TIẾP THEO VỀ CÁC BÀI PHÊ BÌNH BẢN DỊCH MỚI TÂM KINH
CỦA THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH
_______Trịnh Đình Hỷ_______
Sở dĩ tôi xin phép viết thêm bài này là vì hai mục đích: thứ nhất, là để xin lỗi GS Lê Tự Hỷ và anh Nguyễn Minh Tiến về những lời nhận xét và phê bình khiếm nhã của tôi trong bài trước, đã không khỏi làm phiền lòng hai vị; và thứ nhì, là để góp thêm ý kiến về một vài từ đặc biệt trong Tâm Kinh, sau khi nhận được lá thư của một anh bạn thân Phật tử.
Đầu tiên, tôi xin kể lại sự tình câu chuyện: mới cách đây khoảng 2 tháng, tôi có nhận được qua một người bạn bài phê bình của ông Jayarava-Attwood về Bản dịch mới Tâm Kinh của Thầy Nhất Hạnh. Tuy không phải là đệ tử trực tiếp và chỉ theo dõi từ xa các bài giảng của Thầy, tôi cũng cảm thấy bất bình vì một số chỉ trích (theo tôi) nặng nề, khe khắt, và nhiều khi không chính đáng của bài đó. Tôi có viết một bài để trả lời, nhưng không đăng trên mạng và chỉ gửi cho một số bạn. Sau đó, tôi lại nhận được bài mới đăng về đề tài đó của GS Lê Tự Hỷ, đồng thời được đọc một bài đã đăng trên Thư viện Hoa Sen năm 2014 của anh Nguyễn Minh Tiến. Từ đó mới nảy ra trong tôi ý kiến viết trong cùng một bài một số nhận xét về ba bài phê bình đó.
Có lẽ đó là một điều sai lầm, vì có thể gây nên cảm tưởng là tự nhiên tôi đi tìm tranh luận, đương đầu với cả ba tác giả cùng một lúc. Thật ra, tôi không hề có ý định như vậy, mà chỉ muốn, nhân những bài phê bình đó, đóng góp thêm một vài ý kiến: thứ nhất là về lý do (theo tôi hiểu) Thầy Nhất Hạnh đã viết ra Bản dịch mới, và thứ nhì là về nguồn gốc của Tâm Kinh, theo những nghiên cứu Phật học mới nhất. Nhưng trong khi đưa ra nhận xét trên từng bài phê bình một, tôi đã không tránh khỏi làm một số phê phán khắt khe và dùng những lời lẽ khiếm nhã làm mích lòng GS Lê Tự Hỷ và anh Nguyễn Minh Tiến. Điều đó làm tôi rất ân hận, và tôi xin thành thật xin lỗi GS và anh.
Các bất đồng ý kiến khi được phát biểu thường gây nên những cảm xúc tiêu cực, mặc dù ai cũng biết rằng chỉ có qua trao đổi và thảo luận, sự hiểu biết của con người mới tiến triển và mở rộng được. Muốn tránh những tác động tiêu cực đó (mà trong y khoa thường gọi là « tác động phụ », nhưng đôi khi lại trở thành tác động chính!), người viết cũng như người đọc phải cố gắng dẹp bỏ bớt cái « ngã » của mình – đó là điều khó nhất -, đồng thời không nhắm vào cá nhân người tham dự, mà chỉ tập trung vào nội dung của cuộc thảo luận. Riêng đối với người viết, phải thận trọng cân nhắc từng chữ, tránh tất cả những câu, những từ có thể gây phản ứng tiêu cực, tức là động chạm tới cá nhân và làm phiền lòng người đọc. Đó không phải chỉ riêng là bài học « chánh ngữ » của đức Phật, mà còn là của các tục ngữ hay cổ ngữ như « hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói »; « lời nói như một mũi tên, bắn vào tai ai không rút ra được nữa »… Trong bài viết của tôi vừa qua, có những lời chỉ trích quá đáng, khiếm nhã đối với cả ba vị, và đặc biệt khiếm lễ với GS Lê Tự Hỷ, xin quí vị hoan hỉ bỏ qua cho, và coi như là một sự vụng về, thiếu khéo léo (nói như Thầy Nhất Hạnh) của một kẻ còn non nớt trên con đường học và tu theo đạo Phật.
_______________
Sau đây là một đoạn của lá thư anh bạn tôi mới gửi, anh Phạm Như Phúc ở bên Đức, hồi còn sinh viên cũng như tôi là đệ tử của Thầy Thiện Châu:
« Còn về chữ “tính không” cũng là một đề tài để trao đổi. (…) Có một lần nghe Hòa Thượng Thanh Từ nói chuyện sau một năm nhập thất được phát trên Youtube. Lần đó Hòa thượng có nói: lâu nay chúng ta cứ nói về “tính không” mà trong Tâm Kinh thì lại nói đến “tướng không”, tướng không của các Pháp. Thầy cũng chỉ nói vậy thôi chứ không luận bàn tiếp (ghi theo trí nhớ).
Theo gợi ý đó, Phúc có tìm hiểu lại Tâm Kinh. Trong thuật ngữ triết học của Trung quốc có “tướng, tính, thể, dụng”. Chữ “tướng” không được dịch từ một từ chữ Phạn tương ứng, và chỗ này không thể dịch là “tính không” được. Trong bài viết của anh cũng như của ông Lê tự Hỷ, tuy có diễn ý khác nhau nhưng cũng đưa về “đặc tính không có tự tính”. Tức là “tướng không” = “tính không”.
Phúc cũng cho câu “Thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt …..” là một câu rất trọng yếu trong Tâm Kinh, nên dịch: vì thế tướng không của các pháp, không sanh, không diệt,… Quan trọng vì đã nói lên quan điểm “bản thể luận” của Phật giáo Đại Thừa. Chư pháp được hiểu vũ trụ, là pháp giới. Còn “tướng không” có thể hiểu cái vô tướng, thực tướng, chân như…
Nếu hiểu theo quan điểm bản thể luận này thì “trong không, không có sắc, có thọ… ” mới hiểu được và không có mâu thuẫn với những ý trước đó trong Tâm Kinh. »
_____________________________
Vấn đề anh Phúc đặt ra cũng là về hai từ « tánh (tính) » và « tướng », trong Tâm Kinh nói riêng và trong kinh điển PG nói chung.
Theo tôi thì « tánh » và « tướng » khác nhau, và không thể nói « tướng không » = « tánh không » được. Vì sao vậy?
Về chữ « tướng »
« Tướng 相 » tiếng Hán, là được dịch từ tiếng sanskrit « lakṣaṇā » (pali lakkhaṇa), có nghĩa là « dấu, đặc tính, tính chất » (mark, characteristic, quality), là hình tướng mà một vật hiện ra với mình. Như « ti–lakkhaṇa » (Tam pháp ấn) là « 3 đặc tính » của cuộc đời (3 characteristics of existence): vô thường, khổ, và vô ngã, dạy bởi đức Phật.
Trong Tâm Kinh, từ này được dùng trong câu tiếng Hán « Thị chư pháp không tướng 是諸法空相 », (« Iha sarva-dharmāḥ śūnyatā-lakṣaṇā » tiếng sanskrit). Hai chữ « không tướng 空相», « śūnyatā-lakṣaṇā », đi sát với nhau, làm chúng ta liên tưởng tới « Kinh Vô ngã tướng », « anatta-lakkhaṇa sutta » tiếng pali, là bài thuyết pháp thứ nhì của đức Phật, nói về « đặc tính vô ngã », một trong 3 đặc tính của cuộc đời.
Và nếu ta hiểu rằng « không » (śūnyatā) là sự khái quát hóa của « vô ngã » (anatta), tức là « không » áp dụng cho mọi pháp (dharma–śūnyatā), trong khi « vô ngã » áp dụng cho mỗi người (pudgala-śūnyatā), thì ý nghĩa của « śūnyatā-lakṣaṇā » trở nên rõ rệt, sáng tỏ.
Như vậy, câu « Thị chư pháp không tướng »(« Iha sarva-dharmāḥ śūnyatā-lakṣaṇā ») có thể dịch là « mọi pháp đều có đặc tính là ‘không’ » (Here, all dharma have the mark of emptiness).
Về chữ « tánh »
« Tánh (tính theo giọng Bắc, tánh theo giọng Nam) » thì khác hẳn. Chữ Hán « tánh 性 » không được dịch từ một chữ sanskrit tương ứng, và chúng ta nên để ý là trong bài Tâm Kinh không có một chữ « tánh » nào cả! Chữ « tánh » là được thêm vào sau này, tiếng Hán sau chữ « không » thành « không tánh 空性 », và tiếng Việt trước chữ « không » thành « tánh không », để phân biệt cho rõ « không (danh từ) » (śūnyatā), và « không (tính từ) » (śūnya). Nói một cách khác, « tánh không » có thể thay thế bằng « cái không » hay « sự không ». « Tánh không » là tính chất « không », chứ không phải là đặc tính của « không ».
Lý do theo tôi là, trong từ sanskrit « śūnyatā », « –tā » được dùng như một hậu tố (suffix), gắn vào sau « śūnya » (tính từ), để trở thành « śūnyatā » (danh từ). Điều này cũng không khác gì các hậu tố « -té » trong tiếng Pháp (như : bon – bonté; léger – légèreté; clair – clarté…), « -ty » trong tiếng Anh, « -tà » trong tiếng Ý, v.v. Qua đây, chúng ta có thể nhận thấy có nhiều từ sanskrit rất gần với các từ tiếng châu Âu, do nguồn gốc chung của các ngôn ngữ Indo-aryen và Indo-european.
Trong khi đó, tiếng Việt cũng như tiếng Hán không có hậu tố, nên phải dùng cách khác để phân biệt tính từ và danh từ, tức là thêm một từ nữa, thường là phía trước. Chẳng hạn như: xanh (tính từ) – màu xanh (danh từ); ngọt – vị ngọt; đẹp – vẻ đẹp; đau – nỗi, hay niềm đau… Các từ thường được dùng nhất là « cái, sự, điều, chuyện… », nhưng còn nhiều từ khác nữa, mỗi từ quen dùng cho một vật thể.
Nói tóm lại, « tánh (tính) không » không có nghĩa là « đặc tính của không » mà chỉ có nghĩa là « cái không », vậy thôi. Chúng ta có thể bỏ từ « tánh » đi cũng được, nếu từ này chỉ gây thêm ngộ nhận, và thay « tánh (tính) không » bằng « cái không »…
Tại sao lại nói « trong cái không » ?
Trở lại một câu quan trọng nữa trong Tâm Kinh, là « Thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức 是故空中無色,無受想行識 », tiếng sanskrit là « tasmāc Chāriputra śūnyatāyāṃ na rūpaṃ na vedanā na saṃjñā na saṃskārāḥ na vijñānam ». Câu này thường được dịch là : « Như vậy, trong cái không, không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, v.v. » (Therefore, Sariputra, in emptiness there is no form, no feelings, no perception, no mental formations, no consciousness).
Người ta có thể đặt ra một câu hỏi là: tại sao chữ « trong » lại được dùng (« không trung 空中»,« śūnyatāyāṃ »)? Để đưa tới sự ngộ nhận là « trong không gian của cái ‘không’ »? Đáng lẽ ra phải dùng chữ « do » hay chữ « vì », bởi vì ý của câu là: « do cái ‘không’, cho nên… », hay « vì cái ‘không’, cho nên… ».
Có lẽ chúng ta sẽ tìm được câu trả lời khi tìm lại và so sánh, cũng như Jan Nattier (1), hai bản kinh tiếng sanskrit: bản Tâm Kinh tiếng sanskrit và một đoạn của Kinh Đại Bát Nhã (Pañcaviṃśatisāhasrikā, 25000 giòng) tiếng sanskrit, dịch bởi Kumārajīva sang tiếng Hán. Thay vì « tasmāc Chāriputra śūnyatāyāṃ na rūpaṃ na vedanā na saṃjñā na saṃskārāḥ na vijñānam » trong Tâm Kinh, thì Kinh Đại Bát Nhã chỉ có câu « na tatra rūpaṃ na vedanā na na saṃjñān na saṃskārān na vijñānaṃ », cũng trong đoạn ấy. Như vậy có nghĩa rằng « na tatra rūpaṃ… » đã được thay thế bằng « tasmāc Chāriputra śūnyatāyāṃ rūpaṃ… ». Xin nhắc lại là giả thuyết hiện nay của các nhà Phật học, sau các nghiên cứu của JN (1992), là Tâm Kinh đã được viết bằng tiếng Hán, rồi sau đó dịch ngược lại sang tiếng sanskrit, và phần chính, cốt lõi của nó (trong đó có câu trên) đã được chép lại gẩn như nguyên văn từ bản dịch sang tiếng Hán của Kinh Đại Bát Nhã bởi Kumārajīva.(1)
Như vậy thì chúng ta có thể đưa ra giả thuyết, táo bạo nhưng có thể gần sự thật, là chính Kumārajīva là người đã dịch « na tatra rūpaṃ… » là « Thị cố không trung vô sắc… », và sau đó người dịch ngược lại sang tiếng sanskrit (rất có thể là Huyền Trang, theo JN) đã dịch là « tasmāc Chāriputra śūnyatāyāṃ na rūpaṃ… ». tatra có nghĩa là « tại đó, nơi đó, vì vậy » (there, therein, in that place, in that case, on that occasion, under those circumstances, then, therefore, theo Monier-Williams Sanskrit-English Dictionary). Đáng lẽ ra, Kumārajīva không nên thêm vào « không trung 空中 », mà chỉ nên dịch « na tatra rūpaṃ… » là « Thị cố vô sắc 是故無色 » là đủ rồi. Để sau này Huyền Trang (?) khỏi dịch ngược lại là « tasmāc Chāriputra śūnyatāyāṃ na rūpaṃ… » cho dài giòng thêm…
Nếu đúng như vậy thì cụm từ « trong cái không » (không trung 空中,śūnyatāyāṃ) là thừa thãi, không cần thiết, vì không có trong bản gốc Kinh Đại Bát Nhã mà từ đó Tâm Kinh được rút ra.
Về « bản thể luận »
Còn chuyện Tâm Kinh có nói đến « bản thể luận » (ontology) hay không, thì lại là một vấn đề khác. Riêng tôi không nghĩ như vậy.
Theo tôi, nội dung triết lý của Bát Nhã Ba-la-mật-đa và Trung Quán, tuy xuất hiện hơn 5 thế kỷ sau đức Phật, nhưng vẫn còn rất gần với đạo Phật nguồn gốc (trừ vai trò của các vị Bồ Tát và hạnh nguyện Bồ Tát), dựa lên các giáo lý duyên khởi, trung đạo, vô ngã và không, liên quan mật thiết với nhau. Và, theo phân tích của nhà Phật học David Kalupahana (2, 3), triết lý này vẫn còn nằm trong « hiện tượng luận » (phenomenology), và đi theo những lời dạy ban đầu của đức Phật Thích Ca (4). Tuy nhiên trong những thế kỷ sau, với sự xuất hiện của một số khái niệm mới như Chân Như, Phật tánh, Như Lai tạng, Pháp giới, v.v., trong các Kinh Đại Thừa khác, đạo Phật đã chuyển hướng sang một giai đoạn siêu hình hơn, nặng về « bản thể luận », và lan truyền dần tại Đông Á và các nước theo Kim Cương thừa (5).
Ngay cả Thiền tông, lấy « tánh không » và Kinh Bát Nhã làm căn bản, cũng (bắt đầu từ Lục tổ Huệ Năng) bị ảnh hưởng của khái niệm Phật tánh, tự tánh, và như vậy mang trong mình một mâu thuẫn nội tại. Điều này đã được tôi trình bầy gần đây trong một bài viết tên là : « Căn bản triết lý và kinh điển của Thiền tông » (6).
Cảm ơn anh Phúc đã góp thêm ý kiến và cho tôi dịp trình bày thêm ý kiến về một vài từ khó dịch trong Tâm Kinh.
Xin trân trọng, và chúc quí vị thân tâm an lạc và một năm mới 2018 đầy sức khoẻ, niềm vui và hạnh phúc.
Olivet, ngày 24/12/2017
Trịnh Đình Hỷ (Nguyên Phước)
(Thư Viện Hoa Sen)
Tài liệu trích dẫn, chú thích
(1) Jan Nattier, The Heart Sūtra: a Chinese apocryphal text?
Journal of the International Association of Buddhist Studies. 15 (2) 153-223 (1992)
(2) David Kalupahana, Buddhist Philosophy: A Historical Analysis.
The University Press of Hawaii, Honolulu (1976)
(3) David Kalupahana, Mulamadhyamakakarika of Nagarjuna: The Philosophy of the Middle Way
Motilal Banarsidass Publ. Delhi (1991)
(4) Thiết tưởng cũng nên nhắc lại các lời dạy thực tiễn và thực dụng của đức Phật Thích Ca:
– « Xưa nay, ta chỉ dạy có một điều, là khổ và con đường diệt khổ »; « Cũng như nước đại dương chỉ có một vị mặn, giáo pháp của ta chỉ có một vị, là vị giải thoát ».(Cullavaga, tập 5 của Luật Tạng)
– Theo đức Phật, có một số câu hỏi không thể trả lời được, gọi là « avyākata » (pali, 10 câu), « avyākṛta » (sanskrit, 14 câu), như « vũ trụ vĩnh cửu hay không vĩnh cửu, vô biên hay không vô biên, tâm hồn và thể xác là một hay khác nhau, Như Lai có còn hay không sau khi chết ». Và khi tỳ kheo Malunkyaputta tới vặn hỏi ngài về những câu hỏi đó, thì ngài trả lời bằng ẩn dụ của một người bị bắn một mũi tên độc, đặt rất nhiều câu hỏi mà không chịu nhận chữa trị, và như vậy sẽ chết trước khi nhận được trả lời.(Cula-malunkyovada Sutta, trong Trung Bộ Kinh, 63).
– Trong Sabbasava Sutta (trong Trung Bộ Kinh, 2), đức Phật cũng nói tới 16 câu hỏi không nên tự đặt ra, vì chỉ làm cho chấp chặt thêm vào cái « ta », và gây thêm phiền não: « Ta là ai? Ta ra sao? Ta có mặt hay không? Trong quá khứ, ta có mặt hay không, ta ra sao? Trong tương lai, ta sẽ có mặt hay không, ta sẽ ra sao?, v.v. »
Đức Phật chỉ đặt trọng tâm vào hiện tượng tâm lý là sự « khổ đau » (duḥkha), và gạt bỏ mọi vấn đề về bản thể, siêu hình, chỉ làm mất thời giờ mà không mang lại gì. Do đó, đạo Phật là một « hiện tượng luận » (phenomenology), ngược lại với các triết lý, tôn giáo khác đồng thời với ngài, đầu tiên là truyền thống Veda. Theo giáo lý Veda, có những thực thể thường hằng, bất biến, như tiểu ngã (atman), Đại ngã (Brahman), nhưng theo đức Phật, không có tự tánh (svabhāva), thường hằng, bất biến, mà chỉ có những hiện tượng luôn luôn biến đổi, không độc lập, không có thực thể, theo nhân duyên mà thành.
(5) Nhưng chỉ một vài trăm năm sau đức Phật viên tịch, đạo Phật đã phân chia ra làm nhiều bộ phái, trong đó có phái Sarvāstivāda (Nhất Thiết Hữu) trở về với khái niệm tự tánh, vừa có mặt trong quá khứ, hiện tại lẫn tương lai, phái Pudgalavāda theo thuyết « cá nhân » để giải thích nghiệp và tái sinh, và phái Lokottaravāda chủ trương tính chất siêu nhiên của chư Phật và Bồ Tát. Các bộ phái đó đã trở về với « bản thể luận » (ontology) và khơi mào cho sự xuất hiện sau này của Đại Thừa với khái niệm tự tánh, trình bày trong các Kinh chủ trương tathāgatagarbha (Như Lai tạng), như Kinh Như Lai tạng, Đại Bát Niết Bàn sanskrit, Thắng Man phu nhân, Hoa Nghiêm, Lăng Già, Lăng Nghiêm, v.v.
Chỉ có Kinh Bát Nhã Ba-la-mật-đa và Trung Quán, là vẫn trung thành với giáo lý ban đầu của đức Phật, phủ nhận tự tánh và triển khai triết lý « không » (đến nỗi có một nhà Phật học, A. K. Warder, đã nêu lên câu hỏi là « Nāgārjuna có phải là thuộc Đại Thừa hay không? »)
(6) Trịnh Đình Hỷ, Căn bản triết lý và kinh điển của Thiền tông
https://thuvienhoasen.org/a28061/can-ban-triet-ly-va-kinh-dien-cua-thien-tong
Bài liên quan:
–Tâm Kinh Tuệ Giác Qua Bờ (Thích Nhất Hạnh)
–Tâm kinh Tuệ Giác Qua Bờ (Bản gốc Làng Mai)
–Có Nên Dịch Lại Tâm Kinh Hay Không (Nguyễn Minh Tiến)
–Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh (Quảng Minh dịch)
–Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (nhiều dịch giả)
–Dẫn Vào Tâm Kinh Bát-nhã (Thích Tuệ Sỹ)
–Bản Lai Vô Nhất Vật…(Nguyên Giác)
–Suy Nghĩ Từ Bát Nhã Tâm Kinh (Nguyên Giác)
–Jayarava phê bình Thích Nhất Hạnh đã biến đổi Tâm Kinh (Bản dịch Việt của Phước Nguyên)
–Vài suy nghĩ khi đọc bài “Jayarava phê bình Thích Nhất Hạnh đã biến đổi Tâm Kinh” (Nguyễn Minh Tiến)
–Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh Lược Giải (Thích Duy Lực)
–Vài nhận xét về vấn đề dịch lại Tâm Kinh của thầy Nhất Hạnh (Lê Tự Hỷ)
–Về Các Bài Phê Bình Bản Dịch Mới Tâm Kinh Của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh (Trịnh Đình Hỷ)
–Vài Nhận Xét Về “ Về Các Bài Phê Bình Bản Dịch Mới Tâm Kinh Của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh Của Bác Sĩ Trịnh Đình Hỷ » (Lê Tự Hỷ)
–Cốt lõi bản dịch mới Tâm Kinh của thầy Nhất Hạnh qua bài viết của Trịnh Đình Hỷ (Nguyễn Minh Tiến)
Discussion about this post