MỘT QUAN ĐIỂM KHÁC VỀ CHỮ HIẾU
Tạ Lê Cẩm Tú
Ngày nay, trong thế giới phẳng con người có nhiều cơ hội mở rộng tầm hiểu biết của mình thông qua lượng thông tin khổng lồ trên Internet về nhiều lĩnh vực. Trong bài viết này, tác giả muốn nêu vài thí dụ để thấy được việc báo hiếu hay nói cách khác là chuyện cư xử trong quan hệ gia đình mà chủ yếu là quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Thêm vào đó, chúng ta có thể thấy sự khác biệt nổi bật giữa văn hóa phương Đông và phương Tây trong cách hành xử của họ.
Ở phương Đông, lòng hiếu thảo xuất phát chủ yếu từ tư tưởng Nho giáo về cách đối đãi giữa con cái và cha mẹ, mà ở đó, hiếu hạnh là đức tính vô cùng quan trọng trong đạo làm người như giữa người nhỏ đối với người lớn bao gồm cha mẹ, thầy cô, anh em, bạn bè … từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Tư tưởng hiếu đạo cũng xuất hiện trong phái Đại Thừa Phật Giáo hay nói cách khác Đại Thừa Phật Giáo cải cách để thích nghi với văn hóa Trung Hoa, bắt nguồn từ sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ. Chúng ta không đi sâu vào vấn đề lịch sử và lý thuyết nhưng chúng ta nói chút ít về chuyện “hiếu” như thế nào trong tư tưởng Nho giáo, tư tưởng phương Tây, và Phật giáo chính thống.
Như tác giả được biết, có nhiều trường hợp vì chữ hiếu mà con cái nuông chiều bố mẹ, tưởng rằng trả được hiếu nhưng thật tình là đã làm hư bố mẹ lẫn làm hại bản thân mình.
Đây là những câu chuyện có thật, anh Tuấn kết hôn với một Việt Kiều Canada theo vợ qua sống ở Canada, lạ nước lạ cái, anh phải đi học tiếng, học lái xe để xây dựng cuộc sống mới nơi phương trời mới. Ấy vậy mà anh chị và cha mẹ của anh ở Việt Nam lúc nào cũng đòi hỏi vật chất trong khi anh chưa trụ vững ở xứ người. Anh phải đi làm thêm và làm quá mức để nuôi chính mình, gia đình riêng, đồng thời gửi tiền về cho cha mẹ, anh em. Đến năm thứ mười ở Cadana, anh lâm bệnh ung thư và chết do đã làm việc quá sức!
Hoặc chị Trâm theo chồng qua châu Âu. Tiền bạc chi tiêu chị nhờ vào đồng lương chính của chồng. Chị được hưởng trợ cấp nhập cư của chính phủ, tuy không nhiều nhưng chị đã dành dụm, chắt bóp không dám xài riêng cho bản thân. Chẳng hạn như sắm sửa quần áo thì vào tiệm đồ cũ; ghiền uống cà phê thì ráng nhịn; và tiền sữa của con được chính phủ cấp cũng gom góp lại để gửi về nuôi dưỡng và xây nhà cho người cha duy nhất ở quê nghèo Đồng Tháp, Việt Nam. Người cha bắt đầu ăn chơi, chảnh chọe với thiên hạ, bạn xấu kéo tới làm quen làm thân. Tiền con gái gửi nước ngoài về người cha đều tiêu pha cho ăn nhậu và bồ nhí. Biết cha mình như thế nhưng chị không dám làm áp lực hoặc bỏ lơ vì sợ người cha quẫn trí làm liều và mình lại mang tội bất hiếu, chị đành ngậm đắng gửi nốt số tiền nợ nần của cha do tiêu xài phóng túng.
Còn nhiều những câu chuyện tương tự như thế xung quanh chúng ta. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Chuyện mẹ chồng con dâu và cách ứng xử của con trai sao cho vừa chữ hiếu mà lại không làm tổn thương vợ con mình cũng là một câu chuyện dài nhiều tập. Phong tục và nếp nghĩ cổ hủ nặng nề làm cho tất cả mọi người chung sống hài hòa là không dễ dàng. Ở khía cạnh này, mọi người trong một gia đình cần sống nhẫn nhịn theo tinh thần vô chấp của Phật giáo mới tạm tạo ra không khí hòa thuận!
Một quan điểm khác cho rằng: Người con có hiếu không có nghĩa là anh ta hay chị ta phải đi làm nô lệ cho cha mẹ mình. Đến đây, chúng ta nhìn rộng ra văn hóa phương Tây, cha mẹ biết giới hạn của họ và một khi con cái qua 18 tuổi thì họ đối xử với chúng như người lớn. Họ tôn trọng con cái chứ không bắt ép, la rầy hay đánh đập, và thường con cái sẽ phải sống tách riêng ra để có cuộc sống độc lập. Cuộc sống tự lập và riêng rẻ của con cái phần nào hạn chế xích mích giữa các thành viên trong gia đình khi tính cách từng con người đã được hình thành đầy đủ.
Người phương Tây có câu chuyện – người già sẽ được đưa vào Viện dưỡng lão. Nghe vậy thì người phương Đông cho rằng con cái bất hiếu, không chịu ở gần cha mẹ phụng dưỡng chăm sóc, nhưng soi kỹ thì đó là phương án khá thuận bởi vì những người con còn có cuộc sống riêng của họ. Đôi khi cha mẹ cũng nên hạn chế làm phiền hoặc xen vào đời sống riêng của con cái để giảm thiểu những cãi vã không đáng có và làm giảm tình yêu thương vợ chồng hay gia đình riêng của con mình.
Ở đâu thì chưa biết chứ ở các viện dưỡng lão Châu Âu không hề buồn chán vì nơi đây có những hoạt động dành cho người già như câu lạc bộ thơ ca, thể dục thể thao, kết bạn … Hệ thống chăm sóc sức khỏe cực kỳ tốt, các y tá và hộ lý giúp đỡ từng miếng ăn, giấc ngủ, kể cả khi đi vệ sinh; bác sĩ theo dõi thường xuyên, kiểm tra sức khỏe định kỳ, được tư vấn và gặp chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần để chia sẻ các vấn đề trong cuộc sống. Hằng tuần con cháu họ đến thăm nom, trò chuyện vui vẻ. Một sự thật được nhiều người công nhận là sống ở Viện dưỡng lão còn tốt gấp nhiều lần ở nhà. Vì sao? Một điều đơn giản vì con cháu họ đi làm từ sáng đến tối mịt mới về, nếu ở nhà có mệnh hệ gì biết kêu ai, gọi ai?!
Tuy thuận tiện và hiện đại nhưng ở phương Tây nói chung, ngay từ tấm bé con cái hầu như ít được dạy dỗ về chữ hiếu đại loại giống kiểu phương Đông. Do vậy, nếu người con tốt thì thỉnh thoảng tới thăm nom cha mẹ ở nơi dưỡng lão hoặc về thăm nhà bố mẹ, ngược lại họ mặc kệ cha mẹ. Họ chỉ biết cha mẹ phải cung phụng con cái nên rất nhiều trường hợp con cái cần tiền bố mẹ nhưng lại cư xử với cha mẹ mình không ra gì. Ví dụ, khi cha mẹ đến thăm nhà riêng người con, người con thích thì mở cửa, không thích thì cho ngồi đợi ngoài đường cho đến khi nhận ra cửa không được mở thì cha mẹ phải tự đi về. Nếu nhà ở xa quá thì ngủ ngoài xe hơi (nếu có xe hơi) hoặc tìm nơi nào đó tá túc qua đêm chứ không được vào nhà con mình khi không được phép!
Nói tóm lại, tiện và bất tiện trong mối quan hệ cha mẹ già và con cái ở phương Đông và phương Tây là hai thái cực đối chọi của một vấn đề. Cái duy nhất là cách cư xử sao cho hạnh phúc vẹn toàn giữa cha mẹ và con cái, anh chị em trong gia đình. Theo tư tưởng Phật giáo nguyên thủy, cái hạnh phúc tối thượng là “không làm khổ mình và cũng không làm khổ người” đồng nghĩa ta nên dung hòa và lấy cái hay của phương Đông lẫn phương Tây mà thực hiện. Đó là cha mẹ và con cái, những cá thể độc lập có tự do riêng, không cá thể này xen vào hạnh phúc hoặc làm chủ cá thể khác mà tất cả các cá thể đều quan tâm chăm sóc lẫn nhau và có sự tương trợ nhau khi cần thiết.
17/06/2016
Discussion about this post