Tôi người thầy thuốc, học cái học khoa học thực nghiệm, khoa học ứng dụng, ráng tìm kiếm những phương pháp chữa nỗi đau nỗi khổ cho bệnh nhân, mà bản thân mình cũng vốn là một người bệnh nên rất thấu hiểu. Trên thực tế, người thầy thuốc thường chỉ chữa được nỗi đau mà không chữa được nỗi khổ, nhiều khi quên đi nỗi khổ dằng dặc đằng sau nỗi đau kia, không biết nó mới là nguyên nhân của nỗi đau nên không thể giúp người bệnh đến nơi đến chốn.
Phật là bậc Y vương, “vua của thầy thuốc” có khả năng chữa dứt nỗi khổ đó của kiếp người. Vì thế mà phải tìm học. Ngay từ thuở ban đầu, Phật đã đề ra Tứ diệu đế – Khổ, Tập, Diệt, Đạo như là một phương pháp từ chẩn đoán đến điều tra cho nỗi khổ của chúng sanh. Kiếp người thì khổ, hội chứng đã rõ, nào sanh bệnh lão tử, nào oán tắng hội, ái biệt ly, cầu bất đắc… quay cuồng trong “nhà lửa”. Tìm nguyên nhân của khổ, thì đó là Tập, gốc từ tham sân si nghi kiến mạn… mà ra và những thói quen hình thành từ nhiều kiếp, nhiều đời. Phương thức điều tra chính là Diệt, để không còn bị tái phát, không sinh biến chứng và cuối cùng Đạo, con đường dẫn tới hạnh phúc, giải trừ khổ đau. Con đường đó cũng là con đường của y đạo, y đức của bậc Y vương, từ lòng Từ bi, Trí huệ. Khởi đi từ “nhìn sờ gõ nghe”, nghĩa là quán sát để thấy sanh trụ dị diệt của các pháp, của kiếp người, để có chẩn đoán chính xác, chẩn đoán phân biệt – một thứ “trạch pháp” để thấy rõ nguyên nhân, từ đó mà có biện pháp chữa trị thích đáng. Có cách chữa trị triệu chứng, đau đâu chữa đó, làm giảm cơn đau – như một thứ hóa thành – có cách chữa trị căn nguyên, chữa tận gốc rễ để không còn tái phát. Giới, Định và Huệ là những phương thuốc quý. Có khi chỉ cần riêng một thứ có khi cần phối hợp. Dù cách nào vẫn cần tự thân vận động, phát huy nội lực để có sức đề kháng tự bên trong rồi mới cần có thêm tác động hỗ trợ bên ngoài. Tự lực mà cũng cần có tha lực. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào tha lực cũng không nên, như lệ thuộc vào thầy vào thuốc. Con đường Bát chánh đạo giúp chữa dứt tham sân si, làm thay đổi nếp sống, nếp nghĩ, từ đó mà có được hạnh phúc, “an lạc” trong hiện tại cũng như cho mai sau do đã chuyển nghiệp. Không dừng ở đó mà còn phải truyền bá phương thuốc hay này cho người khác. Tự giác rồi giác tha. Vì thế mà sau những ngày ngồi chiêm nghiệm dưới cội Bồ đề, Phật đã phát hiện ra những điều không thể nói, đã có thể tủm tỉm cười một mình, nhưng cuối cùng cũng đã lặn lội bôn ba suốt 49 năm truyền bá đạo pháp cứu khổ, giải thoát chúng sanh. Khi cơ thể “bệnh nhân” chưa đủ sức chịu đựng liều thuốc nặng chữa dứt căn nguyên thì đành phải chữa triệu chứng trước, từ từ nâng cao thể trạng bệnh nhân, sau đó mới dùng đến thuốc đặc trị. Chữa triệu chứng phải tùy bệnh trạng và dùng nhiều biện pháp khác nhau. Vì thế mà phải “phương tiện”, phải tùy duyên, ứng biến.
Thời của kinh Pháp Hoa là đã đến lúc Phật phải “thị hiện” Niết bàn, để mọi người tự lực, tự nương tựa vào chánh pháp mà rèn luyện. Phật tiết lộ tất cả những “thấy biết” của chư Phật bấy lâu giấu nhẹm, những “bí mật” đã đến lúc cần “khui” ra, bày tỏ cho mọi người, để mọi người cùng “ngộ nhập”. Xưa nay không phải vì ích kỷ, “bủn xẻn” mà giấu nhẹm, chẳng qua như hoa Linh Thoại đến kỳ mới nở, khi điều kiện đã chín muồi. Đã đến lúc Phật phải tìm kiếm những người có khả năng để “truyền thừa”, để nối tiếp ngọn lửa thiêng.
Pháp chỉ có một, thực tướng vô tướng , cũng như chỉ có một “thừa” duy nhất là “Phật thừa”, không có hai ba. Nói “Thật tướng” ấy là để phân biệt với “giả tướng”, cái mà lục căn lục trần thức xà quần bấy lâu “quấy nhiễu” ta. Khi hiểu rõ thật tướng là vô tướng thì ta sống trong chân thật, sống trong hạnh phúc, không còn bị “điên đảo mộng tưởng”; sống trong thực tướng thì ta biết lìa xa những giả tướng, biết nhìn xuyên qua giả tướng, thấy được cái “phi tướng” (kiến tướng phi tướng), và từ đó mà có thể tủm tỉm cười cùng với Như Lai. Thực tướng vô tướng đó tuy là chân không mà diệu hữu, diệu hữu mà chân không . Không lìa xa cái diệu hữu tuyệt vời này nhưng cũng không bám víu vì biết nó là chỉ là giả tướng. Trung đạo là cái không lệch vào bên nào. Diệu hữu sờ sờ trước mắt, nhưng vậy mà không phải vậy, không phải vậy mà vậy! Nước sông, nước giếng, nước ao hồ… khác nhau nhưng đều là… nước, có tánh riêng của nó. Nhưng khi nhìn xuyên qua nước thì thấy nó từ các nguyên tử Hydro (H) và Oxygen (O) quấn quýt lấy nhau, chằng chịt mà thành, tùy duyên mà khi lỏng, khi đặc, khi hơi… Nhìn kỹ hơn nữa thì H và O kia không chỉ là của nước mà của nhiều thứ khác nữa, như rượu, như đường, như giấm… cấu hợp cách này cách khác. Không dừng ở đó, nhìn kỹ thêm chút nữa, sâu thêm chút nữa, sẽ thấy H và O chỉ gồm những electron và neutron chạy lòng vòng quấn quýt lấy nhau, không lúc nào ngưng nghỉ, như trái đất vẫn quay vù vù quanh mặt trời mà thường khi ta tưởng đứng yên một chỗ, rồi mặt trời cũng lại quay trong thiên hà của nó… Nhìn xuyên qua những điện tử đó, lại thấy những hạt những sóng, để rồi xuyên qua nữa, ta à há cái sự “vô nhất vật!” như Lục tổ Huệ Năng đã từng kinh ngạc kêu lên!
Rồi thử nhìn lại cái tấm thân tứ đại ngũ uẩn của ta mà coi. Cũng lại là đất nước gió lửa, C, H, O, N, tạo nên những proteine chất liệu của đời sống sinh vật, rồi từ đó mà có sắc, thọ, tưởng, hành, thức lao xao. Ngoài ra còn có hơn 60 các nguyên tố góp phần vào cấu trúc “cát bụi tuyệt vời” này với sắt đồng chì kẽm, mangan, manhê, vôi vữa các thứ tạo nên khung xương, lớp da, sớ thịt, những mối nối thần kinh… làm cho ta sướng ta khổ. Sanh trụ dị diệt. Có sanh ắt có tử và có tử ắt có sanh, theo một nhịp điệu luân hồi nào đó, vì nghiệp, vì duyên. Các Bồ tát thì “bất tận hữu vi bất trụ vô vi”, nhảy qua nhảy lại hai bên bờ “bỉ ngạn”. Khi ta có hoàng tử, công chúa, hoa hậu của ta thì cóc cũng có hoàng tử, công chúa, hoa hậu của cóc, cả bọ hung, nhền nhện, bọ ngựa, con ong, cái kiến cũng vậy. Cùng dưới một mái nhà Như Lai.
Pháp Hoa cho ta một cái nhìn nhất quán, xuyên suốt, tổng hợp, thấy rõ “một pháp” là vô tướng thực tướng , một thừa là Phật thừa , giải được “Như Lai chân thật nghĩa”. Pháp Hoa khẩn thiết đào tạo một thế hệ “Pháp sư” chân chánh, những người có thể truyền trao chánh pháp cho muôn đời sau, không phân biệt… miễn là hội đủ một số điều kiện tiên quyết để có thể “vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai và ngồi tòa Như Lai”. Nghĩa là có lòng từ bi rộng lớn, có đức nhẫn nhục, nhu hòa, có tâm thông để thuyết thông. Pháp sư là người “phiên dịch”, người giảng nói, là sứ giả của Phật, của Như Lai. Cho nên Pháp Hoa dành rất nhiều phẩm để bàn về Pháp sư. Rồi với phương pháp giáo dục chủ động tạo tham gia, bằng cách kể chuyện, ẩn dụ, ngụ ngôn… qua hình tượng các vị Bồ tát, mỗi vị đặc trưng cho một hạnh nhiều tính cách, Pháp Hoa đã hướng dẫn các thực hành rèn tập. Tất cả đều với lòng Từ bi, đức Tôn trọng, Chân thành, Thấu cảm, kỹ năng Lắng nghe, Chia sẻ, qua các khả năng “hiện nhất thiết sắc thân”, “giải nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn”… qua Thiền, Tịnh, Mật… từ đó mà có thể mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai.
Không dừng ở lý thuyết suông, Pháp Hoa đòi hỏi phải thực hành miên mật, kiên trì, lục độ vạn hạnh. Vì thế mà có Phổ Hiền Bồ tát cưỡi voi sáu ngà rầm rập đến. Với mười hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền cũng chính là các bước thực hành căn bản cho một người muốn bước đi trên con đường “Bồ tát đạo” để tự giác giác tha, giúp mình và giúp người.
Trích từ sách Ngàn cánh sen xanh biếc
Trang 189-196 BS. ĐỖ HỒNG NGỌC (Saigon, cuối năm 2013 )
Xem nội dung toàn bộ 4 cuốn sách của tác giả tổng hợp tại đây:
Thấp Thoáng Lời Kinh – Tuyển Tập Đỗ Hồng Ngọc
Discussion about this post