SỰ KỲ LẠ CỦA KINH KIM CANG
Thiện Quả Đào Văn Bình
Trong lịch sử Thiền Tông Trung Hoa, có một giai thoại về Kinh Kim Cang còn truyền tụng cho tới ngày nay đó là Lục Tổ Huệ Năng. Huệ Năng sinh trong một gia đình nghèo, phải phụ mẹ bán củi. Một hôm đi ngang nhà phú ông tụng Kinh Kim Cang có đoạn, “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. Tâm trụ tức tâm bất trụ”, Huệ Năng hốt nhiên đại ngộ. Huệ Năng về nhà xin mẹ xuất gia với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, được trao truyền y bát của Phật Tổ và trở thành truyền nhân đời thứ sáu của Thiền Tông và cũng là sinh mệnh của Phật Giáo.
Đó là chuyện ở bên Trung Hoa. Còn ở Việt Nam, sách Khoa Cử Việt Nam của Đỗ Trọng Huề, viết chung với thân phụ là Cụ Đỗ Bằng Đoàn, xuất bản năm 1998 tại Gia Nã Đại có một giai thoại liên quan đến Kinh Kim Cang như sau:
“Lê Ích Mộc quê Làng Thanh Lãng, Huyện Thủy Nguyên, Tỉnh Kiến An. Năm Cảnh Thống thứ 5 đời Lê Hiến Tông, lên Thăng Long thi Hội. Qua quãng đường vắng thấy trời sắp tối mà chung quanh tuyệt đối không có xóm làng nào để vào ngủ trọ. Gần đấy chỉ có một ngôi chủa cổ gọi là Chùa Diên Phúc, thầy trò (tiểu đồng) xin vào ngủ nhờ qua đêm. Sư cụ tiếp đãi rất tử tế, làm cơm chay mời ăn. Ăn xong lên phòng khách uống trà. Lê Ích Mộc thấy trên án thư có bộ Kinh Kim Cương liền mở ra xem suốt từ đầu đến cuối, nhập tâm nhớ hết. Sáng hôm sau từ tạ nhà chùa ra đi sớm.
Khoa ấy có hơn năm ngàn sĩ tử ứng thí. Đầu bài văn sách hỏi về công việc của đế vương trị nước. Hôm yết bảng, Lê Ích Mộc trúng cách. Đến khi thi Đình, Vua Hiến Tông đích thân ra đầu bài văn sách, dài hơn ba tờ giấy viết hai mặt, mỗi mặt chín dòng. Đoạn cuối hỏi về nghĩa lý kinh Phật trong đó có câu:
“Kim Cương tam thập nhị phận, hà phận vô Tu Bồ Đề? (Trong Kinh Kim Cương có 32 phần, phần nào không có chữ Tu Bồ Đề?)
Luận Ngữ thập nhị thiên, hà thiên vô Tử Viết? (Trong sách Luận Ngữ có 20 thiên, thiên nào không có chữ Tử viết tức Khổng Tử nói?)
Lê Ích Mộc vừa xem Kinh Kim Cương ở Chùa Diên Phúc, ông còn nhớ rõ ràng. Ông trả lời:
“Kim Cương tam thập nhị phận, duy pháp hội nhân, do phận vô Tu Bồ Đề.”(Chỉ có phần pháp hội nhân là không có Tu Bồ Đề.)
“Luận Ngữ thập nhị thiên, duy Hương Đảng thiên vô Tử viết.” (Duy có thiên Hương Đảng, thiên thứ 10 là không có hai chữ Tử viết.)
Hôm vua chấm quyển, khen ông học lực quán trường, lấy đỗ Trạng Nguyên trên 60 người khác. Lê Ích Mộc làm quan tới Tả Thị Lang. Khi ông chết, nhân dân địa phương lập miếu và tạc tượng ông thờ ở cạnh Chùạ Diên Phúc. “
Đấy là những chuyện kỳ lạ về Kinh Kim Cang. Còn riêng cá nhân tôi cũng có “duyên kỳ ngộ” với Kinh Kim Cang. Vào khoảng năm 1980, sau năm năm cải tạo, đã thấm mùi đau khổ, anh em tại trại Hà Tây – Hà Sơn Bình bắt đầu tìm vào tôn giáo để làm chỗ dựa tinh thần. Có lẽ do sự dễ dãi, làm ngơ của các giám thị cho nên đã đem vào được các bộ kinh như Viên Giác, Kim Cang, Pháp Hoa…truyền tay nhau chép lại, nghiên cứu, giảng thuyết và đọc tụng kể cả xin nhà bếp cho ăn chay. Riêng tôi, rất ái mộ hai bộ Viên Giác và Kim Cang. Cứ mỗi tối, ngồi xếp bằng tròn, tụng nho nhỏ Kinh Kim Cang. Có điều lạ là một vài anh em nói rằng họ không dám tụng kinh này vì mỗi lần tụng Kim Cang là thấy ma quỷ hiện lên quấy phá. Còn tôi thì rất thung dung, thoải mái và vui sướng mỗi khi tụng Kim Cang. Chẳng hiểu tại sao.
Được thả ra năm 1984, tôi để lại tất cả cho các bạn chưa được thả. Khi về nhà, tôi ra chợ trời lùng kiếm kinh Phật và may mắn mua được cuốn Kim Cang Kinh của học giả Đoàn Trung Còn, in trên giấy vàng khè, bìa đã sờn rách, xưa cũ lắm rồi. Ở nhà được một tháng tôi quyết định vượt biên với số tiền do bà chị ruột cho. Khi vượt biên, tôi không mang theo gì hết ngoại trừ bộ kinh này. Tôi lấy một bao ny-lông bọc cuốn kinh lại, nhét trước ngực ở bên trong chiếc áo len, bên ngoài khoác chiếc áo màu xanh công nhân. Chúng tôi vượt biển tại Bà Rịa và tới một thôm xóm hẻo lánh trên đường Bà Rịa-Vũng Tàu vào lúc 7 giờ tối. Cậu bé hướng đạo đưa chúng tôi vượt qua một khu xóm và tới ven bờ sông. Tại đây chúng tôi chờ trong nghẹt thở đến khoảng 10 giờ đêm mới được tắc-xi (ghe nhỏ) chở ra cửa biển để ra gặp “con cá lớn” (ghe vượt biên). Chờ trong hồi hộp, lo âu muốn vỡ tim suốt đêm đó mà không thấy “con cá lớn” đâu cả. Khi mặt trời ló dạng, chúng tôi nhận ra chỗ mình đang đứng là một khoảng trời nước bao la, chung quanh là rừng tràm bạt ngàn. Đây là cửa biển, cho nên buổi tối lúc thủy triều lên thì nước ngang tới bụng. Buổi sáng khi nước xuống là một bãi xình lầy không sao ngồi được mà phải đứng lóp ngóp. Toán người vượt biên hết sức lo âu. Cộng thêm nỗi kinh hoàng đó là sự xuất hiện của một gã “canh me” vai vác một con dao thật dài, chèo ghe hết chỗ này chỗ kia…mắt trừng trừng nhìn vào đám người vượt biên đang lúc nhúc ở bãi xình lầy. Bà chủ ghe sợ quá, lội nước vòng quanh xin mỗi người đóng góp chút tiền cho gã này đi khuất cho rồi. Tôi trút hết số tiền “độ nhật” trong túi đưa bà chủ tàu để cúng gã “canh me” này. Khi gã “canh me” đi rồi, nỗi lo sợ lại càng tăng thêm. Không còn con đường nào cứu nguy, chỉ còn nương nhờ vào sự linh thiêng, màu nhiệm. Tôi đạp mấy cây bần đè lên nhau để làm chỗ ngồi, nhưng vẫn ướt đầy bùn. Tôi rút cuốn Kinh Kim Cang trong người ra, ngồi xuống và đọc tụng giữa khoảng trời nước mênh mông và trong nỗi lo sợ tột cùng. Chờ suốt cả ngày hôm đó, may đâu vào lúc nửa khuya, “con cá lớn” xuất hiện và chúng tôi leo lên.
Có thể do may mắn, do phúc đức hay do Đại Thần Kim Cang, Thanh Tịnh Trừ Tai Kim Cang hộ trì. (*) tàu đi êm xuôi, không gặp hải tặc và tắp vào bờ biển Terengganu, Mã Lai. Ở Terengganu một ngày thì được xe đưa tới trại chuyển tiếp Marang rồi được tàu chở ra Đảo Bidong. Ở Bidong được khoảng một tháng thì được tàu di chuyển về Sungai Besi là trại tạm giam ở đất liền, gần Thủ Đô Kualar Lumpur.
Tại Sungai Besi có một ngôi chùa tên Bồ Đề Lan Nhã không biết dựng lên từ lúc nào. Có điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là đằng sau bức tượng Phật là một bức tranh lớn vẽ cây bồ đề và cảnh trí của một khu rừng theo Trường Phái Lập Thể (Cubic do danh họa Picasso sáng tạo) thật đẹp. Thì ra đây là tác phẩm của họa sĩ Tạ Tỵ, người nổi danh với lối vẽ lập thể, đã vượt biển tới đây trước và đã vẽ bức tranh này. Vì trại Sungai Besi gần Thủ Đô Kuala Lumpur nên các bà mệnh phụ, giàu có người Hoa thường ghé thăm chùa để an ủi và tặng rất nhiều kinh sách. Thời giờ ở đây rất rảnh rỗi cho nên tôi dành hết thời gian phục vụ cho chùa. Tôi làm Trưởng Ban Hoằng Pháp và được trụ trì tạm thời lúc bấy giờ là Đại Đức Thích Minh Dung (còn trẻ, người Huế) và sau này là Sư Cô Thích Nữ Liên Chi (đã viên tịch) cho đọc tin tức Phật sự trước khi hành lễ. Tôi lo sợ khi định cư vào Mỹ không có kinh sách cho nên tôi ra sức chép kinh. Tôi đã chép The Diamond Sutra (Kinh Kim Cang) do Ngài Kumarajiva dịch từ tiếng Sanskrit ra tiếng Hán rồi do Ngài Upasaka Lu K’uan-Yu dịch từ tiếng Hán qua tiếng Anh. Rồi Bát Nhã Tâm Kinh (The Prajna -Paramita- Hridaya Sutra) do ngài Hsuan Tsang dịch từ Sanskrit sang tiếng Hán và ngài Upasaka Lu K’uan-Yu dịch từ tiếng Hán qua tiếng Anh. Rồi Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện (The Great Vows of Samantabhadra) của Garmac C.C. Chang dịch từ tiếng Hán qua tiếng Anh. Rồi Ullambana Sutra (Phật thuyết Vu Lan Bồn Kinh) bằng tiếng Anh. Ở trại tỵ nạn xa nhà, cô đơn, buồn tủi, không biết mai đây sẽ trôi giạt về nơi nao cho nên thèm thuốc lá kinh khủng. Không thuốc lá kể như chết nửa đời người. Thế nhưng tôi miệt mài chép kinh từ sáng tới 12 giờ trưa, chẳng nhớ đến thuốc và chẳng hút điếu nào. Khi chợt tỉnh, trong tôi lóe lên một ý tưởng, “Từ sáng tới giờ mình không hút điếu nào. Thôi thì bỏ không hút nữa.” Và không biết có phải do “Phật pháp nhiệm màu” mà ngay giờ từ phút đó tôi bỏ luôn thuốc lá và cho tới nay, hơn 35 năm tôi không cầm tới điếu thuốc lá …dù để cầm chơi cho đỡ nhớ.
Lên đường định cư vào Hoa Kỳ năm 1985, tôi mang theo cuốn Kinh Kim Cang và tất cả những kinh gì tôi ghi chép tại Sungai Besi. Tất cả hiện đang ở trước mắt tôi đây. Riêng với bộ Kinh Kim Cang, tôi không phải chỉ đọc tụng, mà đặt trên bàn thờ Phật để “thờ” và đã đọc tụng suốt mấy chục năm qua. Đọc tụng như thế đã bao lần, nhưng có một lần cách đây vài năm. Khi đọc tới đoạn “Này Tu Bổ Đề, pháp cao thượng còn xả bỏ huống hồ không phải pháp.” tự nhiên tôi không cầm được nước mắt và cứ vừa đọc tụng vừa khóc nức nở như một đứa trẻ. Tôi đột nhiên xúc động vì tấm lòng cao thượng và khiêm tốn của Đức Phật – điểu chưa từng thấy trong số các giáo chủ của các tôn giáo trên thế giới. Có giáo chủ tôn giáo nào dám nói tới việc xả bỏ giáo pháp của mình không? Chỉ có Đức Phật mà thôi. Giáo pháp của ngài đứng sừng sững trong dòng tư tưởng và tâm linh của nhân loại đã hơn 2500 năm và đang có khuynh hướng trở thành lương tâm của nhân loại. Thế nhưng nếu ta cứ chấp chước vào đó thì chúng ta sẽ bị pháp trói buộc. Khi đã hết khổ, khi đã ung dung tự tại, thì giáo pháp cần phải xả bỏ cũng như chiếc bè đã qua sông thì ôm chiếc bè làm gì? Một số tôn giáo trở nên cực đoan vì chấp trước vào giáo pháp của mình là tối thượng, là tối linh là miên viễn cho nên đã gây khổ đau cho nhân loại. Giáo pháp của Phật chỉ là phương tiện chứ không phải cứu cánh. Nếu cần xả bỏ thì phải xả bỏ. Thật vĩ đại thay tư tưởng của Phật. Thật từ bi thay giáo pháp của Phật. Thật lành thay tấm lòng của Phật. Cũng chính vì thế mà khi Phật thuyết Kinh Kim Cang, vì hiểu được tấm lòng của Phật mà ngài Huệ Mạng Tu Bồ Đề đã khóc.
Kể về những giai thoại liên quan đến Kinh Kim Cang trong lịch sử và duyên may của chính bản thân mình với kinh này, tôi không có ý đề cao sự màu nhiệm của Kinh Kim Cang. Cái đó để từng người phán xét “Linh tại ngã, bất linh tại ngã.” Sự màu nhiệm ở đây không phải Kinh Kim Cang đã giúp tôi qua cơn nguy khốn rồi bỏ được thuốc lá…mà là ý nghĩa tuyệt vời của kinh. Muốn giải thoát, muốn an nhiên tự tại, hành giả phải phá chấp, không chấp trụ vào đâu, dù là giáo pháp để sanh tâm mình. Tâm không trụ là tâm Phật. Đó là yếu chỉ của Kim Cang. Kinh Kim Cang chính là kinh phá bỏ mọi ràng buộc để đi tới thanh tịnh, giải thoát.
Sự vĩ đại của một con người không nằm ở chỗ gom góp tất cả những gì đang có trên thế gian này để làm của cải hay tài sản riêng cho mình. Sự vĩ đại nằm ở chỗ dám xả bỏ tất cả những gì mình đang có để cống hiến cho đời. Và Đức Phật chính là con người như vậy.
Thiện Quả Đào Văn Bình
(California ngày 22/5/2019)
(*) Trong nghi thức tụng Kinh Kim Cang, học giả Đoàn Trung Còn có ghi phần Phụng Thỉnh Bát Kim Cang như sau:
Phụng thỉnh thanh từ tai Kim Cang. Phụng thỉnh tỵ độc Kim Cang. Phụng thỉnh hoàng tùy cầu Kim Cang.
Phụng thỉnh bạch tịnh thủy Kim Cang. Phụng thỉnh xích thanh hỏa Kim Cang. Phụng thỉnh định trừ tai Kim Cang. Phụng thỉnh tử hiền Kim Cang. Phụng thỉnh đại thần Kim Cang.
Discussion about this post