MỪNG NGÀY ĐẢN SINH CỦA ĐỨC PHẬT
NGHĨ VỀ DI SẢN VÔ GIÁ CỦA NGÀI
Huỳnh Kim Quang
Ngày 26 tháng 5 năm 2021 nhằm vào ngày Rằm Tháng Tư âm lịch, mà theo truyền thống Phật Giáo Bắc Truyền là ngày Đại Lễ Đản Sinh lần thứ 2,645 của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, là Người đã khai sáng ra Đạo Phật.
Liên quan đến ngày Đại Lễ Phật Đản, trong một cơ hội rất tình cờ tôi nhận được bài thơ “Tiểu Khúc Phật Đản” của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ do nhà văn Nhã Ca chuyển cho đọc. Bài thơ đã được Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ làm trong lúc ngồi tù dưới chế độ CSVN, có lẽ vào những năm từ 1984 tới 1989 là giai đoạn Hòa Thượng đã bị chính quyền CSVN bắt bỏ tù và kết án tử hình cùng với Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát, nhưng sau đó vì bị thế giới lên án nên chính quyền CSVN đã giảm bản án xuống còn 20 năm tù và đã được thả ra vào năm 1998. Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã kể cho nhà văn Nhã Ca nghe rằng trong lúc ngồi tù nhân dịp Lễ Phật Đản nhớ đến Đức Phật nên Hòa Thượng đã làm bài thơ dài khoảng 300 câu, nhưng ra tù thì chỉ còn nhớ vài chục câu để viết lại thành “Tiểu Khúc Phật Đản.”
Sông Hằng một dải trôi mau;
Vận đời đôi ngã bạc đầu Vương gia.
Tuyết sơn phất ngọn trăng già,
Bóng Người thăm thẳm vượt qua chín tầng.
Cho hay Bồ tát hậu thân,
Chày kình chưa chuyển tiếng vần đã xa.
Sườn non một bóng Đạo già
Trầm tư năm tháng bên bờ tử sinh.
Nhìn Sao mà ngỏ sự tình:
Ai người Đại Giác cho minh quy y?
Năm chầy đá ngủ lòng khe;
Lưng trời cánh hạc đi về hoàng hôn.
Trăng gầy nửa mảnh soi thềm,
U ơ tiếng Trẻ, êm đềm Vương cung.
Sao trời thưa nhặt mông lung;
Mấy ai thấu rõ cho cùng nghiệp duyên.
Khói mơ quấn quýt hương nguyền,
Hợp tan là lẽ ưu phiền đấy thôi.
Vườn Hồng khóa nẻo phỉnh phờ,
Cùng trong cõi Mộng chia bờ khổ đau.
Thời gian vỗ cánh ngang đầu;
Sinh, già, bịnh, chết, tránh đâu vận cùng.
Khổ đau là khối tình chung,
Ai nâng cõi Thế qua bùn tử sinh?
Bài thơ không chỉ nói đến sự thị hiện của Đức Phật trên trần gian mà còn gợi nhớ đến nhiều sự kiện lớn xảy ra trong cuộc đời của Ngài: Bồ Tát Hộ Minh từ cung trời Đẩu Suất (Cho hay Bồ tát hậu thân) đản sinh vào dòng họ Thích Ca, lớn lên trong hoàng cung (U ơ tiếng trẻ, êm đềm Vương cung), vượt thành đi xuất gia vào đêm khuya thanh vắng, sáu năm tầm đạo và tu khổ hạnh nơi rừng già (Tuyết sơn phất ngọn trăng già), thiền tọa 49 ngày đêm dưới gốc cây Bồ Đề và thành tựu đại giác ngộ và đại giải thoát vào lúc sao mai vừa mọc (Nhìn sao mà ngỏ sự tình / Ai người Đại Giác cho mình quy y), 45 năm vân du giáo hóa chúng sinh để “nâng cõi thế qua bùn tử sinh.”
Trong lịch sử nhân loại không thiếu những đấng tôn sư, những bậc hiền triết đã nhìn thấy được bản chất của cuộc đời là vô thường như triết gia Hy Lạp Heraclitus, người sống vào khoảng 500 năm trước tây lịch, đã cho rằng tất cả mọi vật trên đời đều vô thường và không có gì tồn tại mãi. Ông so sánh mọi sự vật hiện hữu với dòng nước sông chảy, và nói một câu bất hủ rằng “bạn không thể nào bước qua hai lần cùng một dòng sông.” Hay như nhà hiền triết Lão Tử của Trung Hoa xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước tây lịch đã nói trong Đức Đạo Kinh rằng, “Ngô hữu đại hoạn vị ngô hữu thân. Nhược ngô vô thân hà hoạn chi hữu?” [Ta có nạn lớn vì ta có thân. Nếu ta không có thân thì nạn lớn làm sao có?].
Nhưng không có vị hiền triết nào nhìn thấu suốt vào nguyên nhân và hậu quả của khổ đau, cũng như nguyên nhân và thành quả của con đường diệt khổ để đưa ra lộ đồ thăng hoa cuộc sống từ đau khổ đến an lạc giải thoát như Đức Phật đã mô tả trong giáo lý Tứ Diệu Đế [Bốn Sự Thật Vi Diệu] của Ngài: Hiện trạng khổ đau (Khổ Đế), nguyên nhân của khổ đau (Tập Đế), thành quả niết bàn giải thoát mọi khổ đau (Diệt Đế) và con đường tu tập để diệt khổ và chứng Niết Bàn (Đạo Đế).
Trong Tương Ưng Bộ Kinh (Saṃyutta Nikāya) bản dịch Anh ngữ của Ngài Bhikkhu Bodhi từ bản Pali mà Nguyên Nhật Trần Như Mai dịch sang tiếng Việt được đăng trong https://quangduc.com, có đoạn Đức Phật dạy cho Vua Ba Tư Nặc về già chết như sau:
“Tại thành Xá Vệ (Sāvatthi), vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) của nước Kosala bạch Thế Tôn: “- Bạch Thế Tôn, có người nào sinh ra mà tránh khỏi già và chết không ?”
“- Thưa đại vương, không có ai sinh ra mà tránh khỏi già và chết. Ngay cả những người thuộc giai cấp Sát-đế-lỵ đại phú – giàu có, nhiều tài sản và của cải, nhiều vàng bạc, nhiều kho tàng và hàng hóa, nhiều ngũ cốc – vì họ đã sinh ra, họ không tránh khỏi già và chết. Ngay cả những Bà-la-môn đại phú…, những gia chủ đại phú – giàu có với nhiều của cải và ngũ cốc – vì họ đã sinh ra, họ không thể tránh khỏi già và chết. Ngay cả những vị tỳ kheo đã đắc quả A-la-hán, những vị đã đoạn trừ các lậu hoặc, phạm hạnh đã thành, đã làm những việc cần làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã hoàn toàn đoạn trừ các kiết sử, đã hoàn toàn đạt được giải thoát nhờ chánh trí, ngay cả thân của quí vị ấy cũng phải chịu sự tan rã, cũng phải bị vất bỏ.”
Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại tính tới thời đại của Đức Phật, nguyên tắc về nhận thức mang tính khoa học và khách quan tuyệt đối đã được Đức Phật đưa ra trong “Kinh Kalama: Lời Phật Dạy Cho Người Kalama” (Kalama Sutta: The Instruction To The Kalamas) do Nguyễn Văn Tiến dịch sang tiếng Việt từ bản Anh ngữ của Thượng Tọa Soma Thera dịch từ bản Pali và được đăng trên trang https://tienvnguyen.net:
“Người Kamala là các cư dân ở Kesaputta, ngồi một bên thưa với Đức Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, có một số nhà sư và Bà La Môn, đến thăm Kesaputta. Họ chỉ giới thiệu, trình bày, và giải thích những giáo lý của họ; còn những giáo lý của người khác thì bị họ khinh thường, chửi rủa, và chỉ trích thậm tệ. Bạch Thế Tôn, cũng có một số nhà sư và Bà La Môn khác, họ đến thăm Kesaputta. Họ cũng chỉ giới thiệu, trình bày, và giải thích những giáo lý của họ; còn những giáo lý của người khác thì bị họ khinh thường, chửi rủa, và chỉ trích thậm tệ. Bạch Thế Tôn, chúng con có sự nghi ngờ, có sự không chắc chắn liên quan đến những vị nầy. Các nhà sư và Bà La Môn nầy, ai nói thật và ai nói dối đây?”
“Nầy các người Kalama, đấy là chuyện đúng đắn khi quý vị có sự nghi ngờ, có sự không chắc chắn; sự không chắc chắn đã nẩy sinh khi tâm quý vị cảm nhận có điều gì đáng nghi ngờ. Hãy đến đây, nầy các người Kalama. Đừng chấp nhận dựa trên những điều sau đây: những gì mình đã được nghe đi nghe lại nhiều lần; hoặc dựa trên truyền thống; hoặc dựa trên tin đồn; hoặc dựa trên kinh sách; hoặc dựa trên sự phỏng đoán; hoặc dựa trên một sự thật đã được chấp nhận; hoặc dựa trên sự xét đoán bề ngoài; hoặc dựa trên một thành kiến (về một ý tưởng đã được suy ngẫm); hoặc dựa trên một người xem là có khả năng; hoặc dựa trên ‘một nhà sư là thầy của mình’. Nầy các người Kalama, khi chính quý vị hiểu biết điều sau đây: ‘Những điều nầy là xấu; những điều nầy thì bị chê trách; những điều nầy bị lên án bởi người khôn ngoan; qua sự thực hiện và quan sát, những điều nầy dẫn đến sự đau khổ và bệnh hoạn,’ thì quý vị nên bác bỏ chúng.”
Đức Phật đã để lại hai di sản rất lớn cho nhân loại mà cho đến nay vẫn còn là ngọn đuốc soi đường cho con người đi tới mục tiêu thăng hoa đời sống và đạt được giác ngộ và giải thoát mọi khổ đau. Hai di sản đó là trí tuệ siêu việt và lòng từ bi vô lượng.
Trí tuệ của Đức Phật được gọi là Vô Sư Trí (Anupadista-jñāna), tức là trí tuệ không do người khác chỉ dạy mà do chính Ngài tu tập chứng đắc. Hòa Thượng Thích Thanh Từ đã giải thích về Vô Sư Trí trong sách Hoa Vô Ưu Tập 1 ở Chương Vô Sư Trí Vi Tôn được đăng trên trang mạng https://thientruclam.info như sau:
“Vô sư trí vi tôn nghĩa là trí vô sư tôn quý nhất. Tại sao tôi nói như vậy? Bởi vì chúng ta tu cốt là được giác ngộ, cốt được thành Phật nhưng mà giác ngộ cái gì? Đó là một vấn đề mà người Phật tử chúng ta cần phải hiểu. Nói đến đây tôi nhắc lại cho quý vị nhớ, thuở xưa đức Phật Thích Ca đi tu, qua những lần học hỏi với các vị tiên nhân nhưng chưa đạt được mục đích, cuối cùng Ngài từ giã hết để tu khổ hạnh. Sau khi tu khổ hạnh không có hiệu quả, Ngài sống trở lại bình thường và đến dưới cội bồ đề tọa thiền bốn mươi chín ngày đêm, Ngài được giác ngộ. Sau khi giác ngộ Ngài tuyên bố một câu như thế này: “Ta đã hàng phục tất cả, rõ biết tất cả. Ta không nhiễm một pháp nào. Ta xa lìa hết thảy, diệt dục mà giải thoát và tự mình chứng ngộ thì còn ai là thầy của ta? ” (Kinh Pháp Cú).
Ngay câu nói đó chúng ta tự kiểm nghiệm xem: Ngài hàng phục được tất cả, Ngài không nhiễm tất cả, Ngài lìa hết thảy, Ngài diệt dục được giải thoát và tự mình chứng ngộ thì còn ai làm thầy? Như vậy cái chứng ngộ của đức Phật không do ai dạy Ngài hết. Nếu có người dạy tức là có thầy nhưng ngược lại không có ai dạy nên không có ai là thầy của Phật. Không thầy tại sao được giác ngộ? Điều đó chắc quý Phật tử cũng nhớ, như Phật đã tuyên bố do Ngài hàng phục tất cả, biết được tất cả, không nhiễm một pháp nào, xa lìa hết thảy, diệt dục mà giải thoát. Nghĩa là đức Phật tự hàng phục được nội tâm, tự biết rõ được tất cả các pháp thiện ác, nhiễm tịnh v.v… và Ngài không nhiễm các pháp ác, không kẹt các pháp thiện, do đó mà diệt dục được giải thoát là do tự chứng ngộ chớ không có ai là thầy cả.”
Trí tuệ mà Đức Phật chứng đắc vượt lên trên tất cả mọi tri thức thường nghiệm của thế gian. Tri thức thường nghiệm của thế gian dựa vào những kinh nghiệm tích tập trong đời sống của một người hay trong kho tàng kiến thức của cộng đồng xã hội được tích lũy qua nhiều thế hệ. Tri thức đó dựa trên nền tảng thừa nhận sự thực hữu hay tính hữu ngã của tất cả mọi vật mọi sự. Triết gia Pháp René Descartes (1596-1650) đã từng nói rằng, “Tôi suy tư do đó tôi hiện hữu” (Latin: cogito ergo sum – English: I think therefore I am), theo https://plato.stanford.edu. Theo đó, triết học Tây Phương và truyền thống tư tưởng của nhân loại nói chung thừa nhận rằng tôi phải hiện hữu thì tôi mới suy tư và tôi hiện hữu có nghĩa là tôi thật có, tôi là thật ngã. Tư duy thông thường của con người không thể chấp nhận rằng chính người suy nghĩ và đối tượng được suy nghĩ tới đều không thực hữu. Nếu cả hai đều không thực hữu thì cái gì tồn tại để suy nghĩ và cái gì tồn tại để làm đối tượng của tư duy?
Triết học Tây Phương đến thời triết gia Đức Martin Heidegger (1889-1976) đã nêu một tra vấn tối hậu về sự hiện hữu của con người và sự vật khi ông đặt câu hỏi rằng, “Tại sao hiện hữu thay vì không là gì cả?” (Why is there something rather than nothing?), theo www.en.wikipedia.org. Dù là triết gia khai phóng ra sự tra vấn về ý nghĩa hữu thể nơi con người và sự vật, Heidegger vẫn không vượt thoái khỏi sự trói buộc của khái niệm hữu ngã nơi con người và nơi mọi sự vật. Dù ông thừa nhận con người có khả năng tự vượt để hướng về phía trước, Heidegger vẫn không đẩy nổi con người ra khỏi quỹ đạo của tư duy hữu ngã để lao mình vào cõi vô ngã rỗng lặng mà Đức Phật đã chứng đắc trước đó hai mươi lăm thế kỷ.
Ngược lại, trí tuệ (prajñā hay paññā) mà Đức Phật chứng đắc nhìn thấu suốt bản thể của tất cả các pháp đều do duyên mà sinh khởi, tồn tại và hủy diệt, và do đó các pháp không có tự ngã, không có tự tánh, là giả hợp giả danh, là không tánh (Śūnyatā). Cái thật ngã, thật pháp, thật hiện hữu mà con người tư duy, nhận thức và bám chặt vào đó chỉ là ảo tưởng, là huyễn mộng. Đó chính là bi kịch lớn nhất của nhân sinh. Nằm mộng mà cứ ngỡ là mình đang thức tỉnh. Giống như trong Kinh Lăng Già (Laṅkāvatāra Sūtra) nói:
“Thế gian ly sanh diệt
Do như hư không hoa
Trí bất đắc hữu vô
Nhi hưng đại bi tâm”
Trúc Thiên trong tác phẩm “Thiền và Kinh Lăng Già” của Thiền Sư Suzuki đã dịch Việt đoạn Kinh trên như sau:
“Khi quán tưởng thế gian này bằng trí và bi, người sẽ thấy nó giống như hoa đốm giữa trời, không thể nói nó có sinh ra, hay bị diệt đi, vì cả hai phạm trù “có” và “không” đều không dùng được ở đây.”
Lòng từ bi vô biên của Đức Phật chỉ có thể được khai phát đến mức diệu dụng khi nào chứng ngộ được trí tuệ nhìn thấu suốt vào bản thể rỗng không của mọi pháp.
Lòng từ bi (Karuṇā) là di sản vô giá khác mà Đức Phật đã để lại cho nhân loại. Trong Kinh Từ Bi (Metta Sutta) qua lời dịch Việt của Thiền Sư Nhất Hạnh đăng trong trang nhà www.quangduc.com, Đức Phật đã dạy cách nuôi dưỡng lòng từ bi như sau:
“Nguyện cho mọi người và mọi loài đươc sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.
Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh.
Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.
Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài.”
Chính lòng từ bi mà Đức Phật đã cảm hóa vô số người thuộc nhiều giai tầng xã hội trong cuộc đời của Ngài. Với lòng từ bi, Đức Phật đã tự thân thực hành và khuyên đệ tử của Ngài thực hành hạnh không phân biệt đối xử, không kỳ thị màu da, chủng tộc và giới tính. Chính lòng từ bi mà Đức Phật đã khuyên dạy đệ tử đừng não hại, không sát hại sinh linh muôn loài, và nên thân cận và bảo vệ môi trường sống. Về điểm này, có lẽ Đức Phật là bậc Đạo Sư có cuộc sống gần gũi với thế giới thiên nhiên nhất: sinh ra dưới gốc cây Hoa Vô Ưu, thành đạo dước gốc cây Bồ Đề, nhập Niết Bàn dưới gốc cây Sa La, 45 năm du hóa với đôi chân trần, ngày khất thực và đêm ngủ dưới gốc cây, v.v… Chính lòng từ bi đã hướng dẫn con đường truyền bá của đạo Phật trên khắp thế giới mà không gây ra một cuộc chiến tranh tôn giáo nào trong suốt hai mươi lăm thế kỷ qua.
Chính lòng từ bi của Đức Phật đã khiến cho Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc công bố Nghị quyết 54/115 năm 1999 tuyên dương tinh thần từ bi hòa bình của Đức Phật và lấy đó làm chủ đạo cho công cuộc kiến tạo nền hòa bình trên thế giới trong bối cảnh thù hận và chiến tranh do sự cuồng tín, cố chấp và sân hận của con người gây ra. Cũng Nghị Quyết này LHQ đã công nhận ngày Đại Lễ Vesak được LHQ tổ chức hàng năm vào tháng năm để kỷ niệm ngày Đản Sinh, Thành Đạo và Nhập Niết Bàn của Đức Phật.
Trong mùa Phật Đản cầu nguyện cho tất cả mọi người, mọi vật, mọi chúng sinh đều thoát khỏi đau khổ của dịch bệnh và những hận thù chủng tộc.
++++++
Ngôi tháp và hồ nước tại Vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) tại Nepal nơi Đức Phật đã đản sinh. (nguồn: https://www.allnepal.com)
Hồ nước sát cây Hoa Vô Ưu nơi Hoàng Hậu Maya hạ sinh Thái Tử Tất Đạt Đa tại Nepal. (nguồn: https://www.gardenvisit.com)
Một trong những Trụ Đá của Vua A Dục (Ashoka) tại Thành Phố VAishali, Ấn Độ, được xây vào thế kỷ thứ 3 trước tây lịch. Những Trụ Đá này là chứng tích lịch sử cụ thể nhất về sự xuất hiện của Đức Phật và Chánh Pháp của Ngài đã được lưu truyền khắp bốn phương từ thời Vua A Dục. (nguồn: www.en.wikipedia.org)
Discussion about this post