Thời ấy, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ … Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng.
May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Phu Tử nên đem biếu thầy trò một ít gạo… Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn việc thổi cơm thì Khổng Tử giao cho Nhan Hồi – một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt rất nhiều kỳ vọng. Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.
Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở phía dưới nhà bếp, còn Khổng Tử thì đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.
Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống… thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm rồi cho vào tay và nắm lại từng nắm… Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, dừng chốc lát… rồi từ từ đưa nắm cơm lên miệng…
Nhìn thấy hành động của đệ tử, trong suy nghĩ của Khổng Tử cảm thấy thất vọng và thở dài, ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Trò yêu của ta lẽ nào lại ăn vụng thầy, vụng bạn thế sao? Còn đâu lễ nghĩa, đạo lý? Bao kỳ vọng đặt vào nó thế là đổ sông, đổ biển cả rồi!”.
Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về… Nhan Hồi lại luộc rau… Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ…
Một lát sau rau chín, Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xới cơm.
Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước …
Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa com đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy… cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?
Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”
Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”
Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”
Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”
Nhan Hồi thưa: “Dạ, khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi … nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình trung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em … Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi … bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và … thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!”
Nghe Nhan Hồi nói xong, hiểu rõ ràng sự việc, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”
Sau khi tôi xuất gia học đạo, trong suốt khoảng thời gian sống và làm việc cùng đại chúng, mỗi ngày đều được Sư Phụ dạy cho những bài học đạo lý vô cùng ý nghĩa và có lợi ích đối với sự tu hành của tôi, cũng như đại chúng. Câu chuyện “Nồi cơm của Khổng Tử” tôi được nghe Sư phụ dạy trong một buổi điểm tâm sáng, và khi nghe Sư Phụ kể vắn tắt nội dung đã khiến tôi rất tò mò muốn tìm hiểu trọn vẹn nội dung câu chuyện nên đã tìm đọc cũng như cảm nhận sâu sắc bài học đạo lý mà Sư phụ đã dạy, cũng chính những bài học đó đã giúp cho tôi hoàn thiện hơn về nhận thức, cách ứng xử trong cuộc sống cũng như khi xử lý công việc. Tôi hiểu được rằng, để mọi công việc được thành công viên mãn thì tất cả đều là nhờ sự giúp đỡ hỗ trợ tận tâm tận lực từ đại chúng thế nên cung cách đối xử với từng người và sự tin tưởng của mình đối với những người nhiệt tình phụ giúp chúng ta là điều rất quan trọng.
Tục ngữ có câu “Nhãn kiến vi thực” (mắt nhìn thấy thì mới là thật), con người ta thường chỉ tin tưởng vào những gì mình tận mắt thấy. Nhưng ở đời lại không đơn giản như thế, những thứ dù chính mắt ta thấy, chính tai ta nghe cũng chưa chắc đã là sự thật. Mọi thứ thường có sự tình uẩn khúc bên trong. Nếu chỉ nhìn bằng cặp mắt trần này mà không có sự tìm hiểu thấu đáo và nhận định đúng đắn ở các khía cạnh khác nhau của sự việc thì chúng ta vẫn có thể mắc phải sai lầm, cho dù đó là thánh nhân như Khổng Phu Tử đi chăng nữa.
Khổng Tử nhìn thấy Nhan Hồi ăn vụng cơm thì quả là một việc quá trái đạo lý. Bình sinh ông luôn dạy học trò giữ gìn nhân nghĩa, lễ tiết, kính trên nhường dưới. Bỗng dưng thấy người học trò ưu tú nhất của mình làm một chuyện đáng hổ thẹn như vậy ắt không khỏi đau lòng, thất vọng. Nhưng Khổng Tử cũng ứng xử rất khéo léo, ông không vội vàng quy kết, mắng phạt Nhan Hồi, mà lại mượn một lý do khác ý muốn để Nhan Hồi có cơ hội tự nói ra cái lỗi của chính bản thân, cũng như muốn xem người đệ tử của mình thể hiện như thế nào.
Câu chuyện “Nồi cơm của Khổng Tử” đã dạy người ta một bài học thấm thía về cách nhìn người, nhìn vật. Đừng vội vàng đánh giá người khác chỉ qua hành động bề ngoài, đừng nhìn nhận họ bằng con mắt thường. Muốn thấu hiểu họ, hãy nhìn bằng cái tâm, bằng sự chánh niệm tìm hiểu thấu đáo về họ. Hãy dùng sự từ bi xuất phát từ thẳm sâu trong bản tâm thiện lương của chúng ta nhìn nhận mọi người, mọi việc cũng chính là để giúp chúng ta có thể bao dung hết thảy, dù cho đó là người mắc phải sai lầm, người không tốt hay thậm chí là kẻ thù.
Nhân Duyên
.
Discussion about this post