QUAN ĐIỂM CỦA MỘT PHẬT TỬ
VỀ SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Tỳ kheo Bodhi
Đào Viên chuyển ngữ
khi lần đầu tiên gặp Hòa thượng Thích Minh Châu tại khuôn viên trường Đại học Madison, tiểu bang Wisconsin, trước khi đến học cao học tại Claremont, California. Đại sư đã thuật lại cuộc gặp gỡ này trong bài viết “LẦN ĐẦU TIÊN TÔI GẶP MỘT NHÀ SƯ “→ đã được đăng tải trong Vườn Đào. Tỳ kheo Bodhi đã xuống tóc làm sa di tại Việt Nam theo truyền thống Đại thừa. Trở về Hoa kỳ Đại sư đã lãnh bằng Tiến sĩ về Triết học tại trường Claremont. Năm 1972 Đại sư đã sang Tích Lan học Đạo và thọ giới với Ngài Ananda Maitreya(1) trong truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy.
Đến năm 1984, Đại sư đã nối tiếp Ngài Nayaponika làm Tổng biên tập cho tập san Phật giáo Buddhist Publication Society. Đại
sư đã trở về Hoa Kỳ, hoằng dương Phật Pháp và trụ trí tại Thiền viện Bồ
Đề, Lafayette, tiểu bang New Jersey. Hiện nay Đại sư đang trụ trì tại một đại thiền viện tại Connecticut
những nước mở mang mà Sư gọi chung là Tây phương, dưới nhãn quan một người Phật tử. Đại sư đã lập luận rằng đường hướng phát triển kinh tế và
xã hội Tây phương, mà những nước nhược tiểu, hay kém mở mang, đặc biệt những nước có truyền thống Phật giáo ở Á Đông, đang cố gắng chạy theo, là điều không nên làm, chưa nói đến không thể làm được. Trong phần thứ hai, Sư đưa ra một số mốc điểm (guidepoints), dựa theo giáo lý của Đạo Phật để những nhà lãnh tụ chính trị và những người thiết kế sách lược quốc gia theo đó lãnh đạo quốc gia, tiến trên con đường vừa đem lại phúc lợi cho dân chúng vừa không làm tổn hại đến hệ thống sinh thái xung quanh. Một trong
những mốc điểm Đại sư Bodhi đưa ra là đơn vị căn bản của một xã hôi có truyền thống Phật giáo phải là tiểu hay đại gia đình, với những quan hê
hỗ tương giữa mọi người trong gia đình phải dựa trên luân thường đạo lý. Đại sư nhân đấy có nhắc đến kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt (Sigalovada
Sutta) trong Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya) để minh chứng rằng Giáo lý Phật đà có thể giúp cho việc tiến tới một trật tự xả hội kinh tế thích hợp hơn. Tỳ kheo Bodhi viết bài tiểu luận này khi Sư còn ở Tích Lan, một nước nhược tiểu và có truyền thống theo đạo Phật.
***
Trong bài tiểu luận này tôi sẽ dùng những giáo lý cũa Đức Phật như một lăng kính để khảo sát quan niệm về sự phát triển kinh tế và xã hội (viết tắt dưới đây là PTKTXH), rất phổ quát trên
thế giới hiện nay. Nếu – như tôi biện luận dưới đây – quả thật một mô hình Phật giáo, trên căn bản là không thích hợp với mô hình phát triển hiện hữu, thì chúng ta phải hiểu tại sao như vậy là một điều quan trọng.
Bởi vậy, trước hết, đứng trên quan điểm một Phật tử, tôi xin khảo sát mô hình PTKTXH đang được phần lớn các kinh tế gia và phân tách gia chính
thống ủng hộ. Sau khi trình bày được những sai trái của mô hình ấy, tôi
sẽ vạch ra một số mốc chỉ đạo để phác họa một chương trình PTKTXH khác,
dựa trên những nguyên tắc của Phật giáo. Vì tôi không được huấn luyện như một kinh tế gia và vì kiến thức về kinh tế của tôi rất giới hạn, cho
nên những lời bình luận của tôi sẽ chỉ khái quát. Tuy nhiên nếu những điều đó phù hợp với tinh thần giáo lý đạo Phật, theo tôi, dù chỉ có tính
cách khái quát, những điều đó vẫn hữu ích.
Khái niệm về PTKTXH ngày nay đã là mối quan tâm hàng đầu của những chính khách, những doanh gia và những nhà hoạch định chính sách trên thế giới. Khái niệm này ảnh hưởng rất sâu đậm vào đời sống mọi tầng lớp quần chúng, cũng như là vào chính sách được áp dụng trong xã hội. Tuy rằng kinh điển Phật giáo có vạch ra một số nguyên
tắc cho mọi người noi theo trong cuộc sống, nhưng những quan niệm về PTKTXH như hiện nay không thấy có điều gì tương đương trong kinh sách thời ấy. Do đó để xem xét vấn đề này một cách thích đáng, chúng ta không
chỉ nên tìm trong kinh điển. Tốt hơn là chúng ta hãy khảo xát những ảnh
hưởng bao hàm của những quan niệm đó trong xã hội hiện nay. Từ đó chúng
ta sẽ dùng những nhận thức của Phật pháp như một phương tiện để đánh giá những quan niệm ấy.
Hầu hết các quốc gia đang phát triển đều theo đuổi một mô hình PTKTXH như của Tây phương, đặc biệt là của Hoa Kỳ.
Tất cả những lãnh tụ chính trị và những trùm tư bản, từ Đông sang Tây, đã đương nhiên công nhận hệ thống kinh tế Tây phương là tiêu chuẩn cho mọi nước tuân theo, là liều thuốc trị bách bệnh – nghèo đói, bạo động và
bất công – cho nhân loại. Cụm từ “đang phát triển” có ẩn ý một nấc thang, trong đó mỗi quốc gia được xếp hạng tùy theo quốc gia ấy đã tương đối thành công theo đưổi mô hình đó tới mức nào. Quốc gia nào hoàn
toàn thực thi được mô hình đó thì được gọi là quốc gia “đã phát triển”, nếu chưa thì được gọi là “đang phát triển”. Quốc gia Tây phương đã phát triển thì dẫn đầu, mọi quốc gia khác đang ráng đuổi cho kịp.
Đặc điểm nổi bật nhất của một quốc gia đã phát triển, hầu hết là được xác định bởi hệ thống kinh tế của mình. Nền kinh tế của một quốc gia đã phát triển đưọc hiểu là một nền kinh tế trong đó người ta áp dụng một nền kỹ thuật cao cấp vào kỹ nghệ sản xuất và những dịch vụ thương mại. Đường hướng phát triển kinh tế được biểu diễn bằng một biểu đồ vư theo chiều cao vừa theo chiều ngang Chiều cao, tức là tung độ, để chỉ sáng kiến trong kỹ thuật và trong sản phẩm; còn chiều ngang, tức là hoành độ để chỉ sự phát triển trong sản xuất và phân
phối sản phẩm. Lý luận căn bản để giải thích phải tổ chức xã hội như thế là: một nền kinh tế hữu hiệu – với sức sản xuất hàng loạt và phân phối rộng lớn – là điều cần thiết để làm cho đời sống được sung túc. Những người ủng hộ lập luận trên cho rằng càng nâng cao sức sản xuất và sự phân phối sản phẩm thì xã hội sẽ càng giầu có hơn, theo đó sự sung túc sẽ thẩm thấu, rơi rớt xuống tất cả mọi tầng lớp xã hội, đảm bảo tất cả mọi người sẽ được dự phần ăn cái bánh chung.
Chính vì dựa trên cái lý thuyết đó mà Tây phương, từ ngày có Cách mang Kỹ nghệ đã đẩy mạnh nền kinh tế, bất kể hậu họa. Các quốc gia khác, choáng ngợp trước những thành tựu lớn lao tích lũy của cải vật chất của Tây phương, đã phải chạy theo sự dẫn dắt của Tây phương. Mô hình kinh tế và xã hội Tây phương đã choáng ngợp những lãnh tụ những nước Á châu, trong thế giới theo Phật giáo. Hầu như tất cả những những nhà lãnh tụ quốc gia đã quyết tâm phát triển một nền kinh tế dùng kỹ thuật tân tiến để mở mang kỹ nghệ. Bởi vậy những nhà lãnh đạo tinh thần trong các quốc gia đó cần phải cứu xét cẩn thận mô hình kinh tế đó, với tất cả những ảnh hưởng phân nhánh của mô hình ấy.
Muốn trình bày một tổng quan về PTKTXH, bất cứ khảo sát viên nào cũng phải viết cả trang giấy. Nhưng trong bài viết ngắn này, tôi chỉ muốn đưa ra hai câu hỏi đơn giản. Thứ nhất: những quốc
gia kém mở mang đòi bắt chước xã hội Tây phương, điều đó có khả thi không? Thứ hai: nếu điều đó khả thi, thì điều đó có là điều nên làm không? Câu hỏi thứ nhất, xét ra hầu như độc lập với quan điểm của một Phật tử, bởi vì nó không liên quan gì đến lòng tin vào một tôn giáo nào.
Câu hỏi thứ hai, trái lại, cần được nhìn dưới nhãn quan của một Phật tử
mà xét xem phương cách Tây phương PTKTXH có thực sự phù hợp với tinh thần giáo lý Phật đà không?
Khả thi cho tất cả mọi người?
Chúng ta có thể có câu trả lời rất dản dị cho câu hỏi thứ nhất. Chẳng cứ gì những quốc gia thuộc Thế giới thứ ba không thể theo mô hình PTKTXH Tây phương được, mà ngay những nước Tây phương (và cả những quóc gia vừa được gọi là mở mang) cũng không thể tiếp tục như thế mà không gây tổn hại cho tất cả thế giới. Phát triển kinh tế bằng cách dùng kỹ thuật tân tiến để mở mang kỹ nghệ đã đem theo những hậu quả gần như thảm khốc, đe dọa ngay những hệ thống sinh thái trong đó mọi sinh vật đang sinh sống.
Kinh tế nhân loại không thể nào cứ tiếp tục phát triển mãi mãi, dùng những tài nguyên vô cùng tận được. Ngược lại, đó là một nền kinh tế khép kín, có hạn và rất mong manh. Khi nền kinh tế
của chúng ta mở mang thêm, thì những tài nguyên trong hệ thống sinh thái quanh ta bị bớt đi, mà lại bị thay bằng rác rưởi thải ra. Hệ thống sinh thái của chúng ta có giới hạn, sau đó thì sẽ không còn gì để tiêu thụ nữa. Nhưng ngay cả còn lâu trước khi nền kinh tế của nhân loại đến giới hạn đó, thì chúng ta đã đến một thời điểm trong đó, nền môi sinh mong manh của chúng ta đã bị hư hại quá đỗi rồi, không đủ hỗ trợ cho một
cuộc sống cao đẹp.
Hiện nay, có thể chúng ta đã khá gần với thời điểm đó rồi, không ai biết chính xác được. Vì hệ thống thiên nhiên có thể rất từ từ tan vỡ ngay dưới chúng ta, như vậy thảm họa cuối cùng không ai biết rõ được. Với nhân số thế giới gia tăng 50% mỗi nửa thế kỷ,
nền môi sinh càng bi thêm cưỡng ép tới một trình độ mạnh. Trình độ này lại càng thêm mạnh, khi nhân loại tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế. Đối với những đệ tam quốc gia, không những việc mải mốt đì vào con đường
PTKTXH bằng lối sản xuất kỹ nghệ là một việc làm khinh xuất và vô trách
nhiệm, mà (ngược lại) chính vì sự sinh tồn của chúng ta, chúng ta cần gây sức ép cho các nước Tây phương, phải giảm bớt sức sản xuất và đà tiêu thụ, và phải tìm ra được một mô hình tổ chức kinh tế mới, phù hợp với hệ thống sinh thái lành mạnh của thế giới.
Có nên làm không?
Khi đặt câu hỏi thứ hai, tôi đã giả dụ (ngược với thực tế) là mô hình PTKTXH của Tây phương là khả thi về phương diện môi sinh. Tôi muốn đặt vấn đề là mô hình đó có nên thực hiện, đứng về phương diện là một Phật tử, không? Một khi chúng ta đã thấy mô hình đó đưa đến sự phá hoại môi sinh, thì có lẽ chẳng cần đặt câu hỏi thứ hai này làm gì. Điều đó là hiển nhiên nếu nhân loại quả thực
có đầy đủ lý trí để suy xét. Tuy nhiên, như những con thiêu thân bay vào lửa, những lãnh tụ, những nhà thiết kế sách lược của chúng ta dường như chỉ thấy tăng trưởng kinh tế là giải pháp chính yếu để giải quyết những vấn nạn xã hôi. Bởi vậy, chúng ta nên thảo luận thêm về điểm này.
Đối với tôi, câu trả lời ngắn gọn là: mô hình Tây phương không nên dùng, bởi vì căn bản là nó sẽ đưa đến những hậu quả kinh tế, văn hóa xã hội không thể tránh được, mà đối với một Phật tử, là những hậu quả độc hại. Chúng ta hãy khảo sát từng phần xem sao:
Về phương diện kinh tế – Những
người bênh vực cho chủ trương theo chủ nghĩa Tư bản Toàn cầu cho rằng: có gia tăng sản xuất thì mới dẹp bỏ được nạn nghèo đói, mới đảm bảo được
sự giầu sang sung túc. Khẩu hiệu được dùng cho chủ trương đó là: “nước thủy triền dâng lên thì thuyền bè cũng được dâng lên”.
Truy nhiên, sau năm mươi năm phát triển toàn cầu, chúng ta đã thấy sự khác biệt giữa người giầu và kẻ nghèo gia tăng chưa từng thấy. Dân chúng
Tây phương, khoảng 20% dân số thế giới, đã thu về khoảng 86% số thu nhập của toàn thế giới, trong khi 20% dân số thế giới nghèo nhất, số thu
nhập chỉ là 1.4%. Tổng số thu nhập của nhóm 20% những người nhiều tiền nhất nhiều gấp 60 lần số thu nhập của nhóm 20% ít tiền nhất. Năm 1950, tỷ số này chỉ bằng một nửa thôi, là 30 lần. Tóm lại sau năm mươi năm kinh tế phát triển, lợi nhuận hứa hẹn cho đại chúng chưa thấy đâu. Ngược
lại, giầu sang sung túc lại gia tăng cho một thiểu số rất nhỏ, là những
đại công ty và những tinh hoa trong thế giới tài chánh. Trong khi đó một số dân chúng, mỗi ngày một tăng, ngay cả bên Tây phương, bi chìm sâu
vào nghèo túng và bất an.
Về phương diện xã hội – Hậu quả về phương diện xã hội của nền kinh tế phát triển kỹ nghệ cũng không sáng sủa gì. Một xã hội truyền thống theo Phật giáo có đặc điểm là một xã hội có nhiều nối kết, và có một tinh thần cộng đồng mạnh mẽ. Thành viên trong xã hội có những mối liên lạc chặt chẽ, từ trong gia đình cho ra đến ngoài, điều đó làm cho mỗi người cảm thấy có nguồn cội. Phần lớn dân chúng sống bằng nghề nông, thủ công nghệ hay tiểu thương. Với những nghề nghiệp này, người sản xuất trực tiếp giao thiệp với người tiêu thụ.
Về phương diện tâm linh thì đã có Tăng đoàn, là đoàn thể những người xuất gia, tăng và ni. Họ không những chỉ dạy giáo Pháp cho đại chúng mà còn là những vị có một đời sống cao cả, những tấm gương sống của những giá trị tâm linh, trong mưu cầu đạt đến mục tiêu tối hậu là Niết Bàn.
Từ khi có chế độ Thực dân (ở Tích Lan) là bắt đầu có kinh tế thị trường, những mối giao tình giữa người dân bị xáo
trộn, rồi trở thành một mớ bòng bong. Những tiểu nông nay được thay thế
bằng những nông trại lớn, sản xuất những nông phẩm dễ bán trong thị trường quốc tế. Những tiểu công nghệ dàn dà biến mất trước những đại công ty đa quốc gia, những tiểu thương, nghệ nhân trở nên dư thừa trước vự bành trướng của siêu thị và cửa hàng ra hàng loạt (chain store).. Dân
chúng mất ruộng đất, mất tiểu thương, nạn thất nghiệp hoành hành, dân nông thôn kéo về thành thị kiếm việc nơi những xưởng máy, sống chui sống
lủi. Công việc thì luôn tay, rất nhàm chán, làm nhiều giờ nhưng lãnh lương ít, đôi khi nguy hiểm. Kinh tế thị trường đã phá tinh thần keo sơn
cộng đồng, nhiều khi một cách rất nặng nề.
Người dân lạc vào một nơi trong đó không còn
lòng tín nhiệm lẫn nhau. Những mối giao tiếp cá nhân của một xã hôi truyền thồng đã không còn, mà phải nhường chỗ cho những đố kỵ giữa những
con người vô danh trong đám đông. Thay vì hợp tác với nhau để cùng làm việc tốt thì mọi người đã bị bắt buộc, một cách tế nhị, phải cạnh tranh trong một cuộc tranh đấu không nương tay để kéo lợi về phần mình. Mối liên lạc trong gia đình cũng tan rã: mới đầu tổ chức đại gia đình phân tán thành những tiểu gia đình, tiểu gia đình cũng chia rẽ, để lại những người lớn độc thân và những đứa trẻ bơ vơ. Ngày nay tình trạng xuống cấp
của hệ thống xã hội đã hiển nhiên, trong xã hội Tây phương cũng như Đông phương qua tình trạng: vô gia cư, tội ác, đĩ điếm, lạm dụng trẻ thơ, thiếu niên bụi đời, tự sát, rượu chè, xì ke ma túy
Về phương diện văn hóa – Trong một xã hội có truyền thống theo Phật giáo, thì việc làm giầu và tích lũy của cải cần tùy thuộc vào việc theo đuổi những giá trị tâm linh. Phật Pháp hướng con người ta đến những đức tính trong tâm tưởng cũng như trong hành động như khiêm cung, hòa nhã, khoan hồng và hy sinh;
tỉnh thức được coi trọng hơn khôn ngoan; tâm thanh tịnh được coi trọng hơn của cải và địa vị. Với sự phát triển của công kỹ nghệ, mọi chuyện đều thay đổi. Con người cảm thấy phải tích lũy của cải. Sở hữu chủ và tiêu thụ trở thành những đòi hỏi không sao cưỡng được.
Chủ nghĩa Tư bản Toàn cầu – theo lý mà nói –
đương nhiên đưa đến sự xóa bỏ nền văn hóa Phật giáo, cho nên chúng ta không nên ngây thơ mà chờ đợi cải cách thay đổi sau khi nói những giới luật trong Phật giáo cho mọi người nghe. Kinh tế của chủ nghĩa Tư bản chủ yếu là gia tăng lợi nhuận. Mà muốn thực hiện điều đó thì phải tìm cách loại bỏ những giá trị vẫn có từ trước khuyên người ta bớt tham. Những nhà lãnh đạo các đại công ty không cần trực tiếp làm chuyện này, phần lớn họ vẫn tuân theo những giá trị tâm linh. Nhưng, bằng một cách hết sức tế nhị họ đã dần dà thay đổi người dân thành những con người tiêu thụ, những người, chỉ nghĩ đến thu thập và hưởng thụ những sản phẩm
kỹ thuật đã chế biến ra. Nhóm người trẻ là những người dễ bị ảnh hưởng nhất. Họ được khuyến khích để tự tạo ra một nền văn hóa riêng trong đó, có một địa vị xã hội cao và được nổi tiếng hay không là tùy ở những chuyện như họ mặc bộ đồ gì, hát bài gì và ăn cái gì.
Đường lối xâm nhập vào xã hội có nhiều cách,
từ vô tuyến truyền hình, phim ảnh đến âm nhạc. Những thứ này khuyến khích sự phát triển của một nền văn hóa độc tôn, trong đó những gì là đa
dạng của truyền thống cũ đã tan biến. Những siêu thị, những shopping malls cũng góp phần vào đó, đưa ra những sản phẩm cung ứng cho sự nâng cao địa vị xã hội. Nhưng tệ hại nhất trong những phương tiện đó là kỹ nghệ quảng cáo. Chính kỹ nghệ quảng cáo đã bỏ vào trong đầu quần chúng lòng tin là mục đích chính của lẽ sống trên đời là vơ vét và hưởng thụ, bất chấp luân thường đạo lý, hay phải dè dặt.
Vài mốc chỉ đường cho PTKTXH dưới nhãn quan Phật tử
Ở thời điểm lịch sử hiện nay, rất khó mà có thể đưa ra một chương trình PTKTXH thực tế, tốt đẹp và đã tỏ ra có giá trị. Đứng trước ngưỡng cửa thiên kỷ thứ ba, chúng ta đang vào một trang sử mới, chúng ta phải tìm ra được những lời giải mới cho những nan đề bằng cách tuyệt đối thử đi thử lại. Chúng ta đã thầy khá rõ là nền kinh tế kỹ nghệ toàn cầu đã đưa thế giới gần đến thảm họa, thành ra chúng ta không còn cách nào hơn là tìm ra những phương cách khác tốt hơn, và ngay
hiện giờ người ta đã đang đi tìm những mô hình kinh tê khác. Dưới đây tôi sẽ đưa ra một số mốc chỉ đường cho PTKTXH dưới nhãn quan một Phật tử.
Công việc đầu tiên của Phật giáo là phải lật
ngược lại cái lý luận làm căn bản cho PTKTXH kỹ nghệ hiện nay. Khi chúng ta dùng giáo lý của Đức Phật nhìn vào mô hình phát triển kỹ nghệ chúng ta thấy rõ tất cả là người ta đã trừu tượng hóa – ở một trình độ rất cao siêu – những kinh nghiệm cụ thể trong cuộc sống (nghĩa là ý nghĩ
trong đầu người dân là những ý tưởng viển vông , xa thực tại). Sự trừu tượng hóa này đã xẩy ra ít ra là trong hai giai đoạn. Thứ nhất, nền kinh
tế trong nền văn hóa cổ truyền, thường chỉ đóng vai phụ trong trật tự xã hội, nay lại được lôi ra để đo phúc lợi xã hội. Thế rồi, coi như chưa
đủ, bây giờ sức khỏe của nền kinh tế lại được đo bằng định lượng, dùng những số lượng như GNP hay GDP. Những con số đó chỉ đo được những số lượng hàng hóa và dịch vụ trao đổi tính ra tiền bạc. Những số đó không nói lên phẩm chất của những hàng hóa và dịch vụ trao đổi. Xem những số đó người ta cũng không thấy những giá phải trả vì những tổn hại xã hội và môi sinh trong sự phát triển kinh tế. Nhửng con số này cũng không cho
biết những phúc lợi của nền kinh tế được phân chia trong dân chúng thế nào. Ấy thế mà tất cả những vị hoạch định chính sách quốc gia chỉ lưu tâm đến điều này, tại gần như mọi quốc gia trên thế giới. Sự thiển cận ây đưa đến hai hiện tượng ký sinh trùng ăn bám. Kinh tế thành một ký sinh trùng ăn bám vào trật tự xã hội. Cả hai thứ này chập làm một trở thành ký sinh trùng ăn bám cho hệ thống sinh thái mong manh của chúng ta.
Tứ Diệu Đế của Đức Phật cho ta một phương pháp rấy hay để tìm ra những nguyên nhân và kết quả của cái nhìn thiển cận sai lạc đó. Nguyên nhân là Vô minh, không nhìn thấy sự vật như thật,
đưa đến sự Thèm khát, làm cho nhân quần xả hôi bị khống chế. Một khi đã
có thèm khát, như chúng ta đã biết qua Tứ Diệu Đế, Khổ đau sẽ đến. Điều
này đã được minh xác rõ rệt khi chúng ta khảo sát những mảnh vụn đổ nát
gây ra bởi sự đua nhau phát triển kinh tế.
Căn bản của mọi quan niệm về PTKTXH của người Phật tử phải là giáo lý đạo Phật. Phật pháp là định luật tự nhiên,
đầy đủ, đứng đắn, như thật đã đươc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chứng nghiệm sau khi giác ngộ và đã được Ngài giáo hóa cho chúng sinh. Điều chính yếu của Phật Pháp là chính sách của mọi sinh hoạt kinh tế và xã hội phải được hướng dẫn từ đầu đến cuối bằng những tiêu chuẩn luân thường đạo lý. Những tiêu chuẩn này không phải những tiêu chuẩn đạo đức chủ quan, tương đối, cá nhân, mà là những định luật thật sự, bất biến, áp dụng được cho mọi chúng sinh. Điều đó không hàm ý là chỉ có một hình thức tổ chức kinh tế xã hội cho tất cả mọi người, trong mọi điều kiện. Thực ra có vô số hình thức khác nhau, nhiều như những cảnh vật khác nhau, nhưng những hình thức đó phải có căn bản là đạo đức khuyên người ta phải sống theo luân thường đạo lý. Một hệ thống xã hội nào đi ngược với Phật pháp, khuyến khích hay bỏ qua những thái độ hành vi vô luân chỉ
đem lại nghèo túng, cơ cực, không những cho con người mà còn cho cả trật tự xã hội. Chúng ta đã thấy những bằng chứng rõ rệt trong chủ nghĩa
Đại Tư bản doanh nghiệp. Dựa trên ý tưởng là lòng tham, lòng ích kỷ và sự tiêu thụ thả dàn là động lực cho sự tiến bộ, thì cái sức mạnh khổng lồ của Đại Tư bản chắc chắn sẽ đưa chúng ta đến tai họa toàn cầu.
Suy từ giáo pháp đến trật tự xã hội, ta thấy
có hai định luật, một liên quan đến khu vực kinh tế và một liên quan đến khu vực xã hội. Định luật trong khu vực kinh tế là: “tri túc” nghĩa là phải biết đến đâu là đủ. “Tri túc”
có lợi vừa cho tinh thần giúp tâm lý được ổn định, vừa cho chính sách môi trường giúp bảo trì hệ thống sinh thái. Trong cả hai phương diện, “tri túc”
đề xướng một nền kinh tế lành mạnh trong đúng nghĩa: “gia cang phát triển”, trong nhà là tinh thần khỏe mạnh, ngoài nhà là môi trường trong lành.
“Tri túc” áp dung cho tinh thần dựa trên sự thấu hiểu là nhu cầu của con người đều có thứ bậc – tôi sẽ nói rõ hơn sau – nghĩa là mọi nhu cầu đều có một thời điểm thấy được thỏa mãn, quá thời điểm đó muốn cố có thêm thì thành có hại. Điều đó không có
nghĩa là chúng ta phải chối bỏ những lạc thú vô hại của cuộc đời, để có
một đời sống khổ hạnh, Điều đó chỉ có nghĩa là khi con người có nhu cầu
sở hữu của cải và tìm vui thú nhục dục quá mức bình thường của mình, thì con người đó đã không còn những nhu cầu khác, nhu cầu xã hội, nhu cầu tâm linh, cũng là những nhu cầu cần có để thăng hoa..
“Tri túc” áp dụng cho bảo tồn hệ thống sinh thái chỉ cho ta thấy rằng nền kinh tế nào cũng có một giới hạn nội tại của nó bởi chưng ngay môi sinh đã là hữu hạn. Thúc đẩy kinh tế đến giới hạn cùng cực của nó thì kinh tế trở thành một thứ như ký sinh trùng ăn bám vào con người, có hại cho sự an bình cho thân và tâm, ăn bám và khả năng tái tạo của môi sinh thiên nhiên.
Một tác phẩm của Tỳ kheo Bodhi
Áp dụng vào đời sống thường nhật, “tri túc”
cho ta thấy rằng một nền kinh tề phát triển không ngừng, chú tâm đến kỹ
thuật tân tiến, chính là điều chúng ta không cần đến. Nền kinh tế của chúng ta đã phát triển khá lớn rồi, kỹ thuật của chúng ta đã tân tiến lắm rồi, chứa đựng nhiều rủi ro cho những con người dễ sai lầm như chúng
ta.. Điều chúng ta cần là giảm thiểu, cắt bớt, từ võ khí đến những kỹ nghệ làm đồ xa sỉ, khuyến khích tiêu dùng. Chúng ta phải hướng đến gia tăng phẩm chất để kỹ thuật của chúng ta nhún nhường hơn, có nhiều nhân tính hơn, nhân từ hơn đối với hệ thống sinh thái quanh ta. Tốt hơn hết là chúng ta phải nhấn mạnh đến sự công bằng kinh tế và xã hội, làm sao không ai bị tước quyền được có một đời sống khả quan.
Nguyên tắc để mọi người sống trong xã hội là
hợp tác và hòa đồng. Hợp tác trong cái nghĩa là có đạo đức. Kiểu hợp tác như các đại cường quốc hợp tác nhau để khống chế thế giới bảo vệ quyền lợi riêng không phải là thứ hợp tác chúng ta muốn, hay là kiểu hợp
tác cạnh tranh giữa các đại công ty (mergers, acquisition, takeovers, cartels), mà là những loại hợp tác phù hợp với giáo lý Phật Pháp. Tình trạng xã hội hiện hành khuyến khích cạnh tranh hơn là hợp tác, điều này đưa đến đối kháng và tỵ hiềm gây ra sự chia rẽ thành phe phái đối nghịch.
Trong một xã hội có căn bản là Phật Pháp, mỗi cá nhân được hưóng tới làm tốt cho cả cộng đồng mà mình là một thành
viên, và ít ra không được làm những gì có lợi cho mình nhưng có hại đến
người khác. Tinh thần hợp tác và hòa đồng được Phật dạy cho Tăng thân là tinh thần “Lục Hòa”:
– Thân hòa đồng trụ nghĩa là trên phương diện sinh hoạt hằng ngày trong một tổ chức, chúng ta cùng sống chung trong một tập thể, thường nên chiếu cố giúp đỡ lẫn nhau.
– Khẩu hòa vô tranh đứng trên phương diện giao tiếp chỉ bảo qua ngôn ngữ lời nói lẫn nhau, luôn luôn thể hiện tinh thần khuyến khích khuyên bảo cùng nhau làm thiện, dứt trừ làm ác.
– Ý hòa đồng duyệt là đứng trên phương diện tư tưởng, lúc nào cũng tôn trọng và ái kính ý kiến người khác, nếu tư tưởng ý kiến đó là đúng, còn nếu không thì hãy cùng nhau bàn bạc cho ra lẽ và vui vẻ chấp nhận.
– Giới hòa đồng tu là chúng ta
cùng sống chung trong một tập thể, lúc nào chúng ta cũng nên tuân thủ cùng nhau tu tập theo giới luật chung đã được đặt ra.
– Kiến hòa đồng giải là kiến giải có được về chân lý, hay lý đạo đã thông xin chia sẻ cùng mọi người, cùng nhau tu tập.;và
– Lợi hòa đồng quân là tất cả mọi thứ của cải vật chất có được từ sự hỷ cúng của các thí chủ, được chia đều cùng nhau một cách bình đẳng một cách hợp pháp, có nghĩa là bình đẳng trong đồng đẳng.
Quan điểm của một người Phật tử về vấn đề PTKTXH là phương châm hoạch định chính sách quốc gia phải nhằm vào phúc lợi cho toàn dân,; phúc lợi này phải được hiểu trong nghĩa siêu việt, bao hàm nhiều yếu tố. Kinh tế phải được coi là một phần của cả một hệ thống, chỉ là một phần phụ thuôc của xã hội. Và Xã hôi phải được coi như
phần nằm trong cả hệ thống sinh thái, là căn bản cho mọi cuộc sống, Như
vậy sự phát triển kinh tế phải được hướng dẫn theo chiều hướng đó để làm tăng trưởng sức khỏe và phúc lợi cho trật tự xã hội, sao cho cả hệ thống sinh thái thiên nhiên, trong đó nhân loại sinh sống, không bị hư hại.
Xã hội phải được coi như là một khái niệm trừu tượng thăng hoa của con người tạo ra trật tự xã hội. Do đó, khi nói
rằng gia tăng phúc lợi trong xã hội, điều đó rút cục có nghĩa là chính sách phải nhằm đến gia tăng phúc lợi của những cá nhân trong xã hội. Gia
tăng phúc lợi cho cá nhân còn tùy ở chuyện chúng ta nhìn con người thế nào. Nếu chúng ta có cái nhìn thiên về vật chất thì chúng ta phần lớn nghĩ đến giúp cho con người trong xã hội được thỏa mãn về vật chất, những yếu tố khác không để ý đến. Nhưng tuy nhiên nếu chúng ta quan niệm
con người cần có một đời sống tâm linh, chúng ta sẽ, ngoài những nhu cầu vật chất, chúng ta phải nghĩ đến thỏa mãn những nhu cầu khác nữa.
Giáo lý của đức Phật đưa ra một quan niệm rộng rãi về con người, được coi như là một thực thể rất phức tạp với nhiều nhu cầu khác nhau cần được thỏa mãn để đạt được hạnh phúc. Những nhu cầu này được xếp theo một thứ tự ưu tiên quan trọng nhiều hay ít. Căn bản quan trọng nhất của thứ tự này là những nhu cầu vật chất để sinh
tồn như, áo quần, ẩm thực, nhà cửa, thuốc men, xe cộ đi lại, nhiên liệu, đồ dùng vân vân. Trên đó là những nhu cầu về xã hội: giáo dục, gia
đình, bạn hữu, riêng tư, cộng đồng, nghề nghiệp. Cao nhất trong bảng xếp hạng là nhu cầu tâm linh để có được luân thường đạo lý, mở rộng tâm hồn, hiểu đươc chân tâm tức là ý nghĩa thực của cuộc sống.
Tổ chức xã hội theo đường lối của Phật giáo như trên sẽ đem lại những cơ hội để những nhu cầu đó được thỏa mãn và mọi người sẽ thấy bằng lòng với cuộc sống. Trong một tổ chức xã hội như vậy, việc đầu tiên là mọi người trong xã hội sẽ được thỏa mãn với những nhu cầu vật chất căn bản. Bởi vì giáo lý Phật giáo quan niệm mọi nhu cầu
có thứ tự trên dưới, nên không khuyến khích con người lưu tâm đến tích lũy vật chất, tìm nhữnh thú vui dục lạc là những đặc tính của nền văn hóa đương đại. Giáo lý Phật đà dạy con người là tìm kiếm phóng túng dư dật là nguyên nhân của khổ đau. Giáo pháp khuyến khích con người nên tự chế, khiêm cung và tự tại. Giáo pháp còn coi đức tính khoan dung, rộng lượng là đức tính của người cao cả, và chủ trương nhu cầu căn bản cần được trải rộng cho tất cả mọi người.
Đối với Phật giáo, có được đầy đủ nhu cầu vật chất chỉ là bước đầu tiến tới những mục đích cao cả hơn. Bởi vì con người thường đến với nhau với cùng một mục đích chung. Điều đó có nghĩa là một tổ chức xã hội – theo Phật giáo – thường là một cộng đồng nhỏ, trong đó mọi thành viện có thể đóng góp vào việc chung một cách có hiệu quả. Chỉ trong những cộng đồng nhỏ người ta mới có thể dìu nhau ra khỏi vực thẳm xấu xa thường thấy trong đời sống đô thị. Trong nhãn quan một Phật tử, những đại đô thị, những tổ chức hành chánh vô tâm hiện tại đã đi ngược với môt trật tự xã hội đem phúc lợi đến cho người dân. Tổ chức xã hội gần nhất, thích hợp nhất dưới nhãn quan người Phật tử là một xã hội trong đó đại gia đình là đơn vị chính yếu của xã hội. Gia đình, hướng dẫn bởi giáo lý nhà Phật sẽ là nơi trao truyền những giá trị tâm linh đời này sang đời sau. Mô hình miêu tả một mạng lưới những liên quan
xã hội đã được ghi chép trong Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt (Sigalovada Sutta), thuộc Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya) phẩm 31. Trong Kinh này, Đúc
Phật đã dạy những bổn phận tương ứng giữa cha mẹ và con cái, giữa chồng
và vợ, giữa ông chủ và người làm, giữa bạn bè, giữa thầy giáo và học trò, giữa người xuất gia và người tại gia.
Nền kinh tế phù hợp nhất cho một mô hính tổ chức xã hội như trên là một tổ chức kinh tế nhỏ, dùng những kỹ thuật đơn
sơ không khai thác triệt để nguyên liệu của hệ thống sinh thái, một nền
kinh tế hạn hẹp trực tiếp giữa kẻ sản xuất và người tiêu thụ. Sự kết hợp hài hòa những nền kinh tế đia phương vào cả cộng đồng quốc gia rôi quốc tế sẽ được thương thảo, làm sao với trọng tâm là đề xướng gia tăng phúc lợi cả vật chất lẫn xã hội cho tất cả người dân, không phải là để buôn bán trục lợi riêng tư và khuyếch trương vô lối.
Đến đây tôi muốn nói tới một điểm chót –
Rất có thể là tôi đã trình bầy một chương trình trông rất tốt đẹp trên giấy tờ, rất lý tưởng nhưng không thực tế. Tôi đồng ý một phần. Thực hiện một mô hình tổ chức kinh tế xã hội như trên là chuyện hết sức khó khăn, sẽ gặp phải muôn ngàn chống đối từ những lãnh vực có nhiều quyền lực và tiền bạc. Tuy nhiên chúng ta thấy rằng thế giới đang tiến tới một nền dân chủ phổ quát. Người dân, các bạn
cũng như tôi, có tiếng nói quyết định về hình thức tổ chức xã hội chúng
ta đang sống. Một hệ thống được đưa ra mà chỉ đem lại lợi nhuận vô lối cho một thiểu số rất nhỏ trong khi đa số lại chịu nghèo hèn, thiếu thốn,
thì không có lý do gì để hệ thống đó cứ tiếp tục, Tất cả điều đó chỉ để
giúp những vị lãnh tụ quyền uy và giúp mạng lưới che dấu sự thật khỏi tầm mắt người dân bình thường.
Hiện nay mạng lưới che dấu đó đã rách nát ở nhiều mặt: môi sinh bị hư hại, nạn thất nghiệp gia tăng, những bất công kinh tế xã hội, tội ác phơi bầy, xã hội xuống cấp trông thấy, rõ rệt tại
nhiều nơi nhất là tại những Đệ Tam quốc gia, nơi sinh sống của đại đa số dân chúng thế giới. Một số rất đông, thất vọng trước ảo ảnh của nền kỹ thuât tân tiến, của chủ nghĩa Tư Bản Toàn cầu đã nhìn ra rằng một hệ thống PTKTXH như vậy không thể đứng vững được. Thực vậy, rốt cục một hệ thống như vậy sẽ có hại cả cho những ai đang hưởng lợi bây giờ cũng như cho những nạn nhân của hệ thống. Trong nhiều khu vực – từ những tổ chức nền tảng, đến những phong trào phản văn hóa, những viện nghiên cứu – người ta đã nghĩ tới tìm ra phương cách cứu qủa địa cầu của chúng ta trong niên kỷ mới. Đối với những người này, giáo pháp của đức Thế Tôn có
thể đưa ra những thông điệp cao cả, tuyệt vời rất rõ ràng nhằm giúp nhìn vào giải quyết những thực tế phũ phàng của đời sống kinh tế và xã hội.
Trách nhiệm của hàng Phật tử chúng ta là phải gióng lên tiếng chuông giáo lý cao cả nhưng thực tiễn, hướng về khắp tất cà, để chúng sanh đều được hưởng phước lành.
Đào Viên
(http://daovien.wordpress.com/2012/11/28/quan-diem-cua-mot-phat-tu-ve/)
______________________________________________________
Ngài Ananda Maitreya (1896-1998)
(1) Ngài Ananda Maitreya Thero (1896-1998) là một thiền sư Phật giáo Nguyên Thủy nổi tiếng nhất Tích Lan. Ngài là ngưới Tích Lan, xuất gia năm 15 tuổi, học đạo với Ngài Daamahana Dhammananda Thero.
Ngài tu tập tại Đại học Phật học Ananda College ở Colombo năm 1919. Ngài học về Giáo lý Phật giáo Nguyên Thủy, nhưng cũng rất tinh thông cả vế giáo lý Phật giáo Đại thừa, Mật tông, Yoga và ngoại ngữ. Đến năm 1925, Ngài trở thành giáo sư Giáo thọ của Đại học Phật giáo Ananda College, sau đó được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Đại học Phật giáo Vidyodaya của Tích Lan. Nhiều người Tích Lan tôn xưng Ngài là một vị Bồ Tát.
Discussion about this post