LỜI KHUYÊN KHI NHỚ CHA MẸ
Onto Khyenrab Chokyi Ozer soạn | Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ
Trước tiên, cha mẹ là từ ái nhất bởi đã trao cho con thân người.
Sau đấy, đạo sư là từ ái nhất bởi đã trình bày Giáo Pháp linh thiêng.
Rốt ráo, con phải dành cho bản thân sự từ ái lớn nhất,
Vì thế, hãy luôn luôn hiến dâng thân, khẩu và ý của con cho Giáo Pháp.
Nếu con nhớ cha mẹ, hãy dấn thân trong Giáo Pháp.
Tất cả những ai đã sinh ra, về bản chất, đều phải chết đi.
Mọi gặp gỡ chắc chắn phải kết thúc bằng chia ly.
Và lúc chết, chẳng gì ngoài Giáo Pháp đem đến bất kỳ lợi lạc nào.
Nếu con nhớ cha mẹ, hãy cố gắng đền đáp lòng từ của họ ngay lập tức.
Hãy dạy cho họ làm thiện, tránh ác và bắt đầu trên con đường.
Bất cứ thiện hạnh nào con đã tích lũy, hãy hồi hướng tất cả chúng cho họ,
Bởi con chẳng thể đền đáp lòng từ của họ bằng bất kỳ điều gì ngoài Giáo Pháp.
Nếu con nhớ cha mẹ, hãy tránh các hoạt động phi-Giáo Pháp.
Buôn bán và trồng trọt không thích hợp với những vị đã từ bỏ cuộc sống gia đình.
Trong xao lãng hối hả, con sẽ chẳng thể hoàn thành mục tiêu của bản thân và chúng sinh khác.
Và chẳng còn gì trên thế gian này tệ hơn kẻ khinh suất và cẩu thả.
Nếu con nhớ cha mẹ, hãy điềm tĩnh ở tại nhà.
Du hành quá nhiều đem đến mọi kiểu xao lãng.
Trò chuyện quá nhiều khiến cả thế giới đối nghịch với con.
Có nhiều kế hoạch chẳng dẫn đến điều gì ngoài thất bại và lụi tàn.
Nếu con nhớ cha mẹ, hãy xem tất cả đều là mẹ hay cha,
Bạn bè và đồng minh là cha mẹ con; kẻ thù cay nghiệt cũng là cha mẹ con.
Đạo sư là cha mẹ con và các đạo hữu cũng là cha mẹ con.
Không có một chúng sinh nào chưa từng là mẹ hay cha con.
Nếu con nhớ cha mẹ nhưng không thể nhận ra lòng từ của họ,
Thì hãy dấn thân nghiên cứu các bản văn của chư học giả uyên bác,
Và thọ nhận các chỉ dẫn sâu xa, những lời của chư đạo sư thù thắng.
Nếu không thì, trăm năm trôi qua mà con vẫn chẳng biết được.
Nếu con nhớ cha mẹ, hãy luôn luôn chu đáo.
Mọi thực hành thiện lành đều đến từ sự chu đáo.
Và không có sự quan tâm như vậy, con sẽ đền đáp lòng từ một cách sai lầm.
Chẳng có gì trên thế gian này tệ hơn một kẻ ngu dốt vô tình.
Nếu con nhớ cha mẹ, hãy buộc họ bằng thòng lọng bi mẫn.
Hãy thọ nhận Chân ngôn Bí mật sâu xa với tâm giác ngộ,
Hãy để cam lồ Giáo Pháp linh thiêng chữa lành tai họa chấp ngã,
Và con sẽ chẳng hối tiếc gì về việc không thể đền đáp lòng từ.
Nếu con nhớ cha mẹ, hãy xốc lại tinh thần nhờ nghiên cứu và quán chiếu.
Với sự áp dụng tận tụy, hãy thắt chặt đai của phương tiện và trí tuệ.
Hãy bỏ lại ngôi nhà của tri kiến dựa trên ngã và chạy trốn đến đồng bằng vô ngã.
Thậm chí nếu những cánh đồng vượt khỏi luân hồi là trống rỗng, con cũng chẳng hề hối tiếc.
Nếu con nhớ cha mẹ, hãy tìm kiếm sự cô tịch của núi non.
Hãy trưởng dưỡng tứ vô lượng tâm vì cha mẹ con trong sáu cõi.
Hãy để đứa con bị quyến rũ bởi cuộc đời giải thoát của sư phụ anh hùng,
Và chẳng bao giờ tách rời khỏi mẹ-thiên nữ của tịnh quang hỷ lạc.
Nếu con nhớ cha mẹ, hãy rèn luyện về tâm giác ngộ,
Và liên tục thiền định về con đường của hai giai đoạn sâu xa.
Khi sự chứng ngộ cuối cùng hiển bày,
Con sẽ chẳng bao giờ thiếu phương tiện và trí tuệ sâu xa.
Nếu con nhớ cha mẹ, hãy quán sát tâm con.
Cha con là tịnh quang, mẹ con là bản tính tính Không.
Tính Không-tịnh quang chẳng thể diễn tả là đặc tính căn bản của tâm.
Chẳng có sự tách biệt nào khỏi tịnh quang và tính Không bất khả phân này.
Ha! Ha! Nó là cha và nó cũng là mẹ.
Nó là một, bất khả phân nhưng được chia thành hai.
Khi con nghĩ về điều này và tính linh động của nó,
Thật khôi hài khi mọi hiện tượng đều chỉ như nhau!
Khi áp dụng lý luận bảy phần của cỗ xe,
Bám chấp về cha mẹ là thật tan hòa vào hư không vô tận.
Chẳng thể diễn tả, đứa con chấp nhận con đường rỗng rang vĩ đại.
Và trong hư không căn bản, vượt khỏi tâm, chẳng có cha hay mẹ.
Đáp lại Lodro Namgyal, một tu sĩ từ Dungdo, vị nói rằng đôi lúc, ông ấy cảm thấy buồn bã và hối tiếc khi nhớ về cha mẹ và cần chút lời khuyên ngắn gọn về cách giải quyết chuyện này, Lodro Lekshe Gyatso hân hoan viết lại bất cứ điều gì xuất hiện trong tâm.
Adam Pearcey chuyển dịch Tạng-Anh năm 2020.
Nguồn Anh ngữ: https://www.lotsawahouse.org/tibetan-masters/khyenrab-chokyi-ozer/advice-remembering-parents.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
PHỤ LỤC: VỀ ĐỨC ONTO KHYENRAB CHOKYI OZER[1]
Ngài Onto Khyenrab Chokyi Ozer (sinh năm 1889) – là vị Khenpo thứ hai của Phật học viện Dzongsar (Dzongsar Shedra[2]) và cũng là vị kế nhiệm của Khenpo Shenga[3] tại Phật học viện Palpung (Palpung Shedra). Ngài xuất thân từ Tu viện Onto. Ngài đã gặp Mipham Rinpoche[4] khi còn nhỏ và tiếp tục nghiên cứu với Đức Loter Wangpo[5] và Khenpo Shenga. Ngài cũng là đạo sư thân thiết của Chogyal Namkhai Norbu Rinpoche.
Alak Zenkar Rinpoche[6] nói rằng:
“Tại hầu hết các Phật học viện [Shedra], họ thường giảng dạy mười ba bản văn vĩ đại lần lượt khi bạn chuyển từ lớp này sang lớp tiếp theo, nhưng Đức Onto Khyenrab thường giảng dạy Nhập Bồ Tát Hạnh mọi lúc – suốt cả năm, mùa hè và mùa đông – và bất cứ khi nào Ngài hoàn thành bản văn, trong chính thời khóa đó, Ngài quay lại và bắt đầu lại từ đầu bản văn. Người ta nói rằng Ngài đã giảng dạy Nhập Bồ Tát Hạnh liên tục trong suốt cuộc đời”.
Ngài đã thành lập một Shedra tại Tu viện Onto, được gọi là Lhunpo Tse, nơi Ngài giảng dạy cho một nhóm năm mươi học trò từ mọi trường phái và Tu viện khác nhau của miền Đông Tây Tạng trong hai mươi năm. Ngài được cho là đã viên tịch vào những năm 1960 trong nhà tù Trung Quốc.
[2] Theo Rigpawiki, Kham-je Shedra Shedrup Dargye Ling tại [Tu viện] Dzongsar – mặc dù một Shedra nhỏ đã tồn tại trước đó, nhìn chung người ta cho rằng nó được thành lập vào năm 1918 bởi Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro do sức ảnh hưởng chính yếu của Ngài trong sự phát triển của học viện. Vị Khenpo đầu tiên giảng dạy tại đây là Khenpo Shenga vĩ đại. Shedra đã bị phá hủy cùng với phần còn lại của Tu viện Dzongsar bởi sự xâm lăng của Trung Quốc vào năm 1958. Nó được xây dựng lại vào năm 1983 và hiện giờ chào đón hơn 400 học trò dưới sự điều hành của Khenpo Pema Damcho và Khenpo Puntsok Namgyal.
[3] Theo Rigpawiki, Khenpo Shenga – Shenpen Chokyi Nangwa (1871-1927) – một vị quan trọng trong phong trào Rime, người chấn hưng việc nghiên cứu ở nhiều vùng của miền Đông Tây Tạng bằng cách thành lập các Phật học viện Shedra và chỉnh sửa chương trình học tập với sự nhấn mạnh vào các bộ luận mang tính kinh điển của Ấn Độ.
[5] Theo Rigpawiki, Đức Jamyang Loter Wangpo, tức Thartse Ponlop Loter Wangpo (1847-1914) – một đạo sư Rime Sakya quan trọng của Tu viện Ngor Thartse, người đóng vai trò then chốt trong phong trào Rime. Ngài là đệ tử của Tổ Jamyang Khyentse Wangpo và một vị thầy của Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro. Ngài nổi tiếng về việc kết tập Trích Yếu Mật Điển theo nguồn cảm hứng của đạo sư – Tổ Jamyang Khyentse Wangpo cũng như xuất bản ấn bản đầu tiên được in của Giải Thích Cho Đệ Tử Cá Nhân trong hệ thống Lamdre của trường phái Sakya, điều trước kia chỉ được truyền miệng và rất ít khi được giữ gìn dưới dạng bản văn viết tay. Ngài Jamyang Loter Wangpo cũng thọ nhận những chỉ dẫn Dzogchen từ Đức Nyoshul Lungtok.
Tuyển tập 139 bức thangka Mandala được vẽ cho Trích Yếu Mật Điển được Sonam Gyatso Thartse Khen Rinpoche bảo vệ vào năm 1958 và sau này được phát hành với hơn một ấn bản.
Discussion about this post