Tôi hỏi một đứa nhỏ tuổi nhất:
– Chết rồi? Sao nó chết vậy?
Tôi lại hỏi một đứa lớn tuổi nhất trong đám:
– Bao giờ đám tang đem đi chôn?
– Con không biết! Nhưng con nghe người ta bảo phải quàn xác con kiến vài ngày để chờ ai đó ở xa về nhìn mặt lần cuối…
– Sao con biết rõ vậy?
– Tụi bạn con đứa nào cũng nghe nói vậy hết!
Đó là cái chết của con kiến lửa già nhất trong cái tổ ở giữa sân nhà tôi đã có từ nhiều năm nay. Tôi thấy chúng không hề đụng chạm gì tới mình nên vẫn để yên. Có vài lần tôi đã bỏ ra hàng giờ chỉ để bắc ghế ngồi nhìn các hoạt động hàng ngày của chúng. Xã hội loài kiến có những quy củ với tôn ti trật tự đàng hoàng từ ngàn đời nay rồi.
Ai thường theo dõi cuộc sống của kiến giống như tôi, họ mới hay dùng “hình tượng” của con kiến để “ví von” nhau trong cuộc sống của mình, kiểu như “đông như kiến” để ám chỉ số lượng người trong một lễ hội hay Tết nhất nào đó; “kiến tha lâu cũng đầy tổ” để ám chỉ sự bền bỉ trong lao động làm ra của cải, và sự “chắt bóp” tằn tiện của loài kiến.
Thậm chí, trong kho tàng ca dao nước ta, con kiến thường được người ta nhân cách hóa (personnification) hoặc để “dạy đời” nhau, hoặc chỉ để đùa nhau, “ví von” việc này việc nọ trong chuyện tình cảm:
Con ong, cái kiến còn có vua có tôi
Huống hồ chi em với anh
Sống mà không có nghĩa có tình…!
Ngay trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du cũng có hình ảnh sinh động của con kiến khi anh chàng Mã Giám Sinh “khẳng khái” nói khéo để nàng Thúy Kiều yên lòng:
Lo gì việc ấy mà lo
Kiến trong miệng chén có bò đi đâu!
Hoặc để ví von về “giai cấp” người bóc lột người trong xã hội, ai cũng nhớ hình tượng con kiến rất nhỏ bé mà dám cả gan đi “kiện củ khoai” để đòi quyền lợi thiết yếu cho mình – những thân phận mà bọn nhà giàu và bọn có chức có quyền gọi họ là đám “dân đen” nhỏ bé như “con ong, cái kiến”…
Hồi còn nhỏ, tôi bị đám kiến lửa này cắn sưng vù tay chân hết mấy ngày nhưng bây giờ chẳng những tôi không “trả thù” mà lại còn “cho mượn” đất để chúng có điều kiện “sinh sôi nảy nở” nữa. Nghĩ lại, tôi thấy mình “nhân đức” thật!? Và, bây giờ tôi còn hay theo dõi ổ kiến lửa này để biết về thời tiết mưa hay nắng mà lo cho mình. Bọn chúng nhỏ xíu vậy nhưng có “tai” nghe rất tuyệt vời mỗi khi trời đất sắp chuyển động. Cứ trời sắp có mưa là bọn chúng nhốn nháo cả lên với nào gạo nào trứng mang vác lên tận mái nhà để tích trữ vì biết thế nào cũng sẽ có lụt lội! Tôi nhìn theo là biết mình nên chuẩn bị gạo mắm, vật dụng tránh bão…
Vì cái sân nhà tôi không có hàng rào nên tụi nhỏ trong xóm qua chơi thoải mái cả ngày với đủ các trò chơi như đá dế, bắn bi, chơi ô ăn quan, rượt bắt cứu tù, nhảy dây và đôi khi còn chửi rủa hay đánh lộn nhau ỏm tỏi cả ngày. Tôi bực mình lắm nhưng không nỡ xua đuổi chúng đi chỗ khác chơi vì nghĩ lại mình hồi nhỏ cũng ham chơi, cũng “hoang” như chúng… Và, cũng chính đám trẻ con ấy đã giúp tôi khi thì chạy đi mua giùm gói thuốc, khi thì vừa chơi trước sân vừa coi nhà cho tôi qua thăm cô bạn gái sống với nghề dạy học tư ở gần nhà. Trước đây, chính đám trẻ con ấy từng là học trò mẫu giáo của cô (có lần tôi ghé tai hỏi nhỏ cô giáo có “chịu nhận em” làm học trò của cô giáo không nhưng cô đã “la” làm tôi hết dám nữa!)…
Quá giờ cơm trưa thì bọn trẻ con trong xóm tụ tập coi đám ma con kiến. Chúng rủ cả tôi ra coi cho được nữa. Tôi có vẻ hơi bùi ngùi nghĩ tới câu xưa nay mọi người đều nói “nghĩa tử là nghĩa tận!” khi đang chứng kiến cảnh đám ma đang bắt đầu với tiếng kèn tiếng trống vang lên inh ỏi cả một khu phố xưa nay vốn rất yên lành.
Con kiến chúa đi trước, dáng bệ vệ của một “ông trùm” với cái quạt lá buông mới tinh cầm trên tay phe phẩy ra vẻ “trưởng lão”. Hàng kiến thợ đi sau rất ngay ngắn với nào là trống, kèn, mã la inh ỏi. Tôi và bọn trẻ tìm hoài nhưng không thấy khung hình của kẻ quá vãng nên đành dõi mắt coi tiếp. Biết đâu chừng bọn kiến lửa đã không kịp kêu thợ tới chụp hình – tôi nghĩ vậy vì có thời gian mình từng kiếm ăn bằng nghề này. Đặc biệt, một con kiến than đen thui đi giữa đàn đang ê a tụng niệm cầu siêu cho linh hồn con kiến lửa đồng loại to kềnh được đồng bọn khiêng cẩn thận và trịnh trọng trên vai. Chúng đi hàng một rất thứ tự và yên lặng, không như con người khi đi đưa đám ma thì mạnh ai nấy đi, không theo một trật tự nào; đã vậy mà họ còn nói chuyện hay ho khan hoặc cười đùa lộ liễu với nhau được!…
Bọn trẻ con dùng điện thoại quay cảnh đám ma con kiến lửa từ nãy giờ với sự thích thú của trẻ thơ. Đứa lớn tuổi nhất khều tay tôi rồi nói với giọng “chảnh”:
– Tụi con đang “lai-xờ-trim” nữa đó nha chú!
– Chi vậy?
– Để bà con của con kiến bị chết đang ở xa được coi đám ma chớ chi!…
Discussion about this post