Tuy nhiên, tư tưởng tín ngưỡng con người không phải cô đọng ngưng trệ một chỗ như hòn đá vô tri đặt đâu nằm đó. Từ tư tưởng thô sơ giản dị, người Aryan tiến đến một nhận xét có tính cách chủ quan dựa trên lý trí của con người. Trong lúc con người đang vương vấn trên nền tín ngưỡng đa thần giáo. Tư tưởng mỗi ngày một phát triển, lý trí phán đoán từ chủ quan đến khách quan, người ta tự hỏi vũ trụ từ đâu có?
Nguồn gốc nhân sinh từ đâu phát sinh? Sau khi chết về đâu… giữa những bế tắc chưa tìm ra lối thoát, tưởng như con người sẽ lang thang trong cõi mộng dạ trường; Giữa lúc con người đang phủ trên mình chiếc áo nô lệ của sự phân biệt giai cấp thì Đức Từ Phụ Thích Ca thị hiện như một đấng cứu tinh, đưa nhân loại thoát khỏi xiềng xích kỳ thị, đem lại cuộc sống thanh bình cho người dân Ấn Độ. Cũng chính sự xuất hiện ấy đã góp phần làm cho nền triết học Ấn Độ ngày càng tươi sáng.
Vậy mà nhiều người kết luận rằng: “Đức Phật là người tích hợp tư tưởng triết học Ấn Độ”. Lời nhận xét ấy có quá chăng? liệu đức Phật có thật sự tích hợp tư tưởng của các đạo giáo khác không? Để chứng minh nhận định đó đúng sai thế nào người viết sẽ so sánh “Tư tưởng giải thoát của Vedanta và Phật giáo”.
Nhìn chung thì cũng có điểm giống về cách thức tu tập, tức là quay trở về bên trong bằng con đường “thực nghiệm tâm linh”cũng như tu luyện về đạo đức. Hay họ còn chủ trương “chỉ khi nào con người hòa đồng được tiểu ngã của mình với đại ngã của vũ trụ thì lúc ấy mới có giải thoát”[1]
Tư tưởng giải thoát của Phật giáo còn vượt xa hơn nữa, khi đã thành tựu được mục tiêu giác ngộ giải thoát rồi, hành giả cần phải vứt bỏ luôn các phương pháp tức là phá luôn pháp chấp. Trong kinh Phật thường nói: pháp “như tiêu nguyệt chỉ” hay “như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” cũng có nghĩa là khi con người đạt đến mục tiêu giải thoát thì phải bỏ luôn tất cả các phương pháp ấy để đạt được sự giải thoát tuyệt đối, như người qua sông, qua đến bờ liền bỏ thuyền.
Nếu đứng trên lập trường hoạt động, thì tư tưởng giải thoát của Vedanta mang nặng tính chất tiêu cực. Như ở trên ta đã đề cập giải thoát là sự từ bỏ tất cả gia đình, xã hội, rút vào rừng sâu để chuyên tâm tu tập, thể nghiệm tâm linh mà không chú trọng đến số đông, không vì lợi ích chung cho con người. Đức Phật, khi chưa thành tựu được tuệ giác, Ngài cũng có một thời gian xa lánh thế tục để tu tập nhưng khi giác ngộ, giải thoát thì Ngài quay trở lại nhân gian cứu độ chúng sanh “tại Ấn độ, có nhiều tôn giáo, nhưng chỉ có Phật giáo là lấy toàn thể chúng sanh làm đối tượng để truyền giáo và cũng chỉ có Phật giáo mới có những giáo lý làm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mọi hạng người”[2] .
Mặt khác, Vedanta cho rằng giải thoát là quá trình đưa tiểu ngã Atman hay linh hồn cá biệt hòa nhập vào đại ngã Brahman hay “tinh thần vũ trụ tối cao”. Ngược lại, Phật giáo phủ nhận vai trò sáng tạo muôn loài của Brahman và nói rằng: “Phạm thiên chỉ là một giống sinh vật cao cấp hơn người, tuy sống hạnh phúc và thọ mạng lâu hơn người, nhưng vẫn ở trong vòng sống chết luân hồi. Bản thân Phạm thiên, chính vì thiếu trí tuệ, cho nên tự cho mình là thượng đế, là đấng tạo thế. Còn những người tu đạo Bà là môn, tuy tự đặt cho mình cái đích cao nhất là hòa mình vào Phạm thiên, nhưng từ trước tới nay, chưa từng có một tu sĩ Bà la môn nào dám mạo nhận mình đã hòa hợp được với Phạm thiên cả”[3].
Chính vì thế, Phật giáo cho rằng giải thoát chính là Niết bàn, là trạng thái như thật, vắng mặt khổ. Hay có thể nói tư tưởng giải thoát của đạo Phật bắt nguồn từ nỗi khổ của nhân sinh, và như chúng ta đã biết Thái tử Tất Đạt Đa vì thương xót con người, vì sự khổ của sanh già bệnh tử, từ bỏ mọi vui thú ở đời, ra đi tìm chân lý cứu độ chúng sanh, sau khi viên thành đạo quả, với tuệ giác siêu việt, đức Phật tuyên bố cuộc đời là khổ đau, khổ là một sự thật là một thực trạng trong kiếp sống nhân sinh.
Đức Phật trình bày về khổ không phải là để cho chúng ta chán nản, bi quan mà mục đích của Ngài là giúp cho chúng ta thấy rõ sự khổ đau và từ đó thoát ly xa lìa đau khổ, nhưng muốn hết khổ Phật dạy chúng ta phải xa lìa tham ái, chấm dứt mọi khổ đau, và một khi hành giả đã biết được khổ, nguyên nhân của khổ, nên khởi tâm ly dục, xa lìa chấp thủ thì sẽ được an lạc giải thoát, và để được giải thoát không gì hơn là lấy Tứ Diệu Đế làm mục tiêu.
Như vậy, triết lý giải thoát trong Phật giáo là quá trình tu tập thực nghiệm để xoá bỏ mọi chấp trước, hướng dẫn con người đến một trạng thái thanh tịnh, vắng lặng an vui.
Trong khi tư tưởng giải thoát Vedanta đã khám phá ra một con đường, một cách thức giải thoát mới, đó là dùng trí tuệ để lý giải những vấn đề mà nguồn gốc của vũ trụ và tìm ra con đường giải thoát cho con người khỏi những nỗi khổ đau, chủ yếu là làm sao cho tiểu ngã, hoà nhập vào đại ngã. Như vậy, muốn khổ đau không gì hơn là phải trải qua quá trình tu luyện đạo đức, thực nghiệm tâm linh, diệt trừ mọi dục vọng tham đắm. Để giải thoát cho linh hồn khỏi phải chịu sự đầu thai thì họ cho rằng cần phải dốc lòng tu luyện, suy tư, thiền định và thực hành tế lễ để đưa linh hồn trở về với bản thể vũ trụ tuyệt đối, hoà nhập với “Linh hồn vũ trụ tối cao” Brahman.
Sự khác nhau trong đường lối giữa Phật giáo và Vedanta trong trường hợp này thể hiện ở con đường tu đạo, và cái đích của tu đạo. Nếu như Vedanta đưa ra một con đường có phần huyền bí, mang nặng tính tôn giáo, thì Phật giáo gần gũi với việc đưa ra con đường khuyên chúng sinh luôn suy nghĩ về cái thiện và làm điều thiện. Nếu con đường tu đạo của Vedanta có sự phân biệt giai tầng, thì con đường của đạo Phật là cho mọi chúng sinh mà đức Phật nói: “Như Lai chỉ dạy một điều là khổ não và sự chấm dứt mọi đau khổ”. “Ví như biển lớn cũng chỉ có một vị mặn… pháp và luật này cũng chỉ có một vị là giải thoát”[4].
Trên đây là một số quan điểm cũng như về tư tưởng khác nhau giữa Phật giáo và Vedanta. Dù có sai khác nhưng Phật giáo và Vedanta vẫn là suối nguồn tâm linh, đã và đang tuôn chảy trong hàng triệu triệu trái tim của con người trên thế giới.
Thích Đồng Niệm
[1] . Kimura Taiken-Thích Quảng Độ (dịch), Đại thừa Phật Giáo tư tưởng luận, Ban Tu thư Đại học Vạn Hạnh, SG,1969 ,tr.200.
[2] . Kimura Taiken-Thích Quảng Độ (dịch), Đại thừa Phật Giáo tư tưởng luận, Ban Tu thư Đại học Vạn Hạnh, SG,1969 , tr. 199.
[3] . Minh Chi, Các Vấn Đề Phật Học, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1995, tr. 20.
Discussion about this post