ĐẠI CƯƠNG VỀ GIỚI LUẬT TU SĨ
Hòa thượng Thích Thiện Siêu
Khi đức Phật nhập diệt
rồi, cuộc kiết tập mới bắt đầu. Cuộc kiết tập tụng lại Kinh tạng và Luật tạng.
Trong Luật tạng, bộ Luật đầu tiên theo trong sử nhắc đến là bộ Bát thập tụng
luật do Tôn giả Ưu-ba-li tám mươi lần ngồi tụng thì mới xong bộ Luật của Phật
dạy.
Nội dung của Kiết tập có nghĩa như thế nào?
Kiết tập: Phạn tự là Samgati, Tàu dịch là “Chúng đẳng tụng”, nghĩa
là cả chúng cùng nhau tụng lại lời đức Phật dạy. Tụng bằng cách nào? Tôn giả
Ưu-ba-li hay Tôn giả A-nan-đà ngồi giữa chúng đọc rõ từng câu như: ngày hôm đó,
tại chỗ đó, tôi có nghe đức Phật dạy như thế này thế này… nếu đại chúng có vị
nào nghe Ngài dạy khác xin phát biểu, nếu không ai phát biểu mà im lặng thì cho
qua. Tiếp tục tụng đoạn khác cũng y như trên cho đến hết, nên gọi là chúng đẳng
tụng. Cuộc kiết tập đầu tiên chưa có văn tự gì hết. Kiết tập bằng miệng đọc lên
rồi ai nấy đều ghi nhớ trong ký ức mà thôi. Ký ức của các vị toàn là các bậc
A-la-hán thì ghê gớm lắm. Nhớ như vậy cốt để mà tu tập chứ không có mục đích gì
khác.
Tôn giả Ưu-ba-li tụng Luật
Như vậy, về Luật bộ đầu tiên là Bát thập tụng do Tôn giả Ưu-ba-li tụng, rồi
sau đó nó biến ra năm bộ nữa:
- Đàm-vô-đức bộ (Pháp tạng bộ) truyền
luật Tứ phần, gồm 60 cuốn. - Tát-bà-đa-bộ (Hữu bộ) truyền
luật Thập tụng, có 60 cuốn. - Di-sa-tắc bộ truyền luật Ngũ
phần, có 30 cuốn, thuộc Hóa địa bộ. - Ca-diếp-di bộ truyền Giải
thoát giới, gồm 50 cuốn, thuộc Căn bản nhất thiết hữu bộ. - Ma-ha Tăng-kỳ bộ truyền luật
Tăng kỳ, có 40 cuốn, thuộc Đại chúng bộ và Độc tử bộ.
Trong thời Phật, Ngài không phân ra năm bộ luật như trên,
nhưng trong quá trình hành hóa, tùy chỗ phạm lỗi mà chế ra giới để cho hàng đệ
tử biết và lần sau đừng có phạm nữa. Đó là khởi nguyên của Luật. Sau khi đức
Phật diệt độ, cuộc kiết tập lần thứ nhất chỉ tụng thuần nhất là tám mươi lần
ngồi tụng mà thôi. Từ đó về sau, qua sự truyền trì của Tôn giả Đại Ca-diếp, A-nan,
Mạt-điền-địa, Thương-na-hòa-tu, Ưu-ba-cúc-đa (Maha Kàsyapa, Ananda,
Madhyàntika, Sàna Vàsa, Upagupta) đều thuần nhất vị, chưa phân dị kiến về giới
luật. Đến Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa là vị thứ năm, nhằm khoảng thời gian sau Phật
diệt độ 110 năm, lúc đó A-dục vương ra đời. A-dục vương là vị vua lúc đầu cai
trị rất tàn ác nên dân chúng gán cho cái tên là Hắc A-dục vương (A-dục vương
đại ác). Nhưng về sau cải ác tùng thiện, qui y Tam Bảo và trở thành một Phật tử
thuần thành, hộ trì Phật pháp một cách đắc lực nhất, gọi là Pháp A-dục vương.
Nguyên nhân phân hóa Luật
Giáo pháp đức Phật do vậy cũng bị điêu linh, các vị tỷ kheo mỗi đoàn du hóa
một phương, không kết tụ với nhau được, do đó mà từ nơi một bộ Bát thập tụng
luật lại chia ra năm nơi, năm nhóm. Năm nhóm này ghi nhớ và đọc tụng theo năm
cách riêng và việc hành trì cũng khác, nên tạo ra năm bộ luật khác nhau. Năm bộ
luật đó là do năm đệ tử của Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa nắm giữ và truyền tụng. Năm bộ
luật đó là:
- Đàm-vô-đức bộ truyền trì luật
Tứ Phần. - Tát-bà-đa bộ truyền trì luật
Thập Tụng. - Di-sa-tắc bộ truyền trì luật
Ngũ Phần. - Ca-diếp-di bộ truyền trì luật
Giải Thoát. - Bà-ta-phú-la bộ truyền trì luật
Ma-ha Tăng Kỳ.
Năm nhóm trên đều truyền trì Luật tạng riêng mà phát sinh
thành ra năm bộ như trên.
Năm bộ luật vừa nêu về phần chính thì giống nhau, chỉ có sai khác về
Ba-dật-đề và Chúng học pháp.
Năm bộ luận giải thích Luật
Ngoài những bộ luật chính ở trên, sau này có những bộ gọi là luận về luật.
Năm bộ luận đó là gì?
- Tỳ-ni-mẫu luận, 8 quyển (thất
truyền). - Ma-đắc-lặc-già luận, gọi đủ
là Tát-bà-đa-bộ Tỳ-ni Ma-đắc-lặc-già, 10 quyển do Lưu tống Tăng-già-bạt-ma
dịch.
Hai bộ luận trên dựa vào Tát-bà-đa bộ tức Căn bổn nhất thiết hữu bộ mà giải
thích những điều trong bộ luật đó mà tạo ra luận này.
- Thiện kiến luận, hay còn là
Thiện kiến luật Tỳ-bà-sa, 18 quyển do Tiêu-tề Tăng-già-bạt-ma dịch. Cốt
giải thích Tứ phần luật. - Tát-bà-đa luận hay gọi là
Tát-bà-đa Tỳ-ni-tỳ-bà-sa, chín quyển, mất tên người dịch, cốt giải thích
luật Thập tụng. - Minh liễu luận, hay còn gọi
là Luật nhị thập nhị minh liễu luận, một quyển do Trần-chân-đế dịch, cốt
giải thích giới luật thuộc Chính lượng bộ.
Hai bộ này đều thuộc Chính lượng bộ, tức một trong hai mươi
bộ phái tiểu thừa Phật giáo.
Nội dung của Luật tạng
Khi nói Luật tạng là nói chung cả năm bộ luật và năm bộ luận đó gọi là luật
tạng.
Sự hành trì về Luật tại Ấn Độ chắc cũng có sự sai khác chút đỉnh. Khi thì
các Tổ dùng bộ này, khi thì dùng bộ khác, nên đôi lúc tưởng chừng trong nội
dung của nó có sai khác. Nhưng tùy theo địa phương và hoàn cảnh, các Tổ có thể
du di phần học pháp, vì vậy, khi truyền qua Trung Hoa, Tổ Đạo tuyên mới lấy một
bộ làm căn bản cho việc truyền Luật, nên Tổ đã dùng bộ Tứ phần luật, phát triển
thành Luật tông mà Tổ là vị khai sáng. Từ đó Tứ phần luật được diễn giảng, giải
thích và truyền bá rất mạnh.
Việt
Nội dung Tứ phần luật
Tứ phần luật, 60 cuốn do Diêu Tần Phật-đà-da-xá và Trúc-phật-niệm cùng dịch,
chia bốn phần.
- Phần một, gồm hai mươi mốt
cuốn: nội dung chuyên nói 250 giới của Tỷ-kheo. - Phần hai, gồm mười sáu cuốn:
chín cuốn đầu nói 348 giới điều của Tỷ-kheo-ni. Bảy cuốn sau quy định việc
thọ giới, thuyết giới, an cư, tự tứ… - Phần ba, có mười hai cuốn:
gồm các chương quy định việc Tự tứ tiếp theo, Bì-cách, y, Dược, Casina y,
việc xảy ra ở Câu-diệm-di, ở Chiêm-ba, Kiết-ma-ha-trách, về người, về tội
phú tàng, giá, phá tăng, diệt tránh, về pháp Tỳ-ni và về Pháp. - Phần bốn, gồm mười một cuốn: là
các chương nói về phòng xá, tạp, ngũ bách kiết tập, thất bách kiết tập,
điều bộ Tỳ-ni, Tỳ-ni tăng nhất.
Tóm lại, Tứ phần luật gồm có hai phần chính:
(a) Phần thứ nhất nói về giới bổn của Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni.
Giới bản của Tỷ-kheo có 250 giới, Tỷ-kheo-ni có 348 giới. Theo Nam truyền
Luật tạng Tỷ-kheo có 227 điều, Tỷ-kheo-ni có 311 điều. Các giới điều tuy có
khác, nhưng chỉ khác phần chi tiết, còn phần nội dung chính vẫn giống nhau.
(b) Phần thứ hai nói về hai mươi kiền độ (hai mươi chương).
- Chương Thọ giới: Thuyết minh
về việc thọ giới. - Chương Thuyết giới: Thuyết
minh về nghi thức thuyết giới. - Chương An cư: Thuyết minh về
ý nghĩa và sự việc an cư. - Chương Tự tứ: Nói về ý nghĩa
tác pháp tự tứ. - Chương Bì-cách: Khai cho các
Tỷ-kheo gặp hoàn cảnh đặc biệt được dùng các loại da thuộc. - Chương nói về Y: Thuyết minh
cách may y và sử dụng nó. - Chương nói về dược liệu:
Thuyết minh về cách dùng thuốc để chữa bịnh. - Chương nói về Y Casina (Kathina):
Nói về cách thọ y và xả y Casina (công đức y). - Chương nói về việc xảy ra ở
Câu-diệm-di (Kosambi): Nói về việc các Tỷ-kheo tranh cãi nhau, và ba loại cử
tội: (1) Bất kiến cử là cử cái tội có lỗi mà nói không thấy, không nhận
tội. (2) Bất sám cử là cử cái tội đã nhận tội mà không chịu sám hối. (3)
Ác kiến bất xả cử là cử cái tội có ác kiến mà không chịu bỏ. - Chương nói về việc xảy ra ở
Chiêm-ba, nói về các loại Kiết-ma như pháp và phi pháp. - Chương nói về Ha-trách: Nói
về chế định bảy thứ Ha-trách, tức 35 việc mà một Tỳ-kheo đã phạm tội thì
không được làm. - Chương nói về Người: Thuyết
minh phạm tội Tăng tàn, lục dạ biệt trú phép bản nhật trị và cách sám trừ
nghiệp quả, sám diệt phi pháp. - Chương Phú tàng: Nói các thứ
tướng của tội phú tàng và cách diệt trừ tội. - Chương nói về Giá: Nói về
cách ngăn ngừa và cử tội người khác, khi cử phải đủ năm pháp là: Tri thời,
chân thật, lợi ích, nhu nhuyến, từ tâm. - Chương phá Tăng: Nói việc
tội phá Tăng. - Chương diệt tránh: Nói về
Thất diệt tránh (bảy phép diệt sự tranh cãi). - Chương nói về Ni: Nói việc
Ni chúng thọ giới, thuyết giới. - Chương nói về Pháp: Nói các
oai nghi, pháp thức đi lại… của Tỷ-kheo. - Chương nói về Phòng: Nói
việc sửa sang tu bổ phòng xá. - Chương tạp: Thuyết minh xen
lẫn hết thảy các chương, và cách trì giới.
Đạo Tuyên Luật sư trong “San bổ tùy cơ yết-ma” tóm
tắt hai mươi chương trình mười điều.
- Chương tập pháp: Nói tổng
quát về sự duyên thành không thành của các pháp Kiết-ma. - Chương kết và giải giới
- Chương nói pháp thọ các giới.
- Chương nói áo, thuốc, thọ
trì, thuyết tịnh. - Chương nói các pháp thuyết
giới. - Chương nói về chúng an cư.
- Chương nói pháp tự tứ.
- Chương nói về chia áo (của
Tăng đã chết) - Chương nói sám hối các tội.
- Chương nói việc cốt yếu của
vị trú trì Phật pháp.
Chỉ trì, Tác trì
Giới luật thì nhiều, nhưng không ngoài hai môn: Chỉ trì và Tác trì.
- Chỉ trì là đình chỉ, đình chỉ
không làm các điều ác. Tức qui định về điều giới, đó là giới, thuộc chỉ
trì. - Tác trì là tu thiện, tức làm
các điều thiện. Tức qui định về các pháp Kiết-ma, đó là luật, thuộc Tác
trì.
Ví dụ thực hành giới bổn là Chỉ trì, giữ gìn hai mươi kiền
độ là Tác trì.
Phân tích Giới bổn
Vì sao gọi là Giới bổn? Đây là những giới bổn gốc, chính yếu của Luật tạng.
Giới bổn của Tăng có 250, của Ni có 350 giới. Ngoài giới bổn chính còn có phần
Kiền-độ dịch âm chữ Khandha, có nghĩa là nhóm, thiên, chương.
Phân tích giới bổn gồm có tám mục, 250 giới, chia năm thiên và bảy tụ.
Năm thiên:
- Ba-la-di có 4 giới.
- Tăng tàn có 13 giới.
- Ba-dật-đề gồm 30 xả đọa, 90
đơn đọa. - Đề-xá-ni có 4 giới.
- Đột-kiết-la gồm 100 chúng
học, 7 diệt tránh.
Bảy tụ:
- Ba-la-di.
- Tăng-tàn.
- Thâu-lan-giá.
- Ba-dật-đề.
- Đề-xá-ni.
- Ác-tác.
- Ác-thuyết.
( 6. và 7. hợp chung gọi là “Đột-kiết-la”)
Năm thiên là nương ở chỗ tội nặng nhẹ của tội quả. Bảy tụ là những loại tụ
căn cứ ở tội tính và nguyên nhân của nó. Thâu-lan-giá là phương tiện tội (tức
nhân tội) của Ba-la-di và Tăng-tàn. Ác-tác là tội nhẹ thuộc về thân. Ác-thuyết
là tội nhẹ thuộc về khẩu.
Giải thích bốn Ba-la-di
Bốn Ba-la-di: Ba-la-di, Phạn tự là Pàràjjka, Tàu dịch là Khí – bỏ vứt ra
ngoài Tăng chúng. Tội Ba-la-di có bốn, là bốn tội phạm vào thì bị bỏ đi, vứt đi.
Mắc bốn tội này coi như bỏ ra ngoài Tăng chúng, vì vậy gọi là Khí (vứt bỏ).
Phạm tội này gọi là bất cọng trụ, tức không được phép tham dự tất cả công việc
của Tăng. Luận Du-dà-sư-địa cho rằng khi phạm bốn tội này gọi là Tha thắng –
tức khi phạm tội nầy thì bị Ma thắng. Vì sao? vì người tu sĩ ví như một chiến
sĩ chiến đấu với bốn thứ ma: Ma phiền não, ma ngũ ấm, tử ma, thiên ma. Họ đánh bằng
khí giới gì? Họ chiến đấu bằng cách hành trì giới luật. Khi người tu sĩ không
trì giới, không giữ giới thì thua bốn thứ ma đó, như vậy là Ma thắng. Do đó
phạm bốn Ba-la-di cũng gọi là phạm Tha thắng. Tha là kẻ khác, thắng là hơn.
Phạm tội để kẻ khác hơn gọi là Tha thắng. Nếu phạm tội này thì Ma hơn. Còn phạm
tội dưới tội đây thì còn dằn co, chưa phần thắng bại.
Giải thích mười ba Tăng tàn
Mười ba Tăng tàn: Phạn tự là Samghà-vasena. Phiên âm là Tăng-già-bà-thi-sa.
Tàu dịch là “Tăng tàn”. Tăng tàn có hai nghĩa:
- Nghĩa thứ nhất: Giới luật là
tính mạng của Tăng. Khi phạm Ba-la-di coi như chết hẳn. Còn nếu phạm Tăng
tàn thì như một người chết mà chưa chết hẳn, mới hấp hối thôi, nếu cấp cứu
kịp thời, gặp thầy hay thuốc tốt thì có thể cứu được. - Nghĩa thứ hai: Phạm giới này
nếu đủ hai mươi Tỷ-kheo hợp lại Kiết-ma đúng pháp, cho họ sám hối thì có
thể tiêu diệt được tội này, nên gọi là Tăng tàn. Trong Căn bản nhất hữu bộ
gọi là Chúng giáo. Chúng là chúng Tăng, giáo là giáo dục. Chúng giáo có
nghĩa phải có hai mươi vị Tăng giáo dục cho, cho sám hối thì mới hết tội.
Giải thích hai Bất định
Hai bất định: Vì sao gọi là Bất định? Vì không dứt khoát tội đó là Ba-la-di
hay Tăng tàn hay Ba-dật-đề. Nó có thể thành tội Ba-la-di hay tội Tăng tàn hoặc
Ba-dật-đề theo lời trú tín Ưu-bà-di, là vị nữ cư sĩ có lòng tin thanh tịnh kiên
cố, không nhất định nên gọi là Bất định. Hai tội này chỉ liên hệ giới bất dâm, chứ
không liên hệ các giới khác.
Giải thích ba mươi Xả đọa
Ba mươi tội Xả đọa: Phạn tự là Nissagiya-pàcittiya. Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề là
phiên âm. Tàu dịch là “Xả đọa”.
Tội xả và tội đọa. Loại tội này là chỉ các Tỷ-kheo, đồ dùng đó khi phạm vào
mà trái phép thì phải đọa. Muốn sám hối tội đó thì phải ở giữa chúng hoặc đối
một người mà xả đồ vật lấy dùng trái phép trước rồi sám tội sau.
Nói cách khác, khi đề cập đến tội xả đọa là các vật sở hữu của Tỷ-kheo, như
y, bát, tọa cụ… lại không làm thủ tục tác pháp thì phải làm phép xả vật, xả
tội, chừa bỏ tâm lý chứa chấp, tàng trữ tài vật để khỏi đọa lạc, nó gồm ba mươi
giới. Ai phạm nên đưa các phẩm vật ấy ra giữa Tăng, từ bốn vị trở lên để xả và
đối trước một vị Tỷ-kheo để nói tội và xin sám hối.
Giải thích chín mươi Ba-dật-đề
Ba-dật-đề (Pàcittiya). Tàu dịch là “Đơn đọa”. Nó liên quan đến các
tội tiểu vọng ngữ, cố ý sát hại côn trùng, cùng với nữ nhơn đi chung đường v.v…
gồm có chín mươi đơn đọa là tội không dính dáng gì đến vật dụng hết. Phạm thì
bị đọa thôi, không cần xả, nên gọi là đơn đọa.
Giải thích bốn Hối quá pháp
Bốn hối quá pháp. Ba-la-đề Đề-xá-ni (Pàtidesanniya), Tàu dịch là “Hướng
bỉ hối”. Phạm tội này chỉ hướng tới một Tỷ-kheo khác, nói rõ lỗi lầm đã
phạm và xin sám hối. Tóm lại là tội nhỏ, có thể hối cải, người phạm có thể nói
tội với một Tỷ-kheo khác mà xin sám hối.
Giải thích một trăm Học pháp
Một trăm Học pháp phiên âm Phạn tự là Thức-xoa-ca-la-ni (Sikkhà Karaniya).
Tàu dịch là “Chúng học”. Chúng học pháp là những pháp cần nên học.
Như các sinh hoạt hằng ngày, các oai nghi nhỏ nhặt…. Pháp này chủ yếu là tự
trách lấy mình. Đây là tội nhỏ nhặt, tội khó giữ nhưng hết sức dễ phạm. Khi
biết phạm thì tự trách lấy mình để ăn năn, tự hứa lần sau không tái phạm là đủ.
Giải thích bảy Diệt tránh
Bảy Diệt tránh pháp, tiếng Phạn là Adhika-ramásama-thaàdharmàh. Tàu dịch là
“Diệt tránh pháp”. Tức bảy phương pháp trị tội hay bảy cách thức để
chấm dứt sự tranh cãi giữa chúng Tăng. Phạm 100 học pháp và 7 Diệt tránh kết
vào tội Đột-kiết-la, chỉ tâm niệm sám hối, học tập, là đủ.
Riêng về Tỷ-kheo-ni, Phật ưu đãi hơn:
- Ba-la-di không phải bốn mà
là tám. - Tăng tàn không phải mười ba
mà là mười bảy. - Xả đọa bằng nhau.
- Đơn đọa không phải chín mươi
mà là 178. - Hối quá không phải bốn mà là
tám. - Một trăm học pháp giống
nhau.
Cộng tất cả là 348 giới. Chưa hết, Ngài còn trao thọ mạng
Phật pháp cho Ni nữa. Đặc biệt là Ni có Tám kỉnh pháp, nhưng Tăng thì có nhị
bất định, còn Ni thì không. Như vậy Ni hơn tám, Tăng hơn hai. Ni thì có ngũ thiên
lục tụ.
(Trích “Cương Yếu Giới
Luật”, Sài Gòn, 1996
Discussion about this post