THÁI ĐỘ SAI LẦM CỦA PHẬT TỬ VIỆT NAM HIỆN TẠI
Thích Thanh Từ
A. THÁI ĐỘ SAI LẦM CỦA PHẬT TỬ BÌNH DÂN
Người bình dân vì thiếu phương tiện học hỏi chánh pháp nên không phân biệt được Phật giáo và Thần giáo. Hơn nữa, Phật giáo là nền giáo lý cao sâu, nếu không phải người giàu suy tư nhiều chiêm nghiệm thì không sao thấu đạt nổi. Người bình dân thời giờ hiếm hoi, tâm hồn bình dị, làm sao hiểu thấu được những lẽ siêu thoát của Phật dạy. Do đó, họ có những tin hiểu sai lầm như sau:
1.- THIÊN HÌNH THỨC NGHI LỄ
Người bình dân đến với Phật giáo chú trọng nhiều về hình thức nghi lễ. Qui y là để khi nào bệnh nhờ thầy cầu an, khi chết nhờ thầy cầu siêu. Cho nên trong gia đình có đứa bé ấm đầu là chạy thỉnh thầy Trụ trì về nhà cầu an. Nếu trong thân quyến có tang, đến ngày tuần thất thì thỉnh thầy về nhà tụng kinh suốt đêm. Vào chùa, bất cứ bàn thờ Phật hay bàn thờ vong đều hì hục lễ bái và lâm râm khấn nguyện. Cứ tin rằng lạy càng nhiều thì phước càng lớn. Đi chùa những ngày sóc, ngày vọng để cúng kính lễ bái, ngoài ra không cần biết gì nữa. Họ quan niệm tu hành rất giản dị, ai thường cúng kính là người đó tu nhiều. Ông thầy Trụ trì nào thường tổ chức cầu an, cầu siêu, cúng cô hồn, cúng sao… là ông thầy ấy tu hành tinh tấn. Người Phật tử nào bỏ tiền nhiều, xin lễ này, tổ chức lễ nọ cho là người Phật tử thuần thành chân chánh. Xuất tiền in kinh ấn tống thì chọn ròng rặt các nghi thức cầu an, cầu siêu, kinh Tam Bảo, Địa Tạng v.v… Nếu ai giới thiệu ấn tống quyển “Lịch sử Phật giáo” cần thiết hoặc “Những bài giảng” có giá trị thì họ lắc đầu từ chối, bảo rằng: “Ấn tống sách đó thì ít phước!” Bởi nhận định này nên Phật giáo càng ngày càng đi sâu vào hình thức nghi lễ.
2.- TIN PHẬT NHƯ VỊ THẦN LINH
Người bình dân đến với đức Phật để cầu ban phước, che chở, ủng hộ hơn là tìm giác ngộ. Người ta nghĩ rằng: có tai nạn cầu Phật, Phật sẽ cứu độ cho. Vì vậy ngày bình không cần đến chùa, chờ khi cần cầu xin một việc gì mới mang hương đăng đến chùa cầu nguyện. Thật là:
Hữu tật thì bái tứ phương,
Vô tật đồng hương chẳng mất.
hoặc:
Nghiêng vai ngửa vái Phật trời, Đương cơn hoạn nạn, độ người trầm luân.Quan niệm Phật như vị thần linh chỉ coi việc ban phước, giáng họa. Vì vậy, người ta không ngại gặp Phật thì cúng, gặp thần thì lạy, gặp ma quỉ thì cầu xin. Bởi trên cương vị ban phước giáng họa, họ không phân biệt đâu trọng đâu khinh, miễn vị nào đem lại được những điều cầu nguyện của họ là linh thiêng, bằng không thì hết linh ứng. Hết linh ứng thì họ bỏ không theo nữa, dù Phật cũng thế. Do đó, trong dân gian những cốt Cô, cốt Cậu đều được Phật tử tín ngưỡng qui y. Vì những Cô, Cậu ấy đã báo cho họ biết những tai nạn sắp đến và đã cho bùa chú để họ dán trong nhà khiến con cháu mạnh giỏi, làm ăn phát đạt. Niềm tin Phật như vậy, họ rất dễ tin mà cũng rất dễ bỏ, nếu một sở nguyện được thành, hoặc không toại nguyện.
3.- TIN PHẬT QUA NHỮNG HÌNH THỨC TÀ GIÁO
Có những người đến với Phật, không do hiểu Phật pháp mà nhờ ông Đồng, bà Cốt mách phải qui y Phật sẽ khỏi tai nạn chẳng hạn, họ liền đến chùa xin qui y. Hoặc có người do xin xăm hay bói quẻ, trong xăm quẻ dạy theo Phật hay thờ Phật thì mọi sự an lành…, họ liền phát nguyện qui y Phật. Hoặc vị Trụ trì có học bùa chú trừ ma ếm quỉ, người có con bệnh đến nhờ thầy trị chữa, nếu con lành bệnh liền xin qui y Phật…
B. THÁI ĐỘ SAI LẦM CỦA GIỚI TRÍ THỨC NGHIÊN CỨU PHẬT
Đa số người trí thức gần đây chịu khó nghiên cứu Phật giáo, tìm thấy những triết lý cao siêu trong Tam Tạng giáo điển, họ tỏ vẻ thích thú; nhưng nhìn lại hình thức cúng kính, nghi lễ trong chùa chiền, họ cực lực phản đối, cho đó là sự sai lạc lớn lao đáng trách. Giới trí thức y cứ những điểm như sau để phàn nàn Phật giáo hiện tại.
1.- CĂN CỨ LÝ NHÂN QUẢ
Căn cứ lý nhân quả, mình gây nhân thì mình chịu quả, dù cha con cũng không thay thế nhau được, huống là kẻ khác. Nhân đã gây thì quả phải chịu; nguyện cầu, cúng tế, làm phước… của người khác không liên hệ gì đến người này cả. Như A ăn thì A no, không thể A ăn mà B no được.
Vì thế, những người khuyên cầu nguyện, cúng dường, bố thí… chỉ gây thêm sự mê tín dị đoan, trong Phật giáo không thừa nhận điều đó. Bởi nhận xét trên, nên giới trí thức cực lực phản đối việc cúng dường, cầu nguyện…, cho hành động như thế là sai Phật pháp, là bị nhóm người tu lợi dụng.
2.- CĂN CỨ THUYẾT VÔ NGÃ, VÔ TRƯỚC
Nhìn vào Phật giáo thấy thuyết vô ngã, vô trước thật là hệ trọng. Nếu người tu không phá được ngã chấp thì không sao giải thoát được. Muốn dứt ngã chấp thì tự mình phải lắm công phu trừ diệt. Không ai có thể làm cho ai được giải thoát, nếu người ấy không dứt trừ ngã chấp thật sự. Người không tự cố gắng phá trừ ngã chấp, mà sau khi chết, trong thân quyến thỉnh chư Tăng đến cầu siêu, mong được giải thoát thật là điều vô lý.
Phật giáo nhằm vào tự lực, mỗi người phải tự độ lấy, đừng ỷ lại vào ai cả. Dù đức Phật cũng không thể cứu độ chúng ta được, nếu chúng ta không tu. Như vậy, làm gì có do tụng kinh mà độ được các vong linh. Nếu người chủ trương tụng kinh cầu siêu, độ được các vong linh, đó là tà đạo chớ không phải Phật giáo.
Bởi y cứ những điểm giáo lý như trên, giới trí thức nghiên cứu Phật giáo rất bất bình việc thực hành tu tập của tín đồ và chư Tăng hiện tại. Cho rằng tín đồ mù quáng đi sai lạc, chư Tăng lợi dụng để no cơm ấm áo.
C. DUNG HÒA
Hai thái độ trên không khéo trở thành cực đoan. Một bên nặng phần tín ngưỡng, thiên về hình thức cung kính, quên lãng phần tự tu, không chịu học hỏi giáo lý. Một bên thiên về triết lý, chú mục vào triết lý, bỏ sót phần tín ngưỡng. Phật giáo còn tồn tại đến ngày nay là do bao trùm cả triết lý và tín ngưỡng. Nếu bỏ mất một trong hai phần thì Phật giáo không còn là Phật giáo nữa. Cho nên những người chấp một cách cực đoan trong hai thái độ trên đều là sai lầm.
1.- SAI LẦM CỦA NGƯỜI NẶNG PHẦN TÍN NGƯỠNG
Người tu theo đạo Phật phải có sức mạnh tinh thần để cải đổi những tâm niệm, hành vi, ngôn ngữ sai lầm trở thành chân chánh. Chính khi đứng chắp tay tụng kinh hay lễ Phật, chúng ta cũng thấy biểu lộ đầy đủ ý nghĩa này. Người Phật tử đứng trong điện Phật, hai tay chắp lại theo hình hoa sen búp, gọi là Liên hoa ấn, để ngay giữa ngực, ngay quả tim, nói lên tâm tư thanh tịnh. Mắt nhìn xuống cốt phản tỉnh, tự quán sát nội tâm mình. Thân ngay thẳng trang nghiêm, miệng tụng kinh, niệm Phật, để biểu lộ thân thanh tịnh và khẩu thanh tịnh.
Hình thức nghi lễ ấy không có nghĩa là cầu xin, ỷ lại vào đức Phật, mà chỉ cần yếu giữ gìn ba nghiệp thanh tịnh. Bởi thiếu khung cảnh trang nghiêm, chúng ta muốn kềm thúc thân tâm thanh tịnh rất khó khăn, nên hình thức nghi lễ là phương tiện giúp chúng ta thực hiện được điều ấy. Đừng lầm rằng Phật ban cho ta sự thanh tịnh. Chính Phật đã dạy:
Làm dữ bởi ta mà nhiễm ô cũng bởi ta,làm lành bởi ta mà thanh tịnh cũng bởi ta.
Tịnh hay bất tịnh đều bởi ta,
chớ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được. (Kinh Pháp Cú, bài 165, Thượng tọa Trí Đức dịch)
Lại làm lành làm dữ cũng tại ta thì Phật đâu ban phước, giáng họa cho ta được. Cho nên quan niệm Phật như vị thần linh thật là sai lầm. Người Phật tử phải nhằm vào tự lực nhiều hơn. Kinh Pháp Cú chép:
Chính tự mình làm chỗ nương cho mình,chớ người khác làm sao nương được?
Tự mình khéo tu tập mới đạt đến chỗ nương dựa nhiệm mầu. (Kinh Pháp Cú, bài 160)
Tuy nhiên, người Phật tử vẫn phải cúng dường, lễ bái Phật, nhưng cúng dường Phật là để phát thiện tâm, lễ bái Phật là tỏ lòng khát khao giải thoát giác ngộ. Không nên có quan niệm cúng dường Phật cầu Phật ban ơn, lễ bái Phật cầu Ngài tha tội. Dù cho lễ Phật sám hối cũng không có nghĩa cầu tha tội. Đó chẳng qua nhờ Phật làm đối tượng để phát tâm ăn năn chừa cải và hổ thẹn. Có biết như thế thì sám hối mới hết tội. Chúng ta hãy trả đức Phật trở về vị trí của Ngài là bậc “Đạo sư”. Chúng ta cũng phải tu tập đúng với tinh thần Phật tử là tự độ, độ tha. Đừng bao giờ xem đức Phật đủ cả quyền năng ban phước, giáng họa. Cũng không nên ỷ lại, gởi gắm cả đời mình vào quyền năng của Ngài. Nếu có tư cách đó là phản bội đức Phật và cũng không phải là người Phật tử.
2.- SAI LẦM CỦA NGƯỜI NGHIÊNG VỀ TRIẾT LÝ
Người trí thức thiên trọng phần triết lý nên thấy sự lễ bái, cúng dường, cầu nguyện… đều không chấp nhận, mà lại phản đối. Cho rằng Phật giáo hoàn toàn tự lực, không bao giờ nương tựa vào cái gì bên ngoài. Nếu Phật giáo chỉ dạy một bề như thế thì những người đầy đủ ý chí, giàu nghị lực mới tu được, còn những người thiếu ý chí, kém nghị lực không thể tu theo đạo Phật sao? Như thế, Phật giáo không có ý nghĩa khế cơ rồi. Vì hạng người đầy đủ ý chí, giàu nghị lực rất hiếm trong xã hội này. Cho nên, cái nhìn cực đoan như vậy đưa Phật giáo đến chỗ khô khan, cô quạnh.
Hơn nữa, nơi mỗi con người chúng ta đều có hai phần, tình cảm và lý trí. Nếu có người chỉ thuần tình cảm, không có lý trí thì họ chìm đắm trong biển thương yêu mê hoặc. Ngược lại có người ròng rặt lý trí, không có tình cảm thì họ khô khan cô độc. Con người ví như cây trồng xuống đất, tình cảm là chất nước, lý trí như ánh nắng. Thiếu một trong hai thứ ấy, cây nhất định không sanh trưởng được mà phải khô héo lần. Một tôn giáo cũng thế, triết lý và tín ngưỡng không thể thiếu một được. Nếu thiếu một, tôn giáo ấy sẽ chết mòn. Cho nên, chủ trương cực đoan về triết lý của giới trí thức này cũng là tai họa của Phật giáo.
Lại, chúng ta thử xét ý nghĩa cúng dường, cầu nguyện có sai tinh thần Phật giáo hay không? Người Phật tử ai cũng biết lý nhân quả, thuyết vô ngã, vô trước là nền tảng của Phật giáo. Như thế, sự cúng dường được phước đức có phản bội lý nhân quả chăng? Người này cầu nguyện, người kia được siêu độ, có trái vô ngã hay không?
– Thưa không!
Bởi vì lý nhân quả tế nhị lắm, không thể đơn giản rằng “mình làm mình chịu”, có khi không làm lại có chịu, mà vẫn không trái lý nhân quả. Ví như ông A là người chủ sở giàu có, anh B là người làm công nghèo khổ. Một hôm vì một chuyện không đâu, ông A nóng giận đánh anh B. Lý đáng anh B phải trả thù bằng cách đánh lại. Nhưng sau khi qua cơn nóng giận, ông hối hận hành động vô ý thức của mình. Ông không can đảm đến xin lỗi B, phải nhờ người thân của B xin lỗi hộ, và ông cho B một số tiền khá hậu. Vì thế, cái quả của anh B phải trả lại ông A có thể không còn nữa. Lại gia đình kia có hai anh em là Xoài và Mít. Anh Xoài hiền lành dễ thương, nhưng Mít lại hung dữ đáng ghét. Một hôm Xoài đi làm ngoài đồng, Mít ở nhà đánh lộn với người hàng xóm. Đang cơn ẩu đả nhau, rủi Xoài về tới, tuy Xoài không định tâm bênh em, nhưng người kia sợ Xoài bênh nên vội vàng đập Xoài một gậy. Trường hợp này Xoài thật vô tội mà vẫn ăn đòn. Thế nên, việc đó không phải tự mình gây, rồi tự mình chịu. Có khi người khác gây mà mình chịu, như trường hợp Xoài và Mít. Có khi tự mình gây mà không chịu như trường hợp A và B. Nhưng nói như thế không phải ngoài lý nhân quả.
Vì nhân quả có chánh nhân, trợ nhân, thuận nhân, nghịch nhân… Tuy chánh nhân đã gieo mà gặp nghịch nhân phá hoại thì không thể nào kết quả. Như ta gieo hạt lúa xuống đất nhất định lên cây lúa, nhưng bị dế cắn khi mới nảy mầm thì làm sao sanh cây lúa? Đó là có chánh nhân đánh người của ông A, mà quả người đánh lại không có. Hoặc có khi chánh nhân này mà do trợ nhân biến thành cái khác. Như chúng ta trồng cây cam ngọt, đến lớn lên có người lén cắt nhánh chanh tháp vào, khi kết quả không được cam ngọt, mà chỉ có chanh chua. Đây là không gây nhân đánh đập mà bị quả đánh đập của anh Xoài vậy.
3.- DUNG HỢP
Trong cuộc sống tương quan tương duyên này, chúng ta đừng nghĩ tưởng một cách giản dị rằng: “mình làm mình chịu”. Quan niệm ấy rất là thô sơ máy móc. Bởi sự ràng rịt giữa mình và xã hội phức tạp vô cùng. Xã hội đẹp mình cũng được ảnh hưởng đẹp, xã hội xấu mình cũng chịu ảnh hưởng xấu. Tuy nhiên cũng có một vài người thoát khỏi sự ràng rịt của xã hội, nhưng đó là bậc Thánh nhân.
Đến như việc tụng kinh cầu nguyện được siêu thoát cũng không có ý nghĩa một bề ỷ lại vào tha lực. Con người chúng ta kết hợp bởi hai phần, tinh thần và vật chất. Người tâm hồn tán loạn thì tinh thần yếu đuối, bị vật chất chi phối. Những vị tâm hồn an tịnh thì tinh thần mạnh mẽ phi thường, làm chủ được vật chất. Như trong kinh nói “Chế tâm nhất xứ vô sự bất biện” (Kềm tâm một chỗ việc gì cũng xong) (Kinh Phật Di Giáo). Một bằng chứng cụ thể, khi chúng ta có việc mừng quá, hay giận quá liền quên đói. Lúc đó tâm chỉ nhớ vào việc mình được để mừng, hoặc tâm chỉ nhớ điều tức giận đều quên đói. Cho nên có nhiều vị Thiền sư khi chú tâm vào định năm bảy ngày mà không cần ăn uống, như Huệ Sinh thiền sư đời Lý. Sử chép:
Khi được Sư phụ truyền tâm pháp cho, Ngài mới đi hành hóa khắp chốn Tòng Lâm, rồi lên ở núi Bồ-đề. Mỗi lần Ngài ngồi nhập định tu pháp ít nhất năm bảy ngày. Người đời bây giờ thường gọi Ngài là ông “Phật xác thịt”.
Vua Lý Thái Tôn nghe tiếng Ngài, sai Sứ đến vời. Ngài bảo Sứ rằng: Ông không thấy con sanh trong lễ tế ư? Khi chưa tế thì người ta cho nó ăn cỏ thơm, mặc áo gấm, đến khi dắt vào Thái miếu thì nó chỉ muốn cầu chút sống sót, còn nói đến việc gì? Nói rồi Ngài từ chối, không chịu đi.
(Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, trang 124 của Thượng tọa Mật Thể)
Gần đây như ngài Hư Vân hòa thượng ở Trung Hoa, có lần nhập định đến nỗi cháo lên meo xanh.
Đó là những bằng chứng tinh thần mạnh điều khiển được vật chất. Chẳng những điều khiển được bản thân mình mà còn sai khiến kẻ khác theo ý muốn của mình. Như các nhà thôi miên chỉ dùng sức tập trung tư tưởng, khi đã thành công lại có thể dùng sức mạnh tinh thần sai khiến người khác làm theo ý muốn của mình. Như vậy mới biết tinh thần có sức mạnh vô biên mà chúng ta không biết gom góp nó lại và tận dụng khả năng của nó. Những người chỉ nhìn cận thị trên hình thức vật chất làm gì hiểu nổi điều này.
Nói đến người chết, nhà Phật cho biết, sau khi tinh thần rời bỏ thân tứ đại này, người chết được kết hợp bởi thân tứ đại tinh anh, mắt phàm không thấy được. Thân đó nhẹ nhàng, đi lại nhanh nhẹn và dễ cảm thông. Việc tụng kinh cầu nguyện không phải các vị Sư đủ sức cứu vớt những kẻ ấy, mà dùng sức mạnh tinh thần chuyên chú để soi thấu tâm tư của họ bằng những tia lửa thanh tịnh an lành, khiến họ thức tỉnh chuyển tâm hồn đen tối thành sáng suốt, ác độc thành lương thiện. Thế là cứu độ họ thoát khỏi khổ đau. Nói cứu độ, kỳ thật tự họ chuyển lấy, người tu chỉ làm trợ duyên giúp bên ngoài thôi. Như thế, đâu có trái với nghĩa tự giác, tự ngộ của Phật giáo. Đọc kinh Vu Lan Bồn, chúng ta thấy rõ ý nghĩa này.
Cho nên sự cúng dường, cầu nguyện của Phật giáo không phải hoàn toàn ỷ lại như vài tôn giáo khác. Cúng dường, cầu nguyện là nhằm vào chỗ phát tâm thiện của ta và làm duyên xoay chuyển tâm niệm của người. Nếu chúng ta cúng dường, cầu nguyện bằng cách hình thức máy móc thì không lợi ích gì cho ta và cho người cả. Sự cúng dường, cầu nguyện với thành tâm, thiện ý thì kết quả tốt đẹp vô cùng. Kinh Phật dạy:
Kẻ nào cúng dường những người đáng cúng dường, hoặc chư Phật hay đệ tử, những vị thoát ly hư vọng, vượt khỏi hối hận lo âu, công đức của người đã cúng dường các bậc tịch tịnh vô úy ấy, không thể kể lường.
(Kinh Pháp Cú, bài 195-196)
Do đó, chúng ta không thể kết luận rằng cúng dường, cầu nguyện đều do chư Tăng bịa ra để lợi dụng lòng mê tín của tín đồ. Nếu chịu khó kê cứu tất cả kinh điển của Phật giáo, chúng ta sẽ thấy rất nhiều bài kinh dạy như trên. Tuy nhiên, hiện tại vẫn có một ít người lợi dụng lời Phật dạy, khuyến khích tín đồ chuyên lo cúng dường, cầu nguyện để họ lấy đó làm nghề sanh nhai. Đó là hạng người bán Phật, không đáng lưu tâm.
Tóm lại, muốn dung hòa cho thích hợp tinh thần Phật giáo, hai thái độ cực đoan trên phải hòa hợp lại. Đừng nhìn một bên mà thành thiển cận. Phải dung hợp, thấu đáo mọi khía cạnh thì sự tu tập mới thu hoạch được kết quả viên mãn, đúng với tinh thần trung đạo của Phật giáo. Còn mắc kẹt một bên, dù học Phật, tụng kinh Phật vẫn thuộc về tà đạo. Phải cởi mở sáng suốt để thực hiện kỳ được tinh thần Viên dung, Trung đạo của Phật giáo. Được vậy mới xứng đáng là một Phật tử chân chánh.
(Trích: Phật Giáo Trong Mạch Sống Dân Tộc)
Discussion about this post