Thekchen
Choeling, Dharamsala, ngày 25 tháng 9 năm 2012 – Sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma an tọa vào chỗ ngồi
của Ngài, vị đại diện của đoàn Phât Tử đến từ Việt Nam đã dâng tặng Ngài một cây hoa thường được trồng trong các khuôn viên chùa ở Việt Nam. Ngài cảm ơn vị đại diện và bắt đầu cuộc nói chuyện,
“Hôm qua, chủ
đề chính của tôi là đạo đức thế gian và hôm nay tôi muốn nói một chút về Phật
Pháp. Thông thường, khi tôi nói chuyện về Phật giáo, tôi muốn giải thích một
cái gì đó về các tôn giáo khác trên thế giới để mọi người có thể đánh giá cao
tính năng độc đáo của giáo lý đạo Phật. Các học giả lớn của trường Đại học cổ Ấn Độ University of Nalanda như ngài Long Thọ, Thánh Thiên (Aryadeva), Phân Biệt Minh Bồ Tát (Bhavaviveka), Tịch Hộ (Shantarakshita), và ngài Kamalashila, đã so sánh
quan điểm triết học Phật Giáo với quan điểm không phải triết học Phật giáo một cách rõ ràng. Tại Ấn Độ, những quan điểm của Phật
Giáo thường không bị thách thức và cách mà các học giả bảo vệ quan điểm của Phật giáo là vô giá đối với chúng ta ngày
hôm nay. “
Đức Đạt Lai Lạt
Ma đã so sánh các tranh luận
về triết học của quá khứ, đến vai trò của khoa học ngày hôm nay.
Ngài nhớ lại một người bạn Mỹ nhiều năm trước đây đã cảnh báo với Ngài là nên cẩn thận về ý tưởng nuôi dưỡng sở thích ngành khoa học, bởi vì cô cảm thấy rằng khoa học là một mối đe dọa với tôn giáo.
Nhưng Ngài nghĩ rằng, “Không, khoa học là về kiến thức,
và mặc dù hai lĩnh vực hoạt động
khác nhau, khoa học và Phật giáo đều đang tiến hành một cuộc điều
tra về sự hiện thực (reality)”. Cuộc đối thoại đã
được tiến hành trong 30 năm
hoặc lâu hơn giữa khoa học hiện đại và khoa học Phật giáo và cả hai bên cùng có lợi. Gần đây, Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Ladakh, một nhà
giáo ở địa phương nói với Ngài rằng bài
diễn thuyết của Ngài về Phật
giáo khác với những điều ông ta thường nghe.
Một trong những yếu tố có thể
là các Lạt ma truyền thống đã coi
như đó là điều đương nhiên “take it for granted”[1]
từ những người Phật tử nghe pháp, Đức Đạt Lai Lạt Ma thường thích làm theo những gì mà Ngài xem là thuộc truyền thống Nalanda khi dùng những quan điểm
khác . Ngài cười khúc khích khi nhận xét như vậy,
“Tất nhiên, có những thách thức khác. Phương
pháp tiếp cận của tôi chắc chắn
không có tính cách phe phái,
nhưng phái Shugden rất
bè phái [2] và họ
cáo buộc tôi bán cho truyền thống Gelug để làm hài lòng phái
Nyingma [3]. Một trong những lý do tôi khuyến khích việc nghiên
cứu các văn bản của các Tổ Sư Nalanda vì ở đó có mẫu số
chung cho tất cả các truyền thống của
chúng tôi. Trong khi đó, với việc nghiên cứu các văn bản của các bậc thầy Tây Tạng
có một nguy cơ phát triển một sự thiên vị bè phái “.
Đức Đạt Lai Lạt
Ma đã phác họa sự khác biệt giữa các truyền thống tâm linh không
có nền triết học (thờ thần mặt
trời, mặt trăng, lửa,..) với truyền thống tâm linh có nền triết học. Ở đây có thể được phân chia thành những người tin vào một đấng sáng tạo và những người không tin
(vào đấng sáng tạo). Truyền thống tâm linh có nền
triết học và tin tưởng vào một đấng sáng tạo bao gồm Do Thái giáo, Thiên Chúa
giáo, Hồi giáo, Hỏa Giáo (Zoroastrianism), đạo Sikh và Đạo giáo, trong khi các truyền
thống tôn giáo không tin vào một đấng sáng tạo bao gồm một nhánh của Samkhyas, Kỳ Na giáo và Phật
giáo. Trên thế giới có rất nhiều người khác nhau, sống ở những nơi khác nhau, môi trường khác nhau, và có những tâm tính khác
nhau, do đó, cần có những
truyền thống tâm linh khác nhau. Đối với một số người tin vào Thượng Đế là tuyệt vời, và với việc dâng hiến
trọn vẹn lên Đức Chúa làm giảm
bớt tính kiêu ngạo tự cho mình là trung tâm của vũ
trụ. Người Phật Giáo giải quyết tự ngã của mình bằng cách phủ nhận sự tồn tại của một bản
ngã, và phát triển lòng từ bi đến các chúng sinh khác.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng trong số các giáo lý của Đức Phật, chúng ta thấy Ngài cũng trình bày nhiều quan điểm triết học khác nhau vào các dịp khác nhau. Điều này cũng dễ hiểu vì Đức Phật thừa nhận khuynh hướng khác
nhau giữa các môn đệ của mình và dạy cho phù hợp (khế lý và khế cơ). Đức Đạt Lai Lạt Ma đề cập đến hai truyền
thống chính của Phật giáo nổi lên ở Ấn Độ, truyền thống Pali và Sanskrit, bởi vì ngôn ngữ, trong đó kinh điển được viết để
truyền bá. [4]
“Truyền thống Pali hàm
chứa các cơ bản của giáo lý đạo Phật, trong khi truyền thống Sanskrit bộc lộ rõ hơn nữa về cái Tâm. Bản chất của tâm là biết, nhưng cũng giống
như bạn không thể nhìn thấy khi mắt bạn đang bị che mờ, do đó, cho đến khi nào tâm còn bị vô minh
[5] che lấp, khả năng của tâm còn bị che mờ. Một khi vô minh với những cảm xúc tiêu cực được loại trừ khỏi
tâm, tâm trí trở nên sáng suốt,
thấy biết tất cả”.
“Như đã ghi
lại trong truyền thống Pali, Đức Phật được sinh ra trong một gia đình hoàng
gia, nhưng Ngài đã từ bỏ đời
sống thế gian, nghiêm túc tham gia vào việc tu khổ hạnh trong sáu
năm. Sau đó, Ngài đã thiền định
để chuyển hóa tâm vô minh đạt được giác ngộ viên mãn.”
Đức Đạt Lai Lạt
Ma giải thích rằng vô minh liên
hệ đến những nhận thức sai lầm
vốn tồn tại trong chúng ta, như là một
kết quả do chúng ta phát triển
sự dính mắc hoặc ác cảm với nó. Chúng ta có một cái nhìn méo mó về thực tại, nhưng khi điều
tra và tìm kiếm một cái gì đó vốn tồn tại, chúng ta không thể tìm thấy nó. Tà kiến liên
kết chặt chẽ với những cảm
xúc tiêu cực làm cho chúng ta
gặp khó khăn; chính kiến, trong đó bao gồm việc loại trừ vô minh và là vấn đề của sự hiểu biết thực tại một cách chính xác hơn. Trong khi công việc của một giáo viên là giải thích, và các học sinh có nhiệm vụ phải khai triển về một sự hiểu biết
về thực tại.
Đề cập đến ba
môn học cấp cao (Tam Học), Giới,
Định và Tuệ, là pháp cơ bản cho tất
cả các pháp thực hành trong
Phật giáo, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận
xét rằng giới luật hay là luật
tắc của tu viện về cơ bản là
giống nhau trong cả hai truyền thống Pali và Sanskrit. Ngài nói về một cuộc họp mặt với hai nhà sư Miến Điện tại
Quốc hội Tôn Giáo Thế Giới ở Úc, họ đã đồng ý rằng Ngài và họ theo cùng một Đức Bổn Sư, nhưng gợi ý rằng có sự khác biệt giữa họ. Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với họ rằng
người Tây Tạng cũng tuân theo
Luật tạng theo truyền thống Hữu Bộ Luật của Da-du-la Nhất
Thiết Hữu bộ (Mula-sarvastivada), họ rất ngạc nhiên và hài lòng. Nhắc lại Tam Học là như nhau trong cả hai truyền thống Pali và Sanskrit, Ngài nói rõ rằng việc thực hành Tuệ, trong truyền thống Sanskrit liên quan đến việc sử
dụng lý luận. Giải thích việc chấm dứt
khổ đau, sự thật thứ ba trong bốn sự
thật cao quý, có nghĩa là những gì được tìm thấy trong sự toàn thiện của Kinh Bát Nhã (Prajnaparamita or Perfection
of Wisdom sutras) trong truyền thống Sanskrit. Những kinh điển
này triệt để giải thích về Tánh Không (sự trống không của tâm)
[6], bản chất của sự chấm dứt
và làm thế nào để đạt được nó.
Kỷ luật của sự giải thoát cá nhân là nền tảng của truyền thống Pali. Nó cũng là cơ bản của truyền thống Sanskrit, nhưng (truyền thống Sanskrit) có thêm một mối quan tâm đến phúc lợi của người khác thể hiện như tâm thức tỉnh của bồ đề tâm với nguyện vọng vị tha đến giác ngộ. Thêm vào
đó là truyền thống Kim Cang Thừa mà các khách của Đức Đạt
Lai Lạt Ma cho biết Kim Cang Thừa
cũng được thực hành tại Việt Nam. Đức Đạt Lai Lạt Ma trước đó đã giải thích rằng, có những thách thức xem Đại Thừa,
giáo lý của truyền thống Sanskrit, là những lời dạy của Đức Phật và
cho rằng những vị Tổ Sư như Ngài Long Thọ đã thành lập và bảo vệ. Những câu hỏi lịch sử cũng đã được hỏi về việc liệu Kim
Cang Thừa có được dạy bởi Đức Phật?. Vị Đại Sư vĩ đại của Ấn Độ như Long Thọ, Thánh Thiên và Chandrakirti đã
viết rất nhiều về Kim Cang Thừa và bậc thầy vĩ đại, Ngài A Đề Sa (Atisha) đến Tây Tạng
trong thế kỷ 11 truyền dạy và thực hành Kim Cang Thừa.
“Vì vậy,” Ngài kết luận, “Phật giáo Tây Tạng là mô
hình đầy đủ nhất của Phật giáo bởi
vì nó có giới luật của truyền thống Pali làm cơ bản, thêm vào đó là giáo lý Bát Nhã và Luận Lý Phật giáo của truyền thống Sanskrit, cũng như việc thực hành Kim Cang
Thừa tantra. “
Trước khi thực hiện một lễ quy y đơn giản (cho đoàn Phật Tử Việt Nam) mà Ngài đã đồng ý, Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích,
“Cấu trúc cơ bản của Phật Pháp là bốn chân lý cao quý. Theo luật
nhân quả, nghiệp tích cực đưa đến hạnh phúc và nghiệp tiêu cực phát sinh đau khổ.
Thập Nhị Nhân Duyên minh họa
điều này và các bạn có thể nhìn
thấy chúng được miêu tả trong hình ảnh của bánh xe luân hồi tại lối vào ngôi chùa. Vô Minh đưa đến nghiệp, để lại một dấu ấn vào tâm trí hay trong tầng sâu thẳm của
ý thức (consciousness). Các mối dây tiếp theo đến mối dây cuối cùng là
lão hóa và tử vong. Nếu chúng ta
không muốn đau khổ, chúng ta phải phá vỡ chuỗi nghiệp lực, mà chúng ta làm bằng
cách loại trừ vô minh. Chúng ta cần phải hiểu là bằng cách loại trừ
vô minh trong tâm trí của chúng ta, chúng ta sẽ vượt thoát khổ đau. Khi chúng ta đã loại bỏ được vô minh là chúng ta thật sự chấm dứt
khổ đau.
“Chúng ta quy y Phật, Pháp và Tăng bởi vì chúng giúp chúng ta thanh
lọc những ô nhiễm của tâm chúng ta. Quy y Tam Bảo là lối vào Phật giáo. Khi
chúng ta thực hiện điều này,
cùng với tâm thức tỉnh của bồ đề tâm, chúng ta không chỉ tìm kiếm sự giải thoát của chính chúng ta, mà còn giải thoát cho chúng sinh khác. Và để có
sự giúp đỡ lớn nhất đối với họ, chúng ta cần một tâm toàn giác. “
Sau đó, Ngài chủ lễ một buổi lễ Quy Y đơn giản (nương tựa vào Phật Pháp và Tăng) và khao khát để đạt được giác ngộ. Cuối cùng, Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết Ngài thực hành cầu nguyện mỗi ngày và tìm thấy những
điều rất hữu ích, tâm sự rằng Ngài chỉ bắt đầu thích thú thực hành ở tuổi 14, 15. Ngài khuyên rằng trong khi có những khía cạnh
vật lý của thực tế và có những điều chúng ta nói, điều quan trọng nhất là thực hành ở mức độ tâm.
“Hãy đọc hai câu thơ này hàng ngày – quy y (nương tựa) và bồ
đề tâm – và suy nghĩ về ý nghĩa của chúng. Nếu bạn có thể, giúp đỡ những người khác, và nếu bạn có thể ít nhất là
không làm hại họ. Và khi bạn cảm thấy bạn đang giận dữ, cắn khớp ngón tay của bạn!
“
Kết thúc buổi nói chuyện, Đức
Đạt Lai Lạt Ma nói rằng Ngài
cho rằng trong cuộc đời này, Ngài có ba cam kết: đầu tiên là thúc đẩy các giá trị con người bằng cách nói
chuyện về đạo đức thế gian, thứ hai là thúc đẩy sự hiểu biết và hòa hợp giữa
các tôn giáo, và thứ ba, kể từ khi Ngài đã chuyển giao trách nhiệm
chính trị của mình cho nhân dân Tây Tạng để họ bầu
người lãnh đạo, là để khuyến khích
các môn đệ của Đức Phật để trở thành Phật tử thế kỷ 21. Ngài nói rằng Ngài hy vọng bạn bè của mình cũng sẽ cảm thấy tự nhiên có khuynh hướng làm theo ba điều cam kết của
Ngài.
Tịnh Thủy biên dịch
(theo dalailama.com)
Chú Thích của người
biên dịch:
[1] Trong tiếng Anh có thành
ngữ “take someone (or something) for granted” rất hay, mà tiếng Việt không có
câu nào dịch ra chính xác. “take it for granted” tạm cưỡng dịch là “coi như đó
là điều đương nhiên”, chỉ một thái độ không biết quý trọng, không biết ơn.
[2] Việc nghiên cứu về lịch sử
tiết lộ rằng thực hành Shugden là thực hành có tính chất bộ phái mạnh mẽ, đã có
một quá trình lịch sử trong việc góp phần vào xu thế bất hòa, chia rẽ trong nhiều
bộ phận của Tây Tạng, và giữa những cộng đồng Tây Tạng với nhau. Vì thế, từ năm
1975 cho tới nay, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thường xuyên công khai bày tỏ quan điểm
của ngài là mọi người không nên theo đuổi thực hành này..( http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-81_4-6752_5-50_6-4_17-340_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark)
[3] Hiện
nay, Phật giáo Tây Tạng có bốn tông phái chính là Gelug (Cách-lỗ),
Sakya (Tát-ca, Thích-ca, Tát-già), Kagyu (Ca-nhĩ-cư) và
Nyingma (Ninh-mã) đang hoạt động mạnh tại Tây Tạng và các nước khác
trên thế giới: (1)Trường phái Ninh mã
còn gọi là phái Mũ Đỏ là do đại sư Tịch Hộ thành lập. Đây là một trường phái Phật
giáo lâu đời nhất của Tây Tạng và đã tiếp nhận năm điều của tín ngưỡng Bôn và cảm
hóa đạo Bôn thành Phật giáo. Chủ trương của phái Mũ Đỏ là Mật tông pha lẫn Thiền
tông của Trung Quốc. (2) Trường phái Ca
nhĩ cư còn gọi là phái Mũ Trắng do ngài Marpa (1012-1099) và đệ tử của ngài
là Gampopa còn gọi là Dagpo Lhaje (1084-1161) thành lập. Tông phái này chú trọng
về thiền định gọi là “Đại Pháp Ấn” (Mahamudra) và “khẩu truyền” từ thầy đến
trò. Gyalwa Karmapa, Ogyen Trinley Dorje (sanh năm 1985) là vị Lạt Ma thứ
17 của tông phái này, (3) Trường phái Tát
ca, còn gọi là phái Mũ Xám. Ngawang Kunga Theckchen Rimpoche (sanh năm
1945) hiện là Lạt ma cao nhất của phái này. (4) Trường phái Cách lỗ (Gelugpa): là trường phái Mũ
Vàng do nhà cải cách Phật giáo, ngài Rinpoche Je
Tsongkhapa (1357-1419) thành lập. Gelug cũng có nghĩa là giới luật nên
tông phái này nhấn mạnh về quy củ giới điều. Phái Mũ Vàng đã có nhiều cống hiến
lớn cho Phật giáo đặc biệt phái đã thành lập được truyền thống tái sanh nổi tiếng
của các Đức Đạt Lai Lạt Ma.
[4]
Đức Đạt Lai Lạt Ma thường dùng cụm từ Truyền Thống Pali và Truyền Thống
Sanskrit. Truyền thống Pali thường được
mọi người biết đến là Phật Giáo Nguyên Thủy vì dùng các văn bản bằng tiếng Pali.
Truyền thống Sanskrit thường được biết đến là Phật Giáo Đại Thừa vì các văn bản
sử dụng tiếng Sanskrit (Phạn ngữ). Đối với
Kim Cang Thừa (Tantra), các văn bản lúc đầu dùng tiếng Sanskrit, nhưng ngày nay
là tiếng Tây Tạng. Hiện nay nhiều Phật tử
cố gắng không dùng cụm từ Phật Giáo Đại Thừa và Phật Giáo Tiểu Thừa mà gọi là
Phật Giáo Theravada thay cho Phật Giáo Nguyên Thủy / Tiểu Thừa và Phật Giáo Bắc
Truyền thay cho Phật Giáo Đại Thừa.
[5]
Từ “vô minh”nói chung thì tiếng Sanskrit gọi là Avidya, tiếng Anh dịch là “ignorance”
nghĩa của chữ này là “thiếu hiểu biết”. “Thiếu
hiểu biết” ở đây không có nghĩa là thiếu sự hiểu biết mang lại từ sự học hỏi
từ chương trong sách vở, hay sự thiếu hiểu biết mang tính cách thông thái của một
nhà bác học mà là sự hiểu biết dựa vào những cảm nhận của giác quan, vào các quy ước và
công thức. Nói một cách đơn giản thì ta có thể hiểu vô minh như là một cách
“nhìn sai”, “nhìn lầm lẫn”, hay “hiểu sai”.
[6]
Tánh Không tiếng Sanskrit gọi là Sunyata, chỉ định đặc tính hay bản chất trống
không của mọi hiện tượng. Sunyata diễn đạt bằng tiếng Anh là Emptiness . Tánh Không không phải là không có
cái gì cả, mà tánh Không là vì duyên sanh khởi. Tổ Long Thọ đã nói: Duyên Khởi
chính là Tánh Không, bởi vì Tánh Không chẳng phải là nói sự vật không có hiện hữu,
mà nói rằng chính vì sự vật hiện hữu tùy thuộc vào những nhân duyên điều kiện,
nghĩa là tùy thuộc vào các thứ ngoài nó mà sinh ra, cho nên không thể hiện hữu
độc lập, không tồn tại thực sự và không có tự tánh. Hiểu Tánh Không tức là hiểu
Duyên Khởi, là tùy duyên mà sinh ra.
Xem bài trước Ngày Thứ Nhất: ●
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA GẶP GỠ VÀ THẢO LUẬN VỚI ĐOÀN PHẬT TỬ VIỆT NAM -Ngày Thứ Nhất
Discussion about this post