ngoài. Chỉ
vì bất bình trước sự đối đãi tệ bạc, xúc phạm nhân
phẩm công nhân của những kẻ quen thói ỷ có tiền mà lên
mặt ông chủ bắt nạt người làm công, bố của thằng Hào
phản kháng, cầm đầu cuộc đình công đòi quyền lợi cũng
như đòi bồi thường danh dự cho những người lao động thấp
cổ bé miệng. Có Liên Đoàn Lao Động Tỉnh can thiệp, cuộc
đình công thắng lợi, những ca trưởng, quản đốc và cả
giám đốc người nước ngoài đã phải xin lỗi công nhân,
đáp ứng ứng những yêu cầu về quyền lợi của công nhân
xí nghiệp. Bố thằng Hào vẫn đi làm bình thường, chỉ được
một thời gian ngắn thì bị sa thải vì lý do tinh giảm biên
chế, và vì ông không biết ngoại ngữ. Ôm mối buồn đau
hụt hẫng về nằm nhà thất nghiệp, mang nỗi uất ức không
biết đường trở xoay giải tỏa, ông lao đầu vào những
cuộc rượu say điên say đảo từ sáng tới khuya, không đi
chùa sám hối như trước kia nữa. Mẹ thằng Hào buôn bán
nhỏ ngoài chợ, bấy lâu nay đã ế ẩm chán chê, ngồi ngáp
ruồi ngóng khách qua ngày qua tháng, hàng tồn nợ đọng, thuế
lại lên cao không biết phải ứng phó ra sao, nhằm lúc nghe
tin bố nó mất việc, uống rượu giải sầu cả ngày, bà
đã không còn hứng thú hay hi vọng gì với cái chuyện buôn
bán ngày càng bế tắt này nữa. Bỏ hàng bỏ chợ, bà về
nhà thở dài thở ngắn, khuyên can an ủi bố thằng Hào hết
lời mà chẳng xoay chuyển được tâm ai, mới tức lên mà
gây gỗ, hục hặc với chồng, và cáu gắt nạt nộ con cái
của mình. Chị Huệ của thằng Hào, đang học lớp 12 dở
dở ươn ươn cũng phải mất tinh thần, đâm ra chán học,
trốn trường bỏ lớp đi chơi cho khuây khỏa khi gia đình
đã mang một không khí nặng nề u ám. Mẹ thằng Hào biết
được, đánh con gái một trận tơi tả chưa từng có xảy
ra. Ông bố nóng mặt xót lòng phải bênh con, nhảy vào can
gián và có lỡ tay thô bạo với người vợ yêu quý gần hai
mươi năm trời của mình. Vậy là giận hờn, chiến tranh lạnh
kéo dài gần một tháng rồi mà chưa thấy bên nào phất lên
ngọn cờ trắng. Nghĩ cũng tức cười, cả bố và mẹ đều
học hiểu pháp Phật lâu nay, biết phương pháp “hạn chế
sân hận, trải rộng tình thương”, biết những giáo lý căn
bản dùng để diệt trừ “tham sân si” trong cuộc sống,
vậy mà chẳng ai chịu nhớ mà mang ra ứng dụng. Trong cuốn
sách “Bàn về chữ Nhẫn” mà bố mua ở thư quán trên chùamang
về bảo mọi người nên đọc, thằng Hào còn nhớ mang máng
một câu: “Nhịn một tiếng, sóng chìm gió lặng; lùi một
bước biển rộng non cao”, thật là tuyệt hay, sao không ai
chịu nhớ? Và, nghĩ cũng tức cười, giận gì thì giận, chuyện
học của chị Huệ thằng Hào vẫn được cả hai người lặng
lẽ lo toan. Mẹ bán đi ti-vi, đầu máy vidéo để có tiền
lo cho con gái yên tâm đến trường, còn một ít làm vốn đi
nhận hàng gia công về nhà may kiếm tiền lo cơm gạo muối
mắm hằng ngày. Bố cũng lo, không biết chạy vạy xoay trở
ở đâu ra một khoản tiền mang về trao cho con gái giữ “để
phụ giúp mẹ trang trải những chi tiêu trong nhà”, và “con cần
mua sắm gì để học tập thì cứ dùng”. Đối với thằng
Hào cũng vậy, cả bố lẫn mẹ đều quan tâm chăm sóc cho
nó nhiều hơn trước kia, nhưng nó đâu có mừng vui, nói thẳng
những gì bụng nó muốn: “Bố hãy làm hòa với mẹ đi!”, hoặc
“Mẹ hãy vui vẻ lại với bố đi!”. Nghe nó cứ nằng nặc
yêu cầu, bố nó ầm ừ, còn mẹ nó thì gượng gạo:”Mẹ
muốn vui vẻ lắm chứ, nhưng người phải làm hòa trước
là bố chứ không phải là mẹ!”. Cứ vậy mà kéo dài…
Bây
giờ, nó ngồi buồn nhìn qua cửa sổ, thấy thiên hạ xôn
xao đón Tết, nghĩ đến trong nhà mình bao chuyện không vui,
hỏi sao nó không khóc được? Phải như nó là một đứa trẻ
lành lặn, thì nó sẽ không ngồi một chỗ cu rú trên căn
gác bề bộn những đồ chơi và giấy bút sách truyện này.
Nó sẽ tung tăng chạy nhảy, làm cho sinh khí gia đình luôn
được tràn trề. Nó sẽ cười cười nói nói, làm trò hề
cho bố mẹ vui lên, quên đi phiền muộn mà làm hòa nhau. Nó
sẽ chăm chỉ học hành, đem những điểm 10 đỏ chói về
làm quà tặng cho bố mẹ được an ủi trong lúc bị yếm thế
thất cơ. Nó tự biết bố mẹ cưng thương chiều chuộng nó
lắm, nó mà đòi hỏi điều gì cũng được bố mẹ hoan hỷ
đáp ứng. Nhưng mà… hiện giờ nó không thể tự mình làm
những điều mà nó đang muốn làm được. Nó là một đứa
trẻ mười lăm tuổi đang mang tật nguyền suốt đời, không
còn đủ hai cánh tay như bao đứa trẻ khác. Một tai nạn khủng
khiếp xảy đến với nó lúc nó mới lên tám. Nó bị điện
giật đến cháy xém cả người. Cháy cả da đầu. Và hai cánh
tay bị hoại tử phải phẫu thuật cắt bỏ lìa khỏi thân
thể. Vậy mà nó vẫn còn sống. Sống để “trả cái nghiệp”
theo lời mẹ nói. Sống để trở thành một gánh nặng cho
bố mẹ, một nỗi đau cho người thân, làm hao tổn biết bao
thời giờ và tiền bạc của bố mẹ nó trong suốt bảy năm
qua. Nó không được đến trường như những đứa trẻ đồng
trương lứa, cũng không được chạy nhảy vui chơi với mấy
đứa nhỏ cùng xóm, và đau hơn cả là nó không thể ôm lấy
bố, ôm lấy mẹ bằng hai cánh tay của mình, không thể dùng
một bàn tay nào để vuốt ve xoa dịu trên ngực bố, ngực
mẹ, cho cơn giận hờn bực dọc nguôi tan. Lời nói của nó
chưa đủ sức thuyết phục bố mẹ quên đi đau buồn của
cuộc sống. Nó phải làm một điều gì đó, chưa biết là
điều gì, và nó phải nghĩ cho ra để kịp thực hiện đúng
vào dịp Tết đến đã cận kề này. Điều nó sẽ làm, dĩ
nhiên không phải là một pháp thuật thần thông như phép của
Tôn Ngộ Không phạt trừ yêu quái cản đường, mà là một
điều rất đơn giản ai cũng làm được nhưng nó thì không
làm nổi, và nếu nó có làm nổi thì cũng chẳng có ai dám
tin được. Thằng Hào ngồi nghĩ cho ra cái pháp thuật mà nó
sẽ làm cho bằng được. Nó ngồi xếp bằng tĩnh lặng, mắt
nhắm lại, hít thở đều và nhẹ, bắt đầu cầu đến chư
Phật, cầu đến đức Quán Thế Âm Bồ Tát, cầu chư vị
long thần hộ pháp, để xin các đấng linh thiêng ban cho nó
tha lực, tiếp sức cho nó Đạo lực nhiệm mầu mà nó luôn
tin rằng có. Bên trong cơ thể yếu đuối bạc nhược của
nó đang âm ỉ râm ran một quyết tâm dữ dội, và sục sôi
một nguồn ý chí vững vàng cứng cỏi. Nó sáng mắt lên,
tươi tỉnh mặt mày, và reo vui: “Có cách rồi!”. Lặng lẽ
một mình. Bí mật hành sự một mình. Thằng Hào đã cặm
cụi miệt mài suốt hai mươi ngày, hai mươi ngày nổ lực
phi thường đến nỗi nó còn chưa dám tin là mình đã làm
nên một pháp thuật như vậy. Nó đã thành công rồi. Nó khóc
vì vui sướng. Sướng cứ như một nhà bác học vừa mới
phát minh ra một điều thần kỳ cho nhân loại vậy. Nó luyện
tập lại cho nhuần nhuyễn để chắc chắn rằng pháùp thuật
của mình hoàn hảo. Trong nhà chưa có ai hay biết được chuyện
nó làm, vì căn gác là thế giới riêng của mỗi mình nó,
và nó muốn giữ bí mật chuyện kỳ công này cho đến phút
cuối cùng trước khi công bố. Nó chỉ tiếc mỗi một điều
là nó nghĩ ra ý định hơi trễ tràng, không kịp trước Tết
phải hoàn thành. Bấy giờ đã thành công, thì tờ lịch cuối
cùng của năm âm lịch đã sắp sửa được mọi người lột
bỏ. Đã là ngày Ba Mươi tháng Chạp rồi. Lỡ trễ rồi, nó
muốn để dành món quà tặng cho bố mẹ, và mọi người nữa,
vào giờ giao thừa thiêng liêng. Chiều ngày cuối năm, bố
nó bồng nó xuống gác để tắm rửa, nó hỏi nhỏ bên tai
bố: “Mai Tết rồi, bố làm hòa với mẹ chưa?”. Bố nó ầm
ừ không nói. Nó hiểu ngay là mọi việc đâu còn đó. Người
lớn giận nhau dai quá, thua con nít nhiều. Lúc tắm xong, mẹ
nó gọi lại cho mặc thử bộ quần áo mới, đôi giày mới,
nó hỏi nhỏ mẹ: “Mẹ chưa làm lành với bố sao?”. Mẹ nó
rơm rớm nước mắt, nói:”Để… từ từ. Mẹ chờ xem bố
có xin lỗi mẹ không đã, rồi mới tính sau!”. Chờ đến tối,
bố mẹ và chị Huệ có mặt đông đủ, chuẩn bị đón giao
thừa, nó lẳng lặng trèo lên gác, nói rằng nằm ngủ cho
khỏe và dặn đến giờ giao thừa hãy kêu nó dậy. Chỉ còn
năm phút nữa là giao thừa, bố nó lên gác, thấy nó còn thức
ngồi tỉnh queo, mặt mày đang háo hức lạ thường. Nó cười
với bố, nói: “Bố cầm giùm con cây bút lông mực đen và
xấp giấy trắng kia đi!”. Bố nó ngạc nhiên: “Để làm gì?”.
Nó lại cười: “Bố cứ mang xuống nhà dưới, rồi bố sẽ
biết!”.
Mẹ
thắp những nén nhang thơm, khấn vái trước bàn thờ chư Phật,
và tiên tổ. Bố lặng thinh đứng nhìn. Chị Huệ đứng ngồi
không yên, cứ ra cửa ngóng nghe vạn vật trở mình trong đêm
trừ tịch. Chờ đến lúc bố thắp nhang xong, thằng Hào mới
dõng dạc nói: “Con muốn khai bút đầu xuân để kính dâng
tặng bố, tặng mẹ!”. Bố mẹ nó, và cả chị Huệ nó nữa,
cùng trố mắt kinh ngạc nhìn nó chừng như không hiểu nó
nói gì. Nó bình thản ngồi xổm xuống nền gạch hoa, trước
một xấp giấy trắng khổ A4, rồi dùng chân kẹp cây bút
vào giữa hai ngón chân, không nhìn ai, không nói không rằng,
nó bắt đầu làm nên chuyện phi thường: khai bút đầu xuân
bằng chân của mình. Lúc ấy, đồng hồ chỉ 0 giờ 5 phút.
Nó viết một bài thơ ngộ nghĩnh:”Con mong bố mẹ hòa bình;
Bước qua năm mới nhà mình yên vui; Hôm nay con viết được
rồi; Bài thơ khai bút xin mời cùng xem!”… Bố mẹ nó ràn
rụa nước mắt, nhào tới ôm con trai vào lòng. Chị Huệ nó
cầm “bức thông điệp năm mới” do chính đứa em trai tật
nguyền của mình viết nên bằng chân và bằng cả trái tim,
đọc to lên ba lần bốn lượt bằng giọng nghẹn ngào xúc
động, như để tin chắc rằng mọi người không phải đang
mộng mị. Bố nó hôn lên trán nó, rồi nhìn mẹ nó mà nói
thật chân tình: “Tôi làm bố mà thua con mình xa quá. Con mình
nó có nghị lực phi thường, vượt qua tật nguyền như vậy
mà tôi lại yếu hèn nhu nhược thật đáng khinh đáng trách.
Cho tôi xin nhận lỗi, xin lỗi mình trước con!”. Mẹ nó không
nói được gì, chỉ dang rộng vòng tay ra ôm xiết hai cha con
vào lòng mình.
Thằng
Hào cảm thấy hạnh phúc vô bờ, nó cứ muốn cho giây phút
này kéo dài ra, dài ra mãi mãi… Nó cảm nhận được, cảm
thấy được từ bên ngoài vừa có một mùa Xuân an vui rộn
rã tiếng cười và đầy ắp niềm tin đang tràn vào ngôi nhà
của gia đình nó. Pháp thuật nhiệm mầu là đây, là đó,
đang hiển lộ trước mắt, đang phơi bày ngay hiện tại. Nó
đang còn hứng thú, muốn khai bút viết tiếp hằng trăm bài
thơ khác nữa để dâng tặng cho cuộc đời, dâng tặng cho
quê hương, dâng tặng chư Phật- Bồ Tát- Thánh Chúng, tặng
cho chị, tặng cho bà con hàng xóm, cho bạn bè, cho muôn hoa
muôn thú và cả vũ trụ nữa.
Nhưng
thôi, nó để dành chuyện ấy cho ba ngày Tết rãnh rang, còn
bây giờ nó phải tận hưởng giây phút ấm áp trong vòng tay
âu yếm của bố lẫn mẹ. Nó nhìn thấy bố và mẹ đang nhìn
nhau cười. Ôi… nụ cười tươi như hoa nở đón xuân về.
TÂM
KHÔNG VĨNH HỮU
Discussion about this post