SỰ BẢO TOÀN GIÁO PHÁP CỦA ĐỨC PHẬT
Ariyaratna Pinnaduwage
Nguyễn Văn Nhật dịch
Bản Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (摩訶般若波羅蜜多經) được
phát hiện tại Động Thổ Cốc Câu (吐峪溝), ốc đảo cổ đại,
nằm trên sa mạc Takelamagan Shamo (塔克拉玛干沙漠-
Tháp Khắc Lạp Mã Can sa mạc), một sa mạc tại Trung Á,
trong khu vực thuộc khu tự trị dân tộc Ngô Nhĩ Tân Cương
của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Ảnh: GS.Hạ Lập Đông (夏立東)/ecns.cn
Giáo pháp của Đức Phật đã được truyền thụ chủ yếu bằng lời từ thế hệ này qua thế hệ khác trong khoảng ba đến bốn trăm năm trước khi được viết lại một cách toàn diện vào đầu thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch, hơn 2.000 năm trước, tại Matale, Sri Lanka (Tích Lan). Lý do khiến giáo pháp này giữ được hầu như toàn vẹn về nội dung là do giáo pháp ấy đã được soạn thảo dưới một hình thức thích hợp cho việc truyền bá bằng lời, nghĩa là hầu hết đều ở dạng tóm tắt. Ngày nay, những ghi chép đầy đủ về giáo pháp của Đức Phật, tức là Kinh tạng Pali, được gìn giữ trong 37 quyển của bộ Tipitaka.
Các bài giảng của Đức Phật, vốn được Ngài nói ra bằng ngôn ngữ Magadhi, đã được cô đọng lại và viết ra; hình thức viết này được gọi là Pali, nhưng vì Pali không có hệ thống chữ viết riêng, nên giáo pháp ấy đã được ghi lại theo hệ thống chữ viết Sinhala. Điều này khiến cho việc tách rời nền văn học Đại thừa khỏi hệ thống giáo lý của Đức Phật là điều dễ hiểu, vì văn học Đại thừa vốn hoàn toàn được viết bằng ngôn ngữ Sanskrit mà không bao giờ được viết bằng ngôn ngữ Pali; và như vậy, tất cả những kinh điển Đại thừa đều được sáng tác bởi các triết gia Đại thừa. Trong khoảng đầu thiên niên kỷ thứ nhất, các bản dịch Tipitaka sang tiếng Hán và sau đó là tiếng Tạng cũng đã được thực hiện. Như vậy, các thủ bản gốc bằng tiếng Pali có thể được kỳ vọng là chứa đựng hầu hết những bải giảng gốc đã được chính Đức Phật nói ra.
Ngày nay, nhất là đối với người phương Tây, thật là khó tin rằng một mức độ chính xác như vậy lại có thể được duy trì đối với một tài liệu được truyền thụ bằng lời. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu rằng các truyền thống nền tảng và cả sự quyết tâm của các nhà sư trải qua hàng ngàn năm đã giúp bảo toàn hầu hết những giáo lý ban đầu của Đức Phật. Ngay trong thời hiện tại, cũng có nhiều người thuộc nằm lòng nhiều phần rộng lớn thuộc Tipitaka, đặc biệt là ở Myanmar (trước đây là Burma [Miến Điện]). Ở Myanmar, vẫn có những cuộc thi đặc biệt để kiểm tra sự học thuộc lòng như vậy. Trong suốt thời kỳ truyền khẩu, có những nhóm Tỳ-kheo thuộc lòng những phần chồng lấn nhau của Tipitaka; thế rồi, trong những lần hội họp, các vị ấy tập hợp lại với nhau và so sánh các phiên bản mà nhiều người khác nhau đã thuộc nằm lòng để bảo đảm rằng tất cả những phiên bản ấy đều phù hợp với nhau.
Một trong những lý do chính cho cuộc tập hợp đầu tiên (được gọi là Hội nghị kết tập lần thứ nhất) được triệu tập trong khoảng ba tháng ngay sau khi Đức Phật nhập niết-bàn (khoảng năm 480 trước Tây lịch) là để tổ chức lại khối tài liệu đồ sộ đó. Trong khoảng hai trăm năm kế, hai Hội nghị kết tập khác nữa đã được tổ chức để đọc tụng và xác minh nội dung giáo pháp, và cũng là để hoàn thiện Tipitaka trong ba thành phần chính (Tipitaka có nghĩa là ba tạng). Kỳ hội nghị kết tập lần thứ hai được tổ chức vào khoảng gần một thế kỷ sau kỳ hội nghị kết tập đầu tiên. Kỳ hội nghị kết tập lần thứ ba được tổ chức vào năm 250 tại Pataliputra (Hoa Thị thành) dưới sự bảo trợ của Hoàng đế Ashoka (A-dục). Ba tạng giáo pháp đã được hoàn tất trong kỳ kết tập lần thứ ba này. Cuối cùng, toàn bộ hệ thống giáo lý Phật giáo hoàn thiện gọi là Tipitaka đã được viết ra vào năm 29 trước Tây lịch trong kỳ Hội nghị kết tập lần thứ tư tổ chức tại Matale, Sri Lanka.
Điểm quan trọng cần ghi nhớ ở đây là trong nhiều trường hợp, mỗi bản kinh là một phiên bản cô đọng của một bài giảng. Chẳng hạn, kinh Chuyển Pháp luân được Đức Phật giảng cho năm vị ẩn sĩ ở Vườn Nai trong suốt một đêm. Hãy tưởng tượng cần phải có bao nhiêu trang viết nếu đúng từng chữ một của buổi thuyết pháp ấy đều được ghi lại! Thế nhưng bài kinh này đã được tóm tắt trong vài trang. Điều đó cũng đúng với tất cả những bài kinh quan trọng. Nếu không, chẳng thể nào truyền bá tất cả hàng ngàn bài kinh như vậy. Đức Phật đã nói ra hầu hết những bài giảng của Ngài bằng ngôn ngữ Magadhi (có nghĩa là Thánh đạo). Tipitaka đã được viết bằng ngôn ngữ Pali theo hệ thống chữ viết Sinhala. Pali là một phiên bản của ngôn ngữ Magadhi (Ma-kiệt-đà) thích hợp cho việc ghi lại những bài giảng bằng lời ở hình thức tóm tắt thuận lợi cho việc truyền bá. Mỗi từ Pali chuyên chở rất nhiều thông tin, cho nên các bản chú giải (gọi là atthakatha) phải được viết ra để làm sáng tỏ ý nghĩa của những từ Pali quan trọng và giải thích những cụm từ then chốt trong những bài kinh. Điều đó có nghĩa là Tipitaka phải được dùng chung với các bản chú giải. Kinh điển Pali không được phép dịch từng chữ một. Điều đáng tiếc là phần lớn các bản chú giải bằng ngôn ngữ Sinhala đã bị thiêu huỷ trong thời kỳ Anuradhapura. Rất may là ba bản chú giải gốc được viết ra bởi những vị đại đệ tử của Đức Phật [Tôn giả Sariputa (Xá-lợi-phất), Tôn giả Kaccayana (Ca-chiên-diên)…] trong thời Đức Phật còn tại thế đã được đưa vào trong Tipitaka (nằm trong phần Khuddhaka Nikaya [Kinh Tiểu bộ]) và hiện vẫn tồn tại. Sở dĩ công cuộc chấn hưng giáo pháp thuần tuý hiện nay do các vị Đại sư Sri Lanka chủ trương có thể thực hiện được, một phần là do sự hỗ trợ của ba tài liệu này (Patisambhida magga, Petakopadesa và Nettippakarana).
Với tình trạng mất mát hầu hết các bản chú giải và ba bản chú giải còn sót lại vừa nêu lại ít được biết đến, người ta bắt đầu dịch ba tạng kinh điển Pali ra các ngôn ngữ khác theo mặt chữ. Vấn đề lại trở nên phức tạp hơn bởi việc sử dụng ngôn ngữ Sanskrit ngày càng tăng bắt đầu từ thế kỷ I Tây lịch. Chẳng hạn, từ “anicca” (vô thường) trong ngôn ngữ Pali trước hết đã được dịch ra tiếng Sanskrit là “anitya” để rồi sau đó, từ “anitya” này của tiếng Sanskrit lại được chấp nhận là từ của ngôn ngữ Sinhala dùng để dịch từ “anicca”. Tương tự, từ “anatta” (vô ngã) trong ngôn ngữ Pali được dịch ra tiếng Sanskrit là “anathma” và rồi lại được chấp nhận là từ của ngôn ngữ Sinhala dùng để dịch từ “anatta”. Chỉ riêng chuyện này đã có trách nhiệm trong việc cản trở hàng triệu người đạt tới Niết-bàn trong nhiều năm. Tôi cho rằng có một số từ then chốt trong ngôn ngữ Pali không thể nào dịch sang Sanskrit hay Anh ngữ hoặc bất kỳ ngôn ngữ nào khác mà không làm mất đi ý nghĩa chân thực của chúng. Đó là lý do khiến tôi luôn luôn sử dụng một số từ gốc trong ngôn ngữ Pali và giải thích ý nghĩa của từ ấy.
Đức Phật đã thấy trước được vấn đề và đã cảnh giác là không được dịch Tipitaka ra bất kỳ ngôn ngữ nào khác, đặc biệt là ngôn ngữ Sanskrit. Từng có hai vị Bà-la-môn có danh xưng Yamela và Kekuta là những chuyên gia về văn bản Vệ-đà; họ đã trở thành Tỳ-kheo và thỉnh ý Đức Thế Tôn xem họ có nên dịch kinh điển Pali ra tiếng Sanskrit hay không. Đó là khi Đức Phật khuyên họ rằng Sanskrit là một ngôn ngữ có nhiều ngụ ý được phát triển bởi những vị Bà-la-môn có tâm thức cao và vì thế, không thể chuyển tải những ý nghĩa thực của những từ Magadha (Pali) trong ngôn ngữ Sanskrit. Điều này được ghi nhận trong Culavagga (Tiểu phẩm thuộc Luật tạng).
Một điểm quan trọng khác cần được ghi nhận là đến tận thế kỷ XX, toàn bộ kinh điển Tipitaka còn được viết trên một loại lá cọ đã được chuẩn bị kỹ (lá bối). Những lá bối dùng chép kinh đó sẽ bị hư hoại trong khoảng trên dưới 100 năm và như vậy, trung bình trong khoảng 100 năm, người ta phải chép lại toàn bộ hệ thống kinh điển này một lần để lưu giữ. Mặc dù đó là cả một quá trình tốn nhiều công sức (có tới 60 tập sách lớn trong phiên bản in hiện đại của bộ Tipitaka), việc chép lại còn phục vụ cho một mục đích quan trọng khác: Ngôn ngữ Sinhala (cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết) đã thay đổi nhiều trong suốt 2.000 năm qua. Nhu cầu viết lại kinh điển Tipitaka mỗi trăm năm một lần bảo đảm rằng những thay đổi trong hệ thống chữ viết của ngôn ngữ Sinhala phải được xem xét đến, trong khi đó, tất nhiên ngôn ngữ Pali không thay đổi gì cả.
Cuối cùng, ngay trước khi những bản chú giải bằng ngôn ngữ Sinhala bị thiêu huỷ, ngài Buddhaghosa đã dịch và biên tập những bản chú giải ấy ngược trở lại ngôn ngữ Pali trong tập Visuddhimagga (Thanh tịnh đạo) của mình và nhiều tập sách khác. Mặc dù ngài Buddhaghosa có để lại một số nhầm lẫn (chẳng hạn đưa thêm phương pháp thiền theo kasina và thay phương pháp thiền nhập tức xuất tức thành thiền thở), ngài đã thực sự dùng các từ “anicca” và “anatta” trong phiên bản tiếng Pali của tập Visuddhimagga của mình. Như vậy, việc dịch sai các từ “anicca” và “anatta” có lẽ đã xảy ra trước ngài rất lâu, có thể là vào khoảng từ thế kỷ I đến thế kỷ II Tây lịch.
Dòng thời gian của việc chuẩn bị giáo pháp cho sự truyền bá
Không lâu sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, Tôn giả Mahakassapa (Ma-ha Ca-diếp), vị thượng thủ đương nhiên của Tăng-già thời Đức Phật, đã tuyển chọn năm trăm vị Tăng, tất cả đều đã đạt địa vị A-la-hán (những người đã đạt tới trạng thái Niết-bàn) để họp lại và cùng biên soạn một phiên bản có thẩm quyền của giáo pháp. Đại hội kết tập kinh điển lần đầu tiên này đã được tổ chức tại thành Rajagaha (Vương Xá), thủ đô của xứ Magadha chỉ ba tháng sau ngày Đại Bát Niết-bàn của Đức Phật. Tiểu phẩm, một trong những tác phẩm thuộc Luật tạng Pali, đã tường thuật chi tiết việc các văn bản có thẩm quyền của giáo pháp đã được biên soạn như thế nào: Dựa trên lời đọc tụng của Tôn giả Upali (Ưu-bà-ly), tạng Luật (Vinaya Pitaka), tài liệu sưu tập về những vấn đề kỷ luật, đã được biên soạn. Kế đó, Tôn giả Ananda (A-nan-đà) tụng đọc phần giáo pháp, gọi là tạng Kinh (Sutta Pitaka), nghĩa là những bài giảng về giáo pháp do Đức Phật nói ra, và trên nền tảng sự tụng đọc Sutta Pitaka (tạng Kinh) ấy, tài liệu sưu tập về tất cả những bài giảng đã được biên soạn. Tôn giả Ananda được coi là có một trí nhớ tuyệt vời và đã thuộc nằm lòng tất cả những bài giảng của Đức Phật. Tạng Abhidhamma (A-tì-đàm hay A-tì-đạt-ma) đã được nghiền ngẫm kỹ bởi tất cả các vị A-lahán có mặt tại hội nghị kết tập lần thứ nhất này. Mặc dù tạng Abhidhamma cũng được tụng đọc tại hai kỳ đại hội kết tập lần thứ nhất và lần thứ hai, chỉ đến hội nghị kết tập lần thứ ba, tạng này mới trở nên được xác định nội dung như hiện nay và trở thành tạng thứ ba và là tạng cuối cùng của hệ thống kinh điển do Đức Phật truyền thụ.
Các thủ tục về tranh tụng do Trưởng lão Moggaliputtatissa soạn ra trong tập Kathavatthu (Những điểm dị biệt) được trình trong Hội nghị kết tập lần thứ ba và được trở thành một phần của Tipitaka. Chính trong Hội nghị kết tập lần thứ ba này, tạng Abhidhamma đã được hoàn thiện, và phiên bản cuối cùng của Tipitaka (như hiện có đến ngày nay) đã được biên soạn xong.
Bố cục của tam tạng kinh điển Pali (Tipitaka) như sau:
1. Tạng Luật (Vinaya Pitaka) gồm có năm quyển sách: Prajika Pali (Phân tích giới Tỳ-kheo, Bất cộng trú, nói về những lỗi nặng), Pacittiya Pali (Phân tích giới Tỳ-kheo. Ưng đối trị, nói về những lỗi nhẹ), Mahavagga Pali (Đại phẩm), Cullavagga Pali (Tiểu phẩm) Parivara Pali (Tập yếu).
2. Tạng Kinh (Sutta Pitaka) gồm có năm Nikaya: Digha Nikaya (Trường bộ), Majjhima Nikaya (Trung bộ), Samyutta Nikaya (Tương ưng bộ), Anguttara Nikaya (Tăng chi bộ) và Khuddaka Nikaya (Tiểu bộ).
3. Tạng Abhidhamma gồm có những tác phẩm sau: Dhamma Sangani (Phân loại các pháp, cụ thể phân loại tâm pháp, tâm sở pháp và sắc pháp), Vibhanda (Phân tích các pháp đã nói ở tác phẩm trước), Kathavattu (Luận điểm, nêu rõ những điểm dị biệt), Puggala Pannati (Nhân chế định, phân loại chúng sinh), Datukhatha (Giới luận, thảo luận và có dẫn chiếu về các thành phần), Yamaka (Song đối) và Patthana (Vị trí, thảo luận về những phạm trù thuộc quan hệ duyên khởi).
Tập hợp tất cả những tác phẩm này được gọi là Tam tạng kinh điển Pali. Hệ thống tài liệu chính tắc mở rộng này đã được hoàn thành tại Hội nghị kết tập lần thứ ba và được viết lại thành văn bản vào năm 29 trước Tây lịch tại Tu viện Aluvihara, Sri Lanka trong cuộc hội nghị kết tập lần thứ tư. Tài liệu bằng ngôn ngữ Pali được viết bằng hệ thống chữ viết Sinhala. Bộ sưu tập đồ sộ này được viết trên lá bối đã được chuẩn bị sẵn bằng một cây bút, vốn là một dụng cụ giống như một con dao bằng thép có mũi nhọn, khắc những chữ cái lên mặt lá mềm. Một loại mực làm từ trái cây mọng nước được xoa nhẹ lên toàn bộ mặt trang giấy rồi sau đó được nhẹ nhàng chùi đi để màu mực chỉ còn lại ở những nét khắc. Người ta bảo rằng kinh điển Pali Tipitaka được viết trên những phiến lá bằng vàng.
Cũng cần ghi nhận rằng từ Sri Lanka, giáo pháp nguyên thuỷ của Đức Phật đã được đưa vào Miến Điện và Thái Lan trong thế kỷ I Tây lịch; liên tiếp hai thế kỷ sau đó, giáo pháp này lan truyền đến những quốc gia lân cận như Lào và Miên và vẫn tồn tại dưới hình thức nguyên thuỷ cho đến ngày nay. Riêng tại Miên (ngày nay là Campuchia), trong cuối thập niên 1970, chế độ Khmer đỏ đã giết hại phần lớn chư Tăng khiến giáo pháp của Đức Phật ở nơi này hầu như đã bị tiêu diệt.
Trong lúc Tăng-già ở Sri Lanka, được sự giúp đỡ của nhiều vị vua, có vinh dự giữ gìn trọn vẹn giáo pháp của Đức Phật, giáo pháp này đã trải qua nhiều biến đổi ở Ấn Độ cũng như tại Trung Hoa, Nhật Bản và Tây Tạng, và vào khoảng từ năm 1200 trở đi, giáo pháp của Đức Phật đã biến mất khỏi Ấn Độ.
Nguyên tác: Preservation of the Buddha Dhamma, Ariyaratna Pinnaduwage, Pure Dhamma-A Quest to Recover Buddha’s True Teachings. Tác giả: Ariyaratna Pinnaduwage là một nhà Vật lý, khoa học gia nghiên cứu cao cấp tại Oak Ridge National Laboratory và giáo sư nghiên cứu tại University of Tennessee, Knoxville, USA. Ông tự nghiên cứu và thực hành giáo pháp của Đức Phật, lập ra một trang mạng322 ngày có tên Pure Dhamma trình bày những kiến giải của mình. Nguồn: https://puredhamma.net/historical-background/ preservation-buddha-dhamma/. Văn Hóa Phật Giáo số 322 ngày 1-6-2019
Nguyễn Văn Nhật chuyển ngữ
Bài đọc thêm:
Kinh Điển Nam Truyền (Pali)
‘Kinh Điển Bắc Truyền (Phạn Ngữ – Hán Tạng)
Lịch Sử Kết Tập Kinh Điển – Bình Anson Minh Họa Bằng Biểu Đồ Và Hình Ảnh
Discussion about this post