ĐI VÀO CÕI THIỀN
Như Hùng
Thiền không phải điều
huyễn luận được sáng tạo từ ý thức, hoặc từ những quái thai biến chứng của tư
tưởng bị dồn kín, đè nén trong những tra vấn cùng quẩn. Tất cả những vũ đoán về
thiền là một cái gì đều hoàn toàn sai lầm lạc lối, nếu dùng trí thức hoặc ý niệm
cố hữu để thẩm định, ắt hẳn lạc xa nghìn trùng. Thiền vốn khước từ tất cả, dù
đó là hệ thống tư tưởng vĩ đại, được dàn dựng công phu hoặc dùng kiến thức đa
năng soi chiếu vẫn là điều phủ quyết, chối bỏ mãnh liệt nơi thiền. Thiền vượt
ra ngoài thong dong trên tất cả mọi lối đi về, dù Thiền có một cái gì quái đản,
vô lý, không chứng ngôn bằng ngôn từ suy nghiệm. Nó làm hoảng sợ, run rẫy không
ít người bén mãng đến để khám phá về thiền. Nhưng tất cả tưởng chừng vô lý đó,
nơi đâu không có bóng dáng của ý thức xen vào lũng đoạn? Và biết đâu những gì
vô lý lại có lý? Trong thiền thuật ngữ nầy tràn ngập như một bí mật muôn đời
còn phong kín.
Con đường khai dẫn
thoát ly ra ngoài cạm bẫy thông nghiệm của ý thức, là vứt đi ý niệm tóm thâu
vào khuôn khổ, hoặc xác quyết tùy theo tầm nhìn. Nếu không làm được điều này,
thì muôn kiếp chẳng bao giờ có thể cảm nhận được Thiền. Những thái độ bảo thủ,
năng động sẽ không bắt gặp sự tỉnh lặng, toàn triệt mà Thiền nhắm tới, là đạt sự
vắng bặt ở nội tâm. Những đối lực và quan điểm sai biệt đã dàn trận liên tiếp,
gây thống khổ đầy dẫy trong nhân loại, hễ còn vọng động thì còn phải bất an với
chính những phá vỡ, đạp đổ do nó tác tạo. Lịch sử của triết học, của những hệ
thống tư duy, ta đã thấy trong hiện tại là một chứng minh cụ thể. Nếu không
phóng mình ra khỏi để quật tung, đánh thức nội tại, thì ta không bao giờ thoát
ra ngoài lớp vỏ khô cứng, được cất giữ trong viện bảo tàng và ta sẽ không sống
bằng điều gì ngoài thế giới thống khổ.
Thiền vốn là điều
tươi mát liên tục tiềm ẩn trong mỗi chúng ta. Nếu biết cách khơi dậy, ta sẽ
thong dong tự tại trong mọi suy tư hành hoạt, đó là bản thể tịch nhiên, không ồn
ào phù phiếm, náo động, bất an, của những đuổi bắt níu kéo. Khi nào chưa quân
bình hai đối cực, động và tịnh, hạnh phúc và khổ đau, thì muôn kiếp ta phải
chôn mình trong sự phủ vây. Bởi lẽ nó hình thành do cái kia xô đẩy, xúi dục, chắc
chắn một điều cả hai đều có mặt ngay trong từng biến hiện, hạnh phúc không
ngoài khổ đau mà có, ở đấy chỉ cần gạt phăng những định kiến lầm tưởng, nhích mạnh
tay then chốt cuối cùng bổng nhiên hiển lộ tràn đầy.
Con người luôn bám
víu vô minh, vào những sai sử của ý thức, đây là phần năng động, tầm hoạt dụng
và cơ cấu phiêu tưởng của nó, đã liên tục lừa dối đẩy ta rơi vào thống khổ,
trôi lăn trong triền phược. Chưa đủ thỉnh thoảng trong ta vùng dậy một năng lực
nào khác, thì nó lại tìm cách đánh lừa ta hơn. Vì thế muốn tựu thành công phu
quật khai nội tại, trước hết ta phải trục xuất tên giặc ấy ra ngoài, dĩ nhiên sự
trục xuất nầy không có nghĩa ta đưa nó trở thành tiêu điểm để chết sống mà hãy
để nó tự do, ta chỉ việc bám theo bằng sự minh mẫn tỉnh thức là đủ. Bởi lẽ ta
quyết không tạo ra ranh giới, rồi đưa giáo điều làm vũ lực tống khứ nó vào một
chỗ, chắc chắn ta không làm được. Nếu vậy vô tình ta đã nhốt nó vào, chứ chưa
có nghĩa chế phục, khi có cơ hội nó sẽ thoát ra và lúc ấy hậu quả không thể lường
được.
Thiền vốn cởi tung ta
thoát ra ngoài kinh viện, giáo điều, bảo thủ, vốn đã chôn ta chết ngộp trong ấy,
hể đụng tới phải trả giá khủng khiếp, bằng cả cuộc đời. Điều này hoàn toàn vô
nghĩa, với Thiền không ai có thể mặc cả, hoặc dùng bức màn trân quý tôn thờ, mà
tất cả đều duyệt xét qua cửa ngõ của tâm, vén lên hay sụp xuống đều do ta quyết
định, không ai có thể đưa ta xuống hoặc nâng ta lên, chỉ có chính ta chủ nhân của
sinh tử và niết bàn, hạnh phúc và khổ đau.
Những tôn thờ phi lý
ta hay bắt gặp, trong sự khủng hoảng tâm linh, hoặc nương vào uy quyền của kẻ
khác để đè nén chế ngự, đây là việc làm vô ích. Bởi lẽ không ai có đủ thẩm quyền
tác tạo thiên đường hoặc địa ngục, khi trong ta đầy dẫy triền phược, ngang
trái. Không có sự cứu rỗi nào đưa ta thoát ra ngoài, nếu không khơi dậy con đường
dấn thân, kham nhẫn, chịu trách nhiệm với chính ta. Ta không thể đổ lỗi cho bất
cứ ai và cũng chẳng có ai gánh chịu cái lỗi mà ta đã làm, trừ khi ta tạm mượn
giáo điều để ru ngủ mặc cảm tội lỗi.
Trong sự bất an thường
trực của đời sống, sự khổ đau, sợ hãi đang đè nặng, trở thành hơi thở phủ vây
trong từng suy nghĩ, cảm xúc và mọi hành hoạt trong chúng ta. Đâu đâu cũng tràn
ngập những tiếng thở dài, rên rĩ, nhức nhối, hoặc dùng hình thức giả tạo nào
đó, cố quên trong những cuộc mua vui, chính điều này tố giác sự có mặt thường
trực của khổ đau. Thiền giải quyết được gì trong sự khủng hoảng, bế tắc ấy?
Điều tuyệt diệu nhất
mà chân lý Thiền đã soi sáng, muốn phá vỡ khổ đau ta phải đối diện thường nghiệm
trong từng phút giây, không nao núng sợ hãi, trốn chạy, dùng tất cả hùng lực
đào sâu, đục khoét trong từng biến động, lật trái bộ mặt đích thực mà nó đã phủ
kín, phong tỏa bằng hàng rào dày đặc của vô minh. Chính từ sự đối diện đó, ta mới
có được năng lực, sống trọn vẹn vào những biến hiện và chuyển hoá thành chất liệu
nuôi dưỡng thân tuệ mạng, và chỉ có con đường hành động tích cực này, mới giúp
ta khám phá ra thực thể từ những xáo trộn trong đời sống. Sự khủng hoảng, nổi
loạn của ý thức chuyển dịch theo từng phút giây, nó đã vén lên bức màn sự thật
qua cánh cửa triền miên, thống hận, những kinh hoàng, than oán ấy giúp được gì
cho chúng ta? Phải chăng đó là nổi khổ, khi không còn cách nào đè nén nó mới
tuôn ra ngoài và đó, hậu quả tất nhiên của sự phong tỏa, kiềm hãm. Làm sao ta
có thể an nhiên đón nhận nó trong sự cùng quẩn của tâm ý? Có phải bằng cách,
khơi dậy tất cả những biến chứng chôn kín ở trong, bằng sự đập phá, nổi loạn,
thê lương và tuyệt cùng? Để rồi đưa ra chiếu rọi bởi ánh sáng linh hiện của Thiền,
soi thẳng vào tận cùng trạng huống, đập vỡ mọi so đo, toan tính, từ đó bùng lên
thứ khác đó là ngộ. Khi điều này vụt khởi như tia chớp loé sáng, đẩy lùi bóng
đêm, càn quét những phạm trù biến chứng đang đè nặng trong ta, bổng như tất cả
đều vô nghĩa, do vì hướng ngoại, vọng khởi tạo nên. Con người khi nào chấm dứt
bất an, là lúc phá vỡ giai tầng kiến trúc của ý thức, ngôn ngữ, quan niệm, những
điều đó đã lôi kéo đưa ta rơi vào ảo tưởng và chết chìm trong quan cảm, nên
muôn kiếp phải hãi hùng, quanh quẩn trong vòng liên kết tử sinh.
Khi nào ánh sáng của
Thiền chưa chiếu rọi, thì lúc đó ta vẫn còn lang thang, đong đầy hành trang mộng
tưởng phiền lụy. Con người sống là kẻ ấy không sống trong ảo ảnh của qúa khứ,
chết chìm trong hiện tại, mờ mịt trong tương lai. Tất cả những suy tư, đều phải
tư duy cho một điều, khi nào đạt được hạnh phúc thật sự là lúc uống cạn tất cả
những đau khổ bằng định lực sung sướng an lạc.
Thiền khơi dậy con mắt
huệ nhãn, đó là vùng khuất lấp đằng sau ý thức năng động, mà ta liên tục xử dụng
trong từng sát na. Chỉ có lúc trực giác, tóm thâu tất cả trong sự cùng tuyệt kiến
chiếu, chiêm nghiệm, suy tư tra vấn chính mình, ta mới đủ năng lực quật tung
ranh giới giữa ta với cảnh, trong và ngoài, năng động và tỉnh lặng, bằng sự
quán chiếu xuyên qua ánh sáng tuyệt luân của ” kiến chiếu tự tánh”
soi thấu, lúc ấy ta mới trông thấy đâu là sự thật của giác ngộ.
Giác ngộ không có
nghĩa nào cả, duy nhất chỉ có một nghĩa là trông thấy vẹn toàn sự thể, bằng sự
sống và thở một cách linh hiện trong tỉnh thức, ngoài điều này ra tất cả chỉ
đóng khung giác ngộ trong tháp ngà của thế giới tỷ lượng, luận bàn huyễn niệm,
đắm mình trong sự dong ruỗi, và đó, bức tường ngăn cách để tạo nên giác ngộ. Ngộ
không phải chỗ cùng tuyệt của lịch trình ý thức, xuyên qua suy tư, bám theo từng
ý tưởng, ngộ phủ quyết điều này, bởi lẽ còn bước qua tình tự, tức còn có tiêu
điểm, năng sở, chủ khách, như thế sẽ gây trở ngại trong việc thấy tánh. Chặng
đường này không có sự quyết đoán, ức hiếp của ý thức sai biệt. Ta phải vận dụng
tất cả mọi cơ năng, đập nát và húc đầu vào đó, bằng khí lực bình sanh, bằng sự
đào khoét liên tục, không ngơi nghỉ để giác ngộ vụt khởi và giác ngộ sẽ vụt khởi,
khi tất cả đều phải đỗ ào ngã qụy, dù đó là một niệm vi tế. Thiền là sự chứng
nghiệm từ nội tâm, chứ không phải kiến thức rút ra từ kinh điển giáo điều, hoặc
những gì tựu nên từ ý thức sai biệt. Ta phải tỉnh thức minh mẫn trong việc
trông thấy cửa ngõ cụ thể hai lối, trí thức năng động và trí tuệ của tâm linh
chứng ngộ. Trí thức vốn là những gặt hái tra vấn từ kinh viện hoặc kinh nghiệm
thuộc phạm vi sử học, tức thuộc về quá khứ, nó hoàn toàn không giúp đựơc gì cho
chặng đường thực chứng nội tâm, ngay trong sát na hiện tại. Bởi lẽ hầu như từ
đó ta tạm mượn sở học, kinh nghiệm tâm linh của kẻ khác để kích bác, khống chế,
cuối cùng ta chỉ quanh quẩn trong kho tàng luận thuyết, rơi vào thành trì định
kiến của ý thức. Làm sao ta có thể thoát ra ngoài lớp vỏ khô cứng, tẩm liệm,
trá hình bằng một thứ siêu ngôn ngữ, với những biến chứng khởi đi từ tâm ý,
nhưng hoàn toàn không do trí tuệ mang lại?
Trí tuệ vốn không nằm
ở đấy, nó phủ trùm lên một khi trông thấy vẹn toàn những linh hiện từ vô thủy đến
vô chung, từ khởi đầu đến chung cuộc, từng diễn biến nơi tâm thức. Từ đó vén
lên bức màn sự thật, của thể tánh tuyệt diệu đang nằm sẵn ở trong ta, muốn có
trí tuệ ta phải nổ lực dụng công, chiêm nghiệm để giác ngộ có cơ may vụt khởi.
Với thiền, tất cả những
tựu thành xuyên qua tâm ý, dù giả lập ở bất cứ nơi đâu, không khéo sẽ sai lầm lạc
lối. Khi nào sự hưng động kèm theo tỉnh thức toàn triệt, thì sự quật khởi của
nó mới đủ công lực thay đổi khuôn mặt, theo nghĩa biến chất nhưng không gây chấn
động nào, trừ khi sự chấn động ấy để bùng lên giác ngộ. Nếu dùng luận lý học,
ngôn ngữ học để thẩm định trên bình diện nhận thức thuộc thế giới tỷ luợng, thì
tất cả đều đóng khung và trở thành sản phẩm của ý thức. Thiền vốn lắc đầu, khước
từ những gì còn đo lường, tức còn rơi vào sở tri chướng. Dĩ nhiên chủ trương của
thiền không đối kháng, chống lại, vì lẽ thiền không phải là đối tượng được dựng
lên từ quan niệm. Thiền nhắm đến giác ngộ, cởi tung những triền phược, khúc mắc,
nhốt kín con người trong đó. Khi chống lại điều gì, tức còn đứng trên căn bản
chấp trước, đối đãi, nhị nguyên, với thiền không có hai mà là một, và một ấy
cũng biến mất, đây là lý lẽ của không lý lẽ, ngộ một cách toàn triệt về mọi thể
tính.
Chân lý của thiền sẽ
không bao giờ được tìm thấy trong kho tàng lưu trữ của ý thức, nếu dùng những
suy tư để trang sức, phết tô cho ý niệm ngôn từ và càng không có nghĩa mò tìm
trong kinh viện, hoặc đắm mình trong suy diễn, vốn không xuất phát từ sự thẩm định
về những nguyên lý, cấu tạo thành sự hưng khởi. Truy tìm căn nguyên giá tri, tối
hậu, chắc hẳn phải vượt lên những ngăn ngại, bao phủ bởi quan niệm, đồng nghĩa
với bóng dáng giả hợp nào đó của ý thức. Sự đóng khung chôn dấu đó, dù được tựu
thành, nhưng chưa duyệt qua quá trình thâm chứng, bằng cả sức mạnh tư duy, xoáy
thẳng vào trọng tâm của yếu tính, không khéo trở nên phù phiếm vô nghĩa, những
gì được cấu trúc từ những mô thức thông thường, suy gẫm để tìm thấy sự thâm kín
đàng sau vẫn chưa đủ, nếu đó là điều tò mò của ý thức.
Trên căn bản đây là mấu
ngoặc để thấy sự phủ mờ của lớp vỏ khô cứng từ trước, nhưng ở đối tính khác, nó
hoàn toàn phản lại với chính nó, cũng có thể là điều không tưởng huyền hoặc, bởi
lẽ chưa có một kiểm chứng tối thiểu nào, để xác quyết giá trị thật hữu, trong mọi
lý lẽ chuyển dịch, nếu không dùng đến ý niệm. Dù đó, nguyên tắc tối cần mang ra
mổ xẻ giải quyết, những yếu tính nào cấu thành từ ý lực vọng động và nếu không
phải sự hưng khởi xuất phát từ vô phân nguyên vị, thì mấu chốt của vấn đề sẽ trở
nên căng thẳng.
Quá trình tìm ra yếu
tính tàng chứa ở mỗi chủng nghiệp, dĩ nhiên phải đi qua chặng đường góp nhặt
nào đó của ý thức, cho dù phản lại hoặc đồng lõa nó vẫn dung chứa, tuy nhiên
đây không phải vấn đề cần đặt lại, bởi lẽ những tác động, hình thành vốn ngầm
chứa kết quả trong đó, tự nó đã tổng hợp, dệt nên theo từng hướng đi của ý thức.
Điều quan yếu sự chuyển động, xê dịch phải ăn khớp với sự biến hóa ở nhịp độ
chuyển tiếp, chân lý không phải là điều bất di bất dịch, nhưng đó là xác quyết
trung thực về nguyên lý của những hiện tượng bất di bất dịch. Vì thế, thiền
khơi dậy giá trị chân thật tuyệt hảo mà con người vốn đánh mất. Nó là toàn thể
tính, phật tính, chân như, do vì những vọng niệm ngăn ngại, nên ta đẩy nó vào tận
cùng, lấp kín bằng cửa ngõ của ý thức. Muốn vén mở chắc hẳn ta không nương vào
thần quyền cứu rỗi, của bất cứ đấng toàn năng nào, bởi lẽ những đấng ấy bất lực
trước những điều do ta tác tạo, ta đã phong kín cửa ngõ bằng lối nào, thì cũng
chính ta mới có đủ công năng xoay chuyển theo lối ấy.
Dù vậy, vay mượn ngôn
từ để diễn tả về thiền, là sự lạm dụng, gượng ép, ức hiếp ngữ ngôn, nhưng
“không nói cũng không xong” như một câu nói bất hủ, chìm khuất trong
vô cùng của Thiên Sư Chân Nguyên ở thế kỷ thứ 17, chỉ còn lại nét chấm phá lững
lơ, như chính cái lơ lững nào đó trong Thiền.
I. NHỮNG
KHUÔN MẶT MỞ ĐẦU NỀN THIỀN HỌC VIỆT NAM
1, Khương Tăng Hội
Khởi nguyên của thiền
học Việt Nam bắt nguồn từ Khương Tăng Hội vào đầu thế kỷ thứ 3. Ngài đã mang
nguồn suối thiền tâm linh vị điệu che mát cả bầu trời đau khổ mà lúc bấy giờ
dân tộc Việt đang gánh chịu ách đô hộ,
xâm chiếm, thống trị của đế quốc Trung Hoa. Mấy ngàn năm trôi qua ánh sáng đó vẫn
soi đường chỉ lối theo từng bước đi của dân tộc, vổ về an ủi làm chổ dựa mong
cao tột, và tạo nên một trào lưu phát triển lớn mạnh của Thiền Tông sau này.
Khương Tăng Hội gốc
người Khương Cư, cha mẹ qua Giao Chỉ, buôn bán, ông sinh ra và lớn lên ở đây.
Thông hiểu am tường Phạn Ngữ và Hoa Ngữ, với kiến thức uyên thâm bác học, thông
minh xuất chúng “hiểu rõ ba tạng kinh điển, đọc khắp cả sáu Kinh Nho Lão, những
sách về thiên văn và đồ vĩ phần lớn ông đều thông thạo” , (trong Cao Tăng Truyện).
Ông đã từng chú sớ, dịch thuật, trước tác một số tác phẩm sau đó trở thành những
tác phẩm rất quan trọng trong hệ thống Thiền Học Việt Nam sau này.
Qua sự chú sớ và đề tựa
trong kinh An Ban Thủ Ý do An Thể Cao dịch, khuynh hướng của Khương Tăng Hội là
Đại Thừa hoá Thiền Tông, mang màu sắc của Thiền Đại Thừa. Như vậy sự có mặt của
Thiền ở Việt Nam là Thiền Đại Thừa. Khương Tăng Hội viết “An Ban tức là Đại Thừa
của chư Phật để tế độ cho chúng sanh đang phiêu trần sanh tử”
Sự khác biệt giữa Thiền
đại thừa và tiểu thừa là thiền đại thừa quan niệm diệu tâm chân như là ban thể
vi diệu của giác ngộ, và bản thế ấy không đơn thuần đắm mình trong suy tư riêng
biệt mới đạt được, muốn đạt là phải lăn mình vào cuộc đời, đối diện với tha nhân
với chúng sanh, bằng tất cả hùng lực và ý lực, dũng mãnh quật khởi cởi tung,
trong sự rộng mở của tâm ý. Còn tiểu thừa xa lánh cuộc đời, ưa sống nơi núi rừng
tịch lặng, nổ lực khai mở giác ngộ nơi tự tâm, an trú trong niết bàn chứng đắc.
Theo sách Tăng Truyện:
Khương Tăng Hội đến Kiến Nghiệp kinh đô của nước Ngô vào năm 255, ông mất năm
280. Như vậy sau khi tu học và chứng ngộ ở Giao Châu, ông qua truyền bá Thiền
Tông ở Trung Hoa khoảng 25 năm. Ông là vị sa môn đầu tiên xuất hiện ở Đông Ngô,
dựng một ngôi chùa mang tên Kiến Sơ. Uy tín và tiếng tăm của ông đã khiến Ngô
Vương Tôn Quyền tin phục và thọ trì ngũ giới.
A,Tư tưởng Thiền của
Khương Tăng Hội.
Xuyên qua bài tựa
trong kinh An Ban Thủ Ý ta cũng đủ thấy khuynh hướng đại thừa thiền ở trong
ông. Tư tưởng ông chịu ảnh hưởng của Bát Nhã và Duy Thức. Ông viết “ Tâm không
hình sắc, không có âm thanh, không co tiền hậu, tâm thâm sâu vị tế, không tác
tơ hình tưởng cho nên Phạm Thiên, Đế Thích và các tiên, thánh khác cũng không
thể thấy được, kẻ phàm tục không thể thấy được sự hoá sinh từ hình thức này,
sang hình thức khác của các chúng tử, khi thì minh hiển khi thì trầm mặc trong
tâm ”
Chính nhờ sự ảnh ảnh
đó mà tư tưởng của ông phóng khoáng thoát ra ngoài trói buộc, xuyên qua con đường
của Không trong Bát Nhã và tổng tướng của Duy Thức. Bằng quan niệm ông tìm ra một
định nghĩa về Tâm rất cụ thể khiến người đọc có thể vén mở điệu dụng của Tâm
qua cửa ngõ An Ban ông nói: “Người hành giả đã chứng đắc được phép An Ban thì
tâm bừng sáng, dùng cái sáng ấy để quan chiếu thì không gì tối tăm mà không thấy
”.
Dù rằng chưa một quan
niệm nào có thể diễn tả trọn vẹn về Tâm, bởi lẽ nó bao trùm lên trên không lưu
lại dấu vết, nếu y vào quan niệm để đóng khung, hoá ra ta đã dùng sự suy luận
thông thường nhốt cái suy luận ấy chứ không phải Tâm. Đó là một giả thể được dựng
lên từ hình dung suy tưởng lôi kéo, khiến ý thức của ta không còn chỗ đứng mới
bám víu vào khái niệm, để hình thành. Những gì còn rơi vào trạng thái này, muôn
kiếp ta vẫn phải trôi lăn trong vòng tối tăm lẩn quẩn, giữa những cái hữu tưởng
và vô tưởng, một sự lầm lẫn chỉ khi nào bặt hết mọi tương quan đối đãi ta mới
tìm thấy được cái ban sơ tuyệt diệu của không cùng vô tận.
Một sự đi tìm và kẻ
dày công sống trong đó, nếu làm một cuộc thẩm định không qua cửa ngõ luận thuyết,
thì điều nầy không phải vô nghĩa, nhất là khi trông thấy trọn vẹn, minh chứng bằng
quá trình truy tìm thật thể. Quá trình đó, nếu bùng ra tia sáng và tia sáng đó
có thể không sai khác, nếu ta biết cách thâu ngắn lộ trình, dung hoà chặng đường
đi tới liên tục không gián đoạn. Giá trị thật hữu của vấn đề trên đều cân bằng
ngang ngữa, nó chỉ khác kẻ vén mở bằng sự tức thì, cũng là lúc trông thấy bộ mặt
thật hiện hữu. Tâm vốn không có bắt đầu, nếu có thì cái Tâm ấy còn sanh diệt,
trong khi bản thể của Tâm vốn bặt hết tướng trạng, suy luận, nắm bắt. Một sự vắng
bặt không những không có trong ngôn từ mà ngay cả ý niệm thành lập cũng không,
nó liên tục xuất hiện, nhưng ở tư thế của kẻ biết lúc nào mới xuất hiện để quyết
đoán một cái gì và cái đó không thể có mặt ở trong tâm.
Tất cả mọi khởi động
móng ý đều có bóng dáng tiềm ẩn của nó, ở đâu và bất cứ nơi nào khả năng quyền
biến của tâm cũng đều ngự trị, nhưng bảo đó là tâm, ắt xa lạc nghìn trùng. Dùng
cái năng động để xác quyết là việc làm vô nghĩa, trừ khi động và tịnh không còn ranh giới sai biệt, đòi hỏi
trong ta, sự cam go, nổ lực liên tục trong việc hoán chuyển và giải phóng mọi
ngăn ngại.
Trong Lục Độ tập kinh
viết về Thiền, ông đề cập đến bốn phương pháp của Thiền như sau:
* Phương pháp thực
hành của nhất Thiền: là khử bỏ tham ái, ngủ yên tà sự, như khi mắt thấy sắc đẹp
tâm sinh dâm cuồng, khử bỏ những thanh hương vị và xúc thường gây tai hại. Người
có chí hành đạo ắt phải xa lánh chúng. Lại còn diệt trừ năm sự ngăn che: sự
tham dục, sự giận dữ, sự mê ngũ, sự dâm lạc, và sự hối hận nghi ngờ. Đối với những
vấn đề có đạo hay không có đạo, có Phật hay không có Phật, có kinh hay không có
kinh, tâm ý đạt đến hiểu biết, trở nên thanh tịnh không dơ bẩn, tâm sáng thấy
được chân lý, đạt tới trình độ không gì là không biết, các loại trời rồng và quỷ
mị không thể nào đánh lừa được. Đạt được nhất Thiền cũng như người có mười loại
oán thù đã thoát ly thân thuộc một mình ở trên núi chẳng ai hay biết, không còn
sợ ai, vì xa lìa được tình dục mà nội tâm vắng lặng.
* Phương pháp nhị Thiền:
như người đã thoát ly oán thù tìm tới chốn thâm sơn để cư trú nhưng còn sợ oán
thù có thể tìm tới, kẻ hành giả tuy đã xa mười thứ dục tình nhưng còn sợ những
thứ này tìm theo để lung lạc chí hành đạo của mình. Vì vậy, kẻ hành giả không
nên vui cái vui đã dùng Thiện để diệt ác, thiện tiến thì ác lui, bởi cái vui nầy
là mầm của lo sợ. Phải diệt trừ quan niệm thiện ác chống nhau, do đó ý niệm vui
và sợ đều tiêu diệt, mười điều ác tuyệt dứt, không còn ngoại duyên nào có thể tới
xâm nhập tâm mình. Cũng như khi ở trên đỉnh núi cao thì không còn dòng nước nào
có thể làm cho mình bị ngập lụt, cũng không sợ mưa và rồng làm cho chìm đắm.
Chính là từ đỉnh núi đó mà các dòng suối lưu xuất, từ sự hành đạo này mà các điều
thiện do tâm xuất hiện và các điều ác
không còn do đâu phát sinh được nữa.
* Phương pháp tam Thiền:
giữ gìn tâm ý một cáh kiên cố, cả thiện và ác cũng đều không thâm nhập được,
tâm an ổn như núi Tu Di, từ bên trong thiện cũng không phát xuất mà từ bên
ngoài thiện ác và tịch diệt cũng không xâm nhập được. Tâm như hoa sen, rể hoa
trong bùn, khi hoa chưa mọc thì còn bị lấp dưới nước. Người thực hành tam thiền
thanh tịnh như hoa.
* Phương pháp tứ Thiền:
tới đây cả thiện và ác đều bỏ, tâm không nhớ thiện cũng không nhớ ác, tâm yên
và sáng như ngọc lưu ly, như nàng công chúa tự tắm gội và lấy hương thơm ướp
mình, mặc xiêm y mới. Bồ tát khi đã đạt được tứ thiền thì các loại tà cấu không
còn làm hư tệ tâm mình. Đạt được tứ thiền thì muốn làm gì cũng đuợc, phi hành
nhẹ nhàng trên không, đi dưới nước, phân tâm tán thể, biến hoá vạn cách, ra vào
không ngăn cách, tồn vong tự do, có cả mặt trời mặt trăng, động tới cả thiên địa,
đắc nhất thiết trí
Qua bốn trình tự của
Thiền, Khương Tăng Hội đã mở tung cánh cửa hiển bày nên cái nhất ý, tập trung
năng lực để hoàn thành sự nghiệp giác ngộ, ở đây không còn bóng dáng chấp ngã
chấp pháp, lôi kéo những vướng bận nơi trần cảnh, gây nên những đảo lộn biến động
ở bên trong. Nếu để nguyên vị không xê dịch, bóp méo, với sự quán chiếu bền bỉ,
có lẽ biết đâu đây là điều tuyệt diệu? Những gì còn níu kéo, cái ấy được đánh động
tra vấn bởi hai ranh giới hoặc thuận, nghịch, tốt xấu, thiện, ác, như sự phán
đoán tạm gởi nào đó ở trong ta. Ranh giới đó vô cùng phức tạp, chưa một ai
trong chúng ta có thể trông thấy trọn vẹn được những chuyển động mà không rơi
vào lầm lẩn, có những điều thoạt nhiên ta tưởng là thiện, nhưng nếu người xử dụng
khéo léo, nguỵ trang, lôi kéo che đậy và ru ngủ ta ở những dạng khác, ở một cái
nhìn khác, sáng suốt và tinh tưuờng hơn, thực tế ta bị lường gạt một cách trắng
trợn. Đấy có thể thiện ở bên ngoài chứ không thiện trong bản chất. thiện trong
hoàn cảnh chứ không phải thiện ở trong tâm ý. Nếu ta dùng ý thức vọng động để
nhìn ngắm ta sẽ không bao giờ cảm nhận đúng mức đâu là ranh giới đích thực của
vấn đề.
Trong xã hội thông
thường kẻ giết người phải bị luật pháp trừng trị thậm chí có khi bị từ hình.
Nhưng có những kẻ giết hàng trăm ngàn người nhưng nhờ ngụy trang, núp bóng dưới
mỹ từ, chiêu bài, ý thức hệ nào đó. Nghiễm nhiên họ trở thành người hùng của chế
độ, bậc vĩ nhân của dân tộc. Đâu là nguyên uỷ chính xác của vấn đề nầy?
Về khía cạnh giác ngộ
“không nên vui cái vui đã dùng thiện để diệt ác” xác quyết kinh khiếp nầy phủ
trùm lên quan niệm cố hữu nơi chúng ta. Giác ngộ không phải bãi chiến trường
tranh chấp, tàn sát tiêu diệt lẫn nhau, nếu vậy sẽ gây nên những khủng hoảng, đổ
vỡ, hoài công, không có cơ may hàn gắng lại được, không khéo kẻ chiến thắng trở
thành chiến bại với chính kết quả giằng co đó. Thông thường những tranh giành đều
đưa đến nguy hại, còn mất trong hơn thua, dù điều đó chỉ xảy ra ở trong tâm ý.
Giác ngộ không phải sống trong tình trạng lo sợ, tướt đoạt, cho dù điều cuối
cùng còn lại là thiện. Khi nào ý niệm đối nghịch thật sự chấm dứt, ta mới thảnh
thơi, trên lối đi về tràn ngập an lạc, lúc ấy điều ác không cần phải trốn chạy,
khiến ta phóng mình rượt theo tiêu diệt, mà nó đã được chuyển hóa trở thành chất
liệu vô cùng hữu ích, bởi lẽ không còn cơ hội xâm lấn gây tác hại, đã đến lúc
cái tâm dung chứa tất cả, nhưng không làm hề hấn dù đó là thiện hoặc ác.
Chúng ta có quyền
phân biệt đâu là ranh giới, nhưng không có nghĩa chết chìm trong sự phân biệt đó.
Đúng ra ta dùng áng sáng linh hiển trong tâm, sáng soi từng bước đi tới, thoát
khỏi tử sinh qua những lối khác, ít ra ý thức của ta không còn bị sai sử, ngụy
biện lung đoạn do vô minh gây rối nữa. Dù rằng ta chỉ mới đoạn trừ được phần
nào, nhưng không có nghĩa ta hoàn toàn tiêu diệt. Nếu có cuộc chiến tranh trong
tâm ý, kẻ chết không phải ác, không phải thiện, mà chính ta chủ nhân của hai vấn
đề nầy.
Những tác phẩm liên
quan đến ông gồm có:
– An Ban Thủ ý Kinh do An thế Cao dịch, Tăng hội
và Trần Tuệ chú sớ, Khương Tăng Hội đề tựa.
– Pháp Cảnh Kinh, An Huyền dịch, Tăng Hội chú sớ
và đề tựa.
– Đạo Thọ Kinh, An Huyền dịch, Tăng Hội chú sớ
và đề tựa.
– Lục Đô Yếu Mục, Tăng Hội biên tập (nay không
còn)
– Nê Hoàn Phẩm Bội, Tăng Hội biện tập (nay
không còn)
– Đạo hạnh Bát Nhã, của Ngô Phàm, Tăng Hội dịch (nay không còn)
– Lục Độ Thập Kinh, Tăng Hội biên tập.
2, Chi Cương Lương Tiệp
Đồng thời với Khương
Tăng Hội còn có Chí Cương Lương Tiệp người nước Nhục Chi, ông có mặt ở Việt Nam
vào thế kỷ thứ 3. Ông đã dịch kinh Pháp Hoa Tam Muội ở Giao Châu vào khoảng 255
hoặc 256. Ông cũng thuộc khuynh hướng thiền Đại Thừa, chữ Tam Muội còn có nghĩa
là Định, ngay từ tựa đề của kinh cũng đủ chứng tỏ khuynh hướng thiền nơi ông.
Dưới đây một đoạn trong kinh.
“ Trong pháp thân có
tất cả các pháp, tất cả đều huyến hoá biến hiện khi nổi khi chìm. Các phiền não
như dâm, nộ và si, thực ra đều vô hình vô thể, cũng như các bọt bèo hiện trên mặt
nước nên quan sát thân ta và mọi hiện tượng như an trú nơi tịch diệt vô hình.
Chúng được thành lập do sự hội hợp và ly tán nếu phân biệt kỷ lưởng, thì sẽ thấy
rõ bản tính của chúng là không ” .
Không phải chỉ có
Khương Tăng Hội mới mở tung nền Thiền học đại thừa lúc bấy giờ mà Chi Cương
Lương Tiệp cũng đã đưa Thiền đến tuyệt đỉnh. “ Trong pháp thân có tất cả pháp
”. Vậy ngoài pháp thân còn có pháp nào để ta dong mỗi, nắm bắt? Có phải “ tất cả
đều huyền hoá biến hiện khi nỗi khi chìm ” .
3, Ma Ha Kỳ Vực
Ma Ha Kỳ Vực người
Tây Trúc, thuộc khuynh hướng Mật Giáo, ông thường làm nhiều phép lạ không ai có
thể đoán trước được. Sách Cao Tăng Truyện chép: “Ma Ha Kỳ Vực, đã vân du khắp
các xứ văn minh và mọi rợ, không ở yên một nơi nào. Ngài có những hành động mà
các đệ tử và tuỳ tùng không biết trước được. Ngài đi từ nước Tây Trúc đến nước
Phù Nam , rồi dọc theo bờ biển, ngài đến Giao Châu về Quảng Châu. Nơi nào đi
qua ngài đều làm nhiều phép lạ khiến dân chúng rất khâm phục. Khi đến sông
Tương Dương, người lái đò thấy ngài rách rưới nên không cho ngài qua sông. Nhưng
khi thuyền tới bến bên kia người ta thấy ngài đứng đó rồi. Vào cuối triều Huệ Đế
nhà Tần ngài đến Lạc Dương sau này khi có nhiều biến loạn ngài bèn trở về Tây
Trúc ” .
4, Đạt Ma Đề Bà
Vào thế kỷ thứ 5,
Giao Châu lại tiếp đón một nhân vật từ Ấn Độ đến đó là Đạt Ma Đề Bà, tư tưởng
thiền của ông cao vút, siêu việt không thua gì Bồ Đề Đạt Ma. Nhưng Bồ Đề Đạt Ma
ở Trung Hoa rất nổi tiếng, trái lại Đạt Ma Đề Bà ít được sử liệu đề cập đến. Có
lẽ vì sách vở tư liệu lúc bấy giờ bị loạn lạc binh lửa nên không bảo tồn được.
Vả lại cũng có thể Thiền Học Việt Nam lúc bấy giờ chủ trương đến việc thực
hành, ít quan tâm đến việc ghi chép tư liệu để truyền lại.
5, Thích Huệ Thắng
Đạt Ma Đề Bà trong
lúc hành đạo tại Giáo Chỉ, có một người học trò tên là Huệ Thắng một thiền sư
Việt Nam tiếng tăm lẫy lừng vang dội, ông đã từng mang thiền học tung hoành
ngang dọc ở Trung Quốc. Sách Cao Tăng truyện viết: “ Thích Huệ Thắng là người
Giao Chỉ, ở chùa núi Tiên Châu, đã từng vẫn du khắp các miền sông núi, thung
dung giải phóng, đọc kinh Pháp Hoa mỗi ngày tới một lần, đã từng theo vị thiền
sự ngoại quốc là Đạt Ma Đề Bà để học phương pháp quán hạnh về thiền , mỗi khi
nhập định thì tới ngày mai mới xuất. Lưu Tích ở Bành Thành khi làm thái thú ở
Nam Hải có nghe nói đến đạo phong của ngài, lúc về nước đã đến thỉnh ngài cùng
đi. Huệ Thắng thiền sư nhận lời. Khi về tới Bành Thành cư trú tại chùa U Thê để
chỉ bày chân thể mầu nhiệm. Ngài thường làm ra vẻ như người ngu ngốc, nhưng những
kẻ đã ở lâu với ngài thì rất kính trọng, nhất là những học giả về thiền thì rất
khâm phục. Năm Vĩnh Minh thứ 5 ngài dời về ở Diên Hiền Tịnh Xá tại núi Khê
Chung. Từ trẻ tới già ngài vẫn giữ một tâm trinh chánh, ngài mất trong khoảng
niên hiệu Thiền Giám, tuổi vừa bảy mươi ”.
Qua những dữ kiện
trên, chúng ta có thể xác quyết rằng, thiền sư Huệ Thắng là nhân vật phi thường
độc đáo, từng mời đến thuyết giáng ở Bành Thành, một trung tâm Phật Giáo lớn
vào bậc nhất ở Trung Hoa lúc bấy giờ, đồng thời những học giả lỗi lạc về thiền
của Trung Hoa rất khâm phục, kính nễ. Như thế Huệ Thắng có đủ thẩm quyền để cho
Trung Hoa thấy được trình độ Thiền học Việt Nam có những điểm vượt trội, cao
siêu. Như vậy trước khi Bồ Đề Đạt Ma có mặt ở Trung Hoa, ít nhất cũng đã có hai
thiền sư Việt Nam đến truyền bá Thiền Tông tại đây.
Chúng ta có quyền
hãnh diện trong lịch sử đã có những nhân vật như vậy, xét về bối cảnh lúc bấy
giờ, dân tôc ta sống trong vòng kềm kẹp nô lệ ngoại bang, Trung Hoa ra sức đồng
hoá, dân ta không những không bị đồng hoá mà Đạo Phật Việt Nam và đặc biệt Thiền
Tông đã sản sinh un đúc những con người ưu tú, độc dị, phi thường. Đó là niềm
hãnh diện cho chúng ta, trong bối cảnh đọa đầy, điêu linh, thống khổ đó.
Sự có mặt của những
Thiền Sư Việt Nam trên đất Trung Hoa lúc bấy giờ, còn là một tuyên cáo quan yếu
đập phá thành trì tư tưởng của đối phương bằng con đường hành động tích cực của
mình trong việc truyền bá sự an lạc ở nội tâm, trong khi chính họ lại nuôi mộng
xâm lăng, đày đoạ dân tộc khác với chủ trương khai hoá dân tộc “mọi rợ” và cũng
để cho Trung Hoa thấy rằng dân tộc Việt Nam không dễ dàng bị đồng hoá.
Dân tộc Việt Nam vốn
là dân tộc oai hùng, bất khuất mảnh đất Việt Nam là nơi tiếp thu những trào lưu
văn hoá đặc biệt của Ấn Hoa nhưng đã được gạn lọc, tiêu hoá, bằng những phương
pháp dung hòa đặc thù, phù hợp với tiến trình vươn lên của dân tộc.
Sau đó từ Thông Biện
Thiền Sư ở đời Lý cho đến nay chúng ta quan niệm rằng Thiền Việt Nam được truyền
vào từ Trung Hoa, đây là điều cần nén xét lại. Nhân vật Tỳ ni Đa Lưu Chi đắc
pháp với Tam Tổ Tăng Xán ở Trung Hoa, trong lịch sử Thiền Học Việt Nam được gọi
là Sơ Tổ, nghĩa là ngài thiết lập hệ thống truyền thừa có qui củ. Bởi lẽ chùa
Pháp Vân nơi ngài cư trú đầu tiên vốn là
một thiền viện đã được thiết lập từ trước, và thiền sư Quán Duyên đang giảng dạy
Thiền tại đây, ngài Pháp Hiền là một trong những học trò của ông.
Đồng ý rằng thiền đến
bất cứ từ đâu cũng không quan trọng đối với chúng ta, điều quan yếu, những đóng
góp của thiền đã cứu vớt được gì trong bối cảnh thống khổ hôm nay. Tuy nhiên
trên lãnh vực truy tìm tư liệu chính xác để duy trì nền văn hoá dân tộc, và đặc
biệt sự truyền thừa của Thiền, vốn đã nuôi sống tâm linh cả hằng mấy mươi thế kỷ
qua, công ơn đó ta không thể nào không biết đến, không chiêm nghiệm tra vấn với
chính mình?
( còn tiếp )
Như
Hùng
Discussion about this post