1. Hư không không phải là một pháp vô vi, hư không chỉ biểu hiện chung với thời gian, vật thể, tâm thức.
2. Về phương diện Tích Môn: tất cả các pháp đều là hữu vi. Về phương diện Bản Môn: tất cả các pháp đều là vô vi.
3. Niết Bàn là sự vắng mặt của vô minh và phiền não mà không phải là sự vắng mặt của uẩn, xứ và giới.
4. Niết Bàn là Niết Bàn, không hữu dư y cũng không vô dư y.
5. Niết Bàn có thể được tiếp xúc trong giây phút hiện tại.
6. Niết Bàn không phải là một pháp mà là tự tánh của tất cả các pháp.
7. Vô sinh có nghĩa là Niết Bàn, có nghĩa là Chánh Giác, cùng với bất diệt, vô khứ vô lai, phi nhất phi dị, phi hữu phi vô.
8. Các định Không, Vô tướng, Vô tác giúp ta tiếp xúc với Niết Bàn.
9. Những định căn bản là Vô thường, Vô ngã, Niết Bàn.
10. Ba pháp ấn là Vô thường, Vô ngã và Niết Bàn. Có thể nói tới 4 pháp ấn hay 5 pháp ấn nếu trong đó có pháp ấn Niết Bàn.
11. Niệm, định, tuệ là sự thực tập nồng cốt để đi đến giải thoát.
12. Giới cũng là Niệm.
13. Cần (tinh tấn) cũng là Giới.
14. Niệm, định, tuệ tương dung, cả ba đều có công năng đưa tới hỷ lạc và giải thoát.
15. Chánh niệm về khổ đau giúp ta nhận diện những điều kiện hạnh phúc đang có mặt và ngăn ngừa tạo tác lầm lỗi và gieo nghiệp nhân xấu.
16. Bốn diệu đế đều là hữu vi; Bốn diệu đế đều là vô vi.
17. Diệu đế thứ ba có thể được gọi là Lạc đế.
18. Ý chí tự do có được là do Tam học.
19. Nên nhìn tập đế là con đường của Bát Tà Đạo. Nguyên do sinh tử luân hồi không phải chỉ là ham muốn.
20. Vị La Hán chân thực cũng là một vị Bồ Tát, vị Bồ Tát đích thực cũng là một vị La Hán.
21. Hễ là người thì có thể là Bụt, là Bụt nhưng không ngưng làm người; Do đây có hằng hà sa số Bụt.
22. Bụt có nhiều thân: chúng sinh thân (nhân thân), pháp thân, thân ngoại thân, tăng thân, thừa kế thân, pháp giới thân và pháp giới tính thân. Người vì có thể là Bụt nên cũng có đầy đủ các thân ấy.
23. Có thể nói tới con người (pudgala) như một dòng ngũ uẩn liên tục (hằng) luôn luôn chuyển biến (chuyển) liên hệ tương duyên và trao đổi với các dòng hiện tượng khác, mà không thể nói tới con người như một cái ta biệt lập, bất biến và thường hằng.
24. Chỉ có thể hiểu luân hồi theo đệ nhất nghĩa đế trong ánh sáng của vô thường, vô ngã và tương tức.
25. Khổ lạc tương tức; phiền não và bồ đề đều có tính chất hữu cơ.
26. Tăng thân, Phật thân, Pháp thân tương tức. Trong chân Tăng có chân Phật và chân Pháp.
27. Vì phiền não và bồ đề đều có tính hữu cơ, nên sự thực tập cần được liên tục để mang tới chuyển hóa và giữ không cho đoạ lạc. Luân hồi là sự tiếp nối: Cái đẹp và cái lành cần được tiếp nối càng lâu dài càng tốt; cái xấu và cái dở cần được chuyển hóa để đừng tiếp tục; rác phải được sử dụng để nuôi hoa.
28. Giải thoát luân hồi không có nghĩa là chấm dứt một bổ đặc già la (pudgala) vốn không thật có, cũng không phải là chấm dứt giới thân tuệ mạng của một đời tu.
29. Sinh diệt chỉ là biểu và vô biểu. Biểu là biểu hiện, năng sở đồng thời. Trong khi có biểu này thì có vô biểu kia. Trong khi cái này biểu thì cái kia vô biểu.
30. ‘Pháp’ không phải là ‘một sự vật’, ‘một cái’, ‘một thực thể’, mà là một quá trình, một sự kiện đang xảy ra, và trước hết là một đối tượng của tâm thức.
31. Báo thân gồm cả y lẫn chánh, cả cọng lẫn tự, ta bà của chúng sinh là tịnh độ của Bụt.
32. Không có ngã nhưng vẫn có luân hồi. Có cái gọi là tương tục (samtati) nhưng cái tương tục nào cũng đều có tính tương tức.
33. Phật tử qua các thế hệ phải liên tục đối kháng lại 2 khuynh hướng thần hóa và ngã hóa, biểu hiện những nhu yếu đại chúng nhất của con người.
34. Tàng thức có công năng học hỏi, huân tập, xử lý, lưu trữ, sắp đặt kế hoạch đối phó, bảo hộ, nuôi dưỡng, trị liệu và tiếp nối. Tàng thức có công năng thiết lập một kho tư liệu, những lề lối hành xử vô thức đã được sắp đặt sẵn, một chương trình tự động tự dẫn để chiếc thuyền có thể tự lèo lái mà không cần sự có mặt của một vị thuyền trưởng.
35. Mạt na có khuynh hướng tìm an ổn lạc thú bền bĩ, không thấy được luật tiêu thụ có chừng mực, không thấy được mục đích và sự nguy hại của sự tìm cầu dục lạc, không thấy được sự thiết dụng của khổ đau, sự cần thiết của tuệ giác vô thường, vô ngã, tương tức, từ bi và truyền thông.
36. Ý thức nhờ thực tập Giới Định Tuệ có thể học hỏi và chuyền xuống những kinh nghiệm và tuệ giác của mình cho Tàng thức và giao cho Tàng thức trách nhiệm làm chín mùi và phát hiện toàn diện những hạt giống tuệ giác đã có sẵn trong nó.
37. Phép tu căn bản của đạo Bụt Nguyên Thủy là phép tu Niệm Xứ, có công năng nhận diện, chuyển hóa tập khí, và làm cho thành tựu viên mãn bảy giác chi và Tám Chánh Đạo. Các pháp thiền quán đại thừa, kể cả thiền Tổ Sư cần được thỉnh thoảng trở về tắm trong dòng suối Nguyên Thủy ấy để đừng đánh mất cốt tủy của Phật Pháp.
38. Thực chất của Tịnh Độ và Niết Bàn vượt thoát không gian và thời gian. Thực chất của vạn pháp cũng đều như thế.
39. Duyên, thọ, uẩn, xứ, giới, thức…có thể được trình bày dưới nhiều mô thức khác nhau. Các mô thức này không nhất thiết phải chống đối nhau.
40. Các giáo lý vô thường, vô ngã, duyên khởi, không, vô tướng, vô tác, niệm , định, tuệ, v.v… là trái tim tuệ giác đạo Bụt, có thể đi đôi với tinh thần khoa học, đối thoại, hướng dẫn gợi ý và nâng đỡ cho khoa học. Khoa học hiện đại cần vượt cho được nhị thủ; nhà khoa học cần luyện tập để phát triển hơn nữa khả năng trực giác của mình.
Discussion about this post