THẦN CHÚ ĐẠI BI, ĐỦ HAY THIẾU?
Hạo Nhiên
LTS: Chú Đại bi là thần chú quen thuộc, rất phổ biến, được Tăng Ni và
Phật tử trì tụng hàng ngày, có mặt hầu hết trong các kinh Nhật tụng và nghi
thức tụng niệm. Lâu nay, trong giới Phật giáo, có nhiều ý kiến về việc chú Đại
bi bị thiếu năm âm ‘na ma bà tát đa’ và đề nghị Giáo hội bổ sung để cho kinh
Nhật tụng được hoàn chỉnh. Mặc dù các nhà nghiên cứu Phật học đã có nhiều cách
lý giải khác nhau cho sự ‘thiếu, đủ’ này. Nay, Giác Ngộ trân trọng giới thiệu
đến bạn đọc một nghiên cứu đối chiếu của tác giả Hạo Nhiên, khẳng định chú Đại
bi không hề bị thiếu, đồng thời thiết tha kêu gọi những độc giả quan tâm, chia
sẻ thêm về vấn đề này.
Chú Đại bi là một trong
những bài thần chú dài, xuất hiện và thịnh hành trong giới Phật giáo Trung Quốc
vào các thời Đường, Tống. Ở Việt Nam, ta không biết chú Đại bi được Tăng Ni,
Phật tử trì tụng từ thời nào, nhưng phổ biến nhất có lẽ là ở thời cận đại, từ
khi có kinh Nhật tụng ấn hành bằng chữ Quốc ngữ được phát hành rộng rãi.
Thiên thủ Quán Âm và thần chú Đại bi
Chú Đại bi
còn có những tên gọi sau: Thiên thủ thiên nhãn quảng đại viên mãn vô ngại đại
bi tâm đà-la-ni, Quảng đại viên mãn đà-la-ni, Vô ngại đại bi đà-la-ni, Cứu khổ
đà-la-ni, Diên thọ đà-la-ni, Diệt ác thú đà-la-ni, Phá ác nghiệp chướng
đà-la-ni, Mãn nguyện đà-la-ni, Tùy tâm tự tại đà-la-ni, Tốc siêu thập địa
đà-la-ni.
Theo ghi chép
trong Kinh tạng, bài chú này đã được 99 ức hằng hà sa số chư Phật trong quá khứ
tuyên thuyết (đã được chư Phật nhiều bằng số cát trong 99 ức con sông Hằng
tuyên thuyết), và Bồ-tát Quán Thế Âm đã thọ trì thần chú này từ nơi Thiên Quang
Vương Tịnh Trụ Như Lai. Lúc bấy giờ, Bồ-tát Quán Thế Âm mới ở ngôi Sơ địa, một
lần nghe được thần chú này lập tức vượt lên ngôi Bát địa, cho nên Bồ-tát sinh
tâm hoan hỷ, phát thệ nguyện phổ biến rộng rãi thần chú này để làm lợi lạc
chúng sinh. Lời phát nguyện lập tức ứng nghiệm, ngay trên thân Bồ-tát Quán Thế
Âm sinh ra ngàn tay ngàn mắt.
Trong Đại
tạng kinh Đại chính tân tu (ĐTK/ĐCTT), những bản kinh liên quan đến bài chú
này có rất nhiều, ở đây xin liệt kê một số kinh tiêu biểu:
– Kim cang
đỉnh du-già thiên thủ thiên nhãn Quán Tự Tại Bồ-tát tu hành nghi quỹ kinh, 2
quyển, do Bất Không dịch vào đời nhà Đường (ĐTK/ĐCTT, tập 20, kinh số 1056).
– Thiên
nhãn thiên tí Quán Thế Âm Bồ-tát đà-la-ni thần chú kinh, 2 quyển, do Trí
Thông dịch vào đời nhà Đường (ĐTK/ĐCTT, tập 20, kinh số 1057).
– Thiên
thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ-tát mụ đà-la-ni thân kinh, 1 quyển, do
Bồ-đề-lưu-chí (Bodhiruci) dịch vào đời nhà Đường (ĐTK/ĐCTT, tập 20, kinh số
1058).
– Thiên
thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ-tát quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm
đà-la-ni kinh, 1 quyển, do Già-phạm-đạt-ma (Bhagavaddharma) dịch vào đời
nhà Đường (ĐTK/ĐCTT, tập 20, kinh số 1060).
– Thiên
thủ thiên nhãn Quán Tự Tại Bồ-tát quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm
đà-la-ni chú bản, 1 quyển, do Kim Cang Trí (Vajrabodhi) dịch vào đời nhà
Đường (ĐTK/ĐCTT, tập 20, kinh số 1061).
– Thiên
thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ-tát đại thân chú bản, 1 quyển, cũng do Kim
Cang Trí dịch (ĐTK/ĐCTT, tập 20, kinh số 1062).
– Thiên thủ
thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ-tát đại bi tâm đà-la-ni, 1 quyển, do Bất Không
(Amoghavajra) dịch vào đời nhà Đường (ĐTK/ĐCTT, tập 20, kinh số 1064).
– Thiên
quang nhãn Quán Tự Tại Bồ-tát bí mật pháp kinh, 1 quyển, do Tô-phược-la
dịch vào đời nhà Đường (ĐTK/ĐCTT, tập 20, kinh số 1065).
– Đại bi
tâm đà-la-ni tu hành niệm tụng lược nghi, 1 quyển, cũng do Bất Không dịch
(ĐTK/ĐCTT, tập 20, kinh số 1066).
– Thiên
thủ Quán Âm tạo thứ đệ pháp nghi quỹ, 1 quyển, do Thiện Vô Úy (Śubhākarasiṃha) dịch vào đời nhà Đường (ĐTK/ĐCTT, tập
20, kinh số 1068).
– Thiên
thủ nhãn đại bi tâm chú hành pháp, do Tứ minh Sa-môn Tri Lễ biên tập vào
đời nhà Tống (ĐTK/ĐCTT, tập 46, kinh số 1950).
– Đại bi
khải thỉnh, Khuyết dịch (ĐTK/ĐCTT, tập 85, kinh số 2843).
Trong những tác phẩm trên, toàn văn bài
chú giữa các kinh khác nhau cũng có những sai biệt về số câu và số chữ. Chẳng
hạn, bản dịch của Trí Thông (Thiên nhãn thiên tí Quán Thế Âm Bồ-tát đà-la-ni
thần chú kinh, quyển Thượng), và bản dịch của Bồ-đề-lưu-chí (Thiên thủ
thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ-tát mụ đà-la-ni thân kinh) thì toàn văn bài chú
Đại bi có 94 câu. Bản dịch của Kim Cang Trí (Thiên thủ thiên nhãn Quán Tự
Tại Bồ-tát quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà-la-ni chú bản) thì có
113 câu. Bản dịch của Bất Không (Kim cang đỉnh du-già thiên thủ thiên nhãn
Quán Tự Tại Bồ-tát tu hành nghi quỹ kinh, quyển Hạ) thì có 40 câu. Bản dịch
của Già-phạm-đạt-ma (Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ-tát quảng đại viên
mãn vô ngại đại bi tâm đà-la-ni kinh) thì có 82 câu…
Điều quan trọng là, tất cả các bài chú Đại
bi trong những bản kinh thuộc Đại tạng kinh Đại chính tân tu, đều không
có năm chữ ‘na ma bà tát đa’ (那摩婆薩哆). Do đó, nghi thức tụng niệm lưu hành ở Việt Nam từ trước đến nay đều y cứ
vào Đại tạng kinh, nên không có năm chữ này là điều tất nhiên! Thêm nữa, từ
trước đến nay, cả hai truyền thống Mật giáo và Hiển giáo, đều sử dụng bản dịch
của Già-phạm-đạt-ma để trì tụng, mà bản dịch này vốn không có năm âm ‘na ma bà
tát đa’; nguyên bản bài chú này phân chia thành 82 câu, nhưng sau này phân chia
thành 84 câu.
Gần đây, các nước sử dụng chữ Hán, Mãn,
Mông, Tạng đều sử dụng bản dịch của một học giả người Nhật, mà toàn văn bài chú
Đại bi có năm âm ‘na ma bà tát đa’ vốn không có trong bản dịch của hai vị đại
sư Bất Không và Già-phạm-đạt-ma. Bản chữ Phạn cũng được trưng ra để làm y cứ
cho các bản dịch ra chữ Hán, Mãn, Mông, Tạng mới.
Theo chỗ chúng tôi tìm kiếm, thì chỉ có
bốn bản kinh nằm trong Tục tạng kinh chữ Vạn, liên quan đến chú Đại bi có năm
âm ‘na ma bà tát đa’, đó là:
– Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm chú
hành pháp, do Tứ minh tôn giả Tri Lễ biên tập nghi quỹ lần đầu, Hoa sơn
Luật sư Độc Thể hiệu đính và Gia hòa Sa-môn Tịch Xiêm thêm vào hình tượng, chú
Đại bi có 84 câu, trong đó câu thứ 16 có năm âm ‘na ma bà tát đa’ (Tục tạng kinh chữ Vạn, tập 74, kinh số 1480).
– Pháp giới thánh phàm thủy lục thắng
hội tu trai nghi quỹ, do Tứ minh Đông Hồ Sa-môn Chí Bát cẩn soạn đời Tống,
Sa-môn Châu Hoằng ở chùa Vân Thê, làng Cổ Hàng, hiệu đính vào đời nhà Minh, chú
Đại bi có 5 âm ‘na ma bà tát đa’ với lời chú thích ‘Bản tiếng Tây Tạng
không có 5 âm này [藏本無此五字] (Tục tạng kinh chữ Vạn, tập 74, kinh số 1497).
– Pháp giới thánh phàm thủy lục đạo
tràng pháp luân bảo hối, chú Đại bi có 82 câu, trong đó câu 16 có năm âm
‘na ma bà tát đa’, nhưng lại để trong ngoặc với lời chú thích là ‘bản lưu
truyền ở thế gian có 5 âm ‘na ma bà tát đa’ [世本有那摩婆薩哆五字] (Tục tạng kinh chữ Vạn, tập 74, kinh số 1499).
– Quán Thế Âm trì nghiệm ký, quyển
Hạ, do Thích Tuân Thức, tăng nhân của Thiên Thai tông, thời Bắc Tống biên soạn.
Tác phẩm này dẫn chú Đại bi do Bất Không dịch, có năm âm ‘na ma bà tát đa’,
nhưng như chúng ta thấy, trong ĐTK/ĐCTT, tác phẩm của Bất Không dịch không có
năm âm này.
Như vậy, số lượng kinh điển liên quan đến chú Đại bi
và có thêm năm âm ‘na ma bà tát đa’ chỉ có trong Tục tạng, và đều do những Tăng
nhân nước Trung Quốc biên tập chứ không phải phiên dịch từ bản tiếng Phạn. Cho
nên, chúng ta không có bất cứ cơ sở vững chắc nào để khẳng định bài chú Đại bi
đầy đủ là phải có năm âm ‘na ma bà tát đa’.
Những Hạt Đậu Biết Nhảy – Tác giả: Lâm Thanh Huyền – Dịch giả: Phạm Huê
Discussion about this post