LÒNG SÙNG TÍN CÚNG DƯỜNG
Nguyễn Thế Đăng
Phẩm Dược Vương Bồ-tát bổn sự, thứ 23, nói về Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến “ưa tu tập khổ hạnh, ở trong pháp hội của Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức, tinh tấn kinh hành, nhất tâm cầu thành Phật, đủ một vạn hai ngàn năm thì được tam-muội Hiện nhất thiết sắc thân, đều là do được nghe kinh Pháp Hoa”.
Những thực hành của Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến có động lực là cảm hứng từ kinh Pháp Hoa, với môt sự “nhất tâm cầu thành Phật” trong suốt một thời gian dài. Sự tinh tấn thực hành đó có động lực chính là lòng sùng tín kinh Pháp Hoa để nhất tâm cầu thành Phật.
Sau đó nhập tam-muội ấy, dùng hoa và hương “giá trị bằng cõi ta-bà” để cúng dường Phật. Sự cúng dường này hẳn có động lực là sự sùng tín đối với Phật, kinh Pháp Hoa và con đường thành Phật. Nhưng Bồ-tát vẫn chưa bằng lòng với sự cúng dường những phẩm vật dù thiêng liêng nhất như vậy ở ngoài thân.
“Ta tuy dùng thần lực cúng dường Phật, nhưng chẳng bằng dùng thân cúng dường. Liền uống các chất thơm, dầu thơm các thứ hoa… đủ một ngàn hai trăm năm, rồi lấy dầu thơm xoa thân, ở trước Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức, dùng y báu cõi trời quấn thân, rưới các thứ dầu thơm rồi dùng thần thông từ nguyện lực tự thiêu thân”.
Đốt thân để phá chấp ngã. Chính vì chấp cái thân hữu hạn, sanh diệt này là thật, duy nhất thật, nên không thể biết mình là Pháp thân toàn khắp. Sự việc đốt thân này không phải là một vụ tự tử, mà là “pháp cúng dường”, có sự tham dự của tất cả Phật pháp: sùng tín, cúng dường, cầu thành Phật, nguyện thành Phật độ chúng sanh, giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương…
Sự cúng dường bằng cách đốt thân này cũng đặc biệt là dùng đủ các loại hương, uống, xoa, rưới vào thân để đốt. Hương là một vật chất của thế gian vô thường này, nhưng nó là phước đức của Bồ-tát, khi được chuyển hóa trong ngọn lửa Phật pháp thì thành công đức. Sự sùng tín đã hợp nhất trí huệ và công đức trên con đường thành Phật. Chính cái nhân vật chất là hương này, mà ngoài việc đắc trí huệ Pháp thân, ngài còn đắc công đức là Báo thân và Hóa thân, tức là thành Bồ-tát Dược Vương, vị Bồ-tát có thuốc tốt để chữa lành thân bệnh và tâm bệnh của chúng sanh.
“Ánh sáng soi khắp tám mươi ức hằng sa thế giới, chư Phật ở trong đó đồng thời khen rằng: ‘Hay thay! Hay thay! Thiện nam tử! Đây là chân tinh tấn, gọi là chân pháp cúng dường Như Lai. Nếu dùng hoa, hương, chuỗi ngọc, hương đốt, hương bột, hương xoa, phan lọng bằng lụa cõi trời và hương hải thử ngạn chiên-đàn, dùng đủ thứ các vật như vậy cúng dường đều chẳng bằng được’.”.
Đốt thân bằng Phật pháp thì thân ấy biến thành ánh sáng trí tuệ soi khắp, cái ý thức chấp thân tiêu tan vào trí huệ bổn nguyên, tức Pháp thân của chư Phật. Đốt thân bằng hương phước đức là tịnh hóa thành hương công đức. Do đó được chư Phật khen là chân tinh tấn, chân pháp cúng dường, vì đủ hai tích tập trí huệ và tích tập công đức. Đức Phật được xưng là Lưỡng túc tôn, bậc tối tôn đầy đủ trọn vẹn hai tích tập trí huệ và công đức. Bằng sự đốt thân cúng dường, Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến cũng đi trên con đường thành Phật ấy. Với hai sự tích tập trí huệ và công đức, Bồ-tát đạt đến Pháp thân của tất cả chư Phật và Báo thân, Hóa thân công đức theo lời nguyện của ngài. Đây là sự tịnh hóa thân tâm bằng đốt thân cúng dường, mà động lực chính là lòng sùng tín.
Ngài Thiên Thai Trí Giả (538-597), trong một lần nhập thất, tụng đến đoạn “Đây là chân tinh tấn, chân pháp cúng dường Như Lai…” của phẩm Dược Vương Bồ-tát bổn sự này, đã đại ngộ, thấy hội Linh Sơn chưa tan. Từ sự đại ngộ này, ngài đã lập ra tông Thiên Thai, lấy kinh Pháp Hoa làm nền tảng. Qua đây chúng ta thấy những câu kinh Pháp Hoa thật đầy năng lượng, có thể bùng nổ bất cứ lúc nào đối với một tâm thức đã chuẩn bị đủ.
“Thân của Bồ-tát cháy một ngàn hai trăm năm mới hết. Sau đó, ngài sinh ra khi Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức vẫn còn tại thế. Ngài được Giải nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn đà-la-ni. Khi Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức diệt độ, ngài lại đốt hai cánh tay trăm phước trang nghiêm để cúng dường xá-lợi Phật, mãi bảy vạn hai ngàn năm, khiến vô số chúng sanh cầu Thanh văn, vô số vô lượng người phát tâm Vô thượng Giác ngộ, đều khiến trụ trong Hiện nhất thiết sắc thân tam-muội… Sau đó, đúng như lời thệ nguyện, hai tay hoàn phục như cũ”.
Hai tay là để cầm nắm những sự vật tưởng là bên ngoài mình. Đốt hai tay là đốt chấp pháp, kể cả những pháp cao cả nhất, “hai cánh tay trăm phước trang nghiêm”, đồng thời tịnh hóa phước đức thành công đức. Đốt cháy chấp ngã và chấp pháp ở mức vi tế và tích tập thêm công đức là con đường của Bồ-tát trong Mười Địa. Khi đốt hết thì Phật tánh hoàn toàn hiển hiện, “Hiện nhất thiết sắc thân tam-muội”. Hiện nhất thiết sắc thân tam-muội là Pháp thân biểu lộ nơi tất cả sắc tướng, đây được gọi là Sắc thân, gồm Báo thân và Hóa thân.
Một Bồ-tát đã đốt thân và hai tay để cúng dường, đốt chấp ngã chấp pháp bằng lòng sùng tín, thì vị ấy nhập vào pháp giới Pháp Hoa, và là pháp giới Pháp Hoa. Phiền não chướng và sở tri chướng cháy tiêu, thế giới Pháp Hoa hiện bày trọn vẹn. Thế giới sanh tử được chuyển hóa trong ngọn lửa sùng tín thành thế giới Diệu Hữu, Hiện nhất thiết sắc thân tam-muội.
Sở dĩ Bồ-tát có thể làm một “khổ hạnh” là đốt thân cúng dường trải qua thời gian rất lâu như vậy vì ngài đã được nghe và thông tỏ kinh Pháp Hoa, biết rằng mọi khổ hạnh, công đức, trí huệ của ngài đều xảy ra trên nền tảng pháp giới Pháp Hoa, tức là trên nền tảng Như Lai thọ lượng và Như Lai thần lực.
Đức Phật nói Bồ-tát Dược Vương đã xả thân bố thí số nhiều vô lượng trăm ngàn muôn ức na-do-tha như thế. Đức Phật còn khẳng định:
“Nếu có người đem bảy thứ báu đầy cả cõi tam thiên đại thiên cúng dường Phật, các Đại Bồ-tát, Duyên giác và A-la-hán, công đức người ấy được chẳng bằng một người thọ trì kinh Pháp Hoa này, thậm chí một bài kệ bốn câu, phước của người này là cao tột nhất…
Kinh này có thể cứu tất cả chúng sanh, khiến xa lìa các khổ não, lợi ích cho tất cả chúng sanh, đầy đủ chỗ mong cầu như ao nước trong mát có thể làm mãn nguyện người khát, như kẻ lạnh được lửa, như con gặp mẹ…, có thể làm cho chúng sanh xa lìa tất cả khổ, bệnh tật, đau đớn, có thể mở sự trói buộc của tất cả sanh tử.
Nếu có người nghe phẩm Dược Vương Bồ-tát bổn sự này mà có thể tùy hỷ tán thán, thì người ấy ở đời hiện tại trong miệng thường bay ra mùi thơm hoa sen xanh, lỗ chân lông nơi thân thường bay ra mùi hương chiên-đàn-ngưu-đầu, được công đức như đã nói trên”.
Tóm lại, kinh này đầy đủ tất cả công đức, trí huệ và hạnh của Bồ-tát cầu thành Phật.
Ở đây chúng ta có thể học theo hạnh của Bồ-tát Dược Vương. Đó là sự sùng tín vào Phật và kinh Pháp Hoa, sự sùng tín ấy được thắp lên ngọn lửa nhờ thiền định, thiền quán và các hạnh.
Ngọn lửa sùng tín cúng dường ấy thiêu cháy chấp ngã và chấp pháp, phiền não chướng và sở tri chướng. Các chướng tiêu tan đến đâu thì Pháp thân (Chân không) và Báo thân Hóa thân (Diệu hữu) hiện ra đến đó. Trong ngọn lửa sùng tín ấy có đủ tất cả Phật pháp vì nó kéo theo giới định huệ, các hạnh, từ bi, trí huệ, công đức để chuyển hóa thế giới sanh tử khổ đau thành pháp giới Pháp Hoa.
Sự sùng tín ấy là ngọn lửa cháy bằng mọi thứ nhiên liệu Phật pháp, đốt tiêu những che chướng nơi thân tâm chúng ta mà chúng ta đã tự tạo, để lộ Phật tánh viên mãn vốn sẵn có nơi mỗi chúng ta.
Discussion about this post