“CON ĐƯỜNG ĐỘC NHẤT ĐƯA TỚI NIẾT BÀN”
CỦA TÁC GIẢ NHƯ KHÔNG
Trước hết xin tri ân những gì tác giả Như Không đã gửi bài viết rất hay tới cho đọc giả những người đang tu học, đang thực hành, đang tìm hiểu, những phật tử tại gia hay các vị xuất gia có cái nhìn sâu sắc về “tứ niệm xứ là con đường độc nhất đưa tới niết bàn” theo ý tác giả. Và thực hành tứ niệm xứ thông qua các bốn phép quán, quán thân thọ tâm pháp, từ phép quán thì hành giả sẽ nhìn rõ thực tướng của các pháp vốn không có thật ngã, không thực có ta người năng sở, từ đó giải thoát sự buộc ràng của phân biệt chấp trước, về sự chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Từ đó đưa tâm về tâm vô ngã nhằm đạt sự giải thoát.
Nhưng có điều là tựa đề mà tác giả viết là “con đường độc nhất đưa đến niết bàn” nên sửa là “con đường đưa tới Niết Bàn” mà thôi, và phần cuối bài tác giả phân tích so sánh giữa các pháp môn và thiền minh sát tuệ, mà cụ thể là tứ niệm xứ thì chưa đầy đủ và có cái nhìn khách quan chưa sâu sát. Và thiền minh sát, mà cụ thể là tứ niệm xứ đó là con đường mà tác giả đang đi, đang tu tập nên rất đề cao. Đúng ra tác giả nên ghi lợi ích của việc hành trì tứ niệm xứ, không nên so sánh các pháp với nhau vì “tùy bệnh cho thuốc” nên thuốc nào cũng tốt miễn trị đúng bệnh, đừng nên gán ghép cho thuốc đau bụng trị đau đầu là đúng chẳng hạn.
Pháp của Phật cũng vì chúng sanh có nhiều bệnh Tâm khác nhau nên chia ra nhiều pháp khác nhau, nhưng chung quy cũng quy về chữ ” Tâm” mà thôi.
Thiền minh sát tuệ trong thực hành tứ niệm xứ chỉ là một pháp thiền trong nhiều pháp Đức Phật truyền trao. Khi mà tác giả giải về pháp môn thiền đốn ngộ, Pháp Môn Niệm Phật hầu như chung chung chưa hiểu thế nào là pháp môn niệm Phật, sự linh ứng, sự kỳ diệu trong pháp môn niệm Phật thì chỉ có người tinh tấn hành trì mới hiểu được.
Pháp môn tịnh độ lấy tín, nguyện , hạnh làm ba pháp ấn tu tập. Niệm niệm chơn tâm, không gián đoạn, nhất tâm bất loạn, định tâm trong cảnh giới câu danh hiệu niệm Phật. Tự lực tự tha, nhờ oai lực của chư Phật và bồ tát nên đã có rất nhiều người tu đã thành đạo, giải thoát khi vẫn còn nghiệp (còn gọi là đới nghiệp vãng sanh). Và rất nhiều tư liệu, nhiều người đã chứng kiến sự vi diệu sự tiếp dẫn vãng sanh của chư Phật, chư đại bồ tát ( Phật A Di Đà, bồ tát Quan Thế Âm, bồ tát Đại Thế Chí).
Còn về thiền đốn ngộ, Đốn là nhanh, là chặt bỏ, cắt đứt là tức khắc. Cắt đứt phiền não tức thì, giải thoát nội Tâm, làm cho Tâm thanh tịnh thông qua “ngộ tánh”. Ngay tại lúc nói lúc hỏi lúc làm thì cái “Ngộ” xuất hiện. Ngộ là sự hiểu biết, nhận biết không thông qua tư duy nghĩ suy mà là cái hiểu cái biết của chân Tâm diệu dụng. Khi tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ qua Trung Quốc truyền giáo, thì pháp môn đó là Thiền Đốn Ngộ hay còn gọi là kiến tánh pháp môn. Và tông chỉ là “bất lập văn tự, kiến tánh thành Phật”. Truyền đến lục tổ Huệ Năng thì thiền đốn ngộ phát huy rực rỡ trong việc truyền bá và hành đạo. Giải thoát thông qua trực diện nhân Tâm, thấy Tâm không sinh diệt, tâm xưa nay vẫn như vậy không thay đổi, tâm rộng lớn thênh thang đồng tâm chư Phật, tâm an tĩnh vô vi, không bị động niệm nơi trần cảnh, nơi niệm tưởng, nơi hành động, nơi thế gian pháp.
Còn về ” vạn pháp duy tâm” là tâm khi khởi ý niệm ác thì mỗi một ý niệm ác là một pháp, mỗi một hành vi ác là một pháp…hay như tâm khởi ý niệm thiện, mỗi một ý niệm thiện là một pháp, mỗi một hành vi thiện là một pháp..v.v… Như vậy tất cả đều là pháp , tùy tâm khởi mà có các pháp khác nhau. Nhưng thiện pháp hay ác pháp do Tâm mà ra. Tâm là chủ, tâm tạo tác. Nếu khi niệm ác hay niệm thiện khởi lên mà ngay lúc đó “không tâm”, là tâm không phân biệt, không vọng động, không chấp thì các pháp đó đều là phật pháp. Phật pháp là pháp giác ngộ, pháp thanh tịnh quy về bổn tánh chân như, chân như phật tánh, phật tánh diệu dụng là cuội gốc của Đạo.
Còn thêm pháp môn nữa mà trong đó tác giả Như Không chưa đề cập, đó là pháp môn Mật tông. Mật tông lấy gia trì thần chú làm pháp ấn. Khi tâm nguyện lực càng định, càng sâu thì năng lực chú mầu nhiệm vô cùng. Mà chỉ “ai tu mới biết, ai thấy mới tin, ai thành tựu mới rõ” mà thôi.
Như vậy, ta thấy có rất nhiều con đường dẫn tới Niết Bàn giải thoát , quan trọng là hành giả “tâm tương ứng” hợp với pháp nào mà chuyên siêng năng hành trì, tinh tấn tu tập thì sẽ có ngày thành tựu.
Có câu được ý hãy quên lời, không nên chấp vào ngôn từ, phật pháp vi diệu cứu cánh hết thảy chúng sanh. Và trí tuệ sáng trong tĩnh lặng, giải thoát nào cũng quy về Tâm. Để biết đúng hay sai phải dùng cái trí không phân biệt cùng cái Tâm tĩnh lặng sẽ thông suốt.
Kính chúc tác giả Như Không cũng như toàn thể gia đình Phật tử một mùa Phật đản an khang sức khỏe, tinh tấn hành Đạo, tâm an ý bình.
Bài đọc thêm:
Con Đường Độc Nhất Đi Đến Niết Bàn (Như Không)
Vài Lời Ghi Chú Khi Dịch Kinh Chú Tâm Tỉnh Giác (kinh Niệm Xứ) (Dịch giả: Hoang Phong)
Satipaṭṭhāna Con Đường Thẳng Tới Chứng Ngộ & Nghiên Cứu Đối Chiếu với các bộ A Hàm
Discussion about this post