PHẬT GIÁO PHÁT TRIỂN Ở HOA KỲ
(Bài Thuyết Trình trong Hội Thảo của Hội Phật Học Đuốc Tuệ 13/11/2016)
Nguyễn Thúy Loan
I. Phật giáo du nhập vào Tây Phương:
Đã có nhiều tài liệu nói về Phật Giáo du nhập vào Tây Phương. Bài tiểu luận này chỉ sơ lược về một vài điểm then chốt của tiến trình du nhập, trọng tâm là những nghiên cứu về sự phát triễn của đạo Phật trên đất Hoa Kỳ.
Khoảng năm 1840, làn sóng Đông Á nhập cư vào Hoa Kỳ mang theo Phật giáo đến Bắc Mỹ. Đại Hội Tôn Giáo Thế Giới năm 1893 tại Chicago, có sự tham gia của các Phật tử từ Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, và Tích Lan. Ba người được mời phát biểu ý kiến là tu sĩ Phật giáo Anagarika Dharmapala từ Tích Lan đại diện cho Nguyên Thuỷ, Soyen Shaku, đại diện cho Thiền Tông, người thứ ba đại diện cho Tịnh Độ là Hoà Thượng từ Nhật Bản Kiyozawa Manshi. Tuy Hòa Thượng đại diện Tịnh Độ vắng mặt, nhưng bài phát biểu của ông vẫn được đọc trước đại hội với chủ đề Cốt Lõi Của Triết Lý Tôn Giáo (Skeleton of the philosophy of religion). Trong bài mở đầu đại hội, Charles Carroll Bonney, một luật sư cũng là một thẩm phán ở Chicago, nói, “ Hội đồng Tôn Giáo không được nuôi nấng bởi riêng Kitô giáo, mà từ quỹ của chính quyền và xã hội; Vì vậy tôn giáo phải được phản ảnh trong tầm nhìn của quốc gia, và Hoa Kỳ phải là trung tâm của mọi tôn giáo.” Nhưng Phật giáo thời đó cũng chưa ai biết nhiều đến để bàn bạc hoặc khai triển như những tôn giáo khác, vì vậy những khía cạnh của Phật giáo bị hạn chế trong việc thảo luận ở đại hội. Tuy nhiên Đại Hội là chìa khóa mở cửa đón chào Phật giáo vào Hoa Kỳ.
Theo một tài liệu vừa được khám phá, vào năm 458 Tây Lịch, một nhà sư Phật Giáo gốc Trung Hoa có tên là Hwui Shen [Huệ Thâm] cùng với 4 nhà sư Phật Giáo khác gốc Kabul đã đến Mễ Tây Cơ và hoằng pháp khoảng 40 năm. Sau đó về diện kiến vua Võ Đế vào năm 502 để trình tấu về Phật sự của phái đoàn đã thực hiện ở Trung Mỹ. Bảng trình tấu được lưu truyền trong văn khố nhà Lương cho đến ngày nay. Như vậy, sau một sự gián đoạn dài gần 1400 năm, Phật giáo mới chính thức du nhập và phát triển tại Hoa Kỳ. Có tài liệu cho rằng Hồi Giáo đã chận đứng, tàn phá chùa chiền và triệt hạ Phật Giáo Ấn Độ trong toàn vùng lãnh thổ từ thế kỷ XII cho đến thế kỷ XX.
Trở lại phần đại hội, Thiền Sư Soyen Shaku trở lại Hoa Kỳ theo lời mời của một cặp vợ chồng giàu có Alexander and Ida Russell. Ông bắt đầu công cuộc hoằng Pháp ở San Francisco và đã trở thành Tổ Thiền đầu tiên ở Hoa Kỳ. Nối tiếp Thiền sư Soyen Shaku, là vị Thiền Sư nổi tiếng Daisetz Teitaro Suzuki, môn đệ của Soyen Shaku, tác giả của bộ sách có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội Hoa Kỳ là bộ Thiền Luận (Essay in Zen Buddhism) được ấn hành tại Hoa Kỳ năm 1927. Bộ Thiền Luận 3 cuốn này đã được Trúc Thiên và Tuệ Sỹ dịch và xuất bản 1972 tại miền Nam Việt Nam. Suzuki Daisetsu Teitarō, là người Nhật, một học giả nổi tiếng. Người đã góp công rất nhiều trong việc truyền bá Thiền tông sang Tây phương.
Vài năm sau, giáo sĩ uyên thâm Anagarika Dharmapala cũng đến Hoa Kỷ. Ông nói tiếng Anh là chính và bắt đầu hoằng pháp tại các tiểu bang như New York, Chicago, San Francisco, Cincinnati, Minneapolis, Lowa, California, District of Columbia. Đề tài đầu tiên được Ngài tuyên thuyết là “Sự hòa giải của Phật giáo và Ki Tô giáo” (Reconciliation of Buddhism and Christianity) đã đi sâu vào lòng dân chúng Hoa Kỳ qua truyền thông báo chí. Đại lễ Phật Đản đầu tiên được ngài Dharmapala tổ chức tại Hoa Kỳ với ba mươi bảy ngọn nến (tượng trưng cho 37 phẩm trợ đạo) được thắp sáng. Ngài qua đời 1933.
II. Phật Giáo Tại Hoa Kỳ: Lịch Sử và Phát Triển
Phật Giáo thực sự bắt rễ vào Hoa Kỳ vào khoảng giữa thế kỷ thứ 19 qua giới văn nghệ sĩ trí thức như Henry David Thoreau (1871-1862), nhà thơ Ralph Waldo Emerson (1803-1882), và thi hào Walt Whitman (1819-1892). Năm 1844, nhà văn, nhà thơ và cũng là một triết gia Henry David Thoreau, dịch một chương Kinh Pháp Hoa sang tiếng Anh đầu tiên, đó là “Diệu Pháp Bạch Liên Hoa Kinh” (White Lotus Of The Good Law). Cùng năm đó, bài phát biểu của Edward Salisbury tại Đại học Yale về Phật giáo trong hội nghị thường niên của Hội Đông Phương Mỹ đã tác động mạnh mẽ vào văn học Hoa Kỳ.
Người Phật Tử Hoa Kỳ đầu tiên là Đại Tá Hải Quân Henry Steel Olcott (1832-1907). Ông thọ trì tam quy, ngũ giới với Thượng Tọa Bulatgama tại chùa Wijayananda, Tích Lan có sự hiện diện của hàng ngàn chư Tăng, Ni, Phật Tử. Sự quy y của ông đã gây xúc động mạnh mẻ cho những Phật Tử đã chứng kiến, vì đây cũng là lần đầu tiên Giáo Hội Tăng Già Tích Lan làm lễ quy y cho một người Phật Tử Âu Mỹ.
Ông có công lớn nhất trong công cuộc chấn hưng Phật Giáo Tích Lan. Giáo sĩ Phật học uyên thâm Anaragika Dharmapala người Tích Lan, môn đệ của Olcott, đã khôi phục nền Phật Giáo Ấn Độ ngày 21-1-1891, và cũng từ đó dần dần Phật Giáo được truyền bá sang phương Tây, rồi lan tràn khắp thế giới.
Đại Tá Henry Steel Olcott cũng là người sáng chế ra lá cờ Phật Giáo, được Tích Lan công nhận năm 1889, nhưng mãi đến 61 năm sau mới được Đại Hội Phật Giáo Thế Giới tại Tích Lan (Sri Lanka) công nhận là cờ Phật Giáo Thế Giới vào năm 1950. Năm màu của lá cờ Phật giáo được mang những ý nghĩa riêng trong đạo Phật và cũng tượng trưng cho tinh thần đoàn kết của Phật giáo trên toàn thế giới.
Tổ chức Phật Giáo đầu tiên có ảnh hưởng rộng lớn tại Hoa Kỳ là Hội Thông Thiên Học Phật Giáo (Buddhist Theosophical Society) được thành lập vào năm 1875 tại New York bởi hai vị Nam Phật Tử Henry Steel Olcott và Nữ Phật Tử Petrova Blavatsky.
Đây là một tổ chức có người chống, người không, vì họ cho Phật Giáo không có liên quan đến Thông Thiên Học. Tuy nhiên đó là tổ chức Phật Giáo đầu tiên tại Hoa Kỳ và tổ chức này đã nhanh chóng gây được sự chú ý của giới trí thức. Cùng với sự nỗ lực của Olcott và Blavatsky, các thành viên quan trọng khác có công truyền bá trong giai đoạn đầu ở đất nước này phải được kể đến như R. W. Emerson, W. Whitman (người Mỹ); A. Dharmapala (người Tích Lan); Soyen Shaku (người Nhật); Paul Carus (người Đức). Sự nghiệp truyền bá và chấn hưng Phật Giáo của ông Olcott không thể nói hết trong khuôn khổ bài nầy. Không chỉ riêng ở Tích Lan, ông còn vận động để mở các trường học Phật Giáo ở các quốc gia khác như Nhật Bản, Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ.
Không thể nào quên Paul Carus (18/7/1852 – 11/2/1919), người chủ chốt trong việc giới thiệu Phật giáo với người Tây Phương. Mặc dầu ông sinh tại Đức, nhưng sinh sống tại Hoa Kỳ. Ông là một trong hai người đã tổ chức Đại Hội Thế Giới Tôn Giáo năm 1893. Ông tốt nghiệp Tiến sĩ trường Đại Học Tübingen, Đức năm 1876 và cũng là một nhà Triết học, làm chủ bút 2 tờ báo lớn thời đó và tác giã của 75 quyển sách và 1500 bài báo. Ông dịch nhiều tài liệu Phật giáo từ Suzuki Teitaro Daisetz và là một cảm tình viên mạnh mẽ của tư tưởng Phật giáo.
Phật Giáo Hoa Kỳ thực sự phát triển và gây ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội chỉ xảy ra vào đầu năm 1960. Sự tiếp nối và phát triển đó là nhờ có nhiều nhà truyền giáo từ châu Á sang như Đại sư Suzuki, Lạt ma Thubten Yesbe, Hòa Thượng Seon Sanim, Hoà Thượng Thiên Ân, Thiền Sư Nhất Hạnh, Hòa Thượng Tuyên Hóa, Kalu Rinpoche. Phật giáo ở Hoa Kỳ đã phối hợp nhiều nhánh của Phật giáo như mang tính chất Hợp Chủng Quốc của đất nước đang ngự như Theravada (Nguyên Thủy), Mahayana (Đại Thừa) và Vajrayana (Kim Cương Thừa).
Năm 1967, nhiều Trung tâm Thiền học mọc lên, đặc biệt là tiểu bang California. Hầu hết hội viên của các trung tâm này đều là giới trí thức, giới thượng lưu, giàu có, và những người có quyền thế trong xã hội. Họ kết hợp những kiến thức nghiên cứu từ nền văn minh Đông-Tây cùng với pháp môn thiền Phật Giáo để tạo nên một lối tu riêng cho mình. Người có chủ trương này là một tăng sĩ người Hoa Kỳ Roshi Philip Kapleau. Ngài xuất gia theo truyền thống của Phật Giáo Nhật và cũng là tác giả của hai tác phẩm nổi tiếng là “Ba Trụ Thiền” (Three Pillars of Zen) và “Thiền, ánh bình minh ở phương Tây” (Zen, Dawn in the West).”
Cũng trong năm 1967, một trung tâm Thiền Học Quốc tế được thành lập tại California do một tăng sĩ người Việt, Hòa thượng Thích Thiên Ân khởi xướng. Trung tâm này thu hút đông đảo giới trẻ Mỹ đến học và hành thiền. Đến năm 1973, HT Thiên Ân còn kết hợp với các nhà giáo dục Hoa Kỳ, Nhật, Triều Tiên, Tây Tạng, Tích Lan để sáng lập Trường Đại học Đông phương (University of Oriental Studies).
Riêng Phật giáo Việt Nam ở Hoa Kỳ bắt đầu phát triển mạnh từ 1992 đến nay. Họ bắt đầu xây dựng chùa chiền, phát tâm cúng dường, đi hành hương những danh lam thắng cảnh có liên quan đến Phật Giáo như Tứ Động Tâm ở Ấn Độ, in sách, làm báo, CD, DVD, Internet websites v.v…. Ba Phật Học Viện điển hình của Phật Giáo Việt nam trên Hoa Kỳ là: Phật Học Viện Quốc Tế Nam California, Chùa Đức Viên Bắc California, Chùa Tịnh Tâm ở Tennessee.
III. Phật Giáo Thực hành ở Hoa Kỳ:
Tịnh Độ Chân Tông: Thành lập ở San Francisco vào cuối thế kỷ 19. Thập niên 1960-1970 là giai đoạn tăng trưởng và đã rất thành công. Tuy nhiên, kể từ năm 1980 đã xuống. Phát triễn nhiều ở Hawaii, có 36 ngôi chùa.
Nhật Liên Tông: vào nước Hoa Kỳ khoảng thế kỷ 20. Được sự ủng hộ của nhiều chủng tộc. Niệm “Namu-myoho-renge-kyo” (Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh). Không áp dụng Thiền, nhưng cũng được nhiều người giàu có như Tina Turner, Herbie Hancock, và Orlando Bloom ủng hộ.
Thiền:
Thiền là phần thực hành rộng rãi và phổ biến nhiều hơn những nhánh khác. Theo thống kê, số người Hoa Kỳ đổi qua đạo Phật chiếm nhiều nhất. Phần lớn số người này đều muốn hành thiền để nếm được sự lợi lạc hiện thực vì họ không muốn tôn thờ thêm một Thượng đế khác. Tịnh độ không được phát triển mạnh ở Hoa Kỳ vì những người Hoa Kỳ này cho rằng Phật A-Di-Đà và Thế giới Tịnh Độ giống như Thượng Đế và Thiên Đàng của Ki Tô giáo.
Thiền Thực Hành của Phật Giáo được thông qua những nhánh chính thống sau:
–Thiền Nhật Bản: Phát triển liên tục và rộng rãi vào quần chúng vì họ không cần một giáo sĩ. Cư sĩ vẫn có thể học thiền và trở thành những nhà hướng dẫn thiền ở những trung tâm Thiền học nổi tiếng. Vì mang tính chất bình đẳng nam nữ của người Tây Phương, nhiều nữ cư sĩ đã trở thành Thiền sư như Merle Kodo Boyd là người phụ nữ Hoa Kỳ gốc Phi đầu tiên được truyền ấn pháp trong Thiền Phật giáo năm 2006 và Taitaku Pat Phelan trở thành Sōtō Zen linh mục và tu viện trưởng hiện tại của Trung Tâm Chapel Hill Zen Center in Chapel Hill, Bắc Carolina, 2000.
–Thiền Tây Tạng có nhiều dòng, Dòng Gelug-pa: do Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 hướng dẫn có Robert A. F. Thurman, tu sĩ Hoa Kỳ đầu tiên của Phật Giáo Tây Tạng. Ra đời năm1967, hiện tại là người ủng hộ đức Đạt Lai Lạt Ma, giúp duy trì trung tâm trung ương Phật Giáo ở Namgyal Monastery ở Ithaca, New York. Ông là Tiến Sĩ trường Harward và là người chơi Violon trong ban hòa tấu Detroit Symphony Orchestra. Dòng Kagyu-pa (Karma Kagyu) hướng dẫn bởi Karmapa, thịnh nhất khoảng 1990 ở Mỹ. Vị Lạt ma Tây Tạng Phật giáo nổi tiếng nhất đã sống ở Hoa Kỳ là Chögyam Trungpa. Ông thành lập trung tâm thiền Pháp Giới (Dharmadhatu), sau này trở thành Shambhala quốc tế. Dòng Nyingma (Cổ Mật) ngày càng mạnh, hướng dẫn bởi cả giáo viên phương Tây và Tây Tạng. Jetsunma Ahkon Lhamo là người phụ nữ phương Tây đầu tiên được tấn phong như một Tulku, và thành lập những trung tâm thiền học tại Arizona, Poolesville và Maryland.
–Thiền Vipassana (Thiền Minh Sát): Phát xuất từ Thiền Nguyên Thủy, được phổ biến từ Tích Lan, ảnh hưởng của ngài Anagarika Dharmapala. Năm 1965, các nhà sư từ Tích Lan (Sri Lanka) đã thành lập trung tâm Washington Phật giáo ở Washington, DC. Đến năm 1974, Goldstein, Kornfield và Salzberg, trở về từ Calcutta, cùng với Jacqueline Schwarz, thành lập Hội Thiền Minh Sát khoảng 80 mẫu Anh (324,000 m²) gần Barre, Massachusetts. Tuy nhiên về sau nhánh Thiền này lại được phát triển mạnh hơn ở Hoa Kỳ là nhờ những cư sĩ người Mỹ qua Tích Lan học và về dạy lại, trong đó có Jack Kornfield, một tu sĩ người Hoa Kỳ ra đời, nhưng vẫn tiếp tục con đường Phật Học. Ông thành lập trung Tâm Thiền ở Spirit Rock Meditation Center, ở Marin County. Goenka cũng là người nổi tiếng dạy Thiền Vipassana, và có nhiều trung tâm trên thế giới.
–Thiền Trung Hoa: Nổi tiếng mạnh mẽ là nhờ Thiền sư giác ngộ Hòa Thượng Tuyên Hóa (Hsuan Hua) đã dọn đến vùng San Francisco’s Chinatown năm 1962. Bên cạnh dạy Thiền, ngài còn dạy Tịnh Độ, Thiên Thai Tông (Tiantai), Giới (Vinaya), và Kim Cang Thừa (Vajrayana). Nhánh Thiền này không phát triển nhiều vào xã hội Hoa Kỳ.
–Thiền Việt Nam: Nổi tiếng nhờ 2 Hòa Thượng Thích Thiên Ân và Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. Hai ngài đã mang Thiền vào xã hội Hoa Kỳ và được nhiều người biết đến. Hòa Thượng Thiên Ân đã viên tịch sớm nên phạm vi của ngài còn nhỏ hẹp, phần lớn là chung quang Los Angeles, California, nơi ngài là Giảng Sư của trường Đại Học nổi tiếng UCLA. Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã mang Thiền đến cho mọi người trên thế giới. Ngài thành lập 3 trung tâm Thiền cở lớn ở Hoa Kỳ là Deer Park Monastery ở Escondido, California, Blue Cliff Monastery ở Pine Bush, New York, và Magnolia Grove Monastery ở Batesville, Mississippi.
Kết Luận:
Đại Hội Tôn Giáo Thế giới năm 1893 đã mở cửa đón chào Phật giáo vào Hoa Kỳ. Số lượng người Hoa Kỳ đổi đạo qua Phật giáo khoảng 1.300.000, gần như một nữa của tổng số Phật tử Hoa Kỳ, phần lớn họ thực hành Thiền. Hoa Kỳ có đầy đủ phương tiện truyền thông, nên Phật giáo dễ dàng phát triển. Phật Giáo Hoa Kỳ có nhiều phụ nữ nắm giữ vị trí lãnh đạo hơn Á Châu. Họ gần như bác bỏ lối sống ở chùa, nên phần lớn tu sĩ người Hoa Kỳ ra đời, lập gia đình và có một đời sống bình thường, mặc dù vẫn còn sinh hoạt ở chùa. Đối với người Hoa Kỳ, Phật giáo quan tâm đến đời sống hạnh phúc của nhiều người, nhất là những người đang đau khổ. Và điều đáng chú ý hơn nữa, người Hoa Kỳ có thể tập Thiền ở nhà mà không bị ai quấy rầy, đặc điểm này nói lên sự tự do về tinh thần cũng như tâm linh. Riêng Phật tử Việt Nam ở Hoa Kỳ vẫn còn mang nặng văn hóa Việt, thờ cúng ông bà tổ tiên, ăn chay, cúng dường để tạo công đức, tụng kinh để chết vãng lai cực lạc, nhưng không thực hành thiền tích cực như Phật Tử Hoa Kỳ.
California, Những ngày cuối năm 2016
Tài Liệu tham khảo:
- Dramatic Growth of American Buddhism: An Overview by Kenneth K. Tanaka
- The Best Kept Secret of Buddhism: Shin Buddhism in America by Alfred Bloom
- Tại sao Phật Giáo lại trở thành một tôn giáo Á Châu và tại sao ngày nay lại đặt chân vào thế giới Tây Phương? By Fabrice Midal – Hoang Phong chuyển ngữ
- http://daovanbinh.cattien.us/?p=38
- Giáo dục Phật Giáo ĐI TÌM MỘT PHẬT GIÁO MỸ – Ký giả Linda Heuman (Providence, RI) phỏng vấn học giả Phật học Charles Prebish
- The Direction of Buddhism in America today-http://www.urbandharma.org/udharma5/tension2.html
- https://worldreligionnews.wordpress.com/2012/10/26/cultural-arts-review-buddhism-in-the-simpsons/
- http://www.huffingtonpost.com/candy-gunther-brown-phd/mindfulness-stealth-buddh_b_6243036.html
- http://content.time.com/time/magazine/article/0,9171,136680,00.html
- Năm Mươi Năm Phật Giáo Việt Nam Tại Mỹ – Monday, January 18, 2016 – Huynh Kim Quang
- http://www.tuvienquangduc.com.au/Danhnhanvn/htthichthienan.html – Thich Đồng Bổn
- Buddhism In America: What Is The Future? By Jaweed Kaleem National Race and Justice Correspondent, Los Angeles Times
- (Theo tài liệu của The Pew Forum: Asian Americans: a mosaic of faiths – Poll 7/19/12) http://www.pewforum.org/Asian-Americans-A-Mosaic-of-Faiths-overview.aspx
- http://www.dharma.org/joseph-goldstein
- Vietnamese Buddhism in America by Quang Minh Thich
- Phật Gíao Đại Chúng – Thích Nguyên Tạng dịch từ tài liệu VG NAIR, Realist Buddhist Malaysia, 1992
Discussion about this post