MỘT CUỘC PHỎNG VẤN
Mark MaGill
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Dịch từ An Interview with Gehlek Rimpoche, Tricycle, Feb.2003).
Ngài
Gehlek Rimpoche chào đời ở Lhasa, Tây Tạng năm 1939. Năm 4 tuổi, Ngài đã được công nhận là một
vị lạt-ma tái sinh. Trước khi rời
bỏ Tây Tạng năm 1959, ngài là một trong những vị lạt-ma cuối cùng hoàn
tất chương trình tu học tại viện Phật học nổi tiếng và lớn nhất Tây
Tạng, Tu viện Drepung.
Năm 25 tuổi, ngài hoàn tục. Những năm sau đó ngài làm việc ở đài
phát thanh All India Radio, và làm biên tập viên cho Library of Tibetan
Works and Archives (Thư Viện Sách và Văn khố Tây Tạng) ở Delhi. Cuối những năm 1970, ngài được hai vị Thầy là ngài Kyabje Ling
Rimpoche và ngài Kyabje Trijang Rimpoche, giao trách nhiệm hướng dẫn các
đệ tử Tây phương. Năm 1985, ngài
thiết lập một trung tâm Phật học tại Hà Lan và năm 1987, lập trung tâm
thiền Jewel Heart (Kim Cang) tại Ann Arbor,
tiểu bang Michigan,
Mỹ. Trung tâm này giờ có nhiều chi
nhánh khắp nước Mỹ, cũng như trên thế giới. Ngài Gehlek Rimpoche được cộng tác viên
biên tập của tạp chí Tricycle, Mark Magill, phỏng vấn vào tháng tư tại
tư gia ở thành phố Nữu Ước.
Chúng ta luôn phải đối mặt với
những mất mát –mất tài sản, bạn bè, người thân, cha mẹ. Mất đi sự trẻ trung, tóc rụng, mắt mờ,
tai lãng, đãng trí và cuối cùng là mất chính thân này. Vậy, thưa ngài, chúng ta học được điều
gì từ đó?
Chúng ta chỉ có hai lựa chọn. Một là cố gắng một cách điên cuồng để
đảo lộn mọi thứ, hai là cố gắng chấp nhận hoàn cảnh. Luân hồi sinh tử, sự hiện hữu hằng
ngày của chúng ta, là khổ. Và sự
mất mát cũng là một phần của luân hồi sinh tử. Cá nhân tôi, khi rời bỏ Tây Tạng, tôi đã
trải nghiệm việc đánh mất quê hương, tài sản, các vị thầy, đệ tử,
bạn bè, thị giả, trong chớp mắt.
Ta phải hành xử thế nào trước
những mất mát đó, thưa ngài?
Khi
phải chạy trốn cái chết thì những sự mất mát đó không thành vấn
đề. Nhưng khi không còn phải chạy
nữa, thì bạn bắt đầu nghĩ đến những thứ bạn cần. Bạn cần ăn, nhưng không có thực phẩm. Cần một chỗ trọ, nhưng không có mái nhà. Cần một phương tiện di chuyển nhưng không
có…
Cần
một tách cà phê mà không có.
Không
có đến cái bình làm cà phê. Nhưng
trong trường hợp của tôi, việc cảm nhận rằng tôi còn được sống khiến
mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Điều
đó và sự hiểu biết rằng cuộc đời này giống như một màn ảo
thuật. Nó có mặt hôm nay, rồi ngày
mai biến mất đi. Hiểu được như thế
sẽ giúp ta dễ dàng chấp nhận hoàn cảnh hơn. Nếu không, ta sẽ than trách, khổ đau một
thời gian dài. Tuy nhiên làm như thế
là ta đã tự tước đoạt của bản thân quyền được hưởng thụ cuộc sống
tuyệt vời này và nắm bắt được những cơ hội mà nó mang đến cho
ta. Đó là sự lựa chọn của
bạn. Thế giới mà chúng ta đang
sống là vô thường. Nó có thể thay
đổi từ tốt đến xấu hay ngược lại. Chúng ta phải hiểu điều đó. Nhưng cũng không có nghĩa là ta không được quyền than thở. Không có gì sai nếu bạn cảm thấy tiếc
nuối. Nhưng khi bạn đã quyết định
để nó qua đi, và tiến về phía trước, thì sau đó bạn không nên tiếp
tục nghĩ đến nó.
Nghĩa là sao, thưa ngài?
Nghĩa là ta phải rèn luyện ý chí. Ta phải sử dụng đến sức mạnh tinh
thần, cái mà ta vẫn thường gọi là ý chí.
Thưa ngài, làm sao để phát
triển ý chí?
Đó
là bạn phải tự nhủ mình: “Ta còn nhiều việc quan trọng phải làm
trong đời. Ta muốn sống có ích cho
bản thân và cho người khác. Vậy
tại sao ta lại hành động như một con vật ngu ngốc và tự đẩy mình
vào hố tuyệt vọng? Sao ta không
dùng trí tuệ của mình để hành xử tốt hơn?” Bạn cần lập luận như thế và tự nhắc
nhở bản thân rằng bạn đã quyết định quên đi điều bất hạnh của
mình. Dĩ nhiên, bạn cần thời gian
để than thở, tiếc nuối. Nhưng khi
thời gian đó đã qua đi, hãy để nó qua đi. Hai năm trước đây tôi đến Hòa Lan và đánh mất túi xách của
mình, trong đó có 10.000 đô tiền mặt. Tiền trong tất cả tài khoản của tôi cộng lại cũng không đến
con số đó. Trong túi xách còn có
cả thẻ tín dụng và giấy chứng minh của tôi. Đó lại là ngày cuối tuần, tôi không
thể làm được gì, kể cả việc rời khách sạn.
Trong thời gian đó tôi cho phép mình được
than thở về sự mất mát của cải, vì tôi không thể làm gì khác
hơn. Nhưng đến sáng thứ hai, tôi
quyết định dừng lại. Tôi hồi hướng
tài sản bị mất đến tất cả mọi chúng sanh, nhất là đến người đã lấy
được nó. Mặc dầu vậy, cứ mỗi hai
mươi phút sau tôi lại nghĩ, “Trời ơi, tôi mất quá nhiều. Thật xấu hổ nếu người khác biết được
điều đó”. Khi đó, tôi tự nhủ rằng
mình đã hồi hướng tài sản đó rồi. Nó không còn là của mình nữa. Nó đã qua đi. Vậy mình than
thở cho cái gì?
Thưa, ngài cho rằng việc trân quý
sự sống của mình đã giúp ngài chấp nhận các biến đổi khi ngài
buộc phải rời bỏ quê hương. Như thế
có phải là trong chừng mực nào đó, sự trân quý đối trị được tâm
trạng tiếc nuối, khổ đau vì mất mát?
Sự trân quý có thể không phải là
thuốc chữa, nhưng nó cũng giúp ta đối phó với hoàn cảnh.
Tôi nhận thấy rằng mỗi khi ông mua thứ
gì, dù cho cá nhân mình hay cho người khác, ông đều mua loại có chất
lượng tốt nhất. Đó cũng là thói
quen của tôi từ thuở nhỏ. Gia đình
tôi cũng khá giả. Họ không bao giờ
mua hàng thứ phẩm. Ngay hiện tại
tôi cũng không mua hàng dỏm. Khi tôi
để mắt đến thứ gì, hình như nó cũng là thứ đắt tiền nhất. Tôi thà xài giày cũ hơn là mua giày
dỏm. Đó là thói quen. Nên ta thấy là thói quen còn khó bỏ hơn
là hệ quả của khổ hay ái. Tôi đã
đánh mất tất cả khi tôi rời bỏ quê hương, nhưng thói quen thì vẫn theo
tôi.
Thói quen khiến ngài chọn lựa
những sản phẩm chất lượng nhất. Nhưng ta không thể sở hữu chúng mãi. Điều đó có thành vấn đề không, thưa
ngài?
Không, không thành vấn đề. Khi nào chúng không còn, thì chúng không
còn.
Thưa ngài, sở hữu những sản
phẩm giá trị có ích lợi gì không? Ta được gì từ việc trân quý chất lượng? Theo tôi, khả năng cảm nhận là một cách
để đo lường. Ta không thể trân quý điều
gì nếu ta sợ mất nó.
Đúng vậy. Nếu ta thực sự trân quý điều gì, thì ta sẽ tận hưởng nó. Nếu ta không thể thưởng thức, hưởng thụ
nó thì nó sẽ trở thành một gánh nặng hơn là một niềm vui. Nỗi lo sợ đánh mất nó sẽ làm chủ
ta. Ta phải luôn sống trong nỗi sợ
hãi. Đối với quyền lực cũng
thế. Ngay tổng thống nước Mỹ cũng
trở thành tù nhân. Ông ta đâu thể
nói chuyện với bất cứ ai. Ông ta
được canh gác, bảo vệ suốt ngày, đêm. Đó là luân hồi. Hỷ lạc bị biến thành ác mộng. Các ngôi sao âm nhạc, tài tử màn ảnh
chắc chỉ đở hơn tổng thống chút đỉnh. Họ cũng phải núp sau lưng các vệ sĩ, sợ tai họa có thể xảy
ra. Những người bình thường như chúng
ta phải trân quý cuộc sống của mình vì sự tự do mà chúng ta được
tận hưởng. Đối với các sở hữu
cũng thế. Chúng ta sẽ không thể
hưởng thụ chúng khi chúng ta bị nô lệ bởi nỗi sợ phải đánh mất
chúng. Vấn đề không phải là vật
chất; mà chính là thái độ của chúng ta. Sẽ không có vấn đề gì khi chúng ta có thể trân quý và hưởng thụ
chúng.
Có lần tôi đến giảng pháp ở Hồng
Kong. Sau đó có vị thính giả hỏi
tôi, “Vậy con có nên lái xe Rolls Royce nữa không?” Tôi bảo, nếu anh còn lái xe Rolls Royce
thì tốt. Nhưng khi anh để chiếc
Rolls Royce lái mình thì không được rồi.
Chúng ta muốn có quyền lực, địa vị,
giàu có, danh phận. Nhưng khi có
được chúng rồi, thì chúng ta lại để chúng sai khiến mình. Chúng ta cần phải hiểu rằng tất cả
những gì chúng ta đang có sẽ mất đi. Kết thúc của sự giàu sang là nghèo túng. Của danh vọng là quên lãng. Của sống là chết. Đó là bản chất của luân hồi sinh tử.
Sự trân quý bạn bè hay những
sản phẩm có chất lượng tự động khiến ta thích thú, thưa phải không
ạ?
Không có gì sai với sự thích thú. Chỉ khi ta bắt đầu bám víu vào đó, ta
mới sinh lòng sợ hãi. Khi không bám
víu vào đó, ta mới cảm thấy trân quý, và thích thú.
Nếu bạn là người keo kiệt, thì sự
mất mát sẽ khiến bạn đau khổ hơn. Ngược lại, sự trân quý sẽ giúp bạn không khổ đau vì mất mát.
Chúng
ta có thể áp dụng điều này vào các mối liên hệ với người như thế
nào?
Hãy dừng tranh cãi với người thân
trong gia đình, với bạn bè. Hãy
bắt đầu biết trân quý họ. Hãy
sống hạnh phúc bên nhau. Đừng tìm
lỗi của người. Hãy bắt đầu biết trân
quý cá tính của người khác. Cuộc
sống rất ngẳn ngủi. Cho dù ta có
sống đến trăm tuổi, biết ta sống được bao lâu với đầy đũ ngũ căn?
Thời gian chúng ta dành cho nhau khá
hạn chế. Làm sao để khi người thân
ra đi, ta có thể trân quý khoảng thời gian đã sống với nhau, hơn là
hối hận rằng ta đã uổng phí thời gian, rằng giá mà ta đã hành xử tốt
hơn. Điều đó là sự an ủi của
ta. Nó giúp ta vượt qua sự mất
mát, buồn đau.
Giả thử rằng ta đã có thể
sống như thế. Nhưng khi người thân
yêu ra đi, chúng ta vẫn buồn đau. Chúng ta phải làm thế nào? Thí dụ, ngài rất thân thiết với thi sĩ Allen Ginsbert. Sự ra đi của ông ấy đã ảnh hưởng đến
ngài thế nào?
Allen là một người tuyệt vời –tử tế,
cởi mở, thẳng thắng và biết quan tâm đến người. Ông ấy không gian dối ai. Không ích kỷ bao giờ. Nên, tôi rất trân quý các đức tính
đó. Khi ông ra đi, tôi rất buồn. Chắc chắn đó là một sự mất mát lớn
đối với tôi. Nhưng tôi vui vì ông ấy
đã có một đời sống tốt đẹp, sống theo con đường đạo. Ông ấy đã chuẩn bị cho cái chết của
mình. Tôi có thể nói từ kinh
nghiệm bản thân rằng ông ấy đã chờ đón cái chết thay vì than thở vì
nó.
Thưa, dầu vậy, ngài vẫn luyến
tiếc ông ấy?
Chắc chắn là tôi rất nhớ ông ấy. Nhưng nỗi nhớ đó không làm tôi đau khổ,
vì tôi biết ông đã ra đi nhẹ nhàng, rằng ông đã mãn nguyện. Ta biết rằng vô thường phải xảy ra. Đó là tiến trình tự nhiên. Ta nhớ người thân đã mất, và ước ao
rằng họ vẫn còn với chúng ta. Điều đó không tránh khỏi. Nhưng nếu ta hiểu rằng đó là một tiến trình tự nhiên, thì nó
không làm ta bấn loạn.
Theo truyền thống Tây Tạng, điều quan
trọng là ta phải làm tất cả những gì có thể để giúp người sắp ra
đi. Trong trường hợp của Allen,
chúng tôi đã tổ chức nhiều nghi lễ. Nếu bạn đã làm tất cả những gì có thể để chắc chắn rằng
người thân ra đi nhẹ nhàng, thì bạn phải nên vui mừng chứ, vì đó là
sự kết thúc, chấm dứt tốt đẹp.
Xin ngài hãy nói về sự buông
xả, và ‘đi tới’.
Đối với những ai tin vào tái sinh thì
sự bám víu của chúng ta sẽ khiến cho người chết khó tái sinh. Khi
chưa được tái sinh, thì thần thức của người chết không có xác thân
để nương tựa. Họ vẫn quẩn quanh bên
ta. Họ thấy ta khóc lóc. Nhưng ta không thể thấy họ, khiến họ
rất khổ đau. Điều đó còn có thể
khiến họ phải chết trong thân trung ấm bardo (khoảng thời gian tiếp
nối giữa chết và tái sinh). Vì
thế việc ta vẫn bám víu vào người chết không chỉ là tự làm khổ
mình mà còn gây khó khăn cho người chết. Đối với bất cứ sự mất mát nào, khi cái gì đã qua, hãy để
nó qua đi. Nếu bạn mất đôi mắt,
khóc lóc sẽ không giúp bạn nhìn thấy lại được. Nó chỉ khiến bạn khó thích nghi với
hoàn cảnh mới mà thôi. Trong trường
hợp đó, các giác quan khác sẽ hỗ trợ bạn thôi. Bằng chứng là ta vẫn có thể dạy cho
người mù đọc chữ, đi đường và giao tiếp. Đó là cách bạn tôn vinh cuộc sống.
Thưa ngày, như thế có nghĩa là
các hành động tích cực sẽ giúp chúng ta buông xả?
Đúng vậy.
Còn
có gì khác nữa có thể giúp ta buông xả?
Hiểu rằng tất cả đều vô thường. Đó là bản chất thực tại. Không có gì khác hơn là luân hồi sinh
tử. Ở phương Tây có câu nói rằng
bạn không muốn tai họa xảy ra cho kẻ thù của mình. Trên quan điểm tâm linh, chúng ta cũng có
thể có một quan điểm tương tự. Chúng
ta có thể chú nguyện rằng sự mất mát đó là để thay thế cho sự mất
mát của người khác, để cho dù kẻ thù của ta cũng không phải khổ đau
vì mất mát. Đó là một cách hay
để buông xả.
Sự bám víu tất cả là ở trong
tâm. Thay đổi tâm hành sẽ giúp ta
chuyển hóa. Cảm xúc, khổ đau hay
niềm vui đều chỉ là tâm tưởng. Vì
thế chúng ta phải làm chủ tâm. Đó
là lý do tại sao tôi đã nói ở trên rằng chúng ta cần phát triển tâm
với trí tuệ. Tuệ đến từ việc
quán sát, lý luận một cách kiên nhẫn với bản thân. Chúng ta không thể gò ép hay sai sử tâm,
nhưng việc chúng ta nhìn bản chất của sự mất mát như thế nào có
thể thay đổi tất cả. Có nhiều
loại mất mát. Có khi ta đánh mất
cả xã hội và văn hóa. Điều đó
chắc chắn sẽ tạo ra nhiều đau khổ. Chúng tôi đã mất quê hương, và bao người đã khổ đau. Nhiều truyền thống đã bị mai một. Chính Phật giáo qua bao thể kỷ cũng đã
bị loại khỏi quốc gia này đến quốc gia khác, nhưng mỗi lần như thế
nó vẫn được phục hồi, có thể còn mạnh mẽ hơn trước đó.
Vậy còn vấn đề cho rằng đây là thời mạt Pháp thì sao thưa
ngài?
Sự mất mát nào cũng có mặt tích
cực và tiêu cực. Nói chung, thì
đúng đây là thời kỳ thoái hóa.
Nhưng theo quan điểm của tôi thì chúng
ta đang sống trong một thời kỳ tốt đẹp nhất khi mọi con đường tâm linh
đều có thể được tìm thấy trên các danh mục quảng cáo. Khi chúng ta bắt đầu nhìn sự mất mát
và biến đổi theo quan điểm này, thì câu hỏi được đặt ra là chúng ta
nên than thở hay vui mừng vì điều đó.
Như thế buông xả có nghĩa là thuyết
phục tâm bằng sự hiểu biết, trí tuệ. Thưa ngài, vậy còn việc để cho nó qua đi, để tiến lên phía
trước thì sao?
Đó là tiếp tục mục đích sống. Tiếp tục đi trên con đường tâm linh. Tiếp tục làm việc. Tiếp tục kiếm sống.
Chúng ta trải nghiệm một sự
mất mát. Chúng ta than khóc, rồi
chúng ta buông xả. Chúng ta đi
tới. Từ đó chúng ta học được điều
gì?
Khi
vị thầy bổn sư của tôi, ngài Kyabje Trijang Rimpoche viên tịch, đó là
một cú sốc lớn đối với tôi. Có
thể là lớn nhất. Vì ngài giống
như một người cha. Tôi tiếp xúc với
ngài hầu như mỗi ngày. Khi tôi thắc
mắc bất cứ điều gì, ngài luôn có lời khuyên giải cho tôi, dầu đó là
câu hỏi về chính trị, kinh tế, tâm linh hay văn hóa. Ngài là nguồn an ủi, động viên và giáo
huấn tôi. Nguồn tin cẩn và ánh
sáng. Khi nhìn thấy thi thể của
ngài và biết rằng nó không còn có thể trã lời tôi, tôi đã thật sự
sốc. Kìa là người tôi đã dựa dẫm
vào. Người mà tôi nghĩ là hoàn
toàn có thể dựa vào. Giờ nền
tảng đáng tin cậy, vững chắc đó đã mất đi. Không chỉ mất đi, mà còn bị tiêu hủy,
thiêu đốt. Lúc đó tôi hiểu là ngay
chính một người mà ta hoàn toàn có thể dựa vào cũng sẽ mất đi.
Ngài đã ứng dụng điều đó như
thế nào?
Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể
dựa vào vị thầy để được dìu dắt, hướng dẫn, nhưng phải biết rằng vị
thầy đó sẽ ra đi. Cuối cùng chúng
ta chỉ có thể dựa vào bản thân. Chúng ta không thể dựa vào ai hay bất cứ điều gì ngoại trừ
bản thân. Theo quan điểm Phật giáo
là dầu sống, dầu chết, ta cũng chỉ có thể dựa vào bản thân.
Có người phản ứng lại điều
đó bằng cách nói, “Nếu thế thì tôi sẽ không thân cận với ai …”.
Phản ứng như thế là không đúng. Nói thế có khác gì nói, “Dầu gì tôi
cũng chết, vậy hôm nay tôi chết cho rồi”. Nếu thế thật uổng phí cho một kiếp người.
Thưa ngài, làm sao ta tránh
được thảm kịch đó?
Có thể tất cả đều giống như một màn
ảo thuật, nhưng đó là cuộc đời. Chúng ta phải sống với sự hiểu biết rằng tất cả chỉ là
mộng, là ảo, nhưng trong cõi mộng ảo đó, chúng ta phải không chỉ như
là một người có trách nhiệm, mà còn phải là khuôn mẫu cho người
khác nữa. Đó là bổn phận của
người biết tu tập. Nếu chúng ta tự
tách mình ra khỏi cuộc sống, thì không những ta đã bỏ qua một cơ hội
quý hiếm, mà ta còn làm bao người thất vọng.
Như thế ‘đi tới’ có nghĩa là tiếp
tục thể nhập.
Vâng, tiếp tục thể nhập với sự hiểu
biết rằng đây là vô thường. Với
tuệ giác rằng đây là mộng ảo, đây là luân hồi sinh tử. Như thế sẽ giúp chúng ta hiểu bản chất
của thực tại và bản chất của mất mát. Tuệ tri đó giúp chúng ta biết phải tiếc thương như thế
nào. Nó giúp chúng ta biết buông
xả như thế nào và tiếp tục sống như thế nào. Đó là cách chúng ta thực sự có thể
rèn luyện để biết tôn vinh cuộc sống quý báu và tuyệt vời này như
thế nào.
từ An Interview with Gehlek Rimpoche,
Tricycle, Feb.2003).
Discussion about this post