LỊCH SỬ KẾT TẬP KINH LUẬT
LẦN THỨ NHẤT
Thích Phước sơn
Không bao lâu sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết bàn, tôn giả Đại Ca Diếp tập họp 500 vị đại Tỳ kheo tại giảng đường Trùng Các, bên dòng sông Di Hầu, thành Tỳ Xá Ly, để chuẩn bị kết tập kinh luật. Trong số 500 Tỳ kheo này, 499 vị đã đắc quả A La Hán, chỉ trừ tôn giả A Nan.
Bấy giờ, tôn giả Đại Ca Diếp nói với các vị Tỳ kheo: “Này chư hiền, trên đường tôi trở về thành Câu Thi (Kusinàrà) để đảnh lễ Đức Thế Tôn lần cuối cùng, khi hay tin Ngài nhập Niết bàn, thì có một việc đáng buồn xảy ra: Trong khi các Tỳ kheo khóc than thảm thiết, không thể kiềm chế được lòng thương tiếc Đức Thế Tôn, có người lảo đảo trên mặt đất, bước đi không nổi, thì Tỳ kheo Bạt Nan Đà (Upananda) đang đi trước họ, bảo họ im lặng và nói: “Vị trưởng lão ấy thường dạy chúng ta nên làm như thế này, không nên làm như thế kia; nên học những điều này, không nên học những điều kia, thật là phiền toái.Bọn chúng ta ngày nay mới thoát được nỗi khổ ấy, tùy ý muốn làm gì làm, không còn ai ngăn cản nữa.Vì sao các ông lại thương tiếc khóc than?”. Ta nghe lời nói ấy, cảm thấy đau đớn và lo âu. Ngày nay, tuy Phật đã Niết bàn, nhưng giới luật vẫn còn đó, chúng ta phải hợp sức kết tập lại giới luật chớ để cho Bạt Nan Đà cấu kết cùng bè đảng phá hoại chánh pháp.
Các Tỳ kheo đều tán đồng lời nói của tôn giả Đại Ca Diếp, và thưa rằng: “Thưa trưởng lão, A Nan thường hầu cận Thế Tôn, Thầy ấy thông minh, nghe nhiều, gìn giữ kho tàng chánh pháp đầy đủ, nay ta nên mời Thầy vào trong số những người kết tập luật tạng”.
Tôn giả Ca Diếp liền bảo: “A Nan còn ở địa vị cần phải học (hữu học),còn bị tham ái, sân hận, si mê và sợ hãi chi phối, không nên cho tham dự”.
Thế nhưng, lúc này tôn giả A Nan đang ở tại thành Tỳ Xá Ly, ngày đêm thường thuyết pháp cho 4 chúng.Mọi người nghe pháp đông đúc chẳng kém gì khi Phật tại thế. Tại đây, có một Tỳ kheo người xứ Bạt Kỳ đang ngồi thiền trên lầu, vì không khí ồn ào không thể du hí trong tam muội giải thoát, bèn quán chiếu xem A Nan đã giác ngộ hay chưa, thì thấy rằng A Nan còn ở bậc hữu học, liền đến chỗ A Nan, đọc lên bài kệ:
” Ngồi dưới chỗ cây vắng
Tâm hướng đến Niết bàn.
Thiền định chớ phóng dật
Nói nhiều có ích chi?”
A Nan nghe vị Tỳ kheo ấy đọc kệ như vậy, lại biết việc Ca Diếp không cho mình tham dự kết tập luật tạng nên đầu đêm, giữa đêm và cuối đêm đều siêng năng đi kinh hành, mong cầu được giải thoát, nhưng vẫn chưa đạt được. Đến lúc nửa đêm, thân thể mỏi mệt cực độ, thầy định nằm nghĩ một chút, liền nghiêng đầu xuống gối, khi đầu vừa chấm gối, thì bỗng dưng dứt hết lậu hoặc. Các Tỳ kheo biết thế bèn thưa với Ca Diếp: ” Đêm qua A Nan đã được giải thoát, giờ đây nên cho thầy vào trong số người kết tập luật tạng”. Ca Diếp liền chấp nhận đề nghị ấy. Thế rồi tôn giả chọn thành Vương Xá làm nơi kết tập; vì ở đây có đầy đủ các phương tiện và thực phẩm.
Bấy giờ, 500 vị La Hán liền đến thành Vương Xá. Trong tháng đầu mùa hạ, họ lo sửa chữa phòng ốc và chuẩn bị ngọa cụ; tháng thứ hai tọa thiền để hưởng pháp vị giải thoát; đến tháng thứ ba mới tập họp lại một chỗ. Thế rồi, tôn giả Ca Diếp đề cử tôn giả Ưu Ba Ly kết tập Luật tạng, và được đại chúng chấp thuận.Ca Diếp bắt đầu hỏi Ưu Ba Ly: Giới nào Phật chế trước nhất, chế tại đâu, người nào sai phạm, phạm về tội gì v.v… Ưu Ba Ly trình bày rằng: Phật chế giới dâm trước nhất, do Tu Đề Na (Sudinna) vi phạm đầu tiên v.v…Một người hỏi, một người đáp và cuối cùng hỏi lại đại chúng, đại chúng cũng hoàn toàn nhất trí với sự trình bày của tôn giả Ưu Ba Ly. Công việc này kéo dài đến 80 lần mới hoàn tất gồm đủ cả giới Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni và được đặt tên là Bát thập tụng luật (Bộ luật được đọc đến 80 lần).
Tiếp theo, tôn giả Ca Diếp đề cử tôn giả A Nan kết tập kinh tạng và được đại chúng nhất trí.Tôn giả A Nan lần lượt kết tập các kinh sau đây:Tăng nhất, Tăng thập, Đại nhân duyên, Tăng Kỳ Đà, Sa môn quả, Phạm Động và những kinh Phật thuyết giảng cho Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, chư Thiên và nhân loại. Những kinh dài kiết tập thành một bộ gọi là Trường A Hàm, những kinh trung bình kết tập lại thành một bộ gọi là Trung A Hàm. Những kinh nói cho nhiều đối tượng như Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di và chư Thiên kết tập thành một bộ gọi là Tạp A Hàm. Những kinh lần lượt nói từ một pháp tăng dần đến mười một pháp kết tập thành một bộ gọi là Tăng Nhất A Hàm. ngoài ra tập họp các kinh nói bao quát nhiều vấn đề thành một bộ gọi là Tạp Tạng. Thế rồi,tôn giả Ca Diếp tuyên bố: “Từ nay chúng ta đã kết tập giáo pháp hoàn tất. Từ nay trở đi, những gì Phật không chế định thì không được tùy tiện chế định, những gì Phật đã chế định thì không được vi phạm. Chúng ta phải kính cẩn học tập những gì Phật đã chế định”.
Tôn giả A Nan bấy giờ thưa với tôn giả Ca Diếp: “Chính bản thân tôi từng nghe Phật dạy rằng: “Sau khi ta Niết bàn, nếu thấy những giới nào có tính cách nhỏ nhặt, các ngươi có thể loại bỏ”.
Ca Diếp liền hỏi: “Thầy cho những giới nào là nhỏ nhặt?”.
A Nan đáp: “Không biết”.
– Vì sao không biết?
– Vì tôi không hỏi Thế Tôn.
– Vì sao không hỏi?
– Vì bấy giờ thân Phật đang bất an, sợ làm não loạn Ngài.
– Vì thầy không hỏi ý nghĩa những vấn đề ấy, nên phạm tội Đột cát la, phải tự mình nhận tội và sám hối.
– Thưa Đại đức, không phải là tôi không tôn kính giới mà không hỏi ý nghĩa những vấn đề ấy nhưng vì sợ làm phiền Đức Thế Tôn, nên không hỏi. Trong vấn đề này, tôi không thấy mình phạm tội, nhưng vì kính trọng và tin tưởng Đại đức, nên tôi xin sám hối.
– Khi thầy vá y Tăng già lê cho Thế Tôn, thầy đã dùng chân đạp lên y, do đó, phạm tội Đột cát la…(nt).
– Thưa Đại đức, không phải là tôi không kính trọng Phật, nhưng vì lúc đó không có ai cầm y,nên tôi phải dùng chân đạp lên y để vá…(nt).
– Thầy đã ba lần cầu xin Thế Tôn cho phép nữ giới xuất gia trong chánh pháp, nên phạm tội Đột cát la…(nt).
– Thưa Đại đức, không phải là tôi không tôn kính pháp, nhưng vì bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề Cù Đàm Di từng nuôi dưỡng Thế Tôn đến trưởng thành, rồi Ngài đi xuất gia mà thành Chánh giác. Công ơn ấy cần phải báo đáp, nên tôi mới ba lần cầu thỉnh Thế Tôn cho phép nữ giới xuất gia…(nt).
– Khi Phật sắp nhập Niết bàn đã hiện tướng nói với Thầy rằng: Nếu người nào đạt được bốn thần túc, muốn giữ thọ mạng một kiếp hoặc hơn một kiếp đều có thể làm được, Đức Như Lai đã thành tựu vô lượng thiền định, và đã ba lần hiện tướng nói với thầy như thế mà thầy không cung thỉnh Phật trụ thế một kiếp, hoặc hơn một kiếp, nên phạm tội Đột cát la…(nt).
– Thưa Đại đức, không phải tôi không muốn thỉnh Phật trụ thế lâu dài, nhưng vì ác ma Ba Tuần che mờ tâm trí của tôi, nên tôi không thưa thỉnh… (nt).
– Ngày xưa, Phật đã ba lần nhờ thầy đi lấy nước cho Phật uống, mà rốt cuộc thầy không dâng nước cho Phật, nên phạm tội Đột cát la…(nt).
– Thưa Đại đức, không phải là tôi không dâng nước cho Phật, nhưng vì bấy giờ có 500 chiếc xe vừa đi qua phía trên dòng sông khiến cho nước đục sợ uống vào sinh bệnh, nên tôi không lấy nước cho Thế Tôn…(nt).
– Thầy đã cho phép nữ giới lễ Xá lợi Phật trước mọi người, nên phạm tội Đột cát la…(nt).
– Thưa Đại đức, không phải tôi muốn cho phép nữ giới lễ Xá lợi Phật trước nhưng vì trời sắp tối,họ vào thành không kịp, nên tôi mới cho phép…(nt).
Tiếp theo, đại hội cứu xét những giới nào có thể loại bỏ,tôn giả Ca Diếp trình bày: ” Nếu chúng ta xem chúng học pháp (những pháp cần phải học) là những giới nhỏ nhặt có thể loại bỏ thì các Tỳ kheo khác sẽ bảo: Bốn giới Ba la đề đề xá ni cũng là những giới nhỏ nhặt có thể loại bỏ. Nếu chúng ta bảo bốn giới Ba la đề đề xá ni là những giới nhỏ nhặt, thì các Tỳ kheo khác sẽ bảo: Các giới Ba dật đề cũng là những giới nhỏ nhặt v.v… giờ đây, chúng ta không thể khẳng định giới nào là giới nhỏ nhặt mà loại bỏ một cách tùy tiện thì bọn ngoại đạo sẽ bảo: “Pháp của sa môn Thích tử giống như mây khói, khi thầy còn sống thì những pháp do thầy chế định các đệ tử tuân thủ một cách nghiêm túc, nhưng sau khi thầy nhập Niết bàn, họ không chịu thực hành nữa”. Do vậy, tôi xin khẳng định lại: “Những gì không do Phật chế thì không được tự ý chế định, và những gì do Phật chế định thì không được vi phạm. Chúng ta phải kính cẩn học tập những gì mà Phật đã truyền dạy”.
Sau khi nghe trình bày, tất cả đại chúng đồng thanh nhất trí với lời tuyên bố của tôn giả Ca Diếp.
Lúc này trưởng lão Phú Lâu Na đang ở phương Nam, nghe Phật Niết bàn tại thành Câu Thi, và các trưởng lão Tỳ kheo đang kết tập Tỳ Ni pháp tạng tại thành Vương Xá, liền dẫn đồ chúng đến đó tham dự. Nhưng khi đến nơi, đại hội kết tập vừa xong.Do đó, trưởng lão yêu cầu đại hội đọc tụng lại một lần nữa để trưởng lão và đồ chúng cùng nghe. Đại hội đã hoan hỷ đáp ứng lời yêu cầu ấy.
Trong đại hội kết tập này, được các trưởng lão sau đây chủ trì:
1. trưởng lão A Nhã Kiều Trần Như làm đệ nhất Thượng tọa
2. Phú Lâu Na làm đệ nhị Thượng tọa
3. Đàm Di làm đệ tam thượng tọa
4. Đà Bà Ca Diếp làm đệ tứ Thượng tọa
5. Bạt Đà Ca Diếp làm đệ ngũ Thượng tọa
6. Đại Ca Diếp làm đệ lục Thượng tọa
7. Ưu Ba Ly làm đệ thất Thượng tọa
8. A Na Luật làm đệ bát Thượng tọa.
Vì cuộc kết tập này vừa đúng 500 vị La hán, không nhiều, không ít, nên được gọi là cuộc kết tập giáo pháp của 500 vị La hán (ngũ phần luật, ĐTK.1421, tr 190b- 192a).
So sánh và nhận xét
1. Nhận xét tổng quát
– Luật ngũ phần trình bày tóm tắt, cô đọng, và chỉ trình bày về sự kết tập.
– Luật tứ phần, ngoài phần trình bày sự kiện kết tập, còn nói thêm đôi nét về lúc Phật Niết bàn.
– Luật Thập tụng trình bày tương đối phong phú nhất, vì còn thêm nhiều chi tiết lúc Phật Niết bàn.
2. Những vị chủ trì cuộc kết tập
– Luật Ngũ phần (xem lại trước)
– Luật Tứ phần ghi: a) Đà Ê La Ca Diếp, b) Trưởng lão Bà bà Na, c) Đại Ca Diếp, d) Trưởng lão Đại Châu Na.
Luật Thập tụng ghi: a) A Nhã Kiều Trần Như, b) Trưởng lão Quản Đà, c) Thập Lực Ca Diếp, d) Ma Ha Ca Diếp.
3. Những vấn đề Ca Diếp chất vấn A Nan
– Luật Ngũ phần (tóm tắt những trình bày trên): a)- A Nan không hỏi Phật những giới nào là nhỏ nhặt có thể loại bỏ, b)- A Nan đạp chân lên y Tăng già lê của Phật, c)- A Nan đã xin Phật cho phụ nữ xuất gia, d)- A Nan không xin Phật trụ thế lâu hơn nữa mà để Phật Niết bàn, e)- A Nan không lấy nước cho Phật uống khi Phật đang cần. f)- A Nan đã cho phép nữ giới lễ xá lợi Phật trước nhất.
– Luật Tứ phần: Bộ này đề cập đến 7 điều.Riêng điều thứ hai khác hẳn hai bộ kia, như sau: Phật đã ba lần yêu cầu A Nan làm người cúng dường mà A Nan nhất quyết không nhận. Còn các điều 1,3,4,5,6, thì giống như các điều 1-5 của Ngũ phần,chỉ đảo lộn vị trí. Điều 7 cuối cùng thì viết: A Nan không ngăn nữ giới khiến họ làm bẩn chân Phật (1) (ĐTK, 1428, tr 966a).
– Luật Thập tụng: 5 điều trước giống như Luật ngũ phần, chỉ đảo lộn vị trí. Riêng điều thứ sáu, luật này nói “A Nan đã để lộ âm tàng tướng của Phật cho nữ giới xem (2) (ĐTK 1428, tr 449b).
4- Một số khía cạnh khác
a. Địa điểm kết tập: cả ba bộ đều nhất trí cho là tại thành Vương Xá.
b. Thời gian kết tập: cả ba bộ đều đồng ý cho rằng vào mùa hạ năm Phật Niết bàn.
c. Số người tham dự kết tập: cả ba bộ đều ghi nhận con số 500 vị La hán.
d. Người phấn khởi nhất khi hay Phật nhập Niết bàn: cả ba bộ đều cho là Tỳ kheo Bạt Nan Đà, một Tỳ kheo bán thế xuất gia khi đã lớn tuổi.
e. Tất cả đều đồng ý giữ nguyên những gì Phật chế, nhưng tùy nghi áp dụng, không thêm cũng không bớt.
g . Vấn đề tạng Luật: cả 3 bộ đều nhất trí cho rằng kết tập Luật tạng trước do Ưu Ba Ly đảm trách, Kinh tạng sau, do A Nan thực hiện,
– Bộ Ngũ phần: chỉ nói kết tập tạng Luật và tạng Kinh. Hai bộ kia thì bảo kết tập cả Luận tạng và do A Nan phụ trách, như sau:
– Bộ Tứ phần nói: điều gì liên quan đến những việc làm có nạn hay không có nạn, đều tập họp lại thành tạng Luận.
– Bộ Thập tụng nói: Phật dạy rằng ai phạm 5 tội – sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, uống rượu thì sau khi chết sẽ đọa vào địa ngục nhanh như tên bắn, đó là tạng Luận. Bộ này nói rõ: Từ nay trở đi, mở đầu tất cả các bộ Kinh, Luật, Luận đều dùng câu “Như thị ngã văn, nhất thời ….” (Tôi nghe như vầy, một thuở…)
Có một điều khiến chúng ta phải lưu ý:tuy xuất phát từ một đại hội kết tập mà khi tường thuật lại vẫn có những điều dị biệt. Đó là do trình độ ghi nhận, phương thức trình bày và quan điểm của mỗi bộ phái. Thế nhưng, đặc biệt tư liệu này nằm trong luận tạng, được bảo trì khá tốt, và tương đối còn giữ được tính chất nguyên thủy và trung thực, chưa bị tình trạng “tam sao thất bổn” làm cho sai lạc. Vì vậy, khi đề cập đến lịch sử kết tập Tam tạng giáo điển, chúng ta có thể yên tâm phần nào trong việc dẫn chứng về phương diện sử liệu.
Chú thích
(1) Tôn giả Ca Diếp chất vấn A Nan: “Vì sao thầy không ngăn cản nữ giới để họ làm bẩn chân Phật?”, A Nan đáp: “không phải tôi cố ý làm như vậy, nhưng vì tâm hồn nữ giới rất mềm yếu, nên khi đảnh lễ chân Phật, họ khóc lóc làm rơi nước mắt trên chân Phật, khiến chân Phật bị nhiễm bẩn”.
(2) Tôn giả Ca Diếp hỏi A Nan: “Vì sao thầy để lộ âm tàng của Phật cho nữ giới xem?”, A Nan đáp: “Vì nữ giới phúc đức mỏng manh, nên muốn cho họ xem tướng âm tàng của Phật. Khi thấy rồi họ sẽ nhàm chán cái thân nữ giới, sau đó mong được cái thân nam tử, nên tôi cho họ xem”.
Discussion about this post