HỌA VÀ PHƯỚC
Hồi ký của Hương Đức
Về trước một ngày để cùng anh chị em trong gia đình nấu nướng, chuẩn bị phẩm vật, thức ăn cho đám giỗ mẹ ngày mai, hôm nay cúng quảy, ăn uống xong, vợ chồng chị B. của tôi lại lục đục sửa soạn hành lý trở về nhà riêng ở tận miền Đông. Vốn biết anh rể thích nghiên cứu về thiền, tôi soạn bốn quyển sách chuyên sâu về thiền học của một thiền sư nổi tiếng viết để tặng cho anh ấy, anh rể tôi thích thú nói đã lùng mua các quyển sách này lâu lắm mà chưa mua được, không ngờ tôi ở chốn hẻo lánh mà lại có được số sách quý hiếm như vậy. Tôi cười trả lời là do duyên mà thôi. Tôi vẫn thường được một vị Phật tử thuộc hàng giàu có ở TP.HCM gởi tặng tôi rất nhiều kinh sách quý. Đó là một thuận duyên trong quá trình tu tập của tôi, và tôi lại thường cho bạn đạo mượn những kinh sách này để họ có thể tiếp cận nhiều hơn với giáo lý Phật pháp vốn quá mênh mông…
… Tiễn anh chị lên xe, tôi đứng nhìn mãi đến khi chiếc xe khuất dạng mới trở vào nhà; vừa đi, tôi vừa suy nghĩ, cuộc đời vợ chồng chị của tôi đã trải qua như là một sự biểu hiện rõ ràng của luật nhân quả, họ đang ở trong cảnh “hết cơn bĩ cực, tới hồi thới lai”…
Thời ấy, lúc chiến tranh, khi tới tuổi quân dịch, dù mắc bệnh cận thị nhưng anh rể tôi vẫn bị bắt đi lính vì “nhờ” có ông anh ruột là bác sĩ trong đoàn khám tuyển xác định anh ấy mắt tốt. Người anh làm như thế để chứng tỏ mình chí công vô tư, lấy lòng tin cấp trên nên đem thằng em trai duy nhất của mình ra làm vật tế thần, nhờ vậy ông ta lên như diều gặp gió, được thăng quan, tiến chức, giữ chức vụ quan trọng trong ngành quân y của chính phủ Sài Gòn. Nhập ngũ một thời gian, anh quen với chị tôi nhờ mai mối của một người anh họ rồi tiến tới hôn nhân; đám cưới của hai người được tổ chức đơn giản vì cả hai bên sui gia đều không khá giả mấy. Chị tôi về ở bên gia đình chồng, do đường sá xa xôi, lại trong hoàn cảnh chiến tranh, hai ba năm mới về thăm cha mẹ ruột một lần. Khi hòa bình lập lại, sau một thời gian học tập cải tạo, anh rể tôi về quê sống với cha mẹ cùng vợ con.
Vào những năm 80, cả nước đang trong hoàn cảnh khó khăn; phần do nước ngoài cấm vận, phần do chủ trương hạn chế tự do vận chuyển sản phẩm nông nghiệp từ địa phương này sang địa phương khác, phần dịch rầy nâu bùng phát, thuốc bảo vệ thực vật lại thiếu thốn; cả nước lâm vào tình trạng thiếu hụt lương thực, nhiều gia đình phải ăn cơm độn với bo bo, củ mì, khoai lang. Lúc ấy vợ chồng chị tôi rất vất vả. Vốn là một người lính nên khi ra ngoài xã hội anh rể tôi không biết phải làm gì để sống và nuôi gia đình. Cha mẹ thì đã ngoài bảy mươi tuổi, vợ chỉ biết làm công việc nội trợ và ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn; đất đai tuy có nhưng là đất xấu, đầy đá sỏi, chỉ trồng được đậu phộng và củ mì; hễ thu hoạch trễ thì mối ăn sạch. Sau một thời gian phân vân, anh đã chọn nghề lái xe ba gác, cái nghề này thì khỏi nói ai cũng biết là vất vả trăm bề; một, hai giờ khuya đã phải thức dậy; mặc cho giá rét, mưa gió, chạy xe đến chở mối lái đi lấy hàng; ra chợ, phụ chuyển hàng lên, xuống; rồi cạnh tranh giữa các xe, gây gổ, đánh nhau, tìm cách tránh né cảnh sát phạt vạ vì chở quá tải… Biết bao cực khổ mà anh ấy phải trải qua, lại ăn uống thiếu thốn khiến da anh đen thui, người thì ốm quắt queo. Có lần cha tôi lặn lội từ Bến Tre lên tận miền Đông để thăm sui gia và con cháu. Đến nơi nhằm giờ cơm, thấy ông bà sui ăn cơm trắng với canh rau, thịt kho, cha tôi mừng thầm, khen thằng rể gỉỏi giang lo cho gia đình sung túc; chừng xuống nhà dưới thấy cả nhà con của mình ăn cơm toàn bằng bo bo trộn củ mì với mắm ruốc kho sả, ba tôi nhìn mà chảy nước mắt, lớp thương con, thương cháu, lớp cảm động vì lòng hiếu thảo của vợ chồng chị tôi. Chị tôi đôi mắt đỏ hoe, phân bua với cha mình: Tụi con còn trẻ, ăn gì cũng được, mấy đứa nhỏ còn thiếu gì dịp để ăn; cha mẹ chồng con đã lớn tuổi, yếu nhiều, cần bồi dưỡng.. Anh rể tôi thì quay mặt, chùi nước mắt.. Cha tôi dặn: Chừng nào nghỉ hè đưa mấy đứa nhỏ về Bến Tre để cha phụ nuôi, dù sao ở dưới có làm ruộng, tôm cá nhiều cũng đỡ hơn trên này.
Hoàn cảnh khốn khó như thế, trong khi thân nhân của hàng xóm đi nước ngoài định cư thường gởi quà, gởi tiền về giúp đỡ gia đình của họ, còn anh trai của anh rể tôi dù đã rời Việt Nam qua Mỹ trước 30 tháng
4 năm 75, sau thời gian tu nghiệp đã có phòng mạch riêng, làm ra khối tiền nhưng không hề quan tâm, thăm hỏi, giúp đỡ gì để phụ gánh vác nuôi cha mẹ già, bỏ mặc thằng em út làm gì thì làm. Một hôm, người cháu điện về báo tin, hai vợ chồng anh trai của anh rể tôi lái xe đi đánh bài ở casino, trên đường về nhà bị một phụ nữ Mỹ say rượu lái xe đâm phải, cả hai vợ chồng đều chết hết. Sau đó người cháu cũng bặt tin, không liên lạc nữa. Anh rể tôi lặng lẽ đặt khuôn ảnh anh trai mình lên bàn thờ chung của dòng họ, hàng ngày hương khói. Âu cũng là một kết cục buồn cho một cách sống không hay.
Gia đình bên chồng chị tôi vốn có truyền thống thờ Phật lâu đời, duy chỉ có người anh trai của anh rể tôi lấy vợ ngoại đạo, phải bỏ đạo nhà theo đạo bên vợ. Kết hợp với truyền thống thờ Phật của gia đình bên tôi nên dù cuộc sống khó khăn trăm bề, anh chị ấy không hề lơ là trong việc thờ cúng Phật, đi chùa. Đặc biệt, anh rể tôi rất tin tưởng oai lực cứu khổ, cứu nạn của Bồ- tát Quán Thế Âm; anh thường kể việc thoát khỏi nạn tai nhờ sự hộ trì của Bồ-tát trong chiến tranh, lúc gặp nạn chìm tàu… Một hôm, trong khi chở một chuyến xe chất đầy củi, đang chạy với tốc độ khá nhanh thì có một đứa trẻ do mải chơi đùa với bạn bên kia đường đột ngột vùng chạy đến trước đầu xe của anh ấy; do xe chở nặng lại chạy nhanh, anh chưa kịp thắng thì đứa nhỏ đã té ập dưới lườn xe ba gác; anh chỉ kịp kêu “trời” một tiếng thì xe đã cán qua người đứa nhỏ. Lúc đó, anh có cảm giác chiếc xe như có ai dùng tay nâng hỏng khỏi mặt đường, sau đó xe chạy tiếp hơn hai chục mét mới dừng lại được. Anh ấy lật đật xuống xe, tính chắc phen này phải vào tù vì cán chết đứa nhỏ; nào ngờ anh thấy nó lồm cồm ngôi dậy, lấy tay phủi phủi bụi rồi chạy chơi tiếp. Anh đem đứa nhỏ đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ không thấy tổn thương gì ngoài hai ba vết trầy ngoài da. Sau khi trả tiền khám bệnh, đưa đứa nhỏ về gia đình của nó, anh rể tôi về nhà như người bị mộng du, không hiểu vì sao đứa nhỏ bị cả xe chở củi cán qua người mà hầu như không sao cả, và anh nhớ lại cái cảm giác như có người dùng tay nâng cả chiếc xe lên khỏi mặt đất lúc đó. Thật là lạ. Về nhà, anh kể lại chuyện tai nạn, chị tôi xanh mặt nói hồi hôm chị ấy nằm chiêm bao, thấy anh ấy bị nạn sắp té xuống vực sâu thì được Bồ-tát Quán Thế Âm đưa tay nâng lên nên thoát nạn; cả ngày lo có chuyện không hay xảy ra nên chị ấy niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm liên tục, không ngờ tai nạn xảy ra thật. Anh rể tôi liền nghĩ chắc lúc xe sắp cán qua người đứa nhỏ, Bồ-tát Quán Thế Âm đã dùng thần lực giúp nâng chiếc xe lên, cứu đứa nhỏ, giúp anh khỏi nạn tù tội. Nghĩ vây, anh vội đến bàn thờ Phật, thắp hương, lạy Phật và Bồ-tát tạ lễ Ngài đã ra tay cứu giúp.
Một thời gian sau, nhờ người quen chỉ dẫn, chị tôi đến một công ty chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ nhận hàng về gia công, nhờ có việc làm thêm đó, thu nhập dù ít ỏi nhưng cũng san sẻ bớt gánh nặng cơm áo gạo tiền với chồng…. Ổn định được một thời gian thì lại xảy ra chuyện khiến vợ chồng chị tôi phải cực nhọc nhiều hơn nữa. Số là anh rể tôi có một người chị bà con chú bác, chị ấy đã xuất gia hai mươi mấy năm, tu ở một ngôi chùa trên TP. HCM; không may chị mắc bệnh xơ gan cổ trướng mất bù. Do không muốn làm nhọc lòng bạn đạo trong chùa, chị ấy quyết định xin ra khỏi chùa về nhà riêng để sống nốt quãng đời còn lại. Chị đã tìm đến vợ chồng chị tôi để trình bày hoàn cảnh bệnh tật của mình, mong được giúp đỡ vì cha mẹ chị đều chết hết, chị lại là con một, không con cháu ruột. Chị lại bảo ba mẫu đất của cha mẹ chị để lại, chị sẽ giao cho người nào nuôi dưỡng chị, một phần ba để chi tiền làm mộ, cúng quảy, hương khói cho cha mẹ chị và chị khi chị qua đời, hai phần ba còn lại cho người đứng ra săn sóc, thờ tự. Vì là việc liên quan đến dòng họ, anh rể tôi liền mời các họ tộc có liên quan đến để bàn xem ai sẽ đứng ra nuôi dưỡng người chị bà con đó. Những người họ hàng đều thoái thác lấy lý do bận bịu vì gia cảnh; họ ngán ngẩm nhìn thân hình bị phù, lở loét của chị ấy, và họ cũng quá biết cái miếng đất xấu nhất vùng, toàn sỏi đá, có nhận về cũng chẳng biết để làm gì. Thế là vợ chồng chị tôi phải nhận nuôi người chị bệnh hoạn đó. Cực chồng thêm cực, khổ chồng thêm khổ. Ở nhà trên thì một ông lão ho lục khục suốt ngày, ở gian giữa thì một bà lão lẫn lộn, tối ngày cứ hỏi mãi một chuyện, nay lại thêm một người bệnh mình mẩy sưng phù, lở loét đầy người… Cả gia đình chị tôi phải dồn xuống nhà dưới vốn rất chật chội để ở.
Sau hơn một năm sống trong sự chăm sóc, yêu thương của gia đình chị tôi, vị nữ tu ấy đã thanh thản ra đi về với Phật. Ngày tang lễ, anh chị và các cháu tôi khóc thật nhiều, không biết vì mến tay mến chân hay đó là những giọt nước mắt của những người đệ tử chân thành tiễn đưa vị thầy của mình; vì trong thời gian sống chung ngắn ngủi đó, vị Ni tuy bệnh hoạn đã kịp giảng dạy nhiều điều về Phật pháp cho gia đình chị tôi khiến cả nhà đều quy-y Tam bảo theo sự dìu dắt của người thân đã xuất gia ấy. Rồi cha mẹ của anh rể tôi cũng lần lượt qua đời. Không khí tang tóc bao trùm khiến căn nhà cổ kính, rêu phong càng thêm ảm đạm. Một hôm đến thăm, thấy anh khuấy hai ly cà-phê sữa để lên bàn thờ cha mẹ, thắp hương rồi đứng trầm ngâm, hai dòng nước mắt lặng lẽ tuôn trên gò má khô cằn vì gió bụi. Anh thấy tôi liền vội đưa tay chùi nước mắt, bảo ba mẹ anh rất thích uống cà-phê sữa nên ngày nào anh cũng khuấy cúng hai người.
Mấy năm sau, khi đất nước đổi thay, chuyển từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, các nước khác ào ạt đầu tư vào Việt Nam. Ở khu vực phía Nam, miền Đông được chọn làm khu vực xây dựng các cụm công nghiệp vì địa lý và thổ nhưỡng phù hợp với yêu cầu xây dựng và hoạt động. May mắn đã đến với gia đình anh chị tôi vì ba mẫu đất của người nữ tu để lại đã trở thành đất “đắc địa”, được một nhà đầu tư Đài Loan trả giá rất cao vì họ tin phong thủy của miếng đất rất tốt, thuận lợi cho việc kinh doanh. Kết hợp với số tiền rất lớn được đền bù cho những phần đất của cha mẹ để lại khi nhà nước thu hồi làm khu công nghiệp, anh rể tôi đã đột ngột trở thành tỷ phú.
Dù đã có của ăn, của để nhưng vợ chồng chị tôi vẫn sống bình thường như lúc trước, ngoài việc sửa lại ngôi nhà thờ “coi cho được một chút”, mua cho thằng con trai út một chiếc xe hơi 24 chỗ để nó chở khách kiếm tiền nuôi vợ con, giúp thằng con trai lớn mở một tiệm sửa chữa điện tử, hàng ngày chị tôi vẫn lãnh sản phẩm của công ty thủ công mỹ nghệ về làm gia công; chị ấy bảo làm riết quen rồi, bây giờ nghỉ thấy buồn, còn anh rể tôi hàng ngày vẫn cỡi chiếc 81 cà tàng của mình, mang dao, mang cuốc lên rẫy săn sóc mười mấy ngàn cây mai vàng do anh ấy tự trồng; trưa về, cơm nước, ngủ nghê xong, anh đem báo chí, kinh sách ra đọc; tối đến, lạy Phật, tụng kinh; bốn giờ khuya dậy ngồi thiền, tập thể dục. Cuộc sống an nhàn cứ thế mà tiếp diễn, anh chỉ bận một chút khi những đứa cháu đến khoe điểm mười để vòi quà của ông nội.
Đối với họ hàng, anh rể tôi trước sau vẫn như một, khi lái xe ba gác cũng vậy, khi tỷ phú cũng chẳng thay đổi gì, có lần anh về nhà tôi ở cả nửa tháng trời, cùng ăn, cùng làm để tu sửa ngôi mộ cổ của bà nội tôi, tôi thầm nghĩ trong thời này ít có chú rể nào chịu lo mồ mả của ông bà bên vợ như thế. Trong xã hội, ngoài việc là một Phật tử tin cậy của ngôi chùa lớn gần nhà, anh ấy còn là một thủ quỹ uy tín của ngôi đình trong xã. Lặng lẽ và nhiệt tình là tính cách làm việc của anh rể tôi.
Có một người bà con, say mê thuật bói toán, tử vi, biết tuổi anh rể tôi, người ấy bảo tuổi của anh ấy vất vả thời trẻ, nhưng về già thì “lão lai tài vượng”. Tôi thì chẳng tin vào chuyện đó bởi tôi có biết vài người cùng tuổi với anh ấy nhưng đến nhà để ở còn chưa lành lặn, nói gì đến chuyện giàu có. Tôi chỉ tin vào luật nhân quả mà Đức Phật Thích-ca đã dạy. Nếu không có những năm tháng cúc cung, tận tụy nuôi dưỡng cha mẹ già, những thời gian hết lòng chăm sóc vị nữ tu bệnh tật, và suốt quãng đời tin, kính Phật pháp, thờ Phật và Bồ-tát Quán Thế Âm thì vợ chồng chị tôi chưa chắc đã được hưởng phước như ngày nay, có thể anh ấy còn bị ở tù vì lỡ gây tai nạn chết người, sẽ phải ngồi sau song sắt mà gặm nhấm số phận không may.
Suy cho cùng, họa hay phước không phải nhờ vào tuổi tác hay phong thủy, mà họa, phước là do ta tạo ra, gieo nhân nào thì gặt quả đó, không thể sai khác, trước sau gì nó cũng sẽ đến, chỉ vấn đề nhanh hay chậm mà thôi.
Discussion about this post