HIỂU RÕ HƠN VỀ ‘NGHIỆP’
(karma / kamma)
Pháp Hiền
Khái niệm ‘nghiệp’ vốn đã có mặt
trong văn học Bà-la-môn giáo từ rất lâu trước khi Đức Phật xuất hiên ở đời :
chính trên cơ sở của giáo thuyết về ‘nghiệp’ này mà Bà-la-môn giáo
thiết lập hệ thống cứng ngắt về bốn giai cấp : Brahman (Bà-la-môn), Sát-đế-lợi, Tỳ-xá, Sudra (Thủ-đà-la). Đức Phật đã bác bỏ quan điểm giai cấp
ấy, bằng câu nói : “Không có đẳng cấp
trong dòng máu cùng đỏ và dòng nước mắt cùng mặn”.
Tuy vậy, Đức Phật vẫn dùng
lại từ này, nhưng với một nội dung rất rộng : lý giải các tướng
trạng của sự sống và hoạt động của chúng sanh hữu tình, nhất là
của con người. Thật vậy, rất nhiều nơi trong kinh Phật giáo có nói về chữ
‘nghiệp’ – với ý chung, đại khái, cho rằng : chính nghiệp và chỉ có nghiệp
theo ta (chúng sanh) vào cõi chết, rồi dẫn ta (chúng sanh) đến chỗ tái sanh. Tức
là : ‘nghiệp’ vừa là ‘gạch nối’ giữa sanh
mạng trước và sanh mạng sau của ta (chúng sanh), vừa là ‘kẻ tác thành’ (ông
chủ) của sanh mạng ấy.
Như vậy, người học Phật ngày nay,
để hiểu rõ hơn về sanh mạng của mình và, quan trọng nhất, là về
‘Chánh nghiệp’, tức con đường tu ‘Bát chánh’ của nhà Phật, rất cần
phải chiêm nghiệm lại nội dung của chữ ‘nghiệp’ này.
I- ‘Nghiệp’ và ‘hành’
Không thể cứ lẫn lộn mãi ‘nghiệp’
(karma / kamma) với ‘hành’ (samskara / samkhara). Một số sách tiếng
Anh tiếng Pháp cũng thường lẫn lộn như vậy, nên đã dịch chữ Karma / Kamma bằng chữ action (hành động) ! Và dịch chữ samskara /
samkhara là mental formation. (sự
tạo thành trong ý). Có nhiều sách nói về ba loại ‘hành’ : ‘ý hành’ (sự tác
động của ý), ‘khẩu hành’ (sự tác động bằng lời nói) và ‘thân hành’ (sự tác động
qua việc làm của thân) ; trong đó, thông thường, ‘ý hành’ là khởi điểm, mà từ
đó sanh ra những hệ quả là ‘khẩu hành’ và ‘thân hành’ ; rồi, đến lượt ‘khẩu
hành’ và ‘thân hành’ lại sanh ra những hệ quả của chúng. Cần lưu ý : ‘Hành’
ở đây là thuộc ‘hành uẩn’, một trong bốn uẩn thuộc lãnh vực tâm
(‘tâm giới’) : thọ, tưởng, hành và thức ; trong khi thân và khẩu thuộc
‘sắc giới’. Tuy ‘tâm’ và ‘sắc’ có liên hệ mật thiết và liền lạc
nhau, nhưng nên được quan niệm riêng biệt, để khoanh vùng đối tượng đang
nói. Như vậy, ‘hành’ ở đây – bao gồm
hai thành tố : tình và ý – được hiểu một cách tổng quát là sự tác động hay khởi động thuộc lãnh
vực tâm. Còn ‘nghiệp’ là gì ?
Hãy hình dung việc bắn ra một mũi
tên. Việc ‘bắn ra là ‘hành’. Và, ngay sau khi được bắn ra, mũi tên bay theo
‘cái trớn’ (cũng gọi là ‘cái đà’) của nó. ‘Cái trớn’ hay ‘cái đà’ ấy, khá trừu
tượng (phi vật thể), bao gồm ít nhất hai thành tố : hướng bay và vận/gia tốc
bay. Và chính ‘cái trớn’ qui định
đặc tính của sự chuyển động của vật thể ấy. Khi biết được ‘cái
trớn’ của mũi tên ở một thời điểm T nào đó, người ta có thể [tính để] biết được
mũi tên ấy sẽ rơi ở đâu và vào lúc nào.
‘Cái trớn’ hay ‘cái đà’ đó, trong vật lý học
gọi là momentum, tương đương với
‘nghiệp’ trong Phật giáo ; và, như vậy, ‘nghiệp nên được hiểu là spiritual momentum, hay ‘cái trớn tâm
linh’, hay ‘quán tính tâm linh’ ; nôm na là ‘thói quen’, là ‘tập tánh’.
Mọi tác động hay khởi động vật lý nào cũng tạo ra sự chuyển động cùng với
‘cái trớn’ của nó. Cũng vậy, mọi tác động hay khởi động của thân, khẩu và ý
đều tạo ra ‘nghiệp’. Tuy cũng nói là có : ‘thân nghiệp’, ‘khẩu nghiệp’ và ‘ý
nghiệp’, nhưng ‘ý nghiệp’ là khởi điểm và là quan trọng nhất. Vô ý làm chết
người, cũng tạo ‘nghiệp’, nhưng nghiệp này nhẹ và thoáng qua, tựa như vẽ hình
trên bờ biển sẽ nhanh chóng bị sóng biển xóa mất ; trong khi cầm dao đâm vào
một bao cát mà nghĩ rằng đang đâm cho chết một kẻ thù nào đó, thì nghiệp này sẽ
nặng và dài lâu, như thể khắc hình sâu trên đá.
II- ‘Nghiệp’ và ‘nhân quả’
Cũng không thể cứ lẫn lộn mãi
‘nghiệp’ với ‘nhân quả’. Thử ngẫm lại câu nói “Hãy cẩn trọng ý nghĩ của bạn, vì ý nghĩ dẫn đến lời nói ; hãy cẩn
trọng lời nói của bạn, vì lời nói dẫn đến việc làm ; hãy cẩn trọng việc làm của
bạn, vì việc làm tạo thành tói quen ; hãy cẩn trọng thói quen của bạn, vì thói
quen dẫn tới ‘cá tánh’ ; hãy thận trọng cá tánh của bạn, vì cá tánh
dẫn tới ‘định mệnh’.” Đó là một chuỗi ‘nhân quả’ nối tiếp nhau, và tất
nhiên nó không dừng lại ở chỗ ‘định mệnh’ vì : trong tiến trình vận
động, ‘quả’ lại trở thành ‘nhân’, nó chiêu
cảm và cộng hưởng với nhiều ‘duyên’ khác, dẫn tới những ‘quả’ khác nữa ; đồng
thời tạo nên rất nhiều tác động phụ. Ở đây, đề nghị lưu ý hai chữ “dẫn tới”, và
hãy đặt câu hỏi : Bởi năng lực nào mà có cái sự “dẫn tới” đó ? – Thưa : Bởi
‘nghiệp LỰC’ (lực của ‘cái trớn’). Tức là : Chính ‘nghiệp LỰC’ tạo nên LUẬT
nhân quả. Và khi ‘Luật nhân quả’ được kiểm nhận như là một ‘Luật Thép’, thì ‘Nghiệp lực’ cũng được kiểm nhận là không thể vô hiệu hóa được. Tất nhiên,
trong một giới hạn nào đó, ta có thể giảm bớt sự cộng hưởng của ‘nghiệp’ với
những ‘duyên khác’, đồng thời giảm bớt những tác động phụ do nghiệp gây ra, trong
tiến trình vận động hay chuyển biến của nó.
Mấy điểm ghi trên, phải chăng là
trái với điều mà hầu hết các sách ghi rằng : khi đã tạo ra ‘nhân’ bất thiện,
nếu không tạo ‘duyên’ cho nhân này nẩy nở, thì sẽ khỏi phải gặt lấy ‘quả’ bất
thiện ? – Ở đây, cần phân biệt ‘lý tắc nhân quả’ (causality) và ‘tổ hợp nhân
duyên’, cũng gọi là ‘nhân duyên sanh’ (causation). Và cần hiểu rằng ‘nhân’,
cũng như ‘quả’, trong quan hệ ‘nhân nào quả nấy’ của ‘lý tắc nhân quả’, chính
nó cũng là một ‘tổ hợp nhân duyên’ – Nói ‘tổ hợp nhân duyên’ hay ‘nhân duyên
sanh’ là nói đến sự cấu thành nội tại của mỗi ‘đương thể’ (entity) ;
trong khi nói ‘lý tắc nhân quả’ là nói đến mối quan hệ (ở đây, là
quan hệ nhân quả) giữa hai hay nhiều’đương thể’.
Và, như trên đã nói :
1- Mọi tác động hay khởi động đều tạo ra ‘nghiệp’ (trớn / đà) ; như vậy,
‘nghiệp là pháp ‘được tạo thành’ (do duyên sanh, hay hữu vi), tức là không có
tự thể riêng và chịu luật ‘vô thường’, chứ không thể tồn tại mãi mãi.
2- Trong tiến trình vận hành của ‘nghiệp’, như chuỗi nhân quả nối tiếp
nhau, nêu trong đoạn I : ‘nhân’ đầu (N1) dẫn tới ‘quả’ đầu (Q1) ; ‘quả’ Q1 này
lại thành ‘nhân’ (N2), nó chiêu cảm và cộng hưởng với các ‘duyên’ mới (khác)
tương ưng, dẫn tới ‘quả’ (Q2) ; ‘quả’ Q2 này lại thành ‘nhân’ (N3), nó chiêu cảm
và cộng hưởng với các ‘duyên’ mới (khác) tương ưng, dẫn tới ‘quả’ (Q3); và cứ
thế tiếp tục. Thế nên, ‘nghiệp lực’ có thể tăng hoặc giảm ; đồng thời nó cũng
tạo ra nhiều tác động bậc 2, 3, 4 …, làm thành một chuỗi, tựa như chuỗi ‘12
nhân duyên’ Đức Phật dạy ; trong đó, mỗi ‘mắc xích’ là một ‘tổ hợp nhân duyên’,
cũng là chỗ có thể cải tạo hay chuyển hóa được. Một khi ‘tổ hợp nhân duyên’
gọi là ‘nhân’ thay đổi tính cách, thì ‘tổ hợp nhân quyên’ gọi là ‘quả’ của nó
cũng tương ưng theo. Sự thay đổi này rất có thể thực hiện được, nhưng chỉ được
thực hiện trong ‘tổ hợp nhân duyên’ gọi là ‘nhân’. Tuy có sự thay đổi tính
cách như vậy nhưng nguyên tắc “nhân nào quả nấy”, của ‘lý tắc nhân quả’, vẫn
không hề bị sai phạm ; tức là ‘nghiệp lực’ vẫn thể hiện công năng của nó.
III- “Chuyển nghiệp” và “dứt nghiệp”
Được biết : 1/- Sự tác động hay
khởi động, như việc bắn ra mũi tên nêu trên, cũng gọi là ‘nhân’ trong quan hệ
‘nhân quả’, một khi đã được thực hiện thì không thể trở lại được ; mà ‘quả’ thì
chưa có, chỉ có cái ‘nghiệp’ đang vận hành. 2/- Mỗi chúng sanh, hay mỗi người
chúng ta, đều đã trải qua vô số kiếp trong quá khứ, và bởi ‘nghiệp’ trước mà
sanh ra ở đời này ; cũng chính cái ‘nghiệp’ ấy nó chi phối hay khống chế mọi tư
duy, nhận biết, lời nói, ứng xử … của ta ; tức là các ‘nghiệp’ mới do ý nghĩ,
lời nói và việc làm của ta tạo ra trong kiếp sống này, trên nguyên tắc, cũng
đều bị khống chế, lập trình, định hướng bởi ‘nghiệp’. Vì vậy, như trên đã
nói : ‘Luật nhân quả’ là ‘Luật Thép’,
và ‘nghiệp lực’ là không thể vô hiệu hóa
được. Vậy, vấn đề ‘chuyển nghiệp’ hay/và ‘dứt nghiệp’ phải được hiểu như
thế nào ?
Ở trình độ con người, sự việc
diễn ra không đơn giản như thí dụ mũi tên nêu trên, vì trong mỗi con người
vốn có sẵn khả năng tự dự phóng cho mình cái ‘nên là’, hay cái ‘phải là’. Và
sự hiện hữu thực sự của mỗi người thể hiện qua ý chí huy động năng lực nội
tại này để ‘chuyển nghiệp’ hay/và ‘dứt nghiệp’ của mình – đây là ý nghĩa
của tự do và trách nhiệm của mỗi người -. Ngược lại, nếu buông thả theo
sự đưa đẩy của ‘nghiệp’ dẫn đến cái ‘sẽ là’, như một loại ‘tiền định’ của
thuyết ‘định mệnh’, thì người ấy không thực sự hiện hữu, thậm chí không thực
sự ‘sống’.
Bây giờ chúng ta hãy hình dung,
thay thế mũi tên bằng một phi thuyền, có năng lực nội tại và người lái, đang
bay. Và :
1- ‘Dứt nghiệp’ : tương tựa như việc người
lái tắt hết các máy, nương theo cái trớn còn lại đưa phi thuyền đáp xuống nơi
an toàn nhất. Truyền thống ‘tiểu thừa’ (khác với Theravada ngày nay, vì đã có nhiều thay đổi) đặc biệt chú trọng
hướng tu này. Chủ yếu, họ giữ giới nghiêm tịnh, đóng cửa các ‘căn’ (mắt, tai,
mũi, lưỡi và thân), tránh tối đa việc tiếp xúc với cõi đời mà theo họ là ô uế –
cách ly với ‘ngoại nhân duyên’ ;
thanh tịnh tâm ý, dứt sạch mọi chấp bám mong cầu – không tạo thêm ‘nội nhân duyên’ ; đạt quả vị A-la-hán, đợi hết
‘nghiệp’ cũ, nhập ‘vô dư niết-bàn’.
2- ‘Chuyển nghiệp’ : tương tựa như việc
người lái vừa lợi dụng cái trớn đang có vừa vận dụng năng lực nội tại để tăng
tốc và lái phi thuyền bay sang hướng khác. Truyền thống ‘đại thừa’ đặc biệt chú
trọng hướng tu này. Chủ yếu họ vượt ‘ngã chấp’ và ‘pháp chấp’, từ bỏ mọi mục
đích vì bản thân và phát đại nguyện “thành Phật cứu độ chúng sanh” (phát Tâm
bồ-đề’), chẳng những không lánh đời mà còn phải gán bó (kết duyên) với mọi
chúng sanh bằng cách thực hành nhiều phương tiện thiện xảo, v.v…. Pháp môn Tịnh
độ cũng chủ yếu dựa trên sự phát nguyện có tính chuyển nghiệp này (pháp nguyện
vãng sanh cũng nằm trong sự phát đại nguyện ấy). Ngắn gọn : Dùng ‘nguyện lực’ mạnh mẽ để chuyển hướng
hay/và thay thế ‘nghiệp lực’.
3- Thiền tông không đặt vấn đề ‘chuyển
nghiệp’ hay/và ‘dứt nghiệp’, mà chỉ chú tâm việc nắm bắt, thâm nhập và an lập
trong thực tính vốn thanh tịnh của mọi ‘pháp’ (‘đương thể’), trong đó ‘nghiệp’
cũng chỉ là một ‘pháp do duyên sanh’.
LƯU Ý : Chữ ‘pháp’ (dharma) thường được hiểu như là ‘hiện
tượng’. Vậy ‘bản chất’ không phải là ‘pháp’ sao ?
IV- “Cộng nghiệp” và “biệt nghiệp”
‘Cộng nghiệp’ là nghiệp của cái
‘toàn thể’, còn ‘biệt nghiệp’ là nghiệp của mỗi ‘thành phần’ (hay ‘thành viên’)
cấu thành cái ‘toàn thể’ đó.
Ví dụ, chiếc XE là một ‘tổng
thể’, được cấu thành bởi sự kết ráp của các ‘thành phần’ (bộ phận)
cấu thành nó, như : bánh xe, thùng xe, tay lái, máy, v.v… ; nhưng XE là
một ‘đương thể’ (entity, không phải ‘tự thể’), hoàn toàn khác với mỗi
bộ phận cấu thành ấy, cũng hoàn toàn khác với ‘tổng thể’ của các
bộ phận đó. Bởi vì, cũng chính các bộ phận (thành phần vật thể)
ấy, nếu để gom thành một đống thì không phải là XE ; mà chúng phải
được kết ráp theo một quy cách nhất định nào đó thì
mới tạo thành XE được. Chính cái ‘quy cách kết ráp’ (thành phần
phi vật thể) này nó qui định đặc tính và chức năng của XE và của
mỗi bộ phận : cái này là bánh xe, cái kia là tay lái xe, v.v… Các
bộ phận, kể cả ‘qui cách kết ráp’, có thể được chỉnh sửa hay/và
thay thế nhiều lần, trong khi XE vẫn tiếp tục tồn tại lâu dài hơn.
Cái ‘thành phần phi vật thể’
ấy, dù cũng không phải là cố định một lần cho mãi mãi, nó luôn luôn
chuyển biến, có khi rất chậm như ở trình độ vật chất, theo kiểu của
‘thuyết tiến hoá’ (Darwinism), nhưng chính nó là thành tố xác định
tính cách riêng của mỗi sự mỗi vật hay của mỗi ‘pháp’ (entity /
‘đương thể’). Tức là, trong mỗi
‘pháp’ đều bao hàm thành phần phi vật thể ; do vậy, mỗi ‘pháp’
(‘đương thể’) đều khác với các thành phần, vật thể và phi vật thể,
cấu thành nó.
Cũng vậy, gia đình là một
‘toàn thể’ được cấu thành bởi các thành viên / thành phần của nó : cha mẹ, các
người con …, nhưng gia đình là một ‘đương thể’ (entity) hoàn toàn khác với mỗi
thành viên của nó, cũng hoàn toàn khác với cái ‘tổng thể’ của các thành viên
đó. Bởi vì gia đình không phải chỉ được cấu thành bởi những thành phần thuộc
dạng vật thể (như cha, mẹ, các con …) mà còn bởi các thành phần phi vật thể
(như gia phong, truyền thống…). Do chỗ khác biệt này mà, khi những người cha mẹ
đã qua đời, gia đình vẫn tiếp tục tồn tại, với những ‘thành phần cấu thành’ mới
(khác) của nó và trong những điều kiện khác của hoàn cảnh – cái ‘toàn thể’ gia
đình, dù phụ thuộc vào các thành phần cấu thành nó (nó không có ‘tự thể’ riêng
và chịu luật vô thường), nhưng nó hiện hữu và tồn tại dài lâu, đồng thời vẫn
luôn luôn chuyển biến hay vận động, theo cái ‘nghiệp’ của nó, chứ không phải là
bất biến. Suy rộng ra, ở phạm vi cái làng chẳng hạn, làng là ‘toàn thể’, được
cấu thành bởi nhiều gia đình ; ở mức độ này, ‘nghiệp’ của gia đình lại là ‘biệt
nghiệt’, so với ‘nghiệp’ của làng là ‘cộng nghiệp’. Cũng vậy, mở rộng ra thêm
nữa, ở phạm vi quốc gia – dân tộc, đến toàn thế giới – nhân loại, vân vân.
Ở mức độ mỗi thành viên gia đình,
mỗi người (cha, mẹ, con…), gọi một cách tổng quát là mỗi ‘nhân thể’ (person / pudgala), đều là một ‘toàn thể’, được
cấu thành bởi năm ‘uẩn’ : sắc (thành phần vật thể), thọ, tưởng, hành và thức (các
thành phần phi vật thể) – ‘nhân thể’ không có ‘tự thể’ riêng (vì phụ thuộc
vào các thành phần cấu thành nó) và chịu luật vô thường, nhưng nó hiện hữu như
là một ‘đương thể’ (hay một ‘pháp’ – entity) và hoàn toàn khác biệt với
các ‘thành phần cấu thành’ đó. Trong trường hợp này, cái nghiệp của mỗi ‘nhân
thể’ là ‘cộng nghiệp’, và cái nghiệp của mỗi ‘uẩn’ là ‘biệt nghiệp’. Do chỗ
khác biệt này mà, khi một vài ‘uẩn’ (‘sắc uẩn’, ‘thọ uẩn’, ‘hành uẩn’, chẳng
hạn) tan rã (chết), cái ‘nhân thể’ (toàn thể) vẫn tiếp tục tồn tại – mà nhiều
người gọi đó là ‘linh hồn’, hay ‘vong linh v.v… -, và tiếp tục chuyển biến theo
cái ‘nghiệp’ của nó, ‘tái sanh’ hay ‘đầu thai’ vào trong những điều kiện sống
mới : hoặc ở dạng phi vật thể (ở ‘cõi vô sắc’), với nhiều tầng mức khác nhau – chỉ
có ‘thức uẩn’, hay chỉ có ‘ thức uẩn’ và ‘hành uẩn’, hay chỉ có ‘thức uẩn’
‘hành uẩn’ và ‘tưởng uẩn’, hay có cả bốn uẩn phi vật thể (thọ, tưởng, hành và
thức) ; hoặc dưới dạng ‘sắc thể’ vi tế mà mắt thường không thấy được (ở ‘cõi
sắc’) ; hoặc sanh trở lại ở ‘cõi dục’, làm người, A-tu-la, súc sanh vân vân.
V- ‘Cận tử nghiệp’
‘Cận tử nghiệp’ của một người
(‘nhân thể’ / pudgala) là cái ‘nghiệp’
hay ‘cái trớn tâm linh’ hiện diện trong lúc thân mạng của ‘nhân thể’ đó đang trong
tiến trình tan rã. Sau khi rời bỏ xác thân, ‘nhân thể’ đó vẫn tồn tại dưới dạng
không có xác thể (thường được gọi là ‘linh hồn’ hay ‘vong linh’). Tức là cái
‘nghiệp’ cận tử ấy vẫn tồn tại và, bằng năng lực riêng, nó tiếp tục hành hoạt, dẫn
đưa ‘nhân thể’ ấy đến nơi tương ứng (đã được ký giữ trước trong ‘nghiệp’).
Và, câu hỏi được đặt ra là : Có
thể cải tạo ‘cận tử nghiệp’ chăng ? – Trừ một số trường hợp cực kỳ hiếm hoi, nói
chung : không thể cải tạo được ‘cận tử nghiệp’. Vì, sau khi thực sự rời bỏ thân
mạng này và trước khi thọ nhận thân mạng tiếp theo, tức là đang trong ‘hiện
thể trung gian’ (‘trung hữu’ / antabhàva),
‘nhân thể’ ấy không còn năng lực nào nữa ngoài ‘nghiệp lực’ ; mà ‘nghiệp lực’
thì không thể cải tạo ‘nghiệp lực’ được.
Thế nhưng, trước khi thực sự rời
bỏ thân mạng, có thể thay thế ‘cận tử nghiệp’ này bằng một ‘cận tử nghiệp’
khác. Do chỗ mỗi người chúng ta đều đã trải qua vô lượng kiếp trong quá khứ, đã
nhiều lần được sanh về các cõi cao lành, cũng như đã nhiều lần bị sanh vào các
cỡi thấp dữ ; tất cả các trải nghiệm đó đều đã được ký giữ trong ‘tàng thức’ dưới
dạng ‘chủng tử’. Và, ngay lúc trước khi thực sự rời bỏ thân mạng (cận tử),
bằng một phương pháp đặc biệt (nhờ bạn đạo đọc Kinh tiếp dẫn, nhờ một vị thầy
chuyên tu pháp môn này …), một ‘chủng tử’ cao lành được nhắc nhớ, được đưa lên
lại ở phần ý thức và được khởi động; như vậy, ‘cận tử nghiệp’ đã được thay thế.
Và ‘cận tử nghiệp’ mới này tiếp tục hành hoạt sau khi thực sự rời bỏ thân mạng,
dẫn đưa ‘nhân thể’ ấy đến nơi tương ứng với ‘nghiệp lực’ mới này.
‘Chủng tử’ (bija) nghĩa đen là ‘hạt giống’.
Trong giới thực vật, có rất nhiều loại ‘hạt giống’, mà ‘hạt giống’
nào cũng hàm chứa trong nó một ‘tiến trình trở thành’ (process of
becoming / processus de devenir) đặc thù. Trong hạt lúa, chẳng hạn, có tàng
giữ cả một ‘tiến trình lúa’ ; nên, khi hội đủ duyên, nó sẽ trổ ra
‘cây lúa’ rồi kết ‘bông lúa …, chứ nó không thể trổ ra cây xoài rồi
kết hoa mận được. Chính cái ‘tiến trình trở thành’ này (cái ‘thành
phần phi vật thể’ này) xác định tính cách riêng của mỗi chủng loại
(ở trình độ thực vật, nói riêng, và sinh vật, nói chung).
Ở đây, từ vựng ‘chủng tử’ là
phương tiện ngôn ngữ, được dùng để biểu tượng hoá ‘tiến trình trở
thành’ của tâm thức. Và khởi động (hay tác hành) một ‘chủng tử tâm
thức’ tức là khởi động một ‘tiến trình trở thành của tâm thức’ ấy.
Sau khi được khởi động, ‘tiến trình’ này sẽ diến tiến một cách tự
động và tuần tự theo cách lập trình (hay ‘quán tánh’) riêng của nó.
Như vậy, sự vận hành của ‘nghiệp’ (hay ‘cái trớn tâm thức’) được
hiểu như là sự vận hành dưới dạng ‘tiến trình trở thành’ của tâm
thức.
VI- Nghiệp và ‘vô ngã’
Cái ‘nhân thể’ (person / pudgala),
do 5 uẩn hoà hợp cấu thành, ấy được gọi một cách phổ thông là “cái tôi”
hay “cái ta”. Có vẻ trái ngược với pháp lý ‘vô ngã’ (‘không có cái tôi’) của
nhà Phật chăng ? – Cần xem lại pháp lý ‘vô ngã’.
Một cách tổng quát,
giáo thuyết bản thể học của Bà-la-môn giáo cho rằng có một Brahmà (thường được dịch là
Đại hồn/ngã, cũng gọi là Đấng tối cao), là trung tâm của sự sống của cái ‘Toàn
thể vũ trụ’ ; từ đó phóng ra vô số tia năng lượng mà mỗi tia hóa hiện
thành Atma (hay Atta, thường được dịch là ‘linh hồn’, hay ‘linh thể’, hay ‘tiểu ngã’),
là trung tâm của sự sống của mỗi cá thể chúng sanh (con người). Atma vốn cùng một tính thể với Brahman, tức cũng là một ‘tự thể’ thường
còn bất biến trong mỗi chúng sanh (con người). Nhưng vì trải qua bao kiếp trầm
luân, sống trong sự ràng buộc của thể xác và của bản năng động vật, Atma / Atta nơi chúng sanh (con người)
bị che lấp, bị bỏ quên, bị đánh mất … Từ luận điểm này, họ đưa ra phương
hướng tu, với nhiều phương cách khác nhau, nhằm làm sáng tỏ lại Atma / Atta vốn sẵn có trong chính mình,
và đưa nó trở lại nhập làm một với Brahma
vốn là ‘điểm phát sanh nguyên thủy’ của nó. Và giáo thuyết Anatma / Anatta của Đức Phật
là nhằm phủ bác giáo thuyết bản thể học này. Cụ thể là, trong Anattalakhhana Sutta – Kinh Vô ngã
tướng, Đức Phật xác quyết rằng : không
hề có cái Atma (Atta), tức không hề có cái gì là ‘tự thể’ thường còn bất biến, trong mỗi ‘nhân
thể’ con người vốn chỉ được cấu thành bởi sự tổ hợp của năm ‘uẩn’ : sắc, thọ,
tưởng, hành và thức, cả năm đều luôn luôn chuyển biến theo luật ‘vô thường’ ;
do vậy ‘nhân thể’ cũng phải chịu luật ‘vô thường’.
Giáo thuyết Anatma / Anatta của Đức Phật, như vậy,
là hoàn toàn có thể hiểu được, hay kiểm nhận được, ngay cả trong phạm trù hiện
tượng giới (tục đế). Nhưng khi chuyển sang Hán văn, Anatma được dịch là ‘vô ngã’, và được hiểu là “không có cái tôi /
ta”, đến “không có cả cái nhân thể”. Cách dịch này rõ ràng đã lệch ý hàng vạn
dặm. Cách hiểu lệch này lại đưa tới nhiều rối rắm khác trên bình diện triết
học và luận lý học !!! Chẳng hạn như ta có thể nêu câu hỏi : Nếu không có ‘cái
tôi/ta’ hay ‘cái nhân thể’, thì cái mà Đức Phật bảo là do 5 uẩn hoà
hợp tạo thành là gì ? Thái tử Tất-đạt-đa là cái gì ? Ai (hay cái gì) đã trải qua vô lượng kiếp và
cuối cùng (ai) thành Phật, hiệu là Thích-ca ? Ai hay cái gì tạo ‘nghiệp’, rồi nhận lấy quả ? Và còn hàng loạt câu hỏi
khác có thể được nêu ra.
Có người cho
rằng nên xem thực tại ‘vô ngã’, gồm cả thực tại ‘không có nhân thể’, là thuộc
Chân thật giới (Chân đế) và là một trong các thành quả tối hậu của quá trình tu
chứng. Trong khi ‘nghiệp’ là một pháp hữu vi, được sanh ra, tất nhiên là thuộc
hiện tượng giới (tục đế) ; nó hiện hữu cùng với cái ‘ngã’ (cái ‘tôi’) ; khi
tu đạt đến thực trạng ‘vô ngã’, thì ‘nghiệp’ sẽ tiêu tan, bởi vì nó ‘không
có thực tính’ hay ‘vô’. Cách lý giải này có kẽ hở lớn : Trong kinh
điển Pali còn ghi lại rằng, các vị đại đệ tử của Phật, tuy đã
chứng quả A-la-hán, mà vẫn phải trả các nghiệp cũ !! Trong khi, một
cách đơn giản nhất, chỉ cần trở về với giáo thuyết Anatma / Anatta nguyên thủy, như vừa nêu trên, thời ‘nghiệp’ và an-atma (an-atta) hoàn toàn không có gì mâu thuẫn nhau.
LƯU Ý : – Do đã dịch atma sang chữ Hán là ‘ngã’, nên
phải dịch Brahma là ‘Đại ngã’ –
Cái “TÔI” vĩ… vĩ đại bao trùm toàn thể vũ trụ !?!?! Và, nếu chữ
NGÃ, trong câu “duy NGÃ độc tôn”, cũng dịch từ Atma hay Brahma của Sanskrit,
thì câu này sẽ là “duy Atma/Brahma
độc tôn” – Sao mà nó Bà-la-môn giáo thế !?!?! Rồi phải giải thích đó
là ‘Chân ngã’ – Đây gọi là “tuỳ duyên” chăng !?!?! Đâu là cái ‘bất
biến’ của Phật giáo ?
VII- ‘Nghiệp lực’ và ‘nghiệp chướng’
Được biết, như hầu hết các
sách đều viết, đại khái là : Mỗi chúng sanh, cụ thể mỗi người chúng ta,
đều đã trải qua vô số kiếp trong quá khứ, và bởi những ‘nghiệp’ trước mà sanh
ra ở đời này ; nó chi phối, khống chế mọi tư duy, ứng xử, lời nói, việc làm v.v…
của ta ; tức là các ‘nghiệp’ mới do ý nghĩ, lời nói và việc làm của ta tạo ra
trong kiếp sống này, trên nguyên tắc, cũng đều bị khống chế, lập trình, định
hướng bởi ‘nghiệp’. Và, cũng chính ‘nghiệp’, nó qui định thân mạng và
kiểu nhận biết của mỗi mỗi chủng loại chúng sinh hữu tình, cụ thể
là của mỗi mỗi chúng ta, về thế giới (vũ trụ). Ngắn gọn, hầu như,
‘nghiệp’ hay ‘nghiệp báo’ quyết định tất cả !
Quan trọng đến thế ! Mà sao :
1- Khi nói đến các thành phần cấu thành thân mạng (‘nhân thể’),
Đức Phật chỉ nói đến 5 uẩn : sắc (rùpa),
thọ (vedàna), tưởng (samjna), hành (samskàra) và thức (vijnana)
?
2- Và, trong bài giảng về 12 nhân duyên (mà theo ngài Long Thọ,
trong Trung Luận, thì đây là các ‘nội nhân duyên’ cấu thành thân mạng),
Đức Phật cũng không đề ‘nghiệp’ (karma)
vào danh sách các thành phần của chuỗi nhân duyên này ?
Vậy, chúng ta cần phải
nghiệm xét lại những điều mà hầu hết các sách đều viết, như ghi
trên, bằng cách tìm hiểu về ‘nghiệp lực’. – Thật ra, thọ mạng của
mỗi mỗi chúng ta ở kiếp này là ‘hệ quả’, cũng gọi là ‘quả báo’,
do ‘nghiệp lực’ dẫn tới từ ‘tác nhân’, chứ ‘nghiệp’ không phải là
‘nhân’, trong quan hệ nhân quả.
Như, ở trên, đã đề cập đến sự
khác biệt giữa ‘lý tắc nhân quả’ (causality) và ‘tổ hợp nhân duyên’, cũng gọi
là ‘nhân duyên sanh’ (causation) ; đã lưu ý rằng : ‘Nhân’, cũng như ‘quả’,
trong quan hệ ‘nhân nào quả nấy’ của ‘lý tắc nhân quả’, chính nó cũng là một
‘tổ hợp nhân duyên’ ; và cũng đã nêu rõ : Nói ‘tổ hợp nhân duyên’ hay
‘nhân duyên sanh’ là nói đến sự cấu thành nội tại của mỗi ‘đương thể’
(entity) ; trong khi nói ‘lý tắc nhân quả’ là nói đến mối quan hệ (ở
đây, là quan hệ nhân quả) giữa hai hay nhiều’đương thể’.
Như vậy, và theo lời dạy của
Đức Phật nêu trên, chúng ta có thể xác định : ‘Nghiệp’ không thuộc
thành phần cấu thành ‘đương thể’ ; mà nó chỉ có mặt và hành hoạt
trong hay cùng với sự vận hành của luật nhân quả. Chính xác hơn :
‘Nghiệp’ hay ‘nghiệp lực’ là năng lực của sự vận hành (hay sự chuyển
biến/hoá) từ ‘nhân’ đến ‘quả’ ; ở đây, nó không phải là ‘tác nhân’,
và tính cách cùng cường độ của nó đều do ‘tác nhân’ (tức ‘hành’)
qui định.
Nói cách khác : Chính ‘tác
hành’ tạo ra sự chuyển động (chuyển biến/hoá) ; mà mỗi chuyển động
(chuyển biến/hoá) có những đặc tính riêng, gọi là ‘nghiệp’, của nó.
Và đặc tính riêng hay ‘nghiệp’ này xác định mối quan hệ nhân quả
giữa hai hay nhiều ‘đương thể’. Vì thế, như trên đã nói : Chính ‘nghiệp lực’ tạo nên ‘luật nhân quả’
; nhưng nó không phải là ‘nhân’ cũng chẳng phải là ‘quả’, mà là sự
nối kết giữa ‘nhân’ và ‘quả’.
Ở đây, cần lưu ý, ở nhiều
nơi, người ta thường sử dụng một cách giống nhau hai khái niệm ‘quả
báo’ và ‘nghiệp báo’. Thực ra, một cách chính xác hơn : nói ‘quả
báo’ là nói cái ‘quả’ tương ưng, đồng tính, đồng loại với cái ‘nhân’
– kiểu “nhân nào quả nấy” ; trong khi, nói ‘nghiệp báo’ là nói, trong
lúc vận hành, ‘nghiệp’ chỉ chiêu cảm và cộng hưởng với những ‘duyên’
đồng tính, đồng loại, hay tương ưng với tính loại của nó.
Chắc hẳn sẽ có người bảo
rằng cần gì phải phân biệt chi li như thế ; coi chừng mắc bệnh chấp
kẹt nơi ngôn từ ! – Thưa, ở tầng sâu tâm linh hay tri thức, chỉ cần sai
một li thì, khi ra bề mặt hiện tượng hay thực hành sẽ lệnh đi hàng
triệu dăm. Vả lại, như thực tế cho thấy : Biết đúng, chưa chắc sẽ làm đúng ; mà biết sai, thì hầu như
chắc chắn sẽ làm sai. Còn chuyện ‘mê chấp’ (moha / thường dịch là ‘si’), nên xem đây như là sự cảnh giác
chung, vì nó có thể xảy ra nơi bất cứ ai, kể cả ở trình độ chứng
đạt hay tri kiến cao !!
Trở lại thí dụ mũi tên, nêu
trên : sau khi được bắn ra, sự chuyển động bay của mũi tên bị qui định
bởi ‘cái trớn’ của nó ; và mũi tên không thể bay cách khác được. Ở
trình độ thực vật, hạt lúa phải chuyển biến/hoá theo ‘tiến trình
lúa’, tức là sẽ trổ cây lúa rồi kết bông lúa, khi hội đủ duyên, chứ
không thể trổ cây xoài rồi kết hoa mận được. Cũng vậy, ở trình độ
động vật, nói chung, sự vận hành của ‘nghiệp’ cũng được diễn ra theo
những ‘tiến trình trở thành’. Và, trong sự vận hành của ‘tiến trình
trở thành’ đó, thọ mạng của mỗi chúng ta ngày hôm nay đều do các
‘nghiệp’ trước dẫn dắt, qui định ; rồi cũng chính ‘tiến trình trở
thành’ này nó tiếp tục chi phối, định hướng, lập trình mọi tư duy,
nhận biết, lời nói, ứng xử … của ta hôm nay ; làm cho ta, trên nguyên tắc,
mất hết tự do. Sự chướng ngại đó, do ‘nghiệp lực’ gây ra, được gọi
là ‘nghiệp chướng’. Từ đó đặt ra vấn đề ‘giải trừ nghiệp chướng’.
VIII- Giải trừ ‘nghiệp chướng’
Có thể nói rằng : ‘giải trừ nghiệp chướng’ là nội dung
chánh yếu trong ‘mục tiêu giải thoát’ của nhà Phật. Và : ‘Mục tiêu giải thoát’ cũng là một đặc
trưng rất riêng của Phật giáo. Như trong Kinh tạng Pâli (nguyên thuỷ)
có ghi, đại khái là :
– Bước đầu của cuộc sống tu sĩ, Thái tử Tất-đạt-đa đã tìm
đến tu học với hai vị thầy Bà-la-môn giáo, là Alara Kalama và Udaka
Ramaputta.
– Nhưng khi đã chứng đạt ‘Vô sở hữu xứ’ và ‘Phi tưởng phi phi
tưởng xứ’, với hai vị thầy ấy, tu sĩ Tất-đạt-đa nhận thấy rằng
những thành tựu đó không dẫn đến sự giải thoát tối hậu mà Ngài
hằng mong muốn thành tựu (MN., Trung
bộ 36) – Và đây cũng là động lực nguyên khởi đã thúc đẩy Thái tử Tất-đạt-đa
từ bỏ tất cả, ra đi tìm Đạo.
– Vì lẽ đó, Ngài đã từ bỏ hai vị thầy ấy và ra đi tiếp tục
tự mình tìm con đường giải thoát.
– Rồi, sau khi chứng quả vị Chánh đẳng Chánh giác, thành Phật,
cùng sau nhiều năm thuyết pháp, Đức Phật tuyên bố : “Này các Tỷ-kheo, nước của đaị dương chỉ có một vị là vị mặn, cũng vậy
pháp và luật này chỉ có một vị, là vị giải thoát.” (Udàna, Kinh Tự Thuyết).
Mặt khác, cuộc sống của
người tu sĩ Phật giáo được diễn tả ngắn gọn qua bốn câu thơ :
Dịch : “Bình bát cơm ngàn nhà Chân bước muôn dặm xa Chỉ vì sự sanh tử Giáo hoá, tháng ngày qua”
Đến khi chứng đắc quả
A-la-hán, thì nói “… việc cần làm
đã làm, gánh nặng đã buông, sau khi hết kiếp sống này sẽ không trở
lại cõi đời này nữa”.
Như vậy, ‘giải thoát’ của
nhà Phật được hiểu là giải thoát khỏi ‘khổ luỵ’ (dukkha), khỏi sanh tử luân hồi (samsara). Nhưng cái gì làm cho chúng ta phải luẩn quẩn mãi
trong sanh tử luân hồi để phải chịu vô vàn ‘khổ luỵ’ ? – Câu trả lời,
mà nhiều người đã biết, đó là ‘nghiệp’.
Ở trên đã nói về ‘dứt nghiệp’
và‘chuyển nghiệp’, ngắn gọn : ‘dứt nghiệp’ – chủ yếu là không tạo
nghiệp mới và để cho nghiệp cũ vận hành đến hết đà của nó ; với ‘chuyển
nghiệp’ – chủ yếu là dùng ‘nguyện lực’ to lớn mạnh mẽ để thu và
hoá ‘nghiệp lực’. Lại cũng vừa đề cập đến sự khác biệt giữa
‘nghiệp lực’ và ‘nghiệp chướng’ ; từ đó đặt ra vấn đề ‘giải trừ
nghiệp chướng’, nên chúng ta cần phải tìm hiểu rõ hơn về tính cách,
hay sự cấu thành nội tại, của ‘nghiệp chướng’.
Ở trên đã nói : ở trình độ
động vật, nói chung, sự vận hành của ‘nghiệp’ được diễn ra theo
những ‘tiến trình trở thành’. Và, trong sự vận hành của ‘tiến trình
trở thành’ đó, thọ mạng của mỗi chúng ta ngày hôm nay đều do các
‘nghiệp’ trước dẫn dắt, qui định ; rồi cũng chính ‘tiến trình trở
thành’ này nó tiếp tục chi phối, định hướng, lập trình mọi tư duy,
nhận biết, lời nói, ứng xử … của ta hôm nay ; làm cho ta, trên nguyên tắc,
mất hết tự do. Sự chướng ngại đó, do ‘nghiệp lực’ gây ra, được gọi
là ‘nghiệp chướng’.
Thế nhưng, xét cho cùng,
‘nghiệp’ cũng là một pháp hữu vi, do những ‘tác hành’ của chính
mình tạo ra, tức là các chướng ngại do ‘nghiệp’ tạo ra cũng chỉ là
giả tạm ; mà chính những ‘tác hành’ kế tiếp mới làm cho chúng kéo
dài. Cho nên, ở trình độ con người, chỉ cần chúng ta ý thức rằng
thọ mạng này (gồm 5 uẩn) được cấu thành bởi sự đưa đẩy của các
‘nghiệp’ cũ ; ý thức rằng mọi tư duy, nhận biết, lời nói, ứng xử …, tuy
xuất phát từ ta hôm nay, tất cả đều là do ‘nghiệp’. Mà vì ‘không
biết’ lại ‘mê chấp’, nên ta cho đó là do ta, là của ta – Chính sự ‘mê chấp’
này là yếu tố quan trọng nhất trói buộc và giam hảm ta trong sự tạo
ra và sự vận hành liên lỉ của ‘nghiệp’ !!
Đến đây, ở mặt lý, chúng ta
có thể kết luận một cách ngắn gọn như sau : Chính ta, bởi ‘không biết’ (vô minh, avidya) và ‘mê chấp’ (si, moha),
đã ‘tác hành’ tạo ra ‘nghiệp’ ; cũng, bởi ‘không biết’ và ‘mê chấp’, chính ta tiếp tục ‘tác hành’ làm
cho sự vận hành của ‘nghiệp’ trở nên liên lỉ kéo dài ; rồi, cũng
bởi ‘không biết’ và ‘mê chấp’, chính ta tự trói buộc và giam hảm
mình trong sự vận hành của ‘nghiệp’, để bị trôi lăn mãi trong sanh tử
luân hồi, chịu muôn vàn ‘khổ luỵ’. Mà, trong tất cả các ‘mê chấp’ ấy, sự ‘chấp bám’ ‘mê lầm’ do trong
nhận thức là quan trọng hơn cả.
Từ đó, câu hỏi về ‘giải trừ
nghiệp chướng’ đã được giải mã, ở mặt lý. Vấn đề còn lại là liệu
ý chí tự do cùng tinh thần tự làm chủ và tự trách nhiệm cuộc sống
của mình, của chúng ta, có được vận dụng vào thực hành hay không.
Được biết, ở mặt thực hành,
chỉ trong Phật giáo thôi, đã có nhiều quan điểm và phương cách khác
nhau, tuỳ theo từng tông phái. Điều này, qua kinh sách, chúng ta cũng
đã biết qua. Nhưng đây là đề tài lớn, lại phải được trình bày với
độ chính xác cao, không thuộc mục tiêu và khuôn khổ của khảo luận
này. Xin hẹn một dịp khác.
_______
Ở trên có nhắc đến việc Đức
Phật đã bác bỏ quan điểm giai cấp của Bà-la-môn giáo, bằng câu nói : “Không có đẳng cấp trong dòng máu cùng đỏ và
dòng nước mắt cùng mặn”. Lời tuyên bố này, rõ ràng, xác quyết tính bình
đẳng phổ quát (chánh ngữ), là hệ quả tất nhiên của tư duy (chánh tư duy) thẩm
thấu Lý nhân Quả hay Nhân Duyên sanh (chánh kiến) ; và nó đã được thể hiện
trọn vẹn nơi cuộc đời Đức Phật cả ở mặt quan điểm giáo lý lẫn thực hành (chánh
nghiệp). Như vậy, chính Đức Phật đã thân giáo cho chúng ta bài học
lớn về LẬP và THỰC HÀNH ‘chánh nghiệp’, sau những thảo bàn về
‘nghiệp’ ở trên./. (7/2011)
Discussion about this post