TGĐ LẠC CẢNH ĐẠI NAM VĂN HIẾN
Trần Uy Dũng và con đường thực hiện tâm linh
Bằng Lăng Tím (thực hiện)
Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam, nắm giữ trong tay bao quyền hành, tiền của, vật chất… Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến là một minh chứng, thế nhưng, doanh nhân tài ba ấy bây giờ ngoài công việc tại Đại Nam, ông đã dành tất cả thời gian về tâm linh, làm thơ, viết sách, để lại hàng chục ngàn bài thơ có ý nghĩa cho đời. Điều gì khiến ông có khuynh hướng như vậy? Đạo Phật Ngày Nay đã có buổi trò chuyện cùng ông.
Nhân duyên nào khiến ông có ý tưởng xây dựng Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến? Ông có thể cho bạn đọc gần xa biết lối kiến trúc về văn hóa Việt Nam của Đại Nam?
Cuộc đời mỗi người như tour du lịch, tham quan rồi về lại nơi chúng ta đã lên đường. Do vậy, cái gì thấy có lợi ích cho số đông thì tôi làm ngay. Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến là một trong các công trình đó. Đối với Đại Nam thì mới làm khoảng 50% hoài bão
của tôi thôi, và tôi luôn xem đó như bổn phận, sứ mạng của mình với đất
nước, với dân tộc. Điều này tôi đã ấp ủ nhiều năm rồi. Nhưng để có được
ngày hôm nay thì phải đầu tư hơn 20 năm trước, công trình xây dựng Đại Nam xem ra là khá nhanh. Tôi còn phải làm thêm 4 công trình thờ phụ nằm bốn hướng của Điện chính.
Về
phong cách văn hóa, tôi muốn thể hiện nét truyền thống Việt Nam, qua đó
cho thấy, đây là cả một quá trình lịch sử của dân tộc. Con người Việt Nam lúc nào cũng phải phấn đấu để đi về với chân, thiện, mỹ. Thông điệp từ, bi, hỷ, xả của đạo Phật được thấm nhuần trong nếp sinh hoạt của người Việt Nam. Chính nhờ đạo lý đó mà nhân dân Việt Nam được mọi người tôn vinh. Nhờ hun đúc tứ bất tử trong lòng nên khi đất nước hoạn nạn, chỉ có trái tim từ bi mới cứu độ được chúng sanh, giữ gìn bờ cõi. “Một là khắc phục thiên tai, hai là đánh đuổi giặc ngoại xâm, ba là tình nghĩa trăm năm, bốn là rạng rỡ trăng rằm từ bi”. Chính bốn thứ bất tử này hun đúc, mà dân tộc Việt Nam không bị đồng hóa bởi giặc ngoại xâm, giữ được những gì thiêng liêng nhất của văn hóa Việt Nam. Nên mục đích của Đại Nam là khuyến khích mọi người luôn nhớ về cội nguồn, luôn luôn nhớ ơn các bậc tổ tiên đã hy sinh xương máu, công lao để chúng ta có cuộc sống thanh bình như ngày hôm nay.
Ông có thể cho bạn đọc biết thêm về lý do thờ Phật, Bồ tát và trăm họ tại chánh điện (đền thờ) Đại Nam?
Đức Phật có mặt ở trần gian là vì có con
người. Vì loài người lúc nào cũng có thiện, có ác. Đức Phật khuyên mọi người tu sửa thân tâm, trở về với chính mình. Từ ý nghĩa đó ta nên thờ Phật, Bồ tát, các anh hùng dân tộc và tổ tiên để tưởng nhớ và học theo gương hạnh của họ. Như đức vua Trần Nhân Tông, khi cần cứu dân sẵn sàng bỏ áo đạo về làm thường dân, gánh vác sơn hà, nhưng khi đánh đuổi giặc ngoại xâm xong, ngài lại bỏ ngôi vua lên núi tu hành. Vì muốn cho mọi người hướng lòng về từ, bi, hỷ, xả, muốn cho bách gia trăm họ cùng sống chung với nhau trong hoà bình, tất cả họ đã được thờ chung trong điện thờ này.
Ông có thể nói đôi nét về đại lễ Phật đản liên Hợp Quốc 2008 được tổ chức tại Đại Nam?
Đơn
vị đứng ra tổ chức Đại lễ này chính là Ban trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương, tôi chỉ là phát tâm lo về hậu cần, phụ giúp chi phí tổ chức để Đại lễ mang ý nghĩa quốc tế được thành công viên mãn. Khi GS. Lê Mạnh Thát lúc đó là Trưởng ban Tổ chức quốc tế của Đại lễ, ĐĐ. Thích Nhật Từ,
tổng thư ký Đại lễ, Ban trị sự Phật giáo Bình Dương gồm có HT. Thích Minh Thiện (trưởng ban) và TT. Thích Huệ Thông (Phó thường trực) trình bày về kế hoạch, tôi hoan hỷ và phát tâm nhận lời liền. Đại lễ Phật đản 2008 là một mầu nhiệm, hơn chục ngàn người tham dự. Ở khu vực phụ cận mưa nhiều nhưng trong Đại Nam lại không mưa. Đại lễ này rất tốt, rất hay, rất ý nghĩa, cùng hướng mọi người quay về con đường thánh thiện của
Đức Phật Bổn Sư, về đức hạnh từ, bi, hỷ, xả, những gì thánh thiện nhất trong cuộc đời của Ngài. Nói chung, khi thấy sự kiện nào có lợi ích cho dân, làm tốt đời đẹp đạo thì tôi ủng hộ, đóng góp.
Có phải từ sau Đại lễ này mà những sáng tác thơ của ông luôn tuôn trào? Ông có thể cho biết những chủ đề và số lượng sáng tác của mình từ đó?
Đại lễ Phật đản 2008 như là một nhân duyên lớn đối với tôi, nhờ đó, những mạch thơ trong tôi trở nên lai láng. Từ sự hữu duyên đó tôi đã diễn thơ nhiều bộ kinh Phật. Trong đó, có bộ Thi Vịnh Pháp Hoa kinh 3 cuốn, mỗi cuốn có 1.080 câu song thất lục
bát. Bộ Sám Nguyện An Tịnh dành để siêu độ cho các vong linh, đồng thời
cầu an cho đất nước vào những ngày Đại lễ, gồm 1.080 câu song thất lục bát. Bộ kinh Vu Lan Đại Nam, 1.080 câu. Bộ kinh Tại 1.080 câu. Bộ kinh Những Bước Về Tâm 1.080 câu, bộ kinh Những Bước Về Linh 1.080 câu. Về lịch sử có quyển quốc tổ, 1.080 câu. Về các bậc anh hùng dân tộc, có Huyền Ca Hồ Chí Minh gồm 1.080 câu và Thiên Tài Quân Sự Võ Nguyên Giáp gồm 1.080 câu. Ngoài ra, tôi đã viết được 8 cuốn Long Hoa Trẩy Hội, và đang viết tiếp hai cuốn còn lại, mỗi cuốn 1.080 câu. Dự tính phát hành trong mùa Vu lan năm nay. Bên cạnh đó còn có những bộ kinh ngắn sử dụng vào những ngày Đại lễ. Tôi xem Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến là tặng phẩm cho đời nay và nhiều đời sau. Những áng thơ kinh trên chính là món ăn tinh thần, liều thuốc tâm linh tôi muốn để lại đời sau và cho con cháu.
Năm 2009 Đại Nam tổ chức Đại lễ Trai đàn Bạt độ. Vậy mục đích, ý nghĩa của Đại lễ này là gì?
Thứ
nhất, tôi muốn cầu cho quốc thái dân an, người sống được cơm no, áo ấm trong tình yêu thương, đoàn kết. Thứ hai, tôi muốn siêu độ cho các vong linh trăm họ, những chiến sĩ bỏ mạng giữa sa trường, những đồng bào tử nạn… Tóm lại, muốn cho dương thịnh thì âm phải siêu, nhờ đó, mọi thứ mới hanh thông được. Làm trai đàn này là cách tri ân những người đã hy sinh cho tổ quốc, cho các hương hồn bất hạnh được siêu thoát.
Vừa qua, ông đã hỗ trợ nhiệt tình cho Hội trại Hè Lý Công Uẩn 2010 với số lượng tham dự trên 3.000 trại sinh. Vào ngày 13-15/8/2010, Đại Nam lại có Đại lễ Vu Lan báo hiếu với số lượng tăng gấp đôi, ba lần. Ông có thể cho biết mục đích của lễ hội này?
Mùa Vu Lan nhắc ta nhớ nghĩ về đạo hiếu và sống hiếu, tôn vinh công sinh thành dưỡng dục của mẹ cha hiện tiền và
ông bà quá vãng. Đạo hiếu của Phật giáo phù hợp với văn hoá hiếu thảo của dân tộc Việt Nam; tuy hai mà là một. Trong suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm qua, Việt Nam luôn gắn đạo trung hiếu với nhau. Giữ được hiếu đạo thì cương thường xã hội mới được duy trì.
Gia đình là một đơn vị của đất nước, khi
đạo hiếu được thiết lập thì gia đình yên ổn, chắc chắn đất nước đó sẽ được bình an. Dưới sự cố vấn của HT. Thích Trí Quảng, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương đứng ra tổ chức… Tôi muốn biến lễ hội báo hiếu này thành ngày lễ hội của Đại Nam hằng năm. Tôi tin rằng nếu mọi người sống hiếu thảo với cha mẹ, quay về nẻo thiện, thì cuộc đời này hạnh phúc
biết dường nào. Nghĩ đến điều này, tôi phát tâm ủng hộ Ban tổ chức làm tốt các phương diện tọa đàm, văn hóa, kinh tụng, mừng thọ. Đây chính là nguyện ước của tôi.
Năm 2011 là năm tỉnh Bình Dương được vinh hạnh đăng cai tổ chức Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc. Là người ủng hộ hậu cần của hội thảo này, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Tại
Bình Dương, tôi cho rằng Đại Nam là nơi thuận lợi nhất để tổ chức thành
công Đại hội Hoằng pháp toàn quốc năm 2011. Tôi sẽ ủng hộ Ban Hoằng pháp TƯ, Ban trị sự Phật giáo Bình Dương để thực hiện thật thành công hội thảo này. Hiện tại, Thủ tướng chính phủ đã ký giấy phép, Đại Nam chúng tôi sẽ phụ trách công tác như hậu cần, cơ sở vật chất… Tuy nhiên, điều đó không quan trọng bằng nội dung Đại lễ và giá trị của nó sau Đại lễ. Tôi rất vui mừng khi được đóng góp sức mình vào hội thảo sắp tới tại
Đại Nam.
Giá trị Phật giáo trong cuộc đời ông là gì?
Nhờ hiểu được Phật pháp, biết được mọi thứ là do nhân duyên. Nhờ sự hiểu biết đó tôi đã tìm về con đường tự tu sửa bản thân, tìm lại chính mình, nỗ lực làm các việc có giá trị cho xã hội và cộng đồng. Mọi người cố gắng bỏ đi cái “tôi” (bản ngã), chấp trước, bỏ đi những tập khí tham, sân, si, mạn, nghi (Ngũ độc)… Chính 5 thứ này hành hạ con người và làm cuộc đời đau khổ. Nếu bỏ được chúng, ta
sẽ thấy rất nhẹ nhàng. Phật giáo giúp tôi hiểu được cuộc đời này là phù
du tạm bợ, chết không mang được gì. Tôi phát nguyện rằng những gì tôi làm tại Đại Nam là vì cuộc đời, vì văn hóa dân tộc. Từ khi thực tập lời Phật, tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn, năng động làm việc nghĩa hơn.
Cám ơn ông rất nhiều. Chúc ông luôn có đầy đủ sức khỏe, niềm vui, hạnh phúc để cống hiến nhiều hơn nữa cho cuộc đời.
(Trích: Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay – số 04)
Discussion about this post