ĐỐI THOẠI VỚI TRẦN KIÊM ĐOÀN QUA BÀI:
“BÓNG MÂY BAY THOÁNG QUA TRÊN ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT”
Quảng Hạo
Đọc bài “Bóng mây bay thoáng qua trên
đường về xứ Phật” của
Trần Kiêm Đoàn đăng trên Thư Viện Hoa Sen. Tôi có thể nhận định gói gọn trong
hai chữ “cảm tính”…
Từ đoạn mở đầu của một bài
luận văn tả cảnh với những thu,
hè, thơ, nhạc, lụa Tô Châu, thành Cô Tô… Trần Kiêm Đoàn dẫn độc giả đến gặp
một bà cụ Nguyên Thanh nào đó, cụ bà này đã trao cho ông Đoàn
tập sách “Đường Về Xứ Phật” và “gởi
gắm” ông “Nên có đôi lời nhận định…”ông
đã nhận lời, hứa với cụ bà “sẽ
viết đôi điều…”
Nhưng vì ông Đoàn mải mê “làm
văn”, sa đà vào chuyện văn chương tả cảnh “bóng
mây bay thoáng qua trên đường về xứ Phật…”, nên ông đã làm phụ lòng bà cụ bằng
những nhận định lăng nhăng, khập khiểng, ngây ngô đến buồn cười…
Ông viết “Đọc qua tập sách
thầy Thông Lạc, rồi nhìn về công trình dịch thuật đồ sộ của Huyền Trang, tự
nhiên tôi có cảm tưởng như mình đang lạc lối trên đường về xứ Phật vì khách
hành hương thì đông mà nhìn rõ nhau thật khó”. Từ tập sách ông Đoàn đang có trong tay
do bà cụ “cho mượn”, ông so sánh với “công trình dịch thuật đồ sộ của Huyền
Trang”!, ông muốn so sách điều gì? về số lượng trang giấy? hay về nội
dung?… Điều gì trong “công trình tỷ giảo” của ông khiến ông “có cảm tưởng như mình đang lạc lối trên đường về
xứ Phật”?
Trong tự sự, ông đã viết nhờ
đọc bài “chánh tín – mê tín…” ông “xót
xa nhớ mẹ, nhớ nhà…”.Hóa ra ông đã “quên mẹ, quên nhà” từ lâu, nay bỗng
dưng “nhớ” là nhờ đọc được bài này…
Xin thưa với ông Đoàn, không
chỉ là ông hoặc tôi, mà bất cứ người nào, chẳng ai có quyền bắt chúng ta không
được sống với những hoài niệm xưa cũ, “nhớ
nhà, nhớ mẹ”! Đạo lý ấy không
chỉ có riêng trong đạo Phật, mà là luân lý đạo đức xã hội thông thường… Nhưng
vì ông là một trí thức Phật giáo, một Phật tử thuần thành, nên tôi nói thêm:
ngoại trừ trường hợp duy nhất, chúng ta muốn giải quyết rốt ráo bài toán “VÔ
MINH”, quyết chí dứt điểm một lần cho xong vấn nạn “KHỔ”, buộc ta phải chặt đứt
sợi dây ÁI KIẾT SỬ, buộc phải sống như “CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG”. Đó là lời Phật
dạy… Dĩ nhiên ông có quyền phớt lờ lời dạy này để tiếp tục “tu bụi”, vừa “tu” vừa làm thơ làm văn!, vừa nhớ nhà nhớ
mẹ!…
Ông Đoàn viết tiếp “Không biết từ bao lâu rồi, tháng
Bảy Vu Lan trở thành biểu tượng cho mùa báo hiếu đối với người theo và có cảm
tình với đạo Phật. Phải chăng xuất phát từ sự tích Phật giáo: Ngài Mục Kiền
Liên cứu mẹ là Thanh Đề bằng sự vận dụng pháp lực và uy đức của chư tôn đức
trong mùa An cư kiết Hạ. Hay tại cảm xúc luân lưu tự nhiên “gió mùa Thu mẹ ru
con ngủ” mà thiên nhiên, đất trời và con người bỗng có chung một “nỗi lòng”
thương điều hiếu hạnh với nguồn cội sinh thành”
Đoạn này ông viết để khoe tài
viết văn của ông, không liên quan gì đến đạo lý giải thoát mà đức Phật đã dạy
trong giáo nghĩa Nguyên thủy. Chính tác giả thừa nhận đây chỉ là “sự tích”, là “cảm
xúc luân lưu tự nhiên”. Nói
cách khác, đó chỉ là huyền thoại, truyền thuyết phi lịch sử mà chính tác giả
cũng không biết nó xuất hiện từ lúc nào?!… Dĩ nhiên với nghiệp văn chương,
bài văn của ông Đoàn có thể được điểm cao nhờ khéo lồng ghép những hình tượng
văn học như “gió mùa Thu mẹ ru
con ngủ”. Nhưng với một bài
có tính chất phản biện như bài này, ông Đoàn đã để lại quá nhiều sơ hở trong
lập luận, quá nhiều lỗ hổng trong kiến thức đạo pháp của đức Bổn sư… Đứng ở góc
độ của một nhà nghiên cứu, ông lại nhập nhằng trong cách dùng từ như: “đạo
Phật”, “Phật giáo” trong ngữ cảnh sự tích “Mục Liên Thanh Đề”. Lẽ ra ông nên
minh bạch rằng: đây là một huyền thoại của tôn giáo “Phát triển” mang tên “Đại
thừa Phật giáo”, chứ không phải của “Đạo Phật”. Điều đó thực sự làm lợi lạc cho
những người như ông đã nói“có cảm tình với đạo Phật”, gợi mở giúp họ tìm đến với con đường
Chánh Phật Pháp mà đức Bổn sư đã khai phá từ hơn 25 thế kỷ trước…
Trần Kiêm Đoàn: “Luận điểm
tổng quan của Thầy trong Đường Về Xứ Phật là đứng trên quan điểm Phật
giáo Thiền Tông (Tiểu Thừa) – đã được Hiểu và suy diễn theo khuynh hướng đặc
thù của riêng Thầy – để phản bác về các hình thái Lý và Sự – Tri và Hành của
“Phật giáo Phát Triển” (Đại Thừa)”.
“Đứng trên quan điểm Phật
giáo Thiền Tông (Tiểu Thừa) để “tổng luận” bộ sách “Đường
Về Xứ Phật” là quan điểm và sự suy diễn theo khuynh hướng đặc thù của riêng của
Trần Kiêm Đoàn chứ không phải của thầy Thích Thông Lạc! Chúng tôi không có
trách nhiệm và bổn phận giúp ông Đoàn thấy tư tưởng chủ đạo, nhất quán xuyên
suốt của bộ sách. Nếu ông có thiện chí muốn đưa ra một “luận điểm tổng quan”,
hãy tự nghiên cứu tìm hiểu. Nhưng chúng tôi kêu gọi sự liêm khiết trí thức của
ông Đoàn. Nếu chưa đọc hết bộ sách mà phịa ra cái “tổng luận” gọi là “quan điểm Phật giáo Thiền
Tông (Tiểu Thừa)” là một sự
bất lương trí thức… Ngoài ra, cái gọi là “Phật giáo Thiền Tông Tiểu Thừa” là
gì? Đề nghị ông Đoàn giải thích cụ thể cho hàng hậu học học hỏi!… Riêng về
cái gọi là “phản bác về các hình thái Lý và Sự – Tri và Hành”, mời ông đọc lại đoạn này của cố HT
Thích Minh Châu: “Muốn chạy theo tà giáo và tà kiến, lại giải thích đạo Phật viên dung vô ngại, chấp nhận
mọi tà kiến, mọi tà thuyết. Tà kiến nào, tà thuyết nào cũng là Phật giáo được
hết!” (Chánh Pháp và Hạnh
Phúc Nxb Tôn Giáo 6/2001).
Trần Kiêm Đoàn: “Không rõ đã có bao nhiêu
người được thầy Thông Lạc ‘khai
thị’ theo phương pháp nầy cho bớt ‘vô minh’. Riêng kẻ viết những dòng
nầy thì… không thấy vô minh mà cũng chẳng thấy hết vô minh trước và sau khi đọc
bài thầy Thông Lạc viết về Vu Lan Bồn. Thầy tự nhận là bậc tự phát giác ra được
một vụ “báo hiếu vô đạo đức khổng lồ” trong lịch sử hơn nghìn năm của Phật
giáo. Đó là trường hợp đức Mục Kiền Liên cứu mẹ ra khỏi địa ngục A Tỳ. Thầy cho
rằng, đây là ‘một sự lừa đảo có sách vở và đã trở thành một truyền thống
báo hiếu vô đạo đức trong lòng tín đồ Phật giáo Việt Nam hơn cả nghìn năm mà
không ai phát giác ra được.’”
Thầy Thông Lạc chỉ nói lên
một sự thật hiển nhiên, ai muốn tin thì tin không tin thì thôi! Ngài không
“khai thị” cho bất kỳ ai theo bất kỳ một “phương pháp” nào. Từ “vô minh” ở đây phải được hiểu tùy vào ngữ cảnh.
Ngược lại Trần Kiêm Đoàn chẳng có cái gì là “riêng” của mình, nhưng lại đại
ngôn viết bừa: “Riêng kẻ viết những dòng nầy thì không thấy vô minh mà cũng
chẳng thấy hết vô minh” Ông
Đoàn đã lấy bã mía của ngài Long Thọ nhai lại và làm của riêng… “vô vô mình diệc vô minh tận, nãi
chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận, vô khổ tập
diệt đạo…” Ông Đoàn thử nói
một câu xem, ông hành pháp gì để “thấy” từ vô minh cho đến 4 thánh đế “vô” mà cũng “chẳng thấy hết vô”?!!! Chúng tôi đã quá chán ngán mấy chữ “vô” này lên đến tận mang tai. Ngay đến
những bậc cao tăng như TS Nhất Hạnh, HT Thanh Từ, ông thử hỏi hai vị này xem họ
đã thấy như thực thấy “vô vô
minh,… vô khổ tập diệt đạo” như
thế nào?… Chúng tôi sẽ
trở lại đề tài này trong một bài viết khác và rất muốn mời ông cùng nghị luận…
Trần Kiêm Đoàn: “Chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ tuy là
câu chuyện mang bối cảnh Phật giáo, nhưng đã trở thành câu chuyện dân gian như
chuyện Tấm Cám, Thị Kính Thị Mầu, Ăn Khế trả Vàng, Cây Tre Trăm Đốt… trong dòng
văn hóa Việt Nam.”
Chúng tôi không phủ nhận yếu
tố văn hóa, một thành tố tích cực trong giáo dục đạo đức cộng đồng… nhưng không
cần thiết phải lồng ghép chúng vào đạo giải thoát của đức Bổn sư Thích-ca
Mâu-ni. Nếu ông Đoàn nói rằng: Chuyện Mục Liên cứu mẹ mang bối cảnh của sự
“phát triển” quá đà của Đại thừa giáo thì hoàn toàn chính xác, nhưng nếu nói nó
“mang bối cảnh Phật giáo” sẽ tạo sự lập lờ trong niềm tin đại chúng dẫn đến sự
ngộ nhận chính đức Bổn sư đã dạy “giáo lý” này…
Nếu ông Đoàn là một nhà
nghiên cứu, một nhà hộ pháp, hộ giáo của đạo Phật, chắc ông phải biết chuyện
này: Đức Mẹ La Vang hiện ra với một bộ quốc phục VN, áo dài khăn đóng và đứa
trẻ Giê-su da vàng mũi tẹt trên tay, đầu để chóp ba vá hệt như trẻ chăn trâu
người Việt… Câu chuyện ấy cũng là “câu chuyện mang bối cảnh Công giáo, nhưng đã trở thành câu
chuyện dân gian như chuyện Tấm Cám, Thị Kính Thị Mầu, Ăn Khế trả Vàng, Cây Tre
Trăm Đốt… trong dòng văn hóa Việt
Nam.” Câu chuyện ấy cũng được
người Công giáo chăm chút, giữ gìn…
Thế nhưng vì sao những nhà
“hộ pháp Phật giáo”, “giải hoặc ca-tô” rất nỗi tiếng như Gs Trần Chung Ngọc lại
chống!, cho rằng đó là một việc làm lố bịch, cuồng tín, vô liêm sỉ, và còn
nhiều từ ngữ nặng nề hơn thế… Trần Kiêm Đoàn cứ từ từ mà suy nghĩ. Đại thừa hóa
giáo pháp Nguyên thủy của đức Phật Thích-ca Mâu-ni cũng phần nào tương tự như
thế!…
Mời quý độc giả xem tiếp phần
2. Chúng tôi sẽ bàn tiếp các phần mà Trần Kiêm Đoàn đã nêu như:
1. Đạo đức
Phật giáo về hiếu hạnh
2. Hối lộ thần thánh
3. Luật nhân quả
4. Tự lực hay tha lực?
5.Đường về xứ Phật là tâm đạo
Discussion about this post