Khảo cứu Tịnh độ luận của Thế Thân
Thích Nguyên Hiền
I. Tổng luận
“Tịnh độ tam kinh nhất luận” là một thành ngữ rất phổ biến nói về những kinh luận y cứ của pháp môn Tịnh độ. Ba bộ kinh và một bộ luận vốn
không phải nhiều, chưa nói luận thường phải nhiều hơn kinh. Ở đây có đến ba bộ kinh (Vô lượng thọ, Quán vô lượng thọ và Phật thuyết A Di Đà kinh) nhưng chỉ một bộ luận, (Vãng sanh Tịnh độ luận),
và bộ luận ấy cũng chỉ vỏn vẹn có vài trang trong Đại tạng, thế nhưng đó là bộ luận quan trọng, làm chỗ y cứ của một tông phái, hẳn cần được khảo cứu xác đáng.
Thế Thân, tác giả của bộ luận này vốn là một khai sĩ có quá nhiều truyền thuyết và ít nhiều sương khói trùm lên tiểu sử của ngài, đến nỗi cho đến nay, các học giả cũng chưa xác định được Thế Thân là ai. Đâu là tác giả của Câu xá luận thuộc Hữu bộ và đâu là luận sư của Du già hành phái? Hơn nữa, anh em nhà Bà Tẩu Bàn Đậu vốn thiên hướng tín ngưỡng Di Lặc, Thế Thân sau soạn Tịnh độ luận thiên hướng vãng sanh Tịnh độ Cực Lạc của Phật A Di Đà, qua đó ít nhiều đọng lại chút hoang mang đối với người đọc Vãng sanh Tịnh độ luận của Thế Thân.
Tịnh
độ không gì khác hơn là tịnh hóa nhân tâm và tịnh hóa quốc độ. Xu hướng
này trở thành ý nghĩa căn bản của các học thuyết Đại thừa, từ Hoa Nghiêm đến Pháp Hoa, từ Duy Ma đến Thắng Man, cộng thêm chút huyền học Ấn Độ làm cho văn hóa bản tích đan xen vào nhau, đôi khi không phân biệt
được đâu là bản môn đâu là tích môn. Đành rằng thùy tích hiển bản, đôi khi bản tích bất nhị. Từ đó dệt nên tông phái. Tư tưởng khai phóng có khi được chọn làm thực tiễn tu hành, tín ngưỡng bản địa kết hợp với năng
lượng tu chứng đôi lúc trở thành chủ lưu của pháp môn giáo học, và người đời sau thông qua khả năng diễn dịch tuyệt vời của các bộ óc Trung
Hoa, sự chân xác có khi làm hoang mang không ít những người có thiện tâm khảo cứu.
Người học Phật có thể bước qua huyền thoại, bước qua lịch sử để tìm đến áo nghĩa của những trang kinh luận mà người xưa để lại, bao nhiêu vị
tổ đã thành tựu pháp môn. Khổ nỗi người học đời sau vẫn thích bới lông tìm vết, cái đầu óc nhị nguyên đã làm hao tốn bao nhiêu giấy mực của cuộc đời. Với người viết bài này, niềm thành tín vẫn bất tuyệt giữa bình
sinh, chỉ xin góp nhặt đôi điều lượm lặt đó đây như một lần xác tín cho
bản thân mình trên lộ trình quy hướng.
II. Ai là tác giả của Vãng sanh Tịnh độ luận
Theo sử liệu và theo khảo chứng của các học giả hiện đại thì ta được
biết có đến ba vị mang tên Thế Thân (Vasubandhu). Vị thứ nhất là tổ thứ
21 được phó pháp tạng. Ngài người thành La Duyệt, họ Tì xá khư. Cha ngài tên là Quang Cái, mẹ ngài tên là Nghiêm Nhất. Theo Phó pháp tạng nhân duyên truyện
quyển 6, cha mẹ ngài vốn rất giàu có nhưng không có con nối dõi. Ông bà
bèn đến tháp Phật khẩn cầu. Một đêm, mẹ ngài nằm mộng thấy bà nuốt hai viên ngọc, một sáng một tối, sau đó bà mang thai, sanh ra một người con trai, tức tôn giả Bà Tu Bàn Đầu. Năm 15 tuổi ngài cầu la hán Quang Độ xuất gia, cảm được bồ tát Tỳ Bà Ha trao cho giới pháp.
Khi chưa thờ ngài Xà Dạ Đa làm thầy, ngài thường ăn một bữa, ngồi và
không nằm, ngày đêm sáu thời lễ Phật, thanh tịnh vô dục, làm chỗ nương tựa cho mọi người. Tôn giả Xà Dạ Đa muốn độ ngài, liền nói với chúng rằng: “Ta không cầu đạo, cũng không điên đảo; ta không lễ Phật, cũng không khinh mạn; ta không ngồi hoài, cũng không lười nhác; ta không ăn ngọ, cũng không tạp thực; ta không tri túc, cũng không tham dục. Tâm không mong cầu đó gọi là đạo” (Theo Cảnh đức truyền đăng lục, Đại 51, 213 thượng).
Bà Tu Bàn Đầu nghe lời tôn giả nói liền phát sanh trí vô lậu, sau được kế thừa y bát của ngài Xà Dạ Đa, truyền bá kinh tạng độ khắp chúng sanh.
Khi hành hóa đến nước Hậu Na Đề, ngài phó pháp cho ngài Ma Nô La rồi ngồi kiết già thị tịch.
Thực ra, hai mươi tám vị tổ được nói trong Phó pháp tạng nhân duyên truyện
khá nổi tiếng và được lưu truyền rộng rãi, trong đó có danh hiệu Thế Thân, có thể khiến những người ít am tường sử liệu sẽ lầm lẫn, chứ vị tổ
thứ 21 này chẳng dính dáng gì đến Tịnh độ luận, thậm chí cũng chẳng có tác phẩm nào để lại. Thiên Thai tông và Thiền tông đều xem trọng Phó pháp tạng nhân duyên này của ngài Đàm Diệu dịch, thêm vào khá nhiều những giai thoại mang màu sắc truyền thừa và tư tưởng đốn ngộ như Cảnh đức truyền đăng lục
đã ghi lại. Còn tính xác thực của tác phẩm này vẫn còn nhiều tranh cãi.
Theo ngài Minh Giáo Khế Tung đời Tống, tác phẩm này có nhiều chỗ giống A Dục Vương truyện, có thể không phải phiên dịch từ bản Phạn, mà là theo khẩu truyền hoặc tham chiếu A Dục Vương truyện
mà soạn ra. Vấn đề ở đây không bàn về tính xác thực của tác phẩm, mà điều quan trọng là ngài Thế Thân, tổ 21 được phó pháp tạng hoàn toàn không dính dáng gì đến Tịnh độ luận đã nêu cả.
Vị thứ hai được đề cập ở đây là Thế Thân, đại luận sư Ấn Độ, sống vào khoảng thế kỷ thứ 4, người thành Phú Lâu Sa Phú La, nước Kiền Đà La thuộc bắc Ấn Độ, là con thứ hai của quốc sư bà la môn Kiều Thi Ca. Lúc đầu, ngài cùng với anh là Vô Trước (Asanga) học Tát bà đa bộ (Hữu bộ), ngài Vô Trước học thẳng vào Đại thừa, ngài Thế Thân lại đi vào Kinh lượng bộ, lập chí cải thiện giáo nghĩa Hữu bộ. Ngài đến nước Ca Thấp Di La nghiên cứu luận Đại tỳ bà sa. Được bốn năm, ngài trở về nước, giảng dạy Tỳ bà sa cho đại chúng, đồng thời soạn luận A tì đạt ma câu xá.
Lúc đầu ngài công kích Phật giáo Đại thừa, cho rằng Đại thừa chẳng phải
là pháp do Phật nói. Sau nhờ ngài Vô Trước dùng phương tiện khai thị, ngài mới ngộ được lý Đại thừa, chuyển sang tin tưởng, tôn thờ và hoằng dương yếu nghĩa Đại thừa. Theo Bà Tẩu Bàn Đậu pháp sư truyện, trước đó ngài soạn 500 bộ luận Tiểu thừa và phỉ báng Đại thừa. Sau khi được Vô Trước chuyển hóa, ngài dự định cắt lưỡi để sám hối tội lỗi của mình. Vô trước bảo: “Trước đây em dùng chính cái lưỡi này để phỉ báng Đại thừa, vậy thì bây giờ em dùng chính ba tấc lưỡi này để xiển dương Đại thừa”. Nhờ đó ngài được người đời sau tôn xưng là Thiên tạo luận chủ. Thế Thân được gọi là Thiên Thân cũng từ đó.
Những tác phẩm ngài gồm hơn 40 loại, trong đó nổi tiếng là các bộ luận Câu xá (30 quyển), Nhiếp Đại thừa thích luận (15 quyển), Kim cương bát nhã ba la mật kinh luận, Quảng bách luận, Bồ đề tâm luận, Duy thức tam thập tụng luận, Đại Thừa bách pháp minh môn luận, Vô lượng thọ kinh ưu ba đà xá…
Tất cả những điều ghi trên là rút ra từ Bà Tẩu Bàn Đậu pháp sư truyện do ngài Chân Đế dịch vào đời Trần thuộc Nam Triều, được xếp vào Đại chánh tạng tập
50. Ngài Chân Đế (Paramãrtha) sinh năm 499, viên tịch 569, cách xa thời đại của Thế Thân gần 200 năm. Chân Đế là một trong tứ đại dịch gia của Trung Quốc, từng tham học với nhiều danh sư ở Ấn Độ, làu thông tam tạng, thấu suốt diệu lý Đại thừa trước khi sang Trung Quốc vào năm 546 đời Lương. Vì danh tiếng cũng như uy tín của ngài như thế, cho nên ít có
ai đặt câu hỏi tác giả của những bộ luận do ngài dịch. Ngài dịch hầu hết các tác phẩm của Thế Thân và những đại luận sư khác, trong đó có luậnChuyển thức, luậnĐại thừa Duy thức, kinhKim quang minh, luậnNhiếp Đại thừa, Nhiếp Đại thừa luận thích, luậnNhị thập nhị minh liễu, luậnTrung biên phân biệt, luậnThập thất địa (bộ luận này rút ra từ luận Du già sư địa), Câu xá luận thích, luậnĐại thừa khởi tín. Ảnh hưởng của những dịch phẩm của ngài rất lớn, nhờ vậy mà ngài được tôn là tổ của Tông nhiếp luận.
Vấn đề đặt ra là đối với Thế Thân, người được ngài Vô Trước khai thị
để chuyển từ Tiểu thừa sang Đại thừa, có thể khác nhau về tư tưởng trước và sau. Nhưng ngài Chân Đế là người đi sau, về tư tưởng tất nhiên là có chọn lựa, hà cớ gì phải dịch nhiều kinh luận có nội dung tư tưởng có khi mâu thuẫn nhau như thế? Phải chăng có đến hai người tên Thế Thân với hai nguồn tư tưởng khác nhau, do trùng tên nên bị ghép làm một, rồi được giai thoại hóa qua câu chuyện cắt lưỡi để giải thích sự mâu thuẫn này? Người soạn Câu xá luận với những pháp số khúc chiết so với
tinh thần khai phóng triệt để của Đại thừa, hẳn phải cho ta ít nhiều hoài nghi về tác giả của nó. Học giả E. Frauwallner trong tác phẩm On the date of the Buddhist master of the Law Vasubandhu (Về niên đại của luận sư Thế Thân) đã chỉ ra điều này. Theo ông, tác giả luận Câu xá
là luận sư của phái Nhất thiết hữu bộ, tạm gọi là tân Thế Thân. Còn em của Vô Trước là luận sư của Du già hành phái, tạm gọi là cổ Thế Thân. Trong bộ Bà Tẩu Bàn Đậu pháp sư truyện, ngài Chân Đế đã nhầm lẫn hai người là một. Phần chủ yếu giữa sách là tư liệu của ngài tân Thế
Thân, còn phần trước và sau là tư liệu của ngài cổ Thế Thân. Cổ Thế Thân là con của Kiều Thi Ca, ở thành Phú Lâu Sa Phú La, sau khi xuất gia
theo học thuyết của phái Nhất thiết hữu bộ, sau chuyển sang tu theo Đại
thừa, niên đại vào khoảng năm 320-380. Còn tân Thế Thân thì thờ ngài Phật Đà Mật Đà La làm thầy, thuộc Hữu bộ, nhưng lại có khuynh hướng Kinh
lượng bộ. Theo truyền thuyết, ngài rất được Chính Cần Nhật Vương và thái tử Bà La Châu Để Dã (bàlàditya) đãi ngộ. Niên đại của ngài vào khoảng năm 400-480. Luận Câu xá, luận Thất thật chân thật đều do ngài tân Thế Thân soạn.
Như vậy đã rõ, Thế Thân em ngài Vô Trước và Thế Thân tác giả luận Câu xá là hai người. Vấn đề ai là tác giả của Tịnh độ luận? Nhìn chung ai cũng có thể đoán định Tịnh độ luận là tác phẩm của cổ Thế Thân. Ở đây chỉ xin góp thêm ý kiến để xác quyết tác giả của bộ luận ấy mà thôi!
Tịnh độ luậncòn gọi là Vãng sanh Tịnh độ luận, nhằm tránh nhầm lẫn Tịnh độ luận của ngài Ca Tài, vốn cũng là một tác phẩm nổi tiếng được soạn vào đời Đường, được xếp vào Đại chánh tạng tập
47. Ca Tài và Thiện Đạo là những vị cao tăng đều kế thừa Tịnh độ giáo của ngài Đạo Xước một cách sinh động. Nội dung đánh giá về báo hóa của Tịnh độ giáo, Cực Lạc và các phẩm vãng sanh, nêu ra lý chứng và các trường hợp có thật để nói về khả năng vãng sanh của phàm phu. Cách trình
bày luận này bằng hình thức vấn đáp, hoàn toàn khác với luận Tịnh độ của Thế Thân trong đại tạng có tên gọi Vô lượng thọ kinh ưu ba đà xá nguyện sanh kệ.
Ưu ba đà xá(upadesá) có nghĩa là luận, luận nghĩa, chú giải chương cú. Tên tác phẩm cho thấy đây là những bài kệ nhằm luận giải kinh Vô lượng thọ,
một bản kinh nói về Tịnh độ Cực Lạc của đức Phật A Di Đà. Anh em nhà Bà
Tẩu Bàn Đậu có xu hướng quy hướng về Tịnh độ rất rõ rệt. Tuy nhiên Tịnh
độ của các ngài hướng đến là Tịnh độ Đâu Suất của bồ tát Di Lặc.
Theo điều A du đà quốc trong Đại Đường Tây Vực kí 5, thì cả
ba vị Sư Tử Giác, Vô Trước và Thế Thân từng dặn nhau: “Tất cả sự nghiệp
tu hành của chúng ta đều nguyện được hầu cận đức Từ Thị, nếu ai xả bỏ thân này trước và được thành tựu tâm nguyện xưa thì nên trở lại báo tin cho nhau để biết có được sanh về Đâu Suất hay không” (Đại chánh tạng
tập 51, 896 hạ). Về sau Sư Tử Giác tịch trước, nhưng đã ba năm sau mà vẫn chưa thấy về báo tin. Lúc này các học phái đều chê bai họ. Có phải đây là lý do mà Thế Thân chuyển sang quy hướng Tịnh độ Cực Lạc của Phật A
Di Đà?
Có một chi tiết trong Đại chánh tạng tập 26 khiến người viết để ý là hầu hết các bộ luận trong phần mục lục đều ghi là: “Thiên Thân bồ tát tạo”. Riêng Diệu pháp liên hoa kinh ưu ba đà xá và Vô lượng thọ kinh ưu ba đà xá
lại được ghi là do Bà Tẩu Bàn Đậu bồ tát tạo. Rõ ràng Thiên Thân và Bà Tẩu Bàn Đậu là hai người khác nhau. Ba anh em nhà Vô Trước, Thế Thân và Sư Tử Giác đều cùng họ là Bà Tẩu Bàn Đậu. Nhưng Thế Thân quá nổi tiếng, các kinh luận chữ Hán thường gọi Vô Trước và Sư Tử Giác bằng tên Hán, còn Thế Thân thì được gọi là Bà Tẩu Bàn Đậu. Đây là luận cứ mà người viết cho rằng tác phẩm Tịnh độ luận là của cổ Thế Thân, anh em nhà Bà Tẩu Bàn Đậu chứ không phải tân Thế Thân, tác giả luận Câu xá. Điều này cũng giải quyết được thắc mắc tại sao một bậc đại tác gia của luận Câu xá vốn thiên về Tiểu thừa lại soạn Tịnh độ luận quy hướng về Tịnh độ Cực Lạc, vốn không phải là truyền thống của các kinh điển Tiểu thừa.
III. Khảo cứu Tịnh độ luận
Như trên đã nói, Tịnh độ luận, tên gọi đầy đủ là Vô lượng thọ kinh ưu ba đề xá nguyện sanh kệ (Kệ phát nguyện vãng sanh của ngài Thế Thân khi luận giải kinh Vô lượng thọ). Nói một cách dễ hiểu, đại sư Thế Thân đã dùng hình thức kệ tụng để tổng thuyết toàn bộ chương cú trong kinh Vô lượng thọ,
như phần cuối của kệ tụng ngài đã nói rõ. Như vậy, ở đây trước hết nên xem phần kệ tụng ấy như thế nào. Toàn bộ phần kệ tụng gồm 96 câu, cũng có thể hiểu nó gồm 48 câu (tương ứng với 48 nguyện của Phật A Di Đà), mỗi câu chia làm 2 cụm, tạo thành 96 câu, mỗi câu 5 chữ, tổng cộng 480 chữ. Ở đây người viết không có ý dịch sát từng chữ, bởi chữ Hán quá hàm súc, nên ở đây xin diễn dịch thành 7 chữ, cốt dễ hiểu và dễ diễn dịch ý tưởng của tác giả:
NGUYỆN SANH KỆ
Kính bạch Thế Tôn! Con nhất tâm
Quy mạng đảnh lễ khắp mười phương
Đức Như Lai hào quang vô ngại
Nguyện vãng sanh về nước An Lạc.
Con nguyện tu tập theo kinh này
Công đức tướng thanh tịnh chân thật
Con nói nguyện vãng sanh bằng kệ
Tương ưng những lời đức Phật dạy.
Quán tưởng chân tướng thế giới kia
Thù thắng hơn tướng của ba cõi
Cõi ấy rốt ráo như hư không
Rộng lớn vô biên không ngằn mé.
Con đường chánh đạo đại từ bi
Phát sanh thiện căn xuất thế gian
Đầy đủ ánh hào quang minh tịnh
Như mặt trời mặt trăng sáng tỏ
Chứa đầy tánh trân bảo quý giá
Viên mãn tánh trang nghiêm vi diệu
Ánh sáng không cấu nhiễm rạng ngời
Chiếu soi tất cả khắp thế gian
Tính quý báu của cỏ công đức
Mềm mại xoay khắp hướng phải trái
Chạm vào liền phát sanh niềm vui
Như lông chim ca chiên lân đà
Ở đó hàng vạn giống hoa quý
Mọc cả ở bờ ao mép suối
Mỗi khi có gió nhẹ thổi qua
Ánh sáng muôn hoa lung linh chiếu
Đứng trên lầu gác các cung điện
Thấy tất cả mười phương vô ngại
Những hàng cây báu sáng nhiều màu
Những hàng lan can báu bao quanh
Muôn ngàn của báu sáng giao nhau
Bủa khắp hư không như màng lưới
Âm thanh của vô vàn linh báu
Vang lên như tuyên xướng pháp âm
Áo hoa trên rải xuống như mưa
Xông lên mùi hương thơm bất tận
Mặt trời trí tuệ của đức Phật
Phá trừ si ám của thế gian
Âm thanh đại phạm vọng sâu xa
Vang rền khắp tất cả mười phương
Bậc chánh giác hiệu A Di Đà
Đấng Pháp vương trụ trì chánh pháp
Chúng tịnh hoa của đức Như Lai
Từ nơi hoa chánh giác hóa sanh
Ưa thích hương vị của Phật pháp
Tam muội là thức ăn ngon lành
Lìa xa phiền não của thân tâm
Hưởng thọ niềm an lạc bất tuyệt.
Đây là cảnh giới căn Đại thừa
Không có mảy may chút hiềm khích
Các hàng nữ nhân và căn thiếu
Đến Nhị thừa cũng chẳng vãng sanh
Nếu chúng sanh nào nguyện ưu thích
Tất sẽ được đầy đủ tất cả
Vì thế hôm nay con phát nguyện
Vãng sanh A Di Đà Phật quốc.
Đức Phật vô lượng đại bảo vương
Đài hoa vi diệu và thanh tịnh
Tướng hảo soi sáng xa một tầm
Sắc tượng quang minh siêu khắp chúng.
Âm thanh vi diệu của Như Lai
Vang xa đồng vọng khắp mười phương
Trống trơn như đất nước gió lửa
Hết thảy vang rền không phân biệt .
Đại chúng bất động của cõi trời
Sanh từ biển trí tuệ thanh tịnh
Cao vút như đỉnh núi Tu Di
Thù thắng vi diệu không chi bằng.
Thánh chúng trượng phu ở cõi trời
Cung kính nhiễu quanh cùng chiêm ngưỡng
Quán trông bổn nguyện lực của Phật
Độ khắp không bỏ chúng sanh nào.
Khiến những chúng sanh ấy đầy đủ
Công đức bao trùm như biển lớn
Sự thanh tịnh của cõi An Lạc
Thường xoay chuyển pháp luân vô cấu
Mặt trời hóa Phật và bồ tát
Sừng sững như thể núi Tu Di
Ánh sáng trang nghiêm và vô cấu
Ngay trong một niệm trong một thời
Chiếu soi khắp các hội của Phật
Lợi lạc khắp tất cả quần sanh.
Áo hoa thiên nhạc rải như mưa
Sực nức hương thơm dâng cúng dường
Tán thán công đức của chư Phật
Không một mảy may tâm phân biệt.
Thế giới nào không có Phật pháp
Không có vô lượng công đức bảo
Con đều xin nguyện đến nơi đó
Khai thị Phật pháp như đức Phật.
Con nay làm luận và thuyết kệ
Nguyện thấy đức Phật A Di Đà
Nguyện cùng khắp tất cả chúng sanh
Vãng sanh về cõi nước An Lạc.
Ngài Thế Thân đã dùng kệ để luận thuyết toàn bộ chương cú của kinh Vô lượng thọ.
Từ cơ sở đó, tác giả bắt đầu luận giải ý nghĩa của kinh. Ý nghĩa của kinh là gì? Ngài giải thích: “Quán An Lạc thế giới thấy đức Phật A Di Đà, rồi nguyện vãng sanh về thế giới ấy”. Như vậy quán nghĩa là gì? Phát
sanh niềm tin là như thế nào? Ngài viết: “Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân thành tựu ngũ niệm môn thì rốt ráo sẽ được vãng sanh nước An Lạc, thấy Đức phật A Di Đà”. Ngũ niệm môn gồm: Lễ bái, tán thán, tác nguyện, quán sát, hồi hướng.
Lễ báilà dùng thân nghiệp thanh tịnh nhất tâm cung kính lễ bái đức Phật A Di Đà, nguyện sanh về cõi nước của ngài.
Tán thán là dùng khẩu nghiệp thanh tịnh, xưng tán danh hiệu, công đức, trí tướng quang minh của đức Phật A Di Đà, tu hành chân thật cầu sanh về cõi nước của ngài.
Tác nguyện là tâm thường phát nguyện, tu hành pháp chỉ (xa ma tha) để dứt tâm tán loạn, cầu sanh về cõi nước của đức Phật A Di Đà.
Quán sát là dùng trí tuệ chánh niệm quán tưởng ba điều sau đây:
a. Quán sát công đức trang nghiêm cõi nước của Phật A Di Đà.
b. Quán sát công đức trang nghiêm của đức Phật A Di Đà.
c. Quán sát công đức trang nghiêm của các vị bồ tát ở cõi đó.
Tu hành pháp quán Tì bà xá na (Vipasyama) để soi phá tâm mê mờ, cầu sanh Tịnh độ.
Hồi hướnglà không bỏ tất cả khổ não của chúng sanh, tâm thường cùng với tất cả chúng sanh nguyện sanh về nước An Lạc. Nếu có chút công đức thiện căn nào đều dùng phương tiện thiện xảo giúp họ tác nguyện hồi hướng, nhiếp thủ họ không xả bỏ tất cả chúng sanh, lấy hồi hướng làm đầu, thành tựu tâm đại bi.
Trên đây là ngũ niệm môn nói trong Tịnh độ luận của Thế Thân. Theo Vãng sanh lễ tán
của ngài Thiện Đạo, thứ vị của 5 niệm môn là: 1. Thân nghiệp lễ bái môn; 2. Khẩu nghiệp tán thán môn; 3. Ý nghiệp ức niệm quán sát môn; 4. Tác nguyện môn; 5. Hồi hướng môn. Nói chung, ba môn trước là tu ba nghiệp thân, miệng, ý; hai môn sau là phát nguyện hồi hướng. Nghĩa là ba
môn trước khởi hành; hai môn sau an tâm.
Nếu tu theo ngũ niệm môn thì được kết quả có năm môn công đức như sau:
Cận môn: Thân không trở lại đọa vào cõi mê mà được gần cảnh giới giác ngộ của Phật.
Đại hội chúng môn: Được xếp vào hàng thánh.
Trạch môn: Thành tựu được pháp Chỉ.
Ốc môn: Thành tựu được pháp Quán.
Viên lâm du hí môn: (còn gọi giáo hóa địa chi môn): Nghĩa là trở lại cõi mê, lấy việc cứu độ tất cả chúng sanh làm niềm vui.
Theo Tịnh độ luận, trong năm môn trên, bốn môn trước thành tựu nhập công đức, môn thứ năm thành tựu xuất công đức (Đại 26, 233 thượng). Lấy việc lễ bái đức Phật A Di Đà cầu sanh Phật quốc. Do được vãng sanh về thế giới Cực Lạc nên gọi là Nhập đệ nhất môn. Lấy việc tán thán đức Phật A Di Đà, tùy thuận danh nghĩa mà xưng tán danh hiệu Như Lai, nương theo ánh sáng Như Lai mà biết tướng tu hành, được nhập vào số
đông của Thánh chúng nên gọi là nhập đệ nhị môn. Lấy việc nhất tâm niệm
Phật, tác nguyện vãng sanh, tu xa ma tha, tịch tĩnh tam muội, được nhập
vào thế giới Liên Hoa tạng nên gọi là nhập đệ tam môn. Chuyên niệm quán
sát sự vi diệu trang nghiêm của cõi nước đó, tu tì bà xá na, đến được xứ đó, thọ dụng vô vàn pháp vị an lạc nên gọi là nhập đệ tứ môn. Xuất đệ
ngũ môn là dùng tâm đại từ bi quán sát tất cả khổ não của chúng sanh, hiển bày ứng hóa thân, hồi nhập vườn sanh tử, rừng phiền não, du hí thần
thông, đến cảnh giới giáo hóa, đem bổn nguyện lực hồi hướng, đó gọi là xuất đệ ngũ môn. Bồ tát nhập vào tứ chủng môn, thành tựu hạnh tự lợi. Bồ
tát tu ngũ hạnh môn như thế, thành tựu hạnh tự lợi lợi tha, mau chứng được vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Ngũ niệm môn được xem như pháp môn cốt tủy được trình bày trong Tịnh độ luận.
Trong năm môn trên, chúng ta thấy việc lễ bái là đứng đầu. Điều đó có thể thấy người tu pháp môn Tịnh độ phải lấy việc lễ bái đức Phật làm chính. Tất nhiên việc lễ bái phải vận dụng cả thân khẩu ý. Thân lễ Phật,
miệng niệm Phật và ý tác nguyện. Tuy nhiên người niệm Phật phải thành tựu cả năm môn. Quán tưởng và hồi hướng cũng là những điều kiện thiết yếu, thiếu hai môn sau thì pháp môn không trọn vẹn. Người đời sau thường
khuyến tấn niệm Phật là đủ, là chánh hạnh vãng sanh, nhưng nếu không quán tưởng và hồi hướng phát nguyện thì khó có thể thành tựu được pháp môn. Đây là yếu tố quan trọng để người xiển dương Tịnh độ cần lưu ý. Không thể quá phương tiện để đánh mất hạnh viên mãn đối với người tu niệm Phật vãng sanh. Ở Việt Nam hiện nay, nhiều đạo tràng xiển dương chánh hạnh niệm Phật mà không hướng dẫn lễ bái, quán tưởng và phát nguyện hồi hướng, từ đó dắt dẫn hành giả tới chỗ cực đoan. Có thể họ nhầm lẫn khái niệm quán tưởng như là một pháp môn dành cho hành giả tu thiền, nên giới hạn người tu niệm Phật trong sự hành trì thiếu giáo quán, một hạnh cực kì quan trọng trong năm hạnh, cho nên người niệm Phật
lâu ngày trở nên trơ pháp, không phát khởi được pháp vị an lạc và ngày càng rơi vào chỗ cực đoan, chấp trước. Thái độ cực đoan chỉ có khi hành giả không thật sự thấy được niềm vui pháp lạc, hoàn toàn mù mịt về cảnh giới mà họ đang hướng vọng, đâm ra bán tín bán nghi. Người viết nghĩ rằng đạo tràng cần tìm người trực tiếp hướng dẫn hành giả tu quán một cách tích cực, chắc chắn lợi ích sẽ rất lớn lao.
Trở lại phần quán tưởng, nên biết ngoài ngũ niệm môn như nội dung chính của Tịnh độ luận, đại sư Thế Thân đã trình bày rất kĩ về quán sát môn, thông qua đó để giải thích những ý tưởng trong Nguyện sanh kệ.
Như trên đã nói, quán sát là dùng trí tuệ chánh niệm quán tưởng công đức trang nghiêm của cõi nước Phật A Di Đà, của đức Phật A Di Đà và của các vị bồ tát ở cõi nước đó. Nhiều người cho rằng hàng hạ căn phàm phu thời nay khó mà tu quán cho được, nên chỉ dùng khẩu nghiệp chuyên niệm Phật. Đó là quan điểm sai lầm. Bởi ai cũng có thể tu quán được cả, vấn đề là bậc thầy có hướng dẫn cho họ không, bởi bất kỳ pháp môn nào cũng dựa trên nền tảng chỉ và quán. Định và huệ phải tương ưng, nhờ đó sẽ không rơi vào thiên chấp.
Như vậy Quán là quán những gì? Quán như thế nào? Luận (Đại 26, 231 trung) ghi: Thế nào gọi là quán công đức trang nghiêm của cõi Phật kia? Công đức trang nghiêm của cõi Phật kia thành tựu năng lực không thể nghĩ
bàn. Như tính chất quý báu của ma ni như ý châu, tương tợ như vậy. Quán
công đức trang nghiêm của cõi Phật kia có mười bảy y báo thù thắng:
Thanh tịnh công đức thành tựu: Đây là ý của câu kệ: “Quán tưởng chân tướng thế giới kia. Thù thắng hơn tướng của ba cõi”. Kinh Pháp hoa nói:
“ Tam giới bất an do như hỏa trạch”. Ba cõi không yên như ở trong nhà lửa. Thế giới Cực lạc của đức Phật A Di Đà thanh tịnh thù thắng, an lạc không hề nghe tiếng khổ. Quán tưởng như vậy thì không có gì khó, chỉ cần
người hướng dẫn tìm phương tiện thiện xảo để ví dụ cho hành giả hiểu được mà thôi.
Lượng công đức thành tựu: Đây là ý nghĩa của câu kệ: “ Cõi ấy rốt ráo như hư không. Rộng lớn vô biên không ngằn mé”.
Cõi nước Cực Lạc vô biên không giới hạn, rỗng rang như hư không, không bị gò nỗng nhấp nhô, không bị động đất sóng thần. Bản chú thích này trong Đại chánh tạng có ghi thêm chữ “vô” trước chữ “lượng”, chúng tôi cho rằng không đúng. “Lượng” ở đây là chất lượng, là năng lượng, không phải là số lượng, vì thế không thể thêm chữ “vô” ở trước được.
Tánh công đức thành tựu: Đây là ý nghĩa của câu kệ: “Con đường chánh đạo đại từ bi. Phát sanh thiện căn xuất thế gian”.
Tánh của Ta bà là làm phát sanh những căn khí thế gian. Còn tánh của Cực Lạc là làm sanh trưởng những thiện căn xuất thế. Đây cũng chính là công đức thù thắng của thế giới Cực Lạc.
Hình tướng công đức thành tựu: Đây là ý nghĩa của câu kệ: “Đầy đủ ánh hào quang minh tịnh. Như mặt trời mặt trăng sáng tỏ”. Hào quang của chư Phật, chư bồ tát chói sáng như mặt trời mặt trăng, không bị chướng ngại, che lấp bởi mây mờ của thế gian.
Chủng chủng sự công đức thành tựu: Đây là ý nghĩa của câu kệ: “Đầy đủ tánh trân bảo quý giá, viên mãn tánh trang nghiêm vi diệu”. Những vật dụng, cảnh giới ở Cực Lạc đều do bảy báu trang nghiêm, vi diệu tạo nên.
Diệu sắc công đức thành tựu: Đây là ý nghĩa của câu kệ: “Ánh sáng không cấu nhiễm rạng ngời. Chiếu soi khắp tất cả thế gian”.
Quán ánh sáng của Tịnh độ và đức Phật A Di Đà là vô cấu, chiếu soi tất cả. Vô cấu ở đây có nghĩa là không gay gắt, không làm ta khó chịu, không
bị ngăn che bởi những chướng ngại vật lý.
Xúc công đức thành tựu: Đây là ý nghĩa của câu kệ: “Tính quý báu của cỏ công đức, mềm mại xoay khắp hướng phải trái. Chạm vào liền phát sanh niệm vui. Như lông chim ca chiên lân đà”.
Dịch “phải trái” là muốn bám sát văn (tả hữu tuyền), nên hiểu là xung quanh. Mọi y báo của Tịnh độ đều do chánh báu lưu xuất. Cỏ cũng do công đức phát sanh ra, nên rất vi diệu. Người chạm vào cỏ này cũng phát sanh được niềm vui. Ca chiên lân đà (Kakilindi), Hán dịch là thật khả ái điểu, một loài chim có thể sống dưới nước, lông của nó mềm mịn, được dùng để dệt vải may áo. Trương truyền y phục may bằng lông chim này chỉ dành cho bậc chuyển luân thánh vương.
Trang nghiêm công đức thành tựu: có ba loại: Nước, đất và hư không. Nước trang nghiêm tương ưng với câu kệ: “Ở đó hàng vạn giống hoa quý. Mọc cả ở bờ ao mép suối. Mỗi khi có gió nhẹ thổi qua, ánh sáng muôn hoa lung linh chiếu”. Đất trang nghiêm tương ưng với câu kệ: “Đứng
trên lầu gác các cung điện. Thấy tất cả mười phương vô ngại. Những hàng
cây báu sáng nhiều màu, những hàng lan can báu bao quanh”. Hư không trang nghiêm tương ưng với câu kệ: “Muôn
ngàn của báu sáng giao nhau. Bủa khắp hư không như mành lưới. Âm thanh của vô vàn linh báu. Vang lên như tuyên xướng pháp âm”. Đây đều là những y báo mà kinh Vô lượng thọ và kinh A Di Đà
đều có nói rõ. Hành giả quán tưởng những cảnh giới này không khó. Quan trọng là phải thực tập loại trừ kiến chấp nhị biên, vật lý của thế gian để pháp quán dễ thành tựu.
Vũ công đức thành tựu: Đây là ý nghĩa của câu kệ: “Áo hoa trên rải xuống như mưa. Xông lên mùi hương thơm bất tận”.
(Vũ hoa y trang nghiêm, vô lượng hương phổ huân). Câu này lẽ ra phải dịch là “mưa hoa y trang nghiêm…”, nhưng khái niệm mưa áo hoa có vẻ không đẹp, khó cảm, vì thế người viết tạm dịch là áo hoa rải xuống như mưa, dễ quán hơn.
Quang minh công đức thành tựu: Đây là ý nghĩa câu kệ: “Mặt trời trí tuệ của đức Phật. Phá trừ si ám của thế gian”.
Khi ánh sáng trí tuệ chiếu soi, những phiền não tham sân si dứt bặt. Đây là phép quán rất căn bản, hành giả chỉ cần dụng tâm quán chiếu thì hiệu quả tức thì.
Diệu thanh công đức thành tựu: Đây là ý nghĩa câu kệ: “Âm thanh đại phạm vọng sâu xa. Vang rền khắp tất cả mười phương”.
Phạm âm thanh tướng là một trong ba mươi hai tướng tốt của chư Phật. Đức Phật A Di Đà dùng phạm âm thanh tướng thuyết pháp, âm thanh vang rền, khắp chốn đều được nghe nhưng không bị chói tai.
Chủ công đức thành tựu: Đây là ý nghĩa câu kệ: “Bậc chánh giác hiệu A Di Đà. Đấng Pháp vương trụ trì chánh pháp”.
Đức Phật A Di Đà là bậc Pháp vương khéo gìn giữ kho tàng chánh pháp. Trụ trì là “Trụ pháp vương gia, trì Như lai tạng”. Nhiều bản dịch đã hiểu sai ý này nên dịch là “Pháp vương khéo trụ trì”, không diễn rõ được
ý nghĩa.
Quyến thuộc công đức thành tựu: Đây là ý nghĩa của câu kệ: “Chúng tịnh hoa của đức Như Lai. Từ nơi hoa chánh giác hóa sanh”.
(Như Lai tịnh hoa chúng, chánh giác hoa hóa sanh). Chúng tịnh hoa nghĩa
là chúng đã đạt được bảy loại tịnh hoa: 1. Giới tịnh; 2. Tâm tịnh; 3. Kiến tịnh; 4. Độ nghi tịnh; 5. Đạo phi đạo tri kiến tịnh; 6. Hành tri kiến tịnh; 7. Hành đạo tri kiến tịnh.
Thọ dụng công đức thành tựu: Đây là ý nghĩa của câu kệ: “Ưa thích hương vị của Phật pháp. Tam muội là thức ăn ngon lành”. “Ái nhạo Phật pháp vị. Thiền tam muội vi thực”. “Thiền” (Dyanà) tĩnh lự, “tam muội” (Sanadhi) chánh định, dịch sát thì phải dùng cả hai, nhưng ở đây chỉ dịch chữ tam muội, thiết nghĩ cũng không làm mất nhiều ý
nghĩa.
Vô chư nạn công đức thành tựu: đây là ý nghĩa của câu kệ: “Lìa xa phiền não của thân tâm. Hưởng thọ niềm an lạc bất tuyệt.” (Vĩnh ly thân tâm não. Thọ lạc thường vô gián). Vì niềm an lạc bất tuyệt nên cõi này được gọi là cõi An Lạc.
Đại nghĩa môn công đức thành tựu: Đây là ý nghĩa của câu kệ: “Đây
là cảnh giới căn Đại thừa. Không có mảy may chút hiềm khích. Các hàng nữ nhân và căn thiếu. Đến Nhị thừa cũng chẳng vãng sanh”. Theo giải
thích của Thế Thân (Đại 26,232 thượng): “Quả báo của Tịnh độ có hai loại cơ hiềm. Đó là thể và danh. Thể có ba loại: hàng nhị thừa; người nữ
và hạng người các căn không đầy đủ. Ở Cực Lạc không có ba lỗi này nên gọi là “ly thể cơ hiềm danh”. Vả lại ba loại ở đây cũng chẳng phải có ba
loại, mà là không nghe đến cái tên của ba loại (nhị thừa, nữ nhân và chư căn bất cụ) ấy. Danh ở đây là lìa cả cái danh cơ hiềm (tư tưởng nhị biên của nhị thừa, tính dị nghị tật đố của người nữ và tính ngu ngơ của người sáu căn thiếu khuyết), bình đẳng nhất tướng.
Nhất thiết sở cầu công đức mãn túc thành tựu: Đây là ý nghĩa của câu kệ: “Nếu chúng sanh nào nguyện ưa thích. Tất sẽ được đầy đủ tất cả”.
(Chúng sanh sở nguyện lạc. Nhất thiết năng mãn túc). Một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng của người tu Tịnh độ là hân cầu, ưa thích. Nếu không hân cầu, ưa thích thì dù niệm Phật nhiều bao nhiêu cũng khó có thể
thành tựu.
Như trên là lược nói mười bảy công đức trang nghiêm cõi nước Cực Lạc
của đức Phật A Di Đà. Hiển bày thần lực công đức tự lợi của Như Lai, thành tựu công đức lợi tha. Sự trang nghiêm của cõi nước Phật Vô Lượng Thọ, đệ nhất nghĩa đế, diệu cảnh giới tướng đã được trình bày thứ tự trong 16 câu và một câu cuối.
Tiếp theo là trình bày phép quán thứ hai, quán công đức trang nghiêm của Phật A Di Đà. Có tám loại:
Tòa trang nghiêm: Đây là ý nghĩa của câu kệ: “Đức Phật Vô Lượng Đại Bảo Vương. Đài hoa vi diệu và thanh tịnh”. Tòa ngồi của đức Phật A Di Đà là tòa sen vi diệu, thanh tịnh.
Thân trang nghiêm: Đây là ý nghĩa của câu kệ: “Tướng hảo soi sáng xa một tầm. Sắc tướng trang nghiêm siêu khắp chúng”. Đức tướng và sắc tướng của đức Phật trang nghiêm, đứng từ xa vẫn chiêm ngưỡng được sự trang nghiêm, sáng chói đó.
Khẩu trang nghiêm: Đây là ý nghĩa của câu kệ: “Âm thanh vi diệu của Như Lai. Vang xa đồng vọng khắp mười phương”. Khẩu trang nghiêm trong phần này tương đương với “Diệu thanh công đức tựu” trong phép quán trước.
Tâm trang nghiêm: Đây là ý nghĩa của câu kệ: “Hòa cùng đất nước gió và lửa, hết thảy vang rền không phân biệt ”. Vô phân biệt ở đây tức là tâm vô phân biệt.
Chúng trang nghiêm: Đây là ý nghĩa của câu: “Đại chúng bất động của cõi trời. Sanh từ biển trí tuệ thanh tịnh”.
(Thiên nhân bất động chúng. Thanh tịnh trí hải sanh). Chúng bất động có
nghĩa là thiên chúng đã thành tựu được Đại thừa căn, không còn bị giao động nữa.
Thượng thủ trang nghiêm: Đây là ý nghĩa câu kệ: “Cao vút như đỉnh núi Tu Di. Thù thắng thanh tịnh không chi bằng”.
Chủ trang nghiêm: Đây là ý nghĩa câu kệ: “Các chúng trượng phu trong cõi trời. Cung kính nhiễu quanh cùng chiêm ngưỡng.” Thượng thủ trang nghiêm là so sánh về sự cao tột. Còn chủ trang nghiêm là nói về nơi trọng tâm, giống mà khác.
Bất hư tác trụ trì trang nghiêm: Đây là ý nghĩa của câu kệ: “Quán
trông bổn nguyện lực của Phật. Độ khắp không bỏ chúng sanh nào. Khiến những chúng sanh ấy được đầy đủ. Công đức bao trùm như biển lớn.” Nghĩa là thấy đức Phật cùng chư vị bồ tát chưa chứng tịnh tâm đều rốt ráo bình đẳng trong pháp thân. Bồ tát tịnh tâm và bồ tát chưa chứng tịnh
tâm cũng không khác. Tịnh tâm bồ tát và thượng địa bồ tát (bồ tát thập địa) đều bình đẳng tịch diệt.
Trên đây là tám câu hiển bày công đức trang nghiêm tự lợi lợi tha của đức Như Lai thành tựu theo thứ lớp. Tám câu này cũng là đề mục quan trọng để hướng dẫn hành giả tu quán tưởng khi quy hướng Tịnh độ. Nói một
cách dễ hiểu, mười bảy câu trước là quán y báo, tám câu sau là quán chánh báo của đức Phật A Di Đà. Tiếp theo là quán thánh chúng bồ tát ở cõi ấy.
Tức là quán công đức trang nghiêm thành tựu của bồ tát (Đại 26, 232 trung), cụ thể là quán bồ tát ở cõi ấy thành tựu công đức tu hành 4 chánh hạnh.
Trong mỗi cõi Phật, thân không hề lay động mà có thể ứng hóa vô vàn thân tướng trong khắp cõi mười phương, như thật tu hành, thường làm Phật
sự. Đây là ý nghĩa câu kệ: “Sự thanh tịnh của cõi An Lạc. Thường xoay chuyển pháp luân vô cấu. Mặt trời hóa Phật và bồ tát. Sừng sững như thể núi Tu di”. Chư vị bồ tát này khai mở tuệ giác giác ngộ của chúng sanh như là khai mở hoa còn ứ đọng giữa bùn lầy.
Ứng hóa thân của các bồ tát ở cõi ấy, trong tất cả thời không trước không sau, nhất tâm nhất niệm phóng đại quang minh, thảy đều đi khắp tất
cả mười phương thế giới, giáo hóa chúng sanh, thi thiết bao nhiêu phương tiện tu hành, diệt trừ tất cả khổ não của chúng sanh. Đây là ý nghĩa của câu kệ: “Ánh sáng trang nghiêm và vô cấu. Ngay trong một niệm trong một thời. Chiếu soi khắp các hội của Phật. Lợi lạc khắp tất cả quần sanh.”
Các vị bồ tát ấy, trong tất cả thế giới, không bỏ sót một thế giới nào, chiếu soi khắp đại chúng trong pháp hội của chư Phật, không bỏ sót một pháp hội nào, cúng dường rộng lớn, cung kính tán thán chư Phật Như Lai. Đây là ý nghĩa của câu kệ: “Áo hoa thiên nhạc rơi như mưa. Sực nức hương thơm dâng cúng dường. Tán thán công đức của chư Phật. Không một mảy may tâm phân biệt.”
Các vị bồ tát ấy trong tất cả thế giới khắp mười phương, nơi nào không có tam bảo thì đến để trang nghiêm Phật, pháp, tăng tam bảo với công đức nhiều như biển lớn, thị hiện cùng khắp, khiến chúng sanh ở cõi ấy hiểu được Phật pháp mà như thật tu hành. Đây là ý nghĩa câu kệ: “Thế giới nào không có Phật pháp, không có vô lượng công đức bảo. Con đều xin nguyện đến nơi đó. Khai thị Phật pháp như đức Phật”.
Như trên là bốn pháp quán công đức trang nghiêm của các bồ tát ở thế
giới Cực Lạc. Như vậy là đã trọn vẹn niệm môn thứ tư trong ngũ niệm môn. Chỉ còn lại niệm môn thứ năm, cũng là niệm môn cực kỳ quan trọng đối với người tu pháp môn Tịnh độ. Đó là hồi hướng môn. Tịnh độ gọi là “Nhập nhất pháp cú”. (Đại 26, 232 trung): “Nhất pháp cú nghĩa là thanh tịnh cú”.
Thanh tịnh ở đây có nghĩa là chân thật trí tuệ, vô vi pháp thân. Sự thanh tịnh này có hai loại: 1. Khí thế gian thanh tịnh. 2. Chúng sanh thế gian thanh tịnh.
Khí thế gian thanh tịnh: thành tựu mười bảy công đức trang nghiêm nói trên gọi là khí thế gian thanh tịnh.
Chúng sanh thế gian thanh tịnh: thành tựu tám công đức trang nghiêm của chư Phật nói trên gọi là chúng sanh thế gian thanh tịnh. Thành tựu 4 công đức trang nghiêm của chư vị bồ tát thì gọi là chúng sanh thế gian thanh tịnh. Như vậy trong một pháp cú mà nhiếp cả hai loại
thanh tịnh. Như vậy bồ tát tu hành xa ma tha (chỉ) và tỳ bà xá na (quán) theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp, như vậy là thành tựu xảo phương tiện hồi hướng. Bồ tát xảo phương tiện hồi hướng là bồ tát gom hết tất cả công đức thiện căn do tu ngũ niệm môn như lễ bái…, không cầu niềm vui
an trụ của tự thân, vì muốn nhổ sạch gốc khổ của chúng sanh, khởi nguyện nhiếp thủ tất cả chúng sanh cùng sanh về cõi nước Cực Lạc của đức
Phật kia. Đó gọi là bồ tát xảo phương tiện hồi hướng thành tựu. Bậc bồ tát như vậy khéo biết hồi hướng thành tựu, xa lìa ba pháp trái nghịch bồ
đề.
Y theo trí huệ môn, không cầu tự lạc, xa lìa tâm tham của tự ngã, không tham đắm tự thân.
Y theo từ bi môn, nhổ tận gốc khổ của chúng sanh, xa lìa tâm không an chúng sanh.
Y theo phương tiện môn, thương xót tất cả tâm chúng sanh, xa lìa tâm cúng dường cung kính của tự thân.
Bồ tát xa lìa ba pháp trái nghịch trên thì sẽ trọn đủ ba pháp tùy thuận với bồ đề.
Vô nhiễm thanh tịnh tâm: không lấy tự thân để cầu an lạc.
An thanh tịnh tâm: lấy việc nhổ tận gốc khổ của chúng sanh làm hạnh.
Lạc thanh tịnh tâm: khiến tất cả chúng sanh được đại bồ đề, nhiếp thủ chúng sanh vãng sanh về thế giới Phật.
Ba môn trí tuệ, từ bi, phương tiện ở trên nhiếp thủ bát nhã, bát nhã nhiếp thủ phương tiện.
Ba pháp xa lìa tâm tham cung kính của tự ngã, không tham đắm tự thân; xa lìa tâm không an chúng sanh; xa lìa tâm cúng dường tự thân, ở phần trên là xa lìa chướng tâm bồ đề.
Nếu gom ba tâm vô nhiễm thanh tịnh tâm, an thanh tịnh tâm và lạc thanh tịnh tâm ở phần trên lại một chỗ thì thành tựu diệu lạc thắng chơn
tâm.
Như vậy, đối với bồ tát, nếu có đủ trí tuệ tâm, phương tiện tâm, vô chướng tâm, thắng chơn tâm thì có thể vãng sanh cõi nước Phật thanh tịnh. Đó gọi là bồ tát ma ha tát, tùy thuận ngũ chủng pháp môn, tùy ý tự
tại.
Phần trên, người viết thực chất là dịch trọn vẹn Tịnh độ luận.
Nhưng nếu cứ dịch nguyên văn thì e rằng nặng nề, khó hiểu. Tuy có đôi chỗ, nhất là đoạn cuối, thiết nghĩ nếu dịch ra thì càng khó hiểu hơn, nên nhiều chủng loại danh từ, người viết để nguyên tiêu đề không dịch, âu cũng có dụng ý. Chỗ nào cần chú thích, chúng tôi đã chú thích, chỗ nào không cần thì để nguyên. Người viết đã chủ ý không kết hợp các bộ chú giải luận này như Tịnh độ luận chú của ngài Đàm Loan, cốt để tác phẩm được giữ nguyên hình thái ban đầu, giúp độc giả có cách nhìn
chính xác hơn về nguyên văn của tác phẩm. Các bộ chú giải đã thêm quá nhiều ý tưởng, lại phân chương trích cú theo lối giải thích kinh viễn, đôi lúc làm người học càng mịt mờ thêm về nguyên tác.
Lâu ngày không viết lách, cách trình bày vụng về, chỉ là bòn mót chút công đức hồi hướng về Tịnh độ. Kính mong các bậc thức thức giả từ bi chỉ giáo.
Vĩnh Minh Tự Viện, Quý xuân năm Nhâm Thìn
TNH
(Suối Nguồn-Trung Tâm Dịch Thuật Hán Nôm Huệ Quang)
Discussion about this post