TÀI SẢN LÀ PHƯƠNG TIỆN ĐƯA ĐẾN HẠNH PHÚC
Dr. Mehm Tin Mon (Saddhamma Jotikadhaja)
Diệu Liên Lý Thu Linh dịch
Tiến sĩ Mehm Tin Mon, Cố vấn Ban Tôn Giáo Miến
Điện. Ông sanh tại làng Kamawet, thị
trấn Mudon, bang Mon, Miến Điện, năm 1934. Cha mẹ ông đều là những Phật tử thuần thành, sống bắng nghề nông. Thuở nhỏ ông học rất giỏi, được nhiều giải
thưởng xuất sắc trong các ngành Vật Lý, Hoá học, Toán.
Năm 1957, ông được học bổng nhà nước để sang
Mỹ học tại đại học Illinois. Năm 1960
ông lấy bắng Tiến sĩ Khoa học tại đây.
Ông là giảng viên và khoa trưởng của Khoa
Hoá học ở nhiều đại học tại Miến Điện. Năm 1992 ông nghỉ hưu. Trong
thời gian còn làm việc, ông quản lý Hội Phật giáo của Khoa Y, Hội Phật giáo
Khoa Giáo dục và Hội Phật giáo của Đại học Mawlamyine, Miến Điện.
Tiến sĩ Tin Mon đã viết hơn 30 đầu sách về
giáo dục và Phật giáo. Ông du hành khắp
nơi trong nước (Miến Điện) để thuyết pháp và dạy các khoá học ngắn, chuyên sâu
về Vi Diệu Pháp.
Vị thế của con người trong xã hội
thường được đánh giá qua những của cải vật chất mà người đó đã tích luỹ được
trong đời. Trong thời xưa cũng như thời nay,
con người thường có quan niệm rằng tích luỹ của cải vật chất là mục tiêu đầu
tiên và cuối cùng của họ. Nhưng các
triết gia như Aristotle đã cho rằng đó là một quan niệm rất hẹp hòi và sai lầm
về đời sống của con người. Aristotle đã
thiết lập một phương cách đo lường vật chất, qua đó tài sản được xếp hạng thấp nhất,
so với các điều kiện của sức khỏe, tâm linh, và đạo đức. Quan điểm này cũng được thể hiện qua câu nói ta
thường được nghe là: “Khi đánh mất tài sản, không có gì mất mát theo. Khi mất sức khỏe, chúng ta bị mất mát chút gì
đó, và khi phẩm hạnh mất thì chúng ta mất tất cả”.
Của cải vật chất mang đến cho chúng ta những
thứ cần thiết để giúp ta sống, và vì chúng ta phải còn sống mới có thể sống một
cuộc đời tốt đẹp, hữu ích, nên chúng ta không thể thiếu một số lượng của cái
vật chất nào đó. Tuy nhiên, vì sống tốt đẹp khác xa với chỉ được sống, nên của
cải vật chất không thể tự nó làm cho đời sống của chúng ta đáng sống. Aristotle đã phân biệt giữa hai phương cách
tích luỹ, tạo ra tài sản. Phương cách
thứ nhất là kiếm vừa đủ tiền để duy trì một gia đình tươm tất với nguồn cung
cấp vừa phải, để có một cuộc sống thoải mái, tiện nghi vừa đủ. Phương cách kiếm tiền thứ hai là để tích luỹ
tài sản chỉ vì tiền.
Aristotle nhận thấy
có nhiều người nghĩ rằng mục đích sống duy nhất của họ là để tích luỹ tiền của
không giới hạn. Nguyên do khiến những
người này có quan niệm như thế vì họ chỉ nghĩ đến việc sống, chứ không phải
sống tốt đẹp, xứng đáng. Theo Aristotle,
những người đó có thể thành công trong việc trở nên rất giàu có, nhưng họ có
thể kết thúc cuộc đời mình mà không hiểu tại sao họ không được các vị hiền giả
đánh giá là có một cuộc sống hạnh phúc, xứng đáng. Giống như Aristotle, Plato cũng quan niệm
rằng người “bòn xẻn, chỉ mê đắm của cải vật chất” sẽ kết thúc trong khổ
đau.
Theo Plato, “Muốn sống thật cao
đẹp, đồng thời giàu sang tột độ”, là điều khó thể có. Điều này cũng được nói đến trong Thánh kinh,
“Người giàu khó vào cửa thiên đàng, cũng giống như con lạc đà khó chui qua lỗ
kim”. (Mathew 19.23-24) Nhưng chúng ta không nên dựa vào những nhận
xét này để cho rằng của cải vật chất, tài sản hay việc sở hữu chúng là sai
trái. Cái sai là khi ta coi việc tạo ra
của cải là mục đích cuối cùng, duy nhất trong đời để quá bám víu vào tài sản
của mình. Chúng ta phải coi tài sản và
việc sở hữu tài sản chỉ là phương tiện đưa đến hạnh phúc, chứ không phải là cứu
cánh trong đời. Nhiều vị thầy tâm linh
đã khẳng định rằng việc sở hữu một tài sản khổng lồ thường dẫn đến việc mù quáng
trước những vấn đề đạo đức. Họ không cho
rằng tiền bạc là gốc rễ của mọi tội lỗi; nhưng họ nhấn mạnh rằng việc ta quá
tham đắm với tiền bạc sẽ đưa ta đến sự huỷ hoại đạo lý. Quá bám víu vào sự thành công vật chất sẽ đưa
đến thất bại trong tâm linh. Đức Phật đã giải thích rõ ràng rằng lòng tham đắm
tiến bạc hay của cải là biểu hiện của lobha
(tham, mong cầu, chấp chặt), là gốc của tất cả mọi khổ. Đức Phật cũng đề ra phương cách đối trị được
biết đến là Bát Chánh Đạo để hoàn toàn huỷ diệt lobha phát khởi trong tâm như một pháp đồng sanh. Khi tham dục được hoàn toàn huỷ diệt, bứng
gốc khỏi tâm, thì tính cao thượng tột bậc và sự an bình dài lâu sẽ được thiết
lập ngay trong kiếp sống này.
Ái Dục
Bị ái dục, một loại lobha, chế ngự, nhiều người chạy đuổi theo dục lạc, vì họ coi đó là
thứ đáng được hưởng thụ nhất trên đời. Ái dục phát khởi từ sự hưởng thụ khoái lạc của ngũ căn. Khi các căn trần như một chiếc đồng hồ vàng
đẹp đẽ, một âm thanh dễ chịu, một mùi thơm, một vị ngon và một xúc chạm nhẹ
nhàng, tiếp xúc với ngũ căn tương ưng là mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân, thì cảm
giác dễ chịu cùng với niềm vui và sự bám víu khởi lên trong tâm. Cảm giác dễ chịu, niềm vui và sự bám víu cấu
thành dục lạc. Do đó các căn trần như
phụ nữ đẹp, âm nhạc, dầu thơm, đồ ăn, thức uống ngon, quần áo, trang sức hợp
thời trang, là những nguồn cung cấp dục lạc cao độ, dễ trở thành các đối tượng
rất được ưa chuộng. Thêm nữa, tiền bạc,
tài sản, vị trí, quyền lực cao, cũng đem đến cho người ta nhiều dục lạc, nên
cũng được săn đuổi ráo riết. Tuy nhiên,
dục lạc không phải là thứ hạnh phúc dài lâu. Nó chỉ nhất thời, chóng qua, và người ta phải luôn nỗ lực để nắm giữ
nó. Ngoài ra, ta cũng chóng chán với chỉ
duy nhất một đối tượng giác quan (căn trần) và dục lạc mà nó mang đến. Vì thế người ta lại phải luôn đi tìm đối
tượng mới. Do đó sự luôn ráng sức để tìm
kiếm dục lạc thực sự khiến ta rất mỏi mệt và phiền não. Hơn nữa, dục lạc khơi lên ngọn lửa của tham,
mong cầu, dục hay bám víu (lobha). Tựa như nhiên liệu làm bùng lên ngọn lửa, dục
lạc cũng thổi bùng lên tham đắm. Nếu ta
có thể tìm được khoái cảm trong muôn ngàn đối tượng, thì lòng tham đắm của ta
còn được nhân lên thành hàng vạn lần hơn. Ta chấp chặt vào chúng và cứ muốn được hưởng thụ thêm lên. Theo Đức Phật, lòng tham cầu, ái dục hay bám
víu (lobha), là ngọn lửa nóng nhất
trên thế gian này. Sự chấp ngã, tình yêu
lứa đôi, lòng tham đắm tiền tài, địa vị, dục lạc đều là biểu hiện của lobha. Vì sự tham đắm này mà con người luôn phải âu lo. Và cũng vì nó mà người ta phải khổ đau, thất
vọng khi tình yêu, hay người ta yêu, hay tài sản ta trân quý bị mất đi. Người ta thường ca tụng tình yêu lứa đôi là
tuyệt vời. Điều đó có thể đúng như khi
Romeo và Juliet được ở bên nhau, nhưng cả hai đã chọn cái chết khi tình yêu của
họ bị cản ngăn. Vì dục lạc thường gắn
với ngọn lửa của dục vọng và lửa vô minh, nên nó thường không trọn vẹn và là
khúc dạo đầu của khổ đau. Tham đắm trong
dục lạc khiến ta đánh mất đạo lý và tự do luyến ái tạo ra những căn bệnh như
AIDS, bệnh lậu và trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật khắp nơi trên thế giới.
Discussion about this post