Nhiều người khi thấy một vài biểu hiện không chánh đáng trong Phật giáo liền cho rằng Chánh pháp đã hoại diệt hay đó là dấu hiệu của thời kỳ mạt pháp rồi thối tâm, dẫn đến khổ đau muộn phiền. Trên thực tế, Chánh pháp không bao giờ mạt mà chỉ có lòng người mạt và đạo đức nhân tâm suy đồi. Biết được như vậy, ta không mất niềm tin nơi Tam bảo mà quyết tâm bảo vệ đạo pháp.
Thời Đức Phật tại thế, những dấu hiệu suy giảm đạo đức cũng từng xảy ra. Nhóm Lục quần Tỳ-kheo là những ví dụ điển hình. Câu chuyện tại Kosambi là một sự kiện đặc biệt nổi tiếng khi vị sư trì luật và vị sư trì kinh cùng đồ chúng tranh cãi nhau dẫn đến bất hòa trong Tăng. Sự việc căng thẳng đến nỗi Đức Phật phải bỏ vào rừng ẩn cư, cho đến khi mọi người nhận ra lầm lỗi của mình, thành tâm sám hối, mâu thuẫn chấm dứt Ngài mới trở về.
Có lần Tôn giả Đại Ca-diếp thắc mắc vì sao trước đây khi Phật chưa chế giới, Tăng chúng ít xảy ra phiền não, chúng Tỳ-kheo lại ham học; còn ngày nay giới luật được chế thêm nhiều thì chúng Tỳ-kheo lại ít học tập. Đức Phật giải thích vì chúng sinh đạo đức suy giảm nên học giới nhiều mà ít người chứng đắc Thánh trí. Ngài nói thêm: “Này Ca-diếp, thí như lúc kiếp sắp chuyển hoại, tuy vật báu thật chưa diệt mất nhưng vật báu ngụy tạo tương tợ lại xuất hiện ở thế gian. Khi vật báu ngụy tạo xuất hiện, vật báu thật sẽ mất. Cũng vậy, Ca-diếp, Chánh pháp Như Lai lúc sắp muốn diệt, lại có tượng pháp sinh ra. Khi tượng pháp đã xuất hiện ở thế gian rồi, Chánh pháp sẽ bị diệt”[1].
Qua đó có thể thấy, ngay thời Đức Phật còn tại thế, đã có hiện tượng các Tỳ-kheo phóng túng. Tuy nhiên, Chánh pháp Như Lai vẫn lưu xuất trong thế gian vì đã có những đệ tử của Phật biết nghiêm trì giới luật, thực hiện đúng lời dạy của Ngài. Nhờ luôn có những bậc chân tu đáng kính, biết rõ giá trị và thực hành đúng giáo pháp của đấng Từ phụ nên Chánh pháp Như Lai đã tồn tại trên thế gian, được truyền bá khắp châu Á rồi được lưu truyền khắp thế giới. Mặc dầu vậy, Đức Phật đã cảnh giác về sự xuất hiện của tượng pháp, là pháp tương tự, có vẻ giống với Chánh pháp nhưng thực ra đã bị xuyên tạc, và nguy hiểm ở chỗ mọi người cứ tưởng giáo pháp đã bị xuyên tạc ấy chính là Chánh pháp được Đức Phật đích thân giảng dạy.
Những câu chuyện về sự tích giới luật được ghi lại trong Luật tạng cũng có nội dung như vậy. Theo truyền thống, các Đức Phật chỉ thành lập giới điều khi cần thiết, khi có đầy đủ nguyên nhân và điều kiện. Nghĩa là khi có một hiện tượng hữu lậu xảy ra làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động của Tăng đoàn, Đức Phật liền chế định một giới điều tương ứng nhằm ngăn chặn các pháp hữu lậu khác diễn ra. Ngài dạy: “Này Tôn giả, Ta biết thời phải làm gì, nay chưa tới thời nên Ta chưa chế giới. Khi nào trong Tăng chúng có việc vì danh lợi, vì hữu lậu xảy ra thì Như Lai mới chế giới”[2].
Như vậy, các hiện tượng hữu lậu xảy ra trong Tăng đoàn thời Đức Phật là bằng chứng xác minh tâm tánh chúng sinh và sự cần thiết của giáo pháp để đối trị. Nói như vậy không phải để biện hộ cho những hành động xảy ra bây giờ là điều tất yếu. Thời nay đạo đức suy đồi, lòng người tham đắm nhiều nên chúng ta đang xa Phật, xa rời Chánh pháp. Tuy nhiên, cho dù thế sự có thế nào đi nữa thì Chánh pháp vẫn là miên viễn. Trong tám đặc tính của biển, có một đặc tính là: “Nếu biển không vơi đi thì cũng không đầy thêm dù đêm ngày muôn sông liên tục chảy về biển cả. Chánh pháp cũng vậy, Chánh pháp là Chánh pháp, không phải vì nhiều người đi theo mới là Chánh pháp, hay không phải ít người đi theo mà Chánh pháp không phải là Chánh pháp. Sự thịnh suy của nhân tình thế thái không bao giờ đánh giá được chân lý của đạo pháp này”.
Lời khẳng định trên cho chúng ta thấy, chân lý mà Đức Phật tuyên thuyết luôn khế lý, khế cơ và khế thời. Lời Phật dạy là bất hư vọng ngữ, bất cuống vọng ngữ, chân thật bất hư. Lời kinh luôn đúng với chân lý, hợp với căn cơ của chúng sinh mà thời đại nào cũng phù hợp. Những pháp như Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Vô thường, Vô ngã luôn có giá trị miên viễn. Hơn hai ngàn mấy trăm năm qua, cho đến bây giờ những giáo pháp ấy vẫn còn nguyên giá trị.
Trong thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng số lượng Phật tử Việt Nam và trên thế giới suy giảm. Những thống kê ấy chưa chính xác nhưng cũng gây ảnh hưởng đến trong nhận thức của người con Phật. Thực tế không phải xây dựng chùa to Phật lớn hay đông đúc Phật tử mới gọi là Phật pháp hưng thịnh. Mà ở nơi nào, người con Phật thực tu, thực học và có sự chứng ngộ tâm linh thì nơi đó Chánh pháp hưng thịnh. Sự thịnh suy của nhân tình thế thái không đánh giá được chân lý của đạo pháp này. Bởi Chánh pháp là Chánh pháp, đó là chân lý miên viễn không giới hạn bởi không gian và thời gian. Dù ở đâu, bất cứ khi nào thì chân lý ấy vẫn vậy. Chúng ta nghe lời khẳng định của Tôn giả A-nậu-lâu-đà rằng:
“Bạch Thế Tôn, dù cho mặt trăng có thể trở nên nóng, mặt trời có trở nên lạnh, nhưng Bốn Chân lý Thánh mà Như Lai đã dạy không thể nào thay đổi được. Khổ đế là thực trạng đau khổ của cuộc đời: sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, thù ghét mà phải gặp mặt là khổ, thương yêu mà phải chia lìa là khổ, chấp vào năm nhóm nhân thể là khổ. Diệt đế là trạng thái hết sạch mọi đau khổ và nguyên nhân đau khổ, là an lạc, Niết-bàn. Đạo đế là con đường dẫn đến an lạc, là tám chánh đạo, là trung đạo, không có con đường nào khác”. (Kinh Di giáo)
Là người con Phật, nên nhận thức rằng mọi vật thể, hiện tượng trên thế gian này đều chuyển biến, vô thường, có kết hợp thì phải có tan rã, chẳng có gì để quyến luyến, thương tâm. Cuộc đời là như thế, nên cần phải nỗ lực tinh tấn để tu tập thành tựu giải thoát. Dùng ánh sáng trí tuệ để tiêu diệt bóng tối si mê. Đời là một sự vận hành không kiên định. Do đó, người con Phật hãy vững tâm an định không lung lay trước sự thịnh suy của cuộc đời. “Nhậm vận thịnh suy vô bố úy/ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”. Nghĩa là: Mặc cho vận đời dù thịnh hay suy, đừng sợ hãi/ Vì sự thịnh suy [cũng mong manh] như giọt sương đầu ngọn cỏ (Thiền sư Vạn Hạnh – Thơ văn Lý-Trần).
Thành ra, muốn Chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, người con Phật phải hành trì theo Chánh pháp. Đức Phật dạy: “Có năm pháp, đưa đến sự an trú, bền vững, không biến mất của diệu pháp. Thế nào là năm? Ở đây, này Kassapa, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống kính trọng, tùy thuận bậc Đạo Sư (Đức Phật); sống kính trọng, tùy thuận Chánh pháp; sống kính trọng, tùy thuận chúng Tăng; sống kính trọng, tùy thuận học giới; sống kính trọng, tùy thuận Thiền định. Chính năm pháp này, này Kassapa, đưa đến sự an trú, bền vững, không biến mất của diệu pháp”[3].
Tóm lại, khi nào còn có người tôn trọng, kính trọng Đức Phật, kính trọng Chánh pháp và kính trọng chúng Tăng, tôn kính các học giới thì khi đó Chánh pháp vẫn còn tồn tại. Đây là thước đo chính xác nhất để nhận biết Chánh pháp tồn tại hay không tồn tại trên thế gian này. Từ nay trở đi, đệ tử của Như Lai hãy noi theo truyền thống Chánh pháp mà thực hành. Đó là cách làm cho pháp thân Như Lai thường còn, Chánh pháp thường còn và mãi mãi bất diệt ở thế gian.
Discussion about this post