
PHẬT NGỌC
HÌNH TƯỚNG VÀ THẬT TÁNH CỦA HOÀ BÌNH, AN LẠC
Trần Kiêm Đoàn
Đạo Phật là tôn giáo đầu tiên vượt
thoát ra khỏi giới hạn tự chiêm nghiệm và đặt định của con người để vươn tới cõi
bao la vô cùng, vô tận của thế giới tâm linh. Giới hạn tận cùng của các tôn giáo là một đấng Sáng Tạo toàn năng. Đời sống tâm linh của dân gian có phong phú đến
mấy thì cuối cùng cũng gặp Ông Trời là hết. Sự minh triết tôn giáo có cao rộng đến mức nào thì gặp sự hiện hữu của
Thượng Đế cũng chỉ còn là sự mặc khải giao phó.
Khái niệm Không Tánh tức Vô Ngã trong
đạo Phật đã vượt qua mọi hình thái rào cản, mọi ý niệm đóng khung, mọi tên gọi
giả tạm trong vòng khả năng quy ước của con người. Khi không có một tự thể nào tự nó là chính nó;
là thường hằng, bất biến; là một cá thể uyên nguyên sinh ra một đối thể khác thì
vạn vật không còn có tự tánh. Đó là một
trạng thái hoàn toàn tự do nhưng tuyệt đối cô đơn. Sự cô đơn lung linh trong từng nháy mắt sinh
diệt gặp gỡ, tiếp cận, tương tác, dính mắc với nhau thành “duyên” – Duyên khởi,
rồi duyên hợp. Khi một hợp duyên đã khởi
và đủ điều kiện chín mùi thì một đối tượng mới sinh ra.
“Em
ơi! Nếu chiều hôm đó Sài Gòn không có
cơn mưa mùa Hè bất chợt thì làm sao chúng mình gặp nhau khi cùng trú mưa dưới một
mái hiên bên hè phố. Nếu em không hoảng
hốt làm rớt cặp sách xuống vũng nước để anh giúp em lượm lên và lấy áo sơ mi
học trò lau khô, nếu trận mưa không kéo
dài đến chiều, nếu xe đạp em không bị xì hơi cần anh mang vá giúp… thì làm sao
ngày nay chúng mình thành vợ chồng?!” (Huyền Vũ. Mưa Sài Gòn,
1972). Đoạn văn của Huyền Vũ đã minh họa
cho “duyên”. Mỗi chữ “nếu” là một duyên khởi
và mỗi duyên khởi hiển thị (việc thấy được) còn có vô số hợp duyên tiềm ẩn đã cùng
tác động lên nhau để tạo thành một sự việc. Hai cô cậu học trò, cơn mưa Sài Gòn, mái hiên
hè phố, cặp sách học trò… là những gì riêng lẻ, có một hình tướng tạm bợ và một
tên gọi giả tạm bỗng nhiên đan kết vào nhau thành tình yêu, thành duyên chồng vợ.
Và, nào ai biết được đỉnh hạnh phúc sau cơn mưa có thể kéo tới những bất hạnh,
trái ngang dằng dặc trong những năm tháng về sau vì Duyên chỉ là một ngọn sóng
trong đại dương mênh mông của Nghiệp.
Trong một thế giới đầy biến hiện trùng
trùng của Nghiệp và Duyên sinh khởi như thế, một khoảnh khắc dừng lại của suy
nghĩ cũng không thể nào thật sự có được. Trong cơn mưa có hàng muôn vàn hình tướng, sự việc, ý nghĩ mất đi và hiện
hữu quay cuồng như chong chóng. Sau cơn
mưa, một thế giới mới bắt đầu. Sự bắt đầu, kết thúc và tái sinh có thể còn
nhanh hơn một phần nghìn của một cái nháy mắt. Mọi sự dừng lại và “cho rằng”,
thế nầy là quả thật có hiện tướng như thế nầy; thế kia là rõ mồn một như thế
kia tức là không sống với dòng tồn tục lưu truyền mà đang chết. Đang chết là đang chấp vì chấp là níu cứng một
điểm tựa mà mình tự cho là đáng tin cậy trong dòng cuồng lưu đang trôi chảy.
Hạnh phúc mà cũng là bi kịch của kiếp
người bắt đầu từ hình tướng. Cảnh đẹp, lời
hay, hoa thơm, vị ngọt, thân an, ý sáng cũng chỉ là những thuộc tính chủ quan của
mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Cảm thọ sướng
khổ cũng thông thông qua lục tặc hay lục linh đó mà sinh khởi. Con nhím đực khen con nhím cái “em có làn da
mượt mà” cũng do cảm nhận chủ quan về hình tướng “tương thân, tương thọ”! Cho nên, đạo Phật là một cuộc hành trình của
trí tuệ và tâm linh để xác định Tánh Thật qua Hình Tướng. Cuộc cách mạng trong tư tưởng Phật giáo là một
sự phủ nhận hình tướng để khỏi bị “chết chìm” vì sự dính mắc trong hình tướng. Không tánh chẳng phải là không có gì cả mà không
phải là cái hình tướng mà người ta quen dựa vào để thấy. Hình tướng hiện ra “như vầy, như vầy” mà tánh
thật thì “không phải thế, không phải thế”. Phật dạy:
Thông
qua hình tướng thấy ta,
Ấy
thân tà đạo, chẳng là Như Lai.
Tượng Phật
cao nhất thế giới tại Nhật
Thấy được thật tánh không phải là thông qua phương
tiện định hình, mô tả mà bằng sự trải nghiệm, tu chứng của quán niệm, tuệ giác
thiền định.
Đạo Phật đã trải qua 25 thế kỷ và một
vạn thế hệ (nếu tính theo thời gian sinh ra và trưởng thành của mỗi thế hệ là
25 năm, một khoảng thời gian dài đủ cho quá trình khởi đầu và có được căn bản nhận
thức tương đối độc lập). Nhưng từ trước đến
sau, chỉ có một con đường nhất quán: Phá
chấp! Thế giới Phật giáo có chủ thể và đối
tượng hay Ngã và Pháp. Chấp Ngã hay chấp
Pháp đều là nuôi định kiến “cho rằng…” đưa đến sự dính mắc mù quáng.
Đã có những thời kỳ khuynh hướng chấp pháp cực
đoan làm chủ. Đó là những thời kỳ mà hình
tướng lấn lướt thật tánh: Chùa tháp tự
viện mọc lên như một xu thế trình diễn. Phật tử xuất gia cũng như tại gia chuyên quyền thế tục như một đạo quân
hành nghề tôn giáo. Người nói pháp, giảng
đạo nhiều hơn người hành đạo. Quả vị của
sự tu hành trong những thời kỳ nầy không phải là năng lực hoằng pháp độ sanh mà
là một sự chạy đua về cơ sở vật chất, về danh vị tôn xưng, về quyền lực sở đắc. Giáo sử nhà Phật đã chứng minh rằng, đó là dấu
hiệu của những thời điểm mạt pháp khi phải trụ vào giá trị hình tướng để làm điểm
tựa cho thật tánh tâm linh như ở Ấn Độ ngay sau triều đại Asoka (304 – 232 BC);
ở Trung Quốc cuối triều đại Lương Vũ Đế (502 – 549); ở Việt Nam sau triều đại
nhà Trần (1225 – 1400). Đạo Phật bị thế
tục hóa với màu sắc lễ nhạc mang tính chất trình diễn sân khấu. Trong những thời kỳ đó, lý Phật Đà cao thâm
ngã dần sang màu sắc phàm tục, mê tín dị đoan. Tăng già không hòa hợp, chia phe kết hội chuyên quyền, khích bác lẫn
nhau. Tứ chúng không đồng tu mà phân hóa
thi đua “nói đạo” thay vì hành đạo và vô hình chung biến thành công cụ phục vụ
chính trị, nương quyền cậy thế phàm trần.
Theo những nhà nghiên cứu lịch sử
Phật giáo thế giới như Edward Thomas, Rupert Gethin, Walpola Ruhula… thì thịnh
pháp và mạt pháp là những giai đoạn và thời điểm hưng vong của Đạo Phật xen lẫn
nhau trong mọi thời kỳ; chứ không có một thời kỳ nào nhất định gọi là “mạt pháp”
theo tài liệu tam sao thất bổn được ghi lại như một lối biện minh cho nguyên cớ
thoái trào và phân hóa Phật pháp trong những thời kỳ… “y như mạt pháp tới nơi”!
Dấu hiệu của một thời kỳ thịnh pháp
không nhất thiết phản ánh qua hình tướng chùa to, tượng lớn. Ngược lại, sự xuất hiện rầm rộ của những những
hình tướng vật chất cũng chẳng phải là dấu chỉ của một đạo Phật đang hưng thịnh. Từ đó, những nhà nghiên cứu Phật học thường rất
cẩn trọng và dè dặt khi cần phải dùng những con số cân, đo, đong, đếm về cơ sở
vật chất, về tăng đoàn tu sĩ, về số lượng
tín đồ để đánh giá một thời kỳ phát triển văn hóa Phật giáo.
Tuy nhiên, cũng theo nhận định của
những sử gia tôn giáo thì sự xuất hiện của những công trình kiến trúc các tượng
đài, chùa tháp, tự viện Phật giáo đồ sộ, mỹ thuật trên toàn thế giới từ giữa thế
kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 không phải là dấu hiệu của một thời kỳ mà đạo Phật vụ vào
hình tướng. Nhưng đây là thời kỳ phát
triển rực rỡ nhất của khoa học kỹ thuật tạo nhiều ưu thế cho việc xây dựng nên những công trình kiến trúc độc đáo, tân kỳ
và đồ sộ là một “nhu cầu thời đại” mà tôn giáo nói chung không thể là một đối tượng
đứng ngoài.
Năm 1993, tượng Phật A Di Đà cao nhất
thế giới (Cao 120 mét. Trước đó, tượng Nữ
Thần Tự Do ở Mỹ được xem là cao nhất thế giới cũng chỉ cao 93 mét) được xây dựng
ở một ngọn đồi thuộc vùng Ushiku cách Tokyo, Nhật Bản chừng 100 dặm. Hòa thượng Yoshiyuki giải thích về sự “vĩ đại”
của bức tượng nầy như sau: “Một pho tượng dù có tạc bằng chất liệu quý
hiếm đến đâu hay có chiều kích vĩ đại đến mức độ nào cũng không đáng để đem so
sánh với sự cao cả thiêng liêng và vĩ đại của đức Phật. Thực sự, tôn giáo không
tùy thuộc vào hình tướng bề ngoài để nói lên sự tương hợp với khả năng hiểu
đạo, hành đạo và chứng nghiệm. Tuy
nhiên, tôn giáo trong thời hiện đại cũng có khuynh hướng coi trọng về hình thức
bên ngoài làm cửa phương tiện. Vì thế,
mục đích của chúng tôi là tạo nên một phương tiện tương đối gây được ấn tượng
sâu đậm về sự quý báu trong lời dạy của đức Phật và khối lượng khổng lồ của
giáo pháp, kinh điển nhà Phật”.
Cuối tháng 7 năm 2010, đại
chúng và Phật tử Việt Nam có dịp quan chiêm tượng đức Quán Thế Âm tại chùa Linh
Ứng, Bãi Bụt, trên vùng núi Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Đây là một tôn tượng Phật giáo cao nhất Việt
Nam hiện nay – 67 mét. Nhưng tầm cỡ đồ sộ
của hình tướng vật thể trong tôn giáo cũng chỉ ở vị trí rất khiêm tốn như Thầy
Thích Tâm Ân đã so sánh: “Sẽ không có hình tượng vật thể nào có thể
so sánh được với chiều cao, với bề rộng của đức tin và sự huyền nhiệm của tâm
linh. Nếu rằng, từ mỗi đầu chân lông của
kim thân đức Phật có muôn ức đạo hào quang và trên mỗi chấm hào quang có hằng
ha sa số chư Phật thì biết lấy gì so sánh. Vì thế, trên đường hành đạo độ sanh của
người học Phật và hiểu Phật thì tất cả chỉ là biểu tượng tương đối và tạm thời
làm cửa phương tiện để đi vào đạo Phật. Dính mắc vào hình tướng tượng đài là biến phương tiện làm cứu cánh”.
Một hiện tượng thuộc về công trình
khắc chạm, kiến trúc tượng đài của Phật giáo có tầm cỡ quốc tế đã xuất hiện gần
đây và đang được cung nghinh luân lưu khắp thế giới là tượng Phật Ngọc. Một danh sư Tây Tạng, Lama Zopa Rinpoche, đã đặt
tên cho tượng
Phật Bích Ngọc là Phật
Ngọc cho Hòa Bình Thế Giới (Jade Buddha for Universal Peace). Lịch sử vắn tắt về tượng Phật Ngọc như sau:
Năm
2000, tại Canada người ta khám phá một khối ngọc bích toàn vẹn nặng 18 tấn rất
hiếm có. Năm 2003, ông Ian Green, một Phật
tử người Úc đã mua khối ngọc và mang qua Thái Lan hợp đồng với công ty điêu khắc
đá quý Jade Thongtavee để khắc chạm khối ngọc bích thành tượng Phật. Sau 5 năm sưu tầm, nghiên cứu và thi công, tượng
Phật Ngọc được hoàn thành vào tháng Chạp năm 2008. Ngôi tượng cao 2 mét 50, nặng trên 4 tấn và lượng
giá 5 triệu đô la Mỹ.
Tượng Phật Ngọc khởi đầu trưng bày
trước công chúng tại chùa Quán Thế Âm, Đà Nẵng vào tháng 3 năm 2009 và luân lưu
trưng bày tại 5 chùa khác từ Bắc chí Nam trong vòng 2 tháng, trước khi được lưu
thỉnh sang Úc. Tại Úc, tượng Phật Ngọc được
lưu thỉnh tới 11 tự viện và trong số đó đã có 6 chùa Việt Nam tại Úc tự nguyện đứng
ra tổ chức trưng bày. Tượng Phật Ngọc tiếp
tục được lưu thỉnh sang Canada và Hoa Kỳ từ tháng 2 năm 2010 cho tới tháng 5 năm
2011. Theo dự kiến, tượng sẽ được tiếp tục
cung thỉnh sang châu Âu, rồi trở lại châu Á năm 2012 trước khi nhập Đại Bảo tháp
Từ Bi Độ thế (Great Stupa of Universal
Compassion) tại thành phố Bendigo, nước Úc.
Dẫu nhìn qua lăng kính nào
đi nữa thì sự ra đời của Phật Ngọc là một duyên lành. Đó vừa là một tín hiệu, một thông điệp và cũng
là một biểu tượng của Hòa Bình, An Lạc không màu sắc chính trị, không biên giới
Đông Tây. Đồng thời đây cũng là “phương
tiện môn” giúp mọi cá nhân và sắc dân Âu, Á, Úc, Mỹ, Phi có cơ hội hiểu nhau và
tiến gần nhau hơn.
Sau gần một năm rưỡi được lưu thỉnh và trưng
bày trên gần ba chục địa điểm từ Á tới Úc rồi sang Mỹ châu, tượng Phật Ngọc đã
thu hút được gần 4 triệu rưỡi người đủ mọi sắc dân và tôn giáo trên thế giới đến
quan chiêm, nhưng đa số là người Việt Nam cả trong và ngoài nước. Đồng thời, cũng có nhiều cảm tưởng từ nhiều
nhánh, nhiều dòng chung quanh việc trưng bày Phật Ngọc.
Phía thuận dòng thì hết lời ca ngợi. Có lúc xem Phật Ngọc như là hiện thân của đức
Phật tái thế với năng lực nhiệm mầu, với hoa Mạn Đà La xuất hiện như hoa đăng.
Phía ngược lại thì cho rằng, sự tôn
sùng và ca ngợi quá đà đã tạo ra một không khí sùng bái gần như mê tín dị đoan
quanh Phật Ngọc. Bản chất và tác dụng của
mê tín trong thời đại kinh tế thị trường là sự lẫn lộn giữa giá trị tâm linh
thuần khiết và vật chất đối tác kinh doanh. Trong khi “Phật tại tâm” nên dẫu Phật ngọc, Phật vàng, Phật đồng, Phật gỗ,
Phật đất… cũng chỉ là phương tiện hình tướng như nhau; miễn sao giúp người khai
thị được Phật tánh trong chính mình.
Nhưng đa số khách đến viếng tương
Phật Ngọc là những người đến quan chiêm hay chiêm bái thầm lặng. Họ không phát biểu gì cả nhưng lòng họ đã nói
rất nhiều qua cảm ứng “đàm tâm” mà tự trong sâu thẳm lòng mình, ai cũng có.
Đức Phật đã nhìn mọi sự
trong vũ trụ và thế gian đều là Pháp: Pháp
thế gian và pháp xuất thế gian. Pháp xuất
thế gian nhìn qua tuệ giác của các bậc chứng ngộ là cái nhìn thấu suốt Thật Tánh,
nhất nguyên: mỗi hạt bụi đều có chứa tam thiên đại thiên thế giới và ngược lại,
nên mọi hình tướng cũng chỉ là ảo ảnh như hoa đốm giữa hư không. Pháp thế gian thì nhìn qua hình tướng nên chấp
ta chấp người, chấp không chấp có. Đức
Phật nhìn thấu suốt bản chất thế gian nên đã đưa ra tám vạn bốn ngàn pháp môn và
hằng hà sa số phương tiện để đối trị. Bởi
vậy, nhìn đạo Phật qua pháp thế gian thì Phật giáo vừa duy tâm, duy linh, duy
thần mà cũng vừa là duy vật vô thần. Câu
hỏi đầu tiên khi thế giới phương Tây nhìn về Phật giáo là: “Phật lý là một tôn
giáo hay một triết lý”? Câu trả lời quá
rõ ràng, rằng là, Phật Đà vừa là một tôn giáo, vừa là một hệ thống triết lý. Khi nói đến ba đời, mười phương Phật thì Phật
Đà là một tôn giáo. Khi nói đến Phật Tánh
có sẵn trong mỗi chúng sanh và vạn pháp thì Phật Đà là một hệ thống triết lý.
Nhưng tại sao lại phải nói gì gì những
chuyện cao xa trong khi cuộc sống trước mắt đang tìm cầu an lạc. Sự an lạc không nằm trong chữ nghĩa xa vời mà
đang nằm lặng lẽ khắp nơi và chính trong ta. Nếu tượng Phật Ngọc mang đến hòa bình an lạc thì bởi vì đó là một tín hiệu
tỏa chiếu năng lượng lành. Một hình tượng
nhắc nhở cho người tiếp cận gắng quay về với thế giới hoà bình và suối nguồn an
lạc có sẵn trong mỗi người.
Có chăng sự mầu nhiệm và linh thiêng
của Phật Ngọc như một phép lạ? Đạo Phật
phủ nhận phép lạ như một sự cứu rỗi, bởi vì thần thông, phép lạ đều không giải
trừ được Nghiệp mà chỉ cần có cái tâm buông dao là có khả năng thành Phật. Sẽ không có một tiêu chuẩn nào để xác định hay
đánh giá mức độ linh hiển của hình tướng mà “linh tại ngã, bất linh tại ngã”. Mỗi người có một ngọn đuốc riêng để tự thắp sáng
mà nhìn. Khi ngọn đuốc đó cháy sáng
trong tâm sẽ thành tâm tuệ. Tâm tuệ cảm ứng
Phật Ngọc bằng trực giác, không lời.
**
Từ đầu năm 2010, tượng Phật Ngọc đã
từ Úc sang Mỹ, Canada. Các chùa viện, Phật
tử Việt Nam tại Mỹ đã luân lưu cung thỉnh tượng Phật Ngọc vòng quanh các thành
phố có đông người Việt. Mùa Vu Lan năm
nay, tượng Phật Ngọc đang trên đường đến vùng Bắc California. Hai địa điểm chính tổ chức lễ cung nghinh và
trưng bày tượng Phật Ngọc cho đại chúng và Phật tử đến viếng ở quanh vùng là:
– Từ 17 đến 29 tháng 9 năm
2010: Tịnh Xá Ngọc Hoa. 766 S. Second Street. San Jose, CA 95112. Điện thoại: 408-295-2436.
– Từ 02 đến 17 tháng 10 năm 2010:
Chùa Kim Quang. 3119 Alta Expressway.
Sacramento, CA 95825. Điện thoại:
916-481-8781.
Sacramento, mùa
Vu Lan 2010
Trần Kiêm Đoàn
Discussion about this post