Tản mạn về đạo lý:
“LƯƠNG SƯ HƯNG QUỐC” 良 師 興 國
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Nhân ngày kỷ niệm hội ngộ 50 năm trường SPQN (1962-2012), từ khóa I đến khóa VIII, là một cựu
giáo sinh, một
nhà giáo, sau này là
tu sĩ, tự dưng tôi chợt nghĩ đến
đạo lý:
“Lương sư hưng quốc”! Và tôi muốn bàn về ngữ nghĩa của nó, lan man, tản mạn thôi – chứ không phải là một tiểu luận
văn học chính quy; có thể gọi nó là tạp luận gì đó cũng được.
“Sư” là thầy, ai cũng hiểu, cũng biết; còn “lương” là gì nhỉ? “Lương sư” là gì, mang phẩm chất như thế nào mà có thể “hưng quốc”? Mà có thể làm cho nước nhà thịnh vượng, hùng cường và giàu mạnh? Chữ “lương” tra từ điển phổ thông thôi, ta cũng lôi ra được một trường nghĩa: Lành, tốt, hay, khéo, giỏi… Lành, nghịch nghĩa với ác. Tốt, nghịch nghĩa với xấu. Hay, nghịch nghĩa với dở. Khéo, nghịch nghĩa với vụng. Giỏi, nghịch nghĩa với dốt. Vậy, lương sư là một vị thầy hiền lành, tốt bụng, có phẩm chất đạo đức, có tài trí – lại còn hay, khéo, giỏi trong nghề nghiệp chuyên môn của mình nữa.
Rõ rồi! Chính vị “lương sư” mang trọn vẹn phẩm chất, tố chất ấy mới có thể giáo dục những thế hệ mầm non cho đất nước, mới có thể trồng người, mới có thể đào tạo nên những thế hệ “hiền tài”, là nhân tố cần và đủ cho “hưng quốc”. Tôi nhấn mạnh chữ “hiền tài”, chứ không phải “nhân tài” như các nhà giáo dục thời thượng hiện nay nhân danh giáo sư nhiều nhãn mác cao quý quen cửa miệng nói là “đào tạo nhân tài”! Xin thưa, nhân tài chưa đủ đâu! Người có tài mà không có đức thì cũng bỏ đi. Cái này đúng tuyệt đối cho cả Đông và Tây, xưa cũng như nay! Người hiền, người đức hạnh, lương thiện, nhiều phẩm chất tốt lại còn có nhiều tài năng nữa mới xứng đáng gọi là hiền sĩ, hiền nhân, hiền đức, hiền trí, hiền minh, hiền triết… Còn tài, tài giỏi, cái tài ấy không thể thắng đức (tài bất thắng đức), không thể nương tựa nơi cái tài ấy được đâu (tài bất khả ỷ); và tài mà không có đức thì than ôi, là hiểm họa cho bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. Nói như cụ Tiên Điền: Chữ tài liền với chữ tai một vần!
Và nếu
chính xác hơn,
chính danh về ngữ nghĩa hơn về hai chữ
hiền tài thì phải lập ngôn
“hiền tài là nguyên khí của quốc gia” như cụ
Thân Nhân Trung
(1) đã nói cách đây 528 năm (1484-2012) về trước:
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, đi lên; nguyên khí suy thì thế nước yếu, đi xuống…”
Hãy xem nào? Hiền tài là nguyên khí. Nguyên khí là gì mà quốc gia lại phụ thuộc vào nó, do nó quyết định?
Chữ Hán, nguyên 元 viết kiểu này, có nghĩa là thứ nhất, là đứng đầu tiên. Nguyên khí 元氣 chỉ cái khí đầu tiên, khí tinh khôi, khí bản nguyên khi trời đất hỗn độn chưa phân lưỡng nghi, khi vũ trụ chưa hình thành sum la vạn tượng. Từ điển Hán định nghĩa: “Nguyên khí giả, thiên địa chi thủy, vạn vật chi tổ”; có nghĩa, nguyên khí là khí khởi đầu của trời đất, là tổ của vạn vật. Cũng hàm chỉ khí của tự nhiên sơ thuỷ, khí của vũ trụ càn khôn, là thiên khí nữa. Vậy, nguyên khí là năng lượng tinh thần cao sáng, thanh dương, mạnh mẽ của con người. Cái nguyên khí ấy, nếu biết bồi dưỡng, biết huân tu thì nó chính là điều đầu tiên nên làm của cái đạo trị quốc đấy(Trị quốc chi đạo, tiên tại dưỡng kỳ nguyên khí).
Do vậy, đến đây ta đã có thể hiểu, nguyên khí là khí đầu tiên của vạn vật, khí bản nguyên của trời đất, là căn bản, là cội nguồn sự sống của vạn hữu. Cái khí này chính là “khí hạo nhiên chí đại, chí cương” như cụ Nguyễn Công Trứ đã nói. Khí hạo nhiên chí đại, chí cương là cách nói khác của nguyên khí. Cụ Hy Văn, Uy viễn Tướng công muốn nói, những trang nam nhi phải biết hớp được một chút cái nguyên khí ấy – để khả dĩ làm một bậc trượng phu “đứng ở trong trời đất”. Tam tài thiên địa nhân đều có khí: Thiên khí, nhân khí, địa khí! Làm con người không những có sắn nhân khí – mà còn hớp được “thiên khí” – tức là có được đời sống tinh thần mạnh mẽ, trong sáng, hướng thượng thì sẽ trở thành bậc quân tử, hiền nhân; còn nếu bị chi phối bởi “địa khí”, tức là để cho phần vật chất làm chủ, bản năng làm chủ thì sẽ trở thành kẻ tiểu nhân, ác đức!
Tinh thần thì đi lên, vật chất thì đi xuống. Từ đạo lý này, thế gian có hai loại người do hớp khí thanh, trọc khác nhau mà thành – một bên là quân tử, người hiền, mang phẩm chất đạo đức, thiện lương, lành tốt, trong sáng, tài hiền, khéo giỏi, bao dung, rộng lượng, chân thật…; một bên là tiểu nhân, gian xảo, độc ác, phản phúc, thâm hiểm, ích kỷ, láo lường, thủ đoạn…
Muốn trở thành bậc hiền tài thì phải hớp được cái nguyên khí hạo nhiên ấy! Là khí trong, khí lành, khí cao sáng, khí thanh dương, khí hạo nhiên chí đại, chí cương… như chúng ta đã hiểu.
Như vậy,
đạo lý “lương sư hưng quốc” là
mục tiêu giáo dục được đặt ra cho mọi thời đai, cố cũng như kim!
Tuy nhiên,
đạo lý ấy nói thì dễ,
luận bàn thì dễ nhưng khi
thực hiện thì
thậm nan chi thậm nan, khó khăn lắm thay!
Tại sao?
Thầy giáo, đạo làm thầy; học trò, đạo làm học trò! Ngay chữ đạo đầu tiên có nghĩa là bổn phận này, không biết thời đại ngày nay có còn không – huống gì đạo với nghĩa là bản nguyên của trời đất, chỗ trở về của mọi giá trị nhân văn, đức lý trên đời này!?
Đạo theo nghĩa bản nguyên, là cái gì vậy? Xuất xứ ở đâu? Xin thưa, nó là thuật ngữ chỉ cái “gốc nguồn đầu tiên” của trời đất trong tư tưởng, văn hóa, đạo học Đông phương. Đạo này chính là đạo của Lão Tử, khi ông lập ngôn: Đạo sinh nhất, sinh nhị, sinh tam, tam sinh vạn vật. Đạo này nó lớn cùng tột nên tương đồng với thái cực trong Kinh Dịch để sinh lưỡng nghi (âm dương), tứ tượng, bát quái… Nguyên khí mà chúng ta đề cập, nếu có được, chỉ có được là từ đạo và thái cực này đây!
Nhưng mà hiện nay, than ôi! không còn ai bàn về, nói về cái đạo này nữa, xưa rồi! Người ta không còn bàn về đạo lý giáo dục cổ lỗ sĩ, ám khói, lạc hậu mà chỉ bàn về triết lý giáo dục cho nó Tây, cho nó siêu, cho nó oai, cho nó tân tiến, cho nó hiện đại! Hiện nay, trên thế giới, Đông phương đã đánh mất đạo, may ra ở đâu đó còn bàn đến đạo lý; còn đa phần người ta hăng say chạy theo triết lý, vật lý; Tây phương thì đã đánh mất minh triết (của thời cổ đại Hy Lạp), tôn sùng triết học (sau thời Aristote), các triết gia ỏm tỏi bàn về triết học với những phân tích, xếp loại, hệ thống, luận đoán, suy đoán lung tung nên đọa xuống triết lý! Vì khi nói đến triết lý – là lý của tay cầm cái búa để chẻ năm, che bảy, phân chia manh mún thực tại qua các quan niệm, tư biện, quan điểm thì còn đâu là đạo bản nguyên, nhất nguyên (đạo, minh triết) nữa! Thế là cả Đông, cả Tây đã bị rơi do lực nọa tính nó hút xuống, sự thối đọa của nó đã nằm trong tiến trình đi xuống như chúng ta đã nói ở trên.
Cũng có một sa đọa khác như
Lão Tử đã chê chữ
“lễ” trong
quan niệm “ngũ thường” của
Khổng Tử:
“Thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ… phù lễ giả trung tín chi bạc, nhi loạn vi thủ”. Câu ấy có nghĩa là:
Mất đạo rồi thì người ta mới nói đến đức, mất đức rồi thì người ta mới nói đến nhân, mất nhân rồi thì người ta mới nói đến nghĩa, mất nghĩa rồi thì người ta mới nói đến lễ! Than ôi! Cái lễ ấy là cái vỏ mỏng bao che bên ngoài của lòng trung tín, nó chính là đầu mối của mọi sự hỗn loạn! Lễ, khuôn phép
đạo đức của Khổng, nghĩa rộng là
hình thức, luật tắc,
phạm trù… để đưa
xã hội hay
con người trở về với cái
trật tự kỷ cương “nhân vi” nào đó!
“Nhân vi” là
việc làm hữu vi, tạo tác theo
tham vọng của
con người chứ không phải là
tuân theo (tùy duyên, thuận pháp) (2) sự
vận hành tự nhiên của trời đất, của các lực, các từ, các khí
bản nguyên của vũ trụ! Ý
Lão Tử muốn nhắc nhở
Khổng Tử là lấy
đạo mà
giáo hóa, đưa
con người trở về với
đạo, chứ không phải dùng mọi
hình thức, khuôn phép, luật tắc,
lễ nghi (lễ) mà
ràng buộc con người, thiết định
con người, ngay cả trong các
phạm trù đức lý. Tại sao vậy? Vì
thế gian thường
nhân danh những
giá trị cao đẹp, nhưng chúng chỉ là
ngôn từ sáo rỗng, ẩn giấu bên sau là những mưu đồ si cuồng và
bất chánh. Vậy, chỉ cần
trở về với đạo thôi!
“Quy kỳ căn” thôi!
“Phục mạng viết thường” thôi!
(3) Và vì khi có đạo, đạt đạo là có tất cả mọi
giá trị làm người: Có đạo là có đức, có đức là có nhân, có nhân là có nghĩa, có nghĩa là có lễ! Chữ
“lễ” này
tự nhiên do đạo mà có,
tự tâm mà ra, bởi
ý thức tự giác mà thành; nó
hoàn toàn khác với chữ
“lễ” bởi luật tắc và bởi
phạm trù ước lệ.
Thanh bình, trong lành, an ổn, hưng quốc phải lấy đạo ấy làm căn bản là vì vậy!
Trường SPQN được thành lập năm 1962, khóa đầu 600 giáo sinh, 7 khóa sau mỗi khóa 300 giáo sinh, như vậy là chúng ta có 2.700 thầy cô giáo – tính theo số tròn – được ra trường rồi phân bố đi các nơi từ Quảng Trị, đến những tỉnh thành miền Trung và lên Cao nguyên. Nếu bình quân mỗi năm, một thầy, cô giáo dạy 50 em thì 2.700 thầy cô giáo dạy đến 135.000 học trò. Nếu 50 năm trừ bớt 10 năm – thì kể từ khi ra trường đến nay, chúng ta dạy dỗ có đến 5.400.000 con người! Và, nếu tính tuyệt đối 100/100 cho vui, tất cả chúng ta đều là “lương sư” thì trên 5 triệu CON NGƯỜI VIẾT HOA kia đều là hiền tài, đều là nguyên khí của quốc gia cả! Đúng là một sự nghiệp cao cả! Nhưng nếu chỉ lấy 10/100 thì chúng ta cũng có con số “kinh khủng” về hiền tài đất nước: 540.000 vị! Nếu lấy 1/100 thì chúng ta cũng có 54.000 người, thật là quá nhiều! Hoặc ví như bỏ hết ba con số 0, chỉ còn 54 người cũng đủ để hưng quốc nhỉ!?
Tuy nhiên, trong
chúng ta không ai dám tự nhận mình là lương sư cả! Phẩm chất hầu như
toàn diện ấy khó lắm! Một thầy giáo, đúng là lương sư – được vinh danh trong sử sách, từ cuối thời nhà Trần
đến nay chỉ nêu có một người, đấy là
Chu Văn An, được thờ ở Văn Miếu!
Tiểu sử vị lương sư này, ta có thể
tìm hiểu chút ít.
– An (người Thanh Đàm), tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, làm việc cho triều đình. Như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát, dù đã làm quan hành khiển nhưng vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy. Minh Tông mời ông phụ trách Quốc Tử giám tư nghiệp, dạy học cho thái tử.
Dụ Tông ham chơi bời, luời chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước, An khuyên can, [Dụ Tông] không nghe, ông bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là “Thất trảm sớ”. Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền chán nản, treo mũ về quê ở ẩn, lấy hiệu là tiều ẩn (người đi ẩn hái củi), dạy học, viết sách cho tới khi mất.
Hiện nay, ta còn đọc được một câu đối ở lăng mộ và đền thờ của ông nằm trên núi Phượng Hoàng, giữa cảnh rừng thông xanh tươi trùng điệp:
– Trần vãn thử hà thời, dục vịnh đại phi hiền giả lạc
Phượng sơn tồn ẩn xứ, trĩ lưu trường ngưỡng triết nhân phong
– Cuối đời Trần là thời nào, ngâm vịnh rong chơi há chẳng phải là cái thú vui của vị hiền giả?
Núi Phượng vẫn còn dấu ẩn, đỉnh non mãi mãi ngưỡng mộ phong thái của bậc triết nhân!
Chính lương sư như vậy mới có hiền tài! Sử Việt ta có nhiều danh nhân, hiền tài như Tuệ Tĩnh, Lê Hữu Trác (Hải Thượng Lãn Ông), Lê Văn Hưu, Nguyễn Trãi, Nguyễn An, Lương Thế Vinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú… Và còn nhiều nữa, nhiều nữa…
Vậy, giáo dục phải là quốc sách, là chiến lược, phải chăm lo tới nơi tới chốn cả tinh thần lẫn vật chất cho đội ngũ nhà giáo; phải tuyển chọn, đào tạo cho bằng được những thế hệ nhà giáo ngay thẳng, lương thiện, trong sạch, liêm khiết, trung thực, có nhân cách, có phẩm chất đạo đức; lại còn tài giỏi trong lãnh vực chuyên môn nữa – vì chính họ là những lương sư, giáo dục hệ hệ mầm non, những hiền tài cho đất nước.
Thế hệ nhà giáo chúng ta lớn lên trong bom đạn chiến tranh, đi dạy trung, tiểu học các nơi trong bom đạn chiến tranh. Cái chức năng “lương sư” ấy chúng ta không dám nghĩ đến. Tuy không dám dự phần, nhưng chúng ta cũng đã được học hành tốt bởi các thầy giáo tốt, có lương tâm chức nghiệp, có đạo đức mô phạm. Chắc khá nhiều thầy cô giáo trong chúng ta còn ghi đậm trong ký ức về phẩm chất, nhân cách đúng đắn, mẫu mực của các vị ấy. Rồi khi ra trường, dạy học các nơi, đa phần chúng ta cũng đã cố gắng làm việc tốt trong khả năng mình; tự xét, tự vấn, chúng ta không đi sai lệch con đường của “nghề thầy”! Do hoàn cảnh cả chủ quan và khách quan, có nhiều vị phải thay đổi công tác, chuyển vai trò hoặc bước ra khỏi nghề nhưng nếp sống mô phạm vẫn còn “nhịp đập”, còn “hơi thở” trong đời sống thường nhật. Nói cách khác, dường như suốt đời chúng ta vẫn còn “hơi hám lương sư!”
Ôi! Năm mươi năm sương khói, bao nhiêu nước đã chảy qua cầu; đời nhà giáo là cây cầu cho hệ hệ mầm non, thanh xuân lên đường, với bốn phương, với công danh, với sự nghiệp, với tang bồng hồ thỉ; và nhất là được làm một con người lương thiện, với bàn tay, khối óc chân chính! Đây cũng chính là “hưng quốc” theo nghĩa hẹp, nhưng rất quan trọng, vì nó chính là những giá trị làm người, làm một con người “lành tốt bình thường” trong một thế giới đang bị cám dỗ bởi văn minh vật chất.
Con người thiện mỹ: Nhân ái, nhân hậu, nhân chất, nhân lý, nhân luân, nhân đạo, nhân đức, nhân phẩm, nhân cách, nhân phong, nhân tâm, nhân văn, nhân bản… con đường hoàn thiện con người – là chỗ gặp gỡ giữa nhà giáo và nhà sư vậy, cũng là lương sư vậy.
Nhưng tôi chỉ mới là kẻ đang trên đường…
“- Bốn mùa xanh biếc trúc ơi!
Ruột không, tiết thẳng đứng trời hạo nhiên
Quanh năm nhả khí cao hiền
Vô ngôn, lặng lẽ án thiền tặng ta!”
MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH
Ghi chú:
(1) Ông là Thượng thư Bộ Lại, Chưởng Hàn lâm viện kiêm Đông các đại học sĩ, Nhập nội phụ chính,Tế tửu Quốc Tử giám; một nhà thơ tài năng trong hội Tao Đàn Nhị thập bát tú và được vua Lê Thánh Tông phong là Phó Đô Nguyên suý.
(2) Thuật ngữ Phật học – có nghĩa là tùy theo sự việc, hiện tượng gì xảy ra một cách tự nhiên, theo đó mà quyền biến, không được theo tư ý hoặc tham vọng cá nhân mà xử sự, xử lý vấn đề!.
(3) Lão.
Discussion about this post