CỦA PHẬT GIÁO TRUNG QUỐC
Pháp sư Tịnh Nhân (凈因法師) – Thích Nguyên Hiệp dịch
Trong suốt thời kỳ Đại Cách mạng Văn hoá (1966 -1976), Phật giáo Trung Quốc đã hứng chịu một thảm họa kinh hoàng: chùa chiền bị triệt phá, đất chùa bị chiếm dụng, và tăng ni bị đẩy đến các nông trường. Tuy nhiên sau đó vào năm 1979, Đặng Tiểu Bình đã thực hiện một chính sách cải tổ kinh tế và hiện đại hoá, mở cửa với thế giới – một chính sách đưa đến sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, giúp Trung Quốc trở thành một năng lực kinh tế mạnh mẽ của thế giới và sau đó gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001. Trong suốt thời kỳ cải cách thị trường đó, Phật giáo đã có sự hồi sinh rõ rệt. Theo ước tính, cuối năm 2003, có hơn 13,000 chùa viện đã được đưa vào sinh hoạt trở lại. Hội Phật giáo Trung Quốc ước tính rằng hiện có khoảng 180,000 tăng ni ở Trung Quốc. Trong số này, 120,000 thuộc các tổ chức Phật giáo Tây Tạng và hầu hết đều ở Tây Tạng, cũng như những khu vực thuộc Tây Tạng ở Tỉnh Tứ Xuyên và Thanh Hải. Trung Quốc cũng có khoảng 8,000 tăng sĩ theo Phật giáo Theravada, hầu hết sống ở miền Nam tỉnh Vân Nam. Phần lớn trong số 50,000 ngôi chùa là thuộc Phật giáo Đại thừa, rãi khắp Trung Quốc. Trong số 34 trường Phật học thì có đến 26 trường thuộc truyền thống Phật giáo Đại thừa Trung Quốc, sáu trường thuộc các tổ chức Tây Tạng, và hai trường thuộc truyền thống Theravada. Chính sách vô thần không khoan nhượng tôn giáo dường như đang dần được nới lỏng, và các Phật tử đang đón nhận một thời kỳ phục hoạt và hồi sinh.
Trong khi hoàn cảnh chính trị mà những Phật tử Trung Quốc hứng chịu đã được nới lỏng đáng kể trong 20 năm qua, các hội Phật giáo Trung Quốc hiện giờ đang đối mặt với những thách thức khốc liệt do cải cách thị trường, hiện đại hoá và mở cửa kinh tế gây ra. Từ một cái nhìn từ bên ngoài, dường như rằng các chùa viện bây giờ đang đóng chức năng như “những cổ máy làm tiền”, và cạnh tranh trong những lĩnh vực kinh tế quốc doanh và tư nhân nhằm tìm lấy lợi tức cần thiết để tiếp tục sự vận hành của chúng. Từ cái nhìn bên trong Phật giáo, cho thấy rằng nhiều tăng ni đã dành quá nhiều thời gian và năng lực vào việc kiếm tiền, và dành quá ít thời gian, hoặc không có thời gian để tu học và giảng dạy Phật pháp. Theo Triệu Phác Sơ (赵朴初), cựu chủ tịch Hội Phật giáo Trung Quốc:
“Một số người không kiên định với tôn giáo của họ, xem nhẹ giới luật và tu tập. Những người này đang săn đuổi tiền tài và danh vọng, sống một đời sống xa hoa và đồi bại. Nếu điều này tiếp tục không được ngăn chặn, nó chắc chắn làm nguy hại đến tiền đồ Phật giáo.”
Trong suốt thời kỳ Cách mạng Văn hoá, các tăng ni đã kiên tâm bảo vệ tôn giáo của mình, chống lại sự đàn áp thô bạo của chính quyền. Ấy vậy nhưng, ông Triệu cho rằng, động cơ kiếm tiền hiện nay có khả năng gây nên sự suy đồi và tổn hại mà nó sẽ kéo dài nhiều thế hệ.
Căn cứ vào chuỗi sự kiện được mô tả ở trên, Phật giáo Trung Quốc hiện đang đối mặt với bốn câu hỏi then chốt: (1) Phật giáo Trung Quốc đang đi về đâu? (2) Các tăng ni có thể đề kháng lại sự suy đồi do chủ nghĩa vật chất gây ra bằng cách nào? (3) Các tăng ni có thể bảo vệ sự thuần khiết và thiêng liêng của Phật giáo và duy trì các truyền thống của mình bằng cách nào? và (4) Các tăng ni có thể truyền bá giáo pháp của đức Phật và làm lợi ích xã hội bằng cách nào? Bài viết này giải thích bối cảnh và chức năng kinh tế thị trường ở Trung Quốc, và sự tác động của nó vào Phật giáo Trung Quốc. Bài viết cũng khảo sát hướng phát triển của Phật giáo ở Trung Quốc và những giải pháp thực tế mà các Phật tử hiện đang thảo luận.
Thực trạng kinh tế của các chùa viện ở Trung Quốc
Theo truyền thống, các chùa viện (ở Trung Quốc) có thu nhập từ bốn nguồn chính: (1) cho thuê đất; (2) cho thuê nhà và các bất động sản mà các tự viện sở hữu; (3) những thu nhập từ việc đáp ứng các nghi lễ tôn giáo và từ các lễ hội, cũng như thuyết pháp và những phục vụ tôn giáo khác; và (4) cúng dường từ tín đồ. Thời trước, nguồn thu nhập chính của nhiều tổ chức Phật giáo không phải từ những địa điểm du lịch bề thế (hoành tráng), mà từ đất đai của họ. Nhưng như Holmes Welch giải thích, bắt đầu từ thời điểm của những người chống tôn giáo đầu tiên vào năm 1922, cho thấy đã gia tăng khó khăn cho các chùa viện để thu tiền từ việc cho thuê mướn, khi những người thuê không muốn hoặc không thể trả. Ông kết luận rằng tình trạng kinh tế của hầu hết các chùa viện trong nửa đầu thế kỷ 20 đã bị suy thoái một cách đáng kể khi những luật lệ của nhà Thanh mà chúng ủng hộ những chủ đất dần thiên về ủng hộ những người thuê mướn, dưới những cải cách của thời kỳ Cộng hoà. Điều này buộc các chùa viện tìm đến các đoàn thể cư sĩ Phật giáo để tìm nguồn thu thay thế.
Trong suốt thời kỳ cải cách ruộng đất của đảng Cộng sản vào những năm thập niên 50 thế kỷ trước, đất đai do các chùa viện sở hữu đã bị nhà nhước chiếm dụng. Đầu thập niên 80, khi nhà nước bắt đầu hoàn trả lại tài sản cho các tổ chức Phật giáo, trong thực tế có rất ít đất đai trước đó được hoàn trả. Trong hầu hết các trường hợp, chỉ những nhà cửa và những khu đất mà những ngôi nhà đó toạ lạc được hoàn trả. Điều này có nghĩa rằng những cơ hội hiện nay để các chùa viện thu lợi tức từ những tài sản thực của họ là rất giới hạn. Thêm nữa, do vì sự tác động một thời gian dài của những chính sách vô thần, những sinh hoạt Phật giáo tại gia đã suy yếu, và rất ít người công khai thừa nhận họ là Phật tử. Do đó, thu nhập từ những công việc như đáp ứng nghi lễ và thuyết pháp cũng bị giới hạn. Vấn đề thứ ba là giới tăng sĩ ở Trung Quốc bị cấm ra đường khất thực, không giống như trường hợp ở các quốc gia Phật giáo Tích Lan và Thái Lan. Tin vui là ngày nay các Phật tử được quản lý những khu nhà và được phép thực hiện các dịch vụ; tin buồn là họ hầu như không có tiền để triển khai những thứ họ có. Do đó ưu tiên cấp bất đối với hầu hết các chùa viện là tìm mọi cách tạo nguồn thu nhập. Các chùa viện như vậy đang cố gắng tự lập về mặt kinh tế và để giảm thiểu sự phụ thuộc vào sự kiểm soát của nhà nước. Vấn đề là thực hiện điều đó bằng cách nào trong khi đồng thời duy trì được đặc tính riêng của Phật giáo.
Vào dịp kỷ niệm lần thứ 30 của Hội Phật Giáo Trung Quốc, Triệu Phác Sơ, cựu chủ tịch của Hội, chủ trương rằng các tự viện nên duy trì một sự cân bằng giữa “thực hành thiền và sản xuất nông nghiệp” để đẩy mạnh sự tự lập kinh tế. Ông đã định nghĩa việc thực hành thiền một cách bao quát, bao gồm nghiên cứu Phật học, tu học và giảng dạy; và hoạt động nông nghiệp là bất cứ hoạt đông sản xuất hay phục vụ nào mà nó làm lợi ích cho xã hội. Sau Cách mạng Văn hoá, điều đó đã chứng minh là một phương cách hữu hiệu đối với các chùa viện để khôi phục lại theo hệ thống kinh tế mới. Các chùa viện như vậy đã phát triển hệ thống kinh tế của chính nó, được xem như là “kinh tế chùa viện.”
Hiện tại, hầu hết các chùa viện tọa lạc ở những thành phố lớn và những địa điểm du lịch chính chúng trở thành những trung tâm dành cho các hoạt động du lịch. Có nhiều ngôi chùa như vậy, chẳng hạn như chùa Pháp Nguyên (法源寺) ở Bắc Kinh, có lợi thế của một ngàn năm lịch sử; những chùa khác như chùa Bao Công (包公寺) ở Tứ Xuyên và Cung điện Potala ở Tây Tạng, sở hữu những bộ sưu tập đồ sộ về những vật thể lịch sử quý giá. Còn có những địa điểm khác, chẳng hạn như những ngôi chùa toạ lạc trên Núi Nga My (峨嵋山), hưởng được phong cảnh tuyệt vời mà nó lôi cuốn hàng triệu khách du lịch mỗi năm. Bên cạnh đó còn có nhưng ngôi chùa tổ khác mà chúng đã đóng một vài trò quan trọng trong lịch sử Phật giáo – ví dụ như chùa Tê/Thê Hà (栖霞寺) ở Nam Kinh, mà nó là ngôi tổ đường của Tam Luận tông. Tất cả những chùa viện này đều nổi tiếng thế giới và cuốn hút một lượng du khách đáng kể, cũng là những địa điểm tôn giáo quan trọng. Nhiều chùa viện tự chúng mở cửa đón du khách như là những địa điểm du lịch Phật giáo để tạo nên nguồn thu nhập và để hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, song song với việc gia tăng lượng khách du lịch, các ngôi chùa đã bắt đầu lệ thuộc vào các dịch vụ kinh tế mà chúng được gọi là “những hoạt động công nghệ thứ ba”. Những hoạt động này bao gồm mở các nhà hàng chay, xây dựng các toà nhà trưng bày, cửa hàng lưu niệm, trà quán, quầy thực phẩm, tiệm chụp hình, và thậm chí khách sạn. Kết quả là, thu nhập của các chùa viện đã gia tăng đều đặn mỗi năm từ khi những chính sách về tự do kinh tế và tôn giáo được thực thi. Ví dụ, vào năm 1985, chùa Tây Viên (西園寺) ở Tô Châu đã kiếm được hơn một triệu Nhân dân tệ từ những hoạt động kinh tế của nó, mà nó bao gồm nhà hàng chay, các quầy bán nhang đèn, và một cửa hàng lưu niệm. Xin dẫn một trường hợp khác, tổng thu nhập của tu viện trên Cửu Hoa Sơn (九華山) ở tỉnh An Huy tăng từ dưới 100 ngàn Nhân dân tệ vào năm 1979 lên đến gần 10 triệu Nhân dân tệ vào năm 1992 (Thông tin từ Hội Phật giáo Trung Quốc, 2003).
Các chùa viện ở những khu vực xa xôi cũng tham gia vào công việc kiếm tiền. Điều được gọi là những hoạt động “công nghệ thứ ba” của họ bao gồm trồng cây và trồng rừng, in ấn và bán kinh sách, làm vườn, thành lập những phòng khám chữa bệnh, những cửa hàng tạp hoá, điều hành dịch vụ vận tải cùng các loại dịch vụ khác. Lấy ví dụ chùa Trung Hoa (中华 寺) ở Tỉnh Phúc Kiến, mà nó là một ngôi chùa nhỏ với khoảng 50 vị tăng. Khởi đầu vào năm 1981, nó cho thuê ba ngàn mẫu đất cho việc trồng trọt, trong số đó 9 mẫu dành trồng ngũ cốc, 120 mẫu dành cho trồng cây, 6 mẫu trồng trà, và số còn lại trồng cây ăn trái. Đến năm 1985 nó thu vào một nguồn lợi tức bao gồm 7,500 kg ngũ cốc, 300 kg trà, và 15,000 kg trái cây. Sau đó nó mở rộng thêm những hoạt động khác, bao gồm một phân xưởng may mặc, cửa hiệu, phòng khám chữa bệnh và một nhà máy gạch. Trong vòng một vài năm, chùa đã đạt được một doanh thu lớn. Nhờ đó nó xây được một Pháp đường (法堂) lớn, một bãi đậu xe, một phòng đọc kinh và các tăng phòng, mà tất cả đều được trang bị hệ thống điện nước đầy đủ (Thông tin từ Hội Phật giáo Trung Quốc, 1993).
Sự phát triển kinh tế nhanh chống này đã giúp cho các chùa viện không chỉ trở nên tự lập về mặt kinh tế, mà cũng khởi đầu cho những đề án phúc lợi xã hội ở một phạm vi rộng lớn. Ví dụ, các chùa viện ở tỉnh Quảng Đông đã chi hơn 118 triệu Nhân dân tệ cho hoạt động phúc lợi xã hội giữa các năm 1993-2002. Nổi bật trong số các chùa viện, chùa Nam Phổ Đà (南普陀寺) ở Hạ Môn đã đóng góp một khoản tiền đồ sộ 17,426,315 Nhân dân tệ cho những người nghèo khó giữa các năm 1994-2002 (Thông tin từ Hội Phật giáo Trung Quốc, 1993).
Sự phát đạt và tương đối độc lập kinh tế của các tự viện đã đóng góp nhiều cho sự phát triển của họ trên một phần tư thế kỷ qua. Tự lập kinh tế đã cải tiến đời sống tăng lữ, giúp trùng tu các chùa viện và đóng góp phúc lợi chung cho xã hội Trung Quốc. Tuy nhiên, việc trở nên giàu có cũng mang theo nó những nguy cơ mà chúng thách thức chính sự tồn vong của Phật giáo Trung Quốc.
Tác động của Kinh tế thị trường vào Phật giáo
Những vấn đề liên quan đến sự tác động của kinh tế thị trường vào Phật giáo có thể được chia thành hai loại. Loại thứ nhất có thể được gọi một cách khái quát là những vấn đề ngoại tại mà chúng phát sinh khi những viên chức nhà nước – đặc biệt là những quan chức địa phương có chức vụ thấp – xâm phạm vào các quyền lợi của chùa. Các chùa viện giàu có trở thành nạn nhân, điều thường xuyên xảy ra, và nó tạo nên một vấn đề khá nghiêm trọng ở một vài khu vực. Về loại vấn đề thứ hai, nó liên quan đến những bất đồng nội tại mà chúng phát sinh khi nhà nước trả lại tài sản cho các chùa theo chính sách tự do tôn giáo vào năm 1979.
Lấy ví dụ trường hợp của chùa Tướng Quốc (相国寺) ở Khai Phong, tỉnh Hà Nam, một trong mười ngôi chùa nổi tiếng nhất, mà được biết từ lâu như là “tuyệt vời nhất dưới bầu trời.” Chùa được xây dựng lần đầu vào năm 555 (TL), và đạt đến đỉnh điểm thịnh vượng của nó vào đời Bắc Tống (960-1126). Ngôi chùa bao gồm một khu đất rộng vào khoảng 34 mẩu, với 64 thiền đường và nhà bố-tát. Nó đã có mối liên giao với Nhật Bản từ rất sớm. Sau Cách mạng Văn hoá, Kim Diễm (金焰 1892-1991), chủ tịch Hội Phật giáo Tỉnh Hà Nam, đã khẩn khoản yêu cầu những cơ quan công quyền liên quan hãy giao nó lại cho Phật giáo. Tuy nhiên những nỗ lực của ông đã bất thành. Vào năm 1991, ông qua đời ở tuổi 99 trong căn nhà của một nông dân nghèo.
Khi những phái đoàn Phật giáo Nhật Bản mong muốn viếng thăm Chùa Đại Tướng Quốc vào năm 1988, một viên chức địa phương gửi một điện thư nói rằng, “Các vị được hoan nghênh thăm viếng Chùa Tướng Quốc như là những người tham quan thông thường, mà không phải là những Phật tử hành hương, vì các hoạt động tôn giáo không được phép ở đó (Thông tin từ hội Phật giáo Trung Quốc, 1988). Điều này tạo nên một ấn tượng xấu đối với nước ngoài, mà nó gây áp lực đối với những người nắm quyền. Sau đó, Triệu Phác Sơ, cựu chủ tịch của Hội Phật Giáo Trung Quốc, khẩn khoản yêu cầu Giang Trạch Dân, bấy giờ là chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, hãy trả nó lại vì sự phát triển của chùa Đại Tướng Quốc. Cuối cùng nó đã được trả lại cho Tăng đoàn vào năm 1992 (Thông tin của Hội Phật giáo Trung Quốc, 1992). Lý do của việc trì hoàn hẳn liên quan đến số tiền khổng lồ mà việc bán vé vào cửa đem lại. Đó là chính xác tại sao nhiều ngôi cổ tự, một số hơn một ngàn năm tuổi, bị biến thành những địa điểm du lịch hấp dẫn. Nhiều chùa viện ở Bắc Kinh nằm trong số này, chẳng hạn như chùa Giới Đài (戒台寺), chùa Ngọa Phật (臥佛寺) và chùa Bích Viên (碧園寺). Một số chùa vẫn chưa được trao trả lại cho các Phật tử, bất chấp sự thật rằng số lượng Phật tử ở Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng và các địa điểm dành cho các hoạt động Phật sự là rất ít và xa.
Tình huống nan giải khác xảy ra với một vài ngôi chùa mà chúng đã được trả lại cho các tổ chức Phật giáo. Trong những trường hợp này, một số chùa chiền vẫn còn được xem như là những địa điểm du lịch hấp dẫn và là những cỗ máy làm tiền. Một số cá nhân dường như đang điều hành chùa chiền chính yếu vì mục đích kinh tế, gây nên những khó khăn cho các Phật tử thăm viếng vì nhu cầu tâm linh thực sự. Xin đưa ra một ví dụ từ kinh nghiệm của chính bản thân tôi. Vào tháng 6-1993, tôi viếng thăm một ngôi chùa tổ của Phật giáo Thiền, chùa Thiếu Lâm (少林寺), ở trên Núi Tung. Tại chân Núi Tung, ở một quầy vé, người ta yêu cầu tôi mua vé vào cửa. Tôi giải thích rằng tôi là một tăng sĩ, nhưng điều đó không thành công. Một người đàn ông trông rất nóng nảy đã nói, “Ông phải trả tiền để vào cổng, không cần biết ông là ai. Đó là quy định.” Tôi xem điều này là một sự sỉ nhục khi một vị tăng phải mua vé để quay trở về ngôi chùa tổ của mình!
Một trường hợp khác là Chùa Phổ đà (普陀 寺) ở Tỉnh Chiết Giang, mà nó toạ lạc trên một ngọn núi nổi tiếng khác của Trung Quốc. Danh tiếng của nó bắt nguồn từ Phật giáo, và nó thực sự là một danh lam nổi tiếng khắp thế giới. Tuy nhiên, hầu hết thu nhập có được do việc bán vé vào cửa đều tuôn hết vào túi các quan chức chính quyền, những người quản lý khu vực danh lam. Những điều tương tự như vậy đang xảy ra nhiều nơi khác ở Trung Quốc.
Từ cái nhìn Phật giáo, có thể nói rằng sự phát triển kinh tế thiên lệch trong nhiều chùa viện đã khiến chúng đánh mất đi những đặc tính Phật giáo của chúng. Theo tôi biết, các du khách nhận thấy rằng cho dù chùa viện được phát triển nhanh chóng, ở đó lại thiếu đi nét đặc biệt. Các chùa viện nói chung thường mở các nhà hàng chay, nhà nghỉ, cửa hàng lưu niệm, và tiệm ăn uống giải khát. Một vài thậm chí còn mở nhà máy và điều hành công ty. Sự tác động lâu dài là, kinh tế thị trường đang làm tổn hại nghiêm trọng bản chất tôn giáo của các chùa viện. Mỗi khi các chùa viện trở thành các cơ sở kinh doanh ở quy mô lớn, thì rất khó cho họ rút ra khỏi (những hoạt động kinh doanh đó). Và mỗi khi các chùa viện trở thành những nơi chốn chính yếu dành cho du lịch, nguy cơ là năng lực của các tăng ni chính yếu phục vụ cho việc tiếp đón khách du lịch, không còn thời gian dành cho Tăng đoàn hay để tu tập.
Ngày càng nhiều người nước ngoài viếng thăm Trung Quốc mà nó là một kết quả của những cải cách nội địa gần đây và sự mở cửa tăng dần của đất nước với thế giới bên ngoài. Bên cạnh, nhiều người Trung Quốc bây giờ có đủ sức để đi du lịch bởi vì tiêu chuẩn sống ở Trung Quốc đã được cải thiện một cách đáng kể. Nhiều người bây giờ dành thời gian trong suốt kỳ nghỉ của họ để viếng thăm các ngôi chùa và tổ đường ở những ngọn núi nổi tiếng. Ví dụ, Ngũ Đài Sơn (五台山), một ngọn núi Phật giáo nổi tiếng, đã hấp dẫn nhiều du khách và người hành hương từ Trung Quốc và quốc tế. Lượng du khách từ Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan (viếng thăm Ngũ Đài Sơn) tăng từ 1,200 vào năm 1985 lên đến 1,600 vào năm 1986, và 1,900 vào năm 1987; lượng du khách nội địa cũng tăng theo tỉ lệ tương tự, từ 200,000 vào 1985 đến 240,000 vào 1986, và 330,000 vào 1987. Thời điểm vào năm 1987, có 160 vị tăng được đưa đến chùa. Sau khi dành hết thời gian và năng lực để tiếp đón khách du lịch, họ không còn chút thời gian nào để tu học.
Phương Lập Thiên (方立天) Đã nhận xét:
Thứ nhất, mỗi khi các tăng ni đã tham gia vào những hoạt động kinh tế, điều này sẽ đưa đến những thay đổi khách quan lối sống của họ. Thứ hai, những khoá tu học Phật pháp đã suy giảm ở mức độ lớn và thường xuyên. Ví dụ, ở các chùa Tây Tạng, ở đó từng có hơn 30 sinh hoạt tu học mỗi năm, và mỗi lần kéo dài vào khoảng 7 ngày, thì bây giờ những sinh hoạt tu học đã bị giảm xuống còn vào khoảng hai hoặc ba lần mỗi năm, mỗi lần kéo dài 5 ngày. Cải tổ kinh tế ở Trung Quốc cũng tạo nên một tình huống tương tự đối với các Phật tử tại gia. Bận rộn với sản xuất kinh tế và thương mại, các Phật tử tại gia không còn thời gian tham gia vào những sinh hoạt Phật giáo và rồi niềm tin vào đạo trở nên rất mỏng.
Vấn đề nghiêm trọng nhất chắc phải liên quan đến các tăng ni mà mục đích xuất gia của họ là thực hiện cúng đám để kiếm tiền. Ở một vài nơi, người ta gửi con cái vào chùa vì mục đích duy nhất là để học nghi lễ như một thứ kỷ năng kiếm tiền. Những cuộc điều tra không chính thức cho biết, một số tăng sĩ trẻ xem việc nghiên cứu Phật học là hoang phí thời gian, trong khi xem việc học nghi lễ để cúng đám là thực tiễn!. Điều này góp phần thêm cho vấn đề thiếu nhân lực đang tồn tại ở trong Phật giáo.
Việc quá nhấn mạnh vào phát triển kinh tế của các chùa viện đã tạo nên một sự tác động to lớn vào Phật giáo Trung Quốc. Một mặt, nó đã cải tiến được cơ sở hạ tầng và thu nhập cho các tự viện, cũng như gia tăng vị trí xã hội và giá trị của Tăng đoàn. Nhưng mặt khác, nó gây nên một sự suy thoái ở trong chính Phật giáo bởi vì đã đưa chùa viện ra xa những thực hành Phật giáo, và hướng chúng đến công việc kinh doanh kiếm tiền thế tục. Đây là một thách thức nghiêm trọng mà các Phật tử Trung Quốc hiện nay đang đối mặt.
Cải cách nghiên cứu Phật học ở Trung Quốc
Về phương diện lịch sử, ở Trung Quốc, Đạo Phật cho thấy đã có sự khác nhau trong nội dung và pháp môn tu học vào những thời kỳ lịch sử khác nhau. Đức Phật được nói là đã đạt được giác ngộ dưới cội Bồ đề với việc nhân ra “Niết-bàn diệu tâm” mà nó phi sắc tướng. Do đó, giáo pháp đức Phật siêu việt những giới hạn suy nghĩ, ngôn từ, sắc tướng và sự miêu tả thế tục: nó không thể nắm bắt được bằng ngữ ngôn, hay dễ dàng truyền trao đến những người mà tâm thức còn đầy dẫy những tham, sân, si và những tham muốn tiêu cực. Đức Phật bắt đầu giảng dạy giáo pháp sau khi có lời thỉnh cầu mong giáo pháp được truyền bá để giải thoát khổ đau của chúng sanh, và như vậy mục đích chính của giáo pháp là để giải thoát con người khỏi vòng sanh, lão, tử và khổ. Do đó, đặc tính quan trọng của giáo pháp đức Phật là sự nhấn mạnh vào việc phân tích thế giới hiện tượng và những phương pháp thực hành cho việc đoạn trừ khổ đau, thay vì chỉ nghiên cứu triết học trừu tượng. Mục đích là để giúp chúng ta nhận thức được bản chất thật của khổ, sự cần thiết và tính khả thi của việc giải thoát ra khỏi khổ đau ấy. Do đó, chúng ta có thể nói rằng người Phật tử nên được hướng đến những ứng dụng thực tiễn, chứ không phải là những lý thuyết suông.
Tuy nhiên, tình trạng lịch sử Phật giáo ở Trung Quốc đã tạo dấu ấn bằng việc chuyển dịch kinh điển và thiết lập tông phái tập trung vào những dòng truyền của các tổ sư, những người chuyên vào một vài bộ kinh nào đó và những học thuyết mà họ đã truyền trao…
Giáo thuyết và những pháp môn tu tập của các bộ phái do các vị thầy và tổ sư khác nhau giảng dạy đều được đặt cơ sở trên những gì đức Phật đã dạy, đáp ứng nhu cầu của những hạng người khác nhau vào những thời điểm lịch sử khác nhau. Đó là căn nguyên của sự sai khác nơi những giáo thuyết được thực hành trong suốt những thời kỳ lịch sử cụ thể. Một bộ phái có những diễn đạt riêng của nó, khớp với những nhu cầu của thời đại; và mỗi bộ phái dần dần trở thành một truyền thống. Tuy nhiên, bất cứ bộ phái nào tuyên bố rằng mình là chân lý tuyệt đối, là phổ quát và vĩnh cữu, thì đang xuyên tạc cái nhìn đầu tiên của đức Phật: rằng giáo lý phải linh động và khế hợp với những nhu cầu và những căn cơ khác nhau.
Những Phật tử Trung Quốc hiện thời đang sống trong bóng tối của những tranh luận. Nhiệm vụ của họ là chọn lựa trong số di sản đồ sộ của các trường phái khác nhau của Phật giáo Trung Quốc, những gì là thích hợp để đổi mới Phật giáo và thích ứng nó với bước tiến nhanh chóng của sự phát triển xã hội. Đó là một nhiệm vụ phức tạp và quan trọng. Phật giáo đáp ứng được nhu cầu xã hội chỉ khi nó xác định được vị trí của nó bằng việc thích ứng sức mạnh của nó với những hoạt động hàng ngày trong cuộc sống. Phật giáo không thể tồn tại và phát triển nếu nó không được xã hội thừa nhận và kính trọng. Phật giáo cần được áp dụng vào trong tất cả mọi lĩnh vực xã hội, để giải thoát cá nhân và cuộc đời. Vậy thì các Phật tử đang dấn thân thế nào trong bối cảnh tôn giáo Trung Quốc hiện nay?
Ở Trung Quốc ngày nay, điều dễ nhận thấy là chủ nghĩa vật chất đang lên ngôi và đời sống tâm linh thì cạn mỏng. Ở các trung tâm thành phố, các khu mua sắm là vua. Và như các nhà sách Trung Quốc chứng nhận, người ta bây giờ đang tìm kiếm một chiều hướng tâm linh cho đời sống. Tác gia danh tiếng John Naisbitt nói nơi quyển sách Megatrends (1982) bán chạy của ông rằng sự phát triển tâm linh thì không chỉ là một công việc thức thời của Thời đại mới; nó là một sự giáo dục mà xã hội ngày nay cần đến để làm thăng bằng tình trạng chông chênh mà người ta nhận lãnh như là một kết quả của sự phát triển quá mức về công nghệ cao và kỹ thuật tự động. Các cuốn sách do những tác giả Tây phương viết về những đề tài phát triển tâm linh và sự tỉnh thức bây giờ là những cuốn sách bán chạy ở thị trường Trung Quốc.
Điều này không chỉ là một khuynh hướng ở nơi văn hoá quần chúng; nó cũng là một khuynh hướng đang được thừa nhận trong giới Phật giáo. Thông qua việc chuyển dịch những quyển sách nổi tiếng của những tác giả Tây phương, người Trung Quốc bây giờ đang tái khám phá những khía cạnh của giáo lý Phật giáo truyền thống, chẳng hạn như chánh niệm, quán niệm hơi thở, từ bi và trí tuệ. Thêm nữa, những đại học lớn và những trung tâm y học ở châu Âu và Bắc Mỹ đang tích cực nghiên cứu về thiền, tâm lý liệu pháp và sinh học thần kinh của Phật giáo. Trớ trêu thay là phải thông qua việc ứng dụng thiền Phật giáo của Tây phương mà người Trung Quốc ngày nay mới chịu chấp nhận lịch sử tôn giáo của chính họ (!). Điều này đã phục hồi lại việc nhấn mạnh vào Phật giáo thực hành, một Phật giáo nhập thế mà nó tìm cách áp dụng Phật giáo vào đời sống hàng ngày và giải quyết những vấn đề thực tại của người Trung Quốc ngày nay.
Việc nhấn mạnh vào công ích xã hội và lợi ích tinh thần hiện đang được chính quyền Trung Quốc ủng hộ. Cựu chủ tịch Giang Trạch Dân đã chủ trương việc sử dụng đạo đức như là một phương tiện chính trị. Và đạo đức Phật giáo với một lịch sử dài lâu của nó, có thể góp phần chữa trị những căn bệnh xã hội và chăm sóc một đời sống hạnh phúc, lành mạnh. Nhiệm vụ dành cho các tăng ni hiện nay là phát triển một phương thức đạo đức mới để phục vụ thế giới hiện đại, giải quyết những vấn nạn xã hội mà chúng xuất hiện do sự phát triển kinh tế nhanh chóng gây ra. Các Phật tử xem tài sản như thế nào? Người ta có thể cân bằng lợi ích kinh tế và sự phát triển tâm linh bằng cách nào? Quan điểm của Phật giáo về chiến tranh và hoà bình là gì vào thời điểm đầy bạo loạn và khủng bố hiện nay? Tóm lại, các Phật tử cần tìm cách đổi mới giáo lý của tôn giáo họ để phục vụ con người.
Tăng đoàn trong xã hội Trung Quốc
Tình trạng kinh tế của các cộng đồng tăng sĩ Trung Quốc đã khiến nhiều thành viên của Tăng đoàn dành hết năng lực của họ cho việc phát triển kinh tế, tạo thu nhập cho các chùa viện. Không có nhiều thời gian cho việc giảng pháp và thiền định, dẫn đến những chức năng tôn giáo then chốt của chùa viện đang ở trong nguy cơ trở thành chỉ để làm cảnh. Trong thực tế, vấn đề về mối liên hệ thích hợp giữa cộng đồng tăng sĩ Phật giáo và xã hội rộng lớn hơn là không mới; nó đã là chủ đề được bàn luận suốt theo lịch sử Phật giáo. Đối với Phật giáo Trung Quốc, chức năng đúng của cộng đồng tăng lữ được tóm tắt bằng câu “cân bằng giữa nông nghiệp và thiền định,” mà nó xuất phát từ ngài Mã Tổ (媽祖 700-788) đời nhà Đường. Mã Tổ đề xướng quan niệm về việc cân bằng những hoạt động nông nghiệp với việc thực hành thiền khi ngài cho kiến tạo các tự viện ở trong rừng. Đệ tử của ngài là Bách Trượng Hoài Hải (百丈懷海 720-814) đã bổ sung thêm quan niệm đó với một câu nói nổi tiếng, “một ngày không làm, một ngày không ăn” (nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực).
Quan niệm rằng lao động chân tay – thêm vào việc thực hành thiền định – là một phương tiện cần thiết cho thân và tâm, do đó là không mới với Phật giáo trong thời kỳ hiện đại. Tuy nhiên, có thể nói rằng sự thực hành hiện này về việc “cân bằng nông nghiệp với thiền định” đã chệch ra khỏi mục đích căn bản là giúp thiết lập một môi trường tốt hơn ở trong các tự viện mà ở đó chính yếu dùng để giảng dạy Phật pháp. Đáng tiếc, rõ ràng rằng một vài cộng đồng tăng sĩ ngày nay coi trọng nông nghiệp và lợi tức hơn là tu tập thiền định. Các chùa viện bây giờ đang tham gia tích cực vào quy trình thương mại mà nó tiêu biểu cho đời sống kinh tế của người Trung Quốc hiện nay, một hiện tượng mà nó tương tự với xã hội Bắc Mỹ. Rõ ràng, sự thương mại hoá này dẫn đến nguy cơ là làm suy yếu khả năng tập trung vào công việc chính của các tăng sĩ, mà nói theo ngôn ngữ Phật giáo là giải thoát chúng sanh ra khỏi khổ đau và truyền bá giáo pháp.
Một kết quả có ý nghĩa của việc phục hưng Phật giáo trong 15 năm qua là sự gia tăng số lượng tăng sĩ đáng kể, ước tính gần đây nhất là khoảng 180,000 người. Tuy nhiên, sự phát triển Phật giáo vào quần chúng là không thành công. Có rất ít những tổ chức Phật giáo thế tục và ít người công khai thừa nhận họ là tín đồ Phật giáo, ngoại trừ ở những vùng – nơi mà những cộng đồng tộc người thiểu số chiếm ưu thế. Những tổ chức thế tục hiếm khi tổ chức những buổi thuyết trình và hội thảo về Phật giáo, hay mời những giảng sư nổi tiếng của Phật giáo nói chuyện, và cũng thiếu một sự hỗ trợ và cộng tác hỗ tương giữa tăng ni và cư sĩ.
Sự thực, một lý do tại sao các tăng ni đã bị cuốn vào công việc kinh doanh là vì họ nhận quá ít sự hỗ trợ từ các Phật tử tại gia. Để rồi, tăng ni không thể thường xuyên đóng góp được cho đời sống Phật tử tại gia bằng hình thức giảng dạy và hướng dẫn tu học. Sự thiếu hoà hợp giữa các Phật tử tại gia và hàng tăng sĩ là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà Phật giáo Trung Quốc hiện nay đang đối mặt. Trong một vài tự viện, một thiểu số của cộng đồng đã đi quá xa khi họ có những việc làm vi phạm pháp luật, điều làm tổn hại thanh danh Phật giáo một cách nghiêm trọng, và làm hãm lại sự phát triển của Phật giáo. Các Phật tử Trung Quốc hiện nay phải tìm cách thắt chặt mối liên hệ giữa hàng tại gia và giới xuất gia, giống như ở Thái Lan và Tích Lan, và đặt ra những điều luật rõ ràng cho những ai muốn vào chùa xuất gia.
Phật giáo và Quốc tế hoá
Từ thời điểm truyền bá vào Trung Quốc vào thế kỷ thứ nhất (TL), Phật giáo đã phát triển thông qua một tiến trình trao đổi quốc tế. Việc chuyển dịch kinh Tứ Thập Nhị Chương đã đánh dấu sự khởi đầu của Phật giáo ở Trung Quốc. Và tiến trình dịch thuật cũng như quốc tế hoá đã giúp truyền bá Phật giáo đến Hàn Quốc, Nhật Bản và Tây phương. Đời Tuỳ và đời Đường là thời kỳ vàng son của Phật giáo ở Trung Quốc, một phần nhờ vào những trao đổi và viếng thăm quốc tế thường xuyên: các học giả Trung Quốc đến Ấn Độ để nghiên cứu Phật pháp, và các tăng sĩ Nhật Bản đến Trung Quốc tầm sư học đạo. Trao đổi quốc tế giữa các Phật tử đã đạt đển đỉnh điểm xán lạn của nó. Tuy nhiên thời kỳ hậu thuộc địa của lịch sử Trung Quốc thì thật sự ảm đạm. Trong suốt thời kỳ nội chiến giữa những người Cộng sản và những người theo chủ nghĩa dân tộc, chùa chiền bị chiếm đống, đất đai bị chiếm dụng, tăng sĩ bị xua đuổi hoặc thậm chí bị hành quyết. Nhà cải cách vĩ đại Thái Hư Đại Sư (太虛大師 1890-1947) đã tìm cách phục hồi lại Phật giáo Trung Quốc bằng việc tạo nên những hình thức tổ chức mới. Ngài thiết lập những tổ chức Phật giáo và khuyến khích tăng sĩ ra nước ngoài học, như họ đã thực hiện hơn một ngàn năm trước. Trong suốt 20 năm giữa 1921-1941, hơn 30 tăng sĩ Trung Quốc đã được gửi ra nước ngoài học. Những người này học ở Tây Tạng, Ấn Độ, Tích Lan và đạt được những thành quả tốt đẹp. Kết quả của việc đào tạo quốc tế này là một thế hệ giảng sư Phật giáo Trung Quốc đã được duy trì tại thời điểm khi Phật giáo gặp khó khăn để phát triển ở Trung Quốc.
Ngày nay, Phật giáo đối mặt với một nhu cầu tương tự đối với việc đào tạo quốc tế. Còn rất ít những vị thầy tài đức sống sót sau Cách mạng Văn hoá, và số ít này cũng đã già yếu. Phật giáo Trung Quốc hiện tại trước sau đối mặt với việc thiếu các bậc thầy có tài có tâm và thiếu các nguồn giáo dục. Hai kế hoạch hiện đang được đặt ra cho sự thành công của Phật giáo trong tương lai. Một mặt, những đóng góp đã có qua việc thiết lập các trường Phật học ở Trung Quốc. Một hệ thống giáo dục Phật giáo bây giờ đã được thiết lập với các cấp học: sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Đến thời điểm này, hai học viện cao cấp đã được sáng lập, 20 học viên trung cấp được hình thành. Mặt khác, như trước đây, các Phật tử được khuyến khích ra nước ngoài học. Điều này được xem là một giải pháp linh động và khả quan, điều có thể giúp Phật giáo Trung Quốc theo kịp trình độ Phật học và sự thực hành Phật giáo khắp toàn cầu.
Vào năm 1982, lãnh đạo Phật giáo Triệu Phác Sơ đã gửi nhiều tăng sĩ sang nghiên cứu tại Nhật Bản, Tích Lan, Thái Lan, Anh và Miến Điện. Bản thân tôi cũng là một trong số họ. Tôi đã học ở Tích Lan từ năm 1986 cho đến 1995. Theo kinh nghiệm của tôi, Tích Lan cho thấy là một nơi lý tưởng để nghiên cứu Phật giáo Theravada. Trước đây khi còn được gọi là Ceylon, Tích Lan là thuộc địa của Anh gần 300 năm cho đến khi nó độc lập vào năm 1948, và do đó tiếng Anh ở đó rất tốt. Những học giả Trung Quốc thành thạo tiếng Anh có thể sang học tiếng Pali và nghiên cứu Phật giáo Theravada ở Tích Lan. Thêm nữa sau độc lập, chính phủ Tích Lan đã sử dụng giáo lý và những tổ chức Phật giáo để chống lại chủ nghĩa thực dân; như vậy Phật giáo vẫn hoà nhập tốt vào cơ cấu xã hội. Trong suốt thập niên 50 thế kỷ trước, Phật giáo là một môn học phổ thông dành cho lớp trẻ, và nhiều tăng sĩ trẻ Tích Lan đã ra nước ngoài du học. Những tăng sĩ này hiện đang tích cực tham gia vào nghiên cứu Phật học và đang đóng vai trò then chốt trong việc phát triển Phật giáo. Có hơn 40 tăng sĩ Trung Quốc hiện đang học tại Tích Lan. Phật giáo Trung Quốc (trong quá khứ) phát triển không ngoài sự tương tác giữa các tăng sĩ Ấn Độ và văn hoá Trung Quốc. Có mọi lý do để tin rằng sức mạnh tương lai của Phật giáo không chỉ nằm ở nơi sự thịnh vượng kinh tế, mà cũng nằm nơi những liên kết quốc tế, mà nhiều thế kỷ đã là một trong những đặc điểm của một tôn giáo thực sự của thế giới./.
Pháp sư Tịnh Nhân (凈因法師) – Thích Nguyên Hiệp dịch
Thư Viện Hoa Sen
Discussion about this post