49- Ngày Thứ 49 (Bài thứ 20)
– Tối ngày 5/8/ÂL
Bây giờ thầy nói tiếp về sắc, không – thật ra là ngũ uẩn – qua Abhidhamma. Lưu ý là càng lúc càng phức tạp. Chúng ta đang đi vào giáo pháp tinh yếu nhất, phải cần sự chăm chú lắng nghe cao độ nhất. Tuy nhiên, có người sẽ tiếp thu được, có người thì không. Cũng chẳng sao, cái gì nghe không được thì bỏ qua.
Tiếp tục nghe, đừng có ngủ gục đó.
(Bài viết lại).
3- Sắc, không qua Abhidhamma
Sắc, không, thật ra nói đầy đủ là ngũ uẩn, nó rất gần với Bát-nhã, nhưng vẫn khác với Bát-nhã vì những lý do sau đây:
– Bát-nhã nói đến Tánh Không rốt ráo, phủ định triệt để thế giới khái niệm, và chỉ có vậy thôi. Abhidhamma lại đề cập đến 2 loại chân lý, đó là chân lý đệ nhất nghĩa và chân lý thế tình. Chân lý thứ nhất vượt ngoài danh ngôn, khái niệm – paramattha – tương tự Bát-nhã nhưng còn đưa ra “cái có thật” là tâm, tâm sở, sắc pháp và Niết-bàn để hành giả có chỗ mà tu tập. “Cái có thật” không phải là cái có thực với nghĩa thực tính, thực hữu, ngã tính; “cái có thực” là cái đang vận hành, đang duyên khởi qua căn trần và thức, cái đang là hiện giờ đây, nó luôn vô thường, vô ngã. Ví dụ: Một tiếng động qua tai, nhĩ căn tiếp nhận sau đó là 12 duyên khởi, nó có thật khi đang duyên khởi. Một mùi hương qua mũi, tỷ căn tiếp nhận, sau đó là duyên khởi, nó có thật khi đang duyên khởi… xúc, thọ, ái, thủ, hữu…
– Bát-nhã nói về Tánh Không nhưng không trình bày sự thực tại sao lại Không? Abhidhamma nói về những lộ trình tâm để thấy rõ vô thường, vô ngã của tâm và pháp, của sắc thọ tưởng hành thức và cả 18 giới – chúng vì vô thường, vô ngã, vì duyên khởi nên Không một cách rất rõ ràng. Và hành giả tu Tứ Niệm Xứ thường quán vô thường, vô ngã của thân, thọ, tâm, pháp hoặc của sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì cũng tương tợ nhau; còn Bát-nhã không nói cách tu tập, cách quán chiếu ra sao cho mọi người hạ thủ công phu – mà chỉ nói “quán chiếu ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách!”
– Còn nữa, Bát-nhã nói ngũ uẩn giai không, điều này đúng do Tánh Không rốt ráo, nhưng không nói rõ về các uẩn và “uẩn” là gì? Còn Abhidhamma cho ta thấy rõ có “sắc, thọ, tưởng, hành, thức” như thực, chưa có uẩn – và sắc, thọ, tưởng, hành, thức khi bị rối ren chồng chất các uẩn, là “sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn”. Vấn đề nó nằm nơi chữ “uẩn”, cái che mờ, cái mớ hỗn độn rối loạn chất chồng làm cho chúng sanh không thấy được cái thực. Nói cách khác, Abhidhamma, nhất là lộ trình minh sát, giúp hành giả “cắt đứt các uẩn” để trả “sắc lại cho sắc, thọ trả lại cho thọ”… để trở về với như thực thấy, như thực nghe… như trong bài kinh Bāhiya (phần cuối, bài sau cùng có trích lại kinh này).
Bây giờ ta đi vào có, không. Ở đây, cũng vậy, rõ ràng cái sắc này không phải mang nghĩa “có” như thế gian hiểu, mà nó là toàn bộ cái gì duyên khởi, cái gì liên hệ, tương quan từ sắc thân của ta cùng với ngoại giới. Mà ngoại giới nói cô đọng thì chỉ là sắc, thanh, hương, vị, xúc. Nói cách khác, nó là nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn cùng 7 sắc đối tượng. Gọi là 7 sắc đối tượng vì có hai lẽ. Thứ nhất, tất cả các đối tượng của ngũ căn đều được gọi là sắc, là sắc đối tượng. Chiếc lá, mùi hương, âm thanh đều là sắc. Thứ hai, trong sắc, thanh, hương, vị, xúc… thì sắc, thanh, hương, vị ai cũng biết nhưng “xúc” thì không biết “xúc” cái gì? Thân xúc thường đụng vật cứng, nhám, láng, vật chiếm chỗ trong không gian thì đó là đất. Thân xúc đụng nóng, lạnh thì đó là hoả. Thân xúc đụng vật di động, chuyển động, rung động thì đấy là gió. Vậy thân xúc cụ thể là xúc địa, xúc hoả, xúc phong. Riêng thuỷ thì thân không xúc được vì nó quá vi tế. Tại sao thuỷ lại vi tế? Thuỷ có tính chất kết dính các vi thể vật chất lại với nhau. Nó có mặt khắp mọi nơi, khắp mọi vật mà ta không xúc được. Nơi chiếc lá. Nơi cọng cỏ. Nơi khúc gỗ. Do vậy, thay vì ngũ trần sắc thanh hương vị xúc ta có 7 trần, 7 sắc đối tượng: Sắc, thanh, hương, vị, địa, hoả, phong!
Cái điều vừa nói đã là khó hiểu, cái sắp nói đây lại càng khó hiểu hơn: Sắc trong toàn bộ cái sắc ấy, cái nào cũng sanh diệt rất nhanh, và thảy đều là Không? Chỗ này rất phức tạp, sắc và tập hợp sắc, nó ra sao, có bao nhiêu sắc nơi thân xác vật lý, nơi đối tượng, nơi động dụng hỗ tương mà sinh sắc?
Thôi, bỏ đi, phức tạp quá thì bỏ đi. Thầy chỉ tóm gọn là có tất thảy 28 sắc, gồm 16 tế sắc và 12 thô sắc. Nói gần để chúng ta dễ quan sát thì nói 3 sắc thôi. Sắc là sắc thân, sắc là 7 sắc đối tượng; và có cái sắc không phải ai cũng biết, nhà nghiên cứu nào cũng hiểu, là sắc do động dụng hỗ tương giữa căn-trần-thức mà phát sanh. Ví dụ khi ta thấy một đoá hoa, đoá hoa là sắc. Mắt thấy sắc, mắt cũng là sắc. Cái thấy biết sắc ấy là thức, thức thấy sắc. Từ khi mắt thấy sắc rồi xem nó ra sao, xấu đẹp, thích không thích – thì nó đã diễn ra một lộ trình trải qua 17 sát-na tâm. Trọn vẹn 17 sát-na tâm thì chỉ có một sắc sanh diệt. Lưu ý điều này: Tâm, thức nó chạy tốc hành nhanh hơn vật đối tượng đến 17 lần. Chỗ tế vi này ít ai giảng nói. Abhidhamma có trình bày những lộ trình tâm không chỉ đi qua mắt mà còn qua tai mũi lưỡi thân và cả ý nữa. Lộ trình tâm đi qua ý chỉ có 12 sát-na cho một sắc sanh diệt. Đây là những đối tượng từ khi nắm bắt, ghi nhận và xử lý rồi, có nghĩa là tư tâm sở đã vận hành rồi. Còn cả triệu tỷ trường hợp cũng nắm bắt, ghi nhận do thức thấy đối tượng ấy chẳng phát sanh thương ghét, thích hay không thích thì lộ trình trên bị đứt đoạn, đôi khi 5, 7 sát-na rồi diệt; đôi khi 14 sát-na, tư tâm sở vận hành rồi nhưng không “sao lưu” lại thì cũng coi như đứt đoạn, không “save” thì nó mất!
Còn nữa, một âm thanh, một mùi hương, một vị, một xúc chạm (đất, lửa, gió) đều phải trải qua thời gian 17 sát-na tâm để tiếp nhận và xử lý sắc ấy ( thanh, hương, vị, đất, lửa, gió, đều là sắc) đều giống như đã nói ở trên.
Ôi! khó hiểu quá, phải không? Nhưng mà thầy đưa ra một ví dụ thì mọi người hiểu ngay.
Buổi sáng bước chân ra vườn, đưa mắt nhìn cây cảnh lá hoa… nhìn gần rồi lại nhìn xa, núi non, mù sương bãng lãng. Thấy tâm hồn yên bình, thanh thản, vô sự. Chợt một tiếng nổ bên kia đồi. Thế là tâm ta liền bắt dính đối tượng “lớn” ấy. Ai đốt tre? Đạn phế liệu nổ? Và rồi, ta để tâm vào tiếng nổ ấy, chính ở đây, lộ trình tâm sẽ diễn tiến, bực, không bực thế nào. Còn trước đó, mắt tuy có tiếp nhận ngoại cảnh, do không có gì đặc biệt, không có gì đáng lưu tâm nên lộ trình tâm bị đứt, bị đứt liên tục, dòng duyên khởi cũng bị đứt đoạn nửa chừng, chưa có tư tác, chưa có nghiệp. Nếu ta bất bình, khó chịu, nổi sân thì 17 sát-na tâm diễn tiến trọn vẹn, có tạo nghiệp rồi đấy. Chỗ này, kinh Kim Cang nói đúng: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Tâm không dính vào đâu cả, và kỳ tâm này chính là vô tâm, vô tư, vô tác – là tâm giải thoát đó!
Trở lại với chủ đề. Người tu thiền quán minh sát họ thấy rõ tất thảy mọi đối tượng phải được trả về với không dính mắc, chỉ lắng nghe chúng đến, chúng đi! Phần dưới thầy sẽ nói đến tu tập minh sát, nó cụ thể hơn nhiều. Như tham biết tham, sân biết sân, vậy thôi!
Sắc trong Bát-nhã tâm kinh nhiều người giảng Bát-nhã cứ đem cái sắc thân vật lý, mặc áo ăn cơm này ra mà giảng, còn thiếu nhiều sắc lắm! Họ bỏ quên 7 sắc đối tượng ấy cũng là Không, vì chúng vô thường, vô ngã, sinh diệt nên Không, Không này là Không Tánh của Bát-nhã đó. Rồi còn sự động dụng hỗ tương giữa căn-trần-thức như vừa trình bày ở trên nữa, nó cũng lộ trình của sắc sanh, sắc diệt, đều là duyên khởi đều là Tánh Không cả! Trong cái nhìn vi mô, khi động dụng hỗ tương giữa căn-trần-thức thì sắc chỉ là sóng và hạt sinh diệt trùng trùng, chẳng có trong có ngoài, vô thường, vô ngã trùng trùng. Thọ, tưởng, hành, thức đều như vậy.
Trong Nikāya, đức Phật dạy: “Ai thấy duyên khởi tức thấy Pháp, ai thấy Pháp tức thấy Như Lai!” Pháp ấy luôn diễn ra trước mắt, bất cứ cái gì đi qua mắt tai mũi lưỡi thân ý bây giờ đây là pháp đấy, là duyên khởi đấy, là vô thường, vô ngã nên Không đấy! Pháp luôn là “thiết thực hiện tại” mà không chịu thấy thì làm sao đòi thấy Như Lai? Không Tánh cũng vậy nữa, đức Phật nói rõ về Không Tánh, và Không Tánh chính là giải thoát, ở trong kinh Tiểu Không (Cūlasuññatasutta):
“– Này Ānanda! Phàm có những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong quá khứ, trong tương lai và trong hiện tại, sau khi chứng đạt, đã an trú cứu cánh vô thượng thanh tịnh Không Tánh (Suññataṃ), tất cả các vị ấy sau khi chứng đạt đều chỉ an trú cứu cánh vô thượng thanh tịnh Không Tánh này. Do vậy, này Ānanda, sau khi chứng đạt Ta sẽ an trú cứu cánh vô thượng thanh tịnh Không Tánh. Như vậy, này Ānanda, các ông cần phải học tập”.
Vậy, Tánh Không là Bất Tử, vì Vô Sanh nên Bất Tử nếu ai tu tập tuệ minh sát vipassanā, quán ngũ uẩn, thập nhị duyên khởi, thấy rõ tam pháp ấn vô thường, dukkha, vô ngã theo kinh điển Nikāya. Một Tánh Không để triết luận, triết luận để chặt đứt tất thảy mọi triết luận để hiển lộ “thực tại đang là” không thể nói năng, diễn đạt qua bất kỳ phạm trù khái niệm nào; một Tánh Không là để mà tu tập, hiện quán “cái đang là” luôn dịch hoá, luôn mới mẻ, tinh khôi – phải chăng là có thể bổ túc cho nhau trước nhu cầu đa diện, đa phức của tâm thức thời đại? Và cái biên ranh chia biệt sẽ không còn tác dụng khi bậc trí giả an trú được Không Tánh trong lòng mình như đức Phật chỉ dạy.
Cố lên, gọi đò, đò sẽ tới! Hoặc cứ tu, mà không cần phải gaté, gaté… giữa hư vô ngàn trùng, và lau lách hai bờ gió lay xào xạc!
Cảm ơn tất cả các con!
Bài đọc thêm:
Bài Kinh Dài Về Tánh Không
Bài Kinh Ngắn Về Tánh Không
Discussion about this post